Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Sách mới của Đỗ Kh.

Sách mới của Đỗ Kh.

- Phạm Tùng Cương/Chân Phương — published 29/09/2015 09:47, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:20

Đọc sách

SỰ KIỆN MỚI BÊN TRỜI TÂY

( La Praxis du Dr. Yov – Bác sĩ Yov, Kẻ Thực Tiễn )


Phạm Tùng Cương / Chân Phương (*)



Chúng ta lại phải chạy theo cuốn tiểu thuyết mới của Đỗ Kh..Trong các tiểu thuyết bằng Pháp ngữ của ông, nước Việt Nam luôn luôn hiện diện. La Praxis du Dr Yov cũng chẳng vi phạm qui tắc ấy bởi lẽ Bruce – nhân vật chính trong tiểu thuyết - vì các biến cố diễn ra vào các ngày tháng cuối khi gã còn sống ở VN mà Bruce phải đâm đầu vào một cuộc phiêu lưu kiểu Ulysses đến tận Beyrouth, về hướng Tây của Sài Gòn.

Có thật Bruce đi tìm Lan, rồi Zena sau đó ? Hay đấy chỉ là cái cớ để lấp đầy cuộc sống tẻ ngắt của gã (“ không có chi lý thú là nhãn hiệu cầu chứng cho sự hiện hữu của hắn ta”), ăn không ngồi rồi và vô chí hướng. Gã sống theo kiểu “bụi đời” (poussière de vie), lang thang, nhưng dù sao cũng trôi nổi khắp thế giới! Không nghề nghiệp gì ra hồn: chỉ là mấy việc vờ vịt hay tạm bợ.

Trước tiên ta hãy đặt cuốn truyện vào khung cảnh lịch sử và địa lý. 

1982 là năm bản lề của cuộc Nội Chiến Libăng (1975-1990). 

Beyrouth, xưa là bến tàu nhỏ của dân Phênixi nay trở thành thương cảng, trung tâm văn hóa lớn nằm bên phía Đông Địa Trung Hải vừa là thành phố hưởng lạc của các thủ lĩnh bộ tộc sa mạc, bị cắt đôi bởi cái vạch Xanh (ligne Verte) : phía Tây là các phe Hồi giáo với chiến sĩ Palestin với sự chỉ huy của PLO (Tổ chức Giải Phóng Palestin), còn phía Đông là vùng đất của dân Thiên Chúa Giáo. Do Thái can thiệp vào ngày 6-6-1982 (Chiến dịch Hoà Bình cho Galilê) và tám hôm sau tiến quân đến tận Beyrouth. Phía tây thủ đô này như thế bị Do Thái bao vây với sự tiếp viện của các lực lượng Phalăngzít Libăng.

Các biến cố được thuật lại trong tiểu thuyết diễn ra từ khi Do Thái bắt đầu hiện diện ở Beyrouth đến lúc xảy ra vụ tàn sát ở Sabra và Chatila bị quân Do Thái vây bọc và đám Phalăngzít thanh tẩy.

Beyrouth sau bảy năm xung đột đã bị hư hại nặng, trong khi một bộ phận dân chúng giàu có trốn tránh sang các nơi thanh bình hơn ở châu Âu, tại các nước vùng Vịnh hay ngay trên đất nước Libăng. Nhưng dân tị nạn Hồi giáo lại tràn vào tìm chỗ nương náu bên phía Tây Beyrouth. Như vậy là Bruce rơi vào một thành phố nơi mà các dịch vụ công cộng chẳng còn hoạt động bình thường và dân tình chấp nhận trạng huống đó với óc khôi hài vừa phó mặc cho số mệnh.

Thiên hạ phàn nàn suốt buổi chiều về đám khói do vụ hoả hoạn nhỏ gây ra bởi lẽ quả bom CBU cũng đã tạt ngã vài bình ga nhà bếp cột gắn không cẩn thận. Bọn cứu hỏa đã đến và tháo tung vòi rồng, rồi bỏ đi sau đó vì nước không đến được cột trụ chữa cháy. Đám đông đã cười lăn như vừa chứng kiến một màn hài thành công làm các tay cứu hỏa kia rất mất lòng. Đúng là bọn không chịu chơi dù đã được người ta báo trước là trong quận hạt không còn tìm ra nước!

Vậy mà trong khung cảnh bất tiện và khó khăn như thế, thói làm dáng lại sinh động hơn trước – như một cách chống cự lại hiện tại :

Dù hoàn cảnh thế nào, Marwan vẫn chăm kỹ bộ vó. Lúc nào gã cũng cố gắng diện cho được sơ mi chẽn với quần dài xếp gấp, điệu đến mức hễ được là moi khẩu súng lục trong túi ra tránh cho mấy cái túi quần khỏi bị nhăn nhúm,”

Hướng Tây Beyrouth bị đám dân quân palestin và các nhóm tiến bộ chiếm đóng - ở đây các liên minh cũng tụ tan một cách không thể đoán trước tương tự những cuộc dội bom do Israel, đám phalăngít hay giữa các phe nhóm dân quân chơi nhau. Các dấu hiệu của đời sống bình thường biến thành những loan báo cho biết bom đạn tạm ngưng chốc lát :

Hoda mỉm cười. Đây là một tin tốt lành hơn sự thông báo không biết lần thứ mấy của Philip Habib. Một rồi hai gái, quả là hay hơn trò đếm ô buýt nổ. Con chó chạy ngoài đường, ba người ngồi nơi bậc cửa uống cà phê, bốn thằng nhóc chơi đá bóng, thế là thanh bình trở lại, hay gần như thế.”

Bruce là sản phẩm từ một cuộc lai giống sinh học và văn hóa lớn: con một phụ nữ gốc Bordeaux với người bố Mỹ vùng Middle West gốc Balan-Lituani. Sinh ra tại Đức, gã từng du lịch nhiều nơi dù với điều kiện hạn chế, có vốn văn hóa sâu rộng, thêm kiến thức thuần lý thuyết về các vũ khí chiến đấu và am tường môn nhiếp ảnh về mặt thực hành vì gã cho đấy là nghề của mình. “Bruce theo tinh thần quốc tế như theo nghiệp chụp ảnh, ung dung như đút tay trong túi và chỉ làm bán thời gian” và “Bruce tự coi mình là công dân thế giới”.

Vài ngày trước khi Saìgòn sụp đổ, túi tiền sắp cạn, Bruce được người ta đề nghị làm hứa hôn giả với Lan để mang cô gái, gia đình và anh trai cô ta rời Việt Nam - một dự án bất thành. Quay về quê nhà, Bruce dành hết thời giờ đi tìm Lan nơi các khu dân cư Việt trên đất Mỹ vừa gửi tin nhắn tìm người quen cho nhiều tổ chức khác nhau cho đến ngày gã gặp phải Zena, một cô libăng trẻ, trong một cuộc biểu tình phe tả ở Los Angeles. Từ đó nảy sinh mối quan hệ giữa hai người cho đến khi Zena bất ngờ biến mất. Thế là Bruce quyết định sang Beyrouth đi tìm nàng ( có lẽ để khỏi truy lùng cô ấy trong các vùng libăng ở Mỹ). Nhưng khi đến Beyrouth thì gã quên nhanh cô gái gã vẫn giới thiệu là vị hôn thê của mình để hướng sự chú ý đến các thiếu nữ khác, đặc biệt là Hoda đã trợ giúp và tìm chỗ cho hắn nương thân noi theo truyền thống hiếu khách của Trung Đông.

Hình như sự chặt đứt quan hệ bất ngờ và toàn diện với một người đàn bà đối với Bruce đã trở thành một lý do để trám lấp cuộc sống tẻ nhạt của mình. Có thể tóm lược câu chuyện của gã với Lan, Zena và Hoda vào hai câu thơ của Trịnh Công Sơn -thi sĩ sáng tác các ca khúc Việt :

Không hẹn mà đến
Không chờ mà đi


Dù chứng kiến các biến cố lịch sử trọng đại Bruce chả thu hoạch được bất cứ điều chi đáng kể. Gã khoe mình là nhiếp ảnh gia và diễu bộ với đủ loại máy ảnh không giống với các tay phó nhòm khác nhưng chẳng sản sinh được tấm ảnh nào khiến cho mình nổi tiếng hoặc hái ra tiền. Đúng là Fabrice Del Dongo thất trận ở Waterloo !

Nhưng gã cũng biết khai thác mặt này để thỉnh thoảng lợi dụng cái sự từng trải qua các thời điểm ấy :

Các bạn chưa sống ở Việt Nam ? Bruce hỏi. Không, trong đám có mặt chẳng có mống nào ‘được biết mùi VNam’. Điều này tức khắc nâng cao vị thế của Bruce trong bọn họ. Kể từ đây, gã hoàn toàn xứng đáng được hưởng cốc rượu rosé mà trước đó người ta mời hắn chỉ vì lòng tốt xã giao. ‘Lúc Sài Gòn sụp đổ, tôi có mặt ở đó’ Bruce khiêm tốn nói.”

Giống như Fabrice Del Dongo cứ nhắc tới nhắc lui rằng hắn đã từng bị nghe thống chế Ney “mắng mỏ” trong trận Waterloo để được thiên hạ chú ý. Được kề cận sự tiếng tăm đôi lúc có thể trợ giúp tạm thời những kẻ không có dịp may nổi đình nổi đám.

Đạo văn Stendhal bàn về Fabrice – ta có thể cho rằng chàng Bruce của chúng ta “chả có gì là anh hùng” trong cuốn truyện. Dù sao dưới mắt tôi, gã không phải không có những điểm đáng lưu tâm vì tính chất bi kịch của mình bởi lẽ, theo cách nói của Georgy Lukács, Bruce “ có một tâm hồn trải rộng hơn mọi thứ định mệnh có thể trao hiến cho gã: Tâm hồn ấy, trong niềm tin tự phát vào chính mình, đã thay cho thực tại duy nhất, thậm chí là yếu tính cho thế gian này.

Hai mươi hai chương sách là hai mươi hai mẩu chuyện được nối kết một cách lô gich bởi người thuật truyện Đỗ Kh. - kẻ biết vận dụng óc hoạt kê, sự phớt tỉnh và đôi khi chất đểu giả với vẻ ung dung bất cần đời rất tự nhiên với ít nhiều thi vị. Và chủ yếu dùng kỹ thuật độc thoại nội tâm để chiếu rọi tính cách các nhân vật.

Ta có thể cảm thấy tiếc là mối quan hệ giữa Bruce với Hoda ( cô gái đã chứa chấp gã ở Beyrouth) phần nào đã bị “ nghẽn hơi” ( chắc chắn là bởi tiếng ô buýt nổ ), và không được tác giả khai triển thêm. Thuật tranh tối tranh sáng “sfumato” không chắc là thích hợp với mọi người và phần kết không được mở gút khiến cho đoạn chung cuộc có vẻ tùy tiện – trao quyền cho người đọc tinh tế thêm thắt vào các chỗ khiếm hụt của tiểu thuyết gia.

Với Đỗ Kh. viết văn là cuộc trò chuyện vui thích với “cô nhân tình tuổi vừa mười tám” như lời Guez de Balzac từng đặt tên cho văn chương. Dù ông từng lang thang qua nhiều vùng địa lý và văn hóa, đối với Đỗ Kh. theo tôi thì “cuộc đời thật, cuộc đời sau rốt được khám phá và chiếu sáng đó là Văn Chương - cuộc đời duy nhất ta thực sự trải nghiệm được”, mượn lời của Proust trong quyển Le Temps Retrouvé. Bởi vì văn chương đã dẫn dắt ông trên con đường tìm hiểu con người cùng những thế giới ông đã kinh qua. Và ông đã thuật tả chúng với nhiều chất thơ, óc trào lộng và tính chính xác trong quyển sách này.

Như với nhân vật Tintin, tôi không nghi hoặc chi về sự ra mắt sắp tới của “Bruce ở Afghanistan”, “Bruce bên Irắc” hay là “Bruce ở Syria”.


PTC/CP

Tháng 8 -2015


(*)  Nguyên tác bằng tiếng Pháp của Phạm Tùng Cương, xin bấm vào tệp kèm ở cuối trang để xem. Bản tiếng Việt của Chân Phương

Attachments

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss