Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Phố xưa mưa bụi

Phố xưa mưa bụi

- Lưu Thuỷ Hương — published 01/05/2007 18:20, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19
truyện ngắn

   

           Phố xưa
                       Mưa bụi

 
Lưu Thuỷ Hương
 

Hôm nay là sinh nhật thứ mười tám.

Buổi sáng, trời mưa phùn mờ mịt. Mẹ đứng bên khung cửa sổ nhìn ra phố, im lìm trong cô đơn. Mình ngập ngừng mãi ở bậc cầu thang, muốn chạy đến vùi đầu vào vòng tay yêu thương của mẹ, như những ngày xa xưa. Từ bao lâu rồi, khoảng cách giữa hai tâm hồn cứ lớn mãi, lặng lẽ bên nhau dưới một mái nhà.

Mưa bụi bên ngoài theo gió lùa vào khung cửa, thấm lạnh căn phòng, thấm lạnh cả mẹ. Dù rằng mẹ bao giờ cũng lạnh lẽo. Đường phố trắng nhờ trong màu mưa xuân. Mấy hàng phượng vĩ lá lưa thưa bết dính vào nhau chẳng đủ che mưa cho những người hàng rong. Họ đến nép vào gốc cây vội vã, rồi lại co ro vội vã ra đi cùng quang gánh. Từ ngôi biệt thự khang trang này nhìn ra, những con người ấy lầm than khốn khổ làm sao. Hình như có tiếng mẹ thở dài.

– Mưa Hà Nội cứ như mùa thu ở Đức. Có những ngày mẹ đứng mãi dưới trời mưa, hàng quán ướt cả, phố xá vắng tanh.

Mẹ nói thế vào buổi sáng sinh nhật của mình, thay cho một lời chúc mừng, một nụ hôn, một tình cảm ấm áp của người mẹ dành cho con gái. 

– Ngày ấy cực khổ thế, mẹ còn nhắc làm gì?

Mẹ ngơ ngác nhìn mình. Nỗi đau thoảng qua trong mắt mẹ làm mình bàng hoàng. Đã lâu rồi mình cứ ngỡ, mẹ đã chôn vùi nỗi đau ấy trong băng giá. Dẫm bước chân qua mà không còn nghe rạn vỡ. Đó là những ngày nhọc nhằn, nghèo khó nhất của mẹ nhưng cũng là những ngày hạnh phúc nhất. Và cũng là những ngày hạnh phúc nhất của tuổi thơ mình. Nó đã vĩnh viễn ra đi vào một buổi chiều, chia cắt ba mảnh đời.

Không bao giờ mình quên được bố. Ánh mắt bố nhìn mẹ lần cuối, ẩn chứa một điều gì mà cả tuổi thơ mình không thể nào lý giải được. Chiếc bao tải áo quần rơi xuống bên đường, xổ ra vung vãi. Bố cũng ôm ngực quỵ xuống trong tiếng gọi nghẹn ngào của mẹ. Mình đứng đấy, trên lưng đeo chiếc cặp sách mới toanh, bố vừa mua tặng cho vào ngày sinh nhật thứ mười, bằng cả số tiền dành dụm ít ỏi. Xe cứu thương đến đưa bố và mẹ đi. Mình đứng đấy, trơ trọi giữa khu phố chợ ướt mưa. Bác Ba Lan bán hàng xúc xích bên cạnh đến nắm lấy tay mình. Đợi mãi, đợi mãi... lạc lõng trong ngày sinh nhật thứ mười.

Đêm đầu tiên xa mẹ, xa bố, ngủ trong căn phòng nặng mùi xúc xích của bác Irena, mình thao thức mãi. Mình không sợ bác Irena, không sợ căn phòng xa lạ này. Chỉ sợ bố và mẹ không quay lại.

Bố chẳng bao giờ quay lại. Chỉ có mẹ đến đón, hốc hác, lạc lõng như một người nào xa lạ. Mẹ không khóc. Mình cũng không khóc. Có một cái gì quá tàn nhẫn và khó tin để mẹ con mình chỉ còn có thể ôm ghì lấy nhau, run rẩy...  Mẹ đến để đưa mình ra sân bay, theo cô Hồng về Hà Nội. Vai mình đeo chiếc cặp sách của bố, một tay ôm con gấu Teddy của cô Sagert, một tay bấu chặt áo mẹ.

– Con đã lớn rồi. Con ngoan theo cô Hồng về với ông bà ngoại. Mẹ phải bán hết hàng hóa, thu xếp về sau. Con đã lớn rồi, can đảm lên nào.

Mình đã lớn, ở tuổi đời vừa lên mười đã phải là người lớn. Mình không khóc. Đôi mắt trống rỗng của mẹ khi ấy làm mình sợ hãi, không còn khóc được. Sau khung cửa kính, bóng mẹ hớt hải vẫy tay, chạy đuổi theo dọc hành lang. Nhân viên sân bay giữ mẹ lại. Mình bước vào phòng đợi, khóc òa lên với con Teddy.

Dresden xa dần sau khung cửa sổ máy bay. Thành quách, cung điện, phố xá và cả dòng sông ở lại mãi bên dưới.

Mưa phùn Hà Nội sao buồn thế nhỉ. Phố xá nhạt nhòa trong làn mưa bụi lê thê. Nỗi buồn ẩm ướt cứ len vào tận da thịt, thấm vào tận tâm hồn. Nỗi buồn vẫn đến thế này vào mỗi ngày sinh nhật, khi mình và mẹ cùng nhớ đến một người. Suốt một năm, chỉ có một ngày để gần gũi mẹ, ngày buồn nhất. Mẹ bảo mình giống bố, tâm hồn yếu đuối mơ mộng nhiều quá, sợ rồi sẽ không thành đạt trên đường đời.

Hôm nay là sinh nhật thứ mười tám, mình muốn dành tất cả thời gian cho mẹ, cho một ngày đặc biệt. Nhỡ mai rồi không còn dịp.

– Mẹ ở nhà với con một ngày, mẹ nhé? Chỉ có hai mẹ con mình với nhau.

– Vẽ chuyện! Còn bao việc phải lo. Nhớ ra tiệm làm tóc. Mẹ ghé nhà hàng xem chuẩn bị tiệc tùng thế nào, mời đến cả ba trăm khách đấy.

– Con hủy cả rồi. Con chỉ muốn một ngày sinh nhật có mẹ.

Mình nhìn mẹ khẩn cầu, sợ trong đôi mắt mẹ là cơn thịnh nộ bùng nổ. Nhưng mẹ lại nhìn ra làn mưa ngoài phố, mệt mỏi bảo:

– Gọi chị Mai lo thức ăn sáng cho cả mẹ. 

– Con muốn mình đi ăn bún thang.

– Trời mưa thế này!

– Cụ Tam vẫn nhắc đến mẹ luôn. Ngày còn đi học, mẹ chẳng thường trốn ra đấy ăn bún là gì.

Mẹ ngơ ngác lẩm bẩm:

– Ừ, dạo ấy, mà đã bao nhiêu năm rồi còn gì. Để mẹ bảo chú Tấn đánh xe đưa mẹ con mình đi.

– Mẹ buồn cười thế. Ra chợ chỉ có dăm bước mà bảo xe đưa rước. Mình đội mưa đi, thích lắm, mẹ ạ.

Mẹ cười. Đã lâu lắm rồi chắc mẹ chưa có dịp dầm mưa ra chợ. Đã lâu lắm rồi mẹ chưa nhìn mình cười như thế.

Cụ Tam vẫn nhận ra mẹ. Cụ bảo, mẹ vẫn xinh như ngày nào cùng đám bạn lốc nhốc ra đây cười nghiêng ngả cả hàng bún. Trời mưa lạnh, bát bún thang nóng hôi hổi. Vị giò, thịt gà, trứng tráng lẫn vào mùi mắm tôm. Mẹ bảo, bao nhiêu tiệc nhà hàng vẫn không bằng bát bún thang thời học sinh. Mình nhìn ánh mắt long lanh đang cười, mẹ xinh quá, còn trẻ quá. Có lần mẹ đến trường đón mình, đám bạn lau nhau hỏi: "Mẹ cậu đấy à? Xinh thế, tây thế!"  Mẹ trở về đây, một thân một mình, xây dựng nên cả cơ ngơi. Giàu có và thành đạt. Thời gian đầu, mẹ đi suốt cả đêm. Buổi sáng trở về bơ phờ, nồng nặc men rượu. Tiếng mẹ đập phá đồ đạc trong phòng khách làm mình thức giấc, sợ hãi. Những tấm gương trên tường mẹ đập vỡ cả. Đập vỡ rồi lại mua mới. Rồi lại đập vỡ. Đêm đêm mình ở nhà một mình trong căn biệt thự rộng lớn, quạnh quẽ, chờ mẹ đến thiếp đi trong mệt mỏi. Bây giờ mẹ không đi nữa, chắc đã chán chường những cuộc vui. Nhưng mẹ lại khép kín, lạnh lẽo. Lạnh lẽo để mình cứ phải xa mẹ, xa dần, khi mình chỉ cần một vòng tay ấm áp, như những ngày xa xưa.

Người ta còn bảo mẹ tàn nhẫn, độc ác trong kinh doanh. Mẹ dẫm lên nỗi đau của người khác để mà thành đạt. Nhưng mình không muốn tin những điều ấy. Người đời chỉ ghen tức, vì mẹ làm giàu nhanh chóng. Con tim của mẹ mang một vết thương quá lớn để còn có thể lành lặn bình thường. Đi tìm tình yêu khó thế sao? Một tình yêu như bố đã dành cho mẹ.

Mình rủ mẹ ra phố xem tranh, xem hàng mỹ phẩm. Đã lâu rồi mẹ mới lại vui như thế. Góc phố Tràng Tiền, hàng hoa đẫm ướt trong mưa, mình mua hoa tặng mẹ. Anh bán hàng cứ lăng xăng mãi bên mẹ chọn hoa.

– Hoa hồng mùa mưa đỏ thắm thế – Mẹ cười bâng quơ.

– Người còn đẹp hơn cả hoa.

Mẹ cọ chiếc mũi thanh thanh vào cánh hồng nhung, hờ hững quay lưng đi. Chắc mẹ không hề nghĩ, hôm nay là sinh nhật của mình, giá như lúc này có ai tặng mình một nhành hoa. Anh bán hàng nhận tiền, cười bảo:

– Hai chị em đi chơi phố vui nhé.

Mình rảo bước, tất tả chạy theo mẹ.

Hôm nay là ngày sinh nhật, buổi chiều, mình lên chùa thắp hương giỗ bố. Sư bà vuốt mái tóc bết mưa của mình, trách khẽ: "Sao không đội mũ vào, mưa gió thế này. Cháu vào gian trong thắp hương cho bố. Cả buổi chiều qua mẹ đã ở đây." Bàn tay sư bà ấm áp dịu dàng. Mình dụi mắt. Bố trong khung ảnh nhìn xuống yêu thương. Khói hương trầm cay cay.

Như một điều tình cờ. Chiều nay đài truyền hình lại chiếu đoạn phim tài liệu về nước Đức, về thành phố nơi mình sinh ra. Mình vẫn nghĩ, mãi mãi không quên được Dresden, nhưng những hình ảnh trong phim xa lạ quá. Ở nơi nào là khu phố bố từng vác hàng về cho mẹ bán? Ở nơi nào là trường học của cô Sagert, các bạn Tina, Kathi...? Ở nơi nào mộ bố nằm quạnh quẽ không một ngày hương khói? Ở nơi nào là căn phòng chật hẹp cả gia đình mình đã chia xẻ với nhau? Những đêm mùa hè nóng ngốt, trong những đám bao tải ngổn ngang chất kín cả cửa sổ... 

Mẹ lục đục nấu nướng bên cái bếp lò bé xíu, sau một ngày vất vả lăn lộn trên đường phố. Tóc mẹ đen dài trên tấm áo cũ bạc màu. Bố và mình ngồi chờ cơm trên đống bao tải. Bố hỏi chuyện ở trường, ở lớp, hỏi về cô Sagert. Mẹ thỉnh thoảng quay lại nhìn hai bố con cười âu yếm. Trong căn phòng nhỏ hẹp tồi tàn, giấy dán tường ẩm mục bóc ra từng mảng, đống bao tải là bàn ăn, là giường ngủ, là bàn học, là nơi bố dạy mình những bài toán cộng trừ đầu tiên. Nơi ấy, bầu không gian nhỏ hẹp ôm ấp ba tâm hồn hạnh phúc trong yêu thương.

Mình vẫn mơ một lần nhìn thấy lại quãng trường gạch đỏ có chiếc tháp chuông cao ngất, có đàn bồ câu trắng, nơi mỗi chiều chủ nhật bố mẹ dẫn mình ra ăn kem. Và những dãy cung điện chạy dọc bờ sông Elbe, ban đêm sáng rực những ngọn đèn lồng... Một buổi chiều trên chiếc cầu đá, trong ánh mặt trời đỏ rực, bố nắm tay mình nhìn xuống dòng nước khẽ bảo: "Đừng để cuộc đời uổng phí trôi đi. Bố sẽ cố gắng làm tất cả để con có một tương lai. Để rồi một ngày nào đó, con có thể đi nốt con đường mà bố bỏ dở."

Mình nhìn xuống dòng nước xanh, vô tư cười.

Ngày sinh nhật thứ mười tám. Bây giờ mình đã hiểu. Sự ra đời của mình đã đẩy bố vào một ngã rẽ không lối thoát cho bản thân. Hơn ai hết, mẹ biết rất rõ điều ấy.

Bố là bác sĩ, nghiên cứu sinh. Khi Đông Âu sụp đổ, cùng với những khó khăn, dang dở, bố thu xếp chuẩn bị hồi hương. Nhưng rồi mẹ có thai mình, buộc chân bố ở lại nước Đức. Bao giờ mẹ cũng muốn ở lại châu Âu. Mẹ là sinh viên kinh tế, có quá nhiều dự tính và tham vọng. Bố vì tình yêu dành cho mẹ, vì tương lai mình mà ở lại. Theo dòng người tị nạn, bố bị đẩy ra đường cùng cánh hàng rong rày đây mai đó. Bố đã làm tất cả vì mẹ và mình, trong khi thể xác bố vốn yếu đuối và con tim bố chỉ muốn trở về với công việc của một bác sĩ. Con tim ấy đã chẳng thể nào chịu đựng tiếp cuộc sống khắc nghiệt, ngày hai buổi bốc vác hàng trên phố. Ngày mùa đông rét buốt. Buổi mưa dầm ướt đẫm... Mẹ kể với sư bà, bố dấu kín những cơn đau, sợ phải bỏ việc, sợ phải xa gia đình, sợ sự thật... Ánh mắt bố nhìn mẹ lần cuối tiếc nuối, van xin, đã chẳng thể chia xẻ được với nhau đến cuối con đường.

Sư bà bảo, đừng đau buồn nữa, bố đã yên nghỉ. 

Buổi tối mình đi party. Mẹ ở nhà một mình trong căn biệt thự rộng lớn, quạnh vắng. Nhưng chắc mẹ sẽ không chờ mình, như ngày xưa mình vẫn thao thức chờ mẹ. Lần đầu tiên bọn mình uống toàn Tiger, thay cho nước ngọt và Cola. Dù gì cũng đã ở tuổi mười tám, đêm vui giã từ tuổi thơ. Vinh ngồi bên cười mãi, lại còn tình tứ bảo mình: "Hằng đẹp nhất đêm nay."  Mình chỉ xúc động tí ti. Cả khi Vinh tặng quà, tranh thủ hôn lên má, rất tây, mình cũng vẫn không thật cảm xúc. Cu cậu lại cứ toét ra cười, vênh váo tợn. Bố Vinh là tổng giám đốc công ty xuất khẩu đồ gỗ, từ Bắc vào Nam. Vinh quen được nuông chiều, có tất cả những thứ mà cậu ấy muốn.

Chị tiếp viên nhà hàng còn trẻ lắm. Chắc là cánh sinh viên nghèo chạy việc thêm. Chị ấy cho đá vào mấy cốc bia. Vình nắm tay chị cợt nhả hát:

– Bia đá, bia ôm, bia nào cũng vậy... làm sao em biết bia đá không say? 

Cả bọn cùng cười, ồn ào kéo nhau ra sàn nhảy. Vinh vẫn là trung tâm của cuộc vui. Bao giờ cũng thế, Vinh sôi nổi và sành điệu. Đêm nay mình ngỡ, hay là thử yêu Vinh xem sao.

Đêm, Vinh đưa mình về, xe chạy loanh quanh trên phố. Qua bờ hồ lấp lánh ánh đèn. Hàng cây sân trường Chu Văn An lao xao lá nơi xa. Gió thổi tốc vào lưng áo Vinh. Trước cổng nhà, hoa nhài thả hương khuya thoang thoảng. Vinh nắm tay mình, mùi bia phả lên mặt. Bỗng thấy ngỡ ngàng quá, chắc không yêu được nhau.

– Vinh về đi. Say rồi.

– Sao Hằng khó tính thế – Vinh cười trơ tráo – Bố mình bảo, mẹ cậu tây lắm cơ.

Tim mình đau nhói. Nó vẫn đau mỗi khi phải nghe những lời như thế về mẹ. Như một cái gì lại rạn vỡ trong tim, đau lắm. Mình lặng lẽ bỏ vào nhà, để mặc Vinh dưới trời mưa. Vinh và cả bố Vinh... mình căm ghét họ.

Cửa phòng mẹ đóng im ỉm, ánh sáng heo hắt dọi qua khe cửa. Mình cứ ngỡ, giờ này mẹ đã đi ngủ. Muốn vào với mẹ, sà vào vòng tay mẹ như những ngày xưa ấy. Hình như có tiếng mẹ khóc trong đêm. Mình nghĩ là nghe nhầm. Mẹ không bao giờ khóc. Mẹ bản lĩnh và cứng cỏi thế kia. Có một điều mình muốn nói với mẹ, như hai người lớn với nhau. Nhưng đêm nay, chắc là không phải lúc.

Buổi sáng, trời vẫn còn mưa chưa dứt, sinh nhật thứ mười tám đã là hôm qua. Mình đã là người lớn, đã trưởng thành.

Hôm nay mình sẽ nói với mẹ điều vẫn hằng ấp ủ.

– Con muốn trở lại Đức. Con sẽ đi tiếp con đường mà bố bỏ dở – con đường của một người bác sĩ.

Trên con phố xưa, còn mãi mưa bay.

Kỷ niệm Dresden, 4. 2007

Lưu Thuỷ Hương
 

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss