Tản văn Tạ Mỹ Dương
Tản văn
Mùi lịch sử
Tạ Mỹ Dương
Nghe tưởng chuyện gì to tát, thực ra chỉ là cuộc chửi nhau giữa hai gã hàng xóm. Bắt đầu từ một hành vi “tiểu tiện”, mà một ông cho là bậy, một bảo là không.
Ngôi biệt thự cũ ấy xây năm 1920, vốn có dãy nhà ngang ngày trước dành cho “bồi” hay “sốp phơ” ở. Vật đổi sao dời, giờ dãy nhà ngang thành nhà lầu, cư ngụ đủ thành phần, mà có tới hai ông giáo, một giáo kiến trúc, một giáo dạy nhạc, ngoài ra nữa… chả biết.
Ở góc nhà có một khu “phi quân sự”, nguyên trước kia là chỗ vệ sinh chung, chắc có từ thời… hố xí đổ thùng, thời xã hội chủ nghĩa “lên đời” được hai ngăn, rồi dừng lại đến giờ. Có một cái rãnh đái lộ thiên, chỉ một bức tường lửng ngăn lấy lệ, tự thuở ấy nam nữ trong khu tập thể cứ chung đụng thế, nếu không “e hèm” lắm khi thật lúng túng, đỏ mặt tiến thoái lưỡng nan.
Giờ nhà nào cũng lên tầng, cũng có “công trình phụ” riêng trong nhà, cũng “khép kín”, nhưng “khu đái” kia vẫn mở thế. Chả hiểu sao hai ba người đàn ông ở phía đầu kia, dù trong nhà có WC nhưng vẫn thích ra đấy mà xả. Trước kia do chưa có trong nhà thì đã đành, cứ mỗi lần “ra sau” (từ ám chỉ đi WC) là tay mỗi người bê một chậu nước đi từ đầu đến cuối dãy nhà. Đằng này nhà ai nấy đái đều có chỗ cả, thế mà…?
Họ là những người của lịch sử, của thế hệ thứ hai nhưng cũng năm sáu chục tuổi rồi. Thế hệ đầu đã “đi” gần hết. Mỗi nhà còn một cụ, cụ thì như cổ tích, cụ thì như trẻ thơ.
Gọi “phi quân sự” là để chỉ cái chỗ chung, không ai được sử dụng vào mục đích riêng, “không ai được khóc”. Thành ra giờ là chỗ quăng vào đủ thứ, từ bàn ghế cũ gãy chân, bàn cầu hỏng, lò than tổ ong…, toàn những thứ đồ muốn tìm người vứt đi cũng phải cho tiền. Nhưng cứ để thế năm này năm khác như một sự khẳng định “chủ quyền”, giữ đất!
Về công năng “đại tiểu tiện” vẫn có chỗ duy trì, nhưng lại không được cấp nước (vì nhà nào cũng có đồng hồ nước riêng, cấp nước vào đấy biết mắc vào đồng hồ nhà ai?). Thế là rãnh nước mưa, nước đái lờ đờ chả biết chảy đi đâu, mùi bay tung tẩy. Khổ cho giáo kiến trúc ở sát bên. Ác cái, nhà nó lại nhằm hướng nam, thì phải mở cửa lấy gió.
Hôm ấy giáo kiến trúc bắt gặp giáo âm nhạc ra đái. Thực ra thì nghe, nhìn, ngửi thấy lâu rồi nhưng nín nhịn, lần này uất ức quá, lại vừa dịp gia đình mình tự bỏ tiền quét vôi sạch sẽ, khơi thông cống rãnh. Tưởng cái sự sạch đẹp ấy tác động phần nào vào ý thức con người, nhưng không. Thế là lời qua tiếng lại.
Giáo kiến trúc bảo chú đái thế mất vệ sinh, giáo âm nhạc mắng lại đây là chỗ đái từ mấy chục năm rồi, là có từ trong lịch sử. Giáo kiến trúc cãi lý không được thì mang văn minh văn hóa ra cự, giáo âm nhạc khăng khăng chả chịu, từ chú cháu thành ông tôi, rồi mày tao, rồi thằng trí thức lưu manh…
Mình nhảy vào can ngăn song cứ thấy khó quá, phân vân một câu hỏi chả biết trả lời thế nào: Sao bác ấy cứ thích ra chỗ ấy đái? Cho mát, cho thoáng tuy có khai một tí? Hay nghĩ tiêu cực thì bảo “cho mày ngửi”, khai thì đóng bít cửa lại.
Cái mùi khai khai nồng nồng ấy là “mùi lịch sử”, nó có từ mấy chục năm, nó ám ảnh và cứ như một thứ khói quyện chặt vào đầu óc người ta. Lịch sử là thiêng liêng nhỉ, và thật khó giải quyết. Dù biết mười mươi là khai lắm, thối lắm. Như đận năm ngoái, cả xóm sốt xuất huyết, cũng chỉ từ mấy cái góc chết chất đồ cũ, rãnh nước tù đọng, nơi không ai có thể đụng vào (trừ muỗi) nhưng cũng chả ai được gì từ chỗ ấy, chịu chuốc vạ vào thân.
Đèn mỗi nhà mỗi sáng, trẻ con mỗi ngày mỗi lớn lên, người già đi dần tới chỗ vĩnh hằng. Nhưng có một góc tối, một tồn tại lịch sử như thế vẫn… vững như bàn thạch.
Biết đến bao giờ?
Đầu tháng 10.2016, báo chí Việt Nam xôn xao về một cái tên mới, Tạ Mỹ Dương, người cùng một lúc vừa cho ra mắt ba cuốn sách tại Nxb Trẻ. Ba cuốn sách mau chóng được người đọc chào đón, nhất là sau khi chúng được nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên giới thiệu (trong buổi ra mắt sách ngày 7/10 tại Hà Nội và trên FB của ông):
Lão Dương Tạ kiến trúc sư đùng một cái ra liền một lúc ba cuốn sách tại Nxb Trẻ. Văn của lão, ảnh cũng của lão, thiết kế sách lại theo ý tưởng của lão, gộp ba trong một thành được ba ấn phẩm đẹp đẽ, sang trọng. Nhìn đã thích mắt, đọc vào lại thích miệng, cảm được cái tình cái văn của người vốn nghề làm hình không gian cho người ta ở và sống. Đọc bộ ba này của Tạ Mỹ Dương muốn sống lại và sống thêm những cảnh và nơi mình đã sống, đã qua, và chưa biết. Cũng có cả những tiếc và hối cho mình khi không nhìn và thấy và cảm và luận được như lão này trước những gì đã từng trôi qua trước mắt mình.
Thì ra, cái tên Tạ Mỹ Dương có mới là mới với rộng rãi dân chúng thôi, chứ người thì đã quen thuộc từ lâu trong giới văn nghệ sĩ. Bạn bè của họ cũng đã biết tới ông qua cái tên dùng trên FB: Duong Ta, dễ đã khá lâu rồi., với nhiều bài viết và những hình ảnh rất đẹp ông chụp phần lớn là trong những chuyến đi - trong và ngoài nước. Và chất văn tinh tế của ông đã thúc giục nhà văn Lê Minh Hà viết ngay một bài giới thiệu gửi Diễn Đàn khi chị được đọc bản thảo trong chuyến về nước năm ngoái (nhưng phải "ngâm" tới khi được tin sách ra). Ngâm tới đầu tháng này, được tin vui thì cũng là lúc báo đang "tích cực cầm cự" để chuyển sang "tổng phản công" cho số Giai phẩm mùa thu này ! Thế là ngâm tiếp cho tới hôm nay, dù giữa lúc đó chúng tôi cũng đã nhận được ba bài tác giả gửi cho xem và chọn đăng trong Giai phẩm.
Diễn Đàn trân trọng cảm ơn KTS Tạ Mỹ Dương (và nhà văn Lê Minh Hà, xem bài viết của chị tại đây), và hân hạnh giới thiệu với bạn đọc hai bài "Mùi lịch sử" và "Những gánh hàng rong và ngôi biệt thự cũ" đều đầy chất Hà Nội của ông.
D.Đ.
Những gánh hàng rong và ngôi biệt thự cũ
Mới bảnh mắt ra, đã nghe nheo nhéo ngoài sân: “Mở hàng cho con đi cụ, con để rẻ… Con này cân điêu quá. Tươi rồi u ơi, lạng rưỡi chổng ngược mông sấn của con đây này. Mua cho em chục hồng này đi chị…”. Tiếng eo xèo mua bán, như giữa chốn chợ đông người, nhưng mà không phải, đang là ở một nơi tưởng như rất riêng tư, rất cánh biệt với nhịp sống ồn ào, lam lũ của đời thường - trong lòng một ngôi biệt thự cũ.
Gần năm mươi năm trước, biệt thự ấy nguyên là của một bác sĩ giàu có ở Hà Nội, đã được “giải phóng” cùng với số tài sản đồ sộ gồm dăm bảy ngôi biệt thự khác nữa của ông. Và một sự đổi đời, lột xác đã từ từ biến cải, nhào nặn nó, “y như số phận con người, nó chịu mọi tác động của thời cuộc”, như một nhà văn đã nói. Vào lúc những chủ nhân mới dọn đến “tiếp quản”, ngôi biệt thự còn như một cô tiểu thư con nhà đài các. Nhà xây theo lối kiến trúc Pháp ở thời kỳ đầu của phong cách kiến trúc hiện đại, với đầy đủ các phòng khách, phòng ngủ, phòng ăn… được bao bọc “kín cổng cao tường” bởi một hàng rào sắt có rặng cây và giàn hoa giấy rực đỏ. Lối đi rải sỏi, ghế đá, vườn hoa, nhà xe, nhà bồi, nhà bếp… Từ cấu trúc dành cho một gia đình, sống ở một chuẩn mực cao, nó biến chuyển và tự phân rã để đáp ứng cho những nhu cầu của một công năng mới, cuộc chung sống của nhiều hộ gia đình. Những không gian vốn mang trong mình những chức năng cao quý đã được “cải tạo” lại. Qua năm tháng, những hộ gia đình lại sinh sôi, rồi những gia đình mới ra đời, cứ thế, theo cấp số nhân phát triển, “cấu trúc xã hội” của con người biến chuyển đã làm thay đổi hầu hết “cấu trúc không gian” của ngôi biệt thự. Nó trở thành một đơn vị cư trú mới, rất khó đặt tên một cách chính thống theo thủ tục hành chính, nhưng trên thực tế, có thể coi nó như một hình thái cư trú kiểu “xóm nhà” trong một phường đô thị, giống như dưới thôn là xóm ở làng quê. Vì trong đó, nó có đủ những cấu trúc của một đơn vị ở dạng “xóm”: Những không gian đã được phân chia, có chung và có riêng, những khoảng sân đã mọc lên những ngôi nhà. Dãy nhà bồi, căn bếp cũng được chia ra, cất lên thành những căn nhà gác với những không gian riêng biệt, được bao bọc bởi những dãy hàng rào kín kẽ, có cổng sắt, có dây leo. Lối đi rải sỏi năm xưa, nay chỉ còn là một con đường nhỏ ngoằn ngoèo lát gạch thẻ lúc nào cũng nhơm nhớp nước, nó là sự nối tiếp của giao thông công cộng từ ngoài đường lớn, len lỏi vào đến từng ngóc ngách bên trong biệt thự, và trên con đường nhỏ ấy, chị đội thúng bánh mì, cô hàng thịt lợn, anh xe thồ bán chuối hay bà lông gà lông vịt cứ vô tư đi vào mà cất tiếng rao. Bắt đầu từ bao giờ chẳng ai nhớ nữa, có thể là ngay từ lúc những gánh hàng rong trở lại phổ biến trên các ngả đường Hà Nội, và cánh cổng sắt hoen gỉ không bao giờ đóng đã mời gọi những cô hàng rau mạnh dạn cứ thế xông vào. Mới đầu các gia đình thấy cũng tiện, mãi thành quen, rồi đến một lúc nào đó lại thấy nó trở thành thân thuộc, vừa là nhu cầu, nhưng cũng đã hình thành một tình cảm nào đó với nhau, giữa người mua kẻ bán. Mấy bà già có thể mắng mỏ, nặng lời với cô hàng thịt vì một chút cân điêu hay một lời nói thách hơi quá, nhưng là mắng yêu chứ không giận, hôm nào không thấy đến, lại mong…
Sự “công cộng hóa” một không gian riêng biệt như thế tưởng có gì đó thật chua xót, giống như sự tiếc nuối về một điều gì đang tan vỡ mà người ta hay than phiền. Nhưng thực ra, nó là dòng chảy của đời sống, theo một quy luật tự nhiên khó bề ngăn cản nổi. Trong khi việc trả lại cho không gian biệt thự cái chức phận và vẻ đài các, trưởng giả năm xưa còn là một ước vọng thật xa xôi và có phần không tưởng, thì sự tồn tại một cách đầy “ngẫu hứng thời cuộc” như thế cũng không phải là một điều quá đỗi nguy bách, đôi khi nó cũng mang lại cho ta những xúc cảm ngất ngây, những hứng thú từ sự xộc xệch, bộn bề, không sắp đặt. Từ mảnh sân chung con con ngập đầy lá rụng thật gợi trong cái se lạnh đầu mùa, nhìn sang những mảnh sân nhà khác được quét sạch đến không còn một chiếc lá rụng vương lại trên nền, đôi khi cứ cảm thấy trơ trẽn thế nào. Tiếng quát tháo mắng con của ông hàng xóm, tiếng cãi nhau vì một sự tranh chấp vặt, hay tiếng nhạc xập xình quá cỡ trong cái không gian chật chội ấy cũng làm ta bực dọc, nhưng lòng ta có lúc lại được dịu đi bởi tiếng rao dân dã của cô bán bánh mì, tiếng lao xao mua bán, và hình ảnh êm dịu của gánh hàng hoa, hay cái mùi thoang thoảng hương cốm mới từ những gánh hàng cứ phảng phất trong lòng ngõ xóm…, đấy là những âm thanh, những mùi vị thật sinh động và thấm đẫm chất “đời”.
Và cứ
thế, những gánh hàng cứ nhởn
nhơ ngày hai buổi đi về, mang vào
trong lòng cái “xóm biệt thự”
ấy hơi thở của cuộc sống đời
thường đầy chất hứng khởi,
sống động.
Những ngày cuối năm Nhâm Ngọ
Tạ Mỹ Dương
Các thao tác trên Tài liệu