Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Phụ nữ ơi, ngươi thật đáng thương!

Phụ nữ ơi, ngươi thật đáng thương!

- Phạm Điệp Giang — published 08/03/2014 00:00, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:20

Nhân ngày 8.3

Phụ nữ ơi, ngươi thật đáng thương!

(vì tôi đọc Vô tri (Milan Kundera, bản dịch Cao Việt Dũng) như một người đàn bà)

Phạm Điệp Giang


votri

Bản dịch của Cao Việt Dũng, 
do Nhã Nam và nxb Hội Nhà Văn phát hành

1.

Có nhiều cách đọc sách, cũng như có nhiều loại độc giả. Điều ấy không phải do sự quy định của thể loại sách mà bạn đọc (mà ở đây tôi gói gọn trong thể loại tiểu thuyết), mà do ti tỉ thứ, từ nền tảng học vấn của bạn, từ cách tư duy của bạn, từ thói quen, sở thích của bạn,... Bạn có thể đọc lướt qua, đọc để mọi thứ trôi qua trước mắt và chỉ dừng lại ở những chi tiết mà bạn thích thú, như một kẻ mê phim sex sẽ tua nhanh những đoạn hội thoại (theo hắn là) nhạt nhẽo mà xem đi xem lại những cảnh xác thịt nóng bỏng. Cũng có thể đọc thật chậm rãi, cái kiểu nha nhẩn của một ông già rảnh việc không có gì để làm, vừa vuốt râu vừa khề khà chén trà nóng, nhâm nhi từng con chữ. Cũng có thể như bà nội trợ, vừa đọc một vài trang lại bỏ đó ra đảo nồi cơm. Hay như người bước vào thế giới của câu chuyện là đắm chìm trong đó, nghiến ngấu cho tới khi bừng tỉnh nhận ra sách đã tới trang cuối cùng.

Có nhiều kiểu đọc nữa, mỗi loại người mỗi kiểu đọc, mỗi tính cách người mỗi kiểu đọc, mỗi kiểu tư duy mỗi kiểu đọc, mỗi phông nền văn hóa mỗi kiểu đọc... Bạn có thể cho mình vào một loại nhóm độc giả nào đó, hoặc cũng có thể tách riêng ra là một người đọc độc lập, chẳng công nhận tính chất của bất kỳ nhóm nào, tùy bạn. Bạn có thể hiểu hết ý nghĩa của câu chuyện vừa đọc, có thể hiểu nhiều hơn ý nghĩa của câu chuyện mà tác giả mong mang tới cho bạn, hoặc chả hiểu gì sất, không sao cả. Bởi vì khi cuốn sách đã rơi vào tay bạn rồi, thì câu chuyện là của bạn. Khi tác giả đã chấp nhận để câu chuyện của mình được in ra, thì không khác gì anh ta đã vạch hết áo ra để mời bạn xem lưng rồi, bạn có xem tấm lưng nó hay không, đấm bóp nó hay không, cấu nhéo nó hay không, xì nước mũi vào nó hay không, âu yếm nó hay không, quay mặt đi không thèm nhìn ngó tới nó hay không,... tất cả - tùy bạn!

Nhưng dù bạn có thuộc týp người đọc nào đi nữa, đọc sách chưa bao giờ là việc dễ dàng.

2.

Tôi tự cho mình vào týp "thấy người sang bắt quàng làm họ" khi nói về việc đọc sách. Đọc truyện thì đúng hơn. Khi đọc truyện, không hiểu sao, tự dưng thế giới của câu chuyện trở thành thế giới của tôi, nhân vật của câu chuyện trở thành những người sống quanh tôi. Cái cách họ đi, đứng, nói cười, đối thoại, độc thoại, dằn vặt, tư duy,... tất cả đều trở nên quen thuộc. Họ là A, là B, là C, là Z, họ là tất cả những con người mà tôi đã từng tiếp xúc. Họ trở về sinh động, náo động, chuyển động liên tục trong óc tôi khi tôi đọc sách. Họ từ khắp ngả của hai bán cầu não chui ra, họ từ mọi tế bào thần kinh chui ra, ngay cả những người không biết tên, những người gặp liên tục nhiều lần, những người chỉ gặp vài lần trong đời, những người lạ đi ngang qua ở một thành phố xa lạ, những người đã chết và những người còn sống, những người nằm trong các tấm bưu ảnh, những người đọc lên thấy một cái tên quen,...

Đọc như thế rất mệt mỏi.

Bởi vì, trong một thời gian không dài, bạn đột ngột phải sống/ hoặc sống lại/ hoặc bắt đầu sống trong một cái thế giới mà bạn buộc phải tách bạch nó với không gian thực, đời sống thực của bạn. Nghĩa là nó là Ảo, nhưng bạn lại thấy/ lại hi vọng/ lại tưởng rằng nó là Thật. Nghĩa là nó rất Thật, vì bạn thấy ai cũng quen, cái góc bàn đó quen, cái tách cà phê đó quen, cuộc đối thoại đó quen, khuôn mặt đó quen, cặp kính cận đó quen, văn phòng đó quen, thang máy đó quen,... nhưng nó không phải là cái Quen kiểu Quen thuộc, mà nó chỉ là cái Quen kiểu Biết, như một đứa trẻ nhìn hình vẽ con chim có thể thốt lên nó là Con chim bởi nó đã từng được ai đó chỉ cho một con Chim thì cần phải có cánh như trong hình vẽ đó.

Đọc như thế chẳng dễ dàng gì.

Tôi biết có nhiều người sống chênh chao sau khi đọc một câu chuyện.

Tôi biết có nhiều người cả đời chỉ sống vì một câu nói.

Tôi biết có nhiều người đã mất tất cả những thứ thực mà họ đã từng có chỉ vì ảo tưởng sẽ gặp một nhân vật như trong sách.

Ôi quyển sách tưởng là thứ không bao giờ có thể phản bội, lại có lúc có thể làm bạn mất tất cả.

3.

Tôi gặp lại mình, tôi gặp lại những thành phố tôi đã từng qua, những số phận tôi đã từng tiếp xúc, những câu hỏi tôi đã từng hỏi, những độc thoại nội tâm mà tôi đã từng suy nghĩ về quyết định trở về, về một cuộc trở về khi đọc Vô tri. Tôi nghĩ, bất kỳ ai đã từng tha hương, bất kỳ ai đã từng có ý định tha hương, những ai đã có quá khứ tha hương,... tất cả bọn họ sẽ đều thấy mình ở đâu đó trong Vô tri. Tôi sẽ chẳng ngạc nhiên nếu nhiều người thích Vô tri hơn hẳn những cuốn sách khác của Milan Kundera. (Thực tế, nó dễ đọc hơn nhiều so với những tác phẩm khác của ông).

Và sẽ không ngạc nhiên nếu phần lớn những người thích nó là phụ nữ.

4.

Có nghiên cứu khoa học nào về sự khác biệt giữa bộ óc đàn ông và phụ nữ không nhỉ? Vì người đàn ông, cho dù trong đầu anh ta có một tỉ thứ cần quan tâm, thì chúng đều được sắp xếp như một cỗ máy, ốc vít bù loong đầy đủ. Cái gì được loại đi thì có thứ khác thế vào. Cái gì thế vào cũng được, dù làm bằng đồng, bằng sắt, bằng gỗ, bằng nhựa,... miễn là sao máy chạy.

Phụ nữ thì khác. Tôi thích một trái tim thép, nếu anh cho tôi một trái tim nhựa, tôi sẽ buồn mà chết mất. Tôi thích một quả tim màu đỏ, nếu anh mang tới một trái tim màu xanh, tôi sẽ thất vọng vô cùng. Dù cho trái tim đó có là thép, là nhựa, là màu gì đi nữa, thì bản chất là nếu trái tim vẫn có thể đập và giúp lưu thông máu trong cơ thể, thì bạn vẫn còn sống. Đàn ông chỉ cần thế. Còn phụ nữ thì muốn hơn thế.

Cái Muốn Hơn ấy, chính là sự phù phiếm.

Irena phù phiếm. Sự phù phiếm ấy, trở nên đáng thương gấp bội phần, khi nó được khởi nguồn, được sống, được tiếp sức bởi những Giả tạo.

Để thoát khỏi ảnh hưởng của người mẹ, Irena dùng cuộc hôn nhân của mình làm một cái cớ để ra đi, ấy là cái Giả thứ nhất (không yêu mà lấy để ra đi). Sống không hạnh phúc nhưng lại coi đó là hạnh phúc, ấy là cái Giả thứ hai. Khi người chồng đầu chết đi, cô chấp nhận người chồng thứ hai hòng giải tỏa những ẩn ức tâm lý và tính dục, nhưng không được đáp ứng, trong khi lại thể hiện ra ngoài rằng mình đang ổn, ấy là cái Giả thứ ba. Không muốn trở về, nhưng lại trở về quê hương cũ để gặp những người bạn mà cô không hề yêu mến và nhớ nhung, ấy là cái Giả thứ tư. Cả 4 cái Giả này đều bắt nguồn từ những quyết định của Irena, mà, dù có hay không tác động của hoàn cảnh lịch sử, mỗi một Irena trong mỗi một người phụ nữ đều có thể phạm phải.

Bởi mỗi người phụ nữ đều có thể là Irena. Để ý mà xem, MK không miêu tả gì về chân dung người phụ nữ này. Không nói về khuôn mặt, không tả về thói quen ăn uống, không tả cảnh nói tình, những sớm mây bàng bạc mưa gió run rẩy cây cối lặng thinh - không gì cả, chỉ giọng kể trần thuật, trung tính, thậm chí có phần lạnh lẽo, thế nên Irena không phải là một cô Irena người Séc nhập cư vào Pháp sống ở Paris có 2 đời chồng quay trở lại Praha cụ thể nữa, mà là cô Irena của muôn phụ nữ không có tên khác.

Vây bọc bởi những cái Giả này, ngỡ đã an toàn khi sống trong cái vỏ bọc ấy, chỉ cho tới khi tưởng có thể chọn cách lần đầu tiên sống Thật với mình, Irena đã thất vọng khi phát hiện ra người mà cô tưởng rằng đã có thể vì anh ta mà bỏ tất cả, đã nhớ hoặc đã (ít nhất là) biết cô hóa ra không mảy may nhớ ra cô là ai, và chỉ coi cô như một người tình một đêm không hơn không kém. Và sự ê chề còn nhân lên gấp bội, khi vào cái lúc cô phát hiện ra mọi thứ hóa ra nực cười tới mức đó, thì mẹ và chồng cô đang tận hưởng một thứ tình ái được ca ngợi như một thứ tình yêu của sự tự do, của sự giải phóng.

5.

Bỏ qua tất cả bối cảnh lịch sử của câu chuyện (mà khác với hầu hết các tác phẩm khác của MK, bối cảnh của câu chuyện trong Vô tri chỉ được đưa ra đôi chút như một gợi ý cho phần nền tảng hình thành tính cách và diễn biến tâm lý của nhân vật, chứ không được nói rõ và được người dẫn chuyện bình luận kỹ càng), thì Vô tri chính là câu chuyện về sự "thủy chung mỏi mệt" của người phụ nữ với những thứ Ảo giác mà họ đã tự dựng nên quanh mình.

Không dám chấp nhận những thử thách để đạt được sự Tự do thực sự của mình, người phụ nữ đã phải tự lừa mị sống trong trạng thái An toàn giả tạo, để khi nó mất đi, thì thứ còn lại, chỉ là sự ê chề.

6.

Đọc sách không dễ dàng gì. Có người tin vào một câu nói, cả đời dùng câu nói đó như ngọn đèn soi sáng cho mọi nấc thang trong cuộc đời mình mà đi theo. Có người chỉ vì một câu thoại hay trong sách vở mà nghi ngờ tất thảy những gì khác trong suốt phần đời còn lại.

Có người, tới lúc đọc được quyển sách-của-cuộc-đời, mới nhận ra mình đã quá trễ để sống như vậy.

Cũng có người, đọc sách, như một cách rà lại cuộc đời của mình, soát lại những sự kiện đã xảy ra trong đời, những con người đã gặp, những số phận đã chứng kiến...

Đọc Vô tri, mà đọc theo cách "soát lại cuộc đời" như thế, thì phải giật mình, như kẻ đọc một câu chuyện đạo văn cứ phải lấy mũ ra chào người quen lia lịa. Bởi vì, chưa bao giờ, trong một thế giới ảo như thế giới mà chúng ta đang sống đây, người ta lại dễ dàng sống trong thứ Ảo giác của cái Giả tạo mà chính họ chọn lựa đến vậy!

7.

MK cho người đọc ấn tượng về Vô tri như câu chuyện của Sự trở về, của những thân phận tha hương nhớ thương quê hương, cố xứ của họ. Họ càng bám víu vào thứ ký ức họ cất giữ, về một nỗi hoài nhớ họ đã chôn chặt, thì khi gặp lại thực tế đó, sau nhiều năm xa cách, họ lại càng thất vọng thảm hại.

Cho dù họ đã cố chung thủy với cái hình ảnh mà họ lưu giữ ấy, nhưng càng cố chung thủy, thì nó lại càng mỏi mệt, càng rời rã. Ngay cả đó là sự chung thuỷ với quê hương.

Không phải bởi vì môi trường mà họ đã từng sống giờ thay đổi, không phải những con người họ đã từng quen biết giờ thay đổi, mà bởi vì chính họ đã thay đổi - sự thay đổi kép. Sự thay đổi để thích ứng với một quê hương mới, nền văn hóa mới (cố tình loại bỏ những gì đã từng định nghĩa ra họ, gắn bó gốc rễ với họ như người ta cắt đi cuống nhau thai của đứa trẻ gắn với mẹ nó), rồi một lần nữa, phải thay đổi khi trở về để cố gắng không trở nên lạc lõng nơi cái xứ mà họ tưởng họ đã thuộc lòng, đã thâm hiểu.

Nếu cứ cố giữ mình phải chung thủy với một cái mà mình thực ra chưa rõ, với người mình thực ra chưa hiểu, với thứ tình cảm mình thực ra chưa thắm thiết, thì đó chỉ là sự chung thủy vô ích, vì "đầu ra" của nó, kết cục của nó là sự thất bại. Và trong phần lớn trường hợp, nạn nhân cảm nhận hết cái đau đớn của sự thất bại đó, thương thay, lại là người phụ nữ!

8.

Cuối cùng là về cuốn sách! Ngoài một số lỗi chính tả, biên tập, ngoài một bản dịch tôi chưa cảm thấy ưng ý vì nhiều chỗ diễn đạt Tây quá, thì cái tên của tiểu thuyết không thuyết phục được tôi.

Trong cả cuốn tiểu thuyết này, chỉ một lần từ L'ignorance được nhắc đến, đó là khi nói về Josef - nhân vật song đôi với Irena cũng trong cuộc trở về cố hương.

Đó là một nhân vật tưởng là phụ, nhưng hóa ra lại là chính. Tiểu thuyết khởi đầu bằng việc giới thiệu Irena, nói về những ngã rẽ cuộc đời của Irena, những nhân vật xung quanh Irena và Josef chỉ là một nhân vật xuất hiện ở một trong những ngã rẽ đó. Nhưng sau đó, người quyết định sự Tỉnh thức của Irena trước cái lớp vỏ bọc Giả tạo an toàn mà bấy lâu cô trốn trong đó, lại chính là Josef.

Josef - một chàng trai trẻ đã từng tỉ mỉ và chính xác, tinh tế và ranh mãnh,... trước khi thoát ly, khi trở về lại trở thành một chàng trai cảm thấy ơ hờ với mọi chuyện.

Ngay cả khi tiếp nhận rồi tới lúc làm tình với Irena, trong một cơn hứng khởi mà rất lâu anh mới được thỏa mãn như thế, anh cũng không cần quan tâm tới tên của người đàn bà đó. Và cả khi cô ta rũ rượi nhận ra anh không hề một mảy may nào nhớ tới lần mơn trớn cô trong một quầy bar ít ngày trước khi cô cưới và tra vấn anh, anh cũng không mấy cảm động.

Cả khi Irena nốc rượu tới say mèm và van vỉ anh ở lại với cô thêm dù chỉ một ngày, anh cũng vẫn nhìn đồng hồ và thấy rằng cần phải ra sân bay trong 1 tiếng rưỡi nữa.

Và cho tới lúc ra đi, tất cả những gì anh để lại là một mẩu giấy cho Irena và gọi cô (mà không biết tên) bằng "em gái" - cái từ vô thưởng vô phạt nhất trên đời mà bất kỳ người đàn ông nào dùng để gọi những cô gái lọt vào mắt họ.

Thế nên, Vô tri, không phải là cách dịch làm tôi thỏa mãn.

Trao đổi với anh Trương Quý, tôi cảm thấy dịch nó ổn hơn cả, thoát hơn cả, có lẽ là "Sự thờ ơ" - mà ở đây, là sự thờ ơ của Josef với tất cả cái quá khứ mà anh đã từng có, với mọi thứ xung quanh anh ở mảnh đất mà anh đã chọn cách rời bỏ (rời bỏ một cách tự nguyện chứ không phải rời bỏ một cách khiên cưỡng như Irena đã làm với số phận của cô).

9.

Và biết đâu, chọn "Sự thờ ơ" chính là chọn cách bảo vệ tốt nhất để tránh cho mình mọi tổn thương không cần thiết!

Phạm Điệp Giang

27.7.2011 



Nguồn: bài đã đăng trên Facebook, tác giả gửi cho Diễn Đàn.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss