Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Từ thầy Phạm Liễu trường Đồng Khánh đến ông Bửu Thận chủ tiệm sách Ưng Hạ

Từ thầy Phạm Liễu trường Đồng Khánh đến ông Bửu Thận chủ tiệm sách Ưng Hạ

- Nguyễn thị Kim Thoa — published 27/07/2012 22:35, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:20
Bút ký


Từ thầy Phạm Liễu trường Đồng Khánh
đến ông Bửu Thận chủ tiệm sách Ưng Hạ


Nguyễn thị Kim Thoa



Sau hai năm đệ thất, đệ lục học văn với cô giáo Ngô Thị Vinh, năm đệ tứ rồi đệ tam tôi lại may mắn là học trò của thầy Phạm Liễu tại trường Đồng Khánh.

Thầy Phạm Liễu dáng người mập mạp, thô tháp, từ giọng nói đến phong cách rất ít khế hợp với người Huế nổi tiếng nhẹ nhàng, tinh tế và kín đáo.

Thầy không giấu giếm gốc gác nông thôn và cuộc sống khó khăn của buổi thiếu thời. Ngay từ buổi học đầu tiên chúng tôi đã nghe thầy giới thiệu về mình đại loại như sau:

“Tôi, Phạm Liễu, quê làng Trường Xuân huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Tôi đã chăn trâu trước khi đến với thành phố cựu đế đô này. Với hai bàn tay trắng tôi bắt đầu cuộc sống tự lập: Kiếm việc làm và tự học, vừa đi học trường tư vừa kiếm sống trong thời gian còn lại. Bây giờ tôi là giáo sư của các chị. Ngoài trường Đồng Khánh tôi còn dạy thêm ở các trường tư. Tôi cũng tiếp tục học sau đại học để nâng cao nghề nghiệp và nhân thân.

Bắt đầu từ hôm nay, tôi sẽ cùng các chị tìm hiểu cái hay, cái đẹp của tiếng Việt và văn chương Việt Nam. Ngoài sách giáo khoa tôi sẽ cùng các chị tìm đọc thêm một số tác phẩm, tác giả ngoài chương trình cùng bối cảnh lịch sử, xã hội…Chúng ta cũng sẽ tiếp tục tìm hiểu thêm chút ít tinh hoa của hai nguồn văn học có tác động, ảnh hưởng đến văn học Việt Nam, đó là văn học Trung Hoa và Pháp…”.

Vào tuổi 14, 15, 16 chúng tôi hiểu chưa hết những điều thầy Phạm Liễu nói. Có đứa chẳng những không đồng tình mà còn khó chịu trước một ông thầy mới buổi sơ giao đã “phơi bày hết ruột gan”. Có đứa bày tỏ thái độ giễu cợt vì thầy hay dùng các tán thán tự như: Ôi! chao ôi! than ôi!... “có vẻ cải lương”.

Tuy nhiên đa số chúng tôi đều công nhận thầy Phạm Liễu là một giáo sư tận tụy, dạy vui và hay. Chúng tôi lần hồi nhận ra rằng thầy Phạm Liễu có khuynh hướng chính trị không thích hợp với xã hội miền Nam lúc bấy giờ. Thầy bày tỏ lập trường yêu nước, chống ngoại xâm, chống áp bức, bóc lột, đứng về phía người nghèo trong quá trình giảng dạy. Thầy hay nhắc đến việc kháng chiến chống Pháp, trong khi nhà trường miền Nam muốn lơ giai đoạn này. Thỉnh thoảng thầy nhắc đến tên các nhà văn, nhà thơ lạ hoắc: Đặng Thái Mai(*), Phạm Hổ, PT, LVH. Học trò hỏi Đặng Thái Mai, Phạm Hổ, PT. LVH là ai, thầy bảo: “Về nhà tự tìm hiểu lấy. Ngoài sách giáo khoa và bài giảng của tôi, các chị nên tìm đọc thêm những sách báo khác…

Tôi là cháu ngoại Quảng Nam, mẹ tôi người Hội An, sinh tôi ở Điện Bàn, ba năm đầu đời tôi sống ở quê ngoại. Nhà tôi ở Vỹ Dạ thường xuyên là nơi viếng thăm và trú ngụ để học hành của các cậu mợ và anh chị em họ, ba tôi là người cựu kháng chiến, ông cậu Mới người bạn vong niên của tôi đi theo Mặt trận giải phóng nên lần hồi tôi nhận ra mình gần gũi với những gì thầy Phạm Liễu giảng dạy. Trong khi đó một số các bạn cùng lớp là người Huế chính thống và có quan hệ gần gũi với chế độ miền Nam lúc bấy giờ trong chừng mực khác nhau tỏ ra xa lạ, bất bằng và đôi khi miệt thị khuynh hướng chính trị và nhận thức xã hội của thầy. Ngay đến anh cả của tôi, nếu anh và thầy Phạm Liễu gặp nhau, chắc chắn nổ ra tranh cãi, chống đối.

Nói gì thì nói, tất cả học sinh chúng tôi không ai bảo thầy Phạm Liễu là một giáo sư vô trách nhiệm vì khuynh hướng chính trị mà giảng dạy lệch lạc chương trình. Theo sát chương trình nhưng mở rộng và nhấn mạnh những trọng điểm, những chủ đề mà thầy cho là hợp lý và cần thiết, đặt tác phẩm và tác giả trong bối cảnh lịch sử mà từ đó nó sản sinh và tồn tại là phương pháp giảng dạy Việt văn của thầy Phạm Liễu: Học sinh nhất thiết phải nắm bắt căn bản các biến động lịch sử của đất nước thời cận và hiện đại, đặc biệt là cuộc kháng chiến chống Pháp. Chẳng hạn với tác giả Nguyễn Khuyến, thầy Phạm Liễu chọn bài Cuốc kêu cảm hứng làm bài giảng chính thay cho bài Thu điếu theo sách giáo khoa.

Với Cuốc kêu cảm hứng thầy Phạm Liễu giới thiệu một Nguyễn Khuyến – nhà nho khoa bảng và quan lại trước tình cảnh đất nước bị thực dân Pháp xâm lược, triều đình nhà Nguyễn bất lực đầu hàng và bản thân ông khắc khoải, trăn trở, giằng xé bởi không thực hiện được trách nhiệm và hoài bão của kẻ sĩ.

Giảng kỹ Cuốc kêu cảm hứng để đào sâu khuynh hướng chủ đạo của tâm hồn Nguyễn Khuyến: Yêu nước, xao xuyến và cảm nhận bế tắc, nhưng thầy Phạm Liễu không hề bỏ qua khuynh hướng thứ hai của nhà thơ Yên Đổ: Trở về với thiên nhiên, giữ mình, an bần lạc đạo, không khuất phục, xu thời, chạy theo quyền lực của bọn cướp nước để thỏa mãn các nhu cầu tầm thường như một số nhà nho khác. Thầy Phạm Liễu làm rõ khuynh hướng này trong bài tổng quan về Nguyễn Khuyến. Thầy đề nghị chúng tôi đọc thêm các bài Thu Điếu, Thu Vịnh, Thu Ẩm và những bài khác để tiếp cận tâm hồn nhà thơ.

Trong một bài giảng khác, thầy Phạm Liễu đưa chúng tôi tham dự vào một cuộc bút chiến bằng thơ giữa hai nhà nho đại diện cho hai sự lựa chọn chính trị nghịch chiều là Phan Văn Trị và Tôn Thọ Tường thời kỳ giặc Tây xâm chiếm Nam kỳ. Với thể thơ Đường điêu luyện và những điển tích văn học, lịch sử Trung Quốc được sử dụng nhuần nhuyễn, Tôn Thọ Tường biện minh cho lập trường theo Pháp, và Phan Văn Trị trong vị trí một nho sĩ kháng chiến, cũng với tài năng văn chương và sở học uyên bác như thế, phê phán một cách nghiêm khắc sự ngụy biện và chọn lựa gian dối tội lỗi của Tôn Thọ Tường.

Bài giảng nhỏ này cộng với nhận định sơ khởi nhưng rất nền tảng về tâm tình thể hiện qua văn chương Nguyễn Khuyến đã giúp chúng tôi hiểu biết thêm một cách cụ thể và sinh động tình cảnh đất nước và sự chia rẽ của các nhà nho quan lại thời kỳ đầu của cuộc xâm lược Pháp.

Lên cấp ba và đại học tôi chọn khoa học tự nhiên, nhưng những bài giảng Việt văn của các năm trung học và những sách báo tôi tìm đọc thêm theo lời khuyên của ba me và các thầy cô, “những quà tặng văn hóa” (sách…) của những người thân lớn tuổi đã giúp tôi ngày một tăng thêm các kiến thức phổ thông, đặc biệt hai môn Việt văn và Việt sử. Tôi có những hiểu biết ban đầu cơ bản về khuynh hướng văn chương của các nhà nho, quan lại, từ những ngày đầu của cuộc xâm lược Pháp đến một phần tư đầu của thế kỷ XX. Tôi cũng từng bước nhận ra rằng giữa văn học và lịch sử đất nước có mối liên hệ khắng khít không thể tách rời. Học Việt văn tôi biết thêm Việt sử, yêu thêm tiếng nói, đất nước và con người Việt.

Đất nước bị xâm lược và cuộc chiến tranh dành độc lập đã khiến các nho - quan, thi sĩ, có những chọn lựa mâu thuẫn, đối kháng, thậm chí chém giết nhau.

Yêu nước và kháng chiến như Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn trị, Nguyễn Hữu Huân, Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu, Tôn Thất Thuyết, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Thiện Thuật, Trần Văn Dư, Thái Phiên, Trần Quí Cáp, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, và rất nhiều vị khác…

Cộng tác, làm tay sai, bán nước như Tôn Thọ Tường, Trần Bá Lộc, Nguyễn Thân, Hoàng Cao Khải, Ngô Đình Khả, Nguyễn Hữu Bài, Hoàng Trọng Phu…

Khắc khoải, trăn trở, tuyệt vọng, chán đời, trùm chăn, hưởng nhàn như Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương, Tản Đà…

Những cảm thức văn học, lịch sử đất nước trong tôi không đầy đủ và sâu rộng như những người học chuyên ban và đại học văn, sử, nhưng nó đã trở thành một nửa tâm trí tôi, nó giúp tôi trở nên quân bình trong những khoảnh khắc đời thường và chừng mực nào đó đã giúp tôi vượt qua những thử thách khắc nghiệt trước những nhiêu khê của “cuộc đổi đời” từ sau 1975. Có được như thế là nhờ những khúc ca, những đoạn văn, bài thơ, truyện kể, những bài học lịch sử, những bài giảng văn tôi được hấp thu từ các cô giáo ở lớp vỡ lòng, ở trường tiểu học Thế Dạ, trường trung học Đồng Khánh với cô Ngô Thị Vinh, với thầy Phạm Liễu.

Nhớ nghĩ về thầy Phạm Liễu, người thầy có nhiều khuyết tật nho nhỏ trong vài lời ăn tiếng nói đã không làm vừa lòng một số đồng nghiệp và cả một số học trò, nhưng theo tôi và nhiều bạn học khác: tất cả những giờ Việt văn với thầy Phạm Liễu đều hữu ích về phương diện kiến thức văn lẫn nhận thức về tình tự dân tộc, lòng trắc ẩn trước những khổ đau của đồng loại. Những bài giảng của thầy đã để lại trong ký ức tôi những ấn tượng không bao giờ phai mờ.

Tôi ghi lại sau đây hai trong số những ấn tượng đó. Trong chương trình giảng văn lớp đệ tứ (lớp chín) chúng tôi có học thơ Đường. Chúng tôi học niêm luật và thực tập làm thơ, học một số tác phẩm, tác giả tiêu biểu của Việt Nam và Trung Quốc. Đến tuổi này tôi còn nhớ nằm lòng Thăng Long thành hoài cổ, Chiều hôm nhớ nhà, Qua đèo ngang của bà Huyện Thanh Quan, các bài Thu điếu, Thu vịnh, Thu ẩm của Nguyến Khuyến và nhiều bài của nhiều tác giả khác. Đó là những bài thơ Nôm lời đẹp, nhạc điệu phong phú, tình cảm rạt rào, ý tứ sâu sắc. Thơ Đường Trung Quốc ngoài các tác phẩm và tác giả được chọn trong sách giáo khoa: bài Tương tiến tửu của Lý Bạch, Tỳ bà hành của Bạch Cư Dị, Hoàng hạc lâu của Thôi Hiệu, Phong kiều dạ bạc của Trương Kế. Thầy Phạm Liễu giảng kỹ bốn tác phẩm và bốn tác giả này. Thầy bảo chúng tôi đọc Đường thi của Ngô Tất Tố, Đường thi của Trần Trọng Kim, Tản Đà văn vần của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu. Theo tôi Tản Đà dịch thơ Đường hay tuyệt.

Một thi sĩ Trung Quốc không được chọn trích giảng trong sách giáo khoa là Đỗ Phủ, nhưng thầy Phạm Liễu đã khiến chúng tôi chú ý đặc biệt. Thầy bảo Đỗ Phủ là thi sĩ của nhân dân đói khổ, lầm than và là nạn nhân của chiến tranh. Thầy giảng Bình xa hành thật kỹ, thật xúc động. Thầy liên kết tình cảnh của người dân Trung Quốc trong Bình xa hành với tình cảnh của người dân Việt nam thời hiện tại (1966-1967). Đó là thời Mỹ đổ quân, chiến tranh diễn ra tràn lan và khốc liệt trên cả hai miền Nam - Bắc.

Lần về Huế vừa rồi, trong lúc lục lọi cái “kho lưu trữ của tuổi học trò” tôi tìm lại được rất nhiều kỷ vật. Trong số những kỷ vật đó là một nửa quyển vở 100 trang (nửa kia giấy trắng bị cháu tôi xé lấy làm giấy nháp) ghi chép bài giảng Bình xa hành của thầy Phạm Liễu. Đây là một bài giảng văn “chẳng giống ai” trong số những bài giảng của các thầy cô lúc bấy giờ tại trường Đồng Khánh:

“Chúng ta đang sống trong một bối cảnh vô cùng đau khổ, nhục nhã, căm hờn, phi lý mà cuộc chiến tranh ở Việt Nam ta hơn một phần tư thế kỷ qua chẳng có bút mực nào lột tả hết được. Nói như thế nhưng chúng ta phải trở về với Đỗ Phủ. Bạn nên đọc Tân hôn biệt, Thạch Hào lại, và bây giờ mời bạn đọc Bình xa hành. Nói như Đặng Thái Mai: “Văn chương có lực lượng để kích động buồng tim”

“Thật vậy bài thơ chỉ vỏn vẹn 34 câu mà bạn thấy cả một cảnh đời xáo trộn, một cuốn phim vĩ đại mà biết đâu chính bạn là diễn viên. Tôi thấy nên mời bạn đọc lại ít câu thơ ở Việt nam trong thời gian toàn dân chống Pháp để bạn vào sâu hơn tâm hồn Đỗ Phủ:

Lửa hờn cháy nám thân cây
Lều nghiêng nửa mái đường đầy khăn tang

(Phạm Hổ)

Người chìm đáy biển kẻ lấp ven sông
Người ngã trong núi kẻ gục trong rừng

( T.P)

Rải rác đầu đường dòng máu thắm
Ngổn ngang gò núi đống xương tàn
Nước non thương khóc người vô tội
Cây cỏ u sầu kẻ thác oan

(L.V.H)

Tôi và các bạn cùng lớp không biết Đặng Thái Mai (*), Phạm Hổ, TP, LVH là ai. Hỏi thầy Phạm Liễu chỉ trả lời: “Về nhà tự tìm hiểu lấy”.

Sau 1975 qua sách báo tôi biết Đặng Thái Mai là một nhà nghiên cứu, phê bình và giảng dạy văn học tại miền Bắc, đã tham gia kháng chiến chống Pháp, là bạn và là cha vợ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Phạm Hổ là một nhà thơ kháng chiến sau 1945 đi tập kết và là anh của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ, là tác giả nhiều ca khúc phản chiến tại miền Nam. Còn TP, LVH đến thời điểm này tôi mù tịt (2012).


*


Một bài trích giảng khác của thầy Phạm Liễu đã trở thành một cơ duyên giúp tôi tiếp cận với một con người mà mỗi lần nhớ nghĩ về Huế – con người ấy trở lại trong ký ức tôi với cả tất sự tôn kính và trìu mến. Đó là ông Bửu Thận, chủ nhà sách Ưng Hạ.

Một hôm thầy Phạm Liễu giảng bài “Gánh nước trưa hè” trích trong truyện Những chiếc ấm đất trong tác phẩm Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân. Gánh nước trưa hè mô tả việc làm cực nhọc của ông bõ già (đầy tớ) của cụ Sáu. Cụ Sáu thuộc người tầng lớp trên (nho sĩ và địa chủ) của nông thôn miền Bắc, một thời vang bóng. Cụ có cái thú thanh tao, tinh tế hàng ngày thưởng thức trà (chè) pha bằng nước lấy từ một cái giếng đặc biệt tại một ngôi chùa nằm trên một ngọn đồi ở cách xa nhà một quãng đường dài. Ông bõ già và người con trai của cụ Sáu đi từ sáng sớm, đến trưa mới gánh nước rời chùa giữa trời hè. Đường dốc, gập ghềnh khó đi, ông bõ già lấy lá xanh ở vườn chùa thả trên mặt hai thùng nước, lần từng bước để cho nước bớt sóng đổ ra ngoài. Vị sư già đứng trên chùa nhìn xuống thấy bóng dáng người gánh nước nhỏ dần, nước vẫn sóng ra ngoài tạo thành những ngôi sao bốc khói.

Thầy Phạm Liễu giảng giải, phân tích cái hay, cái đẹp, cái tài tình của văn chương Nguyễn Tuân trong “Gánh nước trưa hè”. Và thầy cũng tóm lược giới thiệu về tác giả, tác phẩm:

“ Tất cả các nhân vật trong Vang bóng một thời thường ở hai vị trí xã hội khác nhau: Chủ - tớ, quan - binh, người no - kẻ đói, nhưng không có sự xung đột, đối kháng quyết liệt như các nhân vật trong các tác phẩm của Ngô Tất Tố, Thạch Lam, Nam Cao, Nguyên Hồng… Nguyễn Tuân dành sự xung đột đó cho vị sư già, cho độc giả của ông. Vị sư già nhìn vấn đề qua nhãn quan của đạo Phật. Còn độc giả là chúng ta, tùy theo sự hiểu biết và kinh nghiệm sống của mình, chúng ta có những cảm nhận riêng - chung của chúng ta. Cá nhân tôi trong cương vị giáo sư của các chị, tôi bắt chước Nguyễn Tuân nên không áp đặt nhận thức của mình lên các chị, tôi chỉ mong các chị chia sẻ cùng tôi một cách ứng xử mà tôi cho là phù hợp với đạo lý nhất trong bối cảnh sống hiện tại của chúng ta. Tôi không thể thưởng thức “trà đạo” trên mồ hôi nước mắt của bất cứ ai. Tôi cũng không giữ được sự thanh thản trong tâm hồn để ngồi nhâm nhi một tách trà khi tôi biết chắc chắc vào thời điểm đó có một người tù bị bỏ khát mấy ngày đang nhìn qua lỗ sáng xà lim thèm thuồng những giọt nước đọng trên cành lá sau cơn mưa dông dưới sức nóng của trưa hè… Cuộc giằng xé bắt đầu trong tâm thức tôi…”

Giờ Việt văn của chúng tôi chấm dứt cùng với buổi học chiều. Tôi không đạp xe thẳng về nhà như thường lệ mà quẹo qua cầu Trường Tiền, đến thẳng nhà sách Ưng Hạ – nơi mấy ngày trước tôi thoáng thấy có Nguyễn Tuân với Vang bóng một thời.


*


Không khó lắm để tìm thấy quyển sách, bởi đó là một cuốn sách đẹp, sang trọng, được chưng bày ở một vị trí thích hợp, bên cạnh tập thơ Điêu Tàn của Chế Lan Viên. Cuốn Vang bóng một thời do Cảo Thơm xuất bản năm 1962. Tôi ngắm nghía cuốn sách trong tay, nhưng khi lật bìa sau thì chưng hửng. Giá cuốn sách gấp mấy lần số tiền tôi có trong cặp.

Tôi tần ngần mở sách ra và quên khuấy đi rằng đọc cọp tại một tiệm sách là một việc làm không thích hợp. Và cái việc làm không thích hợp đó tôi lại tiếp tục lần thứ hai, thứ ba…

Chém treo ngành, Những chiếc ấm đất, Thả thơ… Một buổi chiều như thế, sau khi đọc cọp xong, để sách vào kệ, tôi ra lấy xe về nhà như những lần trước, thì một sự kiện tôi không ngờ đã xẩy ra. Trong lúc đang loay hoay cúi mở khóa xe thì nghe có tiếng ai đó ở phía trên. Tôi ngửng đầu. Ông Ưng Hạ đang nhìn tôi mỉm cười thân thiện với cái gói giấy trong tay, ông nói: “ Đây là quyển Vang bóng một thời mà cháu rất thích. Bác tặng cháu. Đọc và nhớ giữ cẩn thận nhé ”. Tôi sững sờ trước tình thế kỳ lạ chưa bao giờ nghĩ tưởng tới. Tôi lo sợ thưa: “ Cháu làm hư sách của bác phải không? Cháu xin lỗi. Cháu sẽ xin tiền mẹ để mua cuốn sách này ”. Ông Ưng Hạ nhìn tôi với nụ cười đôn hậu, bảo: “ Thấy cháu thích sách, bác tặng vậy thôi. Đừng nghĩ ngợi gì khác, lần sau nếu thích cháu cứ tới và đọc thoải mái ” Tôi cảm ơn ông, bẽn lẽn và trân trọng cầm gói sách, Trên đường về nhà, tôi như bay cùng chiếc xe đạp, trong cổ họng tôi còn vị ngọt chát thích thú của ngụm trà ngon.

Cái cơ duyên bắt đầu từ Nguyễn Tuân với Vang bóng một thời đến thầy Phạm Liễu với “ bài giảng chẳng giống ai ” đưa tôi tới nhà sách Ưng Hạ để tôi khám phá ra rằng trong cái thành phố Huế thân thương và tội nghiệp đang bị chiến tranh vây bủa có thêm một con người với một tấm lòng thật đẹp. Trên giá sách “ tạp bì lù ” của thời thơ dại, với sự khuyến khích và tạo điều kiện của ba me tôi, tôi dành riêng một góc để chưng các bảo vật: Tờ giấy mỏng có chữ Mẹ – bài học khai tâm với cô Phùng Khánh được lồng trong một khung gương nhỏ. Cuốn Tập đọc vui, quà tặng của ba tôi khi tôi mới học vần. Cuốn thơ ngụ ngôn La Fontaine – Nguyến Văn Vĩnh (dịch) me tôi tặng năm lớp ba. Cuốn Đông Kinh Nghĩa Thục của Nguyễn Hiến Lê, ông cậu Mới để lại. Cuốn Khoa học thường thức của Ưng Luận do con trai ông là anh Bửu Hàm (bạn học y khoa của anh trai tôi) tặng cuối năm lớp nhì. Cuốn Tuồng Lộ Địch của Ưng Bình Thúc Giạ Thị phóng tác theo tác phẩm Le Cid của Pierre Corrneile do anh Vĩnh Am cháu nội cụ Ưng Bình – bạn học của chị hai – cho tôi năm đệ tứ. Cuốn Hoa Ngõ Hạnh – Bùi Giáng phóng dịch theo cuốn Othello của W. Shekespear do thầy Hồ Hữu Hạnh tặng trong phần thưởng cuối năm đệ tam. Cuốn Bắt trẻ đồng xanh dịch từ The catcher in the rye của J.Salinger do cô Phùng Khánh (dịch giả) tặng. Cuốn Ánh đạo vàng của Võ Đình Cường do bác Phạm Đăng Siêu cho cuối năm cấp hai. Các cuốn Kinh cựu ước, Tout L’Art du monde, Les merveilles du Louvre, L’Italie et ses merveilles… do cha Petitjean tặng… Tất cả các kỷ vật ấy đều có dấu vết, đề từ và chữ ký của người tặng. Riêng cuốn Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân do ông Ưng Hạ tặng, không có đề từ và chữ ký của ông, nhưng đối với tôi đó là một tặng vật gây cho tôi nhiều xúc động đẹp đẽ và lâu bền nhất.

Tặng vật sao không là một cuốn sách? Tôi đã đọc đâu đó một bài báo có tựa đề như vậy. Từ thời thơ dại, qua tuổi thanh niên, trung niên và mãi đến bây giờ – ngoài tuổi sáu mươi – trong những phút bình yên, tôi vẫn muốn lặp lại: Tặng vật, sao không là cuốn sách? Một cuốn sách cho sinh nhật, nhân một kỳ nghỉ hè, một chuyến đi xa, một ngày đặc biệt nào đó của năm, kể cả một dịp cưới… Quà tặng sao không là sách?

Riêng với ông Ưng Hạ, tôi có thêm một kỷ niệm đẹp liên quan đến sách. Năm thứ ba trường Y, một hôm ghé lại nhà sách Ưng Hạ. Tôi thấy có cuốn Diagnostic différentiel (loại sách photocopy của nhà sách Mỹ Hiệp Sài Gòn) là một trong những tài liệu tôi cần. Tôi lật xem giá sách, lục tiền trong cặp, không đủ. Tôi thưa với ông Ưng Hạ: “ Bác ơi, đừng bán cho bất cứ ai cuốn này (sách chỉ còn một cuốn). Bác dành cho cháu, hai hôm nữa cháu sẽ tới lấy ”. Một cử chỉ đẹp nữa của ông Ưng Hạ: “ Cháu cứ cầm sách về, khi nào có tiền cháu ghé trả cho bác cũng được ”.

Tôi cầm sách ra về. Rất vui và cũng rất ngại. Đến đầu cầu Tràng Tiền, tôi đạp xe thẳng về phía chợ Đông Ba, ghé cửa hàng Ưng Ký đề nghị tạm ứng trước tiền đan len. Bà chủ Ưng Ký là cô tôi nên vui vẻ trao số tiền tôi cần. Tôi vội vã quay xe trở lại nhà sách Ưng Hạ. Ông Ưng Hạ hỏi: “ Cháu mượn tiền của ai mà nhanh thế? ” tôi thưa: “ Cháu mượn của nhà buôn Ưng Ký. Đây là tiền trả trước công đan len của cháu ”.

Ông Ưng Hạ cười xòa bảo: “ Ưng Ký hay Ưng Hạ cũng là Ưng thôi ”.

Cuốn Diagnostic différentiel sau thời gian sử dụng tôi để vào ô những kỷ vật trong góc học tập của mình.

Hai tiếng Ưng Hạ thỉnh thoảng lại trở về trong ký ức tôi như một nốt trong giai điệu Nam Bình.


*



Ghi chép thêm:


Về thầy Phạm Liễu


Lên lớp đệ nhất (lớp 12) lo học thi tú tài và chuẩn bị vào đại học, đối diện với chiến tranh và cuộc sống quá khắc nghiệt, hầu như tôi không còn nhớ có một ông thầy tên là Phạm Liễu dạy môn Việt văn ở trường Đồng Khánh – một ông thầy có vóc dáng và ngôn ngữ cử chỉ hơi thô tháp nhưng bất cứ lúc nào có cơ hội cũng nhắc nhở học trò: “Chúng ta là con dân nước Việt. Đất nước và dân tộc ta đang chịu đựng một cuộc chiến tranh phi lý và nhục nhã…” (câu nói này được nói ra trong xã hội miền Nam lúc bấy giờ bao hàm nội dung chống Mỹ tạo nên cuộc chiến tranh).

Cuối năm 1972, tình cờ gặp một bạn học ở Đồng Khánh, tôi được biết rằng: thầy Phạm Liễu có quan hệ gì đó với Việt Cộng nên bị chính quyền bắt giam, sau đó trục xuất khỏi Huế và đang làm việc tại Sài Gòn.

Năm 1975 chiến tranh chấm dứt, cuộc sống đổi thay làm chúng tôi ngỡ ngàng đến chóng mặt. Có lúc nhớ nghĩ đến thầy Phạm Liễu, tôi hình dung rằng thầy đã có được một môi trường sống thích hợp.

Năm 1976, tôi rời trường Y, lấy chồng, trong một dịp vào thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi tìm đến thăm thầy Phạm Liễu. Thì ra hai người (Thầy Phạm Liễu và chồng tôi, anh Chu Sơn) là bạn thân. Thầy mời chúng tôi ở lại ăn cơm và hàn huyên tâm sự. Cuộc trò chuyện dài, rất buồn và như chẳng bao giờ muốn chấm dứt. Qua câu chuyện và những thông tin về sau, tôi tóm lược khoảng đời của thầy Phạm Liễu từ sau khi rời Huế (1969) đến phút lâm chung (1981) như sau:

Về Sài Gòn thầy Phạm Liễu được bộ Giáo dục ( Việt Nam Cộng Hòa) bố trí làm việc tại Trung tâm Học liệu nằm trên đường Trần Bình Trọng. Vừa đi làm, vừa đi dạy thêm ở các trường tư và tiếp tục theo học sau đại học, đã hoàn tất chương trình cao học. Mua nhà, lấy vợ và có con. Hai con gái tên là: Phạm Trường Xuân Hồng Đào, Phạm Trường Xuân Hồng Châu. Trường Xuân là quê làng của thầy Phạm Liễu ở Thăng Bình, Quảng Nam. Thầy Phạm Liễu còn là tác giả một tập khảo luận về thơ Đường.

Tất cả những thứ ấy (nhà cửa, vợ con, học hành, sách vở) đặt trong một đất nước đã hết chiến tranh, độc lập và thống nhất đối với thầy Phạm Liễu như một giấc mơ.

Một giấc mơ tiền cát hậu hung.

Được làm thầy giáo, được tự do truyền đạt những kiến thức, những hoài bão, những ước mơ cho các thế hệ học trò, góp phần xây dựng đất nước, con người trong hòa bình độc lập, thống nhất là phần “cát” của giấc mơ.

Phần “hung” của giấc mơ là chịu sự sai khiến (chỉ đạo) của những cán bộ thiếu kiến thức và đạo đức từ miền Bắc vào, và cùng cả miền Nam, cả nước Việt nam bị bắt buộc phải chấp nhận một chế độ Xã hội chủ nghĩa thiếu vắng con người.

Sau gần một năm long đong, chịu đựng một cách vô vọng ở Trung tâm Học liệu, rồi Trung tâm Hán-Nôm, thầy Phạm Liễu tự ý thôi việc, về nhà cùng vợ chăm sóc con, chạy chợ trời, bán thuốc lá lẻ. Cái làm thầy Phạm Liễu đau đớn và lo lắng khi nghĩ đến viễn cảnh một đất nước, một xã hội thiếu vắng con người mà các thế hệ con cháu buộc phải sống trong đó.

Năm 1981 thầy Phạm Liễu bị tai biến mạch máu não và qua đời, tuổi thọ chưa quá 45.


Về ông Ưng Hạ


Sau sự kiện “ Vang bóng một thời, ” tôi không còn là đứa đọc cọp tại tiệm sách Ưng Hạ mà trở thành một “độc giả” tại “thư quán” của người “đạo sĩ”. Cử chỉ thân thiện, hòa ái và tính cách nhẹ nhàng thanh thoát của ông Ưng Hạ đã nhanh chóng chấm dứt mặc cảm “đọc cọp” trong tâm thức tôi. Cùng trong tâm thức ấy “tiệm sách” biến thành “thư quán” và ông chủ tiệm sách biến thành “đạo sĩ”. Bởi sự xuất hiện của tôi tại nhà sách Ưng Hạ không mang lại cho ông một mối lợi nào. Sách bán cho tôi ông đều bớt 25%. Tôi chỉ thấy nơi ông một niềm vui mỗi khi tôi đến.

Trong tư cách độc giả, tôi đọc được tại nhà sách Ưng Hạ rất nhiều sách, đa phần là các loại sách mỏng, dễ đọc và đọc hết trong một buổi chiều sau khi tan trường.

Ngoài chuyện đọc sách, thỉnh thoảng giữa tôi và ông Ưng Hạ có vài cuộc trò chuyện nho nhỏ, mỗi lần như thế tôi có dịp ngắm nhìn ông kỹ hơn.

Ông Ưng Hạ người dong dỏng cao, ốm mảnh khảnh, miệng luôn nở nụ cười hiền lành, lặng lẽ, ít nói. Chưa bao giờ tôi thấy ông mặt áo quần đậm màu. Ông thường mặc quần màu xám, áo trắng tay dài hay tay ngắn tùy theo mùa và thời tiết. Trời lạnh ông mặc thêm áo len hay blouson màu nâu nhạt, màu lam hay màu mỡ gà. Cách ăn mặc và phong thái của ông khiến tôi nghĩ rằng ông là Phật tử. Một hôm tôi đánh bạo hỏi ông: “ Bác hay đi chùa nào?, bác có ăn chay không ”? Không trả lời trực tiếp câu hỏi của tôi, ông chỉ đưa ra một nhận xét: “ Ăn chay làm cho cơ thể nhẹ nhàng, lòng dạ thanh thản ”. Và rồi ông hỏi ngược : “ Tiệm buôn không thể là chùa sao ”.

Một hôm khác ông hỏi tôi: “ Cháu ham đọc sách như vậy có thời gian đâu để đi chùa? ” Tôi bắt chước ông trong câu chuyện lần trước, hỏi ngược: “ Thưa bác, Ưng Hạ không phải là chùa sao ”?.

Làm độc giả của Ưng Hạ hơn hai năm. Đầu năm lớp đệ nhị (lớp 11 bây giờ) trở về sau, tôi chỉ đến Ưng Hạ mỗi khi có sách cần phải mua. Ưng Hạ hay bán các sách chuyên môn trình độ đại học, thường là sách do nhà Mỹ Hiệp ở Sài Gòn phô tô lại. Năm thứ ba trường Y tôi có thêm một kỷ niệm đẹp do một nghĩa cử của ông Ưng Hạ như tôi đã ghi lại ở trên.

Sau năm 1975 qua anh Chu Sơn tôi biết ông Ưng Hạ là cơ sở của phong trào đô thị trong kháng chiến chống Mỹ.

Tôi rời Huế năm 1977, theo chồng (anh Chu Sơn) và con làm kẻ lưu vong khắp nơi trên chính quê hương mình. Mỗi lần nhớ nghĩ về Huế, ký ức chúng tôi không hề thiếu vắng cái con người của “ một thời vang bóng ” ấy.

Tháng Tư năm nay (2012) có việc trở lại Huế gần một tuần lễ. Tôi có đủ thì giờ tìm lại dấu vết thuở học trò. Nhà sách Ưng Hạ là nơi tôi tìm kiếm trước hết khi đi bộ từ Vỹ Dạ qua cầu Tràng Tiền. Trước mặt tôi sừng sững ngôi nhà hai tầng là tiệm sách quốc doanh cải tạo từ cơ ngơi của nha Thông Tin Trung việt cũ. Tôi đi tới đi lui, nhìn qua nhìn lại chẳng biết Ưng Hạ đã trở thành bãi để xe (của tiệm sách quốc doanh) hay tiệm bán đồ lót phụ nữ Triumph? Tôi đi về phía chợ Đông Ba, ghé thăm tiệm tạp hóa Ưng Ký. Ưng Ký vẫn còn bán hàng tạp hóa, nhưng bà Ưng Ký đã qua đời. Bửu Nhân, người anh em cô cậu, tiếp tôi trong men rượu ngà ngà say:

“ Ưng Ký, Ưng Hạ là anh em. Bửu Nhân, Bửu Thận cũng là anh em. Giải phóng về, Bửu Nhân say rượu còn Bửu Thận bị “chém treo ngành” ở Mặt trận tỉnh. Bán tạp hóa nhỏ không đáng sợ, Bửu Nhân thừa kế mẹ kiếm cơm qua ngày, còn Bửu Thận kinh doanh văn hóa Mỹ - Ngụy nên phải dẹp tiệm. Ưng Hạ không bị cải tạo nhưng bị giải thể. Căn nhà Bửu Thận thuê trước 1975 làm nhà sách Ưng Hạ nay bị nhà nước thu hồi. Nhà nước cách mạng thay mặt chủ nhân cũ vắng mặt ký hợp đồng cho người khác (cán bộ đảng viên hay anh em bà con gì đó) thuê. Trước giải phóng gia đình Bửu Thận ăn chay. Sau giải phóng vợ chồng Bửu Thận uống nước lã. Lương nhân sĩ trí thức ở Mặt trận không đủ cho cả gia đình sáu người ăn chay. Giấc mơ Cộng sản nơi người anh em Hoàng tộc của tôi cộng với phương pháp dưỡng sinh của người đạo sĩ đã chuyển hóa nước lã thành nước thánh. Bửu Thận đã không chết đói như hai triệu người hồi 1945, Bửu Thận đã chết khô. Những ngày cuối cùng của người đạo sĩ, Bửu Thận không sống bằng nước mà bằng hơi thở.

Tôi rời tiệm tạp hóa Ưng Ký, trở lại nơi đã từng là nhà sách Ưng Hạ. Đoạn đường từ trước chợ Đông Ba lên phía trên chân cầu Tràng Tiền nham nhở những khối hình và màu sắc nghịch chọi. Có mấy căn phố bị cắt làm hai mảnh: mảnh lớn làm cửa hàng của thương nghiệp quốc doanh, mảnh nhỏ làm lối đi cho gia đình bị cải tạo chạy suốt ra phía sau. Chắc chắn là sự chia cắt cũng diễn ra nơi những con người mà Xã hội chủ nghĩa đã cắt xẻ họ làm đôi : bên này bức tường là cán bộ công nhân viên chức của nhà nước cách mạng, bên kia bức tường là tàn dư của nền kinh tế tư sản bóc lột và phản động. Có vài căn phố bị đập phá chỉ còn lại nền đất hoang nham nhở cỏ rác và gạch đá. Mấy căn phố nhỏ là cửa hàng bán lẻ của nền thương nghiệp tư nhân rơi rớt lại. Không có gì ăn nhập với nhau cả. Gần bốn chục năm ngừng bom đạn, nhưng dấu tích của chiến tranh chưa hàn gắn trên đoạn đường chính ở trung tâm thành phố này.

Nhà sách Ưng Hạ của ông Bửu Thận – nơi và con người đã để lại trong ký ức tôi không chỉ: một thời vang bóng, nay là cửa hàng bán “nội y” của phụ nữ. Không còn những cuốn sách của các nhà xuất bản An Tiêm, Cảo Thơm, Lá Bối… không còn ông Bửu Thận với giấc mơ đồng hóa tiệm buôn với ngôi chùa của mô thức Phật giáo và Chủ nghĩa Xã hội. Trước mắt tôi là mấy tủ kính với những ma ni canh chân dài, mắt biếc và những đồ lót xanh đỏ của phụ nữ. – “ Tất cả đều là hàng ngoại nhập ”, người chủ cửa hàng với đôi môi dày đỏ chót như chụp bắt lấy tôi làm một pha quảng cáo.

Trên đoạn đường trở lại Vỹ Dạ, tôi lẩm bẩm một mình: “ Tất cả đều là hàng ngoại nhập ”. Dường như có gì đó cay đắng, bẽ bàng trong lòng tôi.


Về các tiệm sách ở Huế trước 1975.


Ở Huế trước 1975 có bảy tiệm sách tập trung trên hai đường phố chính là Trần Hưng Đạo và Phan Bội Châu (sau này là Phan Đăng Lưu). Đó là: Ưng Hạ, Ái Hoa, Tân Hoa, Bình Minh, Gia Long, Lê Thanh Tuân, Anh Minh.

  • Ưng Hạ có diện tích mặt bằng và qui mô trung bình nhìn ra một góc vườn hoa Nguyễn Hoàng và chân trái cầu Tràng Tiền. Ưng Hạ bán sách giáo khoa trung tiểu học, bút chỉ văn phòng, các loại báo. Ưng Hạ là tiệm sách duy nhất ở Huế bán các loại sách giáo khoa và tài liệu tham khảo (chủ yếu các loại sách photcopy do nhà Mỹ Hiệp ở Sài Gòn cung cấp) dành cho sinh viên các chuyên ngành đại học, nhiều nhất là y khoa. Ưng Hạ tập chú nhiều hơn các loại sách báo văn chương, lịch sử, triết học mỹ thuật. Các loại sách này được Ưng Hạ sắp xếp ở các vị trí dễ tìm. Sách giáo khoa Ưng Hạ để ở những dãy kệ cao và xa. Người mua sách có yêu cầu gì, người bán hàng tìm và lấy. Tới với Ưng Hạ nhiều lần trong nhiều năm, tôi có nhận xét: dường như ngoài mục đích kinh doanh, Ưng Hạ còn có mục đích quảng bá văn hóa.
  • Ái Hoa là một tiệm sách lớn, có mặt bằng rộng, kiến trúc và thiết kế khang trang, sáng sủa, nằm chếch chân phải cầu Trường Tiền, phía chợ Đông Ba. Ái Hoa bán sách giáo khoa bậc trung tiểu học, bút chỉ văn phòng, văn học phổ thông. Ái Hoa tập chú nhiều hơn vào việc cung cấp các mặt hàng lưu niệm: các albums, khung ảnh, đặc biệt là cartes postales.
  • Tiệm sách Bình Minh là một tứ giác nằm ở góc phía trái chợ Đông Ba, bán sách giáo khoa, bút chỉ văn phòng, sách báo phổ thông. Bình Minh ngoài việc bán lẻ, còn làm đại lý cung cấp các mặt hàng trên cho các sạp nhỏ.
  • Tân Hoa là một tiệm sách nhỏ, nằm giữa xi nê Tân Tân và tiệm sách Gia Long (đối diện chợ Đông Ba). Tân Hoa bán sách giáo khoa, bút chỉ văn phòng và đặc biệt xuất bản và bán lẻ các nhạc phẩm in theo dạng tờ kép dày. Tân Hoa là mạnh thường quân của nhiều nhạc sĩ sáng tác.
  • Gia Long trực diện với chợ Đông Ba, có mặt tiền rộng, quày hàng và kệ sách nhiều, sắp xếp thành ba dãy giữa hai bên lối đi ăn sâu vào phía trong. Gia Long chủ yếu bán sách giáo khoa trung tiểu học, bút chỉ văn phòng phẩm và văn hóa phẩm phổ thông.
  • Từ đường Trần Hưng Đạo quẹo vào Phan Bội Châu chừng 100m, mé trái là tiệm sách Lê Thanh Tuân. Lê Thanh Tuân là một tiệm sách nhỏ, cũ kỹ, bán bút chỉ văn phòng, sách giáo khoa, mực tàu, giấy vẽ, bút lông. Hồi nhỏ đôi lần tôi theo ba vào tiệm sách này để mua các thứ về vẽ tranh tàu và viết câu đối.
  • Anh Minh là một địa chỉ đặc biệt, không bán sách giáo khoa, bút chỉ văn phòng và các loại sách báo mới xuất bản như các tiệm sách khác. Điều đặc biệt thứ hai là ông Anh Minh vừa là chủ vừa là người bán hàng. Anh Minh không phải là một tiệm sách như các tiệm sách khác của Huế xưa. Đây là một ngôi nhà nhỏ, thấp và tối, gần cửa Đông Ba, nhìn ra một vườn hoa nhỏ. Bên trong kê lèo tèo vài tủ gỗ sát tường và một quày kính cũ kỹ ở giữa.

Anh Minh bán các loại sách cũ của các cụ Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, các loại sách do nhà xuất bản Tân Việt viết về các phong trào kháng chiến chống Pháp như phong trào Cần Vương, Văn Thân, Nghĩa Hội, Duy Tân.

Nghe nói ông Anh Minh, là đệ tử của cụ Phan Bội Châu, tổ chức nhà sách này chủ yếu làm địa chỉ liên lạc với bạn bè đồng chí cũ?

Anh Minh còn là nơi quảng bá phương pháp dưỡng sinh, chữa bệnh bằng gạo lức muối mè, của một bác sĩ người nhật tên là Ohsawa.

Có một điều lúc lớn tuổi tôi mới biết là đa phần chủ nhân các tiệm sách ở Huế trước 1975 đều có dính líu xa gần với “Việt cộng” từ thời đánh Tây qua thời kỳ chống Mỹ.


Về việc làm thêm của các nữ sinh, sinh viên Vỹ Dạ.


Cô Phùng Khánh trong một hồi ức nhỏ, đã kể lại chuyện đi lạc đường từ chợ Đông Ba về nhà (thôn Vỹ) như sau:

“ Để có tí tiền chi tiêu cho riêng mình, một hôm cô hái rau càng cua mọc hoang trong vườn nhà đem qua chợ Đông Ba bán. Rau bán chẳng ai mua trong chợ chiều, lên nhầm xà lan, thay vì cập bến Đập Đá để về Vỹ Dạ, cô đã lên đò về Cồn Hến. Đi lạc trong hoàng hôn trên những nẻo đường quanh co, sẫm tối, cô đâm ra hoảng sợ. Nhớ lời mẹ dặn cô niệm Quan Âm cứu nạn, may nhờ một ngư dân qua sông bằng chiếc nốt nhỏ, cô về được nhà…

Chuyến đi lạc trong hoàng hôn và chiếc nốt nhỏ của người nông dân là những yếu tố của một cơ duyên gần có vai trò như là một bước ngoặc định hướng cuộc đời cô: đi về phía Phật Pháp ”.

Câu chuyện của cô Phùng Khánh có một chi tiết nhỏ làm tôi nhớ về những việc làm của chúng tôi – những nữ học sinh, sinh viên Vỹ Dạ trong cái thiếu thốn chung của tình trạng kinh tế lúc bấy giờ và tùy theo cách thế cùng khả năng riêng của từng gia đình, từng cá thể mà chúng tôi đã tận dụng để có thêm chút tiền nhằm cải thiện sinh hoạt: Mua thêm sách đọc, sắm thêm vài vật dụng cá nhân, xi nê, ăn hàng, vui chơi bạn bè tí chút, quà cáp cho nhau nhân sinh nhật, lễ lược hoặc chia sẻ nhau những lúc khó khăn, bởi gia đình chỉ cung ứng cho chúng tôi nhu cầu ăn học rất hạn chế.

  • Các chị Phùng Khánh, Phùng Thăng sau chuyến bán rau thất bại đã tận dụng báo chí, sách vở cũ của chính mình, thu gom thêm từ các gia đình bà con bạn bè quen biết, các người bán chai bao… cắt dán bao bì theo kích cỡ to nhỏ khác nhau đem bán ky lô cho những sạp bán gạo, ngũ cốc và gia vị.
  • Chị em tôi nhận len từ những cửa hàng, sạp hàng bán tạp hóa ở đường Trần Hưng Đạo, các ki ốt ở chợ Đông Ba đan thành áo, mũ, tất cho trẻ em. Đan xong đem nộp bán. Các cửa hàng, sạp hàng bán xong trả tiền công cho chúng tôi.
  • Các chị Mộc Hương, Liên Hương, Dạ Hương (con gái cụ Ưng Phục) mua vải phin nõn cắt, rua, thêu khăn tay kết thành từng semaine, đựng trong những hộp nhỏ làm quà lưu niệm gởi bán tại các cửa hàng, ki ốt tạp hóa ở đường Trần Hưng Đạo, Phan Bội Châu và chợ Đông Ba. (mỗi semaine là một xếp gồm bảy chiếc khăn tay được sắp theo thứ tự các chữ: Lundi, Mardi…Dimanche hoặc Monday, Tuesday…Sunday được thêu vào góc mỗi chiếc).
  • Các chị Phương Chi, Phương Thảo, gói bánh phục linh, nặn bánh sen tán.

Ngoài những viêc như thế, các nữ học sinh, sinh viên trong nhiều gia đình ở Vỹ Dạ còn có việc gần giống nhau mà nhà nào cũng có – Đó là việc thu gom các sản vật trong vườn đem ra chợ bán. Lá chuối sứ được cắt rọc gấp lại từng xếp dùng làm lá gói hàng, môn bẹ tím dùng làm dưa được nẹp thành từng kẹp. Vả, chanh, trái chay hái từng mớ. Những sản vật này tùy theo từng lứa tuổi mà chúng tôi tự mình đem ra chợ bán hay gởi cho những đứa nhỏ hơn. Tuổi đi chợ bán các sản vật thu hái trong vườn từ 9, 10, 11 tuổi, đến 14, 15, 16, là tuổi bắt đầu biết xấu hổ nên sự nhiệt tình kiếm riêng tí chút giảm dần. Tôi “ cần kiếm thêm tí chút ” nhiều hơn các chị bởi tôi có nhu cầu mua sách và các ấn phẩm âm nhạc. Ngoài việc đem bán các sản phẩm của vườn nhà, tôi còn nhận bán giùm các chị Phùng Khánh, Phùng Thăng, Mộc Hương, Liên Hương, Dạ Hương, Phương Chi, Phương Thảo, các chị đã là học sinh cấp ba hay đã là sinh viên đại học, sự xấu hổ ngày một gia tăng. Các chị thường gởi “hàng” nhờ tôi mang ra chợ mỗi tuần một lần. Các bà các chị buôn bán lẻ ở hai chợ Mới (nay là chợ Vỹ Dạ) và chợ Cống (trên đường Nguyễn Công Trứ) quen mặt tôi. Mỗi khi tôi mang “hàng” đến, họ đếm và đưa tiền, không bao giờ mặc cả. Có một đạo lý phổ biến ở các chợ quê lúc bấy giờ: không nói thách, mua và bán phải chăng với phụ nữ mang bầu, trẻ con, người già, đàn ông đi chợ.


Nguyễn thị Kim Thoa


(*) Diễn Đàn: Tên chính thức của ông là Đặng Thai Mai (không có dấu sắc), tuy nhiên ở đây chúng tôi tôn trọng ký ức và cách viết của tác giả, vì trong một thời gian dài rất nhiều người nhầm tên của học giả này. Có lẽ vì không có điều kiện để biết rõ, trong miền Nam trước thống nhất hầu như mọi tài liệu đều viết tên ông có dấu sắc như vậy.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss