Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Phan Huy Đường : trong vài khoảnh khắc tồn tại

Phan Huy Đường : trong vài khoảnh khắc tồn tại

- Nguyễn Thị Từ Huy — published 29/05/2021 13:05, cập nhật lần cuối 29/05/2021 19:43



Phan Huy Đường :

trong vài khoảnh khắc tồn tại



Khi những cơn giằng xé nội tâm được

bọc trong thứ ánh sáng buồn bã và tuyệt đẹp



Nguyễn Thị Từ Huy



Trong số các nhân vật của cộng đồng Việt Kiều ở Paris, có lẽ Phan Huy Đường là người tôi gặp muộn màng nhất, ở thời kỳ tôi làm luận án tiến sĩ về văn chương tại Đại học Paris 7. Đó là vào buổi giới thiệu cuốn tiểu thuyết “Cá voi trầm sát” của Mai Ninh. Cuối buổi đó, Đường hẹn tôi cà phê, một buổi chiều tại quán Le Rostand, đối diện với một cổng vào của vườn Luxembourg. Từ đấy khởi đầu cho dòng độc thoại nội tâm mà Đường không thể không tái diễn ở mỗi lần gặp. Độc thoại nội tâm, bởi phần lớn thời gian là Đường nói, và nói với con người bên trong của Đường, dù thỉnh thoảng cũng nhớ rằng có một người đang nghe, cần thiết cho dòng suy nghĩ độc thoại đó được cọ xát thành lời và vang lên thành âm thanh. Suốt cả buổi chiều, tôi nghe Đường nói về một người, duy nhất một người. Sự tò mò cuốn tôi vào câu chuyện và tôi đã nghe một cách đầy hứng thú. Chưa bao giờ và chưa từng có ai đặt tôi vào một trạng huống như thế : người nói chuyện với tôi thực ra đang đối thoại với một người khác, người hiện diện trong tâm tưởng của ông ấy, trong dòng độc thoại của ông ấy. Ông không nhìn thấy ngoại cảnh xung quanh, không nhìn thấy nắng loang vết trên hiên cà phê, không nhìn thấy lá xanh và hoa đủ màu trong công viên Luxembourg chỉ đối diện phía bên kia đường, ngay trong tầm mắt ; có lẽ cũng không nhìn thấy tôi một cách rõ ràng. Thứ mà ông ấy tìm kiếm là những hoài niệm trong ký ức. Tôi chỉ không ngờ được rằng chuyện đó sẽ còn tiếp tục lặp lại về sau.

Một lần, lúc ông đã say, và có lẽ gần chạm giới hạn của ý thức, tôi tìm cách làm cho ông dừng lại, dừng uống và dừng nói. Tôi ngừng nghe, và hỏi: “Tại sao trước một phụ nữ mà anh lại hoàn toàn chỉ nói về một phụ nữ khác?” Dĩ nhiên, tôi hỏi câu đó với giọng điệu của một người “làm khoa học”, nghĩa là hoàn toàn trung tính, khách quan, ở khoảng cách của một người muốn tìm hiểu một hiện tượng, một sự kiện, một biểu hiện nào đó. Đường, trái lại, sững sờ, và có vẻ như tâm trí thoát ra khỏi ảnh hưởng của rượu, do câu hỏi đập vào não ông quá đột ngột. Ông ngơ ngác: “Cái gì cơ?” Tôi nhắc lại câu hỏi của mình. Ông ngừng một lúc, nhìn chằm chằm ly rượu đang uống dở trước mặt, tìm kiếm câu trả lời. Rồi nói trong tiếng thở hắt, nhọc nhằn:

Tôi cần tình thương”.

Đến lượt tôi bị bất ngờ. Tôi hoàn toàn không chờ đợi nghe hai chữ “tình thương”. Và không chờ đợi tình thương là thứ ông cần. Nhưng câu chuyện này, con người này, ở thời điểm này, trong quán rượu lúc đêm gần khuya, với chừng đó rượu đã uống, mà tôi còn chờ đợi cái gì hợp lý sao? Cái kẻ phân tích trong tôi trỗi dậy. Tôi đang có trước mặt mình một con người, một nỗi đau, nỗi đau vô hình nhưng tràn ngập không gian và đóng dấu trọng lượng của nó lên từng hạt không khí. Tôi biết dù chỉ cách nhau khoảng cách một mặt bàn, chúng tôi không hô hấp với cùng một loại không khí, thứ khí tôi thở không có trọng lượng, còn Đường đang hít vào một loại khí nặng trĩu. Và tôi cũng có trước mắt mình hình bóng của người vắng mặt, nguyên nhân của nỗi đau. Tôi đòi con người đang trong nỗi đau tận cùng đó phải nói ra một cái gì hợp lý sao? Như vậy thì chính tôi mới không ổn.

Tôi nhìn ông, rồi chậm rãi nói :

Anh không cần tình thương.”

Đường choáng váng, dường như một nhát búa nữa vừa ném vào tâm trí của ông.

Khoảnh khắc đó quả thực chúng tôi đã có một đối thoại giữa những người làm văn chương, khoảnh khắc khi văn chương là một cái gì thực tại. Đó, đối thoại văn chương là như vậy. Nhưng cũng hết sức đời, đời thật của những giây phút mà những gì vốn vô hình của tinh thần (tình cảm, cảm xúc, suy tư….) được vật chất hóa bằng ngôn ngữ, bằng một tình huống nghiệm sinh có thực. Lúc ấy, bằng những thời khắc thực tồn của mình, chúng tôi đã viết một câu chuyện có tính văn chương, trong những lời thoại ngắn gọn.

Lúc này, có vẻ Đường trở lại trạng thái tỉnh thực sự, ý thức ngoi lên từ sương khói của quá khứ và của rượu, để thốt ra một câu hỏi rất logic:

“Tại sao?”

Ngạc nhiên chân thành! Tại sao ông không cần tình thương ? Trong lúc thực sự ông cảm thấy thiếu tình thương ? Hẳn đó là những gì diễn ra trong tâm trí ông, tôi đoán vậy. Chỉ trong khoảnh khắc, rượu đánh mất sức mạnh cám dỗ và khả năng làm tê liệt của nó. Đường ngạc nhiên và háo hức chờ câu trả lời, như một đứa trẻ.

Tôi kiểm soát tình hình, rõ ràng và dứt khoát:

“Bây giờ khuya rồi, anh đưa em về, trên đường về em sẽ giải thích tại sao anh không cần tình thương”.

Vừa vào ô tô, cài xong dây an toàn, ông hỏi, như không thể chờ thêm nữa: “Tại sao tôi không cần tình thương?”.

Về phía mình, tôi chẳng có gì phải vội vã, quãng đường còn dài, đủ cho mọi giải thích, và tôi cần sắp xếp các từ ngữ sao cho mọi sự phải đúng với tính chất của chúng. Vừa tìm dây an toàn, tôi vừa nói: “Anh cứ lái xe đi đã”. Đường nổ máy, và chiếc xe rẽ vào xa lộ. Tôi bắt đầu:

“Anh không cần tình thương. Câu chuyện của anh và chị ấy không có gì liên quan đến sự thương hại, hay thương cảm, hay thương gì đi nữa. Trái lại, đó là một câu chuyện đáng ngưỡng mộ, và đáng tự hào, kể cả trong mất mát. Anh thử nói xem, trên đời này, có bao nhiêu người có được một tình bạn văn chương như vậy, một tình bạn kéo dài mười lăm năm, với những thành quả như thế? Anh không cần tình thương. Sự đặc biệt của nó, tính chất duy nhất của nó, một tình bạn như vậy không sống vì tình thương, và cũng không chết vì tình thương. Tình thương là một từ không chính xác, tình thương không có vị trí trong câu chuyện của anh.”

Đường không trả lời. Nhưng tôi biết lý trí của ông đang được điều chỉnh để trở về trạng thái chủ động cần thiết, dù rằng cơ thể vẫn chịu tác động của rượu. Tôi có thể yên tâm mà ngồi trong ô tô của một tài xế đã một mình uống mấy chai rượu liền (quả thật tôi không nhớ tối hôm đó Đường đã uống bao nhiêu rượu). Đường bảo: “Nói tiếp đi!” Tôi thực sự cân nhắc. Tôi chưa bao giờ nói lời nào không thật với Đường, và có lẽ nói chung là như vậy. Nếu cảm thấy không nên nói thì tôi im lặng. Còn đã nói thì sẽ nói thật điều tôi nghĩ hoặc cảm nhận, không nói dối. Lúc đó, điều tôi muốn là Đường cần thoát khỏi trạng thái yếu đuối mà ông đang chìm đắm vào, làm sao để ông tìm lại sức mạnh nội tâm mà đi ngược lên con dốc của sự tuyệt vọng và trở về với con đường bằng phẳng, thăng bằng. Muốn là một chuyện, nhưng làm thế nào? Đôi khi, chẳng làm gì được.

Nhưng tôi phải tiếp tục nói, vì tôi đã hứa sẽ trả lời. Tôi nói rằng tôi mong ước có một tình bạn phi thường như tình bạn của hai người, mà không chỉ tôi, nhiều người khác cũng mơ ước điều đó. Ước gì tôi có thể biến thời gian của mình thành những công trình ghi dấu một mối quan hệ đặc biệt. Trên từng trang sách, mà Đường đã dịch trong chừng đó năm, không chỉ có chữ, đằng sau chữ là bao nhiêu điều khác, những gì mà Đường đã trải nghiệm trong quá trình dịch để tạo ra một đời sống cộng hưởng với tác phẩm của nhà văn, để mang lại cho các tác phẩm đó một không gian sống rộng hơn rất nhiều, lớn hơn rất nhiều so với cái không gian trong đó chúng ra đời. Mối quan hệ giữa hai người có thể chấm dứt, nhưng chừng nào các tác phẩm dịch còn tồn tại, thì quá khứ mười lăm năm qua vẫn tiếp tục sống, cùng các trang sách, và sau các trang sách. Một tình bạn như vậy, một khi đã tồn tại, thì dù không còn tiếp tục, nó vẫn là một cái gì xuyên thời gian. Giống như một câu chuyện đẹp và hay, một khi đã được kể ra thì sẽ tiếp tục sống kể cả nếu tác giả không còn trên đời này nữa. Đường đã có một tình bạn quá đặc biệt và quá đẹp, khiến ông không cần đến bất kỳ một thứ tình thương nào để cứu chữa sự tan vỡ của nó.

Tôi không nhớ hết những gì tôi đã nói trong xe ô tô. Điều mà giờ đây tôi vẫn còn có thể chắc chắn, đó là tôi đã nói những gì tôi nghĩ, những gì tôi cảm nhận. Và cũng không hề ảo tưởng rằng những lời nói của mình có một ích lợi cụ thể nào, dù tôi rất mong chúng có thể trở thành một loại trợ lực tinh thần nào đó. Rồi thì Đường vẫn tiếp tục uống và tiếp tục độc thoại trong một thời kỳ dài.

Đường không phải là một dịch giả chuyên nghiệp (traducteur professionnel) theo nghĩa là một người làm công việc chuyển ngữ. Đường là một dịch giả-nhà văn. Ông sống tác phẩm trong lúc dịch, và sống đời sống thực trong lúc dịch. Hoặc phải nói cách khác, dịch đối với ông có nghĩa là sống. Vì thế ông bị ấn tượng bởi câu văn ngắn này, trong tiểu thuyết của tôi: “Anh cần viết cho em, để sống”. Và khủng hoảng là không thể tránh khỏi khi ông ngừng, không dịch nữa.

Tôi thực sự đã muốn xoa dịu mọi trạng thái tôi nhìn thấy ở Đường: nỗi đau, sự căng thẳng, sự thất vọng, sự tổn thương, mong muốn tiếp tục tự làm tổn thương mình, tự nhấn chìm mình trong những dày vò không ngừng nghỉ của kỷ niệm và quá khứ… Vào thời gian ấy, Đường không sống với hiện tại. Ngày tháng của ông là sự kéo dài của quá khứ, một quá khứ không mất, nhưng không thể tiếp tục trong hiện tại, và vì vậy mà nó thay thế cho hiện tại, ở trong con người muốn từ chối sự mất mát. Ít nhất, đó là hiện thực trong mỗi lần Đường hẹn gặp tôi. Trong suốt vài năm (chứ không chỉ vài tháng), những cuộc gặp ít ỏi của chúng tôi chủ yếu xoanh quanh chủ đề : về tình bạn đã mất và về người bạn không còn là bạn của Đường. Ngoài ra thì có bàn về triết học, nhưng triết học đối với Đường không bao giờ là câu chuyện thuần túy học thuật, nó luôn được kéo về với những nghiệm sinh, như là điều kiện bản thể học của suy tưởng.

Trong suốt thời gian đó, tôi đã là người nghe lý tưởng của Đường; vừa nghe, chủ yếu là nghe, vừa thỉnh thoảng đặt những câu hỏi giúp cả Đường và tôi tìm hiểu thực chất câu chuyện. Cần phải nhấn mạnh rằng, trong toàn bộ dòng độc thoại (thì đúng là độc thoại) của Đường về người từng là bạn ông, không hề có một lời nào tiêu cực, không hề có cái mà ngôn ngữ thông thường vẫn gọi là “nói xấu”. Mọi lời của Đường đều long lanh (bất kể ông sử dụng từ ngữ thuộc loại nào) trong nguồn cảm hứng bất tận ngợi ca một nhà văn nữ đã có can đảm một mình chống lại hệ thống. Ngoài ra, ông sẵn sàng nổi giận khi nghe ai đó nói những lời không hay về người phụ nữ ấy. Ông bảo vệ bà đến cùng, nỗ lực bảo vệ bà đến cùng, bất chấp ông có thể bị xem là kỳ cục trong mắt người đời. Trường hợp của Đường khiến sau này tôi thường xuyên phải tự nhủ mình: đừng thấy ai có biểu hiện kỳ cục so với các tiêu chí thông thường thì nghĩ rằng họ kỳ cục. Hẳn họ phải có lý do để hành xử như vậy, và đó rất có thể là những lý do cao thượng.

Thêm điều này nữa: không biết bao nhiêu lời đã nói ra trong những cuộc độc thoại nội tâm dằng dặc đó, nhưng chưa bao giờ có lời nào đề cập đến nguyên nhân của sự tan vỡ. Và tôi cũng không hỏi. Tôi không có nhu cầu biết đến nó, cái nguyên nhân ấy. Mà biết để làm gì?

Một người đang trong cơn đau, cần được làm dịu nỗi đau, và cần đến tôi như là một trợ lực bên ngoài để đi xuyên qua nỗi đau của mình mà tiếp tục tồn tại, thì điều tôi có thể làm là đóng vai trò của trợ lực ngoại tại ấy. Vả chăng, tôi không quan tâm đến cái lý do nào đó mà nếu tôi gợi lại sẽ khiến cho tình trạng trầm trọng hơn. Điều tôi quan tâm là những phương diện cao cả của một tâm hồn đau khổ đang bộc lộ trước tôi trong ánh sáng đầy nhân văn của nó. Đường sống ở Paris thế kỷ 21, nhưng ông thực sự là một nhận vật thuộc kiểu văn học lãng mạn thế kỷ 19. Trong tư cách chứng nhân, tôi chỉ muốn ghi lại và lưu giữ các khía cạnh người của cái bi kịch mà Đường phải gánh, vừa đau đớn, xót xa, nghiệt ngã, vừa lãng mạn, cao thượng. Tiếc là tôi chưa bao giờ nói với Đường về điều này, tôi chưa bao giờ nói với ông điều mà tôi cảm nhận từ cái cách mà ông sống bi kịch của chính mình. Tôi chưa bao giờ nói với Đường về dòng ánh sáng mà tôi nhìn thấy tỏa ra từ cuộc đấu tranh nội tâm đầy đau khổ của ông. Sự tiếc nuối loại này tôi vẫn thường gặp phải. Ngày ba tôi mất, tôi cũng giận mình khi còn cơ hội đã không nói với ba những điều tôi nghĩ về ba và những ảnh hưởng của ba mà tôi đã và sẽ mang theo suốt đời.

Tôi đã luôn muốn hàn gắn tình bạn văn chương đó. Nhiều lần tôi nói với Đường về viễn cảnh thiết lập lại quan hệ giữa ông và nhà văn ấy. Nhưng tôi không thành công. Và tôi hiểu, đời sống là như vậy, không phải bao giờ ta cũng làm được điều ta muốn. Thất bại được quy định như là một phần của cuộc hiện sinh của mỗi chúng ta. Tôi đã chứng kiến Đường suy sụp như thế nào, và cũng thấy ông phần nào hồi phục khi tìm thấy những ý nghĩa của đời sống nơi gia đình, người thân, đặc biệt là vợ ông và các cháu của ông. Vào mùa đông 2012, khi trở lại Paris sau 4 năm, tôi nêu nhận xét này: “Dường như anh đã vượt qua thời kỳ suy sụp”. Ông nói rằng tôi là người duy nhất dùng hai chữ “suy sụp” và thừa nhận rằng từ đó là chính xác với ông trong một giai đoạn.

Những cuộc gặp gỡ, phải nói là ít ỏi về số lượng, nhưng rất phong phú về ngôn từ, với Phan Huy Đường, khiến cho câu hỏi này trở thành một ám ảnh: Chúng ta biết gì về một con người? Đôi khi chúng ta cho phép mình mọi đánh giá, mọi phán xét, mọi chê bai, chỉ trích, hay ở cực đối lập là khen ngợi, ca tụng… dành cho một ai đó. Nhưng chúng ta biết gì về họ? Chúng ta lấy mình ra để đánh ra giá họ, chúng ta dùng lăng kính của mình để soi xét họ, chúng ta lấy các tiêu chí của mình để phán xét họ, nhưng họ có phải như chúng ta hình dung không? Những phán xét của chúng ta có trở thành bất công đối với họ không?

Đường đã muốn tránh mọi bất công tiềm tàng đối với người đã từng là bạn ông trong suốt mười lăm năm, vì thế mà ông đã không phán xét, không đánh giá, không chỉ trích. Ông cố gắng hiểu, cố gắng kể lại các sự kiện để hiểu, và kể lại các kỷ niệm mà vẻ đẹp của chúng trở thành bất tử trong ký ức của ông.

Sau ông còn nhiều người khác, nhưng Phan Huy Đường là người đầu tiên, giúp tôi nhận ra điều này: hiểu là việc khó nhất và đòi hỏi nhiều nỗ lực nhất ở trên đời, kể cả nỗ lực phủ nhận chính mình.

Sài Gòn, tháng 5/2021

Nguyễn Thị Từ Huy



NGUỒN : Bản chót, tác giả gửi cho Diễn Đàn ngày 29.5.2021



Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us