Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / TẢN MẠN VÔ THỨC MẶT NGƯỜI

TẢN MẠN VÔ THỨC MẶT NGƯỜI

- Đà Linh — published 18/05/2011 13:38, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:20
Bắt được kẻ nào vừa vác đá vừa làm thơ / đánh hộc máu mồm / Khâm thử!


TẢN MẠN VÔ THỨC MẶT NGƯỜI
(về thơ Mai Văn Phấn)


Đà Linh



Mỗi lần nhận được tập thơ của chàng từ xa gửi đến, tôi đều xúc động. Âm thầm, với một cảm giác khó tả, như là đang sống những giây phút được thanh lọc. Điều này, có thể từ một cái duyên gặp gỡ ở Hội nghị Nhà văn trẻ lần IV. Và rất có thể, từ những điều khác, dù lắng đi, nhưng vẫn còn đó.

Mới đây, thật tình cờ, được nhà văn Đặng Thân cho mượn tập tuyển của chàng. Thật trang trọng, bề thế. Đúng như chàng nói: để trả nghĩa cho Thơ. Và thế là tôi lên tàu, trôi về phương Nam, trong hành trang có tập tuyển thơ của chàng.

Có những bài đã đọc, có những bài chưa, còn nhiều bài đọc song chéo với nhiều tập thơ người khác (do cái nghiệp “đỡ đẻ” chưa dứt), và tôi lật giở... trước đèn. Lật lần đầu, gặp “thằng Đạo mạo”. Bật bật ít trang : “gặp một khuôn mặt bì bì... mắt chì, giọng mỡ” (“Ghi ở Vạn Lý Trường Thành”). Thấy cách thơ lạ, có chất văn xuôi (hay là biểu hiện của Hậu hiện đại?). Lật ngược về những trang đầu: “mặt mình đơm hoa”! Phải thế chứ. Chàng thi sĩ họ Mai, sáng sủa, thông minh, có tài lại tinh tế. Lại ngược tiếp, “Mặt người viên cuội chơ vơ” (“Kinh cầu ban mai”), tôi đã dừng lại khá lâu, tôi phải lòng 2 chữ “chơ vơ”. Và viên sỏi đầu đời của chàng đã dẫn lối tôi ùa vào. Tiếp theo: “Khuôn mặt em vừa hiện trong vòm cây sót lại, tán lá đong đưa như bát nước đầy” (“Đêm ở Thụy Khuê”). Chẳng rõ tại sao, lại nhớ Hàn Mặc Tử... Rồi từ Mặt chữ điền, vô thức như bật dậy, kéo theo bao Mặt người.

Tất nhiên, chàng thi sĩ bạn tôi có khuôn mặt thanh tú (không phải chữ điền), lành hiền, nhưng từ vô thức của chàng, tôi đã dò thấy “Đồng đất quê ta hao hao những mặt người” (“Tiếng gọi từ những cánh đồng”), “Những hốc mắt kiếp người lầm lũi” (“Hải Phòng trước năm 2000”), “Tổ quốc ...., mang khuôn mặt mình thời mọc tóc thay răng” (Trường ca “Người cùng thời”). Ở đó còn có cả 

“những khuôn mặt bịt kín
những vỏ đạn rỉ hoen mở mắt”
,

“lũ gian thần
lấp lênh khuôn mặt
nơi phòng the từng thu xếp thế gian”
... 

và ai đó, phải chăng chàng chính là

“một người để nước mắt rơi
mặn mòi lăn khắp mặt người yêu thương”

[lặp 3 lần]

(Trường ca “Người cùng thời”).

Làm sao mà chàng không rơi lệ , khi “mặt người thân nhọc nhằn nấp sau bát mẻ” (Trường ca “Người cùng thời”), hay hình ảnh quê hương “...con đường cổ lỗ chôn nông khuôn mặt hạn hán”, lại nữa “khuôn mặt méo lệch đọng nước mắt rắn đanh” (“10 bài tập mùa xuân”).

Khác với thi sĩ Hoàng Hưng, chàng không phải “Người đi tìm mặt”, mà Mặt tự đến, đó là vô thức, tưởng đã được lèn chặt, nhưng nó lẻn vào trong thơ chàng thật mãnh liệt. Chàng chỉ nhận ra, khi đã vượt qua một hành trình khá dài, để có thể gọi tên của nó, một cái tên cho cả một chương, như khuôn mặt thanh tú của chàng: Đằm thắm mặt người (Ch.V, Trường ca “Người cùng thời”)... với hơn 100 dòng “thanh minh”, chàng đã cho nó một cái họ: 

chân lý cũng giản đơn
tựa mặt người tốt bụng”
.

Tôi bỗng nhớ đến nhà văn Bùi Ngọc Tấn “cười hằn mặt đá” (“Mộng du”).

Vậy là MẶT NGƯỜI đã có đủ họ và tên. Đã được nhập tịch, có chứng minh thư, và nó đã, đang, sẽ đồng hành cùng chàng. Nếu diễn đạt không mù mờ, thì chính nó sẽ truy vấn và minh giải chàng. Thì đó: Lục bát cổ điển? Tự do hiện đại? Hậu hiện đại? Tân cổ điển? Tân hiện thực? Hiện thực XHCN? Có yếu tố tự nhiên?... Thì cứ xem cái cách Mặt người hiện diện. Và chàng đã bước đi những bước tiếp. Tôi lại nhớ đến những câu thơ của thi sĩ Nguyễn Trọng Tạo

“trong giấc ngủ ta thấy lang thang thế giới
mặt nạ bày bán khắp nơi
trên sân bay trên xe con trên bàn tròn bàn vuông bàn chữ U bàn chữ nhật
trên đạn bom lợi nhuận
trên âm mưu mong cứu rỗi con người”
 

(“Mộng du” – “Đồng dao cho người lớn”).

Tôi hiểu mặt nạ ở đây thi sĩ không nói đến hát bội, đến tuồng. Mà đang nói đến một thế giới của những Mặt người giả ảo. Vậy là có sự “Mộng du” với chàng , thời khắc

“Nhà mình
mọi sự đảo lộn
không nhớ bức chân dung hạ xuống bao giờ”
 

(“Vẫn trấn tĩnh tiễn khách ra ngõ”).

Mọi sự đã thay đổi. “Đồng đất quê ta hao hao những mặt người” nay giá đã tăng vài chục ngàn lần. Thật hay ảo những giá trị? Chàng thi sĩ giờ mới thực sự vỡ òa - Mặt người không còn, đến cả “gương mặt vợ con” cũng lẫn “trong khoảng lặng những quảng cáo thương hiệu” (“Đến trong ý nghĩ”), rồi “vài gương mặt trôi đi làm nhầm lẫn cảm quan, ý nghĩ, nhầm lẫn thứ tự trang sách...” (“Vòng cung thời gian”)... không dừng được: “Một số người trỗi dậy từ đám đông, khoác áo đen, mang mặt nạ đen” (“Biến tấu con quạ”), “vẻ mặt quan trọng của người hàng xóm giờ mủn bục” (“Di chứng”), rồi “quanh quẩn ngõ tối bao gương mặt quảng trường đúc từ xương quai hàm luôn tư thế hô hoán...” (“Niệm khúc số 18”)... Chắc lúc này, chàng có nghĩ đến “Các vị La Hán chùa Tây Phương”, gần địa danh nơi chàng chào đời, chàng cảm thấu lời thơ thi sĩ họ Cù

“Mặt cúi, mặt nghiêng mặt ngoảnh sau
quay theo tám hướng hỏi trời sâu
một câu hỏi lớn không lời đáp
cho đến bây giờ mặt vẫn chau”
.

Cảm phục thay, chàng đã xông lên, chàng gọi thằng MẶT NGƯỜI lại, tuyên bố: Bây giờ trở đi, sẽ gọi theo tên riêng, bất cứ tên gì, miễn hiểu tên khai sinh MẶT NGƯỜI là được. Theo vậy, “Đạo mạo”, “ Cái Miệng”, “Đừng... Nhớ”, “ Cái bóng”, “ Cái áo khoác”... những xê-ri Mặt Người phấp phới được chàng đưa ra Supermarchés Face.

Khi tôi gấp tập thơ lại, tàu vẫn chạy với tốc độ 60 km/h. Nhớ lời cảnh báo của thi sĩ Hoàng Hưng

“tất cả qua đi
trên mặt kính tàu”

nên tôi đã kịp ghi lại mã số Mặt người.

Tôi đã quyết định mua.

Và... trả bằng rượu!


HN-ĐN, 12/5/2011

Đ.L




Biến tấu con quạ



Tử khí kéo ngọn bấc tới đỉnh trời
Con quạ rực sáng.

*

Khai sinh
Sau tiếng quạ kêu
Ra đi không cưỡng lại
Gói bọc được mở ra
Sự băng hoại không thể cất giấu
Thày lang đốt sách cuối vườn
Tân dược trong kho đều quá hạn sử dụng
Những phù thủy chịu hình phạt
Miệng bị đóng bởi những móc sắt

Khai sinh
Khi quả chuông rơi xuống bất ngờ
Chụp lên đầu người bõ già
Con cá nhảy vào đám mây tự vẫn
Buông ngang trời ngàn vạn lưỡi câu

Khai sinh
Mực đổ dưới chân và máu
vón cục ở yết hầu, phế quản
Viết một nét lên trang đầu
thấm suốt cả ngàn trang sách.

*

Bổ nhào từ đỉnh cao
Bằng đôi cánh sắc
Lấy tâm điểm xác chết
Chém toác bầu không
Gió hấp tấp không kịp băng bó.

*

Móc từ hốc mắt
những nhãn quan
Di ảnh là vật chứng
Mổ vào lưỡi
và kéo dài
hơi dưới trời bài học khẩu ngữ
óc từng mảng thịt
Tháo rời tứ chi
Sổ tung lục phủ ngũ tạng

Hộp sọ vừa được dựng lên
Rêu đã phủ đầy
Không viết nổi những dòng bi ký.

*

Con quạ mơ
Mọi cái chết đều được sắp đặt

Sau tiếng quạ kêu
Ai đã tự nguyện nằm xuống.

*

Con quạ bay vào phòng
Một ngón tay giơ lên yếu ớt
Ý nói:

Đây là họng súng
Là lưỡi mác
Thậm chí cuốc thuổng
Thậm chí chính ngón tay rất cứng

Đúng hơn là đông cứng
Rồi băng đá
Rồi rữa tan.

*

Đừng đến gần bóng râm
Chúng là con quạ
Xõa cánh lúc hoàng hôn, rạng đông

Nanh vuốt bám gió
Xay nghiền lá khô
Bẻ những cành vượt

Nhà thơ trú trong bóng râm
Từng con chữ bị khoét mất mắt.

*

Trông
Sự vật
Trừng trừng
Bởi chớp mắt
Bóng quạ
Ập tới.

Bóng mình
Không cất tiếng
Sợ biến thành gà con.

*

Một số người trỗi dậy từ đám đông, khoác áo đen, mang mặt nạ đen. Vừa chạy, họ vừa đập cánh tay vào hai bên sườn. Đầu cố ngước lên. Bóng đen bay là là mặt đất.

*

Đậu trên chạc cây trong trạng thái bội thực và ngủ gật, con quạ mơ mỗi mẩu thức ăn đang nén chặt trong diều biến thành quả trứng. Đàn quạ con lũ lượt chui khỏi ngũ quan, lập tức sà xuống săn mồi theo bản năng của loài ăn thịt.

*

Những đau khổ tột cùng ngoái nhìn đời sống tưởng chừng đã chết. Áo khoác kêu thất thanh khi đi qua bàn tủ. Máy điện thoại im lìm ngủ. Chiếc kẹp ghim mở miệng cố giấu đi móng vuốt. Cán chổi móc vào tay người lao công, kéo chị ta về bên hố rác. Vành mũ trên đầu kêu thảng thốt, rồi cúi xuống rỉa hết mặt nhân viên bảo vệ. Không ai mở cổng. Nhiều người vẫn tìm được lối đi vào.

*

Những linh hồn thoát xác tìm cách quay về chiến đấu với loài quạ dữ. Sau những loạt đạn không gây sát thương, khói hương căng thành bảng, viết con chữ đầu tiên của bài học mới.

*

Đây là dòng cuối cùng trong một bản di chúc:
“Bắt đầu lễ Thiên táng lúc xuất hiện bóng quạ”.

*

Bóng đêm chui dần vào bụng quạ.

Cả chúng ta nữa, đang cồn cào cùng dòng sông đói khát. Những giọt nước đục tìm cách lọt qua khe vải. Mặt nước khổng lồ ghìm nén xao động, mong giữ lại bóng người. Bật que diêm rồi, vẫn nhớ ngọn bấc còn rất xa. Vung tay lên, nói to một mình trong bóng tối.

Con quạ khật khừ xuyên đêm
Thảng thốt kêu

Lần đầu tiên tiếng động ra đi không vọng lại.




Ghi ở Vạn lý Trường Thành



Mây xếp lên vai từng tảng đá nặng
nhòe mắt cát
thở đầy ngực cát

Vạn lý Trường Thành còn xây dở?
Trên không tiếng hoạn quan truyền chỉ
Bắt được kẻ nào vừa vác đá vừa làm thơ
đánh hộc máu mồm
Khâm thử!

Ngước lên gặp một khuôn mặt bì bì
tay lạnh, mắt chì, giọng mỡ
Mái Phong hỏa đài(*) màu huyết dụ
hình thanh long đao dính máu đang kề cổ

Còng lưng đẩy nắng đi
Chồn chân đẩy gió đi
Miễn sao gần được bông hoa
đang mởn mơ trong gió lớn.

Tâu Hoàng thượng/ thưa ngài/ báo cáo đồng chí....
Bỉ chức/ thảo dân/ em…
sẽ làm trọn bổn phận

Đây là đỉnh trời
hay đáy vực sâu
chỉ thấy trên lưng lằn roi bỏng rát
Mồ hôi du khách trên đá xám
nở thành hoa phù dung.



_______________________________

(*) Phong hỏa đài: Điếm canh trên Vạn lý Trường Thành.




Cái miệng bất tử



Cái miệng đang trôi kia chắc của người đã chết
lúc trên cao
lúc chạm vào mặt đất.
Bộ xương của cái miệng giờ tan vào cát bụi
vẫn vàng ươm
hay đã xỉn đen trong chiếc tiểu sành?
Nhưng cái miệng vẫn mấp máy sống động
khi mím chặt
khi nhoẻn cười độ lượng.
Tôi đặt vào cái miệng những ngữ âm
như gõ lên ô Search ột website tìm kiếm
Kết quả làm tôi choáng ngợp
Tôi bị lạc vào ổ phục kích?
Là phần mềm bị nhiễm virus?
Hay hòn than vừa rơi xuống tảng băng?
Cái miệng không phát ra tiếng động
chỉ hiện lên một đoạn phim câm.
Tôi đã lồng vào đó tiếng gậy gộc,
tiếng động lệnh, dự lệnh
tiếng một người
và cả tiếng đồng thanh
Cái miệng vẫn trôi
Chỉ cần ai đó phát ra ý nghĩ.




biaChúng tôi vừa nhận được từ nhà văn Đà Linh bài về thơ Mai Văn Phấn trên đây, bài này (cũng vừa xuất hiện trên trang mạng của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo) tác giả viết nhân dịp hội thảo về thơ Đồng Đức Bốn và Mai Văn Phấn tại Hải Phòng hai ngày 14-15/5/2011.

Đồng thời anh cũng gửi Diễn Đàn một tuyển tập thơ Mai Văn Phấn *, và đề nghị trích đăng ba bài thơ: « Biến tấu con quạ », « Ghi ở Vạn lý Trường Thành », và « Cái miệng bất tử »; mà bạn đọc vừa thưởng thức, để cho thấy tinh thần sáng tạo của Mai Văn Phấn hiện nay.

Thơ Mai Văn Phấn là một giá trị văn học mà đáng lẽ Diễn Đàn phải giới thiệu với bạn đọc từ lâu, xin cảm tạ nhà văn Đà Linh.

Tuy thế, mặc dù không có tham vọng chọn lọc, người viết mấy dòng này cũng xin được giới thiệu thêm bốn bài thơ ngắn mình thích, trong số những bài Mai Văn Phấn đã sáng tác trước năm 2000, để có lẽ có thể hé mở một vài góc cạnh khác trong âm vực ngôn từ và quang phổ cảm hứng của tác giả. Tiếc là tuyển tập không ghi chính xác xuất xứ và thời gian sáng tác của từng bài.

Hàn Thuỷ




* Thơ tuyển Mai Văn Phấn, NXB Hội Nhà Văn, 2011, 468 tr.



Lơ lửng



Mùa thu còn ở trên cao
Ngu ngơ buông thả ngọt ngào lưỡi câu
Hồn ta thoát xác ve sầu
Bóng cây đậm nhạt biết đâu mà tìm
Trời trong rơi những lặng im
Lỏng buông cho gió cuốn chìm hút xa
Chỉ còn ta lại với ta
Cỏ run đầu ngõ như đà cắn câu...




Hồn nhiên



Khi tôi ngủ say hồn ra khỏi xác
Lâng lâng trên những cánh hoa
Lang thang như xưa lúc mẹ vắng nhà
Quên thể xác đăm chiêu lầm lũi.

Ừ, thì ra cát bụi
Là một đời thân xác đớn đau
Gió vẫn ru xanh mướt ở trên đầu
Trời rót xuống từng cơn mưa đằm thắm.

Cái ác đã ngủ yên trong nhụy đắng
Cho đất lành thơm mát đến rưng rưng
Hồn tôi lung linh hạt nắng
Rơi xuống đồng xanh không cùng.

Và rạng đông!
Từng giọt rạng đông!
Tôi lại nhập hồn về với xác
Chẳng phải tôi, cũng không là người khác
Để hồn nhiên cất tiếng khóc lọt lòng.




Nghe Nana Mouskouri (*)



Không mơ hồ vẩn bụi
Mát trong chảy xuyên các đồ vật trong phòng
Tay ngỡ trói vào chân bằng nước mắt
Ta ngập ngừng trong giai điệu trôi đi.
Đã xa hiện thời, lu mờ quá khứ
Bao lối mòn, những bộ quần áo cũ
Quên cả mình từng mất mát, khổ đau
Tiếng hát tung lưới quét ta về ánh sáng.
Hiện dần lên những lấm tấm vảy bạc
Nơi hoàng hôn chạm mặt ban mai
Đom đóm muốn thiêu mình trên đống lửa
Cả vòm cây đang bật khóc xuyên tường.



----------------------------

(*) Ca sỹ người Hy Lạp, sứ giả hoà bình của Liên hiệp quốc




Giải pháp



Sự e dè thường được bọc kín thành nhân trong hạt. Dẫu mang nhiều hứa hẹn mùa xanh, những hiệu quả bội thu tiếp nối, nó vẫn không tự thoát ra khỏi lớp vỏ dày.

Dù thấy mình quan trọng bao nhiêu, ví với tầm nhìn không gian rộng lớn, những âm thanh dẫu hùng tráng... Nhưng sắc màu huyền ảo của nó chỉ lan tỏa từ ranh giới này sang ranh giới nọ.

Chỉ khi một cánh chim hay tia sáng ngôi sao vô tình nào bỗng xuyên thủng lớp vỏ kia bí ẩn, hay hạt giống được chạm vào dịu nhẹ ngón tay của hạt mưa xuân, mọi trật tự và quan niệm sẽ khác.

Trước mắt đâu còn đường chân trời, mà chỏm tóc của nhiều người nối tiếp nhau chạy gấp. Họ dốc sức chạy xa hơn khi phát hiện ra những đích khác.

Vẫn thói quen hào hứng và lạc quan xưa cũ, ta ngẫu hứng một giai điệu gì quen lắm, sao thấy không hào sảng và lôi cuốn như xưa.

Vội ve vuốt một mầm cây vừa mọc dưới chân và tưởng tượng ra mùi hoa trái dâng lên trong một khung cảnh mới. Đứng lên, ta hiểu mình vừa xua đi một nỗi kinh hoàng.



Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss