Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Siêu lý của tình yêu

Siêu lý của tình yêu

- Nguyên Ngọc — published 22/10/2021 17:15, cập nhật lần cuối 22/10/2021 17:12



SIÊU LÝ CỦA TÌNH YÊU


Nguyên Ngọc


Gần đây, Bảo tàng Quân đội đã công bố bức thư của Đặng Thùy Trâm gửi người yêu và cả trang nhật ký của Khương Thế Hưng, tức M. trong nhật ký của Trâm. Tôi biết cả hai người ấy gần như là từ đầu, cuộc chiến đấu anh hùng, tình yêu đẹp, buồn của họ, và từ lâu tôi cũng suy nghĩ nhiều về câu chuyện đau đớn này.

Đúng ra thì tôi chỉ quen Hưng, anh là em Khương Thế Xương, bạn thân của tôi, con trai nhà thơ Khương Hữu Dụng. Xương và tôi cùng học từ lớp đồng ấu cho đến tú tài, cùng đi bộ đội một năm. Xương hy sinh sớm, trong trận đánh đồn Tú Thủy ở Đông Gia Lai đầu năm 1953. Trong kháng chiến chống Pháp, Hưng cũng đi bộ đội chỉ sau Xương và tôi vài tháng, chiến đấu ở chiến trường cực Nam tức Ninh Bình Thuận khó khăn nhất của Liên khu 5 thời bấy giờ.

Kháng chiến chống Mỹ, Hưng lại trở về Khu 5 cùng một năm với tôi, chiến đấu ở Quảng Ngãi, cũng là một chiến trường nổi tiếng ác liệt. Sau chiến tranh, trở ra Hà Nội, chúng tôi ở cạnh nhà nhau, cách không đến mươi mét, đi đâu vắng thì thôi, khi cùng ở nhà hầu như không chiều nào không ngồi với nhau rỉ rả bao nhiêu tâm sự, chuyện quá khứ chiến tranh, chuyện nhân tình thế thái thời bình.

Vậy mà chưa bao giờ chúng tôi nói với nhau về Trâm, dù Hưng hiểu rằng tôi có biết cô ấy, biết câu chuyện của hai người. Hình như không chỉ một lần Hưng đã định nói với tôi một điều gì đó, tôi đoán anh nghĩ rằng tôi có phần trách anh trong chuyện ấy, khi tôi viết thiên ký sự về Đường mòn trên Biển Đông, có nhắc đến Đặng Thùy Trâm, cô bác sĩ phụ trách bệnh xá Đức Phổ - Quảng Ngãi đã lặng lẽ cứu chữa cho các chiến sĩ tàu không số của Nguyễn Đức Thắng sau trận ác chiến của họ trên bãi biển phía Đông núi Dâu Phổ Hiệp.

Tôi đã viết rằng cô bác sĩ Hà Nội ấy đã xung phong vào Nam, về chính chiến trường Quảng Ngãi một phần vì người yêu của cô đã về trước và đang chiến đấu ở đấy, cô đi vào cuộc chiến đấu của dân tộc mà cũng là đi đến với người cô yêu bằng một mối tình nồng cháy; nhưng rồi ở chiến trường, tình yêu của hai người đã tan vỡ, không hiểu vì sao. Tôi cũng viết rằng chính Nguyễn Đức Thắng đã yêu cầu tôi có nói gì về chiến công của các anh thì nhất thiết phải nhắc đôi điều đến người bác sĩ anh hùng, ân nhân của các anh, đã hy sinh, anh vẫn mong tìm được gia đình cô ở Hà Nội để nói một lời biết ơn...

Hưng đã đọc thiên ký sự đó, những dòng đó, đấy là lần đầu tiên tên Thùy Trâm được nhắc đến trên sách, kỷ niệm về Thùy Trâm được gợi lại. Và tôi chắc anh nghĩ tôi viết thế nghĩa là tôi có ý trách anh. Tôi thấy anh đắn đo, nhưng rồi cuối cùng anh không nói nữa. Tôi cũng im lặng. Chúng tôi ngồi im hồi lâu, rồi chuyển qua chuyện khác. Hưng là người hết sức tự trọng. Anh không muốn thanh minh.

Chúng tôi không bao giờ nhắc đến chuyện đó nữa... Mấy năm sau, anh mất (*). Rất đột ngột. Buổi chiều, anh còn ngồi trước hiên đùa với mấy cháu nhỏ trong xóm, tối lên một cơn đau tim, và đi ngay. Khi tôi chạy sang thì mọi động tác cấp cứu đều đã vô vọng. Gia đình và bạn bè giao cho tôi viết điếu văn. Tôi đã viết rằng nhà thơ Khương Hữu Dụng có hai người con trai, cả hai đều đã hy sinh cho đất nước.

Hưng chết không chỉ vì một cơn đau tim. Tất cả chúng tôi hồi ấy ở chiến trường đều bị phơi nhiễm không biết bao nhiêu lần chất độc hóa học, di họa nhằm vào ai, phát ra lúc nào, chẳng thể biết, tôi thì không, hay chưa, Hưng bị trước. Trong người Hưng lại còn hàng chục vết thương của hàng trăm trận đánh. Đó là một người con trai không hề bình thường. Đánh giặc giỏi, nổi tiếng và cũng nổi tiếng tài hoa.

Những năm anh chiến đấu ở Ninh Thuận, Bình Thuận là những năm vô cùng khó khăn, lực lượng ta ở đấy yếu, vật lộn với địch tương quan một chọi với một trăm; lại đói, mà đói thì ốm, sốt rét, phù thũng. Đấy cũng là vùng hết sức khô cằn. Ở chiến khu, mỗi người lính mỗi ngày chỉ được phát một ca nước, cả một vùng khô cháy mênh mông chỉ có một vũng lầy, ta và địch từng ngày đánh nhau đẫm máu để vét lấy từng xô nước đục ngầu bùn đất ở đó, người ta bảo nơi này máu còn nhiều hơn nước.

Hưng đã sống suốt cuộc chiến tranh trên một chiến trường như vậy. Và thật lạ, thật tài, chính trong những năm đó, gắn bó với người Chăm bản địa, anh đã sưu tầm, cải biên và sáng tác điệu nhạc và điệu múa Chàm Rông, về sau từng được giải thưởng quốc tế. Những tác phẩm ấy ký tên Nguyên Mộc, M. của Thùy Trâm sau này chính là từ đó. Khi bản nhạc và điệu múa Chàm Rông nổi tiếng, có một người tự xưng là nhạc sĩ đã mạo nhận mình là tác giả.

Lúc ấy Hưng đang ở chiến trường miền Nam. Hết chiến tranh, biết chuyện, anh chỉ cười. Cụ Khương Hữu Dụng là một nhà nho thâm thúy. Hai người con trai của cụ, tôi biết đều phảng phất đôi chút cái khí chất nhà nho ấy, họ biết sâu sắc cái phù du của danh vọng...

Đấy cũng là một cán bộ rất khác thường trong chống Mỹ. Hưng làm trưởng đoàn văn công của tỉnh Quảng Ngãi vì anh có sáng tác nhạc, múa, làm thơ. Và văn công ở chiến trường ấy thì chẳng khác mấy chiến sĩ đánh giặc, không phải là cán bộ quân sự từng trải nhất thiết không thể phụ trách, bảo đảm cho đoàn tồn tại, hoạt động có hiệu quả và không bị tiêu diệt.

Rồi từ văn công, anh chuyển sang làm chính trị viên tiểu đoàn đặc công, loại binh chủng tinh nhuệ nhất, dũng cảm nhất của quân đội ta, chuyên đảm nhiệm những mũi mạo hiểm và ác liệt nhất trong các trận đánh. Tôi không sợ quá lời khi nói điều này: Đấy là một người lính anh hùng. Và lại là một người anh hùng rất nghệ sĩ. Quả thật sẽ rất lạ nếu một cô gái như Thùy Trâm không yêu người con trai đó khi họ đã biết nhau. Mà số phận thì đã được sắp xếp để họ gặp và gần nhau từ tuổi mới lớn: Hai gia đình có họ hàng xa...

Tôi chưa từng gặp Thùy Trâm nhưng luôn có cảm giác đã biết cô. Từ Hưng, một phần qua gia đình anh, đối với tôi gần gũi như chính gia đình mình. Và từ những điều tôi hiểu ở chiến trường. Tôi biết ở chiến trường trong chống Mỹ thế nào là một bệnh xá huyện.

Có thể nói, cũng không sợ quá lời đâu, tất cả các bệnh xá huyện trong chống Mỹ đều là những đơn vị anh hùng. Vì sao ư ? Đơn giản chỉ vì nó là một cái bệnh xá huyện. Không có nhiệm vụ đánh nhau nhưng nó luôn phải đứng chính giữa nơi ác liệt nhất của chiến trường trong bất cứ tình hình nào.

Một cơ quan, kể cả cơ quan chỉ đạo cấp khu, cấp tỉnh, cấp huyện, cho đến cấp xã, cấp xóm nữa, thậm chí một đơn vị bộ đội, khi ác liệt, khó khăn quá, khi so sánh lực lượng với kẻ địch bất lợi quá, có thể tạm đứng chệch qua một bên, tạm lánh đi đâu đó, không quá xa nhưng tương đối an toàn để tránh tổn thất. Tình hình thơ thới lên đôi chút, thì lại trở về. Không việc gì phải dại dột đương đầu khi cần và còn có thể tránh được.

Nhưng một cái bệnh xá huyện thì không. Trong bất cứ tình hình nào, bất cứ lúc nào, từng ngày, từng giờ, từng phút nó phải luôn có mặt tại đó, ở nơi bất cứ giây phút nào trong chiến tranh đều cần có nó, càng ác liệt thì càng cần: Đơn giản chỉ vì nó là bệnh xá, nó được sinh ra là để cứu chữa con người, người bị thương, người bệnh, càng khốc liệt thì người bị thương càng nhiều, càng phải được cứu chữa ngay, từng phút, từng giây.

Bệnh viện khu, bệnh viện tỉnh có thể tự do hơn, họ có địa bàn rộng hơn, không gian thoáng để quyết định đi ở tùy tình hình. Còn trạm xá xã thì sơ sài quá, không đủ sức cho những nhiệm vụ y tế của một đối đầu kiểu chiến tranh của Mỹ...

Vậy đó, một cô gái Hà Nội đã được bố trí vào đúng cái vị trí mũi nhọn nóng cháy nhất của cuộc chiến đó. Nơi đòi hỏi những người can trường nhất trong những người can trường. Không gặp, nhưng khi biết có một cô gái Hà Nội tên là Thùy Trâm về bệnh xá Đức Phổ, tôi chăm chú theo dõi. Tôi quá biết Đức Phổ, địa bàn của Sư đoàn Kỵ binh bay số 1, rồi Lữ đoàn 196, những đơn vị được trang bị mạnh nhất, hiện đại nhất của quân đội Mỹ. Đối mặt với họ là một cô gái Hà Nội, người yêu của bạn tôi.

Tôi thầm theo dõi cuộc chiến đấu của cô, và theo dõi mối tình của hai người. Cảm phục, thương mến, lo lắng. Tôi tin rằng Hưng sẽ thắng, Trâm sẽ thắng, trong cuộc chiến. Ở ngay đơn vị tôi cũng có một cô gái Hà Nội, làm nhiệm vụ khác, khó khăn kiểu khác, theo cách nào đó chẳng kém, và qua cô ấy, tôi biết phẩm chất của các cô gái Hà Nội trong chiến tranh. Tôi tin Thùy Trâm. Nhưng còn tình yêu của họ ?

Mong manh biết bao một tình yêu giữa cuộc chiến. Chiến tranh có thể đốt sáng tình yêu đến chói lọi, mà cũng có thể thiêu rụi nó... Cho nên khi biết mối tình của họ, ở chiến trường, đã tan vỡ, tôi cảm thấy như chính mình bị tổn thương. Và như thường vẫn xảy ra trong những trường hợp ấy, người dễ bị chê trách trước hết là người con trai, quả bấy giờ tôi có âm thầm trách Hưng... Còn bây giờ thì sao, sau bao nhiêu năm, khi cả hai con người đó đều không còn, khi chúng ta đã có điều kiện đọc được đôi điều họ gửi cho nhau, nói về nhau, mà cũng là gửi và nói với hậu thế ?

Tôi vẫn tin rằng con người hấp dẫn chúng ta chính là vì mỗi con người là một bí ẩn thăm thẳm, hay đúng hơn nữa, là một khối mâu thuẫn không cùng. Trường hợp Đặng Thùy Trâm là vậy, Khương Thế Hưng cũng là vậy. Có lần tôi đã nói về Thùy Trâm rằng đó là một người anh hùng đêm nào cũng ngồi một mình, cô đơn và khóc, vì nhớ nhà, nhớ Hà Nội, nhớ mẹ, nhớ các em, vì những thảm cảnh của bà con Đức Phổ mà cô chứng kiến hằng ngày, vì mối tình tan vỡ của cô mà cô không sao hiểu được và cô nhất định ngoan cố đến cùng không chịu tin.

Cô là một người anh hùng rất yếu đuối, một người vô cùng mạnh mẽ và cùng lúc vô cùng yếu đuối, một người con gái vô cùng con gái vì vô cùng mong manh giữa cuộc đời, giữa chiến tranh. Cho đến nay, không ai biết được chính xác giây phút cuối cùng của người bác sĩ ấy. Một người lính Mỹ kể rằng cô chính là cô gái với một khẩu súng trường thô sơ bắn từng viên một đã một mình chống lại cả một đại đội lính Mỹ để bảo vệ những thương binh trong bệnh xá của cô, cho đến khi chính mình bị bắn gục.

Và anh ta nói rằng ở bất cứ nơi đâu trên thế giới này, một con người như thế cũng đều được gọi là một người anh hùng. Người nữ anh hùng đó, cho đến phút cuối cùng của đời mình vẫn đau đớn vô cùng, vẫn không thể chấp nhận được sự tan vỡ mối tình tan vỡ của cô, vẫn không sao hiểu được vì sao nó phải tan vỡ, vẫn không tin, không thể chấp nhận rằng tình yêu là đối lập với chiến tranh, với cuộc chiến tranh của cô, không chấp nhận lời giải thích của anh ấy rằng anh có thể ngã xuống bất cứ lúc nào, giây phút nào trong cuộc chiến này, vậy thì nên giải phóng cho nhau đi trước khi những đau khổ hầu như chắc chắn sẽ đến...

Cô gái ấy có những lý lẽ tình yêu khác, cô tin rằng tình yêu của họ càng đẹp vô cùng khi nó càng mong manh trước uy hiếp tàn khốc của chiến tranh, thậm chí trước cái chết. Có lẽ tôi đã không diễn đạt đúng khi nói rằng cô có những lý lẽ khác. Đấy là một người con gái hiểu và tự trong sâu thẳm con người mình, trong nền văn hóa đã trở thành máu thịt của mình, đinh ninh rằng “ trái tim có những lý lẽ mà lý trí không biết ”. Cô là một người đàn bà đầy khao khát, cuộc sống, tình yêu đối với cô không bao giờ là đủ, là vừa.

Một người yếu đuối và luôn đau khổ. Và rất nghịch lý, chính sự yếu đuối ấy làm nên sức mạnh kỳ lạ của cô. Cái đại đội lính Mỹ cực kỳ thiện chiến và trang bị tận răng kia đã bắn gục cô, nhưng ngay từ lúc ấy, và mãi mãi về sau này nữa, họ biết rằng trong cuộc đối đầu lạ lùng trên chiến trường đó, chính họ mới là kẻ chiến bại. Họ đã thua một người đàn bà đau khổ.

Vậy đó, Đặng Thùy Trâm, cô bất tử vì cô là một khối mâu thuẫn mênh mông, bất khả kháng, và cũng hầu như hoàn toàn có khả năng giải quyết của con người. Mãi mãi.

Còn Khương Thế Hưng ? Anh là người lính, là người chỉ huy. Mà ở đâu ? Cách đây mấy năm, trong khi chuẩn bị một công trình gì đấy ở thị xã Quảng Ngãi, người ta đã tình cờ phát hiện một hố chôn chung mấy chục liệt sĩ. Gần đây, cũng chính ở thị xã ấy, những công nhân xây dựng lại tình cờ đào được một hố chôn chung khác, vùi thi hài mấy chục chiến sĩ đặc công hy sinh trong Xuân Mậu Thân 1968.

Tôi biết chắc chưa hết đâu, những hố chôn chung như vậy vẫn còn, có thể đến một lúc nào đó sẽ lại được “ tình cờ ” tìm ra. Những năm tháng ấy, trong khi ở cái bệnh xá Đức Phổ, cô bác sĩ Hà Nội nhỏ nhắn đang quằn quại với đau khổ và những câu hỏi không thể trả lời của cô, thì cách đó chỉ mấy chục cây số, Khương Thế Hưng, M. của cô đang sống, đang chiến đấu như vậy đó, cùng những người lính đặc công mà hôm nay ta tìm thấy hài cốt. Hoàn toàn có thể nếu sự thể lúc bấy giờ chỉ cần ngẫu nhiên chệch đi một chút, một đường đạn chệch đi chỉ một li, thì một trong số những hài cốt tìm được, thậm chí còn vô danh, là của chính Hưng.

Thậm chí xác suất anh còn sống đến sau chiến tranh là thấp hơn rất nhiều, có khi đến cả trăm lần, khả năng anh hy sinh ngày đó. Và anh còn là người chỉ huy. Tôi biết những người chỉ huy trong chiến tranh, sự dũng cảm của họ vừa là của người lính vừa khác người lính. Đối với họ, sự sống chết của chính họ ít quan trọng hơn rất nhiều sự sống chết của hàng trăm con người được giao cho họ.

Và sự dũng cảm của họ không chỉ là dám tự mình hy sinh, mà khó khăn hơn nhiều, dám chấp nhận sự hy sinh của những người được giao phó cho mình. Phải thường xuyên đứng trước những quyết định đòi hỏi tình yêu và trách nhiệm cao nhất đối với con người, lại phải vừa tỉnh táo, quyết đoán đến lạnh lùng về sự hy sinh của những người khác. Hưng viết cho Thùy :

Những người đi chiến đấu
Không muốn nặng thêm khẩu súng
Một mối tình quá xa
Và nhất là
Nỗi ân hận quá nhiều
Bắt một người yêu
Phải đợi...

Chúng ta hiểu : “ Nặng thêm ” không phải chỉ một khẩu súng. Nặng hơn nhiều là một trách nhiệm, có lẽ trên đời không còn trách nhiệm nào lớn hơn mà con người phải đối mặt.

Gia đình nhà thơ Khương Hữu Dụng là một gia đình trí thức. Khương Thế Xương là người lính trí thức của cuộc kháng chiến thứ nhất. Hưng là người lính trí thức của cuộc chiến thứ hai. Anh nghệ sĩ, hào hoa, uyên thâm, và tài năng, cả trong nghệ thuật đánh giặc. Và là một người lính, một người đàn ông từng trải của cả hai cuộc chiến.

Cụ Khương Hữu Dụng viết cho con khi biết quyết định của con về mối tình đối với Thùy Trâm, mà ông cũng đã thương yêu như ruột thịt : “ Việc riêng của con tùy con quyết định. Nếu Thùy hiểu con theo đúng cái đáng hiểu thì cũng tốt thôi. Nhưng nếu đó chỉ là một ước mơ đã xa vời không khớp với cái hiện thực hiện nay thì giải quyết như con là đúng. Ba không phong kiến mà cũng không lý tưởng hóa.

Con đã khôn lớn già dặn nhiều trong cuộc chiến. Ba tin ở con hoàn toàn trong việc giải quyết mọi vấn đề kể cả vấn đề yêu đương, chỉ nhắc con đừng quá cứng nhắc mà thành máy móc tả khuynh ”. Người cha ấy hiểu sự lạnh lùng cần thiết của người lính, người chỉ huy mà con trai ông phải tự nhận lấy cho mình trong điều kiện “ hiện thực hiện nay ”, điều kiện phi thường của chiến tranh, khi con người cũng phải xử lý mọi vấn đề chung riêng một cách phi thường.

Nhưng ông cũng thật hiền minh nhắc con “ đừng quá cứng nhắc ” với chính mình. Nhẹ nhàng hơn một chút, mềm mại đi một chút, có được không con? – dường như ta có thể nghe tiếng nói thầm ấy của người cha. Thầm thôi, vì ông biết rằng có thể chính ông cũng không thể hiểu được hết cái gánh nặng cuộc chiến đang đặt lên vai con. Ông tin và để “ tùy con quyết định ”. Còn Thùy Trâm thì không. Cô nhất quyết không chịu. Cô không chịu rằng tình yêu phải khuất phục chiến tranh.

Cô tin tình yêu của cô lớn hơn, và đòi tình yêu của anh đối với cô phải lớn hơn, mạnh hơn chiến tranh, mạnh hơn tất cả, mạnh nhất trên đời, vô địch. Cô không cần lý trí lạnh lùng. Bằng tất cả tâm hồn và cơ thể đàn bà của mình, cô biết rằng “trái tim có những lý lẽ mà lý trí không biết”, và cô tin những lý lẽ ấy hơn tiếng nói của lý trí. Cô quyết liệt, mà bất lực đau đớn không đồng tình với quyết định của người con trai. Người nữ anh hùng ấy đau khổ, một mình khóc đêm đêm, có thể cả trong cái đêm trước trận chiến đấu cuối cùng của cô một mình một khẩu súng trường bắn phát một đương đầu một đại đội lính Mỹ...

Nhưng vẫn còn lại một câu hỏi : Có phải quyết định của Hưng chỉ là một quyết định lý trí ?

Vậy mà rồi thấm thoắt chẳng bao lâu nữa đâu nửa thế kỷ sẽ đi qua trên mối tình anh hùng và bi tráng của hai người đều là anh hùng của một thời kỳ bi tráng. Tôi biết trong câu chuyện đẹp và buồn, rất buồn và rất đẹp này, không có đúng sai, chẳng nên đi tìm đúng sai ở đây. Cũng như chẳng bao giờ nên đi tìm đúng sai trong tình yêu. Và hình như không chỉ trong chiến tranh đâu.

Hưng mất vậy mà đã hơn mười năm, tôi không còn có được những buổi chiều hai anh em ngồi rỉ rả cùng nhau bao chuyện đời, trong chiến tranh và trong hòa bình. Giá như còn có thể, tôi muốn nói với Hưng một điều : Quả thật trong câu chuyện quá khó của hai người, không có, không thể có đúng sai.

Đúng sai chẳng là gì, chẳng để làm gì cả. Nhưng ở đây có một điều còn quan trọng hơn nhiều, quan trọng nhất: Một chất nhân bản sâu xa, trong quyết định của Hưng, và trong cả sự nhất thiết không chịu chấp nhận quyết định ấy của Thùy. Rất có thể chính vì có điều đó mà chúng ta đã đi qua được thắng lợi cuộc chiến tranh khốc liệt đến kinh hoàng vừa rồi. Phải không Hưng ? Phải không Thùy ?

Nhà triết học lớn nhất của nước Nga trong thế kỷ 19, Vladimir Soloviov, có một tác phẩm lớn tên là Siêu lý tình yêu. Tôi không muốn nói rằng Soloviov bàn về chính tình yêu này. Tôi chỉ muốn mượn tên cuốn sách của ông để nghĩ về mối tình của hai người anh hùng tôi đều may mắn được biết trong chiến tranh. Ở đây quả thật có một siêu lý của tình yêu.

Hay lý lẽ của tình yêu thì bao giờ cũng là siêu lý ?


Nguyên Ngọc



Nguồn: FB Nguyên Ngọc, 21.10.2021



(*) Khương Thế Hưng (bút danh Nguyên Mộc, Đỗ Mộc) sinh ngày 18-9-1934, quê ở làng Minh Hương, thị xã Hội An, tỉnh Quảng Nam (...) Từ năm 1992, sức khỏe anh yếu dần và mất ngày 13-11-1999 do di chứng chất độc da cam và năm lần bị thương của gần 100 trận đánh trong chiến trường (Chú thích của Diễn Đàn, theo Tuổi Trẻ ngày 19/12/2009).

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us