Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Thời của "Oshin"

Thời của "Oshin"

- Phan Thị Vàng Anh — published 07/09/2007 23:47, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19
đoản văn của Phan Thị Vàng Anh


Ô-XIN

Phan Thị Vàng Anh


Cách nay khoảng 15 năm, đài truyền hình có chiếu một cái phim của Nhật, kể lại cuộc đời Oshin, một cô gái giúp việc sau trở thành bà chủ của hệ thống siêu thị khổng lồ. Phụ nữ Việt Nam hồi ấy sôi cả lên, bàn tán về Oshin mọi lúc mọi nơi, rồi vì quá yêu thích hình ảnh cô giúp việc trong phim tận tâm, đầy nghị lực, bèn gọi tất cả các cô giúp việc ngoài đời là Oshin, nhưng suồng sã hơn, nghĩa là không uốn lưỡi khi phát âm nữa, chỉ “ô-xin” đơn giản.

Những phụ nữ giúp việc đó đến chủ yếu từ các làng quê. Lên thành phố, họ ở luôn trong nhà chủ, thường là một cái giường con gần khu bếp để tiện dậy sớm và thức khuya. Đội quân của họ rất đông, nhưng lính tinh nhuệ thì khá hiếm. Đó là do người chủ luôn có một đòi hỏi rất mâu thuẫn, rằng họ phải vừa chăm chỉ, vừa thạo việc, lại biết điều, không tham, không gian, ít nói, yêu trẻ con, kính người già, ăn ít, ngủ ít, ghét hàng xóm, ít về quê, ghét T.V., nấu ăn giỏi… Tóm lại là đến vợ cũng chẳng ai được như thế. Kiếm được một ô-xin kha khá, chủ nhà quý hơn vàng, và ô-xin đó, tuy nằm trên cái giường cứng con con, nhưng thật sự nắm vận mệnh của cả gia đình trong tay.

Cần họ nhất có lẽ là những gia đình có người già bệnh hoặc con nhỏ. Nhất là con nhỏ. Cái trò các bà mẹ, lúc mới đẻ con ra thì thích bế, thích cho ăn, nhưng có ai bế hộ, cho ăn hộ một hai lần là đâm quen, chỉ thích nhờ người kia làm mãi. Ô-xin dần dà thành ra gần đứa trẻ hơn cả mẹ nó. Ô-xin với bé suốt ngày lếch thếch với nhau. Ô-xin mà nói ngọng, bé nói ngọng theo. Ô-xin giải trí kiểu gì, bé theo kiểu ấy, thường là xem tivi.

Khi còn nghèo thì dân gian nghĩ ra được nhiều thứ để khỏi tốn tiền. Nhưng đến khi giàu thì lại cũng dùng những thứ của dân gian ấy. Quay về với thảo dược lúc này cũng giống như người thành đạt rồi về lại với làng quê, tuy có phần kích rích hơn, nhưng đã có ô-xin đi theo xách túi. Thí dụ mùa hè phải tắm lá chè xanh hay mướp đắng cho em khỏi nổi sẩy, mùa đông trời rét phải nướng bồ kết cho em tốt hô hấp, bé sơ sinh tắm xong phải đắp lên rốn cái túi đựng hành tăm rang với muối, còn mẹ của bé thì bôi nghệ vàng đầy người, giữ cho không đụng đến nước khéo cả tháng... Ô-xin cứ thế làm hết, và có đầy những bài thuốc dân gian như thế để mà làm. Phần họ, những chị em giúp việc ấy, họ lại chỉ thích những gì của thành phố, của siêu thị, và có quảng cáo trên truyền hình.

Nhà có người giúp việc rồi, bữa ăn của đứa trẻ cũng được quyền kéo dài ra tưởng như đến vô tận. Hết thời kỳ bú mẹ, đến lúc ăn bột, ăn cháo, cái cảnh hay gặp nhất ở một sân chơi khu tập thể là một chị ô-xin thong thả đẩy cái xe có bé ngồi trong, bà nội (hay bà ngoại) đi bên cạnh, tay cầm nào xúc xắc, nào súng điện bắn pằng pằng; rồi bé, miệng phồng to đầy bột, không chịu nuốt, mắt nhìn rất láo. Nhưng không chỉ bé nhà mình láo. Ở ngoài sân có rất nhiều bé láo như thế. Tất cả đều không chịu nuốt, đều bắt ô-xin phải đưa đi dong dong. Nhưng thế vẫn là bình thường. Nếu ai đã đến Huế chắc đều nhớ cảnh cung Đại Nội với sông Hương và cầu Tràng Tiền, trường Quốc Học..., toàn những nơi coi như cất giữ linh hồn cố đô. Thế mà con của bạn tôi, vì không chịu ăn, nên chiều nào cũng phải cho lên một cái xích lô cùng với ô-xin, đi chầm chậm một vòng qua hết những điểm trên thì mới hết bát bột.

Ngày càng nhiều người ở làng thấy chán quê. Kiếm tiền trên thành phố dễ dàng hơn, họ để dành gửi về cho con nhỏ. Đội quân ô-xin ngày càng đông và trẻ em thành phố hình như ngày một hư hơn. Rồi đến một ngày ô-xin chán thành phố, khi ấy bố mẹ cháu mới thật là khốn khổ. Như bạn tôi, ngày thường giao con hết cho ô-xin. Đến Tết, ô-xin về quê, đứa bé khóc bỏ ăn bỏ ngủ. Gọi ô-xin lên, ô-xin nhất quyết không lên. Đến nước này, cả gia đình vào ngày 30 Tết phải thuê một chuyến xe, về ăn Tết trong khách sạn gần làng của ô-xin, để mùng Một đứa bé nó còn cười cho cả năm vui vẻ.

 p.t.v.a

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us