Sóng vẫn đập vào eo biển
thanh thảo
Sóng vẫn đập vào eo biển
Nhà thơ Lê Văn Ngăn, nguyên phó chủ tịch Hội văn học nghệ thuật Bình Định, đã từ trần lúc 10g40 ngày 27-2 tại nhà riêng ở Quy Nhơn sau gần hai năm chống chọi với bệnh tật hiểm nghèo.
Ông sinh năm 1944 ở Quảng Điền, Thừa Thiên-Huế, nhưng Quy Nhơn là nơi gần một đời ông gắn bó, bắt đầu từ 1964 - 1966, khi từ Huế vào trọ học ở Quy Nhơn và viết những bài thơ đầy xúc cảm in trong tập Vào một thời im bóng (thơ, in ronéo 1974), nổi tiếng trong phong trào học sinh - sinh viên các đô thị miền Nam trước 1975.
Ông đã xuất bản tập thơ Viết dưới bóng quê nhà, nxb Hội nhà văn 2008. Tạp chí Sông Hương mới đây đã đăng một bài giới thiệu tập thơ này của Bửu Ý và nhiều bài viết khác của các bạn thơ về ông.Diễn Đàn chân thành chia buồn với gia đình nhà thơ và trân trọng đăng lại dưới đây bài thơ nổi tiếng của ông, Sóng vẫn đạp vào eo biển, với lời giới thiệu của nhà thơ Thanh Thảo.

Nhà thơ Lê Văn Ngăn (1944 -
2015).
Nguồn: báo Một Thế giới
Tôi còn nhớ, vào “Mùa hạ đỏ lửa” năm 1972, trước khi từ chiến khu đi xuống chiến trường Mỹ Tho, tôi đã được đọc bài thơ “Sóng vẫn đập vào eo biển” của Lê Văn Ngăn. Bài thơ khá dài, in trên tạp chí “Đối diện” là tờ tạp chí đối lập nổi tiếng ở Sài Gòn mà cơ quan tuyên truyền binh vận của tôi có thường xuyên, cứ tháng sau là có tờ tạp chí tháng trước. Đó là bài thơ đã gây chấn động mãnh liệt đối với tôi-một người làm thơ trẻ từ miền Bắc vào chiến trường Nam Bộ. Ngày đó, trong những bài báo của mình viết cho Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Giải phóng, tôi vẫn thường trích thơ của những nhà thơ phản kháng miền Nam như Trần Quang Long, Thái Ngọc San, Trần Phá Nhạc, Hữu Đạo, Nguyễn Công Khế…Bài thơ của Lê Văn Ngăn như khẳng định với tôi sức mạnh đầy thuyết phục của thơ ca phản kháng cũng như chất lượng ở tầm cao của thơ miền Nam thời kỳ ấy. Đó là thơ thuần Việt, mang đậm tâm hồn Việt nhưng đã “mở cửa” tiếp thu những tinh hoa của thơ hiện đại phương Tây. Sự giao hòa Đông-Tây trong bài thơ “Sóng vẫn đập vào eo biển” cho ta thấy: chúng ta chống xâm lược dù nó đến từ hướng nào, nhưng không hề chống lại sự cách tân thi ca mà phương Tây đã khởi xướng và đạt được nhiều thành tựu. Sau này, khi có thời gian sống 10 năm ở Qui Nhơn, tôi càng thấm thía với những hình ảnh vừa quen vừa lạ về Qui Nhơn mà bài thơ của Lê Văn Ngăn khơi dậy trong lòng một người mới được biết khá mơ hồ về thành phố này năm 1954, khi tôi vào Qui Nhơn chuẩn bị xuống tàu đi tập kết.
Ngay khi Sài Gòn mới hòa bình, gặp Ngô Thế Oanh ở chung cư 190 Công Lý, gần như câu đầu tiên nói về thơ là hai chúng tôi nói về thơ Lê Văn Ngăn với “Sóng vẫn đập vào eo biển” và “Đất của những người bất phục”. Tháng 6/1975 tôi và Oanh ra Huế, và lần đầu gặp Lê Văn Ngăn ở nhà bạn tôi-nhà văn Nguyễn Văn Đồng. Đêm hội ngộ ấy ngoài Lê Văn Ngăn, Trần Phá Nhạc còn có Trịnh Công Sơn, Bửu Ý…là một đêm thật vui, thật đầm ấm. Chúng tôi đã nói với nhau bao nhiêu là chuyện, và trong những câu chuyện ấy, bao giờ thi ca, âm nhạc, nghệ thuật cũng được đặt lên hàng đầu. Những “Việt cộng” như tôi và Ngô Thế Oanh có thân ái hơn với Lê Văn Ngăn cũng chính vì bài thơ của anh đã sống trong lòng chúng tôi qua nhiều năm chiến tranh. Với nhà thơ, quan trọng nhất là thơ của họ, chứ không phải chuyện họ “lớn tiếng” hay “kín tiếng”. Thực ra, với bài thơ “Sóng vẫn đập vào eo biển” Lê Văn Ngăn đã xác quyết một cách không thể mạnh mẽ hơn về lòng yêu nước của mình, dù sau này, thời thế có làm thơ anh lặng lẽ. Khi trở ra Hà Nội tháng 7/1975, trong một bài thơ viết về Hà Nội, thì hình ảnh “những chiếc áo cánh trên sợi dây phơi” đã vào thơ tôi “Nói về tình yêu nói về Thơ nói về những sợi dây phơi/Ở Qui Nhơn ở Hà Nội/Biết bao là thân thiết/”. Với người làm thơ, nhiều khi chỉ từ sợi dây phơi nghèo nàn ấy thôi, người ta có thể nhận ra bao nhiêu là chuyện.
Lê Văn Ngăn là nhà thơ đã làm thơ cho tới những ngày cuối đời, thơ đã là sinh mệnh, là định mệnh của anh. Với nhà thơ, đó là một hạnh phúc lớn:
“chết
cho tình yêu
đấy là việc của
con người”
Và:
“điều
ấy, tôi giữ trong lòng
và đi
xa em. Tiếng sóng vẫn đập vào eo
biển”
Vâng, sóng vẫn đập vào eo biển, vào eo biển Qui Nhơn, dù nhà thơ của nó đã đi xa. Xin vĩnh biệt Lê Văn Ngăn!
thanh thảo
Lê Văn NgănSÓNG VẪN ĐẬP VÀO EO BIỂN1.Tôi thầm hỏi có phải em đang gửi lòng mình qua sóng biển nhắn cho tôi biết rằng nỗi đau đớn em vẫn còn mang nặng Qui Nhơn Qui Nhơn đồng ruộng mía phía Tây phất phới vườn bông gòn những đầm nước mặn im bóng cửa nhà Qui Nhơn Qui Nhơn trên thảm nước xanh rờn của thuyền đánh cá và chim én Buổi sáng hay chiều hôm từng chuyến phi cơ tìm lòng em đáp xuống dù em chỉ hiện ra bằng một dấu hiệu, ngọn đèn xanh, cánh cờ đo chiều gió dù nắng rực rỡ trên các đỉnh đồi dù mây tháng mười, không ngừng nghỉ, bay về một nơi khác dù trên cao tôi nhìn thấy em bình lặng bày ra từng con đường, từng động mạch, những mái nhà rêu phủ, những chiếc áo cánh trên sợi dây phơi chẳng phải em thiếu kín đáo, nhưng tôi biết em muốn gửi tới một điều gì Qui Nhơn Qui Nhơn từng đêm bão cát thổi qua lòng em và tôi, lặng lẽ dưới mái nhà căng lòng mình ra như tấm áo trên tấm áo ấy, bão cát chỉ gây ra lời hy vọng che chở được em giờ đây, đoàn quân xâm chiếm, theo từng nhịp cánh quạt ngừng, đổ bộ trên quê hương tôi đã đặt trước mặt tôi những trại giam giờ đây tôi không gần được em, nhưng tôi tin nếu khi trở về thì khi nào tôi đến em sẽ mở lòng em ra Lòng em, những mái nhà tranh im lìm, nơi đó một quãng đời cũ em còn cất giữ và nếu một cuộc săn đuổi khác bắt đầu em sẽ tự xé rách lòng em, che dấu những người bất khuất, những người đã gọi em Quê hương quê hương, nơi trái tim tôi rung động dưới bầu trời sao nơi tôi muốn nhắm mắt dưới lòng đất quen thuộc lòng em, không chịu dừng chân ở ngã ba rẽ về liên tỉnh không muốn rút mình bên này các ranh giới trước tham vọng của kẻ thống trị, em còn muốn tiếng sóng nơi em bắt nhịp với còi tàu Long Biên và những vườn hoa bưởi những vại nước lấm tấm bông cau cũng có mùi hoa gạo cho nên tiếng bom nổ ở miền Bắc dù không nói, tôi cũng biết lòng em chấn động 2.Sóng vẫn đập vào eo biển, chiều nay hay ngày trước và lòng tôi, theo tiếng sóng của em, cũng chạy dài theo bãi cát lang thang quanh những vùng yên lặng dừng chân ở chiếc quán đông người sóng vẫn đập vào eo biển tiếng sóng dịu dàng và cương quyết tiếng sóng chất chứa những gì khiến tôi xác tín một điều vâng, điều ấy chẳng có sức mạnh nào lay chuyển được vâng, điều ấy giữa những khung cửa đầy bóng tối, hàng me cao giữa mùi bánh nướng báo tin một ngày quang đãng giữa tiếng xe thổ mộ lúc bình minh, vẫn còn những kẻ phản bội em vẫn còn những kẻ từng sống bên em, nay đã mặc cho những kẻ xâm chiếm dày vò vẫn còn những kẻ man trá, những kẻ thỏa hiệp, những kẻ dã tâm yêu hết mọi giống nòi vâng, điều ấy khi bạo lực còn bắt tay nhau khi bạo lực còn dẫn quân đi nhục mạ quyền làm người khi ấy, bằng chất liệu gì để rửa sạch thân em đây là điều tôi dứt khoát quê hương quê hương, nơi trái tim tôi rung động dưới bầu trời sao nơi tôi muốn nhắm mắt dưới lòng đất quen thuộc chết cho tình yêu đấy là việc của con người bao nhiêu năm ở gần em, những chiếc phi cơ đáp xuống buổi mai rời khi trời tối bao nhiêu năm, những chiếc xe lam, những thỏi đường mới lọc, những bàn tay trong những bàn tay bao nhiêu năm em chưa trả lời cho tôi biết nhưng tôi tin dù nơi nào, trong ngục tù hay giữa cánh đồng bằng tín hiệu của sóng biển em vẫn cần gọi tôi về, lấy thân làm vật cản che chở em 3.Qui Nhơn Qui Nhơn, đồng ruộng mía phía Tây phất phới vườn bông gòn những cửa hàng lấm bụi, những chiếc ga tạm hoang tàn, những người định cư, những người tứ chiếng nơi em quê hương chẳng phải điều trừu tượng điều ấy, tôi giữ trong lòng và đi xa em. Tiếng sóng vẫn đập vào eo biển. LÊ VĂN NGĂN(Báo Đối diện, số 33, tháng 3-1972) |
Các thao tác trên Tài liệu