Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Sao khờ thế chàng trai núi...

Sao khờ thế chàng trai núi...

- Phạm Quang Đẩu — published 25/06/2008 11:42, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19
Truyện ngắn


SAO KHỜ THẾ
CHÀNG TRAI NÚI...


Phạm Quang Đẩu

 

Thanh Vân cứ nằm chờ tiếng kèn lá và câu tình ca Mông mà cô đã thuộc lòng từ mấy đêm trước. Một thói quen giờ thành hụt hẫng. Sao bỗng nhớ đến cồn cào ! Đêm nay là đêm thứ mấy rồi nhỉ ? Và giờ đây trăng đã rằm, đã viên mãn.

Hình như vẫn có ai đứng ngoài ấy ? Gió ào ào từng đợt, căn nhà vách thưng cót run bần bật, muốn vỡ bung vào khoảng không bao la, lạnh giá của rừng hoang sương muối. Có tiếng gõ cửa nhẹ chứ chẳng phải là tiếng kèn hay lời ca nào cất lên. Cô vung chăn dậy. Mở cửa. Gió thốc rùng mình. Một bóng người đàn ông cao cao, nếu cô ra muộn chút nữa có lẽ cái bóng ấy cũng biến mất. Vừ Nhùa đấy ư ? Cái bóng tiến lại, khuôn mặt cậu học trò dưới ánh trăng trở nên nhoà nhạt, còn mái tóc bờm dựng trong gió. Giọng cậu ta trầm buồn : “ Cô giáo à, mình không học nữa đâu. Mình có lỗi là đã thích cô giáo. Đáng lẽ mình không được nói thật lòng như thế. Nhưng không nói lòng mình càng buồn, càng thấy có lỗi. Ngày mai mình nhập ngũ rồi. Phải xa cô giáo rồi, biết bao giờ gặp lại ”. Thanh Vân bỗng nghẹn lời. Thế rồi cái bóng xa dần, xa dần, căn nhà vách thưng gió núi bỗng chốc trở nên cô đơn đến tận cùng.

*


Có hơn một chục đứa trẻ Mông, Dao, ngồi gọn trong một căn nhà nhỏ chênh vênh bên sườn núi. Gọi là lớp học mà như cái lều trông ngô, mái nứa, vách nứa che lửng, bàn nứa và ghế là những khúc gỗ tròn vạt bằng. Được cái những trò vùng cao đều dễ thương, mắt to đen thơ ngây, khuôn mặt bầu bầu, tính nết thì lành như đất. Chỉ có Vừ Nhùa ngồi cuối lớp là cao hơn hẳn chúng một cái đầu, ai mới đến dễ tưởng nhầm là giáo viên dự giờ, hay là một phụ huynh đi qua tò mò vào ngồi nghe thử cô giáo nói gì. Ngày khai giảng lớp học bản Huồi Sến chỉ có những đứa trẻ tuổi sàn sàn mười ba, mười bốn, khi học được gần hai tháng, sáng hôm ấy trưởng bản đưa theo một cậu cao nhỏng, trắng trẻo, mày hơi đậm, có hàng ria tơ trên đôi môi mỏng phớt hồng và điệu bộ rụt rè. Ông bảo : “ Cô giáo à, đây là Vừ Nhùa cháu mình. Bố mẹ nó cùng bị chết đuối hồi nó mới lên ba, lên bốn, nay nó mười chín sắp sang tuổi hai mươi rồi, muốn học cái chữ, cô cho học nhé ”. Vừ Nhùa ít nói nhưng sáng dạ, chẳng mấy khó khăn chỉ một tuần sau cậu đã theo kịp lớp, một tháng sau cậu đã đọc thông viết thạo và làm ngon lành cả bốn phép tính. Lần ấy, Thanh Vân bị cảm cúm đột ngột phải nằm ở nhà, lại đúng vào lúc cô giáo dạy cùng vừa nhận quyết định chuyển về xuôi chưa có giáo viên thế chỗ, thì Vừ Nhùa đến, ngập ngừng xin được thử thay cô vài buổi. Ừ, cho cậu gà tồ lên chức thầy vài buổi xem sao, ở cái xứ sơn cùng thuỷ tận này để thoát mù, đứa lớp một dạy đứa lớp vỡ lòng có gì lạ đâu ! Đến buổi học thứ tư, Vừ Nhùa mặt đỏ lựng, nói: “Cô giáo ơi, mình hết chữ rồi ”. Thanh Vân trở lại lớp, biểu dương “thầy” vừa dạy thay và bọn trẻ rào rào vỗ tay hoan hô, làm “thầy” vặn vẹo người, như muốn tìm lỗ nẻ mà chui xuống đất. Rồi cô mời “thầy” lại xuống cuối lớp ngồi. Sau lần ấy, mấy đứa con gái tuổi mười bốn mười lăm má đỏ hây hây, mắt long lanh, cứ gặp Vừ Nhùa là “Em chào thầy” làm mặt thầy lúc đó cứ chín nhừ như da con gà chọi. Thanh Vân thì thực sự tiếc cho cậu học trò Mông xinh trai, với tư chất thông minh như thế, ở dưới xuôi được học hành tử tế giờ cậu ta đã vào đại học rồi. Từ đó cô bảo Vừ Nhùa mỗi tối đến cô dạy thêm, chẳng mấy chốc cậu đã vượt xa trình độ trong lớp.

Một lần, học xong vừa thu xếp bài vở Vừ Nhùa tần ngần nán lại, cậu hỏi là mai ngày nghỉ, cô giáo có thích xuống núi thăm suối Nậm Cắn không? Nậm Cắn chảy dưới chân bản Huồi Sến, lần nào về thị xã Thanh Vân chẳng phải lội qua. Nhưng đây là dịp đi vãn cảnh cùng cậu trò cưng, chắc cũng thú vị lắm chứ. Thế rồi sáng chủ nhật, Vừ Nhùa đến sớm cùng Thanh Vân xuống núi. Ra khỏi nhà trên con đường mòn, đôi khi Vừ Nhùa quay lại nhìn cô dường như vô cớ mà cười rất tươi, phô hàm răng trắng bong. Chiều qua cô đã đưa quyển Kiều cho Vừ Nhùa đọc, là muốn thử mức độ cảm thụ văn học của trò, giờ trên đường cô hỏi : “ Vừ Nhùa có còn nhớ câu Kiều nào không ? ”. Cậu ta trả lời ngay : “ Thanh minh trong tiết tháng ba ; Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh. Hôm nay là ngày thanh minh, Vừ Nhùa muốn cùng cô giáo đi tảo mộ bố mẹ mình ở bên bờ suối ”. Có hai điều làm Thanh Vân bất ngờ : không nhớ hôm nay thanh minh và không biết có ngôi mộ bên suối.

Hai ngôi mộ nằm song song trên một mô đất cao cách bờ suối không xa. Chân mộ được xếp những tảng đá hộc và cỏ đã xanh um.  Cái chết đến với bố mẹ Vừ Nhùa thật vô lý đến không thể nào tin nổi. Cái buổi chiều định mệnh đã lùi xa mười mấy năm rồi mà vẫn in đậm trong tâm khảm cậu học trò. Hôm đó, hai người đi chợ phiên mỗi tháng họp một lần dưới chân núi trở về. Bố Vừ Nhùa say mèm ngất ngưởng trên lưng con ngựa gầy, còn mẹ bám đuôi ngựa lầm lũi theo sau. Nậm Cắn mùa xuân nước trong văn vắt, chỗ sâu chỉ ngang đầu gối. Lội đến giữa dòng, bỗng mẹ dẵm phải hòn đá rêu trượt chân lăn tùm, nếu bố không từ lưng ngựa nhảy ào xuống thì mẹ đã dễ dàng lội vào bờ chỉ bị ướt quần áo thôi. Nhưng trong tình trạng quá say, bố nhảy xuống gặp lạnh đột ngột bị cảm hàn tức thì, cứng ngắc chân tay, mê man. Hai người đều bị ngạt nước, lúc người ta vớt lên vẫn quặp chặt vào nhau gỡ mãi mới rời ra. Giờ Vừ Nhùa mới cho Thanh Vân biết câu chuyện đau buồn này, cô nghe mà nước mắt ứa ra từ lúc nào, còn cậu học trò thì không kìm được, bật khóc. Hai người ngồi im lặng hồi lâu bên ngôi mộ, dường như chỉ để lắng nghe suối lặng lẽ chảy cùng tiếng gió hoang hoải trong rừng cây kia. Bỗng Thanh Vân quay sang, quàng tay lên mái tóc đen nhánh bồng bềnh của cậu học trò kéo về phía mình và xoa đầu dỗ dành, an ủi mãi.

Hôm trước đến nhà trưởng bản, ông đưa Thanh Vân vào xem nơi thiêng liêng nhất trong nhà người Mông gọi là “xử ca”. Trên vách bàn thờ treo một tờ giấy bản trắng, ở giữa dán miếng trang kim vàng hình vuông và gắn vào đấy túm lông gà cùng mấy vết máu gà. Trưởng bản kể, Vừ Nhùa vừa thịt con gà trống to tại đây, cắt tiết xong con gà giãy giãy, quay đầu về nơi bàn thờ, biết là năm nay sẽ gặp tốt lành ước gì được nấy, bố mẹ sẽ phù hộ cho nó. Thanh Vân hỏi, nếu cái đầu gà không quay về phía xử ca mà về cửa thì sao? Trưởng bản bảo, cái năm bố mẹ Vừ Nhùa chết đuối là có cái điềm báo ấy đấy, cắt tiết lại đến ba con gà mà vẫn không giải được cái vận hạn lớn như thế. Bỗng Vừ Nhùa ngửng đầu, ngước nhìn hồi lâu vào mắt Thanh Vân, rồi cậu khẽ hỏi : “ Tục lệ của dân tộc mình khác tục lệ của dân tộc cô giáo nhiều lắm phải không ? ”. Cô lắc đầu bảo : “ Cũng không khác lắm, như đều thờ cúng ông bà cha mẹ này, có ngày đi tảo mộ như hôm nay này…”. Bỗng ánh mắt cậu học trò sáng rực lên, hỏi tiếp : “ Cô giáo có thích người Mông mình không ? ”. Vân cười mủm mỉm như cố giấu đi sự bất ngờ. Rồi cô dời bàn tay ra khỏi mái tóc dày của cậu, để cậu ngồi thẳng bên cạnh, mới bật ra câu trả lời theo thói giao đãi quen thuộc : “ Vừ Nhùa à, không thích sao mình còn lên đây ! ”. Cô chợt đọc được bao niềm vui từ ánh mắt lấp lánh của trò. Và lập tức cậu ta liền với tay ngắt một cái lá xanh bên mộ cha mẹ và đưa lên miệng, bụm môi. Chốc lát, từ cái lá bỗng phát ra thứ âm thanh thật lạ, lảnh lót, réo rắt, trong trẻo, vấn vít cùng nhịp điệu đung đưa đầy hứng khởi của đầu cậu ta có mái tóc đen dày. Từ ngày lên đây, đã đôi lần Thanh Vân được nghe tiếng kèn lá của người Mông, nhưng lần này cô bỗng thấy ngỡ ngàng, xao động, chợt hiểu trong điệu kèn môi ấy cậu học trò mới lớn của mình gửi gắm cả nỗi buồn da diết cùng niềm say đắm bâng khuâng nào đó chưa thể thành lời. Cậu lớn hơn cô vẫn nghĩ về cậu nhiều.

Thế rồi chỉ sau đó có vài ngày, vào đêm rằm, ở đầu nhà giáo viên chợt vẳng lên điệu kèn lá dìu dặt quen thuộc bên bờ suối hôm trước, càng quyến rũ, có sức mê mị hơn khi âm thanh hoà quyện với ánh trăng cùng gió ngàn dào dạt thổi mãi không ngừng nghỉ. Và lần này không chỉ có tiếng kèn lá, tiếp nối còn có giọng hát khàn khàn, khe khẽ đủ để một người nghe qua lần vách thưng mỏng manh : Chiều sang quả núi nhà em về, lòng anh nhớ mãi ; Kìa tiếng kèn gọi em lưng đồi ; Vầng trăng sáng lên rồi ; Nhớ em, anh ăn chẳng no lòng...Cậu học trò ngốc nghếch của tôi ơi, cậu có nhầm nơi đến để kèn, để hát tỏ tình không đấy ? Dù sao, trong lòng cô tràn ngập xúc cảm lẫn  bối rối, dường như đang  có một trạng thái mới mẻ chưa từng biết đến của người đàn bà trẻ trong cô đơn biệt lập với thế giới xung quanh. Hồi mới tốt nghiệp trường sư phạm, Thanh Vân đã yêu say đắm một chàng cùng lớp, rồi mỗi người về một nơi, sự xa cách thường tình đã làm mối tình ấy nhanh phai. Một lần không hẹn trước, Thanh Vân vượt hàng trăm cây số đến thăm chàng, đúng vào buổi trưa ở nhà giáo viên, qua cửa sổ mở hé, cô bắt gặp chính chàng ta đang ôm hôn một phụ nữ khác. Thế là cô bỏ đi ngay, không khi nào gặp lại chàng ta nữa.

Sáng. Ngồi trong lớp, Vừ Nhùa ngồi như pho tượng gỗ suốt buổi, chẳng buồn ra chơi, mấy cô học trò má hây hây lại gần trêu chọc, cậu ta vẫn như vô cảm. Tối hôm sau, trăng treo đầu núi muộn hơn, thì lại nghe tiếng kèn lá, lời ca cất lên, vẫn thế, nhưng  thao thiết, đắm đuối hơn. Và sáng, vẫn bộ mặt ủ dột ấy, đôi khi bắt gặp cái nhìn lên bảng như giận hờn.

Đêm nữa. Trăng đã khuyết. Qua kẽ hở của vách thưng, cho thấy đã gần nửa đêm, ngoài trời cảnh vật được giát bạc, không gian bỗng trở nên huyền ảo và tiếng kèn, lời ca lần này như không phải từ con người cụ thể nào, mà do tạo hoá hồn nhiên,  đa tình cất lên, có sức quyến rũ không thể  cưỡng lại.

Thanh Vân mở cửa. Vừ Nhùa đang đứng đó như cái cây rừng còn non, rễ chưa bám đất thật sâu, thật chắc, run rẩy, sắp đổ quỵ trước ào ạt gió đại ngàn. Thư thả mà dịu dàng, với cử chỉ của một người mẹ, người chị, người bạn gái, cô cầm bàn tay lạnh giá của cậu, khẽ khàng bảo ngồi xuống bãi cỏ đi. Và cô chủ động ôm đầu cậu vào sát má mình, lồng mãi những ngón tay vào mái tóc đen dầy sũng sương đêm của cậu. Cô thủ thỉ mà giọng nghẹn  ngào bởi một niềm hoan lạc mơ hồ chợt ùa đến : sao khờ thế chàng trai núi, tôi còn hơn mình những ba, bốn tuổi cơ đấy…

                                                             Khương Đình, Hà Nội 1-2008

                                                                                  P.Q.Đ

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us