Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Thư cuối năm cho mẹ

Thư cuối năm cho mẹ

- Mạch Nha — published 09/12/2011 03:35, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:20

Mạch Nha


Thư cuối năm cho mẹ



Mẹ thương yêu,

Năm nay Tết sớm. Vừa tất bật với Noël và Tết tây xong đã phải nghĩ đến Tết ta. Con sẽ phải lo cất dọn cây sapin cho sớm chứ không thể lần lữa đến tận giữa tháng giêng như mọi năm bởi vì ngày hai mươi ba tháng giêng tây đã sẽ là mồng một Tết Nguyên Đán.

Thời gian đầu xa nhà, năm nào con cũng xin nghỉ phép đế đón Tết Nguyên Đán. Không nghỉ hẳn cả tuần thì chí ít cũng nghỉ ngày mồng một Tết nếu như nó lỡ rơi vào một ngày trong tuần. Không hẳn là nghỉ ở nhà để có thời giờ bày biện, nấu nướng, cúng kiếng, tụ tập… Cũng không hẳn là tránh đi « cày » ngày đầu năm để cả năm được thư thả. Con đã luôn lấy ngày nghỉ phép khi Tết đến như một điều tự nhiên vậy thôi. Nếu phải viện giải tại sao nghỉ thì lý do duy nhất là : TẾT mà. Đương nhiên phải nghỉ chứ. Nghỉ Tết.

Con còn nhớ con đã từng khoe với mẹ rằng tưởng vậy chứ bên này chẳng thiếu thứ gì, có khi còn đầy đủ và phong phú hơn bên nhà. Chẳng hạn như là pháo. Bên nhà, mười mấy năm nay đâu còn được nghe tiếng pháo để thấy rộn ràng lỗ tai, ngửi mùi pháo để thấy mới mẻ buồng phổi, ngắm những bánh pháo chắc cùi cụi và xác pháo tung tóe khắp đường đi lối về để thấy vui vẻ con mắt. Hầu như chẳng thiếu gì nhưng trong con luôn có một cảm giác kỳ lạ. Sự pha trộn của mặc cảm tha phương và lo sợ không đủ lễ cho Tết. Mặc cảm và lo sợ mất gốc rễ. Càng mặc cảm và lo sợ thì lại càng chú tâm chú chí một cách căng thẳng : Có bánh chưng chưa, hộp mứt có đầy đủ mứt sen, mứt bí, mứt tắc, mứt dừa … chưa ? Bát chân giò hầm măng đã thả hành trần và ngò rí lên mặt chưa ? Đã mua nước dừa để kho thịt chưa ? Dưa món gắp đủ miếng đu đủ, miếng dứa, miếng kiệu, miếng ớt chưa… ? Đĩa ngũ quả đã đủ năm thứ trái cây khác nhau chưa ? Hoa đâu, bình nhang đâu rồi… Để rồi ngớ người : Nhà làm gì có bàn thờ mà cần phải soạn nhang đèn lư bát! Để rồi bưng bê hết thảy chay mặn ra ngoài hàng hiên. Trùm măng tô. Cúng Trời Đất. Đốt giấy tiền vàng mã hẳn hòi như vẫn thấy mẹ làm hồi ở bên nhà. Chỉ thiếu những dòng chữ chi chít trên mấy tờ sớ. Con không nhớ mẹ đã viết gì trên ấy, chỉ nhớ mẹ viết rất cẩn thận, nắn nót và đầy ắp. Con nhốt mấy tờ sớ vô cái nồi nhôm cũ, bật quẹt lửa. Nghĩ đến con bé bán diêm tội nghiệp của Andersen… quẹt một que và thấy ảo ảnh để vui… quẹt một que và quên thực tại để bớt buồn khổ… Nghĩ đến câu hát của Trịnh Công Sơn về mùa đông và cứu cánh… Ngoài phố mùa đông đôi môi em là đốm lửa hồng… Những điều chẳng đâu vào đâu… Thấy mình như một đứa bé gửi thư cho ông già Noël với tất cả lòng thành nhưng chẳng có lấy được một chữ trên trang giấy.

Mười năm. Hồi còn trẻ nghe hai chữ này cứ thấy ước lệ thế nào. Nhưng thử ngồi điểm lại đời sống của riêng mình thôi trong mười năm qua, con hiểu tại sao người ta ưa dùng cái mốc thời gian này khi nói đến lịch sử - từ lịch sử đại cồ của cả thế giới, của một đất nước, một dân tộc, một tập đoàn xã hội, chính trị, thương mại, đến lịch sử của một gia đình hay chỉ một cá nhân. Mười năm là một khoảng thời gian đủ để nhiều sự kiện quan trọng xảy ra, để người ta nếm trải những mùi vị đáng kể trong đời. Nói nghe tưởng bở, đúng ra là nếm trải mùi đời. Mùi đời nó gồm có những mùi gì ? Hình như chẳng ai nghĩ đến ngọt bùi khi nghe hai chữ này. Phần nhiều là cay đắng và mất mát thôi, phải không mẹ ? Nhờ mười năm trôi qua, bây giờ con đã có bàn thờ trong nhà! Trời đất, nói làm như khoe hổng bằng, con đã có nơi để chính thức bày cỗ cúng Tết! Ông ngoại và bà nội mấy đứa nhỏ đang nói nói cười cười đi đi lại lại giữa đời thoắt một cái chui tọt vô khung hình lộng kiếng, leo lên bàn thờ ngồi im ru. Bố ruột và mẹ chồng, còn ai có thể « nặng ký » hơn cả về tình lẫn về lễ ? Tha hồ mà cúng. Đường đường chính chính. Không còn mặc cảm bày đặt vẽ vời hoa hòe hoa sói nữa. Nhưng mẹ ơi, mười năm trôi qua, không hiểu sao càng ngày con càng cảm thấy không ổn với với Tết mặc dù con đã có bàn thờ trong nhà. Con cảm thấy những động tác đón Tết của con nó cưỡng cầu và lạc lõng thế nào đó.

Hàng xóm láng giềng gần của con gồm ba hộ. Trên : người Pháp gốc Tunisie – theo đạo Hồi, có lễ Tết riêng của họ, bánh mứt khéo léo, lễ bái nghiêm cẩn, áo quần truyền thống dệt gấm thêu hoa súng sính không thua gì ai. Ngang tầng : người Pháp gốc Do Thái – theo Do Thái giáo, cũng thế, có Tết riêng, đồ ăn thức uống đặc thù, nghi thức lễ giáo đâu ra đó, rất mực thành kính. Dưới : người Pháp gốc … Pháp chính cống – theo Thiên chúa giáo, Noël đến thì dựng cây sapin, đêm 24 đi lễ nhà thờ hát Thánh ca, ăn réveillon, đêm 31 đón giao thừa Saint Sylvestre… Những người hàng xóm gốc ngoại bang Tunisie và Do Thái của con tỏ ra rất xác tín và tự hào về nguồn gốc cũng như việc giữ gìn truyền thống của họ. Họ có nơi sinh hoạt cộng đồng và tôn giáo và họ đến những nơi ấy rất mực chuyên cần. Bề mặt là vậy. Bên trong, lòng họ có thật vững như kiềng ba chân không ? Có bao giờ họ thấy việc giữ gìn bản sắc là cưỡng cầu và lạc lõng hay không, con không rõ… Riêng người hàng xóm Tây trắng trăm phần trăm thì khỏi phải nói rồi, cá lội ao nhà. Noël là Noël của họ. Tết tây là Tết của họ, của dân tộc họ, đất nước họ, của đại đa số quần chúng, của đám đông. Ai có thể đón Noël và Tết tây chính quy và tự nhiên hơn họ ? Đó là một diễm phúc. Con của mẹ, người Pháp gốc Việt Nam – gia đình Phật giáo ăn theo đám đông, Noël đến cũng dựng cây sapin, chất quà dưới gốc, ăn gà trống thiến nhồi, gan ngỗng và bánh bûche, đêm giao thừa Tây cũng champagne chứa chan, cố thức tới nửa đêm về sáng để ôm hôn người thân và chúc nhau : Năm Mới Vui Vẻ, Sức khỏe Tốt Lành, v.v… mà lòng len lỏi thầm kín cảm giác không chính quy và thiếu tự nhiên. Nói đơn giản : đích thị ăn theo !

Tụi nhỏ nhà con hẳn sẽ hòa nhập vào đám đông Phú Lang Sa, ăn Noël và Tết tây tự nhiên như Tây. Chúng sẽ không có cảm giác ăn theo. Chúng là những quả chuối ngoài vàng trong trắng. Chúng là Tây.

Cu Chồi hôm trước, trong lúc cả nhà cùng trang trí cây sapin, nó vừa móc một quả châu lên cành thông vừa hỏi con một câu thế này : « Mẹ ơi, hồi nhỏ mẹ có thích trang trí cây sapin với ông bà ngoại không ? » Con trả lời nó : « Hồi nhỏ ở Việt Nam, mẹ không hề biết cây sapin là gì ». « Ồ, Noël mà không có cây sapin thì buồn chết ! » « Nhưng Noël ở Việt Nam những ngày mẹ còn nhỏ chẳng là cái gì cả, con à. Chỉ những người công giáo mới đón mừng lễ này thôi. Nhà mình Phật giáo, chỉ ăn Tết là đủ. Mà hồi ấy nghèo lắm, cả kinh tế lẫn chính trị đều khó khăn, người công giáo cũng chẳng ăn Noël nổi. » « Vậy chứ Tết đến có trang trí cây gì không mẹ? » « Ở nhà quê người ta dựng cây nêu, nhưng đó là một tập tục lâu đời, xuất phát từ lòng tin dựng cây nêu cao, treo chuông khánh hoặc bùa ngải để xua đuối tà ma chứ không có trang trí vui vẻ để đón ông già Noël như mình trang trí cây sapin ở đây. « Ông bà ngoại có dựng cây nêu trước sân không mẹ ? » « Không, nhà mình ở Sàigòn. Thành thị đông đúc, đâu có chỗ dựng nêu… Nhưng trong nhà thường có cây mai… »

Mẹ thương, con còn nhớ năm ấy, buổi xế chiều, cận Tết, con đang chơi nhảy dây với lũ bạn hàng xóm thì nghe bố gọi lớn tên con từ đầu ngõ. Con chạy ra xem, thấy bố ngồi trên xích lô với một chậu mai vàng to cối. Bố ngoắc tay vẫy con. Không phải để gọi con đến phụ đỡ cây xuống mà để khoe : « Tí Na, con xem nè, hoa mai ! Hoa mai ! Đẹp không con ?». Đó là năm 1982. Năm ấy con bằng cỡ cu Chồi bây giờ. Trái tim lên mười chỉ biết reo mừng theo bố chứ nào biết suy nghĩ sâu xa gì. Nhưng nụ cười rạng ngời của bố giữa những cánh mai vàng rực chiều hôm ấy ở mãi trong ký ức con cho đến khi con đủ khôn lớn để hiểu ý nghĩa nụ cười ấy. Đó là cái Tết đầu tiên bố trở về nhà sau hơn sáu năm tù tội. Sự hồi sinh của một người tưởng đã bỏ xác trong tù ngục vì bệnh lao phổi – kết quả của mười tháng xà lim còng tay và những năm tháng lao động vất vả. Bố đã phải chịu biệt giam xà lim chỉ vì đã lên tiếng đòi quyền được hát thánh ca và thắp nến trong đêm Giáng Sinh năm 1976 dùm cho những bạn tù Thiên Chúa giáo.

1982 là cái Tết đầu tiên bố được nhìn lại hoa mai. Loài hoa bố yêu rất mực. Loài hoa không thể thiếu trong nhà khi Tết đến. Yêu hoa như yêu Tết. Hoa và Tết và thái bình đất nước và hạnh phúc gia đình và là một. Đó là cái Tết đầu tiên cả nhà ta đoàn tụ đầy đủ bên cây mai. Không như những năm trước, chỉ có ba mẹ con ôm lấy nhau đọc thư bố gửi về từ những trại tù Suối Máu, Long Giao, Long Khánh… Mẹ còn giữ đủ những lá thư ấy không ? Cho đến bây giờ con vẫn không quên được hình ảnh mẹ ngồi trên giường run rẩy đọc những dòng bố viết trong thư cho chị em tụi con cùng nghe :

Khẽ nói năm nay bố vắng nhà
Cây mai của bố vẫn đơm hoa
Hoa mai cánh kép lung linh nở
Và rụng như từng giọt lệ sa…

Làm sao con có thể nói cho các con của con hiểu hết những điều này ? Làm sao để chúng nó hiểu cây sapin của mẹ chúng chính là cây mai yêu quý. Yêu quý, nhưng không phải lúc nào cũng rạng rỡ hạnh phúc. Đã có những năm tháng hoa rụng như lệ sa. Mà dù các con của con một ngày nào đó đủ khôn lớn để hiểu nhiều thì chúng nó cũng sẽ chẳng bao giờ thân thiết với cây mai được. Nơi chúng sinh trưởng không có hoa mai. Chỉ có cây forsythia mà bố chúng bảo thấy giống hoa mai và mẹ chúng mua về trang trí nhà cửa những ngày Tết ta cho đỡ nhớ mai. Chúng sẽ chỉ gắn bó tình cảm với cây sapin mà thôi. Tất nhiên là thế. Những hoài niệm của bố mẹ chúng với cây mai là chuyện riêng của bố mẹ chúng, nghe để biết vậy chứ làm sao bắt chúng yêu cái cây chúng chẳng bao giờ nhìn thấy. Các con của con không thể nào hội nhập ngược vào vùng kỷ niệm quá khứ của con, nhưng con thì con có thể hội nhập vào vùng kỷ niệm hiện tại và tương lai của chúng. Con có thể cùng chúng yêu quý cây sapin và đón Noël cùng Tết Tây vui vẻ như bao người bản xứ khác cho dù lòng con có thoải mái hay không.

Vấn đề là, sau Noël và Tết Tây, ta có Tết ta. Nếu ý nghĩa của Tết là tiễn đưa năm cũ và đón mừng 365 ngày mới thì năm cũ đã tiễn xong vào đêm giao thừa – New Year’s Eve 31 tháng chạp và năm mới đã đón xong vào ngày một tháng giêng tây rồi cơ mà. Cả về mặt tâm lý lẫn về mặt nghi thức đều đã đầy đủ đâu vào đấy. Sau khi người dẫn chương trình ti vi đếm ngược từ 10 đến 0 mười giây cuối cùng của năm cũ để bàn dân thiên hạ cùng la làng : « Chúc Mừng Năm Mới » « Bonne Année » « Happy New Year » thì một cách chính thức, ta đã bước vào năm mới rồi. Đâm ra, mấy tuần sau, lại loay hoay trang trang trí trí, chợ chợ búa búa, nấu nấu nướng nướng, bày bày biện biện, ăn ăn uống uống, chúc chúc mừng mừng nữa, e có sự không ổn. Tụi nhỏ không hiểu tại sao đã gào « Bonne Année » đến khản cổ họng cách đây ba tuần rồi, bây giờ lại đón năm mới nữa ! Giải thích dương lịch và âm lịch cho một con bé ba tuổi là chuyện vô duyên. Còn thằng anh lên mười của nó thì gật gật gù gù ra vẻ biết rồi khổ lắm, kỳ thực nó chẳng hiểu gì ráo. Gật đầu lia lịa là để xì tốp mẹ nó đừng lải nhải thêm những điều khó hiểu.

Các con của con dửng dưng với hoa forsythia mà con mua về và gắn lên đó những tấm thiệp chúc Tết cũ rích của một ngàn chín trăm hồi đó vì từ khi có internet chẳng ai thèm gửi cho thiệp viết tay nữa. Forsythia trông giống hoa mai hay không thì có dính dáng gì tới chúng ! Forsythia hay hoa hồng hoa cúc gì cũng rứa – một bình hoa chưng cho đẹp nhà, thế thôi. Lại nữa, chúng lấy làm lạ khi mẹ chúng bày những thứ mứt được gói trong giấy bóng kiếng lạ mắt lên bàn thờ nhưng cúng xong lại không cho chúng ăn, lý do : Mứt nhập từ Việt Nam qua, dơ lắm, ăn vô đau bụng. Cu Chồi hỏi : « Ủa, mứt dơ ăn đau bụng sao đem cúng ông bà ? » « Ờ, cúng cho đỡ nhớ ! » Thằng nhỏ nghe xong gật gù tỏ vẻ hiểu, kỳ thực nó chẳng hiểu gì ráo. Chưa hết, nếu bàn tiệc của đêm Noël 24/12 và đêm St Sylvestre 31/12 ngon lành, hợp khẩu vị chúng biết chừng nào với những món ăn Tây đầy bơ sữa và kem tươi thì mâm cơm Tết Việt lại khó ăn chừng nấy với những gia vị và rau củ lạ lẫm. Có một lần Cu Chồi đi học về, bước vào nhà rồi nó cứ lật giày lên coi tới coi lui. Nó bảo : « Mẹ ơi, nhà mình có cái mùi gì kỳ kỳ… » Ngay sau đó, nó vào bếp và khám phá ra thủ phạm : « Mẹ ơi, mẹ nấu cái gì trên bếp vậy ? » Từ đó, cứ mỗi năm Tết đến, thằng nhỏ rầu. Mẹ nó không bao giờ bỏ quên món măng hầm truyền thống không những thúi muốn bể lỗ mũi mà lại còn thúi dai. Rồi còn dưa khú kho cá nục nữa chứ ! Thằng nhỏ không hiểu tại sao một người ngưỡng mộ mùi nước hoa Coco Chanel 5 như mẹ nó lại có thể đồng thời thích thú cái mùi vị nồng nặc lạ lùng của cá kho dưa. Bánh chưng thì ăn vừa dính dấp vừa mau ớn. Củ kiệu mà mẹ nó ngắm nghía trìu mến và gắm ghém nưng niu thì… cũng thúi luôn và ăn vào hăng miệng. Thật chẳng có gì ngon cả ! Đã thế mẹ nó cứ lúi húi suốt trong bếp, chẳng còn thì giờ chơi với anh em nó. Sau đó, mẹ dễ gắt gỏng cau có vì mẹ bảo là mẹ mệt phờ người vì phải nấu nướng nhiều thứ quá. Kết luận : Tết chẳng vui chút nào !

Mẹ ơi, khi con để tâm đến cảm nghĩ của các con con, con thấy chúng có lý. Mình cứ bảo : « Vui như Tết ! ». Nghe bọn « quả chuối » da vàng ruột trắng này lên án Tết xong thì thấy đúng hơn phải nói là « Khổ như Tết ! » « Mệt như Tết ! » « Buồn như Tết ! ». Con đúng là mệt vì cỗ bàn lỉnh kỉnh bởi cứ nhất định muốn được đầy đủ như hồi bên nhà. Mà phải chi mệt để rồi mọi người vui hưởng cũng không nói làm chi, đằng này, nấu nướng bày biện cho đã đời mà chẳng thấy ai vui thành ra càng cố gắng níu giữ Tết, gầy dựng Tết với áo dài khăn đóng (nhiêu khê nhờ vả bên nhà mua sắm, rồi phải tìm người gửi qua), với cây nêu tràng pháo (nhựa Trung Quốc), với dưa món củ kiệu (đóng hộp, ngâm một đống hóa chất hằm bà lằng để giữ giòn giữ trắng…) bao nhiêu thì lại càng thấy cô đơn bấy nhiêu. Nhất là, dọn mâm cỗ xong, nhìn ra ngoài trời chỉ thấy những nóc nhà phủ tuyết trắng câm. Con tự hỏi : Sao lại phải khổ như thế làm gì ? Hoài niệm Tết, cố sống với Tết nhưng có được Tết như ngày xưa đâu. Tết như tình đầu, không còn trong tay nữa thì thôi, cho qua luôn, sống với tình sau yên phận cho nó khỏe, cứ khơi dậy làm chi… Có lẽ con thôi thật, mẹ à. Không ăn Tết ta nữa. Cho nó nhẹ gánh, nhẹ lòng.

Có nhẹ lòng không ? Nhà con bây giờ có bàn thờ rồi. Bố ở trên ấy. Bà nội mấy đứa nhỏ ở trên ấy. Tết đến, chẳng lẽ bỏ ông bà quạnh hiu ? Lại nữa, trời đất xui khiến sao không biết, dạo này, cu Chồi ưa rủ bé Tim thắp nhang bàn thờ, sau đó chúng chắp tay kể lể những chuyện xảy ra với chúng trong ngày, đại loại như : « Hôm nay con được mười điểm toán, thắng thằng Bryan.» «Hôm nay con nhỏ Nathalie uýnh con đau quá. »… và chúng xin xỏ cái này cái kia y như xin xỏ ông già Noël cho quà Giáng Sinh. Hình như có cái gì đó từ con đã ngấm ngầm bò qua, chui vào đầu óc chúng. Sao con trách chúng không hòa nhập vào vùng kỷ niệm quá khứ của con ? Hòa nhập quá đi chứ ! Nhất là con bé Tim, khi nó sinh ra thì ông ngoại nó đã ra đi mất rồi. Nó chỉ biết ông qua lời mẹ nó và hình ảnh trên bàn thờ. Nhưng nó vẫn nhìn lên ông rất thường và gọi ông ơi ngọt lịm kia kìa… Có lẽ con phải nghĩ lại, mẹ à. Làm sao đành đoạn với Tết ? Tết đâu phải là tình đầu ! Nó là TÌNH, chỉ một chữ viết hoa. Tình yêu. Không đầu, không cuối. Vĩnh viễn. Không cách gì lấy ra khỏi thân thể. Nhưng con sẽ tìm cách sao cho bọn nhỏ thích Tết hơn. Thay măng khô bằng cà rốt khoai tây khi hầm với chân giò, thay cá nục kho dưa bằng cà hồi xông khói, thay mứt Việt Nam ăn đau bụng bằng chocolat, v.v. Để tụi nhỏ thấy ngoài phong bao lì xì ra, còn có cơm Tết hấp dẫn. Để tụi nó biết trông mong Tết như con ngày còn bé.


Mẹ ơi, Tết sắp đến rồi. Chữ Tết càng xuất hiện trong ý nghĩ nhiều bao nhiêu thì con càng nhớ nhà bấy nhiêu. Nhớ những ngày còn bé…Nhớ lũ chó mèo chạy cong đít vì sợ pháo còn chị em tụi con thì vỗ tay reo hò nghe ngóng coi nhà nào đốt pháo nhiều nhất xóm… Nhớ bà ngoại, nước mắm, lá dong, tai heo, củ cải…Nhớ đôi mắt mẹ kính cẩn hướng lên bàn thờ tổ tiên, đôi tay mẹ thành khẩn sắp xếp hoa quả nhang đèn đêm giao thừa… Nhớ nụ cười mai vàng của bố chiều xuân ấy... Khẽ nói năm nay bố vắng nhà…

 

Con sẽ gọi về đêm giao thừa, mẹ nhe. Con ôm hôn mẹ.


Con gái của mẹ,


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss