Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Tản mạn Tết Sài Gòn

Tản mạn Tết Sài Gòn

- Diễm Trang — published 24/02/2014 10:09, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:20
Và có một năm, tôi nghe lời rủ rê của người thân, thử ăn Tết ở trời Tây. Nghe đồn cái xứ Tây vào thời điểm Tết bên mình lạnh lắm. Tôi có chần chừ đôi chút, phần vì sợ lạnh, phần vì không nỡ rời xa Tết quê nhà. Để rồi vẫn quyết định lên đường chỉ vì lời “ đường mật ” : qua bên đó coi người Việt mình ăn Tết ra sao. Để rồi hơi thất vọng vì sang bên đó ba, bốn ngày rồi mà chả thấy mống người Việt nào...


TẢN MẠN TẾT SÀI GÒN


Diễm Trang


Có ai đó đã nói Sài Gòn như một người mẹ nuôi hào phóng, sẵn sàng đón nhận những đứa con từ bất kì nơi đâu đến. Để rồi, người mẹ nuôi ấy cứ tất bật suốt năm, chỉ rảnh rang đôi chút nhân lúc xuân về, khi những đứa con nuôi đang vui vầy bên mẹ đẻ.


Và cũng có ai đó đã nói Tết ở Sài Gòn chán lắm, không có gì đặc biệt, không vui như Tết quê. Rồi thậm chí cả những người sống ở Sài Gòn cũng đi trốn Tết phương xa. Có lẽ, những gặp gỡ, tiệc tùng ngày càng thường xuyên và xa xỉ hơn khiến người ta không còn mặn mà với những điều mà “ chỉ ngày Tết mới có ” – như một thời đất nước khó khăn. Ngày Tết bây giờ đơn giản là khoảng thời gian tạm dừng các bận rộn thường nhật để tiêu pha, thụ hưởng. Cớ gì cứ phải sắm sửa, tất bật, tự mình làm khổ mình bằng các tục lệ, lễ nghĩa ?


Tôi chưa bao giờ phủ nhận những nhận xét và khuynh hướng đó. Nhưng cũng chưa bao giờ thấy chán Tết Sài Gòn. Những chu trình lặp đi lặp lại ấy với tôi vẫn vẹn nguyên thích thú. Tôi cảm nhận có một mạch chảy âm thầm, vừa bảo tồn vừa thay đổi trong những cái Tết ở mảnh đất phương Nam hào phóng và ấm áp này. Tôi tin chắc rằng ai cũng cảm nhận được, có điều không nói ra hoặc ít để tâm mà thôi.


Ngày tôi còn bé, Tết được người Sài Gòn chuẩn bị trước gần hai tháng. Cứ thấy nhà nhà được sơn cổng, quét vôi và mấy dì, mấy cô trong xóm phơi củ cải, cà rốt, củ kiệu là biết sắp Tết rồi. Mẹ tôi hay dẫn mấy chị em đi mua áo quần, giày dép trước Tết hai, ba tháng với lý do “ càng gần Tết thì giá càng cao và không còn mẫu đẹp ”. Tết ngày đó với tôi là được thức dậy trong tiếng pháo cùng mùi khói pháo nồng nồng, được “ trả bài ” chúc tụng rồi nhận cái xoa đầu và phong bao lì xì, được ăn nhiều món ngon hơn ngày thường, được chơi đùa với mấy đứa trong xóm thoả thích mà không bị doạ đánh đòn, được nhón tay vào hộp mứt bằng giấy xanh đỏ mà ai đó biếu, trên mặt có mứt dừa xếp hình hoa hồng, mứt bí, mứt khoai lang, mứt me, bên dưới là giấy độn đến quá nửa. Bây giờ thì ít ai ăn những loại mứt ấy nữa, đã có hạt hướng dương, hạt dẻ, hạt sen sấy và vô số bánh kẹo ngoại thay thế. Cả những bao lì xì, cả cách chọn và lưu trữ thực phẩm cũng thay đổi và tinh tế hơn theo thời gian. Ngày xưa, cỡ 27 tháng Chạp trở đi, mẹ tôi mua rất nhiều rau củ, thịt, cá…  Bà đi chợ về, chiếc xe xích lô chất đầy đồ như thể người ta mua chống lụt. Phân loại, sơ chế, sắp xếp… mất cả buổi. Rồi hết mùng tới mền vẫn không sao tiêu thụ hết. Bây giờ, các bà nội trợ đã biết tiết chế mua sắm hơn, không chỉ vì vật giá leo thang mà còn vì thói quen ăn uống của mọi người đã thay đổi. Kiến thức dinh dưỡng, y khoa được phổ biến rộng rãi khiến người ta biết e dè với nhóm thực phẩm “ có nguy cơ cao ”. Cuộc sống đủ đầy hơn cũng làm cho bao tử trở nên đỏng đảnh, khảnh ăn. Dù vậy, tôi vẫn thấy mẹ duy trì thói quen đi chợ Tết, chỉ khác là không ngồi xích lô và không mua nhiều đến mức như chống lụt nữa. Mẹ tôi biết rõ siêu thị luôn có chính sách bình ổn giá, chất lượng hàng hóa bảo đảm hơn chợ. Nhưng bà cũng biết rằng siêu thị không thể ưu tiên chỗ để đám lá dong lá chuối tràn trề xanh mướt, không có gió trời cho những phong bao lì xì, câu liễn xoay tít. Siêu thị cũng không có cảnh những đàn gà bị túm cẳng chẳng hài lòng với nắm thóc và lon nước bé tí, cứ quang quác biểu tình từng chặp xen lẫn với tiếng rao hàng của người bán… Và chắc chắn, siêu thị càng không có cảnh Ban quản lý bắt loa hối thúc tiểu thương rời chợ vào trưa ngày cuối năm và không có những người bán dưa, bán hoa mặt mũi buồn xo khi sắp đến giờ giao thừa mà hàng hóa vẫn còn ngồn ngộn. Cuộc sống có tiến lên thế nào đi nữa thì chợ vẫn tồn tại, khi ủ ê khi sôi động. Đừng nói chi ngày Tết, ở xứ Việt Nam này, chỉ cần chợ ngừng hoạt động một ngày thì thế nào cũng có người lòng dạ sôi sục cả lên.


Với tôi, Tết đến thật gần là lúc tôi thấy bàn chân có nốt ruồi hay đi của mình bỗng dưng chịu khó ở nhà, hết tỉ mẩn lau dọn cái này đến đặt để cái kia, nấu nướng cái nọ. Rồi cũng biết lo toan, sắp xếp thời gian, kế hoạch tết mẹ, tết thầy. Chẳng có đêm giao thừa nào mà tôi ngủ sớm. Ngôi chùa nổi tiếng ngay nơi tôi ở khiến khu phố năm nào cũng nhộn nhịp tiếng xe cộ đến 1, 2 giờ sáng mồng Một. Nhiều lần tôi bật cười vu vơ vì những người vừa mới hớn hở đi chùa cầu an và kiêng cữ đủ điều đã cãi nhau chan chát ngay thời khắc đầu năm vì xe bị trầy một tí. Và tôi cũng từng không hiểu sao ngày Tết nhà nào cũng nhiều đồ ăn, vậy mà người ta vẫn ngồi quán mì, tiệm cháo. Càng lớn, tôi càng nhận ra một điều là đối với một số gia đình, Tết chẳng khác gì ngày thường. Nhưng tôi tin rằng đó chỉ là một bộ phận nhỏ, vì tôi biết rằng có nhiều gia đình trên đất nước này đã xem Tết như một nghi lễ quan trọng nhất năm. Tôi cảm nhận được điều ấy qua những chi tiết rất nhỏ như ba tôi dặn con cái không được nói các từ “ kiêng kị ” trong ngày đầu năm, không được quét rác ra cửa chính và phải mặc quần áo mới trong suốt mấy ngày Tết. Một người bạn của tôi kể rằng nhà anh có tới 12 anh em, cứ sáng mồng Một Tết là 12 cặp vợ chồng cùng với hơn 20 đứa con ùn ùn kéo về tề tựu ở phòng khách nhà ông bà để chúc Tết. Chúc xong đã gần đến trưa. Ăn trưa xong đã xế chiều. Và rửa chén xong thì trời đã tối. Tôi nhớ có một năm, vào ngày mồng Ba, tôi đến nhà của người thầy mà tôi rất kính mến để chúc Tết. Đứng ngoài cổng nhìn vào, tôi thấy gia đình thầy đang ngồi quanh bàn ăn. Thầy tôi cầm chai vang trịnh trọng nói bao lời hay ý đẹp khiến tôi nín thở lắng nghe mà không dám gọi cửa, sợ phá vỡ không khí thiêng liêng ấy.


Và có một năm, tôi nghe lời rủ rê của người thân, thử ăn Tết ở trời Tây. Nghe đồn cái xứ Tây vào thời điểm Tết bên mình lạnh lắm. Tôi có chần chừ đôi chút, phần vì sợ lạnh, phần vì không nỡ rời xa Tết quê nhà. Để rồi vẫn quyết định lên đường chỉ vì lời “ đường mật ” : qua bên đó coi người Việt mình ăn Tết ra sao. Để rồi hơi thất vọng vì sang bên đó ba, bốn ngày rồi mà chả thấy mống người Việt nào. Chiều 29 Tết, tôi vô cùng phấn khởi khi nghe nói sẽ được tới quận 13 của Paris – nơi có nhiều người Việt sinh sống. Xe của chúng tôi tấp vào tiệm phở Mùi rồi vào một siêu thị mini. Ban đầu, tôi hơi thất vọng vì đường phố ở đây chẳng khác gì ngày thường, ngoại trừ mấy tấm vải đỏ chói in toàn chữ Tàu đính trên những thân cây trụi lá. Nhưng sau đó, tôi vô cùng bất ngờ khi nhìn thấy những chậu tắc, bó đào, bó mai, bó lá thần tài chất dài trước siêu thị. Góc Tết Việt đây rồi ! Khi làm văn, tôi rất sợ viết câu “ Lòng tôi dâng lên một cảm xúc khó tả ”. Vậy mà, đó là trạng thái của tôi khi ấy. Tôi chen vào dòng người đang lựa bánh chưng và hoa quả trong siêu thị. Một người đàn ông trung niên hỏi tôi “ Chị ở gần đây không ? ”. “ Dạ không, em ở xa lắm, từ quê mình mới sang ”. Bất giác, tôi thấy mắt anh đỏ lên sau cặp kính. Anh cho tôi biết đã mười một năm không về thăm nhà được. “ Châu Âu hào nhoáng nhưng không hào phóng với người mình lắm đâu ! ”… Đúng sáu giờ chiều hôm đó, tôi gọi điện về nhà, mếu máo : “ Chúc mừng năm mới ! Sau này, con chỉ ăn Tết ở Sài Gòn ”.


Có lúc, tôi tự hỏi : vậy thì đặc trưng của Tết Sài Gòn là gì ? Phải chăng là những lo toan vé tàu khan, tiền thưởng kém, trộm cắp tăng, giá cả vọt trải dài trên các bản tin ? Phải chăng là những buổi không phải gồng lên chen chúc giữa dòng xe cộ, cảm nhận sự thanh bình trên những nẻo đường mà nhà nhà cửa đóng then cài ? Phải chăng là đường hoa có con giáp của năm tú hụ đầu đường ? Hay cũng giống như tất cả các vùng miền trên dải đất này, Tết thật sự là lúc mỗi người được ở nhà mình, an nhiên và vững chãi yêu thương !


Diễm Trang







Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss