Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Quà tặng của đảo Crete

Quà tặng của đảo Crete

- Nguyễn Thanh Hiện — published 05/06/2011 16:33, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:20
Truyện ngắn


Quà tặng của đảo Crete


Nguyễn Thanh Hiện



Vậy thì, rốt cuộc, ta là ai?


fresque

Tranh tường trong cung điện Krossnos,
nguồn : Wikipedia

Em là kẻ duy nhất còn sót lại sau biến cố ấy. Cho đến lúc ấy cô gái mới dám nhìn ta nói. Ta hỏi là nàng có còn nhớ lúc xảy ra biến cố thì trên hòn đảo người có đông đúc như bây giờ hay không? Đã ba bốn nghìn năm làm sao em nhớ nổi. Cô gái đáp. Ta nhìn sang phía cung điện Knossos. Và bắt đầu nói nằm lòng... Vào một ngày vào cuối thế kỷ mười chín, có một người của đảo Crete có tên là Minos Kalokairinos đã làm sống lại một nền văn minh đã tắt... Ông tìm thấy những chuyện ấy ở đâu? Cô gái ngắt lời ta. Ta nói là thấy ở trong sách chép về đảo Crete. Nhưng em lại nghe người ta nói đến một cái tên khác kia? Phải, chính một người của nước Anh, ngài Arthur Evans, đã có công khai quật nền văn minh ấy. Ta đáp. Và lại tiếp tục nói nằm lòng... Là vua Minos, có thể là chẳng bao giờ có thật, vị vua được truyền tụng là kẻ đã tạo ra những hào phóng tân kỳ cho một hòn đảo, cung điện Knossos với những đường nét mỹ lệ uốn lượn giữa một thứ không thời gian chẳng thể ghi chép lại bằng thứ tọa độ chân xác của thời hiện đại, những vị thần đẹp đẽ giản đơn, và những con người trần thế cảm nhận được sự thân thiện của tự nhiên, có thể vua Minos là không có thật, nhưng những con thuyền lướt sóng đến tận những hòn đảo miền viễn tây, đến tận bờ bắc bờ đông biển Aegea, mang theo những ván, những nho khô, những dầu ô liu, và cả những chữ viết, là thật... Từ hôm bắt đầu cuộc truy vấn ta là hậu duệ của cuộc văn minh sáng thế nào, thì ta bắt đầu nằm lòng những thứ kiến thức như thế. Nhưng ở phương đông của ông thì có những chuyện như thế hay không? Cô gái hỏi. Ngay phút đầu tiên đặt chân đến khu vườn nho cạnh cung điện Knossos ấy ta đã nói cho cô gái biết mình vừa từ phương đông đến, và cô ta đã tỏ vẻ sợ hãi khi nghe mấy tiếng phương đông, mãi đến lúc ấy mới dám trò chuyện cùng ta. Ta bảo truyền thuyết về văn minh con người nơi nào cũng có, nhưng mỗi nơi có cái vẻ riêng của nó. Cái vẻ riêng của đảo Crete của em là văn minh giữa biển? Cô gái bắt đầu tỏ ra thân thiện với ta. Và quả tình là ta cũng bắt đầu thấy xúc động trước nhan sắc của nữ hậu duệ của một nền văn minh còn nhiều bí ẩn. Nàng mặc váy ngắn, để ngực trần, giống các nữ thần trong các phù điêu ở cung điện Knossos. Có điều, các nữ thần thì đứng giữa những con sư tử, và đang cầm những con rắn trong tay, còn nàng là đứng giữa vườn nho, và tay bưng rổ nho chín mọng. Nho của đảo Crete của em ăn vào thì sẽ thấy gần gũi với thiên nhiên hơn. Đến lúc ấy cô gái mới mời ta ăn nho, và kèm theo một câu có âm vang của một nền văn minh đã tắt. Nhưng trong suốt những nghìn năm qua, em đã bao giờ rời hòn đảo, để đến những nơi khác chưa? Ta hỏi với niềm cảm xúc chẳng thể nén giữ. Cô gái chợt đổi sắc mặt hân hoan. Có lẽ thứ ký ức tốt đẹp nào đó đã xuất hiện trong tâm tư của nàng. Chưa, em chưa bao giờ rời khỏi hòn đảo, nhưng những nơi ấy tựa chốn quê hương thân thiết. Cô gái bắt đầu nói về thung lũng Corinth, về những ngọn gió thổi qua cao nguyên Anatolia với những bài hát về những chiếc vòng ngọc thạch mang hơi hướng Biển Đen, bắt đầu nói về những con ốc hoa giả bằng thạch cao ở hai bên bờ con sông Nil, về những chiếc áo khoác kết bằng lông con đà điểu sa mạc Sahara, cách diễn đạt của nàng là cũng thô mộc dung dị như thứ thô mộc dung dị của những miền đất kỳ khu cổ kính ai đã đem trải ở quanh chốn biển khơi ngàn trùng nước biếc cũng cổ kính kỳ khu, biển là ở giữa đất, và đất là ôm ấp lấy biển, sự tạo tác ngẫu nhiên của trời đất là đã được nuôi dưỡng bằng những cố ý của con người để làm nảy sinh những gấm vóc, những suy tư, và tất cả đã kết đọng thành thứ vẻ đẹp tất nhiên có tên là văn minh, là nàng đã tả lại cho ta nghe những nơi chốn nàng đã nghe người ta tả lại, những nơi chốn mà những người đi biển của đảo Crete thuở ấy đã mang đến đó tất cả những gì gọi là vẻ đẹp Minoan, có nghĩa, một thuở, sự tráng lệ của hòn đảo đã lan tỏa khắp châu Âu, châu Á và châu Phi cổ đại. Phải, cho dù Hy Lạp là nguồn gốc của văn minh thế giới đương đại thì cũng chỉ là đứa con tinh thần của Minoan. Ta nghĩ thế. Và cứ thấy dấy lên trong lòng niềm ao ước, thứ ao ước có tính cách huyễn hoặc như một cách thức bù đắp vào chỗ thiếu hụt nào đó trong sự suy gẫm về nguồn gốc văn minh của con người. Giá kẻ từ phương đông đến này cũng được sinh ra từ hòn đảo của những vườn nho mọng ngọt. Ta buột thốt một câu văn vẻ. Và cứ tưởng cô gái sẽ rất vui. Nhưng không phải. Nàng chợt đổi sắc mặt u buồn. Và bắt đầu kể cho ta nghe biến cố ấy bằng thứ ký ức chẳng phải là ký ức... Tựa một cuộc hủy diệt, khi tỉnh ra thì thấy chỉ còn mỗi mình em ở trên đảo, không còn cung điện của vua, không còn vườn nho, không còn những con thuyền lướt sóng, không còn mỗi một bóng dáng con người, mỗi một bóng dáng của gà chó, chỉ còn nghe tiếng gió và tiếng sóng gào, sau đó thì những giống người lạ hoắc kéo đến hòn đảo, người ta chẳng thèm biết em là kẻ duy nhất còn sống sót trên đảo, và em thì cũng chẳng thèm biết họ là ai, và sau đó thì những vườn nho lại xanh lại, những con thuyền lại lướt sóng trở lại, chẳng còn ai nhớ em là ai, còn em cũng chẳng còn nhớ những gì đã có trên hòn đảo trước khi những con người lạ hoắc đó đặt chân lên đảo, và sau đó nữa thì em lại tiếp tục hái nho, nho của đảo Crete thì ngọt, nhưng nếu nếm kỹ sẽ thấy đắng cay. Khi nghe ta hỏi biến cố ấy nó là cái gì, có thể nói rõ ra hay không, cô gái nói là nàng cũng chỉ nghe những người trên đảo bảo nhau, rằng thuở ấy đã xảy ra cuộc giết chóc nhau ở trên đảo. Ta nói là ta cũng nghe nói đến những chuyện tương tự thế, những người oán giận những ông vua độc đoán muốn ngồi mãi trên ngai vàng trên mặt đất thì bảo là có một cuộc nổi dậy của dân đảo Crete, vua Minos đã bị treo cổ, và nền văn minh Minoan cũng lụi tàn theo vương triều ấy, những người căm ghét bọn người xâm lược thì bảo là có một giống dân man rợ trên đất liền chuyên đi xâm lấn nước người đã tấn công hòn đảo gây nên cuộc đại hủy diệt, nhưng những người muốn nói tốt cho loài người thì cho rằng nền văn minh Minoan bị xóa bỏ bởi một trận đại hồng thủy. Cô gái chợt kêu là nàng đã nhớ ra. Em nhớ ra rồi, vua Minos thì cưới nàng Pasiphae, con gái của thần thái dương, còn nàng Pasiphae lại đẻ ra con quái vật Minotaur. Ta hỏi có phải là con quái vật từng gây chết chóc trên đảo, vua Minos phải xây mê cung Knossos để giữ chân nó hay không? Em nhớ được rồi, một cuộc chết, chính là con Minotaur đã gây nên cuộc chết... Cô gái nói, có vẻ như đang trong mơ. Ta cứ thấy hụt hẫng trong lòng khi nghe cô gái nhắc đến chuyện con quái vật Monotaur trong huyền thoại. Hình ảnh con quái vật nửa người nửa thú đột nhiên làm ta cảm thấy mình vừa phạm phải một sai lầm chẳng thể tha thứ. Lại đi ao ước là được sinh ra ở một hòn đảo một thời từng bị con quái vật làm hoen ố mặt đất, nếu không nói là đã gây ra chết chóc điêu linh ! Niềm ân hận có vẻ kỳ cục hối thúc ta hãy mau rời khỏi hòn đảo. Ta từ giã cô gái trong thứ tâm trạng kỳ quặc là vừa lo lắng vừa luyến tiếc. Khi có được manh mối nào về việc ông có liên quan đến đảo Crete, em sẽ lập tức báo tin đến ông. Câu nói của nàng nói ra lúc chia tay ta lại làm ta ăn ngủ không yên khi trở lại làng Cù. Vào một ngày mùa thu ta nghe có tiếng nhạc ngựa trên con đường xuyên qua đồng làng. Thoắt cái, kỵ sĩ đã đi vào sân nhà ta. Nhìn dáng người và cách thức bước xuống ngựa, ta đoán ra đấy là một khách thương hồ. Thưa, ông nhà có quà tặng của đảo Crete. Ta giật thót người, và rán hỏi là quà của ai? Là quà của cô gái hái nho ở cạnh cung điện Knossos. Khách đáp. Ta cứ cảm thấy mặt đất rung rinh khi nghĩ đấy là cái tung tích của ta nàng đã tìm thấy đâu đó, cái tung tích ta là hậu duệ của văn minh Minoan. Lúc bấy giờ là nỗi lo sợ thực sự, một thứ lo sợ vô cớ, chứ không còn là niềm ân hận như hồi còn ở đảo Crete. Quà tặng là một phiến đất sét nung, loại hiện vật khảo cổ ta đã trông thấy trưng bày ở cung điện Knossos hôm ta mới đến đảo. Nhìn những chữ viết kiểu tượng hình trên phiến đất, lòng ta như lửa đốt. Nàng đã viết cho ta những gì? Ông tổ mấy chục đời nhà ta là từ đảo Crete di chuyển đến phương đông? Hay dòng họ nhà ta là một kiểu phiên bản nào đó của văn minh Crete? Trời đất ơi, nếu quả như ta là hậu duệ của văn minh Minoan? Vị khách thương vốn lui tới đảo Crete từ thời vua Minos nên rất rành thứ chữ viết Minoan cổ đại. Vẻ đẹp của hòn đảo là bền lâu hơn bất cứ nền bất cứ nền văn minh nào của con người. Và con quái vật Minotaur thì vẫn luôn sống ngang nhiên trong lòng nền văn minh sản sinh ra nó. Ta hỏi là nàng có còn nói gì nữa không? Vị khách thương bảo bên dưới những lời trên là ghi chú đấy là lời của một vị thần của đảo Crete.


N.T.H.

Tiết lập xuân, 2011


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss