Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Tết, mai vàng và cha tôi

Tết, mai vàng và cha tôi

- Hải Lý — published 16/02/2007 18:00, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19

Tết, Mai Vàng và Cha tôi

Hải Lý


Lại thấy bánh chưng và bánh mứt bày bán trong các cửa tiệm bán thực phẩm của người Châu Á là biết sắp đến Tết và «Xuân đã về» mặc dù mùa xuân ở Châu Âu đến chậm hơn, phải đến tháng ba kia.

Chẳng hiểu tự khi nào «bánh mứt» và «bánh chưng» đã được người Việt xa xứ mang theo trong hành trang cổ truyền của mình mỗi khi đón Tết. «Bánh mứt» thì được chuyên chở từ quê nhà sang, «bánh chưng» và «bánh tét» thì tự sản xuất tại chỗ, chỉ cần nếp, đậu xanh, thịt heo, lá chuối (dù là đông đá) người Việt tha hương đã tự làm «bánh chưng» cho mình, bày bán cho đồng hương, có lẽ cũng không khác gì lắm với cái bánh chưng mà ngày xưa Thái Tử Tiết Liêu đã dâng tặng cha mình, vua Hùng Vương thứ chín.

Và như thế, người Việt tha phương đã tự an ủi : Tết thế là chẳng kém tươm tất ! Thế nhưng, với tôi, Tết xa xứ vẫn còn thiêu thiếu một cái gì đó....

Mai Vàng ư ! Vâng, Mai Vàng.......bên cạnh Lan, Cúc và Trúc, Mai Vàng là nàng hoa quý hiếm chỉ nở vào mùa Tết. Còn xứ Ðức lạnh lẽo nầy, Mai Vàng chỉ hiện diện bằng những cành hoa nhựa, ngày nay đã có một thứ hoa vải mềm mại hơn, màu sắc chân thật hơn thay thế. Ấy là sắc, là hình, còn hồn hoa đâu ?

Nhớ Tết với tôi còn là nỗi nhớ Mai Vàng, nhớ nhà và nhớ Ba tôi.

Ba tôi, chẳng phải nghệ nhân trồng mai chuyên nghiệp nhưng là một tay chơi mai tài tử, điệu nghệ và kỳ công. Từ rất lâu trước Tết, dù bận rộn thế nào, ông cũng để thì giờ cùng với vài người bạn thân thiết, đánh xe một vòng các vườn mai vòng quanh thành phố Sài gòn. Khen chê, bình phẩm, là câu chuyện của các bác với Ba tôi trong bữa cơm chiều tại nhà. Từ Hốc Môn, Bà Ðiểm, có khi lên tận Bình Dương, Sông Bé, ông đi mê mải và ngắm miên man các gốc mai.

Sau khi đã con mắt ngắm nghía, tới lúc lựa chọn, cho tới khi chở Nàng Mai về nhà cũng phải vài ba tuần. Vì thế, Tết đối với chị em tôi, chẳng phải ba ngày, mà cả tháng. Trước khi Nàng Mai về, nhà cửa phải được dọn dẹp, chà rửa sạch sẽ, có năm còn sơn phết cho mới đẹp, còn hơn cả đón dâu về. Sau đó, Ba tôi, cũng chính Ba tôi, đi lựa từng chậu cúc, quất và thọ mang về, như là hoàng hậu Mai mà thiếu các nàng hầu Cúc, Thọ, Quất thì sẽ thiếu nét sang trọng và rực rỡ của Mai vậy.

Mai Vàng về, thằng con trưởng phải khệ nệ khiêng chậu đất thật to, thằng con út phải lăng xăng phụ đỡ khiêng vào, gãy một nhánh nhỏ, rớt một nụ bé xíu, cũng là nguyên cớ cho Ba tôi quát tháo. Má và bọn con gái chúng tôi chỉ đứng xớ rớ ngắm nhìn, ghen tỵ với Nàng Mai. Mà quả thật, những ngày sau đó, buổi sáng trước khi đi làm ông dậy rất sớm, bật đèn thật sáng, lại ngắm và đếm các nụ mai, bao nhiêu nụ còn nho nhỏ, bao nhiêu cái đã lơn lớn hơn một chút. Buổi tối ngắm Mai với Ba tôi mới là lúc ông thật sự thưởng xuân.

Bên cạnh chậu mai to chình chiếm hết cả không gian của phòng khách, Ba tôi và người bạn thiết ngồi đánh cờ tướng, có khích bác kiểu «chiếu xe, bắt tướng» nên bàn cờ lúc nào cũng náo nhiệt, người đánh, người ngồi xem chầu rìa, ai cũng vui. Cờ xong, thì đến họa thơ, năm nào cũng thế, câu thơ lúc nào cũng có Mai, có Xuân, có Tết, có tự tình với nước non và tự trào chính mình. Thơ xong thì đêm cũng vừa đến, thêm một vài nụ mai hé nở, Ba tôi lúc nào cũng nhẩm tính còn bao nhiêu ngày nữa thì đến ngày mùng Một, ông đốt gốc mai, lấy bông gòn thấm nước ấm hay nước lạnh để vào các khe của cành mai để «giục« hay «hãm» mai nở nhanh là còn tuỳ thuộc vào số nụ chưa nở và số ngày nầy.

Ðêm Giao Thừa, sau khi cúng Ông Bà Tổ Tiên xong, Ba tôi lúc nào cũng đốt pháo để tiễn đưa năm cũ và đón chào năm mới. Tiếng pháo dòn tan và mùi khét nồng còn đọng lại của xác pháo, với tôi là hưong vị Tết khó quên. Sáng Mùng Một, Ba tôi lúc nào cũng thức dậy rất sớm mặc dù đêm trước ông ngủ rất ít. Việc đầu tiên là xem Nàng Mai của ông rực rỡ đến đâu, nếu đã được như ý, ông mới kêu con cái lục tục dậy pha trà, bày mứt bánh chưng dọn, thay quần áo đẹp để chuẩn bị đón những người khách đầu tiên, thường là bà con trong họ đến chúc Tết.

«Ðón Tết» của Ba tôi là thế, nhưng nếu không nhớ tới cách «Lo Tết» của ông thì thật là thiếu sót.

Gần giáp Tết ông hay hỏi : «Má mầy đã đi thăm bác L, chú Y chưa ?». Cuối năm mà miền Trung quê ông lũ lụt thì đã có mùng mền, chiếu gối, gạo mì chở ra, chia cho mỗi nhà một ít. Mùa Tết, với nhiều người là mùa của nghỉ ngơi, ăn và chơi, và tiêu xài thỏa thích, nhưng đối với nhiều gia đình, đó là nỗi sợ hãi phải đối đầu của các bậc làm cha mẹ khi nhà không đủ tiền để mua đủ gạo thịt nói chi tới bánh mứt hay quần áo đẹp cho con. Là người vốn sinh trưởng và lớn lên trong gia đình nông dân nghèo, thuở nhỏ thường thiếu ăn, thiếu mặc nên khi trưởng thành và có đời sống ổn định, Ba tôi không chỉ Lo Tết cho riêng gia đình mình mà còn nghĩ đến bà con còn nghèo khó, các cộng sự với ông thời lúc bắt đầu khởi nghiệp cho đến các gia đình nhân công hiện tại có gia cảnh khó khăn.

Năm nay, Tết lại đến, Xuân lại về, mọi người đang rủ rê mời mọc nhau ăn Tết, đón Tết. Hôm qua vừa được nghe kể cậu Út nhà tôi đã lo cho nhà một chậu Mai. Ngày mùng Một con cháu lại xúng xính trong những bộ quần áo mới, tụ về đông đủ để chúc Tết Má tôi, mọi việc vẫn thế, Mai sẽ nở đẹp, pháo sẽ nổ dòn, nhưng trong nhà tôi sẽ thiếu vắng mãi một người.

Và tôi, nơi phương xa, chỉ biết gởi theo gió lời thì thầm hai tiếng : «Ba ơi !»

Mùa Xuân đầu vắng cha, Ðinh Hợi 2007

Hải Lý

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Xuân Đinh Hợi
Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us