Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Thăm cõi khác

Thăm cõi khác

- Lê Minh Hà — published 14/11/2018 17:55, cập nhật lần cuối 19/03/2019 14:23

Thăm cõi khác


Lê Minh Hà



Cõi khác dĩ nhiên là cõi chưa thuộc về mình. Là cõi âm. Với người Việt, cõi ấy xa mà gần, tháng nào năm nào ta chẳng khấn vái rước người cõi ấy về, xin lộc của người cõi ấy, mời người cõi ấy cỗ bàn gì rồi cũng ăn thay chẳng thấy cách biệt gì. Thấy làm sao được. Đã nhà ai lúc hương tàn bê đĩa hoa quả cúng rằm mồng một xuống, bê mâm cỗ tết xuống mà thấy thiếu đi một đôi ba quả chuối quả cam hay đĩa xôi bát miến vẹt đi phần nào chưa?


Người đã khuất với chúng ta không cách biệt gì, là người một nhà. Ông bà mẹ cha từng chăm bẵm yêu chiều ta mà thành gần gụi thì đã hẳn. Đến cả cụ cố tổ mấy mươi đời, đến cả đứa trẻ mới bò ngang dọc được mấy vòng trên quả đất này đã bỏ đi rồi, cháu con anh em chả ai biết mặt cũng dường như không hề xa lạ với người còn sống. Thế nên họ, dù có linh thiêng đi mây về gió ngao du ở những biển trời nào thì ta – kẻ sống – cũng phải triệu về vào những ngày lễ tết. Không thế, lòng không yên, không yên thì không vui. Thế nên, đôi ba khi trong lúc đang làm đủ các lệ bộ khẩn cầu thành kính cùng với mọi người, tôi bất giác phì cười: Khéo người mình đang cúng cầu đây đã hoài sinh những mấy kiếp rồi, khéo đang tung tăng trên mặt đất này trong bộ dạng của một chàng trai cô gái mà nhìn họ mình chỉ có thể nghĩ rằng mấy mươi năm trước mình cũng thế, trẻ nhất ở đâu đó phố hay làng. Bởi, do, vì thế, mọi lệ bộ cúng quảy theo truyền thống Việt nghĩ cho cùng chỉ là xây thêm một bức tường tự bảo vệ, người khuất không được khuất mình, phải tiếp tục che chắn, giữ bình an cho người còn sống. Đời sống ngàn đời „sáng chắn bão giông chiều ngăn nắng lửa ngăn bước quân thù phía Nam phía Bắc“ (Tạ Hữu Yên) dường như chưa bao giờ làm người Việt mình thôi bất an. Người đã khuất tiếp tục được sống trong nỗi nhớ theo một cung cách rất ta, gần đến mức hoang mang dù xa suốt kiếp. Ví như ngày này đây, năm cùng tháng tận, các cụ cùng những người đã khuất trong gia đình có dung dăng dung dẻ ở đâu đâu thì cũng phải thu xếp để về ngự trên bàn thờ nhà cháu con, trong niềm tin của cháu con.

Thế thì phải làm cho các cụ yên tâm về nhà cửa cõi ấy mà làm một chuyến đi xa, trở về và ở lâu lâu với thế gian, phải có nhời thỉnh các cụ về chứ!

Ở nhà quê, đấy là dịp người ta đi tảo mộ.


Tây cũng tảo mộ chứ bộ. Trước giáng sinh, trong siêu thị, ở các hàng hoa, thường thấy chồng chất cành thông bó thành từng bó dẹp dẹp, hoặc những vòng hoa chủ yếu cũng làm từ lá thông tươi quả thông khô, cài cắm nến sẵn. Người ta mua ào ào, để đặt trên / bên mộ người đã khuất. Cũng có người mua hoa tươi, hoa cẩm chướng, đỏ, vàng, cánh như viền ren sẫm, thuở nào mới xuất hiện ở Hà Nội con gái mười sáu mười bảy rất hay được tặng, có chàng trai hào hoa còn véo lương còm đặt nguyên cả lẵng ngượng nghịu trao đi, không biết là đang tặng cho cô gái mình ầu ơ ví dầu cả một niềm hãnh diện. Giá mà khi ấy biết hoá ra hoa ấy ở đất này lại là hoa người ta tặng cho ma. :-)


Thăm mộ trước giáng sinh là thủ tục của thổ dân nơi tôi sống, nhưng không chỉ là thăm mộ người trong gia đình mà còn là người thân thiết từng chia sẻ buồn vui, vậy chưa khác ta mấy. Ta, có những người không bao giờ quên đồng đội tuổi hai mươi nằm lại với sao trời, năm nào cũng giỗ vọng nhau, ta, có những tình nhân không được trọn đời là đôi lứa, cũng ngày này về bên nhau tìm nhau trong gió, không nhiều nhưng không phải là không có. Nhưng cái này thì một trăm phần trăm ta khác tây: Hỏi rồi, tôi chưa nghe ông bà anh chị mũi lõ nào kể rằng họ mời người đã khuất về vui xuân cùng cả.


Về để ăn. Ăn tết. Tội nghiệp! Người sống phải thắt lưng buộc bụng ngàn đời, nên lúc nào cũng thương lo người ở thiên đường đói hay sao ấy. Khoảng này đây, đất Bắc rét tê tái, xong vụ mùa rồi, lúa chiêm cấy rồi, thấp thỏm gì về chuyện có làm liệu có được ăn cũng gạt ra một bên, được ngày, đàn ông trong họ vác cái cuốc lên vai ra đồng tảo mộ. Thực cũng chả có việc gì nhiều, giẫy cỏ quanh chân mộ, nhổ bớt chân hương đốt trong năm, châm lửa cả bó hương to cắm trên mộ người nhà mình rồi thì thào mời người dưới mộ về ăn tết. Đoạn thắp hương này bao giờ cũng làm tôi đứng xem cùng lũ trẻ chăn bò phải nín thở. Đốt không khéo bó hương gặp gió bốc lửa đùng đùng không kịp dụi bớt. Phải lựa chiều gió, chúi đầu vào nhau châm lửa, vớ vẩn là ông bố mắng ông con, rồi lúc cắm được hương lên mà lúc đó hương lại cháy thành lửa ngọn thì mới cùng nhau hỉ hả rằng người về rồi đấy.


Nhưng cũng có những nhà đi tảo mộ chỉ thấy đàn bà vác cuốc ra đồng. Dáng đàn bà khom mình giẫy cỏ, dáng đàn bà ngồi lặng lẽ bên một ngôi mộ tươi giữa bãi tha ma đầy phân bò khô ngày cuối năm, bao nhiêu lần tôi đã thấy trong tuổi bé. Chiến tranh. Tản cư. Chiến tranh. Sơ tán. Ngày cuối năm tôi theo bà tôi ra đồng. Ở gần sân kho hợp tác là nghĩa trang liệt sĩ. Ở đó có mộ ông tôi. Ông không nằm dưới mộ. Bao nhiêu người đàn ông của xứ sở mình như ông tôi? Mộ ở nghĩa trang không phải là nấm đất cứ sụp dần theo thời gian mà được xây, có người chăm sóc, gọi là tảo mộ chứ bà cháu cũng chả phải làm gì. Bà đứng nghiêng chiều tháng chạp, dáng đứng của người không quen gánh gồng. Ba mốt tuổi bà tôi goá chồng. Những năm tháng tôi còn nhớ ấy bà tôi đã sống không có ông hơn ba mươi năm rồi, còm cõi dần trong nghĩa vụ với con với cháu và trong một niềm kiêu hãnh chỉ có người thời giông bão ấy mới hiểu nổi, rằng đã lo được cho mình một cỗ quan tài. 

Bà tôi giờ cũng nằm ở đồng làng, lảnh hẳn khỏi bãi tha ma của làng mà vẫn gần được mộ gió của ông tôi . Mấy mươi năm rồi tôi không về được đi tảo mộ bà, chỉ có thể thăm bà đôi ba năm một lần, toàn vào mùa hạ. Bãi tha ma xưa xa mộ bà là thế mà giờ phình ra, mộ bà lọt thỏm giữa bao nhiêu là mộ khác. Năm từng năm, người làng di dần ra đó sống cùng người chết. Vừa rồi tôi về, thấy một ngôi mộ mới được xây lại cực kì hoành tráng chắn ngay cửa sổ một ngôi nhà và bãi tha ma mới được quy hoạch theo dòng họ. Giời đất ạ. Mạnh nhà nào nhà ấy chiếm, rồi xây tường quây lại. Người sống chiếm đất cho người chết, bắt người chết chen lấn nhau, đạp nhau, húc nhau, chành chọe đấu đá nhau. Đúng thật: dương sao âm vậy. Chênh vênh trên bức tường xây con kiến, chỉ sợ nó đổ sập bất thần, ngóng tìm mộ bà dưới trời nắng như nung 44 độ, tôi nghe Thuận Paris Chinatown gọi, rồi kể liên tu về sự vừa đi thăm mộ bên nhà cụ Trần Dần, đất ở của người âm cũng tăng dân số y như là chỗ tôi đang đứng đây, như là nơi tôi về hôm trước thăm mộ ông bà nội bọn trẻ con. Không dưng tôi thèm ngọn gió cuối mùa một ngày hanh hao, và băn khoăn: nơi người chết vẫn phải sống này còn chỗ cho gió thổi?

Mẹ tôi an cư ở cõi kia cũng không xa chỗ bà. Yên Kỳ, chạy xe đường mới ôm một vòng Ba Thá Đồng Tâm Sơn Tây Trung Hà là tới. Quê Tản Đà đấy, hàng mấy chục năm rồi đã thành thiên đường của những người Hà Nội biệt dương gian. Chẳng bao xa, nhưng thời buổi có cái xe đạp săm lốp nan hoa dây phanh tử tế đã là cả gia tài nhớn, người Hà Nội đi tảo mộ ở Yên Kỳ nhiều năm trước phải theo kế hoạch điều động xe cộ của nhà tang lễ Phùng Hưng. Ra giêng thì đi. Có nhà túm tụm đông đúc. Có nhà nhõn một người ngơ ngác. Xe dừng, người người ào xuống, quần áo chỉnh tề một sắc âm trầm đóng dấu một thời cái gì cũng có trừ sự đủ. Đồ cúng mang đi nhiều thì con gà luộc, đĩa xôi to, rồi mứt tết còn dành lại, rồi hộp bánh quy, thêm nải chuối quả cam, rồi hương rồi vàng mã, mỗi nhà mỗi khác. Nhưng nhà nào đi tảo mộ cũng ôm theo chục hoa huệ ta bọc kín lá dong giềng, không thì phải toòng teng một gói hoa cúng trong có hoa đơn đỏ, cúc vạn thọ vàng, búp huệ trắng xanh và hơi mưa xuân. Cần thêm gì thì xuống xe cũng có thể mua: bao diêm, chai rượu bé tin hin, vàng hương, chuối xanh, và trứng luộc, cho cả người chết lẫn người sống. 

Người của cả một vùng núi Tản sông Đà vang danh văn hóa ấy sống nhờ vào người chết. Có dạo, cứ xuống khỏi xe bus là thấy bao nhiêu người vai mang cuốc, mặt vừa thân thiện đấy đã có thể ngoắt một cái đổi qua đe dọa ép buộc. Họ bán trứng luộc, vàng hương, những thứ đồ cúng đáng ngờ và làm nghề sửa mộ, rồi sau này thành cò kiếm việc cho mấy tay thợ làng nhận xây mộ. Chẳng cần gì vẫn cứ phải thuê họ, cúng luôn cho họ một phần đồ cúng mang theo, nếu không, hương tàn, vừa chia tay người đã khuất để về lại với đời dương thế là mộ người thân bị vạc ngay bằng một nhát cuốc hết mình mà chả thấy ma nào nhà mình làm được gì đáng coi là trừng phạt. Sự thể đáng buồn đến độ có một dạo công an Hà Nội phải ra tay dẹp loạn. Những người đã khuất cứ việc rì rầm trong lòng đất, trong văn trong thơ, nhưng có thời tìm được người nghe khối ra đấy. Chả biết cụ Tản Đà có buồn lòng vì người cùng quê và có coi đấy cũng là biểu hiện „dân ai người lớn nước vẫn trẻ con“ không? Nhưng tôi rất buồn. Buồn cảnh hai chị em tí tuổi mồ côi mẹ năm từng năm quắp nhau đi thăm mẹ. Buồn cảnh anh thanh niên năm nào cũng một mình đi thăm ngôi mộ gần mộ mẹ tôi. Buồn cảnh có ngôi mộ chỉ loeo ngoeo mấy chân hương lẻ do người đi thăm mộ gần đó cắm, chả khi nào thấy dấu vết của hương hoa, của bàn tay người sống cúng bái bao giờ. Buồn nhất mưa xuân, năm nào ngày này cũng đùn xám trời xám đất và người lãng đãng vật vờ giữa nghĩa trang mênh mông chả khác gì ma sống. Cảm giác duy nhất về sự sống thật bất ngờ: lại do những hàng cây bạch đàn trắng bạc từ thân tới lá và những con bò len lách gặm cỏ xuân mang lại.


Bây giờ vùng trung du này còn lắm ma hơn và người sống ở đây nhờ ma đã kiếm ăn một cách quy củ, tức là biết kính trọng người đã khuất, và sống tốt. Có người đàn bà mà chị em tôi vẫn tin cậy nhờ chăm sóc mộ mẹ tôi làm nghề này từ thuở bé tí teo nay đã có con vào đại học. Yên Kì mở rộng thành nhiều khu, xuôi đôi ba cây về Trung Hà lại còn một nghĩa trang khác „Công viên Vĩnh Hằng“ nghe nói rất đẹp, nhưng hình như đất định cư vĩnh viễn ở đó cũng không rẻ gì. Tôi mấy lần định vào đó sau khi thăm mẹ, cốt nhìn xem nhà cửa người âm có gì khác Yên Kì không? Ở Yên Kì, giờ người chết không bình đẳng dưới những tấm ốp bê tông chuẩn hóa như ngày xưa nữa. Người trên dương thế không thích bình đẳng, chỉ thích hơn nhau, hơn nhau cả ở quy mô mồ mả của thân thích. Mạnh nhà nào nhà ấy xây, đá rửa đá hoa cương, mái bằng mái chóp, tường vàng tường hồng, cao cao mãi, chân các nấm mồ bành ra mãi, sát vào nhau. Người chết đi mây về gió, thăng thiên rồi có thể độn thổ chẳng nói làm gì, nhưng người sống mà đi thăm mộ thì chỉ còn có độc một cách là giẫm lên những nấm mồ hàng xóm của người thân đã khuất nhà mình, chổng mông vào một tấm bia hoành tráng nào đó mà khấn vái. Dương phải thế này thì âm có buồn không?


Rất nhiều năm tôi không còn đi tảo mộ mẹ tôi lúc giêng hai. Bây giờ đi thì không khó nhọc như ngày xưa nữa. Chỉ cần một chuyến taxi, vèo cái ngược trung du rồi vèo cái lại về với phố. Giêng hai thì vẫn mưa xuân. Nhưng giờ, nghèo tới mấy cũng có thể sặc sỡ nhờ áo quần vải vóc hàng Tàu, chắc không còn cái cảnh thắt lòng thắt ruột, người tảo mộ trang phục một màu ảm đạm, nhốn nháo vật vờ như ma sống giữa lớp lớp những nấm mồ.


À mà không, ngày đó cũng không phải lúc nào cũng thế. Có một lần đi thăm mộ mẹ, tôi lên xe bus cùng với một đại gia đình nhìn thoáng đã biết là dư ăn dư để và có tiếng nói ở đời. Họ đi lại khoan thai, trò chuyện khoan hoà, ai cũng kính cẩn trước một cụ bà phương phi. Cụ bà mặt tròn da trắng, khăn vấn nhung the, áo bông gấm mờ, dáng rất ngầu: ngồi đầu xe quay mặt xuống đám người nhà chắc là con cháu, nựng một đứa bé tròn quay trong bu dông, mắng một ông măng tô dạ, mát mẻ một bà chắc là vợ ông kia, rồi, quá bất ngờ: cụ rút trong túi áo bông chần ra một mảnh gương nhỏ nhỏ cùng thỏi son bình thản tô môi.

Bất chợt tôi thấy ông tôi, bà tôi, mẹ tôi, và Hà Nội, một Hà Nội tôi không sống, không bao giờ được sống, của ông bà tôi, của mẹ tôi.

Bất chợt tôi biết mùa xuân đã ở sau lưng tuổi mười sáu của mình và mùa ấy sẽ quay trở lại bất kì khi nào tôi muốn.

Lê Minh Hà

Berlin 15. 01. 2019


Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: truyện - ký, Giai phẩm Xuân 2019
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss