Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Tháng này mít nhỉ?

Tháng này mít nhỉ?

- Lê Minh Hà — published 14/07/2015 14:10, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:20

mitTháng này mít nhỉ?


Lê Minh Hà



Nho, táo, lê, dâu dất…không phải là mùa nào thức ấy, mà là thức mùa nào cũng có thể ăn nơi này. Thế nên có thỉnh thoảng thèm nhạt thì chỉ thèm nhạt những thứ phải đúng mùa nào thức ấy. Tạng riêng, không hiểu sao tôi chỉ đặc biệt thích rau quả mùa hè, mà phải là rau quả Việt của những mùa hè Việt


Tháng này mít nhỉ?

Chẳng được như bà con Việt ở Cali, mít rẻ quá chừng là rẻ, đâu như là mít nhập từ xứ Mễ sang xứ Mỹ, nhưng ở châu Âu kể có quá thèm cũng không phải là không chiều được cái mồm. Mít với sầu riêng Thái siêu thị Tàu đều có bán, có quả tươi và có múi đã tách để ngăn đá. Thế nhưng mà tôi chưa bao giờ mua. Cũng chẳng định mua. Mít mà chỉ hai mình ngồi lấy nĩa chọc từng múi đưa lên miệng trong trời đất âm u chỉ mười mấy độ như chiều nay thì còn gì là mít.

Mít các cụ bảo ăn vào thì nóng, thế mà phải trời nóng mới nên ăn. Thức quả ấy thế mới đúng mùa đúng vụ, và thứ gì đúng mùa đúng vụ chả ngon, đã đành. Hơi nóng trưa hè còn làm cho mùi mít nồng nàn hơn, có thế mới thành ra thèm nhớ.

Hai cuộc chiến tranh đánh phá làm cho tuổi thơ tôi thiếu mẹ, vừa ti toe rời nơi sơ tán về lại Hà Nội chả được mấy ngày thì mẹ mất, nên quả mít và vị mít của tôi không có hình bóng mẹ tôi. Chỉ có bà. Bà cắp cái thúng nhỏ đi chợ phiên, đứng bóng rồi mới về, lệch người vì đủ thứ rau quả cá mú vừa mua. Con em họ cùng ở với bà nhảy chân sáo từ bờ đê về hí hởn bà mua mít. Mít đâu? Sau lưng bà có người mang mít thật. Lúc thì là một bác gái sồn sồn chả biết người làng nào gánh hai cái thúng, một thúng chềnh ềnh quả mít, một thúng là đồ đoàn mới mua sắm từ chợ. Lúc lại có chú thanh niên choai choai đi xe đạp thồ hai sọt, sọt đựng quả mít, sọt thu lu cái rọ đựng lợn con. Bà xăm xắn hạ cái thúng đi chợ xuống đầu thềm, giục cháu rót nước mời khách, khách đàn bà còn giữ lại ăn một khẩu giầu, chuyện vãn một hồi rồi bà mới móc tiền ra gửi cho khách về. Lần nào người bán khuất dạng rồi bà cũng kể mua mít vì người ta chèo kéo, lại thấy người ta còn độc quả mít vẹo, nể tình, mua cũng là để người ta về cho sớm chợ, tiện đường người ta lại quảy về cho.


Quả mít bà đặt nằm ngay chân cái cột xoan kê trên tấm mễ đá xanh mấy đứa cháu hay ra ôm rướn người lên tự đo xem cao bao nhiêu. Giờ, cả lũ ngồi xổm quanh quả mít bắt chước người lớn xoè tay ếch vỗ bộp bộp rồi phán nhăng ăn được rồi. Bà vần xong nồi cơm đi từ bếp ra mắng ngay làm sao được. Chiều muộn cơm nước xong bà vác con dao bầu ra chặt một khúc nhỏ cành xoan gãy rấp góc vườn về dựng ngược cán dao đóng thụt vào ngay chỗ cuống. Có mỗi cái nõ xoan nhỉnh hơn ngón tay thọc vào mà hay thật, chỉ trưa trưa hôm sau trong gió nóng mùi mít đã thơm lừng. Quả mít to, bà ới qua hàng rào mời nhà hàng xóm. Thường cô Cẳm có nhà là cô tươi bưởi chạy sang, xuýt xoa bác mua quả mít này khéo thật, mít vẹo mé này mất múi nhưng múi sẽ to, rồi cô săm soi vần quả mít sờ gai, đoán mít dai hay mít mật. „Người ta bảo mít dai, bác cũng chẳng nhìn ra dai hay mật, mua cho người ta về, còn mỗi quả mít vẹo phơi mặt ngoài chợ chả biết đến bao giờ.“

Ngày ấy người ta mua bán thật lòng đến thế. Bảo mít dai đúng là mít dai. Tôi thường được cô Cẳm sai chạy ra đầu hồi nhà hái lấy mấy cái lá ngái về lau bớt nhựa mít. Cây ngái không lấy gì làm chót vót, lá to như bàn tay, nhưng cao quá khả năng tôi, mà tôi thì thuộc loại vừa không mang phúc vừa lắm tội, vì chẳng biết lội cũng không biết trèo. Loay hoay với cái cù nèo hái bưởi một hồi thì tôi cũng mang được một xấp lá ngái về và bao giờ cũng bị cô Cẳm mắng cái con Hà Nội này chậm rề rề. Vì cái lúc tôi vào nhà với xấp lá ngái thì cô đã phanh xong quả mít. Bàn tay con gái nhà quê cầm con dao bầu ấn xuống, quả mít tơ hơ thành mấy tảng to đùng, vàng ươm, bày trong hai cái sàng lót lá chuối tươi. Ấy thế mà không hiểu sao lần nào cô cũng bắt tôi đi hái lá ngái về để chẳng làm gì mới lạ.

Ngoài sân nắng hoa mắt, đứng gió đến không một bóng lá nào xao động, con cồ cộ trỗi giọng trên ngọn xoan đầu ngõ y như kèn đồng mà không đủ sức làm cho ả gà mái đang xềm xệp nằm trong cái hũm ở gốc chuối giật mình, trong này, một lũ trẻ con hăng hái moi móc thọc bóp. Ăn mít là phải thế, phải được cùng nhau vần xoay nguyên miếng lớn. Bà nếm qua một múi cô Cẳm đưa mời, rồi để riêng một góc quả mít vào cái rổ đậy miếng lá chuối lên, rồi phảy tay bảo mấy cô cháu chúng mày ăn, bà ăn mít nóng trong người lắm, có khéo mời lắm thì bà mới ăn mấy miếng xơ cái, lại rằng thì là bà thích, nó dai dai không quá ngọt. Chao ôi, tuổi non dại làm người ta ích kỉ ngây ngô thế, những đứa trẻ đã một lòng tin lời bà, bổ mít lại còn giành nhau mời bà ăn xơ.

Cô Cẳm cũng ăn rất ít. Như thể cô sang chỉ để giúp mấy bà cháu khỏi phải đánh vật với quả mít to đùng. Lúc cô về, có giãy nảy cháu chẳng cháu chẳng thì cũng phải cắp theo cái rổ mít bà bảo cô cầm về bên nhà ăn đỡ.


Tôi đã có rất nhiều buổi trưa vần xoay bên những sàng mít chín như thế ở quê xa. Thường thì bữa mít diễn ra bình an mà kết quả là những cái bụng trẻ con tròn vo và những bàn tay đầy nhựa mít. Nhưng có một lần quả mít vừa bổ ra thì máy bay Mỹ xẹt ngang, tiếng nổ tăng tốc làm rung chiều xanh, cả lũ hấp tấp đẩy nhau lao xuống cái hầm chữ L đào ngay mé vườn. Lúc quay trở vào, thấy một lũ ruồi đang vè vè quanh cái thúng úp giữa nền nhà. Thế nào mà bà vẫn kịp phủ lá chuối lên quả mít vừa bổ và úp thúng ngăn ruồi trước khi xuống hầm cùng lũ cháu.

Sau này về lại phố, lớn lên, mùa mít, lên cơn thèm là cả lũ góp tiền rủ nhau ra đằng sau ga Hàng Cỏ hay ra bến xe đón xe từ thành Sơn xuống. Vô thiên lủng mít người ta buôn về. Hỏi mít mật hay mít dai, cũng tâm niệm gai nhỏ và đều thì là mít mật mình không thích, nhưng cứ định mít dai là y như rằng bị người ta đẩy cho quả mít mật. Chẳng bằng ra hàng mít, chờ người ta bổ, thấy quả nào múi với mùi ưng ý thì đòi nếm rồi mua lấy một phần mang về. Ăn mít, có cái quạt tai chuột lờ đờ phe phẩy trong tiếng ve quen như là đang rất im, bỗng chốc thương bà, thương dáng bà đi chợ trưa về, thương cánh tay bà cố đưa cái quạt nan trên đầu lũ cháu hớn hở bên sàng mít, thế mà rồi bà chẳng chờ được đứa cháu nào mua quà biếu đã xuôi tay.


Tôi vẫn còn nhớ bà dạy làm sạch nhựa mít bằng cách thọc tay vào thạp gạo mà chà, và làm tiêu bụng mít bằng cách chạy ra bờ đê nhào xuống sông mà vùng vẫy. Nhưng mà ở đây tôi không mua mít. Và ở kia, Hà Nội, nơi tôi về, cũng không.

Mùa này đây, có rất nhiều xe đạp bán mít rong. Mít đã bổ thành từng miếng vuông vắn, bọc màng nilon che bụi và ruồi muỗi. Nom ngon và sạch lắm, từng miếng cắt gọt khéo lắm, múi ra múi ưỡn vàng ươm, nõn nà. Nhưng cứ định mua là bạn lại bảo muốn chết à, toàn mít tiêm hóa chất, chờ đấy tao mua ở hàng quen cho mà ăn.

Nghe thế là giật mình. Chết tôi không sợ, nhưng ăn uống trong cái cảm giác lo lắng lúi xùi nhem nhuốc ấy thì tôi không thích. Bạn bảo bạn có hàng quen? Triệu người mua có mấy hàng quen? Thế những hàng không quen này bán cho ai? Cho người không quen hay cho những người quen khác, hay là cho những người thiếu độc hàng tiền chẳng được phép cảnh vẻ mà chê bai lựa chọn? Cứ lảo đảo đèn cù với nhau như thế này ư? Sao không để quả mít là quả mít, đóng cho nõ một cái nõ xoan gầy. Sao không cho nó cứ là nó mít mật mít dai để người thèm ăn tha hồ moi móc thọc bóp!

Ví dụ như là tôi. Tôi có cần gì hơn đâu ngoài một cảm giác vơi đầy.

Ấy là cũng nói vậy thôi. Rồi ai chẳng như ai, ăn hay không ăn, chết thế nào cho đẹp dáng cũng chẳng còn lúc nào mà cân nhắc. Thế rồi lại hùng hục sống. Nhưng đời nào cũng vậy, cứ nảy nòi ra đôi ba kẻ đang hùng hục lại đâm chạnh lòng, sau đó thì rất khó lấy lại tốc độ hùng hục cũ.


Berlin 14.07.2015



Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Galerie BAQ: Lêna Bùi 12/09/2024 - 02/11/2024 — 15 Rue Beautreillis, 75004 Paris
Indochine: 70 ans après les Accords de Genève 21/11/2024 16:00 - 18:00 — BnF site François-Mitterrand, Quai François Mauriac, 75706 Paris Cedex 13
Les Accords de Genève, espoirs et désillusions au cœur de la guerre froide. De l’indépendance à la division du Vietnam 11/12/2024 16:30 - 18:00 — Bibliothèque François-Mitterrand, Quai François Mauriac - 75706 Paris Cedex 13
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us