Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Tâm linh một cõi

Tâm linh một cõi

- Phạm Quang Đẩu — published 08/02/2010 00:05, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:20


TÂM LINH MỘT CÕI


Phạm Quang Đẩu


Quả thật, tôi viện cớ vì Tết năm nay là Canh Dần (con hổ) mà chủ ý đến gặp lại vị giáo sư khả kính đã ở tuổi ngót tám mươi: giáo sư, tiến sĩ khoa học Tô Ngọc Thanh, tại nhà riêng trên đường Trường Chinh (xưa gọi là đường Tầu Bay) Hà Nội. Tôi quen ông đã lâu và từng nghe chính ông kể câu chuyện mình suýt bị hổ vồ hồi còn công tác ở Sơn La như thế nào, chuyện thật trăm phần trăm, mà sau đó còn nhuốm thêm màu huyền thoại khi ông sang Bungari làm nghiên cứu sinh về âm nhạc truyền thống…


Một buổi chiều cuối năm 1977 ở ngoại ô thủ đô nước Bungari. Tô Ngọc Thanh tản bộ cùng vị giáo sư hướng dẫn luận án tiến sĩ cho anh tại Nhạc viện Sofia, tình cờ hai người giáp mặt một bà già Digan đang ngồi trong một căn nhà nhỏ di động có bốn bánh xe. Bà già chợt kêu lên, khi dọi ánh mắt sắc lạnh như mắt cú vọ vào vị khách trẻ đến từ châu Á: “Ôi, anh bạn. Anh suýt bị hổ vồ, chính cha anh đã cứu anh thoát chết!” Tiếp đến, bà quay sang vị giáo sư âm nhạc đã vào tuổi ngoại ngũ tuần, vẻ mặt trở nên dữ dằn như một mụ phù thuỷ: “Ta không muốn gặp ông! Ông đã giết hai người phụ nữ và còn làm tiếp chuyện ấy nữa!” Vị giáo sư tái mặt. Cứ tưởng ông sẽ phản ứng gay gắt trước câu nói ác độc của người đàn bà du mục xa lạ, nhưng ông lại im lặng cúi đầu và tỏ ra bối rối, ngay lúc đó bảo học trò đi cùng là có việc phải về trước. Tô Ngọc Thanh thì vẫn còn bàng hoàng. Không thể tin được, một người ở cách xa hàng vạn dặm, không có chút mối dây liên hệ nào về nguồn cội, lại có cái nhìn thấu quá khứ cuộc đời anh cách thời điểm ấy tới 15 năm.

Cha anh chính là hoạ sĩ tài danh Tô Ngọc Vân, tác giả của những bức tranh nổi tiếng hiện lưu giữ ở nhiều bảo tàng mỹ thuật Việt Nam và thế giới như: Bên hoa huệ, Thuyền sông Hương, Hai cô gái và em bé, Thiếu nữ lên chùa… Giữa năm 1954, ông hy sinh sau một trận máy bay Pháp ném bom trên đường từ Điện Biên Phủ trở về. Hồi Tô Ngọc Thanh còn nhỏ, nhà danh hoạ cũng muốn định hướng cho con trai theo nghề mình. Nhưng rồi khi ông bắt gặp mấy lần cậu bé Thanh buổi chiều đứng hàng giờ ngơ ngẩn trước cửa ngôi nhà số 38 Quán Sứ (Hà Nội) để nghe người bạn là nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát đàn, ông hiểu niềm say mê của con đã ngả sang hướng khác. Về sau lớn lên khi Tô Ngọc Thanh còn chút phân vân trước việc lựa chọn nghề, ông từng nói với con: “Con không theo hội hoạ là đúng. Nếu không có năng khiếu thì đừng đứng chật đất của người khác”. Thi vào lớp sáng tác của Trường Trung cấp âm nhạc do nhạc sĩ Tạ Phước làm hiệu trưởng (khoá 1956-1959), có thể Tô Ngọc Thanh cũng sẽ trở thành nhạc sĩ sáng tác như các bạn cùng lớp về sau đều thành danh như: Hoàng Việt, Hồng Đăng, Hoàng Hiệp, Ngô Huỳnh, Hồng Thao, Vĩnh Cát… song anh lại chọn một hướng đi lúc đó ít người quan tâm là nghiên cứu âm nhạc dân gian. Sau tốt nghiệp, anh được điều về công tác ở Ty Văn hoá Sơn La, một tỉnh miền núi cách Hà Nội hơn 200 km. Ngày đó miền Tây Bắc còn nhiều hổ và chúng chưa bỏ thói quen ăn thịt người có từ hàng chục năm về trước, lúc cuộc chiến đến hồi kết khốc liệt, hễ nghe tiếng súng ở đâu là mò ngay đến sơi xác chết. Do vậy có quy định bất thành văn trong dân chúng, đi đường rừng phải đông người và tránh buổi chiều tà lúc “ông kễnh” hay sục sạo kiếm ăn. Anh cán bộ văn hoá trẻ Tô Ngọc Thanh rất biết điều đó, nhưng lần ấy do đang dở công việc tìm hiểu, ghi chép một lễ hội của người Thái ở Châu Yên, sự sốt sắng yêu nghề đã làm anh quên cả nguy hiểm, cứ một mình rảo bước dưới bìa rừng. Vừa qua một khúc quanh, ngửng lên bỗng toàn thân anh sởn gai ốc: cách chừng dăm mét, chú hổ vằn to bằng con bò mộng đang nháp, miệng há đỏ lòm, hàm răng nhọn hoắt, may mà mắt nó lúc đó nhắm tịt nên không nhìn thấy một con người nhỏ bé đang run như cầy sấy cách có đúng một tầm vồ. Bỗng trong khoảnh khắc đứng tim ấy, một khúc gỗ mục to trên cây cao tự dưng rớt “bụp” xuống mặt đường ngay trước đầu con hổ. Giật bắn, phản xạ bản năng làm con hổ quật đuôi nhẩy tót vào bụi rậm, mất tăm. Tại sao khúc gỗ mục lại rơi kịp thời và đúng chỗ như vậy? Điều này có thể giải thích đơn giản theo cách “duy vật”: sự ngẫu nhiên, một tình huống hy hữu thiên nhiên vô tình tạo ra. Vậy mà 15 năm sau, người đàn bà “duy tâm” từ phương trời xa lắc kia, đã đọc vị tình huống ấy và lý giải theo một cách kỳ diệu khác hẳn, mà chỉ người trong cuộc mới thấm thía về một quy luật huyền bí của đất trời dường như vẫn mặc nhiên tồn tại, ánh sáng khoa học hiện đại chưa thể soi rọi tới! Sau lúc vị giáo sư âm nhạc bỏ đi, Tô Ngọc Thanh vào ngôi nhà di động, ngồi trước mặt, người đàn bà bói toán còn phán tiếp vài điều về cha anh. Rằng, ông ấy tài hoa phát tiết cả ra ngoài, nên yểu mạng; ông ấy bị chết thảm, thiêng lắm, luôn bên cạnh phù hộ cho anh…

Còn chuyện liên quan đến thầy mình. Tô Ngọc Thanh có hỏi ông về lời “tiên tri độc ác” của mụ Di Gan, vị giáo sư buồn rầu bảo: “Bà ta nói đúng đấy. Tôi đã hai đời vợ. Sống với bà nào buổi đầu cũng hạnh phúc, nhưng chỉ được một thời gian ngắn bà ấy ốm yếu mòn mỏi rồi qua đời. Hiện tôi đang sống với bà này, cũng rất lo vì cái số mình sát vợ”. 5 năm sau, Tô Ngọc Thanh trở lại Sofia làm tiếp tiến sĩ khoa học, thì người thầy cũ nói là bà vợ thứ ba của ông đã lâm bệnh qua đời hai năm về trước rồi.

Khi tôi đến nhà GS.TSKH. Tô Ngọc Thanh, cũng vừa vặn ông từ trụ sở Hội Văn nghệ dân gian về. Ông đương nhiệm chủ tịch của một hội nằm trong Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam có “thâm niên” nhất. Đã qua 4 khoá, tức 20 năm liên tục đứng đầu Hội, chưa kể có nhiều năm còn kiêm nhiệm Tổng thư ký Liên hiệp hội. Ông bảo với tôi, năm 2010 này Hội Văn nghệ dân gian đại hội, đã dắng tiếng trước với mọi người là cho tôi rút thôi, ngấp nghé 80 rồi, để anh em trẻ lên, mình tham quyền cố vị gì. Vậy mà chưa chắc đã rút được đâu nhá, anh em bảo bác còn khoẻ chán, bọn em theo được bác còn mệt. Nói rồi ông cười vang.

anh

GS.Tô Ngọc Thanh tại nhà riêng, phía trên là bức chân dung thân phụ ông do các học trò vẽ

Ông có khuôn mặt giống người cha tài hoa bạc mệnh như đúc, ấy là khi tôi nhìn vào bức tranh sáp màu khổ lớn chân dung hoạ sĩ Tô Ngọc Vân treo trên tường, phía dưới có chữ ký của nhiều học trò khoá “họa sĩ kháng chiến”. Họ là những nòng cột của nền hội hoạ Việt Nam đương đại, nay đã ở tuổi “cổ lai hy” cả, như: Lưu Công Nhân, Đào Đức (đều mới mất), Mai Long, Lê Lam, Ngô Mạnh Lân, Trọng Kiệm, Ngọc Linh, Linh Chi… Chỉ vào chữ ký những học trò của cha mình, GS. Tô Ngọc Thanh bảo: nhân ngày giỗ cha tôi, các anh ấy đem đến tặng mẹ tôi (Bà cụ vừa mới qua đời ở tuổi 98). Qua câu chuyện của giáo sư, tôi còn biết thêm điều này. Khoá đào tạo hội hoạ và âm nhạc của chính phủ kháng chiến trên chiến khu Việt Bắc đến cuối năm 1951 thì hết kinh phí, trường nhạc do nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hiếu làm hiệu trưởng phải giải tán, còn trường họa của hiệu trưởng Tô Ngọc Vân thì có cách giải quyết khác. Ông về nhà bàn với vợ bỏ tiền túi còn mấy cây vàng để nuôi học trò tiếp thêm một năm cho trọn khoá. Học trò nên người cả, bao nhiêu năm qua mỗi dịp đến ngày giỗ, lại tụ tập nhau đến đây hương khói cho thầy.

Lần này tôi muốn hỏi chủ nhà kỹ hơn về cái ngày định mệnh đã lùi xa ngót 60 năm của thân phụ ông. Giáo sư đã vui lòng kể lại:

– Tôi đang ở Bắc Giang thì nhận được tin cha tôi trúng bom trên đèo Lũng Lô, Yên Bái. Ngày ấy tuy chiến dịch Điện Biên Phủ vừa kết thúc, toàn thắng về ta, nhưng cuộc chiến thì vẫn chưa thể dứt, dường như quân Pháp cay cú Việt Minh hơn, tàn bạo hơn. Trưa ngày 17-6-1954, một toán dân công qua đèo sơ ý nấu cơm để lộ khói, lập tức một đàn 6 chiếc máy bay cánh quạt của chúng ập đến giội bom. Hơn 130 dân công chết tại chỗ, sau chôn chung một hố. Cha tôi cùng đoàn văn nghệ sĩ đi chiến dịch trở về, đang trong một bản ở lưng đồi. Ông mải mê ngồi ký hoạ một cụ già người dân tộc Tày. Sau loạt bom nổ dữ dội trên đèo cách đó chừng vài trăm mét, một luồng bão đất đá ập đến, có hòn đã đập trúng vào người cha tôi. Ông gục ngay tại chỗ. Những tờ ký hoạ trong cặp bay tung toé xung quanh. Có hai vị đồng nghiệp với cha tôi đang trong nhà, thoát chết hốt hoảng chạy mất dạng xuống chân đồi. Cha tôi trọng thương nằm đó. Ông già làm mẫu vẽ cũng bị hất đi xa nhưng không bị thương, đã tìm được cha tôi, định cứu chữa nhưng quá muộn. Ông đưa cha tôi xuống bờ suối và đắp cho nấm mộ. Lòng dạ tôi nóng như có lửa đốt, hối hả suốt ngày đêm đạp chiếc xe Lincol vượt hàng trăm cây số đến nơi, cha tôi chôn được hơn mười ngày rồi. Tôi bán tín bán nghi, không biết người dưới mộ có phải cha mình không, vả lại không thể để lâu dài ở đây, chỉ một cơn lũ sẽ xoá đi tất cả. Tôi đau đớn đào mộ lên, nhận diện đúng cha mình và lấy tấm vải dù chiến lợi phẩm bọc cả thi thể lại, còn chẻ cây tre làm nhiều nẹp buộc xung quanh cho cứng. Tôi sức vóc nhỏ, vậy mà lúc đó nỗi thương cha vô hạn đã cho tôi sức mạnh vác cha chạy một mạch từ suối lên đỉnh đồi, âm thầm táng Người vào một đống mối đùn. Một năm sau, Hội Văn nghệ kháng chiến cho chuyến xe tải Molotova lên Lũng Lô bốc mộ cha tôi đưa về Hà Nội, chôn tại một nghĩa trang cạnh đường đi Hà Đông, chỗ gọi là Cao-Xà-Lá bây giờ. An táng chưa được lâu, người ta dọn mặt bằng xây nhà máy, hài cốt cha tôi lại chuyển lên nghĩa trang Mai Dịch thuộc huyện Từ Liêm. Lúc đó nơi này chỉ là một nghĩa trang nhỏ của địa phương, cha tôi nằm cạnh các liệt sĩ vô danh. Một thời gian sau đó Mai Dịch xây mới thành nghĩa trang quốc gia, mộ cha tôi lại đặt ở chỗ khác trong khu cho hợp với quy hoạch. Cha tôi là con trưởng dòng họ Tô ở làng Xuân Cầu, Văn Giang, Hưng Yên. Ông mất đúng năm 49 tuổi, lúc tài năng đang độ chín và chỉ còn ít ngày nữa là được hưởng hoà bình. Cha tôi là một trong những liệt sĩ cuối cùng của thời kháng Pháp. Người ta bảo năm 49 tuổi hay gặp hạn, đúng là cha tôi gặp cái hạn quá lớn! Và anh thấy đấy, cha tôi đến lúc chết còn khổ, trong vòng 3 năm bốn lần phải chuyển mộ. Cách đây vài năm, có vị lãnh đạo tỉnh Yên Bái yêu cầu tôi xác định đúng chỗ chôn cụ trên đỉnh đồi ở Lũng Lô để tỉnh xây đài tưởng niệm, từ đó không thấy hồi âm, không biết đài đã xây chưa?

Trong căn buồng nhỏ của vị giáo sư khả kính nhìn ra, đường phố nhộn nhịp người đi mua sắm tết. Tiết trời rét ngọt, mưa lất phất. Xuân về. Hẳn giờ này mọi nhà đang chuẩn bị cho mâm cỗ mời ông bà tổ tiên về ăn tết với con cháu. Bàn thờ trong nhà giáo sư đã bầy biện đầy đủ, mùi trầm hương toả thơm ngát. Tôi chợt nhìn lên, chân dung nhà danh hoạ phảng phất khói hương. Người thiêng lắm. Người đang về…

Hà Nội Xuân Canh Dần

P.Q. Đ.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us