Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Sói nâu

Sói nâu

- Hoa Liên — published 16/06/2008 15:33, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19
truyện ngắn


SÓI NÂU


Hoa Liên



1.



Lễ khai giảng gặp ngày mưa. Tháng 9, bắt đầu một mùa mưa rét mới. Lễ trang nghiêm buồn tẻ, người đọc diễn văn là ai khác, người cầm micrô là ai? Giáo viên người ngồi kẻ đứng nơi hành lang, chỉ một số ngồi với chính quyền hàng xã.

Hiệu phó Lê Tí tập trung học sinh cấp ba trong phòng đôi hát quốc ca. Tiếng hát trầm hùng vang lên xua tan cái rét mướt: “Đoàn quân Việt Nam đi...”

– Chị Dung, chị Dung mô rồi nhỉ?

Trang kêu lên. Cô làm chủ nhiện lớp 10A, Dung lớp 10B. Có đến mười nữ giáo viên. Mỹ Trang, Hồ Lụa, Thu Sang, Mị, Lệ Chinh, Huệ, Diễm Thúy, Hồng Thu, công chúa lười bé Thơ và chị Kình, có biệt danh Doctor K.

– Mới thấy Dung đứng đó mà.

Thu Sang quay lui nói. Hồ Lụa:

– Chắc Dung về phòng ở rồi.

Dung đi dưới mưa, cảm thấy mưa rơi trên mặt lạnh giá. Cô không xuống chợ, không về phòng ở tập thể, cô đi thẳng về thôn Đồng Di, nơi có ngôi nhà thờ họ lớn nhất làng. Nhà thờ này do ông nội cô làm hồi còn đương chức.

– Trời ơi, chị Dung đi mô cả ngày ni.

– Về bên bác. Dung cởi áo măng tô nằm dài ra giường. Mối giáo viên mang về trường một cái ghế bố để thay giường nằm.

– Thời khóa biểu có rồi. Chị dạy hai cấp.

– Bác Hiệu trưởng sáu mươi tuổi, già quá chị Dung. Bên cạnh, Thu Sà và Thị Lụa đang thi nhau hợp ca bài “ Em yêu đời tự do.”

– Dậy đi ăn, chị Dung.

– Ừ.

Nghe tiếng gõ cửa phòng, Thúy nằm gần cửa dậy mở.

– Chị Dung, có anh Tranh hỏi.

Dung nhổm lên khỏi giường nằm. Một ngày dầm mưa, cô nghe mệt mỏi và thấy ớn lạnh. Tranh tìm cô sao? Có chuyện gì?

Thúy trả lời cho thắc mắc của cô.

– Anh Tranh đòi quyển “ Thép đã tôi thế đấy.”

Cô lật đật mở va li, lấy quyển sách đi ra cửa.

– Cô đọc xong rồi chứ?

– Chưa.

– Sao, cô chưa? Tranh nhớ cô mượn từ tháng 6, hôm đi công tác hè. Nhớ lại kỉ niệm khó quên về cô.

Tranh sửng sốt một lúc.

– Cô có thể mượn lại sau, có vài người muốn coi quyển đó.

– Tôi không đọc quyển đó.

Tranh nhìn cô. Anh bước ra, đóng sầm cửa lại.

– Chị chưa đọc thật à. – Thúy hỏi, nãy giờ cuộc đối thoại ngắn ngủi lọt vào tai hai người nằm gần cửa ra vào.

– Có đọc một chương. – Dung nói rồi vùi đầu vào chăn. Cô cần phải ngủ.


*


Hiệu trưởng là một người đàn ông dáng đi lòm khòm, quan liêu và hách dịch theo cái cách riêng của ông ta. Tuy vậy điều khiển buổi họp hàng tuần là Lê Tranh.

Họ họp một buổi họp ngắn trong đó giáo viên nạp bản khai trình độ văn hóa và các môn mình phụ trách dạy.

Cuối buổi Tranh nói:

– Tất cả các bản khai đều làm sạch sẽ, đàng hoàng, chỉ trừ bản của cô Dung. Cô làm cẩu thả, đã gạch tay thay vì gạch thước.

Tranh đưa tờ giấy lại cho Dung.

– Đề nghị cô viết lại.

Dung làm lại bản khác.

Trang càu nhàu khi đôi bạn về phòng.

– Em đã nói với chị là đừng nên tỏ thái độ chi hết. Ai khiến chị nói với Tranh là chị không thích đọc quyển ấy?

Dung không đáp.

– Văn học bắt nguồn từ lao động, nghe mà lạ tai ghê, làm răng giảng cho hay đây, chị Dung?

“ Văn học bắt nguồn từ lao động”. Đó là bài mở đầu quyển Văn học lớp 10. Thật khó ghê. Trước giải phóng, Trang dạy lớp 10, ca ngợi văn chương Tự lực Văn đoàn, bây giờ nói ngược lại. Phải chăng các tập Lửa Thiêng và Thơ Thơ của Huy Cận, Xuân Diệu cùng các tập thơ khác trong phong trào thơ mới đều phải qua lao động mới thành hình? Đó là do lao động hay tưởng tượng sáng tạo?

– Phải hiểu lao động theo một nghĩa nào chứ? Mà theo họ (?) thì hình như lao động tay chân đang được ca ngợi hơn lao động trí óc.

Trang nhìn Dung. Cô chị họ nằm dài trên giường, chẳng nói chẳng rằng.

– Chị Dung! Nghĩ chi đó? Người chi mà lúc mô cũng suy nghĩ. Trả lời Trang đi.

– Mi tự trả lời cũng được.

– Chị nghĩ đến ai vậy.

– Nghĩ đến Lê Tranh.


*


“Đi uống cà phê”. Dung vo tròn miếng giấy ném qua giường Trang rồi trèo qua cửa.

– Ê, đi kiểu chi kì rứa?

Đang ngồi soạn giáo án, Chinh ngẩng lên hỏi. Lụa và Thu Sang cùng ngẩng lên cười.

– Giờ ni đi chơi hả? Lụa hỏi.

– Mi cứ đọc lịnh cấm, ta càng đi xa hơn.

Chân cô đã thoăn thoắt bước ngang bờ giếng. Nàng phải dừng lại giữa lối mòn đợi Mỹ Trang.

– Mời phu nhân nhanh lên ạ.

Trời nắng trong thật đẹp, núi xanh ngắt, mây trắng như bông.

– Chị Dung. Có ai đó nói rằng Thu Sang là cánh tay phải của trường. Hắn và Kiều Mị là hai hội viên đầu tiên được kết nạp. Lụa vì sợ mà chơi thân với Sang.

– Trang nói những chuyện đó làm chi?

– Trời ơi! Tâm hồn chị sao mà giản đơn như vậy.

Dung nhớ lần Sang phê bình cô hát nhạc vàng, đợt đi công tác hè. Cái lần nửa đêm nóng qúa không ngủ được cô ngồi dậy mở tung hai cánh cửa sổ phòng họ đang ngủ, bắt gặp thật gần ngay trước mắt một biển ngân hà rực rỡ. Cô đứng đó như ngây như ngốc cho đến khi Tranh nghe tiếng động ở phòng bên thức giấc, mở cửa sổ ra rồi nhìn thấy cô. Thâm tâm anh tưởng ai đó đột nhập vào phòng nữ. Quỷ tha ma bắt tinh thần cảnh giác cao độ của anh ta! Phút giây đẹp tuyệt vời bị phá bĩnh làm Dung bực tức. Thu Sang không phải là người dễ tính, phóng khoáng. Chỉ có Trang hay thắc mắc. Tuy nhiên bề ngoài Sang hay che chở cho người khác, có vẻ bao dung nghía hiệp nữa khác với tánh kiêu hãnh của Trang (cô nàng là con một nhà giàu.)

– Nếu vậy thì ta phải làm một bản cáo trạng như sau:

Thu Sang: Nằm nệm mút trải drap trắng, sở trường hát nhạc dân ca và nhạc cách mạng.

Mỹ Trang: Uống hai li sữa Trung quốc một ngày.

Hồ Lụa: Đắp một lần ba cái mền, sọan giáo án đến 1 giờ sáng, nhiệt tình cách mạng nóng hổi. Sở trường đàn tranh và ca Huế.

Chinh: Nằm nệm rơm, tánh tình hiền hòa.

Doctor K. Người duy nhất ít nói ít cười.

Kiều Mi: Bữa nào cũng có một món không thay đổi là đậu phụng rang sả.

Mộng Thường: Ca sĩ không chuyên của những bán nhạc úy mị mệnh danh là nhạc vàng làm giám ý chí chiến đấu của người khác trong hoán cảnh hiện tại.

Thùy Dung, tự là Trung. ..

– Thôi thôi, Trang gần muốn sặc lên vì cười. Ai bảo chị làm bảng kiểm điểm đó?

– Ai bảo mi tâm hồn ta giản đơn?

– Chị không biết thật à? Cậu ruột chị Mộng Thường là bộ trưởng, năm tới chị ấy được lên Huế. Chỉ có chị ấy dám hát nhạc vàng thôi mà con Thu Sang có nói chi mô.

Dung kéo lại chéo khăn quàng.

– Cũng vậy thôi, ai sợ Thu Sang chứ ta thì không.

Cô thầm nghĩ, cái địa ngục lớn nhất của mỗi người không phải là sống chung với kẻ hắn không thích – mà chính là sự ủy mị yếu đuổi của tâm hồn. Cái bờ bãi hoang vắng lau lách đìu hiu ấy từ ngày Y Nhu chết và Tà Lơi bước hẳn vào một khung trời khác. Bỗng nhiên tan tành mọi thứ. Địa ngục của lòng ta ở chỗ. Khi ta muốn tìm về chính mình để nương tựa thì chính mình cũng bệ rạc hư hao. Nỗi đau đớn do mất mát này quá lớn không chi bù đắp nổi.

Họ bước vào quán cà phê ông Thụ. Dưới cầu, con nước ròng chảy xiết, trong veo. Bấc giác Dung ngâm hai câu thơ của Huy Cận.

“ Sáng hôm nay hồn em như tủ áo
“ Ý trong veo là lượt xếp từng đôi.”

Trang vui lây cơn hứng của bạn.

– Tại sao Huy Cận lại phủ nhận tập Lửa Thiêng?

Dung thở dài ngó Trang.



2.



– Quyên ơi,

Dung đưa tay đẩy nhẹ cánh cửa chỉ khép hờ. Ngõ hẹp này bao giờ cũng có nhiều âm thanh. Tre trúc lào xào, hai hàng mù u đánh vào nhau lanh canh. Tưởng chừng có hàng trăm trái mù u rơi vãi đâu đó. Mình tìm kiếm gì ở đây, nơi ngõ hẹp hoang vắng này? Hai cây bông gòn đong đưa những cành khẳng khiu lên nền trời xanh. Cái sân rộng vắng. Căn nhà dường như ngủ say giữa bốn bức rào tre bao bọc lao xao. Lao xao trong hồn ta hiện giờ.

– Ủa, chào cô!

– Quyên có nhà không chị?

– Nguyện và Quyên đi rồi. – Người đàn bà đáp – mời cô vô nhà chơi.

Không giống như những phụ nữ nông thôn chân lấm tay bùn khác, người đàn bà trông sạch sẽ mặc dù ăn mặc nâu sồng. Mái tóc đen mượt mà được búi gọn ra sau để lộ cần cổ cao. Khuôn mặt đầy đặn với những đường nét mặn mà. Chiếc miệng rộng, đôi môi dày màu đỏ quết trầu. Đôi mắt thật đen dưới hai hàng mi rủ thấp. Người đàn bà chắc chưa quá bốn mươi, một vẻ đẹp ở tuổi hồi xuân thật trọn vẹn.

– Bữa ni cô rảnh đến chơi, thật quý hoá.

Người đàn bà ngả mê nón lên bức ngựa, bước tới bàn rót một ly nước chè thơm mùi gừng.

– Mời cô dùng dối miếng nước.

– Cám ơn chị.

Nước chè nóng hổi thật ngon. Dung nâng ly nhấp một ngụm. Mùi gừng cay dễ chịu. Người đàn bà ngó Dung cười thân thiện.

– Dạ cô có nhắn chi các cháu không, để tui về nói lại?

– Không có chi mô, chị...

Nàng mở cặp lấy ra tờ giấy. Đây là hai hàng cây mù u. Các con chim sẻ, chim cu gáy, từ trong bụi tre chấp chới bay lên. Hai cây bông gòn, ngoài kia cánh đồng lúa chín rì rào gợn sóng. Trời xanh. Dung vẽ, quên hẳn sự hiện diện của người đàn bà. Người đàn bà tới đứng sau lưng:

– Cô vẽ nhà tôi đó à?

Vài nét chấm phá cuối cùng, hai hàng rào tre lao xao trong gió.

– Cô vẽ hay quá !

Dung đưa tay che miệng dấu cái ngáp. Buổi sáng dậy khi trời còn tờ mờ, ra giếng lấy nước, làm vệ sinh cá nhân. Ăn sáng rồi lên lớp. Ngày nào cũng thế. Hỡi ngọn lửa vẫn cháy từ niên thiếu đến thanh xuân đừng bao giờ tắt.

– Hôm nay cô không có giờ dạy à?

– Em có hai giờ sau. – Dung gấp bản vẽ lại – chào chị.

"Ta vẽ nỗi xôn xao của ta". Dung vừa đi vừa nghĩ. "Nỗi khốn cùng của ta. Buổi sáng đẹp tuyệt vời trong cái trầm lắng nơi đây. Ngọn lửa lòng đã tắt. May thay dưới đống tro vùi vẫn còn một đốm lửa nhỏ nhoi..".

Nàng suýt vấp phải hòn đá dưói chân. "Ôi chỉ cần một phần mười ngọn lửa cháy từ bao năm, hi vọng và khát vọng thì con ngưòi còn có khả năng tồn tại". Đang cắm cúi đi Dung suýt đâm đầu vào một người từ ngõ hẻm đi ra. Anh ta suýt đụng vào người cô. Hai vai của họ đụng nhẹ vào nhau. Dung lùi lại. Cô bực tức trước nụ cười của người đàn ông.

– Ông...anh không có mắt à?

– Cô đụng vào tui thì có.

Anh ta đáp. Đôi mắt dẻ nâu thật sáng nhìn cô. Không muốn đôi co thêm với người đàn ông lạ, cô quay lưng bước đi.

– Cô này, cô gì đó ơi!

Người đàn ông vội vã chạy theo.

– Cái chi vậy? Dung gắt, cô vẫn không quay lại.

– Cái này... cái này có phải của cô không?

Giật mình, Dung giật phắt tờ giấy trên tay anh ta. Đó là bản sơ thảo cô vẽ nhà Nguyên, đã cuốn tròn nhét vào cặp có lẽ rơi ra khi hai người đụng nhau. Chẳng ngờ người đàn ông cầm chặt khiến tờ giấy bị giật mạnh rách thành hai.

– Trời ơi.

Người đàn ông hơi bất ngờ trước sự cố. Anh ta lúng túng.

– Tôi...

Thế là mất toi buổi sáng đẹp trời. Cả bức phác thảo, nàng đã vẽ bức thứ mười rồi – Dung không buồn nhặt lên nữa.

Người thanh niên tần ngần nhặt bức vẽ lên, nhìn chăm chú một lúc, đoạn anh ta xếp cả hai mảnh cuốn tròn lại.



3.



– Nguyên à, chiều thứ bảy mình lên thăm các tổ trên Nong đi.

– Cô đi giữa lúc trời lạnh ri à ?

– Phải.

– Nhưng.. chủ nhật mình còn lao động trồng sắn.

– Thảo nghỉ học một tuần rồi, tôi không yên tâm.

– Thưa cô đường xa, em sợ cô mệt.

– Em im đi! Tại sao hôm qua tôi tới em không có nhà ?

– Buổi sáng em mắc ra ruộng.

Nàng chợt nhớ lại cuộc đụng độ với người đàn ông hôm qua.

– Chị Quyên cũng không có nhà hả cô ? – Nguyên xoa dịu.

Nãy giờ ngồi im, Lê chợt lên tiếng :

– Tuần sau rồi đi cũng được cô ạ. Trò Thảo chỉ bị cúm thôi.

– Tôi biết vì sao trò không đi rồi. Trò muốn ở lại để đi chơi với bạn gái chứ gì ?

Hai vành tai Lê ửng lên. Mặt nó xịu xuống.

– Ai nói với cô em có bồ ?

– Nguyên chứ còn ai?

Dung mở quyển nhật kí lớp mà Nguyên đã giao hẳn cho lớp phó Lê. Hắn viết chữ đẹp nhất lớp. Có thể nói chữ Lê đẹp nhất khối lớp mười.

– Công tử Lê! sao mấy tuần ni để trắng ? – Dung bực tức hỏi.

– Cả tuần ni không ghi chi cả sao Nguyên ?

Lê trừng mắt ngó Nguyên. Nó chỉ muốn cho thằng bạn phản phé một bợp tai.

– Thưa cô, em đã giao cho trò Lê rồi mà. Nguyên chống đỡ.

– Nhưng trò là lớp trưởng, trò phải kiểm tra cho tôi. Làm ăn kiểu này thật vô trách nhiệm. Còn Lê, trò phải nhận phê bình trước lớp.

Thằng quỷ sứ Nguyên đã mách cô chuyện nó và Bích Liễu. Ờ thì nó viết thư cho bạn gái, có gì xấu? Mấy thằng lớp 10 D chẳng hút thuốc đó ư? Vì giận Nguyên nó giam cuốn nhật kí một tuần. Nguyên đang suy nghĩ tìm cách cứu công tử Lê thì cô giáo chợt la lên:

– Trời ơi, ba ngày không viết, tại sao hả? 

Nguyên cáu tiết :

– Thưa cô, em giao cho trò ấy rồi.

– À em ăn nói với tôi thế đấy hả?

Dung hét, cô chán nản liệng cuốn nhật kí ra bàn.

– Tôi giao cho mấy trò, muốn làm chi thì thì làm.

Dung nói rồi xách cặp đi ra.

– Thưa cô, – Nguyện lên tiếng.

Thấy cô vẫn tiếp tục đi, Nguyên chạy theo:

– Cô, cô, em có cái này gởi cho cô.

Nó mở cặp từ từ lôi ra một tờ giấy, ngắm nhìn và đưa cho cô giáo.

Đang sốt ruột định la nó, Dung sửng sốt: đó là bản vẽ nhà Nguyên, được dán lại cẩn thận trên tờ giấy cứng. Không những thế nó còn được tô màu. Vài chỗ được điểm xuyết thêm. Nguyên rụt rè nhắc lại:

– Thưa cô, cậu em gửi cho cô.

– Hả?

Dung bần thần cầm tờ giấy. Hình như nó được sửa chữa ở chỗ rách rất khéo mà không làm mất đi nguyên bản. Trước cái nhìn của học trò, Dung bước đi... Nàng gác tất cả mọi việc phải làm lại để lên Nong. Lúc đó là 4 giờ chiều. Sau buổi họp tổ, không có thì giờ trở về nhà nữa, Dung chỉ kịp hái vội hai trái cam trong vườn nhà bác trước khi đi. Nàng sợ nấn ná mình sẽ lười nhác thêm. Cả đi lẫn về mất chừng hai tiếng. Dung vừa đi vừa nghĩ. Các tổ ở Nam Phổ đều đi thăm hết rồi, trừ tổ trên Nong, xa nhất vì đi từ 5 - 7km. Có lẽ chỉ mình mới làm việc này thôi. Nhà trò Thảo ở gần cuối làng, hai chân Dung muốn mỏi nhừ khi tới nhà Thảo. Căn nhà quay lưng ra cánh đồng. Rét tháng ba làm hai tay Dung tê cóng. Trong lúc lật đật nàng quên đeo găng tay.

– Thưa cô! – Nguyên chạy ra, tiếp đó là công tử Lê. Dung làm mặt giận.

– Tui tưởng mấy trò sợ rét chớ.

Mẹ trò Thảo đón tiếp Dung thật ân cần. Bà mang nước chè nóng mời cô giáo, sai con gái nấu khoai ăn với đường đen. Dung nhớ ra Thảo từng nói với nàng làng của nó chuyên làm đường bánh và món thổ sản là bánh ướt. Nhưng nàng từ chối món bánh ướt khi mẹ trò Thảo gợi ý. Nhìn Thảo nằm trùm mền trên giường Dung đâm no ngang, chẳng muốn ăn bất cứ thứ gì. Thảo là đứa học trò rất ít nói. Trái với cái tật hay cười của thằng Hậu, nụ cười cũng ít nở trên môi nó. Đi học với cái áo len cũ sờn khuỷu, có hôm nó không mặc. Dung phải bảo Hậu nhường bớt một cái treilli cho nó. Tuy vậy, trò Thảo học rất chăm.

– Cô, cô đến thăm em hả cô?

Giọng nó yếu ớt. Nó bị cúm, tay chân sốt hâm hấp. Dung hối tiếc việc mình chỉ hái hai trái cam to nhất vườn mà lẽ ra nên hái luôn một chục bất kể to hay nhỏ.

– Chị đưa em đi khám rồi chứ?

– Dạ tui đưa đi trạm xá rồi cô ạ.

Nàng nhẹ nhõm khi nghe mẹ Thảo nói đã nấu nước xông và cho Thảo ăn khoai lang nóng cùng uống thuốc. Nhiều bậc phụ huynh thường cúng vái, tin vào ma quỷ quấy phá mặc người bệnh ngày càng khô héo dần. Một lát, Lê ló đầu vào:

– Cô ra ăn khoai nóng cô.

Dung cầm tay Thảo, kéo mền đắp ngang ngực nó

– Nằm nghỉ nghe em. – Rồi nàng đi ra. Khung cảnh nhà Thảo cũng trống trải và gió từ sau cánh đồng thổi lên lạnh buốt. Ngồi chơi chừng một tiếng, Dung và hai đứa học trò kiếu từ.

Tuần tiếp đó nàng cùng Nguyên đi thăm vài đứa ở tổ trên Nong. Chỉ có nhà trò La xa nhất, phải vào làng gần tám cây mới tới nhà. Nhà La đang tất bật với vụ mùa, rét nàng Bân qua rồi. Ông nội La khoẻ mạnh so với tuổi tám mươi. Gia đình Lê nấu xôi đậu đỏ, nấu chè mời Dung nhưng nàng chả ăn được nhiều. Chuyến đi này dài nhất. Dung không ở lại và ba cô trò về tới làng thì trăng đã lên.Nàng cần phải soạn mấy giáo án văn nữa. Mắt chỉ chực díp lại. Khi về làng nàng đã kịp soạn xong phần trọng tâm trong trí. Thật ra Dung thích dạy thơ hơn. Thơ có hư cấu và chút lãng mạn. Chiều mai còn hai giờ sử lớp bảy a và bảy b. Dở lịch làm việc ra, chiều thứ tư lao động, thứ năm họp hội đồng, thứ sáu họp thanh niên, thứ bảy họp tổ chuyên môn.

Đầu nàng gục xuống đánh vào bộ ngựa đang ngồi làm chỗ soạn bài khiến nàng đau điếng. Dung ngồi dậy, thôi phải ra sông tắm vậy. Mình sẽ viết một mạch là xong mấy giáo án.

Bà bác nằm giường bên hỏi:

– Đi mô đó?

– Con đi tắm đây.

– Chiều ni con bé chưa gánh nước, mai hãy tắm.

– Con chỉ rửa mặt thôi.

Dung mở cửa bước xuống thềm. Nàng đã bị té xuống những bậc thềm cao này một lần khi đưa xe đạp xuống. Nhưng lúc nàng nhớ ra điều đó thì đã tới bến sông. Người đàn ông ngồi lù lù một đống, điếu thuốc trên môi thơm gắt mùi thuốc lá Tam đảo khiến Dung giật mình lùi lại, suýt nữa hét lên.

– Tôi đây. – Thiên quay nửa người lại, trăng trên sông sáng vằng vặc và Dung chợt hiểu mình không thể tắm được.

– Cậu thật đúng là...

Định nói anh ta "dai như giẻ " nhưng nàng ngậm miệng. Làm thế nào bây giờ? Không lẽ rửa mặt trước mặt anh ta? Không lẽ vô nhà lấy thùng gánh nước? Mà nàng thì ngán việc gánh nước sông lắm.

– Cô chưa nghỉ à?

Thầm mong anh ta biến đi đâu cho rảnh, nàng đứng yên.

– Tôi ngồi chơi chớ có làm gì đâu?

Anh ta ném điếu thuốc xuống sông rồi đứng dậy. Đôi mắt sói nâu rực sáng trong bóng đêm.

– Sau một ngày làm việc hẳn cô giáo mệt lắm?

Thiên mỉm cười làm hoà. Anh cũng vừa ở Khe dài về. Một ngày quần thảo với những mảnh đá, đất, phân chất, rút cục chỉ có vàng. Đám người đi đãi cát tìm vàng như cơn sốt. Anh không nói cho nàng hay anh đã ngồi đây từ chập tối khi ở rừng về. Chiếc xuồng còn neo ở bên sông. Anh chưa ăn gì ngoài miếng lương khô ban chiều. Anh đợi cô. Biết rằng tối trăng thế nào cô cũng ra. Hôm nay là ngày cuối lẽ ra đoàn đã lên đường từ tuần trước. Dung làm anh mất ngủ và anh cần gặp cô. Ngày mai cả đoàn đi tàu vô Đà nẵng. Chặng đường dài từ Bắc vào Nam và còn lâu anh mới gặp được cô. Đó không phải là điều anh muốn nói với cô, anh muốn nói điều khác. Nhất thời cả hai đứng im, và họ nghe rõ tiếng con nước vỗ bập bềnh.

– Đây là chiếc vòng hộ mệnh của dân bản. Tôi tặng cô. Nó làm bằng đồng, đơn giản thôi.

Dưới ánh trăng khuôn mặt anh thật thành khẩn, Dung thầm giận mình. Khó tha thứ được điều mà nàng vẫn sợ, anh ta đeo đuổi nàng. Hiệu trưởng có thể biết vì anh ta là một người nổi tiếng. Từ hôm đoàn địa chất về làng con nít và cả người lớn nữa chạy theo họ.

– Cô nhận đi. – Anh ta đặt vào tay Dung. Nàng lùi lại. Chiếc vòng rơi xuống đất đánh kẻng! Thiên cúi xuống nhặt lên.

– Cô có nhận không thì bảo? Đây có phải vàng bạc mô mà sợ, chiếc vòng của dân bản tặng và tôi cho cô. Nếu sợ, cô trao tôi bức tranh cô vẽ cảnh nhà Nguyên. Cô sợ tôi à?

Anh ta chạm tự ái của nàng và đã thành công trong việc nhét chiếc vòng vào tay Dung.

– Chào Dung. Một giờ tôi lên tàu.

Thiên nói xong quày quả xuống thuyền. Dung đeo nó vào tay, có lẽ do phản xạ hơn chủ ý. Không nghĩ đến việc tắm rửa nửa, nàng quay vào. Đêm hôm đó nàng viết giáo án và chấm bài đến một giờ sáng mới ngủ.

Cho đến khi tới trường, Dung cũng không để ý đến chiếc vòng ở cổ tay. Lụa là người đầu tiên khám phá khi Dung rửa tay ngoài giếng trường trước khi về nhà:

– Ê, định khi mô lấy chồng mà đeo vòng đấy?

Nàng cúi nhìn cổ tay, nụ cười trên môi chợt tắt. Đó là chiếc lắc 18 K có khắc tên "Đồng Ngọc Lệ Dung".



4.



– Nguyên à, cậu em đã đi chưa?

Nguyên nhìn cô giáo, lần đầu tiên ông cậu đáng ghét được đề cập đến.

– Dạ trưa ni, khi tàu tới.

– Mình ra ga một chút, tôi có vật này cho cậu.

– Dạ cô đưa cho em.

Nói xong mới biết mình ngốc. Nó nhìn trộm cô mấy lần đều không thấy rõ mặt vì cô nghiêng nón. Bây giờ 12 giờ, nàng có mười phút ăn trưa. Và nằm nghỉ nửa giờ.

– Mélanine, – nàng gọi con bé khi bước vào nhà ngang. – Tôi cần hai nẹp tre để kẹp bức tranh.

Không hiểu bức tranh gì phải nẹp nhưng Mélanine cũng đã quen với tánh nết cô giáo, nó không hỏi câu nào.

– Làm đi, 1 giờ tôi phải ra ga.

Nàng ăn qua quýt bữa trưa, không hiểu mình ăn món gì mặc dù con Méla và bà bác luôn miệng khen ông ở nhà trước mặt cho nàng con cá hanh mới câu ngon tuyệt vời. Cái đáng giận là mình đã nhận chiếc vòng đó, mình tin lời anh ta. Vì sao chứ? Người đàn ông ở ngoài bến sông hình như đêm qua chưa ngủ lúc nàng và Thiên đứng với nhau.

– Ăn đi chớ răng ngồi tĩnh tại? Đi mô mà một giờ ra ga? Bà bác hỏi.

– Dạ con ăn đây. – Nhưng nàng vẫn không đụng đũa đến con cá.

Con Méla hối hả trèo lên mấy bậc thềm nhà:

– Cô Dung, còi hụ rồi đó.

Dung ngồi bật dậy. Nàng ngủ quên trên bộ ngựa gõ với bộ áo quần chưa thay. Còi hụ nghĩa là tàu đang vô ga. Nàng còn năm đến mười phút nữa.

– Bức tranh, bức tranh đâu rồi ?

– Dạ con cột lạt rồi.

– Gói lại, trời ơi. Dung rên rỉ, ném cho nó tờ giấy kẻ ngang. Nàng chải đầu gọi là có chải, chạy băng xuống mấy bậc thềm cao. Bao giờ xuống khỏi những bậc thềm này Dung mới nhớ lại tai nạn đã xảy đến với mình năm ngoái. Nhưng không còn thì giờ để nhớ tới bất cứ điều gì. Không khi nào có dư thì giờ để phối trí lại bộ óc và đôi chân.

– Cô ơi, để em chở xe đạp cho mau.

Con Méla thấy cô không khác người mộng du, cứ đầu trần mà đi giữa nắng. Nó đạp xe chạy ào ào, băng qua ổ gà, leo dốc, lỗ trâu đi, khiến Dung ngồi sau cứ muốn văng ra khỏi chỗ.

Tàu chuyển bánh, con Méla hét lên, nó ném chiếc xe vào một anh công nhân đường sắt đứng bên đường rồi hai cô trò chạy. Nguyên đang nóng ruột đợi cô ở sân ga, nó lên xuống bậc thang của toa tàu hàng chục lần. Nó biết cái tàu chợ đáng ghét này, không đợi ai quá mười phút có khi lại còn chuyển bánh sớm hai phút là thường. Hôm nay ít khách và thế là nó chạy sớm ba phút. Đứng dưới đường ray Nguyên vừa chỉ cô giáo vừa la to. Thiên đâm bổ đến ông trưởng toa.

– Dừng lại, dừng lại, có người mang tiền đến cho tôi.

Trưởng toa sau cùng cũng hiểu được. Không có cái cần để mà lắc như các tàu ở nước Nga. Dung đưa cho Thiên cuộn giấy, ông trưởng toa và cả toa tàu nhớn nhác hẳn nhìn hai người.

– Ê, đó là tiền người ta trả anh đó à?

Dung vội vã cùng con Méla quay bước.



5.



Cuộc tình của Lụa đối với Huy là một cuộc tình mới chớm nhưng đã hứa hẹn nhiều say đắm cuồng si. Do hoàn cảnh cuộc sống, những cuộc tình duyên nảy nở đậm đà thêm lên. Những cô giáo sợ mình sẽ già đi với những bữa ăn kham khổ kéo dài, đa số phải mang thêm thức ăn dặm trên nhà về, mới tạm đủ độ đạm với canh rau muống, cá nục kho “trường kì kháng chiến”. Phải kiếm một người chồng bởi biết ngày nào được đổi lên thành phố khi tất cả hộ khẩu của họ bị cắt về trường. Nỗi lo chết già ở miền quê thúc đẩy những cuộc tình đi đến kết thúc tốt đẹp. Đó là Thu Sang với Nguyễn Minh. Mỹ Trang và Văn Ban, Kiều Mỵ với Lê Tranh. Một ngày chủ nhật, Trang đi bộ qua thăm Dung.

– Chị ở đây một mình khoẻ quá. Ban được kết nạp vào Hội nhà giáo yêu nước rồi, chị Dung. Minh thì chưa. Thu Sang không hợp lắm mà Trang vẫn đang ở chung với hắn.

– Có chi đâu. Ra khỏi trường mình mới ngủ được.

– Chị có khi mô nghĩ đến B không?

– Mình có nghĩ đến, không hợp.

B. là giáo viên hướng dẫn lớp 12A trước giải phóng, Dung có dạy lớp anh ta. Anh ta là người đàng hoàng, ở một mình nơi căn nhà phía tây của trường, là người duy nhất không ở chung. Đột nhiên cô nhớ đến đôi mắt nâu xám, nụ cười đáng ghét của người cậu của Nguyên. Thật tình cờ là Anh Vũ và Duy Phác. Những mối tình thoáng qua, những tư duy chưa thành tựu, những giấc mộng chưa thành. Ta đang nghĩ gì? Mơ gì? Mộng về đâu? Hay đang còn chơi vơi giữa những giấc mộng ngắn, mộng dài tuổi thanh xuân? Ta tìm kiếm gì đây? Ta muốn gì đây?

Không không không. Trong ta là một hoang mạc. Là niềm khát khao được yên thân một mình, với công việc lút đầu đang tròng vào chiếc cổ mỏng manh. Một tuần được nghỉ trọn vẹn một đêm với nửa ngày chúa nhật. Nửa ngày chúa nhật đã tranh thủ lên tàu và xuống tàu, cho kịp sáng thứ hai chào cờ! Trước mắt vẫn chỉ là công việc, một công việc khô khan và chỉ có chừng nấy thôi.

Đôi mắt cô bỗng nhiên xa vắng, mênh mông giống như cái mênh mông của ngày cuối đông.

– Chị Dung à, nói chơi thế thôi, nếu chị không thích…

– Ta không có quyền, thích hay không thích. Ngay cả nhạc tình ca, dù nó là Vàng hay Đỏ cùng là nhạc tình ca. Mà đó là cái chất người, cái duy nhất khiến cho mỗi cá nhân có thể tồn tại, vượt qua bao nhiêu phi lí nghiệt ngã của cuộc đời cũng bị kẻ khác dòm ngó phê phán. Dọn ra ngoài thì bị bác Quá cho là tách rời tập thể. Vậy ta còn lại cái quyền chi đây? Quyền được dạy văn sao?

Cái mà các người cần phải biết thì không ai làm cả. Đó là sống và phải giữ lấy cái chất người trong ta. Đó là làm việc nhưng không về hùa và đồng hoá với ai cả. Ta không có tham vọng, không quá ngây thơ, không đóng kịch. Ta mệt mỏi với những trò hề ấy rồi. Ta là ta. Không đóng hộp, không dán nhãn hiệu. Mi đã có Ban, hãy cố mà giữ lấy. Ít nữa hắn cúng chưa đạp lên đầu người khác để tiến thân. Còn ta, mi khỏi phải lo.

Trang đứng dậy từ giã ra về. Căn nhà của bác ngó ra sông. Ngày nào Dung cũng nhìn nước chảy qua trước nhà. Cuộc đời vẫn đẹp, đối với ai kia. Còn đối với cô bây giờ, không phải nước trôi hay cầu trôi, bởi bèo và nước vẫn chia lìa hai ngả.

Hội đưa mắt nhìn toàn thể hội đồng rồi hắng giọng:

– Về việc thay đổi chủ nhiệm lớp 10 B, chúng ta đã không làm khi học kỳ I chấm dứt. Nay học kỳ II tới, không nên thay nữa. Ảnh hưởng tâm lý học sinh. Một vài hoạt động xã hội của cô Dung mang tính giáo dục cao.

Nói rõ và cụ thể. Hiệu trưởng dằn giọng.

– Việc thăm viếng học sinh bị ốm, giúp đỡ các học sinh nghèo lớp chủ nhiệm...

Đó là những việc làm tốt mà trong học kỳ I chúng ta đã không kể đến. Đã thế lại từ chốí kết nạp cô ấy vào hội thanh niên cũng như vào công đoàn.

– Chừng nào cô ấy bỏ thái độ tách rời tập thể đi, công đoàn sẽ xét kết nạp.

Hội nghe những tiếng xì xào phản đối, anh đưa tay nói lời cuối cùng:

– Một vài giáo viên mới chỉ tỏ thái độ thích đi sinh hoạt đoàn thôi cũng được kết nạp, còn giáo viên Dung đã làm tốt công tác chủ nhiệm cũng như giảng dạy. Chúng ta không nên bất công với cô ấy.

Hội rời phòng họp đi tìm Dung, cô đã về nhà rồi.

– Cô ơi cô, con Mélanine lách qua cánh cửa nhà thờ ọp ẹp sắp gãy bản lề đến nơi với cái đẩy mạnh của nó.

– Con heo mẹ em đẻ rồi.

– Ừ.

– Cô chấm văn lớp chủ nhiệm hả, sang năm cô còn làm chủ nhiệm 10 B không cô? Tối ni cô đi họp hội thanh niên em chở cô đi.

Nàng chỉ muốn ném hết tất cả. Tất cả giáo án, những buổi họp đêm, họp ngày, cái phản nàng vẫn làm chỗ chấm bài hằng đêm dưới ngọn đèn dầu sau đó lăn ra ngủ. Đêm qua nàng mơ thấy khuôn mặt đáng ghét của Hiệu trưởng, ông ta cười nhạo nàng. Nàng và Nguyên hì hục đẩy một xe rơm lên dốc. Nàng chạy theo toa tàu và nhảy lên đúng toa người ta buôn súc vật, thôi thì đủ mùi hôi thối. Nàng vẫy tay chào Bích Huệ, Hồng Hạnh, Thuý Liễu... công tử Lê vừa đạp xe chạy theo cô giáo vừa kêu tên cô. Tiếng còi tàu làm nàng tỉnh giấc.

Tàu trên Huế về. Thế là đến giờ đi dạy. Dung chấm hai bài cuối cùng trước khi cho giáo án vào cặp. Nàng uể oải lấy ly nước uống một ngụm. Tuy giữa Thiên với nàng chưa có gì cả, đồng nghiệp trong trường bắt đầu bàn tán. Tại sao lắm thứ rắc rối trên đời này như thế nhỉ. Dung đưa mắt nhìn chiếc vòng đeo tay. Nợ. Ta nợ Thiên món nợ này, gã quỷ ám, không biết đời nào trả dứt. Đây là vàng do anh tìm ra và đem đi phân chất. Là công lao động của anh ta...

– Cô à, năm tới cô còn dạy ở trường ni chứ?

– Chứ còn đi trường mô nữa.

Dung đẩy xe đạp xuống những bậc thềm cao. Một lần nữa nàng lại đãng trí quên nghĩ tới những bậc cấp, những bậc cấp sứt mẻ này thật nguy hiểm nhưng khi nàng chợt nhớ, thì đã ngồi trên xe đạp rồi. Trời nắng loà mắt. Có thể chiều nay có mưa giông.

Huế, tháng 8/98

Hoa Liên

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss