Thư gửi bạn
Thư gửi bạn
Chu Sơn
Diễn Đàn vừa nhận được bản sao một lá "thư gửi bạn", viết từ 2007, mà tác giả Chu Sơn có nhã ý gửi tới cho phép sử dụng. Xin cảm ơn anh Chu Sơn. Nhận thấy thư có những đoạn nhận định quý giá về hoạ sĩ Bửu Chỉ, chúng tôi rất hân hạnh trích đăng. Các bức tranh Bửu Chỉ trong bài do chúng tôi sưu tầm trên mạng.
Diễn Đàn
Ông bà T.Đ.T.L thân mến;
Buổi chiều nắng vàng, trời trong xanh rất đẹp. Trời đẹp mà đất và người ngày càng xấu đi.
(...)
Mười bức tranh Cáo Bửu Chỉ vẽ để tặng bạn bè sau 1975 là những bức cuối cùng thời kỳ bút sắt của anh. Sau thời kỳ bút sắt trên giấy, Bửu Chỉ bắt đầu vẽ sơn trên bao bố rồi vẽ sơn dầu trên toile. Giã từ thời kỳ bút sắt đồng thời Bửu Chỉ giã từ thời kỳ làm hội hoạ tài tử, hội hoạ phong trào và chuyển hẳn qua thời kỳ làm hội hoạ chuyên nghiệp.
Thời kỳ tranh bút sắt, Bửu Chỉ mô tả tình cảnh đất nước, dân tộc với tâm tình và ý thức của một người đấu tranh để thay đổi hiện thực đời sống dân tộc. Thời kỳ vẽ tranh sơn (công nghiệp) và sơn dầu, Bửu Chỉ mô tả thân phận con người và khắc khoải truy tìm, tiếp cận bản thể sự sống. Bức “Bi kịch con người” là một trong những tác phẩm cuối của thời ký bút sắt.
Tranh bút sắt mực tàu trên giấy của Bửu Chỉ được sáng tác vào hai thời đoạn. Trước và sau 1975. Mỗi thời đoạn có những biểu hiện khác nhau.
Thời đoạn trước 1975; với tư
cách là một thành viên và lần
hồi trở thành một thủ lĩnh của
phong trào Học sinh Sinh viên, phong trào
đô thị trực thuộc Thành Uỷ
Huế liên kết với phong trào đấu
tranh chính trị toàn miền Nam. Ngoài
việc vẽ tranh, Bửu Chỉ còn xông
vào các cuộc mitting, biểu tình, bãi
khoá, đêm không ngủ. Bửu Chỉ
cuốn hút quần chúng (đặc biệt
là tuổi trẻ) không những bằng
tài vẽ tranh, anh còn là người
diễn thuyết hùng biện, người ca
hát say sưa và bốc lửa. Bửu Chỉ
thuộc rất nhiều bài ca kháng chiến
anh nghe được qua đài phát thanh
Hà Nội. Mùa tranh đấu 1972, tại
cuộc mitting trước mối cầu Tràng
Tiền (phía Morin), trước hàng ngàn
học sinh sinh viên, Bửu Chỉ sau khi diễn
thuyết đã hát thành công bài
“Việt Nam trên đường chúng
ta đi”. Bửu Chỉ còn hát những
bài ca của các nhạc sĩ phong trào
như Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn và
đặc biệt là Trịnh Công Sơn:
“ Nối vòng tay lớn”, “ Chính
chúng ta phải nói hoà bình”,
“Tôi phải thấy mặt trời”,
“Ta quyết phải sống”, “Ta thấy
gì đêm nay”... và nhiều bài
ca phản chiến khác của Trịnh Công
Sơn được sáng tác trong bối
cảnh cuộc chiến tranh và trực tiếp
từ các phong trào đấu tranh của
Học sinh Sinh viên Huế, Sàigòn.
Nội dung chủ yếu trong tranh Bửu Chỉ trước năm 1975 là chống chiến tranh, kêu đòi hoà bình, chống đàn áp, kêu đòi tự do dân chủ, dân quyền, dân sinh...Tranh của Bửu Chỉ xuất hiện trên các đường phố, trên vách trên tường trường học, phòng hội thảo, trên bìa và phụ bản của các tạp chí, tập san đấu tranh: Tự quyết, Mặt Trận Văn Hoá Miền Trung, Việt, Đất Nước, Trình bày. Tranh Bửu Chỉ còn được chuyền tay nhau qua cửa nhà tù.
Tóm lại; Bửu Chỉ vẽ là đấu tranh, diễn thuyết là đấu tranh, ca hát là đấu tranh. Bởi anh là người của phong trào đô thị. Phong trào đô thị là một phần của cuộc đấu tranh chính trị do đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo thời chống Mỹ trong sách lược hai chân - ba mũi – ba vùng chiến lược từ nghị quyết 15.
Thời đoạn sau 1975: khối lượng tranh bút sắt mực tàu trên giấy của Bửu Chỉ không nhiều và phổ biến không rộng rãi như thời đoạn trước 1975. Lác đác xuất hiện trên tạp chí Sông Hương nhưng tức khắc bị “cáp duồn”, sau đó chủ yếu lưu hành trong bạn bè đồng thanh tương khí: những người không nhiều thì ít có dính líu đến phong trào trước 1975 và có trăn trở trước bối cảnh mới. Bửu Chỉ ngỡ ngàng trước cuộc giải phóng và không khí cách mạng Xã Hội Chủ Nghĩa. Biết bao nhiêu câu hỏi làm rối lòng anh: Giải phóng thế này ư? Hoà Bình thế này ư? Cách Mạng thế này ư? Lí tưởng Cộng sản thế này ư? Độc Lập thế này ư? Thống nhất thế này ư? Tất cả mọi giá trị đều bị đảo ngược trước sự xác quyết lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối của đảng Cộng Sản. Tâm thức Bửu Chỉ chuyển động từ ngỡ ngàng, choáng váng qua phẫn nộ, giằng xé, ray rứt, khổ đau, thất vọng và cuối cùng là khắc khoải siêu hình.
![]() |
|
Mười bức tranh cáo là một khái quát (tuy chưa đầy đủ) hiện thực đời sống Việt Nam sau 1975: “Cáo làm vua”, “cáo mang mặt nạ”,... Cáo hiếp... và cuối cùng là “Cáo ị”. Cả đất nước, cả dân tộc bị lừa phỉnh, bị phản bội và bị áp bức đày đoạ.
Cái khác của các bức tranh bút sắt của Bửu Chỉ hai thời đoạn (trước 1975 và sau 1975): có hay không có niềm tin yêu và hy vọng.
Trước 1975, Bửu Chỉ thể hiện trong tranh niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống và cuộc đấu tranh: Mặt trời chiếu soi qua khung cửa nhà tù, Mặt trời toả chiếu khắp không gian của cuộc đấu tranh khốc liệt mà cả dân tộc và tuổi trẻ đang xốc tới. Chim câu và cành ô liu cũng là những biểu tượng trong tranh của Bửu Chỉ thời đoạn này.
Nguyện Cầu, Bộ sưu tập Phan Nguyên
Tóm lại, Mặt trời, Chim câu, Cành ô liu, niềm tin và hy vọng gần như biến mất trong tranh bút sắt của Bửu Chỉ thời đoạn sau 1975. Bửu Chỉ chuyển từ đấu tranh tích cực (chính trị - trước1975) sang đấu tranh tiêu cực (văn hóa). Sau 1975, tranh bút sắt của Bửu Chỉ gần với thể loại biếm hoạ hoặc thể loại chuyện kể hài hước dân gian. Anh run sợ trước bạo lực của guồng máy? Anh nhận ra rằng chính mình cũng có trách nhiệm trước nhân dân trong việc đưa guồng máy đến cho họ? Hay anh nhận thức rằng sau bạo lực Tư sản, bạo lực Thực dân, bạo lực Phát xít và bạo lực Cộng Sản diễn ra trên bình diện toàn cầu, nhân loại trong đó có Việt Nam cần một khoảng thời gian đủ để nhìn lại, để trầm tư, hướng nội, quay trở lại với những khắc khoải siêu hình và đặt lại vấn đề ngàn đời: Nhân sinh hà tại? Tại thế như hà? Hậu thế như hà?
Với bút sắt mực tàu, Bửu Chỉ nhận ra rằng anh không thể biểu đạt đầy đủ cảm xúc và tư tưởng của mình trên nền giấy trắng. Chiến tranh và cách mạng Xã hội chủ nghĩa đã làm khánh kiệt đất nước, gia đình và cá nhân anh. Sơn công nghệ và bao tải là những thứ anh có được để bắt đầu thời kỳ hội hoạ chuyên nghiệp. Trước công chúng tranh không được lên khung mà treo trên tường như những bức trướng. Những bức trướng thô tháp gồ ghề, màu sắc đường nét, hình thể và bố cục không vừa ý người sáng tác ra nó, nhưng lại thu hút sự tò mò và trí tưởng tượng của người xem. Không gian trong tranh là cả một vũ trụ đa chiều. Thời gian trong tranh cũng khó phân biệt là thuở hồng hoang hay là thời hiện đại của đổ nát tang thương? Núi non mà sâu hơn chầm lũng. Sông suối mà cao hơn gò đồi. Mặt trời chẳng còn là “Mặt trời chân lý chói qua tim”(thơ Tố Hữu) như nó đã xuất hiện rất nhiều trên tranh bút sắt của Bửu Chỉ thời đoạn anh tham gia phong trào chống Mỹ, mà là một mảng mầu đỏ thẫm không phát sáng, nhỏ như hòn bi, như trái chanh hay tả tơi như miếng dẻ rách xuất hiện cùng với vành trăng lạnh, mấy ngôi sao mờ và không nhất thiết ở trên cao: Con người giản lược thành những chi tiết hay chỉ biểu hiện đủ để cho người xem nhận ra nó mà không phân biệt được là nó đã bị huỷ hoại, nghiền xé đến tan nát, méo mó biến dạng hay nó đang tái sinh thành một sinh vật tật nguyền để trừng phạt một mê lầm trong tiền kiếp.
Cuộc thử nghiệm tình thế (do điều kiện sống...) ấy đã mang lại những thành tựu bất ngờ làm nền tảng cho bước khởi đầu đầy hứng khởi trong cuộc hành trình làm hoạ sĩ chuyên nghiệp của anh, tạo cho anh một chỗ đứng nhiều thiện cảm trước nhãn quan của công chúng nghệ thuật tạo hình và những nhà chuyên môn ở Huế, ở Hà Nội, ở thành phố Hồ Chí Minh và cả ở nước ngoài.
Cửa sắt hé mở, bán được tranh, mua được sơn dầu, toiles, đóng được khung...Bửu Chỉ lao vào cuộc sáng tạo và trở thành một hoạ sĩ chuyên nghiệp đích thực, anh tự mở cho chính mình một chân trời nghệ thuật độc đáo, nghệ thuật của những khắc khoải siêu hình, nghệ thuật của những đạo sư hoá thân thành màu sắc, đường nét, chất liệu để tiếp cận bản thể của tồn tại.

Bức tranh sơn dầu cuối cùng
của
Bửu Chỉ. Nguồn : Phan
Nguyên
Ông bà T. Đ. T. L thân mến;
Chính danh không phải là một nhà chuyên môn, vậy đó mà tôi đã lan man dài dòng về một hoạ sĩ.
Hoàng Dũng đã có những kiến giải thú vị khi xem tranh Bửu Chỉ. Tuy nhiên nếu chỉ dừng lại với những bức tranh bút sắt mực tàu trên giấy, Bửu Chỉ đã không là một hoạ sĩ chuyên nghiệp
Những bức tranh bút sắt đã làm cho Bửu Chỉ thành một hoạ sĩ phong trào và hậu phong trào. Tranh sơn dầu của anh mới là tác phẩm nghệ thuật tạo hình. Bửu Chỉ đã tạo dựng cho mình một vị trí xứng đáng trong kho tàng nghệ thuật đương đại Việt Nam bằng những tác phẩm thuộc thể loại này.
Ông bà T. Đ. T. L. thân mến;
Bắt đầu viết thư cho ông bà trời nắng đẹp. Kết thúc thư trong mưa lạnh gió mùa đông bắc và bão xa. Thành kiến với guồng máy có nhiều hậu quả xấu. không chịu theo dõi đầy đủ thông tin trên những cơ quan truyền thông, không nắm được tình thời tiết, bà T tui chuẩn bị các thứ để làm dưa món cả tuần rồi mà không làm được. Ở bên nớ bà H đang chuẩn bị Tết như thế nào? Con cháu có tụ hội đầy đủ không? Thành chúc ông bà và gia đình các cháu bên nớ bên ni khoẻ mạnh yên vui.
Chu Sơn.
Các thao tác trên Tài liệu