Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Sổ tay

Sổ tay

- Kiến Văn — published 04/01/2021 01:30, cập nhật lần cuối 05/01/2021 21:37
Notre Dame des Missions & Đại hội Tours, 100 năm sau

Sổ tay



Notre-Dame des Missions d’Epinay



Trong những ngày đầu vùng Paris giải toả, chúng tôi tìm những thắng cảnh không xa đô thành để đi thăm, sáng đi chiều về. Trước tiên là hai nhà thờ. Chẳng lẽ sống ở Paris hơn nửa thế kỷ mà chỉ biết những nhà thờ nội thành tới lui không biết bao nhiêu lần  khi hướng dẫn bạn bè từ trong nước, hay từ Mỹ, Úc sang thăm : to thì Đức Bà, nhỏ thì Sainte-Chapelle, ra khỏi Paris thì toàn đi những nhà thờ nổi tiếng : Chartres, Strasbourg, Reims, Beauvais, Dijon, Beaune... Lần này, chúng tôi chọn Saint-Sulpice-de-Favières (toạ độ 48° 32' 29'' Bắc, 2° 10' 44''  Đông) vì sách hướng dẫn du lịch gọi là “nhà thờ gothique làng” lớn nhất nước Pháp. Xây dựng từ thế kỷ 13, cùng thời với nhà thờ Đức Bà Paris, cách Paris (tính từ nhà thờ Notre-Dame) vỏn vẹn 45 km về phía nam, thánh đường Saint-Sulpice thật nguy nga đồ sộ, tương phản với ngôi làng nhỏ bé (dân số năm 2015 : 317 người, nhưng ngay cạnh nhà thờ, có một quán ăn ngon : Saint-Louis). Sự trái khoáy được giải thích : đó là chặng đầu tiên trên đường hành hương của Kitô hữu khởi hành từ Paris...

Notre-Dame des Missions d'Epinay (102 Avenue Joffre, 93800 Épinay-sur-Seine, toạ độ 48° 57’ 39” Bắc, 2° 17’ 52” Đông, cách Paris 34 km) thì “kỳ lạ” ở kiến trúc khác thường và lai lịch của nó. Cổng chính mang dáng dấp cổng tam quan của một ngôi chùa Á Đông, mặt tiền khắc chạm những dòng chữ Hán : Thiên Chủ Đường..., tháp chuông y hệt một cái minaret (tháp gọi đi cầu nguyện) của giáo đường Hồi giáo. Thông điệp kiến trúc khá rõ ràng : đây là nhà thờ Đức Bà của những phái bộ Thừa sai đi mở rộng Nước Chúa ở các lục địa khác. Nhà thờ khánh thành năm 1932 ở Epinay, ngoại ô thợ thuyền tây bắc Paris, nằm trong “vành đai đỏ” chịu ảnh hưởng của Đảng cộng sản. Nhưng nơi xây cất của nó là rừng Vincennes : nơi diễn ra Hội chợ Thuộc địa 1931.


expo   epinay

Từ Hội chợ thuộc địa 1931 (Vincennes) đến Epinay-sur-Seine (1932)


Việc xây dựng cả một nhà thờ Thừa Sai ở Hội chợ thuộc địa đã gặp phản ứng trong dự luận, coi đó như là một sự hợp tác “tay trong tay" giữa Nhà nước Cộng hoà “thế tục" (laïc) với Giáo hội, 25 năm sau Đạo luật 1905 (ngày nay vẫn còn giá trị) tách bạch Nhà nước với các giáo hội. Quyết dịnh xây nhà thờ là chủ trương của Tổng uỷ Hội chợ, Thống chế Lyautey, một quan chức lớn của chính sách thực dân, đã từng cầm quân và cầm quyền ở Algérie, Madagascar, Đông Dương và nhất là Maroc. Tất nhiên, ở các thuộc địa, sự câu kết giữa chính quyền thực dân và Hội thừa sai Paris là “chuyện thường ngày ở huyện”. Hội chợ kết thúc, Lyautey không muốn phá ngôi nhà thờ, tìm nơi di chuyển nó. Ý muốn của thống chế – nguyên bộ trưởng quốc phòng – đã gặp kế hoạch của tổng giám mục Paris, hồng y Jean Verdier. Người đứng đầu giáo hội vùng thủ đô muốn xây thêm cả trăm nhà thờ, đặc biệt ở những ngoại ô thợ thuyền để đưa họ trở về với chúa. Thế là Nhà thời Thừa sai được tháo gỡ ở rừng Vincennes và xây dựng lại, chắn chắn hơn (thay gỗ bằng bê-tông) ở Epinay-sur-Seine.

Trong những bức tranh tường nội thất, tất nhiên có một tấm dành cho Đông Dương, với cảnh tử vì đạo của linh mục Théophane Vénard bị hành hình ở Hà Nội năm 1861 (được giáo hoàng Jean-Paul II phong thánh năm 1988). Từ điển mở Wikipedia đã dành một bài dài về Théophane Vénard : 9 tuổi, đọc chuyện tử vì đạo, đã hạ quyết tâm "Tôi cũng thế, tôi muốn sang xứ Tonkin, tôi muốn được tử vì đạo". 1861 là năm Sài Gòn đã trở thành thuộc địa Pháp được hai năm. Năm ấy, thống đốc một thuộc địa khác, đảo La Réunion, thiếu nhân công (nạn nô lệ vừa bị huỷ bỏ), viết thư cho thống đốc Sài Gòn, yêu cầu gửi phu phen An Nam sang các dồn điền trồng mía. Mấy năm sau, chính ông thống đốc này than phiền khi khám phá ra rằng bọn "phu phen" hoá ra là những chiến sĩ Cần Vương đã  bị bắt và giam cầm, rất "khó bảo". Tôi liên tưởng hai sự kiện xảy ra cùng năm 1861 ở hai đầu đất nước và hai thuộc địa cách nhau hơn 6000 km để nói lên ước mong được đọc những cuốn sách hay tiểu thuyết tái hiện được cả một thời kỳ đầy "âm thanh và cuồng nộ" cách đây gần hai thế kỷ.


venard  noithat

Bên trong nhà thờ Notre Dame des Missions ở Epinay sur Seine. Hình bên trái : bích hoạ truyền giáo ở Đông Dương,
phía dưới là cảnh hành hình linh mục Théophane Ménard.



Đại hội Tours, một trăm năm sau


Cách đây đúng một trăm năm, Đại hội lần thứ 18 của Đảng xã hội Pháp (SFIO : Đảng bộ Pháp của Quốc tế thợ thuyền) đã họp tại thành phố Tours, từ ngày 25 đến 30 tháng 12.1920, quyết định gia nhập Quốc tế thứ III và thành lập Đảng Cộng sản Pháp (với đa số 3232 phiếu thuận, 1082 phiếu chống). Như mọi người đều biết, trong những đại biểu bỏ phiếu thuận, có một đại biểu người Đông Dương, Nguyễn Ái Quốc.

Bao nhiêu lần trên đường Paris đi về phía tây nam nước Pháp, xa lộ A10 đi qua Tours, tôi không ngừng lại vì biết rằng toà nhà hội trường Salle des Manèges – nơi diễn ra Đại hội lịch sử – không còn nữa. Nhất là những năm 60, tôi đã có dịp đến Tours gặp một nhóm sinh viên Mỹ sang học một khoá ngắn hạn, qua sự trung gian của nhà điêu khắc Alexander Calder, được ông Calder cho tá túc mấy ngày. Ông còn dẫn tôi đi dọc sông Loire và chỉ nơi trước đây là khu vực Salle des Manèges.


congres   NAQ

vote


Lần này, nhân chuyến đi một vòng Bourges, Rodez, Albi, Rocamadour... tháng 8.2020 thoát khỏi mấy tháng bị phong toả ở Paris, chúng tôi quyết định ngừng ở Tours trên đường về, để đến tận nơi. Trong tay chúng tôi, có hai chỉ dấu : hội trường ở sát bên nhà thờ Saint-Julien (toạ độ 47° 23' 45" bắc, 0° 41' 14" đông), gần góc đường Voltaire và Colbert.

nhàtho   nhathonay

Nhà thờ Saint-Julien (ngày đại hội 1920 và ngày nay)


Toà nhà hội trường không còn nữa, nhường chỗ cho một công viên nhỏ, mang tên nhà thơ Prosper Mérimée, bên cạnh nhà thờ Saint-Julien, ba bên còn lại là những toà nhà chung cư nhỏ được xây khoảng giữa thế kỷ 20. Đường Colbert là phố buôn bán, còn giữ được mấy ngôi nhà cổ.


nhaco  square  goc

Từ trái sang phải : đường Colbert, quảng trường Prosper Mérimée, góc đường Voltaire và Colbert


Cảnh cũ đã bị xoá mờ, người xưa chắc cũng chẳng còn ai. Đại hội Tours đánh dấu ngã rẽ của phái tả ở Pháp, một thế kỷ trôi qua, nhưng những bất đồng cơ bản vẫn còn đó. Đối với lịch sử Việt Nam, sự chọn lựa ở Tours là một bước ngoặt. Một trăm năm qua, vấn đề độc lập đã giải quyết với cái giá ngày nay khiến một số người đặt lại sự lựa chọn nguyên thuỷ. Bất luận thế nào, còn đó là những vấn đề tiếp theo : dân chủ, nhân quyền, dân sinh, dân trí... Đó là vấn đề của hôm nay và ngày mai. Quá khứ không mang lại giải đáp.

Kiến Văn

31.12.2020






Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss