Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Tản văn Lê Minh Hà

Tản văn Lê Minh Hà

- Lê Minh Hà — published 02/08/2017 00:00, cập nhật lần cuối 21/03/2018 10:35


Tản văn Lê Minh Hà


Viết như hình thức tự phản ánh


Tôi thích hình ảnh "bóng chữ" của của Lê Đạt. Nó rộng hơn một tập thơ, một đời thơ. "Bóng chữ" từ tác giả tới người đọc là tôi đã được hiểu theo một cách giản đơn và đàn bà hơn, không phù phiếm mà có phần thực dụng.

Nếu văn chương chỉ đơn giản là sư dịch chuyển hình thù nhịp điệu của đời sống đang diễn ra (mà từng người đều có thể nhận cảm bằng các các giác quan) vào chữ thì khó mà có lắm người bị chữ nó hành cho đến vậy. Chữ, như thế, không còn là một đuổi bắt, dồn nén, không còn là biểu tượng của chính mình. Phải, biểu tượng của chính mình - người viết, trước khi là của một cái gì xa rộng sâu cao hơn. Như thế, tóm lấy một cái máy ảnh thuận lợi hơn rất nhiều, đuổi bắt các tính năng và giá của máy ảnh tuy có những lúc làm ta tuyệt vọng, thì sự tuyệt vọng đó vẫn còn giới hạn, khác đuổi chữ và bị chữ đuổi.

Nhưng, như thế, ta đã tước đoạt quyền trở thành công cụ sáng tạo của máy ảnh để nhiếp ảnh là một nghệ thuật thật sự. Trên cả máy với những tính năng mỗi ngày mỗi mới là cái nhìn của người nghệ sỹ. Thử hình dung, một cái máy ảnh bất kì trong tay một người khiếm thị tài năng, nhưng là tài năng trong nghệ thuật thính giác. Một ngày anh ta muốn thử sức ở một nghệ thuật khác, anh ta xác định một không gian bằng những ngón tay, cầm lấy máy ảnh, rồi mở ống kính, đưa máy lên, bấm. Hoàn toàn có thể tin rằng một triển lãm ảnh của một người như thế sẽ cho ta hiểu rõ như thế nào về thế giới qua sức nặng của bóng tối, và sau khi hiểu, liệu có thể bình tâm không? Hiện thực mù mịt đó là ám ảnh về một hiện thực mà người nghệ sỹ không thể nhìn thấy, và chính nó trở thành một hiện thực mới, độc biệt, làm chúng ta bất ngờ. Không làm cho người thưởng ngoạn bình tâm là mục đích tối thượng của mọi sáng tạo.

Chữ là công cụ của một kiểu sáng tạo, với một số người chữ là mục đích của sáng tạo. Họ xóc lắc xoa đập chữ, rất nhiều khi tạo ra thứ tưởng chừng vô nghĩa. Nhưng trong một sự thẩm định quyền uy nào đó, nó lại hàm nhiều nghĩa, rất có thể là tiên phong.

Trở lại với chữ, hiểu như là công cụ sáng tạo rút cục là trở lại với hiện thực trong mắt nhìn của người viết, một thứ hiện thực được phản ánh và cao hơn, một thứ hiện thực tự phản ánh. Như thế, việc viết về cái gì ai cũng sờ nhìn nghe ngửi liếm cắn được không có gì là quan trọng. Tính chất thông tấn của chữ do đó không bao giờ nên là bắt buộc, trở thành đáng ngại khi nó lấn lướt chất văn. Đằng sau chữ là gì? Bóng chữ! Hay là bóng sự hiểu và cảm của người làm ra nó.

Có một sự tương tác thầm lặng giữa người viết và người đọc. Sóng từ trường này càng có độ phủ rộng, càng có lợi cho tất cả, và cũng vì nó mà nhiều khi người ta nhắc tới chuyện đồng sáng tạo giữa thực thể viết và đọc.

Rất nhiều khi mất sóng. Lý do dao động từ người đọc sang người viết hoặc ngược lại. Có thể những gì được viết ra nhạt toẹt, chả ai quan tâm dù ở đó lắm bài dạy khôn. Cũng có thể, người đọc không bắt kịp mạch nghĩ và cảm của người làm chữ. Đừng thắc mắc về cái hiện thực nhân thể nhà văn động tới nó không giống gì với cái hiện thực chúng ta đang sống. Anh ta biết cả đấy, biết cái hiện thực đó trong mọi chiều không gian và thời gian, và có thể anh ta còn biết những hiện thực khác nữa. Nhưng mọi cách thức hành ngôn cuối cùng cũng chỉ là để nói về chính cái hiện thực của số đông mà thôi.

Tôi luôn luôn ngạc nhiên khi bị hỏi rằng sao lại cứ viết thế, sao thời gian sống ở tây đã xêm xêm thời gian sống ở ta mà những gì viết ra thiếu chất tây. Cũng có khi được khen là viết về quá khứ hay. Cũng có khi bị chê là chả biết gì về thực tế.

Nhưng mà tôi không viết để nịnh nọt chê bai quá khứ hay hiện tại. Tôi viết về chính tôi thôi. Sống, chất chứa và lí giải là nhu cầu tinh thần của con người, nói chung. Nói riêng, tôi chỉ muốn lí giải về chính mình: sao càng sống càng ngơ ngác.

Và về đôi ba người. Họ đích thực là nhà văn, là tác giả của những cuốn sách chưa ra đã được người ta tầm đọc. Nhưng khi ngồi với nhau, chẳng mấy khi họ nói tới văn chương. Còn khi họ đứng dậy đường ai nấy đi, gần như chẳng ai biết đấy là kẻ mần chữ.


Berlin 3.7.2015



Tâm thần và nghệ thuật


Buổi chiều, đá mắt qua cái đồng hồ. Còn nửa tiếng nữa Cục Mỡ mới về. Kịp.
Chạy vội qua siêu thị chênh chếch góc phố. Ngang qua cái ghế băng dựng sát gốc cây bạch dương ngay đó, thấy một đôi đen và trắng đang say sưa nhìn vào mắt nhau lảm nhảm I you đúng kiểu yêu thì phải không tỉnh, quay lại thì đã thấy một nhóm người đứng vây lấy cái ghế đá, nhưng xa xa đủ để ô tô đi ngang không cần chẹt qua.
Bên ghế, hai con chó béo mầm đang hít hít nhau. Cốc cà phê giấy lăn lóc. Trên ghế, một người ngồi xoạc cẳng, mặt úp lấy một bên cổ chân, tóc rũ rượi. Chả thấy gì ngoài mái tóc và đôi giày cũ kĩ.
Rón rén gia nhập nhóm người đang nín thở theo dõi đầy vẻ lo âu. Hỏi người đàn bà đứng cạnh, khe khẽ:
- Gì đấy?
- Không biết.
- Như là đang tập yoga!
- Không biết.
- Hay là Installation?
Người đàn ông đứng sát người đàn bà quay qua, thì thào:
- Hay là say?
- Không biết.
Một người khác thăm dò:

- Hình như ngủ?
Người khác nữa rút Smartphone bấm bấm.
Thì đúng lúc đó tiếng ngáy dội lên. Khò khò khò.
Hai con chó vẫn quẩng. Mấy đứa trẻ đi học ngang qua, dừng lại. Trẻ con không biết ngại. Chúng nó nhìn đám người lớn rụt rè, nhìn cái người đang ngáy, hét:
- Guten Morgen.
Câu chào buổi sáng vang lên trong chiều, có tác động lập tức. Người đang gục đầu duỗi tay xoạc cẳng úp mặt vào cổ chân khò khò vùng dậy, đổi tư thế nằm ngang, chân vắt lên thành ghế, tóc rủ sát đất tiếp tục khò khò khò. Lũ trẻ huých nhau đi tiếp, chẳng nể nang gì quăng lại một câu:

- Verrückt! Điên!
Vừa bước theo bọn trẻ, thì từ đằng sau tiếng người phá ra cười. Quay cổ nhìn: Người vừa ngáy - một đàn ông - đang đứng, xoã tóc trong tư thế đàn bà Việt ngày xưa tự gội đầu hong tóc rồi chậm rãi buộc lại một túm phật phừ ngang trán, rồi chậm rãi nhoẻn cười, cúi mình. Xung quanh nhất loạt vỗ tay. Cả lũ trẻ vừa giật mình quay lại cũng. Mình cũng buông ngay cái túi đựng nho với dưa chuột xuống đất, hùa theo, vỗ vỗ vỗ.
Vỗ xong thì giật mình. Tâm thần hay nghệ thuật khác nhau có lẽ chỉ ở mỗi tràng vỗ tay này. Nhưng những người bình thường như mình khi vỗ tay liệu có biết mình đang chứng kiến một hiện tượng tâm thần hay nghệ thuật?

Berlin: 2015. 09. 09

Lê Minh Hà

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Giai phẩm Xuân 2018
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss