Sóng bỏ đi xa
Sóng bỏ đi xa
Mai Ninh
Từ về ở nơi đây tôi thường quen mong đợi tháng mười. Tháng mười, cơn nắng trưa oi ả có thể bất ngờ hạ xuống, tan dần trong vạt gió từ khơi đưa tới. Tháng mười, những chiếc lá đã đủ vàng để rơi chạm vào vai, như một nhắc nhở tiết thu đang đến. Cuối hè năm nay tôi cứ nghĩ sang tháng mười thì tất cả những đổi thay ngổn ngang, dọn dẹp đời sống đến mệt nhoài rồi cũng qua đi. Trên vòng xe ra biển, núi tỏ nước trong, nhẹ nhàng thư thản. Tôi sẽ có thể ngồi xuống gõ mấy dòng thư báo với đôi người bạn, mình đã hoàn tất điều tự hứa : Về thu xếp lại (*).
Tháng mười giờ đã hết ngày cuối, thời gian trôi trượt, dòng nước tuôn qua kẽ tay. Tôi vẫn biết vẫn nhớ mình đã và sẽ làm gì, nhưng lắm lúc bỗng dưng quên bẵng điều trước mặt. Tôi không ở đây mà nơi khác. Bên kia khung cửa sổ bàn làm việc, chẳng phải là mặt biển lung linh thủy mạc đã bắt đầu quen mắt, mà một sân vườn xanh nắng. Chị cười vui chỉ bụi hồng đang xôn xao nở, khoe hôm qua vừa tỉa cây cắt lá. Anh đưa ly rượu đầu tiên bảo mừng ta lại gặp nhau. Tôi đáp lời anh, thêm một mùa hè cái bang hội ngộ. Những bữa ăn đón bạn xa về như thế kéo từ trưa tới sẫm tối, cũng có lần lấn cả sang ngày mới. Chúng tôi vài người chẳng đếm đủ trên tay đã nói gì, không nhớ hết. Ngoài một điều khi chán kể chuyện chán hỏi han người này kẻ nọ là đòi bạn hát thi ca. Lần nào cũng thế, cũng về đứng trên cầu Mirabeau nghe những lời thơ hòa với nhịp ghi-ta, cùng tiếng chim xao xác trong vòm lá xanh cao. Những lúc được vậy, sự yên ả tự nó đã mong manh. Nhưng tôi vẫn muốn tin sẽ mãi là như thế, mỗi lần từ nơi xa kia trở về xứ sở này mình sẽ đến ngồi đây, trong mảnh sân quen thuộc, với chị với anh với bạn bè. Một điều không muốn thiếu.
Tin khí tượng vừa báo bão sẽ ập vào duyên hải miền trung, những gió lộng mưa to rồi sẽ ào xuống nơi đây dù cách xa ngàn cây số. Tuy không phải ngày nào cũng cần thấy nước thấy sóng hay luồn chân vào cát ướt, nhưng kể từ hôm nghe tin anh, có những lúc đang giữa mớ bòng bong chưa xếp dọn xong vội vàng bỏ đó, khoác chiếc áo lên rồi đi tìm biển. Cuối chiều, du khách và cả dân địa phương ít còn ai lang thang trên bãi. Cái buồn lúc ấy tha hồ bung ra cùng mênh mông mây trời biển sóng, chập chùng hình ảnh. Càng đầy hình ảnh gợi nhớ bao nhiêu, cô đơn thiếu bạn càng dềnh lên ngần ấy. Sao lại ở nơi đây, để chẳng có ai cùng nói về anh, về sự ra đi không thể đoán trước, quyết liệt / tới bến như bạn bè đã nhận ra đấy là cách anh đã sống. Nếu đang ở thành phố xa kia, sẽ có người thân quen để cùng nhắc nhở đôi điều, dịu bớt nhói đau. Sẽ nói với nhau về vuông vườn nhỏ và những bữa họp mặt với các xiên thịt anh nướng trên than, món khai vị chị chủ tâm làm, cùng rổ sung tím chàng thi ca hái từ cây nhà đem tới. Và còn nữa, đêm Paris nói cười đường phố. Vụt đã là xưa, là mất, những hẹn hò tụ tập hiệu ăn ngon khu này phố nọ, đến quên giờ giấc. Lúc chập choạng bước ra, ngỡ ngàng parking đêm đóng cửa hay rượu nồng không cho phép lái xe. Đành kéo nhau đi, vỉa hè nghiêng xiêu dưới đèn Paris vàng phố cũ, những bước chân chẳng màng đường tàu điện về nhà bao xa. Trên con dốc xuống hầm métro lại tiếp tục phân tích tiếp tục luận bàn, tiếp tục cà khịa. Logic này, triết lý kia, hình thức nọ. Hay chỉ về một từ ngữ trong câu văn nào đó. Để cuối cùng thường là, anh nói – chúng tôi nghe. Chỉ nghe do mi mắt bắt đầu nặng chĩu hay đã là đà men rượu. Nhưng anh, tôi nghĩ, dù tỉnh hay không anh vẫn nói cho đến hết ý mình. Đấy là anh. Tuy nhiên cũng dễ bắt gặp anh ngồi đó lặng im nghe người khác nói, dù trước dăm bằng hữu hay giữa đám đông. Vài lần trao đổi với nhau về ngữ nghĩa văn phong tôi mới hiểu vì sao, qua anh, đôi tác phẩm chuyển sang Pháp ngữ đã thăng hoa. Sự thành công trong dịch thuật ấy không những từ năng khiếu về ngôn ngữ, văn chương. Còn từ cái ý cái tâm. Trước khi dịch một tác phẩm, tôi tin anh đọc rất kỹ, lắng nghe từng nhân vật, để hiểu tường tận con người cùng tất cả những gì bao quanh và làm nên họ.
Nhiều năm nay, cũng vì cái tình với chữ nghĩa và lòng mến bạn, anh đã bỏ thời gian tạo một sân chơi tự do và độc lập. Người tham gia chúng tôi chẳng phải làm gì ngoài viết, đọc và giới thiệu các sáng tác mình muốn. Dễ thế thôi, vậy mà vẫn có lúc anh phải gửi mấy dòng nhắc nhở sắp hết thời hạn lên trang, cần update kịp ngày. Lần hồi biết tính nhau anh không hỏi, không thèm giục nữa. Sự im lặng đôi khi là một cảm thông hòa ái. Cũng từ cái chân tình với năm cái bang, với những thân hữu đã chịu khó đọc chúng tôi từ ngày sân mở mà – không biết tự bao giờ – anh đã cẩn thận chuẩn bị dặn dò chị với cháu trai, hãy giữ lại trang mạng AMVC trong mười năm nữa, sau ngày anh đi.
Một ngày tháng mười, chị đã gửi cho chúng tôi mấy dòng báo là như thế. Ở nơi đây tôi phải chạy loanh quanh mới có thể vào được sân chơi ấy. Vậy mà, mới nhìn, chưa bấm chuột mở thêm trang nào khác đành khép cổng bước ra. Hình ảnh con chữ trên màn hình, ngay cả những nốt nhạc Mozart quen thuộc đó sao bỗng nhiên dừng đứng lại. Chúng đã hóa băng ? Không đâu, chỉ trong giây phút sững sờ – không tưởng nổi đấy thôi. Tất cả rồi sẽ tiếp tục cất lên tiếng nói đầy sức sống của chúng. Và như bạn đã chuyển lời chị nhắn, muốn chúng ta vui. Mặt biển đã sẫm theo chiều và hẳn nhiên những lớp sóng vẫn liên tục cuộn tới đập vào bờ, nhưng trong mắt tôi sao chỉ là... từng đợt bỏ đi xa.
Mai Ninh
2/11/2019
(*) lời trong tác phẩm của Trịnh Công Sơn.
Các thao tác trên Tài liệu