Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Phái và Chèo

Phái và Chèo

- PGS TS Nguyễn Thị Minh Thái — published 07/07/2025 11:25, cập nhật lần cuối 07/07/2025 15:50

PHÁI VÀ CHÈO


PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái


Trong các dây dướng mang tính hội họa với đời sống, ông già danh họa Bùi Xuân Phái vương nhiều dây mơ rễ má nhất với "phố cổ". Nhưng thực ra, ông còn những mối tơ vương khác rắc rối, tế nhị hơn với sân khấu chèo cổ - mà nhiều người đã không lưu ý lắm khi đặt chân lên cái mê lộ hội họa huyền hoặc của ông. Điều này cũng dễ hiểu. Bởi vì chỉ mới ngó nhìn tranh của ông vẽ phố, chưa chi người ta đã choáng như thể bị ai đó lấy mất hồn...

Tình cờ, tôi biết một Phái khác - của Chèo, vào những năm 70, khi đang là ký giả của tạp chí chuyên ngành duy nhất của sân khấu thời bấy giờ: Tạp chí Sân khấu. Năm 1976, Tạp chí Sân khấu vừa mới ra đời, chỉ vỏn vẹn mươi người, thì cả mấy nhân vật chính: Tổng biên tập Lưu Trọng Lư, thư ký tòa soạn Xuân Trình, phóng viên Lưu Quang Vũ và tôi... đều thích com măng ông Phái vẽ bìa sân khấu chèo cho Tạp chí. Ông già danh họa, lúc đó sau lưng đã có một số tranh chèo, nhận lời ngay. Hồi bấy giờ ông quá nghèo, ốm yếu, gầy gò, dáng khổ hạnh, nét mặt phiền muộn của ông phảng phất hình dong Chúa Giê su bị đóng đinh câu rút trên cây Thánh giá. Tranh bìa của ông vẽ chèo cực đẹp.

PC3

Nhân vật là những cô đào chín, đào lệch, những anh kép mặt vuông chữ điền truyền thống, và các anh hề: hề mồi, hề gậy, hề say, hề tỉnh... Hồi đó tôi cũng chẳng mô tê gì lắm về hội họa. Chỉ nhớ mỗi lần tạp chí dùng tranh của ông lên bìa, là mỗi lần người đọc xúm đông xúm đỏ toà soạn, chuyền tay nhau những tờ báo còn thơm mùi mực. Nhà thơ Lưu Trọng Lư lúc lắc mái đầu bạc chép miệng khen nắc nỏm: Đẹp tuyệt. Rất chèo... Lưu Quang Vũ trầm ngâm ngắm nhìn nhỏ nhẹ: Quá đẹp. Xuân Trình cười giòn nói tướng lên giữa tòa soạn: Đương nhiên là phải đẹp, phải sang trọng, phải đậm màu folklore. Quý vị cứ nhòm kỹ mà coi.

Những lúc ấy, ông Phái chẳng bao giờ xuất hiện.

Người ta cũng chẳng biết tìm ông ở đâu. Thái Bá Vân - bạn vong niên của ông đoán rằng: Giờ này có lẽ cụ đang ngồi nhâm nhi cà phê ở Lâm (tên quán cà phê nhỏ trên phố cổ Hà Nội nằm dọc theo chiều lượn của sông Hồng, nơi ông Phái thường lui tới uống trong hàng chục năm nay). Là kẻ hậu sinh - xa cách ông hàng mấy thế hệ - tôi ít được đối thoại với ông, dù bản thân ông vốn là người đôn hậu và bình dị, thậm chí quá lặng lẽ và khiêm nhường.

Một lần, căn phòng nhỏ của tôi ở 81, đường Nguyễn Du - con phố xinh xắn yên tĩnh ở Hà Nội, mà không hiểu sao nó được ban ba đặc ân lớn: hoa sữa thơm nồng ấm mùa thu, gương mặt êm đềm hồ Thiền Quang, và tên tuổi Nguyễn Du, đại thi hào dân tộc, đã hân hạnh được ông đến thăm. Tôi không nhớ rõ năm 81, hay 82 trong nhà tôi lúc đó vật "làm dáng" duy nhất trên tường là một bức tranh chèo ông đem cho một người bạn mà tôi là kẻ được tặng lại. Bức tranh đó "tông" màu ghi, vẽ một chàng thư sinh (dáng chừng là Thiện Sĩ, vở chèo Quan Âm Thị Kính), trong y phục áo dài the hai lớp, khăn xếp đen, ngồi nghiêng, tay cầm quạt giấy, đang quạt, kế bên chàng là hai ba cô đào chèo đương soi gương, vấn khăn, tóc bỏ đuôi gà, tô son điểm phấn và sửa soạn xống áo.. Tất cả các nhân vật này đều đang bận rộn để sắp ra trò. Ông Phái nâng ly, uống nhỏ nhẹ thứ rượu đặc sản làng Đình Bảng, quê ngoại tôi - mẹ tôi là gái làng -, được người sành điệu coi là ngon số một Bắc kỳ. Và nông dân làng này - cũng là những tay chơi điệu nghệ nhất trong lúc nông nhàn - tự cất lấy từ một giống lúa nếp thượng đẳng : nếp cái hoa vàng, thường không dùng để bán, chỉ dùng để uống. Ông chẳng hé miệng một câu, chỉ lẳng lặng và đăm đăm nhìn bức tranh lưu lạc của mình (vẽ năm 67, 69?) - Như thể ông không còn cách nào khác hơn để gặp lại nó.

Họa sĩ Mai Văn Hiến, người bạn vong niên lịch thiệp và hóm hỉnh của tôi, và là bạn cùng vai ông Phái, người đưa ông Phái đến làm khách hôm nay, vui vẻ lên tiếng: Ở đây có hai người đàn bà. Lúc nào tiện, ông vẽ cho mỗi người một bức chân dung. Người họa sĩ già như chợt tỉnh, chiếu cái nhìn ấm áp vào hai chị em tôi, gật gật đầu và cười hiền: Vâng, tôi xin được vẽ hai cô vào một lúc nào đó.

Em gái tôi, một cô công nhân dệt mộc mạc khẽ la lên: Ôi bác. Cháu xấu lắm. Chẳng dám để bác vẽ đâu.

Ông Phái lại cười. Lần này cái cười vui hơn, ấm hẳn khuôn mặt khắc khổ: Cô đừng nói vậy. Với tôi, mỗi người đàn bà là một dung nhan...

Tranh chèo của Bùi Xuân Phái phần nhiều vẽ các đào chèo. Cả đào chín và đào lệch đều được ông yêu như nhau, trong khi các cụ nghệ nhân chèo cổ từ ngày xưa đã chia hai loại đào theo hệ quy chiếu nghiệt ngã của đạo đức phong kiến: Đào chín là nhân vật nết na, đức hạnh, tứ đức tam tòng, nữ công gia chánh (Thị Kính), còn đào lệch là ngược lại, chanh chua, đanh đá, lẳng lơ, đĩ thõa (Thị Mầu). Có những nhân vật chao đảo nửa nọ nửa kia: xanh vỏ đỏ lòng, nông nổi như cơi đựng trầu, bị mắc lừa kẻ Sở Khanh, mà trả giá đắt như Xúy Vân thì các cụ rất phân vân, liền lờ đi, cho qua, chả gọi tên đào chín hay lệch. Cũng có lúc ghét thói đanh đá, ghen ngược cướp chồng người của một nàng vợ bé đáo để, nhưng lại sợ oai vợ cả, trốn trốn, nấp nấp sau lưng chồng, các cụ ban cho một cái tên rõ kêu: đào Nấp...

Mặc lòng, tất cả các cô đào chèo ấy, một khi đã bước vào tranh của Phái, đều được ông nhìn theo cách riêng, thật ấm áp, dịu dàng đôn hậu, không mảy may vướng bận sự cổ hủ của lễ giáo phong kiến. Thái Bá Vân - nhà bình luận hội họa thâm thúy và sắc sảo gọi cái nhìn ấy của ông Phái là "con mắt của trái tim". Tôi thích nghịch một chút, đảo ngược lại mệnh đề: "trái tim của con mắt", có lẽ vì trong đời, tôi đã từng thấy con mắt vô hồn, vô cảm, lạnh lẽo dửng dưng, chẳng buồn rung động, đau đớn trước tất cả những gì trông thấy, đầy run rẩy và đắng chát của cuộc đời...

Có hai đặc trưng rất Phái trong những tranh vẽ chèo của ông: Thứ nhất quả là mỗi cô đào chèo là một dung nhan đẹp - một vẻ đẹp rất chèo mà ông chính là người đầu tiên và duy nhất khám phá

PC1 PC2

Thứ hai, hầu hết các đào, kép chèo đều được ông mô tả trong trạng thái tĩnh và trong phòng trò - hậu trường sân khấu, nơi các diễn viên chèo sửa soạn ra trò, chứ chưa phải là trên sân khấu, nơi họ sẽ tung hoành và tung hứng diễn trò. (Điều này trái với minh họa của ông trong tập Hề Chèo của Hà Văn Cầu - Nhà xuất bản Văn hóa - Hà Nội - 1973). Các nhân vật hề đều được vẽ ở tư thế động - đang ra vai trên sân khấu, thậm chí, nhân vật mẹ Đốp còn tốc ngược váy và thắt lưng lên, bốc lời từ miệng xã trưởng, ném vào vạt váy... cho tiện nhớ.

Tuy nhiên, ta lưu ý rằng: ông Phái vẽ hề chèo là do com măng minh họa riêng về hề, còn các tranh chèo khác, kể cả được com măng (như bìa Tạp chí Sân khấu), ông cũng chỉ vẽ chèo theo con mắt tự do và cử chỉ hội họa của riêng ông.

Ông đã khuất núi, tôi chẳng thể phỏng vấn ông tại sao không vẽ đào kép tung hoành trên sân khấu, mà lại hướng cây cọ về hậu trường. Tôi chỉ biết, lần đầu trong đời, ông mở mắt cho tôi cái vẻ đẹp hồn hậu, trong vắt quê mùa mà trang trọng, đài các, đầy chất phồn thực, lại huy hoàng thiêng liêng như nghi thức tôn giáo trong lễ hội dân gian ngày xưa - của buồng trò sân khấu chèo - nơi mọi thứ đều đang e ấp, rộn rực cái không khí nhập đồng để sắp vào đồng, lên đồng. Nơi mà tất cả tâm linh người diễn viên đang chập chờn nhị nguyên giữa mộng và thực, giữa trần thế và thăng hoa... Rốt lại, đó là nơi đào, kép chèo dọn mình lần chót, để đưa mình đắm đuối vào cuộc giao hoan nồng nàn với sân khấu diễn chèo, nhất là chèo cổ sân đình. Vì suy cho cùng, chèo chẳng phải là cuộc chơi nghệ thuật lớn nhất của người dân quê đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam, thể hiện minh triết nền văn minh rực rỡ - văn minh lúa nước - mà chính người nông dân châu thổ này đã tạo ra đó sao?

... Những cặp vai trần nõn nường, những chiếc yếm đào xẻ ba tia mặt trời, ôm vòng kín cổ, nhưng không hiểu sao lại cứ khêu gợi về cái mà nó đang ôm ấp dịu dàng bên trong, rồi những chiếc cổ kiêu ba ngấn, những tấm lưng ong thấp thoáng nõn nường khi thay áo, những bàn chân trần xinh xẻo và những ngón tay búp măng đang chăm chú tô đậm mắt phượng mày ngài. Rồi những cặp má đào, mắt đen hột nhãn long lanh, khuôn trăng đầy đặn ửng hồng của các cô đào chín, kề cận mặt trái xoan, mắt lá răm đung đưa, lúng liếng, thân người lẳn mình trắm gợi tình của các nàng đào lệch: Thị Mầu, Đào Huế... Tất cả các dung nhan này được tôn lên trong trang phục rực rỡ màu nguyên thủy của xống áo đào chèo: yếm đỏ màu xác pháo, áo cánh vàng chói hoa cúc, tà áo tứ thân hồng điều hoặc xanh lục, thắt lưng xanh thiên lý hoặc đỏ điều, hài cong, nón quai thao và "váy Đình Bảng buông chùng cửa võng", (thơ Hoàng Cầm, lời mở đầu Lá Diêu bông) nhiều ly phủ kín gót chân, màu váy đen nhưng nhức, kín như bưng mà nồng nàn quyến rũ...

Ông Phái lại vẽ tiếp những nhân vật kép ngồi trầm ngâm mơ màng trên ghế, mặc sức ngắm các cô đào - bạn diễn đang trang điểm. Các cô vừa nghiêm trang vừa tình tứ, trong áo xống chưa cài buộc ngay ngắn, vẫn còn lơi lả trễ tràng…

PC4

Quả là một thế giới dạt dào sống động Hình và Bóng, ngồn ngộn sự sống phồn thực và chói lọi sắc màu, phảng phất tranh dân gian làng Hồ, vừa lãng đãng buồn vừa thấp thoáng một nét tươi tinh nghịch trên nền trầm tư triết học riêng của ông già Phái.

Qua cái vẽ của ông, sân khấu chèo đẹp phập phồng hoang dại, đẹp quê kiểng từ trong hậu trường đẹp ra và ngay ở phòng trò, nó đã hớp hồn họa sĩ, khiến ông đắm chìm, choáng váng trong đó, cho đến tận khi ông rời cây cọ để đi về cõi khác, chắc nó vẫn không ngừng ám nhiễm ông... Ông hầu như chưa kịp động đến những giông bão của màu chèo được biến hóa kỳ ảo trong những vũ điệu vô cùng uyển chuyển đa tình, những quấn quýt làn điệu chèo ngọt ngào và những trống, những sênh, những phách, những lời đối thoại đầy hóm hỉnh, sinh sắc của dàn đàn và dàn đế...

Ông có một cái lý khó ai cưỡng chống được trong sự phát kiến cái đẹp âm thầm, nền nã, quyến luyến của chèo phát sáng trong hậu trường sân khấu.

Thảo nào mà Thị Mầu Việt Nam vừa mới tung tẩy nâng khay đồ cúng lên chùa ngày rằm trên sân khấu phương Tây, ngay lập tức nàng đã làm công chúng mày râu nghiêng ngửa...

Thảo nào, bộ váy yếm cổ truyền đẹp nõn nường của của đào chèo đã được đạo diễn Nguyễn Đình Nghi “ mặc” cho nhân vật cô vợ anh hàng thịt, đã quyến rũ hồn ông Trương Ba trong xác anh Hàng Thịt, đến mức ông mất hết hồn vía, để đổ vào lòng cô ấy, phải lòng cô ấy, dù biết chắc là mình không được phép. Những xử lý xống áo cổ truyền như thế, cho sân khấu kịch, mặc nhiên đã là một trong những lý do khiến Nhà hát Kịch Việt Nam đoạt giải Vàng - giải nhất, trong cuộc thi vở diễn thể loại Kịch của các nước trong phe XHCN, tại Moscow, năm 1990, mà chính mắt tôi được chứng kiến, khi là nghiên cứu sinh ở nước Nga Xô viết…


Nguyễn Thị Minh Thái

Nguồn: bài đã đăng trên FB của tác giả (không có hình). Hình được tác giả gửi riêng cho Diễn Đàn.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
LE SOLEIL TOMBE SANS UN BRUIT - Thao Nguyen Phan 12/06/2025 - 07/09/2025 — 13, avenue du Président Wilson, 75116 Paris
Kịch đọc lần thứ 17: Diễn viên hạng ba - Sân khấu Hồng Hạc - Ru Nam 23/07/2025 19:30 - 22:00 — The Joy Factory Cafe - 212 / 2B Nguyễn Trãi, quận 1, TPHCM
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us