Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Thánh nhân trong Thảo Cầm Viên

Thánh nhân trong Thảo Cầm Viên

- Hậu Hiền — published 27/10/2021 12:00, cập nhật lần cuối 26/10/2021 20:30



Thánh nhân trong Thảo Cầm Viên


                       

Hậu Hiền




Thân tặng các bạn Sài gòn những năm 1965/66


“ Các em là tương lai của đất nước ! Các em được cha mẹ cho đi học trường Tây để có điều kiện tốt nhất phát triển tài năng của mình học cái hay cái đẹp của thế giới rồi sau này đi du học ngoại quốc. Nhưng các em đừng bao giờ quên mình là người Việt Nam, máu đỏ da vàng, các em đừng quên hàng triệu đồng bào đang trông chờ vào tuổi trẻ Việt Nam trong đó có các em để xây dựng một đất nước hùng cường một xã hội ấm no cho mọi người đặc biệt cho người nghèo. Các em nên nhớ chỗ đứng các em là trong lòng dân tộc chứ không phải làm tay sai cho ngoại bang, dù là Tây hay Mỹ ”.

Nói xong, anh sinh viên sôi nổi bừng bừng xin lỗi thầy Tr. đã làm gián đoạn lớp học rồi chạy ra phía cổng trường Jean Jacques Rousseau nơi nó học, trèo mau ra ngoài hoà nhập vào đoàn sinh viên học sinh đang biểu tình « chống ngoại bang can thiệp vào nội bộ miền Nam ». Nó nhớ năm đó là 1965. Tình hình miền Nam càng ngày càng xáo trộn, ngày nào Sài Gòn cũng có biểu tình, chống độc tài, chống ngoại bang, bảo vệ văn hóa dân tộc, Phật giáo Ấn quang, Công giáo Hố Nai... Trong lớp nó có mấy thằng Th., Đ. nhỏ, Đ. lớn cũng ra vẻ quan trọng bàn bạc phê bình thời sự còn mấy thằng khác tụi nó chả thèm để ý đến mấy chuyện nó gọi là « trời ơi đất hỡi », học xong lo đi chơi, đi tắm ở Xeẹc, thứ bảy đi xì bùm. Nó và mấy thằng bạn thân của nó, thằng H. « ruồi », thằng Q., thằng V., thuộc loại dở dở ương ương, chả phê bình thời sự cũng không xì bùm hay là nửa nạc nửa mỡ như nó, lúc thì nhập bọn này lúc theo bọn kia tùy theo ngẫu hứng. Tụi nó hay tụ tập nhà thằng H. « ruồi » tập tành uống bia, hút thuốc lá Salem rồi thổi khói cho đầy chai Coca Cola. Nhà H. « ruồi » bên cạnh cầu Công Lý, H. « ruồi » kể lại cách đây mấy hôm, anh nó và mấy người bạn sinh viên Y Khoa rủ nhau đi nghe một nhạc sĩ có cái tên lạ hoắc hát nhạc phản chiến ở cái trường Thanh Niên gì đó của Thích Nhất Hạnh. Lời hát nghe rất lạ, không có hoàng hôn, chiều tím, biệt ly, sầu đông… mà toàn là da vàng, nô lệ, quê hương, thịt máu xương, mẹ và em… Ngày hôm sau, có hai thằng H. « lùn », T. « lèo » rủ nó đi chơi đàn điện kích động nhạc trong ban nhạc « Les Misérables » của tụi nó, nó theo ngay, nó cứ mê mải chơi bài Apache đến sưng cả ngón tay, rồi thả hồn theo Sleepwalk trong vòng tay học trò trường đầm mềm mại. Vài hôm sau trong khi hai thằng H. và T. hú hí với đào mới cua được thì nó đi lủi thủi một mình nghêu ngao hát Françoise Hardy « Oui mais moi je vais seule, dans les rues l’âme en peine ». Từ đó, nó lại mơ về người


Em ngồi đây tóc ngắn,
Mà mùa Thu dài lắm ở chung quanh


trong thơ Nguyên Sa, lần đầu tiên thằng Q. đọc cho tụi nó nghe. Hay là nó và mấy thằng bạn nó « sinh nhầm thế kỷ », sinh nhầm thế giới ? Đáng lẽ tụi nó phải đuổi theo những « tà áo trắng trinh nguyên » những mái tóc thề trên những chiếc xe đạp đơn sơ lúc buổi chiều « em tan trường về » chứ đâu phải « lạng cút » vất vả theo mấy xe hơi lộng lẫy đưa đón các cô nàng « về dinh » ? Those were the days my friends ! Thằng H. “ruồi” nó hay hát bài này.



Đến ngày tựu trường năm đó, hai giáo sư Việt văn trẻ tuổi xuất hiện. Cả trường xôn xao. Hồi nào tới giờ, ngoài các giáo sư Tây đầm, chỉ có mấy ông giáo sư Việt Nam già hay trung niên nghiêm khắc, vào lớp lúc nào cũng dọa dẫm học trò, học thì chỉ đọc và chép như cái máy, ngoại trừ ông B. thích kể chuyện « bá láp » không khí còn dễ chịu. Lớp nó và hai thằng H. và T. được một trong hai giáo sư trẻ dạy Việt văn, thầy D. Tướng thầy cao lớn, trắng trẻo, đẹp trai, nói giọng Bắc sang trọng, nếu lớp nó có con gái chắc cô nào cũng phải mê tít thầy. Thầy xưng tôi gọi học trò bằng « anh » làm đám học trò hãnh diện lắm, thấy mình được làm người lớn, thoát khỏi cái kiếp làm « em ». Thầy dạy văn học Việt văn, thơ văn Tú Xương, Nguyễn Công Trứ, Bà Huyện Thanh Quan… nó nhớ nhất hai câu thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm thầy tâm đắc hay đọc :


Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ.
Người khôn người đến chốn lao xao


Chắc thầy vẫn ôm ấp giấc mơ Nhàn trong những ngày binh lửa nhiễu nhương. Tụi nó nghe thầy giảng thơ khoái quá, thằng nào cũng nổi hứng ta đây cũng biết sáng tác nhưng rồi chỉ có mỗi thằng H. « lùn » nó làm bài thơ tuyệt cú mèo được đăng trên báo Ngôn Luận: 


Hồi tưởng thủa nào bé tí teo
Bây giờ đã lớn dám chơi trèo
Khi xưa mẹ bế, tay đòi kẹo,
Giờ đã đầu to, áo có eo.
Quần túm, giầy cao, tay xách bóp.
Môi son, mắt xếch, khối chàng theo.
Cô ngồi trên chiếc xe con ếch.
Gớm nhỉ ra cô đã có mèo !


Nó cũng hứng chí làm bài song thất lục bát « con cóc » nói về thầy mà không dám đưa ra :


Áo Nin Phăng xốc xếch đi
Quần Téc gan mốt Pa ri đắt tiền
      Giày I ta lị có viền
Đúng là một bậc bạch diền thư sinh !


Học đến kỳ nghỉ cuối năm, thầy tổ chức cho hai lớp, lớp nó và một lớp trên, đi cắm trại pic nic ở vùng ngoại ô Sài Gòn, hình như gần suối Lồ  thì phải. Thầy lo tất cả mọi thứ, thuê xe chuyên chở học trò, chuẩn bị bánh mì thịt, nước ngọt, đàn hát… cho hơn năm chục mạng sáng đi chiều về, đám học trò thích lắm, thuở cha sinh mẹ đẻ, chưa bao giờ có thầy nào cho bọn nó có một chuyến đi chơi để đời như vậy. Không khí lớp học vui vẻ ấm cúng chưa từng thấy. Vậy mà… vào một ngày cuối năm học, không nhớ vì lý do gì, chắc vì mấy thằng ngồi hàng phía sau « xóm nhà lá » nói chuyện xì xầm không nghe thầy giảng, thầy bực mình, đập rầm một cái trên bàn rồi lớn tiếng nói :

“ Các anh sung sướng lắm ! Các anh thuộc thành phần khá giả, được cha mẹ cho đi học trường Tây, học cái hay cái đẹp của xứ người rồi xong Tú Tài xuất ngoại du học hết ! Trong khi đó các bạn đồng lứa của các anh kém may mắn hớn, học trường Việt, trượt Tú Tài, phải đi lính làm bia đỡ đạn, đi đánh giặc về có người cụt chân cụt tay, có người nằm trong áo quan. Các anh không thể sống một cách vô ý thức được ! Các anh là người Việt Nam, các anh phải cùng hứng chịu những nỗi đau khổ của đồng bào của mình ! Các anh không có tinh thần quốc gia ! ”.

Nói xong, thầy nghẹn lời trong cơn xúc động. Trong lớp im lặng hẳn, nó chỉ còn nghe tiếng thở nặng nề của mấy thằng ngồi phía sau. Nó lại nhớ đến lời anh sinh viên trèo tường năm trước.


*


Gặp thầy T. lần đầu nó khâm phục ngay. Người tầm thước, trán cao rộng, cặp mắt sáng rực lúc thì thân thiện lúc trừng lên như muốn đè bẹp người đối diện. Đặc biệt là giọng nói, vừa trầm vừa có tiếng vang mạnh mẽ mỗi khi cất lên làm ai cũng phải giật mình lắng nghe. Nó tự nhủ một con người trời sinh ra với những ưu thế như vậy không làm lãnh tụ cũng uổng !

Trên đường “ tìm về dân tộc ”, nó lui tới tổ chức của thầy T. với đám bạn thân của nó nhân dịp lễ Quốc Tổ Hùng Vương tại Thảo Cầm Viên. Nó gặp nhiều sinh viên học sinh trường Việt, có bà nha sĩ, vài ba công chức giáo sư, nó khám phá ra cả một thế giới nằm ngay cạnh thế giới của nó mà nó không biết, may mà nó đã được thầy D. “ giác ngộ ” trước. Mấy thằng bạn của nó sinh hoạt một thời gian rồi bỏ đi hết phần thì chán phần bị thầy T. quạt vì hay chỉ trích việc ông ta làm. Chỉ còn lại mình nó là dân trường Tây. Một hôm thầy T. hỏi nó : “ Anh có muốn bỏ trường Tây vào Pétrus Ký không ? Tôi quen ông hiệu trưởng, để tôi nói một câu, có nhiều hy vọng ông ấy nghe tôi ! ”. Nó giật mình, nó thích tìm hiểu về văn hóa dân tộc thật nhưng đổi hẳn sang trường Việt năm nó đang học seconde (đệ tam) chỉ vài năm nữa là thi Tú Tài mà nó có biết danh từ khoa học tiếng Việt mô tê gì đâu ? Mà chắc chắn là Ông Bà Cụ nó không chịu rồi, đã bỏ công sức bao nhiêu năm học trường Tây từ nhỏ bây giờ tự nhiên nhảy sang trường Việt là phung phí hết, không thể nào chấp nhận được ! Nó ngần ngừ không trả lời, thầy T. hiểu, không hỏi gì thêm. Tổ chức mỗi ngày một phát triển, có bài hát, huy hiệu nội quy riêng hẳn hoi, nó cũng tham gia vào những buổi thảo luận, nó tự hào thuộc những thành viên “ sáng lập ” trẻ năng nổ của tổ chức. Thầy T. bắt đầu nổi tiếng, ông được chỗ này chỗ khác mời đến nói chuyện, lần nào ông đi cũng có các thành viên thân tín đi theo, trong đó có nó. Một hôm, một trung tâm văn hóa ngoại quốc mời thầy đến nói chuyện về chủ đề « Chữ Nhân trong văn hóa Việt Nam », ông đăng đàn với giọng nói oang oang thao thao bất tuyệt, nét chữ bay bướm chữ Nhân trong nghĩa Nhân Bản, Nhân Nghĩa, cử tọa mê tít, nó và các đồng môn của nó tự hào có một ông Thầy như vậy. Phải nói là lúc bắt đầu nổi tiếng thường là lúc bị nói xấu bôi bác, giống nhà văn V.H., thầy cũng bị báo Sống của C.T. liên tiếp đăng bài kể chuyện thầy dính không phải chuyện chính trị mà chuyện trai gái, sắc dục. Đi đâu nó cũng bị họ hàng, bạn bè chọc quê « Ông thầy của mày chịu chơi quá nhỉ ! », nó tái mặt không thèm trả lời, nó vẫn thấy thầy của nó là con người đạo đức đâu có bao giờ thấy lăng nhăng với ai đâu ?


Bẵng đi một thời gian, nó không nhớ là nó không lui tới hội hay người ta không báo cho nó, một hôm nó gặp C. ở đường Nguyễn Huệ. C. thuộc thành phần « cốt cán » của tổ chức mà sao hôm ấy thấy sắc mặt anh không được vui. Nó hỏi thăm về thầy T. và các bạn khác, C. hỏi nó có rảnh không nó mời lên nhà nói chuyện yên hơn. Nó theo C. lấy thang máy Building Nguyễn Huệ lên lầu 5. Nó mới ngồi vào ghế xa lông chưa nóng đít thì C. vào nhà trong lấy ra một tập ronéo đưa cho nó « Anh đọc Nội quy của Hội chưa ? » Nó ngạc nhiên lắm, chưa bao giờ nó được cầm bản nội quy này, nó giở trang đầu thì thấy danh sách những người đã góp sức để viết bản nội quy, toàn thành phần những người thân tín của Thầy. Nó khựng lại, không có tên nó, nó là trong hội viên sáng lập kia mà ? Hay tại vì nó không chịu bỏ học trường Tây ? Chưa kịp phân trần với C. thì C. đã vào đề « Anh may mắn không được ông thầy trọng dụng mà anh không biết ! ». Hả ! Làm sao mà C. dám nói về Thầy như vậy ! Nó vẫn nhớ C. là người ít nói, ngoan ngoãn, thầy nói gì cũng gật, không bao giờ thắc mắc, đặt câu hỏi gì cả mà được ông thầy tin dùng trong khi nó lúc nào cũng có ý kiến xây dựng lại không có tên trong những thành phần « cốt lõi » ?

– Anh còn nhớ, – C. tiếp tục nói, – ông thầy hay đọc mấy câu trong Sấm Trạng Trình nói về vị thánh nhân sẽ xuất hiện để cứu dân tộc Việt Nam khỏi chiến tranh lầm than không ?

– Nhớ nhớ ! Ông ấy thuộc lòng có mấy câu, tui quên mất rồi ! Rồi sao vậy C. ?

– Hôm đó, ông thầy tụ tập ở Đền thờ Quốc Tổ mấy đệ tử thân tín nhất, có chị A., anh G., chị H., tui và một số người khác nữa. Không khí trang nghiêm, có phần căng thẳng, tụi tui không biết mục đích của buổi họp là gì, ông thầy sẽ nói gì ? Im lặng một lúc rồi ông cất tiếng với cái giọng trầm ấm của ông :


“ Cám ơn các người đã đến đầy đủ ngày hôm nay ! Thời giờ mình ít, ta sẽ không nói chuyện dông dài ! Như các người đã biết, trong thời gian qua, tổ chức của mình bị tấn công, đả kích, phá hoại kịch liệt từ mọi phía, từ phía chính quyền họ trả tiền một số nhà báo nói láo ăn tiền bôi xấu ta, bịa chuyện trai gái nhảm nhí để hạ uy tín của ta, phía VC họ cho người len lỏi vào để lái tổ chức của mình là một hội đoàn bảo vệ văn hóa dân tộc thành một hội thân cộng chống Mỹ cứu nước. Ta nói cho các người nghe : ta nhất định không để cho bất cứ lực lượng nào phá hoại những công trình ta xây dựng từ bao nhiêu năm nay ! Họ không thể làm được gì ta ! Các người có biết vì sao không ? ”


Ông ngừng một lúc xem phản ứng của tụi tui.


Nghe đến đây tụi tui bắt đầu sởn tóc gáy vì giọng của ông thầy càng ngày càng lớn oang oang như tiếng chuông, ai nấy đầu óc căng thẳng chờ xem ông nói tiếp.


“ Các người lắng nghe ta đọc câu sấm Trạng Trình đây :


Ðời ấy những quỉ cùng ma
Chẳng còn ở thật người ta đâu mà
    Trời cao đất rộng bao xa
Làm sao cho biết cửa nhà đế vương
    Dù trai ai chửa biết tường
Nhất thổ thời sĩ Khảm Phương thuở này
    Ý ra lục thất gian nay,
Thời vận đã định thời nầy hưng vương
    Trí xem nhiệm nhặt cho tường
Bảo Giang thánh xuất trung ương thuở nầy
    Vua ngự thạch bàn xa thay
Ðại ngàn vắng vẻ những cây cùng rừng
    Gà kêu vượn hót vang lừng
Ðường đi thỏ thẻ dặm chưn khôn dò
    Nhân dân vắng mạt bằng tờ
Sơn lâm vào ở đổ nhờ khôn thay
    Vua còn cuốc nguyệt cày mây
Phong điều vũ thuận thú rày an dân
Phong đăng hoà cốc chứa chan
Vua ở trên ngàn có ngũ sắc mây
Chính cung phương khảm vần mây
Thực thay thiên tử là nay trị đời
Anh hùng trí lượng thời coi
Công danh chẳng ngại tìm đòi ra đi


Các người đã hiểu chưa ? Thánh nhân xuất hiện ở nơi “ vắng vẻ những cây cùng rừng ” chính  là … Ta đây ! Nơi vắng vẻ là đây Đền thờ Quốc Tổ trong Thảo Cầm Viên ! Các người mau quỳ xuống trước mặt ta, trước bàn thờ Quốc Tổ mừng Thánh Nhân đã giáng lâm xuống trần để cứu nhân độ thế, cứu dân tộc ra khỏi tai họa ngoại bang cộng sản ! Tất cả quỳ xuống ! Mau lên ! »


Bất ngờ quá, choáng váng quá, tui không chịu nổi nữa, C. kể tiếp, tui đứng dậy chạy nhanh ra khỏi đền trong khi đó có mấy người đang quỳ xuống trước mặt ông thầy. Ra đến ngoài tui lấy xe Honda phóng nhanh ra bờ sông, lúc đó tui đang cần thở thật nhiều không khí tươi mát của gió sông để quên đi những gì tui vừa chứng kiến”.


Nó chia tay C. trước cửa thang máy, đầu óc nó còn bị chấn động mạnh. Ra khỏi building, Sài Gòn đã lên đèn, xe hơi, xe honda bóp còi inh ỏi trên đường phố, tiếng hát Christophe thoát ra từ một quán cà phê gần đó “ Et j’ai pleuré, pleuré, oh j’avais trop de peine ! Et j’ai crié crié Aline pour qu’elle revienne ! ”.


Hậu Hiền

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Kỷ yếu 30 năm
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss