Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Thăm chị Thu Lê

Thăm chị Thu Lê

- Nguyễn Ngọc Giao — published 21/08/2023 17:35, cập nhật lần cuối 23/08/2023 09:45


Thăm chị Thu Lê



Trung tuần tháng 8, trời nóng nực, chúng tôi không dám đi nước ngoài, bèn quyết định đi một vòng miền trung nước Pháp, từ đông sang tây, thăm mấy bà bạn già đang ở bệnh viện hay cư xá người cao niên.

Ở Dole, quê hương của Louis Pasteur, chúng tôi tới bệnh viện mang tên nhà bác học, thăm chị Toàn – mà tôi vẫn gọi đùa là “ Mẹ Dũng cảm ” (Mutter Courage, nhân vật của Bertold Brecht) – nằm bệnh viện từ mấy tháng nay, té ngã vì loãng xương. Từ một viên chức Ngân hàng Quốc gia Sài Gòn, chị sang Pháp sống ở Dole hơn 40 năm qua, cùng anh Thông mở một tiệm thực phẩm Á Đông, nuôi mẹ già và hai cô con gái ăn học lên đại học. Anh Thông mất, hai cháu gái sống với gia đình ở vùng Paris, chị vẫn một mình ở Dole trong căn nhà có vườn cây xinh xắn, kể cả từ khi đột quỵ, chị gặp nhiều vấn đề sức khỏe. Nhưng mỗi lần hai cháu ngoại xuống chơi, mỗi lần chúng tôi ghé thăm chị, dù đi lại khó khăn, một cánh tay bất lực, chị vẫn khăng khăng làm bếp để đãi chúng tôi nhiều món, bắt đầu là món xôi xéo buổi sáng. Lần này, nỗi lo của chúng tôi trên đường tới Dole bỗng nhiên biến mất ngay khi trông thấy chị trong phòng bệnh viện. Đôi mắt sáng, nụ cười rạng rỡ, trông chị khỏe mạnh và tinh anh hơn lần trước. Hai giờ trò chuyện, chúng tôi không ở lâu hơn được, vì còn phải về làm bếp bữa tối như đã hẹn với chị bạn chủ nhà ở một làng quê vùng Brionnais cách Dole 160 km. Cuộc gặp ngắn ngủi, không chắc đã sớm có lần sau, nhưng chị và chúng tôi đều vui được gặp nhau.

Ngày hôm sau, chúng tôi đi 500 km về phía tây để tới Niort (thủ phủ tỉnh Deux-Sèvres). Đây là lần thứ tư chúng tôi có dịp xuống thăm chị Thu Lê ở “cư xá những người cao niên”. Những lần trước, chúng tôi chứng kiến vai trò “ngôi sao” của chị giữa những ông bà già cùng tuổi : chị chơi scrabble (xếp chữ) bao giờ cũng vô địch và “hoạt náo” các buổi sinh hoạt văn nghệ, văn hóa. Bây giờ, chúng tôi biết chị yếu đi nhiều, đôi mắt không đọc sách báo được nữa, không chơi scrabble hay mots cachés được nữa, đi lại phải chống gậy : năm tháng nữa, tháng giêng sang năm 2024, chị sẽ tròn 100 tuổi. Anh Lê Thành Khôi hơn chị 8 tháng, năm nay đúng 100 tuổi, ngày ngày ít ra khỏi cái giường, chúng tôi không dám lại thăm, chỉ hỏi tin anh qua anh Long, em trai chị Hồng Anh (vợ anh Khôi).


h1  h2


Thật mừng được thấy chị Thu Lê khỏe mạnh, phải chống gậy, nhưng dáng đứng vững vàng (tuy mất thêm mấy xăng ti mét chiều cao so với lần trước gặp chị). Chị dẫn chúng tôi từ phòng khách sang phòng ngủ để “khoe” cái máy nghe CD. Chị bấm nút : một giọng nữ ngâm Kiều vang lên, bên cạnh là chồng đĩa “Truyện KIỀU”. “Bây giờ chị không đọc được nữa, chỉ nghe sách đọc thôi”. Tôi nghĩ ngay đến cuốn Gánh gánh gồng gồng đã được chính tác giả ghi âm. Chị Xuân Phượng năm nay “mới 93”, thua chi Thu Lê sáu tuổi, cũng là tiểu thư Huế kiêm Đà Lạt, hai chị chắc đã gặp lại nhau những năm 70 ở Hà Nội, khi chị Thu Lê về làm việc mấy năm với anh Nguyễn Khắc Viện ở Nhà xuất bản Ngoại văn. Nhưng để bảo vệ tác quyền, nhà xuất bản Fonos chỉ cho thính giả nghe Gánh gánh gồng gồng qua một ứng dụng đặc biệt. Làm sao chép thành CD để chị Thu Lê nghe hồi ký của người bạn cùng thế hệ, cựu học sinh Đồng Khánh (Huế) và Couvent des Oiseaux (Đà Lạt), đã đi xuyên qua ba phần tư thế kỷ XX và phần tư đầu thế kỷ XXI này ?

Riêng tôi, phải đến đầu thập niên 1960 mới được gặp chị Thu Lê và anh Ngô Hải Thái khi đi tới phong trào Việt kiều tại Pháp. Thuộc thế hệ đàn em, tôi được anh chị đối xử bình đẳng và thân thiện, thẳng thắn như bạn bè. Kỷ niệm thì nhiều, nhưng tôi nhớ nhất hai bài học nhận được từ chị Thu Lê. Một là, tôi đã được chị dạy chơi tứ sắc ở trại hè Port-de-Bouc 1963. Hai là cách làm món ăn “nhà nghèo xứ Huế” : chả giò bắp (chỉ cần xay bắp ngô và hành, nếu muốn ăn chay, thêm chút thịt xay và miến, đánh quả trứng, nếu muốn làm sang). Bấm vào youtube bạn đọc có thể học cách làm đơn giản, nhưng trên youtube, người ta cuộn tròn như chả giò Sài Gòn, mất công làm và mất công chiên. Theo cách làm của chị Thu Lê : gấp dẹp hình chữ nhật (khoảng 2 cm x 3cm) chiên vừa nhanh, vừa đỡ tốn dầu ; tôi bảo đảm thực khách sẽ hài lòng với vị lạ, và các cháu nhỏ sẽ đòi học cách làm như hai cô cháu nội cuả tôi.

Nhưng như tôi đã kể với vợ chồng Jean-Pierre và Agnès trong bữa ăn ngoài vườn trưa ngày 17.8 (với món mắm thái tuyệt vời – một niềm vui của chị Thu Lê là có hai cô con dâu “đầm” đều thích ăn mắm “le poisson qui pue”), tôi nhận ơn chị Thu Lê mấy năm trước khi gặp chị. Tôi sang Pháp mùa thu 1958, với “học bổng Ngô Tống thống” nên được đại sứ VNCH, bác sĩ Phạm Khắc Hy, tiếp riêng. Ông căn dặn tôi : “Sang đây thế nào cũng thèm ăn cơm Việt Nam. Ráng đợi vài tháng, Quốc gia sẽ mở quán ăn Việt Nam, chớ đừng đi ăn Quán Cụ Hồ”. Đúng như lời bác sĩ Hy, “Quán Quốc gia” đã mở cửa ở 80 rue Monge tháng giêng 1959. Nhưng nhờ ông giới thiệu, tôi mới biết Paris có “Quán Cụ Hồ”, và đến “nếm cơm Cộng sản” ở rue Git-le-Coeur gần quảng trường Saint-Michel (sát bờ sông Seine). Quán có nhiều món ngon, đặc biệt là món cá kho dưa giá, nhưng ấn tượng nhất đối với chàng sinh viên từ Sài Gòn qua là tủ sách cho mượn ở ngay cửa phòng ăn : trước tác sử học của những Đào Duy Anh, Trần Huy Liệu, Minh Tranh (mấy năm sau mới xuất hiện “bộ tứ” Lâm Lê Tấn Vượng). Mê lịch sử, mà tôi không dám mượn, vì mượn thì phải ghi tên ; con nhà gia giáo, ghi tên thì phải ghi tên thật, mà đưa tên thật “cho Việt cộng” thì hơi phiền. Phải một hai tháng sau, mới được biết ở phố nhỏ La Huchette (quận 5, song song với sông Seine) có hiệu sách Việt Nam. Tại đây, tôi đã mua được mấy cuốn sách in ở Hà Nội và những cuốn của nhà xuất bản Minh Tân (Paris) : Hoàng Xuân Hãn, Trần Đức Thảo, Đào Văn Tiến... Hiệu sách mang cái tên quen mà lạ : Lê Lợi. Phải nhiều năm sau, tôi mới được biết cái tên rất “anh hùng dân tộc” đó được đặt bằng cách ghép tên hai người sáng lập tiệm sách vào cuối thập niên 1940, đầu thập niên 1950 : chị Thu Lê và chị Lợi (bác sĩ, vợ bác sĩ Lương Phán). Hai chị đã tích cực tham gia việc thành lập Tổng hội sinh viên Việt Nam vào những năm ấy (trụ sở đặt tại phố Jean de Beauvais, quận 5, trông sang Collège de France).


h3


Tôi không có khả năng kể lại cuộc đời và 70 năm hoạt động của chị Thu Lê. Mong rằng trong cuộc họp mặt vào tháng 1.2024 tới đây để mừng sinh nhật của chị, con cháu và bầu bạn sẽ có dịp nghe gợi lại những chặng đường chính. Ở đây, chỉ xin ghi lại một “chi tiết” mà lần này mới biết : cách đây hai năm, chị bị nhiễm Covid-19 khá nặng, phải đưa vào bệnh viện cấp cứu. Chị không chịu ở lại, đòi được đưa về căn hộ quen thuộc của chị ở cư xá cao niên. Agnès, con dâu trưởng của chị, kể lại những ngày khó khăn ấy, đặc biệt những ngày phải dùng máy thở oxy, mỗi  phút tiêu thụ 4 lít oxy. Vậy mà chị đã chiến thắng con vi-rút ác độc, trở lại cuộc sống đầy ắp sinh hoạt của tuổi 99 hôm nay. Trong tai tôi còn văng vẳng tiếng ngâm Kiều :

Trăm năm trong cõi người ta...


21.8.2023

Nguyễn Ngọc Giao





Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss