Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Thời gian gấp ruổi

Thời gian gấp ruổi

- Văn Ngọc — published 06/02/2008 15:20, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19

 

Thời gian gấp ruổi

 

hồi ký

Văn Ngọc

 

...Ngày nay ngày nay
Chuyện đẹp qua đi
Thời gian gấp ruổi
Còn lại chúng ta…

(Thơ Quang Dũng, Không đề, 1970)

 

Tựu trường năm ấy, trường Chu Văn An dọn từ phố Hàng Cót xuống phố Hàng Bài (thời đó được gọi là phố Đồng Khánh). Ngôi trường này chính là trường nữ học Đồng Khánh nổi tiếng một thời, nơi chị tôi học ngày xưa. Tôi cảm thấy thú vị khi nhớ lại  âm vang của cái tên đó hồi còn nhỏ, mỗi khi được nghe các anh chị lớn nói đến, và bây giờ bỗng nhiên bọn con trai chúng tôi lại được đến học ở đây, cũng như năm 1948 chúng tôi đã được tạm trú ở  trường Hàng Cót, cũng là trường của các chị ngày trước. Thật ra, cái thời chị tôi học ở trường Đồng Khánh nào đã xa xôi gì đâu, chỉ mới cách đây có hai ba năm, năm 1945 chị tôi vẫn còn học ở đây, năm sau chị mới vào đại học. 

Kể cũng lạ, là thời gian tuy đi nhanh, nhưng dường như không nhanh bằng sự việc. Trong cái giai đoạn kỳ lạ của những năm giữa thập niên 40 ấy, nhiều  sự cố đã xảy ra trong một thời gian thật là ngắn ngủi, tưởng như trong một giấc mộng. 

Mới có vài ba năm, mà sao tôi thấy những kỷ niệm dường như đã xa lắc, và cả cái tuổi thơ của mình cũng phút chốc biến xa ! Tôi bỗng thấy cái thành phố thân yêu của mình ngày xưa dường như đã xa lạ hẳn. Có một cái gì đè nặng lên tâm hồn chúng tôi, những đứa trẻ đã từng sống những ngày sôi nổi của cũng thành phố này vào những năm 1945-46. 

Bây giờ gia đình chúng tôi sống phiêu dạt gần như trong một thành phố lạ, hết ở đường Trần Hưng Đạo, lại lên Quan Thánh, những khu phố mà trước đây tôi ít khi tới. Phố cũ bị tàn phá, coi như đã vĩnh viễn mất đi trong tâm tưởng, và không bao giờ chúng tôi còn hy vọng được quay lại nơi chốn cũ nữa. 

Tuy vậy, Hà Nội vẫn còn nhiều cái để cho bọn trẻ chúng tôi yêu thích và quyến luyến : từ sông Hồng dữ dội, nước quạch đỏ phù sa, cho đến Hồ Gươm xanh ngắt, hiền lành, Hồ Tây với những ngày bèo về, và gió heo may làm se sắt lòng. Rồi bầu trời Hà Nội, ôi bầu trời, chân trời Hà Nội lúc hoàng hôn, nhìn từ trên những gác sân thượng xinh xinh... Ngoài ra, Hà Nội thời đó cũng còn vài giá trị đáng trân trọng khác nữa : đó là giọng ca của Minh Đỗ và của Ngọc Bảo, một nguồn an ủi đối với chúng tôi, vốn thích ca hát, mặc dầu so với giọng hát của Thương Huyền, và của  Mai Khanh trước kia (nghĩa là cũng chỉ mới cách đấy có vài ba năm), thì không thể nào so sánh được. Minh Đỗ hát rất chuẩn, lại có căn bản nhạc cổ điển, nhưng không có vốn dân ca như Thương Huyền, nghe nói trước kia là một người chuyên hát ca trù. Còn Ngọc Bảo có cách luyến láy điêu luyện, nhưng có lúc giọng như giọng người nghiện thuốc phiện. Chúng tôi thường hay bình luận với nhau như thế, không biết có đúng sự thực không ? 

Cuối cùng, nguồn an ủi lớn nhất của tôi là lũ bạn học. Kể ra cũng chỉ là lô gích, vì đó là cái vốn con người, ở thời buổi nào và ở xã hội nào mà chằng thế. Điều đáng ngạc nhiên, và mãi sau này tôi mới để ý thấy, là những đứa trẻ tinh nghịch, và lém lỉnh này đến từ mọi khu phố của Hà Nội, phần lớn là từ những gia đình khá bình dân, từ những mạn phố dưới : chợ Hôm, hồ Ha Le, Hàm Long, Lò Đúc, v.v. Chúng tôi hàng ngày gặp nhau ở sân trường phố Hàng Cót, hoặc ở những buổi đi bơi, và đi bát phố. Cái thú vui thường trực của chúng tôi, là mỗi lần gặp nhau, nói chuyện tào lao, là lại tạo ra được một từ ngữ mới, làm giàu cho cái ngôn ngữ  rất đặc biệt của đám học trò chúng tôi mới lớn lên. Ngoài ra, ở xung quanh, tất cả đều chỉ là những điều tẻ nhạt, không có gì thật sự hấp dẫn và làm cho chúng tôi tin tưởng vào ngày mai. Ngay cả những bài giảng của các thày ở trong lớp dường như cũng chỉ có tính cách tạm bợ.

 

Chúng tôi bỡ ngỡ với ngôi trường mới đầy bóng cây rợp mát, đứa nào đứa nấy trong đầu còn nguyên vẹn hình ảnh của cái sân trường đầy nắng ở phố Hàng Cót, tuy chẳng có cây cối gì, nhưng đầy ắp những kỷ niệm ! Kỷ niệm cuối cùng ở sân trường này là một buổi sáng, cả một lũ lau nhau chúng tôi háo hức bu quanh một thằng bạn có năng khiếu nhất trong đám về văn chương, vừa mới viết được một bài báo rất hào hùng, đăng trên tờ báo đầu tiên của trường. Tờ báo ấy tên là gì, bây giờ  tôi cũng không còn nhớ nữa. Chỉ nhớ mang máng rằng nó khá lãng mạn, cũng như bài báo kia. Lúc đó chúng tôi mới chỉ là một lũ làng nhàng 13,14 tuổi, đang học lớp đệ nhị phổ thông, và nội dung của bài tuỳ bút nói về  một chàng tráng sĩ mài gươm dưới trăng, chờ ngày rửa hận ! Nói như bây giờ , thì bài viết đó rất là « cải lương ». Tuy nhiên, đó là cái tâm trạng chung, ít ra là  của cái nhóm nhỏ bọn tôi, những đứa trẻ mà trong đáy lòng vẫn hướng về cùng một lý tưởng, dù cho chỉ rất mơ hồ : về Cách mạng tháng Tám, và về Kháng chiến. 

Ngày ấy, Hà Nội là một thành phố bị chiếm đóng. Pháp đã đưa cựu hoàng Bảo Đại từ Hồng Kông về làm quốc trưởng, nhưng thực ra là để làm bù nhìn. Không khí thời nô lệ đã lại như phảng phất đâu đó. Hàng ngày chúng tôi đạp xe đạp qua chỗ Nhà Thông tin ở Bờ hồ, cạnh rạp chiếu bóng Philharmonique cũ, nhìn thấy lá cờ ba sọc phất phơ trước gió, mà trong lòng lại thấy nao nao, ngao ngán. Hà Nội dường như đang đánh mất cái hồn của nó, và chúng tôi, những đứa trẻ đã từng lớn lên trong Cách mạng tháng Tám, chợt thấy mình đang sống những ngày tháng vô vị, trong một tâm trạng hoang mang, không biết tương lai sẽ ra sao. Thú vui duy nhất của chúng tôi ngày đó là rủ nhau đi bơi trên Hồ Tây, hoặc đạp xe đạp đi dạo phố (để ngắm các cô), hoặc lắng nghe giọng hát của Minh Đỗ và của Ngọc Bảo trên các loa phát thanh. 

Cái mơ ước được ra đi du học để thay đổi không khí, để mở rộng tầm mắt, và để tìm học cho được một cái gì mới mẻ, có ích lợi thật sự cho đất nước, cũng xuất phát từ cái tâm trạng đó. Cơ may đã đến với tôi một cách khá đột ngột : chị tôi, với sự giúp đỡ của một cô em họ khá giả, đã tạo điều kiện cho tôi ra đi cùng với chị. Chị tôi năm đó học năm thứ hai đại học Dược. Nhưng câu chuyện ra đi của chị lại là vì một lý lẽ khác, chứ không phải vì chuyện học hành. Chị ở lại Pháp học sinh ngữ được hơn một năm, rồi vội quay trở về ngay Sài Gòn vì chuyện chồng con. Sau đó, cô em họ tiếp tục gửi tiền sang cho tôi mỗi tháng, trong suốt thời kỳ tôi học trung học .

 

Tựu trường năm ấy, tôi vẫn chưa biết rằng chẳng còn mấy ngày nữa, là tôi sẽ phải xa lìa lũ bạn, Gặp nhau ở sân trường mới, vẫn chuyện nở như pháo ran và vẫn đùa nghich như thường lệ. 

Vào giờ học đầu tiên, tình cờ lại đúng là giờ Pháp văn, và thày giáo mới tình cờ lại là một người quen biết ở phố cũ : anh Đức, con ông giáo Phúc, trước học ở trường Bưởi. Hồi cách mạng lên, không biết vì lý do gì, anh không tham gia vào các sinh hoạt của thanh niên trong phố. Nhìn anh bây giờ, tôi không khỏi bồi hồi, xúc động, hồi tưởng lại những kỷ niệm về phố Hàng Bát Đàn ngày xưa, và ngậm ngùi nghĩ đến cả một thời kỳ sôi nổi còn chưa xa. Tôi đoán rằng anh Đức, cũng như bao người khác, đã phải « dinh tê » (trở về thành) để kiếm sống. Thằng Bảo, em ruột của anh, là bạn chơi khăng chơi đáo của tôi ngày trước, lúc tác chiến được các anh lớn cho làm liên lạc, sau này hình như đã hy sinh trong kháng chiến. 

Ngay buổi tiếp xúc đầu tiên, như để thử sức chúng tôi, thày Đức cho chúng tôi dịch một đoạn văn, loại văn thường gặp trong các sách giáo khoa cũ, nội dung nói về Trần Quốc Tuấn trước ba quân. Tôi chỉ nhớ trong đoạn văn này có nhiều câu đối thoại khúc mắc, và chắc chắn không phải là bài Hịch tướng sĩ ! Tuy vậy, đối với chúng tôi ngày đó cũng đã là khó lắm rồi. Vốn từ vựng tiếng Pháp của chúng tôi đã chẳng có là bao nhiêu, chia véc-bờ còn chưa xong, làm sao mà dịch nổi một đoạn văn không những cổ, mà lại còn khúc mắc ? Thế là tôi đành nộp cho thày Đức một tờ giấy trắng tinh ! 

Tôi không ngờ cái buổi học Pháp văn khá ngộ ngĩnh và nhằm đúng vào ngày khai trường ấy, lại là buổi học cuối cùng của tôi dưới mái trường Chu Văn An thân yêu. Đó cũng là kỷ niệm cuối cùng của tôi về Hà Nội, mà mãi 25 năm sau tôi mới được nhìn lại, để rồi lại ra đi, lòng nặng trĩu đau buồn. 

Khoảng vài tháng sau, khi tôi đã sang tới đất Pháp rồi, trong thư viết cho tôi, mấy đứa bạn kể lại rằng : hôm trả bài, thày Đức gọi đến tên tôi, sau khi biết là tôi đã đi Pháp rồi, thày cười và bảo : « Tiếng Pháp như cậu ấy thì phải ít nhất 10 năm nữa mới giỏi được ! ». Thày nói không sai, nhưng cũng không đúng hẳn : những đứa trẻ như bọn chúng tôi, học trường Việt từ nhỏ, đến tuổi 15, 16 mới bắt đầu được học một ngoại ngữ không phải là dễ dàng như tiếng Pháp, thì với một cái vốn hiểu biết không có là bao nhiêu như thế, dù cho có sang Pháp ở đến hàng 30, 40 năm cũng không thể nào « giỏi » được, trừ ra có học chuyên về môn văn chương tiếng Pháp, còn nếu không thì cũng chỉ vừa đủ chữ để dùng trong ngành chuyên môn của mình mà thôi.

 

Tôi ra đi bất chợt, không kịp chào hỏi ai. Tuy vậy, vào đến Sài Gòn rồi, còn phải chờ ba tháng nữa mới có chuyến tàu thuỷ đi Pháp. Cũng là một dịp để cho tôi biết qua đôi chút về thành phố này, mà ngày đó tôi rất thích, và sau này không bao giờ được quay trở lại nữa. Ngày đó, đáp máy bay từ Hà Nội, vào đến Sài Gòn là tôi đã thấy ngay sự khác biệt giữa hai thành phố này rồi, về đủ mọi mặt. Trước hết là về khí hậu. Lúc ở Hà Nội ra đi, trời đã bắt đầu lạnh, bà chị may cho tôi một bộ đồ bằng vải gai khá dày, lại còn thêm chiếc mũ nồi nữa ! Vào đến Sài Gòn, xuống sân bay, thấy người ta ăn mặc quần áo lụa mỏng manh, mà mình phát ngượng. Ở Sài Gòn, ngày đó, quan hệ trai gái đã tự do, phóng khoáng hơn ở Hà Nội nhiều. Miếng ăn miếng uống cũng dư dả hơn. Trong khi ở Hà Nội, gia đình chúng tôi phải tiết kiệm từng con tôm con tép, thì ở đây, người ta ăn những bữa ăn, có tôm càng hẳn hoi, nói chung, thịt thà cá mú thừa mứa. Ở Hà Nội, vào những năm 48-49, trừ những trường hợp ngoại lệ ra, còn trai gái ít khi nào dám tỏ tình với nhau, chứ không nói gì là dắt tay nhau, hay ôm nhau đi ngoài đường. Trong khi đó, ở Sài Gòn, hiện tượng này lúc đó đã khá phổ biến rồi. Tôi nhận xét thấy thế, và cứ tiếc mãi. Tôi ra đi lúc đó mới mười lăm tuổi, nhưng trong lòng cũng đã ôm một mối hận tình si, mà chưa bao giờ thổ lộ được ra với chính cái người mà mình thầm yêu mến !

 

Mười bảy ngày lênh đênh trên mặt biển, nhiều lúc cũng nhớ nhà, nhưng những lúc đó nếu có nhớ về Hà Nội, thì tôi cũng chỉ biết nghĩ đến lũ bạn còn đang ngồi mài đũng quần ở trường Chu Văn An mà thôi. Cho đến lúc đó, tôi vẫn đinh ninh rằng dẫu sao tôi cũng còn may mắn hơn bọn bạn ở chỗ là tôi đã được ra đi du học, ít nhất cũng thoát ra khỏi cái không khí bế tắc của Hà Nội ngày ấy. Tôi có biết đâu rằng, trong cái may mắn ấy cũng có đầy dẫy những sự bất hạnh đang chờ đón tôi, mà mãi nhiều năm sau tôi mới nhận thức được. Tôi cũng không ngờ rằng chỉ ít lâu sau, lũ bạn cũng lần lượt bị tuyển đi học quân sự, hoặc bị đi quân dịch.

Tuy vậy, trước mắt, chuyện ra đi du học vẫn là chuyện quan trọng hàng đầu, đầy những ẩn số, nhưng cũng đầy hứa hẹn. 

Cùng đi chuyến tàu thuỷ ấy với hai chị em tôi, còn có khá nhiều người Việt Nam khác, trong đó có một số sinh viên đi du học, và một đoàn tuyển thủ bóng bàn đi thi đấu lần đầu tiên ở Âu châu. Phần lớn những sinh viên tôi gặp trên chuyến tàu ấy đều đi từ đủ mọi miền Trung, Nam, Bắc, và không phải tất cả đều là con nhà khá giả, lại càng không phải là con nhà có thế lực. Thời đó, trớ trêu thay, những chuyện đi chui, hay đấm mõm các quan chức để được đi, chưa có, mà chỉ cần có một lý do chính đáng, một người bảo đảm, và số tiền mua chiếc vé khứ hồi, là đi được rồi.

 

Tàu cặp bến Marseille vào đúng ngày mồng 1 tháng Giêng năm 1950, sau khi vượt qua Địa Trung Hải, mà chúng tôi cứ tưởng là một vùng biển lặng, hoá ra lại là chặng đường nhiều sóng gió nhất trong cả hành trình ! Chúng tôi đã bị say sóng dữ nhất là ở chặng đường này. 

Trên đất Pháp lúc đó đang là mùa đông, trời có tuyết, lạnh thấu xương, mà tôi từ Sài Gòn đi, ăn mặc khá phong phanh, may được ông anh từ trên Paris xuống đón, cho mượn chiếc áo « canadienne » bằng da, trong lót lông cừu, mặc vào mới đủ ấm. Ba chị em đáp chuyến xe lửa đêm lên Paris ngay tối hôm đó. Những người bạn mới làm quen ở trên tàu, người thì đi Menton, Aix-en-Provence, Bordeaux, Toulouse, những nơi khí hậu tương đối ấm áp, thích hợp cho người mình, nhưng đông nhất vẫn là những người lên Paris học. 

Nếu không kể các bác công nhân sang Pháp làm « lính thợ », hoặc « lính chiến » từ cuộc Đại chiến thứ nhất (1914-18), và nhất là từ cuộc Đại chiến thứ nhì (1939-45), và một vài trí thức sang Pháp từ trước chiến tranh, như các ông Phạm Huy Thông, Nguyễn Khắc Viện, Bửu Hội, Trần Đức Thảo, Phan Nhuận, Mai Thứ, Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Lê Thị Lựu, v.v., thì chúng tôi thuộc lớp học sinh, sinh viên Việt Nam đầu tiên sang Pháp du học vào những năm ấy. 

Paris ngày đó chưa có nhiều người Việt mấy. Đi đường thỉnh thoảng lắm gặp được một người đồng hương, thì tay bắt mặt mừng, hoặc ít ra cũng chào hỏi tử tế, chứ không thờ ơ như sau này, khi số người Việt sang Pháp bắt đầu tăng lên dần, nhất là sau Hiệp đinh Genève, rồi dưới thời ông Diệm, với những đợt học sinh, sinh viên ra đi để trốn lính, rồi đến những đợt nhập cư sau 75. 

Vào đầu thập niên 50, Paris dường như chỉ có vài ba tiệm cơm Việt Nam ở khu đằng sau đền Panthéon, đường Polytechnique, đường Descartes (Cụ Ty) và đường Thouin (Lưu Đình). Ngoài ra, cũng chỉ có lưa thưa dăm ba hiệu cơm Tàu ở khu La Tinh, đường Cujas (Canton), đường Royer Collard (Empire Céleste), và vài ba tiệm « mì dơ », cũng là của người Tàu, ở cạnh Gare de Lyon, trong phố Chalon và mấy ngõ hẻm gần đấy. Ngày đó, chúng tôi thấy mì dơ ăn vừa rẻ, vừa no, lại vừa ngon nữa, ít ra là ngon hơn mì ăn liền thời nay ! Gọi là « mì dơ », nhưng thật ra, chưa chắc đã dơ hơn là phở ở một số hàng quán. 

Các nguyên liệu cần thiết nhất để nấu các món ăn Việt Nam chưa thấy có nơi nào bán, đặc biệt là chưa có nước mắm ! Nước mắm lúc đầu có được là do mỗi người mang theo từ Việt Nam sang, bằng đường thuỷ, lẽ dĩ nhiên. Khắp Paris chỉ có mỗi một ông Tàu bán đậu phụ, giá, nấm, miến, và gạo ở đường Montagne-Sainte Geneviève, cạnh đền Panthéon. Mỗi lần nấu ăn, tụi tôi cứ phải dùng chất Maggi để thay nước mắm, và luộc rau cải xoong (cresson) để ăn thay rau muống ! Lúc đó cũng chưa có những cái nồi Nhật Bản điện hiện đại để thổi cơm, cứ phải thổi cơm trên những chiếc bếp điện, hoặc bếp đèn cồn đặt ngay trên sàn gỗ của khách sạn, rất là diệu vợi, nguy hiểm, và khó mà ghế cơm cho chín đều được.

 

Chân ướt chân ráo tới Paris, hai chị em tôi được đưa đến một khách sạn ở phố Rocroy, cạnh Gare du Nord. Ở đây có cả một đám bạn bè của anh tôi, toàn là người Huế, ở chung quây quần với nhau ở cùng một tầng gác, trong đó có vợ chồng hoạ sĩ Võ Lăng. Võ Lăng có người em là Võ Hải, học Science-Po, sau này gặp thời cơ, làm lớn dưới thời ông Diệm. Ngoài ra, còn có anh Huế, kỹ sư, Lê Mộng Nguyên, nhạc sĩ, anh chị Bửu Điềm, nha sĩ, Đỗ Trân, lúc đó còn là sinh viên, sau này là kỹ sư cầu đường. 

Mấy ngày sau, tôi đã phải đáp xe lửa để vào ở luôn trong trường. Tôi như một cậu bé bỗng dưng bị « nhảy dù » vào một trường trung học ở một tỉnh lẻ của nước Pháp, tỉnh Compiègne, cách Paris khoảng 70km, lại vào đúng tam cá nguyệt thứ hai của niên học đã bắt đầu. Ở bên nhà, tôi đang học lớp đệ tam phổ thông, sang đây phải xuống một lớp do trình độ Pháp văn quá kém. Vậy mà chỉ sáu tháng sau, hết năm học đó, tôi đã được phép nhảy lớp , và như vậy là cuối cùng tôi đã không bị chậm một năm nào. Thật ra, cái chuyện chậm hay sớm một hai năm học so với tuổi, sau này tôi thấy cũng chẳng có gì là quan trọng cả, đối với cái mục đích thật sự của việc học, có khi đòi hỏi suốt cả một đời người cũng còn chưa đủ ! 

Ở tuổi tôi lúc đó, thật ra tôi cũng chưa nhận thức được khoảng cách hàng mấy thế kỷ giữa xã hội Pháp và xã hội Việt Nam. Chỉ biết rằng cuộc sống vật chất và tinh thần của người ta đã văn minh tiến bộ lắm rồi. Cảm tưởng này hay đến với tôi vào những lúc di chuyển trong thành phố bằng Métro (tàu điện ngầm), từ khu này đến khu khác. Métro đối với chúng tôi lúc đó quả là một cái gì rất kỳ diệu. Mùa lạnh, di chuyển bằng Métro thật không còn gì tiện hơn và ấm cúng hơn ! 

Thời đó, nước Pháp vừa ra khỏi cuộc Đại chiến thứ nhì, và mới chỉ vừa ngưng hạn chế lương thực. Vậy mà nhìn chung, tôi thấy người dân ở đây tỏ ra không thiếu thốn về một mặt nào cả, từ thức ăn, vật dụng, cho đến các phương tiện giao thông, các sinh hoạt văn hoá, v.v. 

Là lưu trú học sinh, tôi ăn ngủ ngay ở trong trường, mỗi tháng nhà gửi sang cho vừa đủ số tiền để trang trải tiền ăn ngủ và giặt rũ, còn ngoài ra không thừa được lấy một đồng xu tiền túi nào để đi xem ciné, hoặc đi chơi đâu ngoài tỉnh vào ngày Chủ Nhật. Thành thử mỗi cuối tuần, bọn trẻ không có gia đình để về thăm như tụi tôi, chỉ còn biết đi chơi rừng, là cái thú vui đỡ tốn kém nhất ! Thỉnh thoảng, tôi cũng được về Paris để thăm ông anh tôi, lúc đó mới vừa 20 tuổi, đang phải làm việc phụ giúp một hoạ sĩ để kiếm sống.

 

Ngay từ những ngày đầu mới tiếp xúc, tôi đã nhận thấy ngay Paris là một thành phố vô cùng hấp dẫn, đầy những điều để học hỏI và đầy chất thơ mộng, nhất là lúc đó còn thưa người, và chưa bị ô nhiễm vì xe cộ như bây giờ ! Mỗi lần nghỉ lễ dài ngày, như Nô-en, lễ Phục Sinh, nghỉ Hè, có khi tôi ra Paris, ở nhờ nhà bạn, hoặc ở chui trong Ký túc xá sinh viên ở đường Jourdan, hoặc ở nhà Đông Dương, hoặc ở nhà « Provinces de France ». Đi ăn thì cũng theo các anh lớn đi ăn lậu ở các quán cơm sinh viên, vì lẽ ra, nếu chưa phải là sinh viên thì chưa được phép ăn với giá rẻ như thế. Ăn như vậy giá chỉ bằng một phần tư tiền một bữa cơm ở ngoài. Cũng có khi, tôi đi làm việc ở những nông trại tít tận bên Anh, theo sự sắp đặt của các tổ chức sinh viên, khi thì do COPAR, khi thì do Alliance Française. Đi như thế, ngoài việc kiếm chút tiền túi ra, còn là để học thêm tiếng Anh nữa. 

Kỷ niệm mà tôi còn nhớ mãi về thời kỳ đầu năm 50 khi tôi mới đến Paris, là kỷ niệm về anh Trần Đức Thảo. Lúc đó tôi đang ở nhờ phòng của một người bạn ông anh tôi ở khách sạn Malebranche, kế bên phố Soufflot. Ngày ngày đi theo các anh lớn đi ăn cơm trưa ở trường Mines (đào tạo kỹ sư mỏ), phố Saint-Jacques. Những ngày đó tôi thường hay gặp anh Thảo cũng ra đây ăn. Anh đi bộ từ khách sạn Sorbone nơi anh ở trọ đến trường Mines, ngày nào cũng như ngày nào, rất đúng giờ và bao giờ cũng chỉ đóng một bộ đồ rất tàng, với đôi giầy Bata đã sờn vải. Những người ở cùng khách sạn với anh kể lại rằng trong một ngày, anh Thảo chỉ rời căn phòng của anh ra để xuống phố đi ăn cơm mà thôi, ăn xong anh lại về vùi đầu vào sách vở. Lúc đó anh Thảo đã rất nổi tiếng trong giới trí thức Pháp, như một triết gia có tài. Trong trường tôi ở Compiègne có một ông giáo dạy sử, cũng dân tốt nghiệp ở trường Cao đẳng sư phạm Rue d’Ulm ra, một hôm đã hỏi  tôi xem tôi có biết anh Thảo không. Ông ta phục anh lắm. Vài năm sau này, có nổ ra một vụ tranh cãi nổi tiếng về triết học giữa anh Thảo và ông Jean-Paul Sartre. Nhưng giữa chừng thì anh rời bỏ Paris để lên đường về với Kháng chiến. Ngày đó, anh Thảo là một thần tượng đối với tôi, không phải chỉ vì anh là một triết gia có tài, được người ta trọng vọng, mà vì anh đã có can đảm từ bỏ tất cả danh vọng và sự nghiệp đang dang dở để về phục vụ đất nước. Sau này, vào thời kỳ tôi học ở trường Mỹ thuật, tình cờ tôi được một anh bạn trong phong trào cho mượn một căn phòng để ở trong gần bảy năm ở số nhà 13 Rue de Buci. Đó là một căn phòng nằm dưới mái, tính ra có lẽ không đầy 6m2, nơi mà trước kia chắc hẳn anh Thảo, hoặc anh Nguyễn Khắc Viện đã từng qua lại, vì tôi thấy trong tủ sách còn để lại ở đấy nhiều cuốn sách có bút tích của  anh Thảo, và khá nhiều tài liệu, hình ảnh về thời niên thiếu của anh Viện, của chị Nhất, v.v.

 

Tôi đến với phong trào Việt kiều một cách khá đơn giản, từ những năm 50, lúc đó gọi là Liên Hiệp Việt Kiều. Tôi còn nhớ vào một dịp nghỉ Hè, từ Compiègne về Paris, tình cờ tôi quen với chị Mỹ Văn và đám Bùi Xuân Toàn, Ngọc Anh, Minh, và một nhóm anh chị em ở phố rue des Tournelles, gần Bastille. Chị Mỹ Văn là một con người chân thật, và dễ mến. Chị sẽ là một trong những người đầu tiên về nước ngay sau Hiệp định Genève. Hôm đó, chị  kéo tôi đến dự lễ kỷ niệm Cách mạng tháng Tám, được tổ chức một cách khá giản dị và khiêm tốn tại một phòng nhỏ của nhà Maubert-Mutualité. Vốn sẵn có cảm tình với Cách mạng tháng Tám, tôi nhận lời ngay. Trong phòng hội, tôi được giớI thiệu với các anh Nguyến Khắc Viện, Trịnh trọng Thức, Vũ Cao Đàm, v.v. Anh Thức, kỹ sư, ít lâu sau cũng lên đường về nước. 

Sau đó, trở về Compiègne, tôi bắt đầu có liên lạc với nhóm làm báo Văn Nghệ học sinh và sinh viên của phong trào Việt kiều ở Paris, với Vũ Thanh Phương, Nguyễn Chính Tường…

Thỉnh thoảng tôi cũng gửi bài viết lên cho tờ báo, bàn chuyện học hành, nói về kinh nghiệm đi làm việc trong lúc nghỉ hè ở ngoài nước Pháp, v.v. Tôi cũng bắt đầu tham gia các Trại do phong trào Việt kiều tổ chức, trại Baillet vào mùa Xuân, lúc nghỉ lễ Phục Sinh, và nhất là Trại Hè. Đặc biệt, trại Hè ở Argentan năm 1955 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng đối với tôi. Ở đó, tôi đã tiết lộ cái tài ca hát của mình, có được từ thời Cách mạng tháng Tám. Tết năm ấy, tôi nghiễm nhiên trở thành người hát đơn ca trong ban hợp xướng của phong trào. Trước tôi, những người hát đơn ca, có anh Trần Văn Khê, sau đó có Phạm Kỳ Nam. Phạm Kỳ Nam có giọng hát trung hoà, gần như vô cảm. Tôi còn nhớ mãi, Tết năm 1954, anh hát bài Mối Tình Trương Chi của Phạm Duy, trong giờ giải lao. Tiếng hát phát ra, bao trùm cả gian phòng,   không phải từ  trên sân khấu, mà từ hậu đài, qua loa phát thanh. Tiếng hát trầm ấm của anh hợp với bài ca, nghe thật là cảm động. Sau Tết năm đó anh cũng khăn gói lên đường về nước. Anh thuộc lớp người ra đi rồi còn trở về được, đúng kỳ, đúng hẹn. Tôi cho thế là hạnh phúc. 

Tết năm 1955, chúng tôi trình diễn bản Trường Ca Sông Lô của Văn Cao, với cả một giàn hợp xướng đồ sộ. Tôi và Bích Liên, vừa mới ở Đà Lạt sang, cả hai lần lượt đơn ca giọng nam và giọng nữ. Cũng vào dạo ấy, hoặc vào dịp Tết năm sau, tôi không còn nhớ rõ, chúng tôi trình diễn bài Hồng Hà của Đỗ Nhuận… 

Lúc đó tôi đã thi xong tú tài toàn phần, và đã trở về ở hẳn Paris để chuẩn bị thi vào khoa kiến trúc ở trường Mỹ thuật Paris. 

Vì sao tôi lại học kiến trúc ? Đây cũng không phải là một sự ngẫu nhiên. Nguyên hồi còn học ở Compiègne, ông đốc trường thường hay nói chuyện với tôi về người con trai của ông làm nghề kiến trúc sư, mà ông cho là một nghề đáng quý. Ông thường khuyên tôi nên học ngành này, vì rất lý thú và hợp với cái năng khiếu vẽ của tôi. Khi về tới Paris, tôi ghi tên ngay vào trường Mỹ thuật, khoa Kiến trúc, và nhắm mắt chọn ngay một xưởng mang tên một ông thầy mà tôi chưa từng được ai giới thiệu, thật đúng là nhắm mắt đưa chân, chẳng biết ngô khoai ra sao cả !

Lúc ấy là sắp vào niên học 1954-55. Tôi đang gặp khó khăn về mặt vật chất. Ngay từ trước chiến dịch Điện Biên Phủ, tiền từ bên nhà gửi sang cho tôi thưa dần, rồi ngừng hẳn. Tôi đang phân vân không biết làm gì để kiếm sống, thì bỗng thấy có một cuộc thi tuyển để vào học một lớp đào tạo vẽ máy móc nhỏ trong công nghiệp, vừa học, vừa được trả lương, trong vòng một năm, nhưng sau đó phải làm việc cho nhà nước trong mười năm. Thế là tôi lấy quyết định dự thi và đậu. Nhưng sau ba tháng tập sự, ông giám đốc thân mật gọi tôi lên văn phòng của ông, và đề nghị tôi nên quay trở về trường Mỹ thuật mà học tiếp về kiến trúc, vì ông thấy tôi có năng khiếu về vẽ kiến trúc hơn là vẽ máy móc ! Ông ta bảo nếu cần, thì ông ta sẽ giúp đỡ cho. Cũng là may phước cho tôi ! Thế là tôi lại trở về với trường Mỹ thuật.

 

Sau một thời gian rất ngắn, đủ để có những thông tin cần thiết và đủ để nhận biết được là tôi phải đổi xưởng vẽ, vì nơi tôi ghi tên là một xưởng vẽ hết sức lỗi thời về mặt giảng dạy. Đó là một cái lò luyện thi, nơi cung cấp những thí sinh tương lai cho Giải thưởng La Mã, lấy việc sao chép các thức cột Hy-La làm căn bản cho một nền học vấn cổ điển, có từ những thế kỷ 18, 19, và không bổ ích gì cho thời đại của bê tông và sắt thép cả.  

Hơn thế nữa, và đây mới là điều quan trọng đối với tôi lúc đó : học ở đây, theo truyền thống của các xưởng vẽ nằm ở bên trong trường (Ateliers intérieurs), dân mới vào học thường bị dân cũ bắt nạt, sai bảo, và quấy nhiễu suốt ngày, tôi sẽ không tài nào vắng mặt ở xưởng để đi làm thêm kiếm sống được. Sau một tháng chịu đựng, tôi quyết định xin vào một xưởng vẽ khác ở bên ngoài trường, lúc đó nổi tiếng là xưởng vẽ tiến bộ nhất về mặt quan niệm giảng dạy. Và tôi đã được ngay một đám bạn bè tốt giúp đỡ trong những bước đầu học ở đây, rồi họ kéo luôn tôi đi làm cùng với họ để kiếm sống. 

Thời đó là thời nước Pháp đang ở giai đoạn tái thiết lại các thành phố bị chiến tranh tàn phá, ngành kiến trúc ở Pháp đang gặp lúc thịnh, thế đang lên như diều, các văn phòng kiến trúc đang cần người vẽ. Gần như văn phòng kiến trúc nào cũng có công việc làm cho các sinh viên từ lớp dự bị trở lên. Hết việc ở nơi này lại có việc ở nơi khác. Kiếm việc dễ dàng như thế, một phần cũng nhờ bạn bè truyền miệng rỉ tai cho nhau biết, nhưng một phần cũng nhờ có một cơ quan trung ương của sinh viên kiến trúc tập trung quản lý tất cả các thông tin về cung cầu ở trong ngành. Và như vậy là tôi vừa làm vừa học, thay vì học 6, 7 năm xong, thì tôi đã phải kéo dài tới 9, 10 năm. Nhưng ở vào cái thời đó, tốt nghiệp sớm hơn hay muộn hơn vài năm cũng chẳng can hệ gì, miễn là học hỏi được và lúc nào mình cũng có công ăn việc làm đều là được rồi. Và chính điều đó đã cho phép tôi lập gia đình ngay từ trước khi tốt nghiệp ra trường ! 

Vào khoảng năm 1962-63, trước khi tôi làm luận án tốt nghiệp, cũng là lúc phong trào Việt kiều sôi động hơn bao giờ hết. Mặt Trận Dân Tộc GiảI Phóng Miền Nam đã ra đờI, rồi các đoàn từ trong nước bắt đầu đi qua công tác, rồi các đoàn văn nghệ luân phiên sang biểu diễn, rồi mặt trận ngoại giao mở ra, với các đoàn sang thường trú, v.v. Trong phong trào Việt kiều, tôi được giao cho nhiệm vụ tham gia các sinh hoạt báo chí của sinh viên, trí thức, đồng thời giữ trách nhiệm khâu trang hoàng ở trong hội. Hai công việc này sẽ là hai công việc đeo đuổi tôi trong suốt hơn hai mươi năm, cho mãi đến mười năm sau ngày đất nước đã được thống nhất. Không biết hiệu quả thật sự ra sao, chỉ biết rằng trong suốt hơn hai mươi năm ấy, công việc của phong trào đã gây cho tôi không ít khó khăn trong cuộc sống, đối với công việc làm ăn ở hãng, cũng như đối với  gia đình, vợ con. Ngoài ra, đó lại là những công việc không dính líu gì mấy đến cái ngành chuyên môn của tôi, và đã lấy của tôi khá nhiều thì giờ. Ngày đó, mỗi lần hãng cần gửi tôi ra ngoại quốc để làm việc ngắn hạn, là tôi lại phải từ chối, vì mỗi lần muốn đi như thế, là mình phải xin đến hai lần visa, xuất cảnh và nhập cảnh, mỗi nơi phải chờ đến hàng tuần, và như vậy là lỡ hết mọi việc.

 

Nhưng rốt cục rồi đâu cũng vào đấy hết. Cuối cùng, tôi cũng chẳng thấy luyến tiếc gì cả. Mình vẫn còn đây, và thiếu gì người còn mất mát hơn mình, đau khổ hơn mình gấp trăm lần ? Nhất là những người sống ích kỷ, sống vì hư danh, sống không có lấy một chút lý tưởng vì công lý và nhân đạo. Có lúc tôi đã tự an ủi : đóng góp cho một lý tưởng, dù trong phạm vi chuyên môn của mình, hay không, đều có ích cả, miễn là cái lý tưởng đó đừng bị đánh lạc. Còn cái thời gian mà mình tưởng là mất trắng kia - bởi vì cái “lý tưởng” đó đã biến chất - thực ra cũng chẳng mất mát đi đâu hết. Nó chỉ càng làm cho mình biết suy nghĩ thêm, để mà rút kinh nghiệm cho về sau ! 

Điều mà tôi nghiệm thấy, là trong chuyện học hành, cũng như trong đời sống, những bài học quý báu nhất vẫn là những bài học do mình tự rút ra từ những sai lầm của chính mình, hoặc của một chính sách giáo dục, đào tạo, hoặc của bất cứ một ý tưởng áp đặt nào, mà mình cho rằng đã làm mất thời giờ và công sức của mình.  

Thật ra, cái thời giờ mất đi ấy, cái công sức ấy, không nghĩa lý gì cả, so với ý nghĩa của cả một cuộc đời. Ăn thua là mình đã học hỏi được những gì trong sự mất mát đó, để có một cái nhìn sáng suốt hơn.

 

Văn Ngọc

 

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Xuân Mậu Tý 2
Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us