Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Khúc Sorrento trên núi Hàm Rồng

Khúc Sorrento trên núi Hàm Rồng

- Cổ Luỹ — published 23/09/2008 14:10, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19
Từ núi Hàm Rồng trông xuống thành phố SaPa như bàn tay của thiếu nữ chìm khuất trong làn mây trắng. Ở trên cao, đời nhẹ hơn, lòng thênh thang hơn, thân thể như nhỏ hơn; tấm lòng lại muốn mở ra hoà nhịp với mây trời và gió lộng.


Khúc Sorrento
trên núi Hàm Rồng



Cổ Luỹ



Từ núi Hàm Rồng trông xuống thành phố SaPa như bàn tay của thiếu nữ chìm khuất trong làn mây trắng. Ở trên cao, đời nhẹ hơn, lòng thênh thang hơn, thân thể như nhỏ hơn; tấm lòng lại muốn mở ra hoà nhịp với mây trời và gió lộng.


Tiếng còi tàu thổi một hồi dài như muốn từ giã một đêm mịt mùng để đón chào một ngày mới. Nắng cũng bắt đầu lên, sân ga Lào Cai nhộn nhịp kẻ đón người đưa. Đoàn du khách hỗn hợp, dã chiến vừa tập hợp ở sân ga có 12 người, đủ mọi quốc tịch, chỉ hai chúng tôi là người Việt Nam.


Quanh co đường lên Sapa, núi đồi và sương khói


Chiếc xe lượn vòng từ sân ga Lào Cai ngoằn nghoèo 34 cây số qua núi đồi mây khói như đi lạc vào bức tranh thuỷ mạc. Sống vùng đồng bằng quen thấy núi đồi thoai thoải tôi cứ thả mình với khói trời mênh mông. Xe vừa đi qua sườn núi mịt mù sương giăng, trời tối sầm và thấp xuống, cơn mưa từ đâu dội đến hắt cái lạnh vào xe; vậy mà thoáng sau, xe lướt qua bên kia sườn đồi, nắng vàng tươi như đang ấp ủ trong từng cây cỏ núi rừng. Phía xa, không phải như chân trời xanh ngắt ngút ngàn quê nhà, mà là một bức tranh bốn mùa đầy màu sắc gợi cảm. Nắng vàng tô một cụm lên cánh đồng ruộng bậc thang phía xa, gần đó là mây trời mờ đục một màu xám, cao cao trên núi những ngôi nhà sàn cheo leo bên vách đá. Một anh bạn người Úc đeo chiếc kèn Saxo bên mình nhoài người ra chụp ảnh, anh lái xe lại muốn quay vòng nhanh nên ào ào lao tới, cảnh vật như một cuốn phim chiếu nhanh. Cuối cùng xe cũng dừng lại một khách sạn nhỏ, ngay đường phố chính.

Một thiếu nữ đi ra, chào mời chúng tôi vào “tham quan khách sạn”, “rồi thuê phòng hay không cũng được” ? Phòng hai người, 120 ngàn đồng/đêm, có máy nước nóng, cửa sổ trông xuống đường có thể ngắm các cô gái Hơ Mông đi chợ tình. Mặc dù có thể mặc cả xuống 100 ngàn, nhưng thôi, chúng tôi nhanh chóng nhận phòng để chuẩn bị leo núi Hàm Rồng.

Mọi người đều mang theo chai nước, một vài người mang theo sách hướng dẫn du lịch, riêng Adam mang theo chiếc kèn tòn ten. Tôi hỏi Adam, leo núi đem theo kèn làm gì? Cậu ta ngắn gọn, sẽ là một bất ngờ thú vị.

Vừa đi cô Mí hướng dẫn viên vừa rủ rỉ với vốn Tiếng Anh rõ chữ: “Vì gần phố quá nên nhiều du khách lên thăm Sapa bỏ qua thắng cảnh này, Hàm Rồng là một Sapa thu nhỏ, nhìn xa trông như con rồng đang bay giữa làn mây trắng. Có nhiều truyền thuyết về ngọn núi này nhưng câu chuyện sau đây là đặc sắc hơn cả : Thưở xa xưa khi Sa Pa còn chìm trong đại dương, có hai anh em nhà rồng trốn đến đây chơi. Vua cha cho sứ giả gọi về, rồng anh nghe thấy đã bay về trời, rồng em còn lang thang tận chốn thủy cung nên sứ giả chẳng tìm thấy đâu.Trời sập tối, rồng em mới sực tỉnh quẫy đuôi ngoi lên thì cổng trời đã đóng chặt lại. Rồng em đành phải mãi mãi ở lại hạ giới và hóa thành núi đá với tư thế đầu lúc nào cũng ngẩng lên, dõi mắt về trời. Từ đấy ngọn núi nằm trong dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ được mang tên Hàm Rồng. Núi ở độ cao 1.780m so với mặt nước biển.


Có phải đây là chốn bồng lai ?


Từng bậc đá quanh co len lỏi giữa đám cây rừng xanh mát, đâu đó tiếng róc rách những lạch nước nhỏ. Giữa lưng chừng núi là một bình nguyên nhỏ, bên phải là vườn đào, ở trung tâm là những loài hoa nhiều màu khoe sắc. Văng vẳng đâu đây tiếng nhạc núi rừng vẳng ra từ vách đá. Theo tiếng nhạc chúng tôi ghé thăm khu văn hoá, ở đó có triển lãm trang phục và kiến trúc nhà sàn của miền sơn cước. Buổi văn nghệ bỏ túi sắp bắt đầu. Đó là tiếng kèn môi, kèn lá của các chàng trai gọi mời người tình, là tiếng hát về cảnh đẹp núi rừng, là những điệu múa cách điệu từ những sinh hoạt ở thôn bản, hay giai điệu lãng đãng mời gọi của các phiên chợ tình mộng mị. Diễn viên là các em người dân tộc Hơ Mông, Tày, Mường, Thái, Xà Phó... Các cô gái miền sơn cước hồn nhiên, mộc mạc và rực rỡ như bông hoa giữa núi rừng, không phải như những cô gái thành thị mặc trang phục thổ cẩm đỏng đảnh và sành điệu mà chúng tôi từng gặp ở Sài Gòn hay Hà Nội. Tiết mục cuối cùng, khách được mời lên nhảy sạp với chủ, lại còn được các em xinh đẹp cầm tay dìu qua hàng gậy đang gõ sầm sập trên sàn. Cái ngập ngừng tan biến, mọi người gần gũi nhau hơn. Du khách có dịp hỏi han về nét văn hoá của từng sắc tộc khác nhau, về những bộ trang phục thổ cẩm đa dạng đặc sắc. Máy ảnh đưa lên, hạ xuống, đâu đó là tiếng cười rộn ràng. Anh chàng Adam thổi một điệu kèn theo yêu cầu của một vũ công người Thái, anh chàng giáo viên người Ý tặng cô em người Xà Phó cái mũ lá mua ở Ninh Bình. Buổi chia tay lưu luyến và cảm động, dùng dằng nửa ở nửa về.

Từ giã các sơn nữ, đoàn tiếp tục cuộc hành trình. Đường lên phía trước len qua các lèn đá như vảy rồng rải rác đây đó. Rừng đá như một cuộc triển lãm hòn non bộ của thiên nhiên từ triệu năm về đây dự hội. Trên đường đi chúng tôi bắt gặp đây đó tiếng cười khúc khích của các cô gái dân tộc với các bộ trang phục đa dạng, rực rỡ làm ấm cả núi rừng. Du khách lên xuống lao xao hỏi nhau đường lên cổng trời 1, cổng trời 2, tất cả hẹn gặp nhau nơi cao nhất, đó là Sân Mây. Ở đó, nhìn toàn cảnh thành phố SaPa như bàn tay của thiếu nữ chìm khuất trong làn mây trắng, ngôi nhà thờ nhỏ như một vệt chỉ tay là chứng nhân của sự giao thoa văn minh của con người và thiên nhiên, xa xa là ngọn núi Phanxipang mây khói ngút ngàn. Đời như nhẹ hơn, lòng như thênh thang hơn; từ trên cao thân thể ta như nhỏ hơn, tấm lòng lại muốn mở ra hoà nhịp với mây trời và gió lộng.


Khúc Sorrento gởi vào núi rừng cây cỏ


Đường xuống núi, chúng tôi dừng ở một bãi đất trống gần hòn con cóc. Đoàn khách vây lại thành vòng tròn, các em nhỏ người dân tộc cũng tò mò nhập cuộc. Điệu kèn saxo của Adam rền rỉ âm vang, nửa mời gọi, nửa luyến tiếc, gợi về một nỗi nhớ xa xưa.

Điệu nhạc đâu nghe quen quen. Đúng rồi! bài Trở về mái nhà xưa (Back to Sorrento) :

Về đây khi mái tóc còn xanh xanh
Về đây với màu gió ngày lang thang
Về đây với sắc hiu hắt lạnh lùng
Ôi lãng du quay về điêu tàn…

(Lời : Phạm Duy).

Tiếng nhạc vang xa xa, thấm vào cỏ cây vào lền đá. Không gian trở nên yên vắng, thời gian như muốn ngừng lại để lắng nghe món quà của người khách xa gởi tặng nhiên nhiên. Đã nghe khúc nhạc này nhiều lần, nhưng lần này tôi như tan biến vào không trung. Con sông quê xưa hiện về, khuôn mặt xinh tươi và nét dịu dàng của các cô sơn nữ mới gặp, đất trời và hoa lá nơi đây, kể cả những gì ngày mai tôi chưa từng biết đến, tất cả, tất cả hoà vào tiếng kèn để tan vào mây xanh ngút ngàn.

Đoàn người yên lặng xuống núi để ngày mai đi Thác Bạc, Cầu Mây. Xa xa trên dãy núi phía tây cao chót vót nắng bắt đầu tắt trên đỉnh Phanxipang.


Cổ Luỹ

(Bản tác giả gửi Diễn Đàn,
Đã đăng trên báo Nhịp cầu đầu tư)


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us