Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Tiếng gọi của mùa xuân

Tiếng gọi của mùa xuân

- Hoa Liên — published 07/02/2010 23:45, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:20


TIẾNG GỌI CỦA MÙA XUÂN


Hoa Liên


1- Hiển cúi mình đạp xe, gió cuối năm buốt lạnh. Hôm nay đã mồng 10 tháng chạp rồi. Ngang qua số nhà 14, Hiển dừng xe lại. Dưới gốc cây này, ngó lên cửa sổ lầu hai đã hàng trăm lần tiếng đàn cuốn hút Hiển. Không phải giờ nào cô bé cũng kéo vĩ cầm, mà giờ này, điểm giao thoa giữa đêm và ngày. Cô bé thường đi dạy thêm buổi tối và chính vào giờ này tiếng vĩ cầm réo rắt cất lên những giai điệu, Hiển không thấy rõ mặt cô bé khuất sau tấm rèm cửa. Đó chỉ là khúc dạo đầu cho một buổi tối lao động cật lực, Hiển nghĩ vậy. Hiển đã từng học đàn, chơi guitare, kéo cả violon và nhất là chơi dương cầm. Không ai ngờ hoàn cảnh kéo Hiển ra khỏi trường nhạc. Anh đã ra khỏi trường trước sự tiếc rẻ của nhiều người, trong đó có giáo sư Trần Thanh. Anh dạy học khi tuổi mới 17, trầy trật rồi cũng vào được đại học. Biết làm sao bây giờ. Cha Hiển, một nhạc sĩ tiếng tăm một thời với những bản tình ca đã qua đời vì bệnh lao. Ông lấy vợ sau giải phóng và chết đi để lại Hiển với đàn em nhỏ. Mẹ bán gánh xôi cháo cũng ngã bệnh cuối năm nay. Ban ngày lấy báo bán thêm, ban đêm dạy kèm guitare cho con ông cán bộ. Hiển không dám nghĩ tới cái ngày mình trở về với âm nhạc. Cây đàn của anh cũ kỹ, nhưng là vật kỷ niệm của cha. Hiền dạy nhạc chỉ với mơ ước một ngày kia anh có thể viết lên những giai điêu mượt mà như có thời cha anh đã viết. Và niềm vui thầm lặng với anh đêm đêm là ngang qua số nhà 14 quen thuộc, nghe cô bé kéo bản nhạc dạo đầu, có khi cả một bản sonate, trước khi trở về căn nhà chật chội trong ngõ hẹp. Anh nói với thằng bạn thân:”Tao chỉ ước có ngày tao viết nên một bản nhạc hay và tao chơi dương cầm, nàng kéo violon”. Trong chiếc áo mưa rách vai, Hiển co người vì lạnh. Chiều nay cô bé không kéo vĩ cầm, ánh đèn trong cửa sổ không sáng lên như mọi bận. Hiển thất vọng đạp xe đi. Tự nhiên có cái gì hụt hẫng trong anh. Về tới nhà, trong cái xóm lao động lúc nào cũng ồn ào tiếng cãi cọ, la rầy. Mấy đứa em của Hiển đã về đông đủ. Chúng cũng vừa đi học vừa bán vế số thêm.

– Má có khỏe không?

– Má đang nấu cơm.

Mẹ Hiển từ dưới bếp bước lên.

– Con thay áo rồi ăn cơm, coi mà mua cái áo khác, ướt hết cả.

Nhưng Hiển không vội thay áo. Mấy đêm nay anh không ngủ được. Không phải vì tiếng vĩ cầm, mà vì chính anh. Anh trăn trở, thao thức. Về một điều ngày càng lớn mạnh trong trí tưởng. Phải trở lại với trường nhạc. Phải trở về với âm nhạc thôi. Nó đã làm cho tên tuổi cha ta vang bóng một thời. Nhưng tiền đâu? Chạy vậy suốt ngày may ra mới đủ mua sách vở và nuôi mấy miệng ăn. Chưa có lúc nào anh nghĩ mình sẽ tới tìm giáo sư Trần Thanh cũng như việc làm quen với cô bé. Giáo sư sẽ giúp đỡ nếu anh yêu cầu, anh biết vậy, nhưng tự ái của thằng con trai…

Buồn buồn, Hiển lấy trong hộc bàn ra tờ giấy. Anh ghi vớ vẩn mấy nốt nhạc. Tiếng vĩ cầm của cô bé chiều nay xa vắng. Nếu một ngày nào đó, cô bé không còn ở đó? Hiển viết tiếp những khuôn nhạc. Và bỗng nhiên như bừng sống dậy, hình ảnh cha đêm đêm cúi mình trong những phòng trà ca nhạc - theo lời mẹ kể - đệm đàn piano cho ca sĩ hát. Ông còn sáng tác nhạc. Những bản nhạc ngợi ca tình người và cuộc đời. Mùa xuân! Dường như bên tai Hiển vang vọng bài hát quen thuộc. Những chồi non đang nhú lên, những con sâu đang trở mình trong cái kén và loài bướm đang sửa soạn cuộc lữ hành trở lại vườn xưa. Cô bé kiêu xa kia! Biết đâu một ngày nào đó ta sẽ bắt kịp cô và chúng ta sẽ cùng nhau dạo bước trong khu vườn mùa xuân? Ngõ hẹp này là con đường rải đá cuội trắng và căn nhà vách ván nóng bức sẽ là tòa lâu đài. Cửa lâu đài mở rộng chào đón nàng công chúa, với bản hòa âm bất hủ của đất trời và biển cả, bản giao hưởng của bình minh với hoàng hôn.

– Anh Hiển, ra ăn cơm. Thằng em tới gần Hiển rồi la lên – A, anh viết nhạc à? Mà sao anh lấy giấy của em? Bắt đền.

– Đi ra, mai anh đền tờ khác.

– Ăn cơm kẻo đói bụng con, mẹ Hiển nhìn con với đôi mắt thương yêu.

– Má, con đàn má nghe nhé?

– Con viết nhạc à? Mắt má chợt rung rung.

Bà bắt đầu hồi tưởng… Ông đã chết được năm rồi, vậy mà bà vẫn cố gắng, không cho con cái nghỉ học, nhất là Hiển. Phải học thôi! Học để có một nghề.

Trong căn nhà gỗ vang lên những giai điệu đầu tiên của người con trai 20 tuổi. Bản nhạc soạn riêng cho vĩ cầm.


*

Thằng bạn thân ôm cây đàn guitare cũ kỹ lên, hắn nheo mắt:

– Nếu không có nàng, e mi không soạn được bản nhạc này?

– Mi coi thường ta hơi nhiều. Chỉ vì thao thức trong chính ta.

– Vậy…bao giờ mi trở lại trường nhạc?

– Bao giờ có tiền.

– Sao không tới gặp thầy Thanh?

– Tao không muốn cầu cạnh trước mặt con bé.

– Hở? Thầy Thanh là…

– Có thể nói cô ta là thiên sứ mang lại cho mình niềm tin. Có khi cũng cần tới năng lực của kẻ khác, chớ biết sao giờ?

Tên bạn làm thinh có vẻ suy nghĩ.

– Bản nhạc này được đấy, cậu có nghĩ rằng mình nên...dợt thử một lần?

– Nếu cậu mượn được cây violon và mình chơi dương cầm. Đây là bản nhạc mình viết cho cô ta.

Hiển nhìn đồng hồ tay:

– Chết, đến giờ đi dạy rồi.

Hiển khoác vội chiếc áo vào người, lúc bước ra cửa còn ngoái lại dặn với:

– Nhớ uống thuốc nghe má.


2- Người đàn ông mặc chiếc áo bành tô dày ngồi hơ trước lò sưởi. Bên ngoài trời mưa nặng. Bão ở đâu thổi về. Căn nhà xây theo kiểu Pháp cổ, trên triền đá dựng ven bờ biển. Ông ta có vẻ mặt khó đăm đăm, trái ngược với người phụ nữ ngồi cạnh, có khuôn mặt tròn trịa phúc hậu. Đôi mắt đen to, chiếc mũi kín và thẳng. Làn da trắng mịn.

– Chiều nay mình không đàn à?

– Chờ con Li Lan về, hôm nay bão. Nói rồi mà cũng cứ đi.

– Biển động mạnh quá hả mình.

Tiếng động cơ xe máy tới trước thềm nhà rồi ngưng lại. Từ ngoài Li Lan, tay xách chiếc hộp đàn, tóc ướt hết vào thái dương bước vào. Cô bé bỏ hộp đàn trên lò sưởi, ngồi xuống ghế hơ tay lên ngọn lửa:

– Gần tết mà lạnh quá hả ba?

– Sao con về muộn thế?

– Dạ, con... Li Lan không muốn - lẽ ra cô phải nán lại thêm một tiếng nữa cho buổi tập dượt cuối năm. Phối hợp với đoàn ca nhạc thành phố, cô sẽ độc tấu violon cho buổi Văn nghệ từ thiện giúp trẻ em nghèo. Mùa xuân sắp tới rồi và với Li Lan, những nốt nhạc đang ngợi ca nắng mai mùa xuân sẽ đến nay mai.

– Con bận tập dượt, phải không? Người đàn ông hỏi. Vẻ mặt vẫn khó đăm đăm. Li Lan chưa kịp trả lời, bên ngoài có tiếng gõ cửa.

– Để con ra coi ai.

Ngọn gió lùa vào nhà lạnh buốt cùng với khuôn mặt của chàng thanh niên.

Li Lan biết hắn. Hắn thường dựng xe sát trục đèn và đêm nào hắn cũng hếch mặt lên lầu hai, nghe tiếng vĩ cầm. Còn ban ngày không thấy hắn. Có lần hắn và cô bé suýt chạm mặt nhau nơi ngõ nhà.

– Cho tôi hỏi giáo sư Trần Thanh.

– Mời vào.

Cái đầu ướt sũng nước và hắn lại không mặc cả áo len, chỉ phong phanh chiếc chemise trắng. Hắn gật đầu chào cả nhà và theo tay chỉ của mẹ LiLan, ngồi xuống ghế.

LiLan đi pha trà. Chỉ 10 phút sau đã nghe giáo sư la lên:

– Cậu tưởng cậu là ai chứ? Mượn cây piano đàn bản nhạc này ư? Non nớt, non nớt quá!

– Thưa thầy, đây là bản nhạc con soạn riêng cho violon, tất nhiên có piano phụ họa. Con muốn nhờ thầy nghe và chỉ bảo thêm.

– Vậy cậu học trường nào? Cậu biết gì về âm nhạc? Cậu là ai?

Hằng ngày, không thiếu gì học sinh đến cầu cạnh. Hôm nay trường hợp này có vẻ khác thường. Giáo sư gọi con gái:

– Mang cây violon lại đây, còn cậu, biết chơi piano chứ?

Hắn gật đầu.

– Thưa biết ạ.

– Đàn đi.

Chỉ mười phút sau trong căn phòng ấm cúng đã vang lên một bản hòa âm tuyệt vời. Giáo sư mua ngôi nhà này đã lâu, ban đầu dùng vào việc nghỉ mát. Ông không thích tiếng gió hú quanh nhà vào mùa đông, tiếng sóng biển đều đều dội vào vách đá những âm thanh buồn tẻ. Mùa đông dài lê thê, tiếng mưa rơi đập vào cửa kính, tiếng sóng dội vào vách đá tạo thành một âm thanh khó quên. Ông muốn bán nhà dọn lên phố nhưng bà và con gái yêu thích nơi này. Tiếng đàn gọi ông trở về với hiện tại. Biển cả mùa xuân. Nắng vàng đang lên trên mặt biển, trời xanh lơ với những cánh buồm trắng. Biển hát khúc tình ca bất hủ. Bản giao hưởng giữa đất trời và biển cả.


*


Hiển chống tay ngồi dậy, đầu nhức như búa bổ. Anh đang nằm mơ chăng? Rõ ràng là anh đã gặp người đàn ông kiêu hãnh đó, anh đã hòa đàn với cô bé. Hiển cắn mạnh ngón tay. Mặt trời đã lên cao rồi. Thì ra chỉ là một giấc mơ. Anh uể oải bước xuống gường. Trưa rồi sao?

– Dậy ăn cháo hành rồi uống thuốc đi. Mẹ Hiển từ ngoài cửa bước vào.

– Sao hả mẹ?

– Con sốt li bì, không biết sao?

– Mẹ vừa đi đâu về?

– Mẹ mới bán cháo xong. Có để dành cho con, mẹ nêm nhiều hành cho con ăn mau ra mồ hôi.

Thằng bạn bước vào:

– Ê, đau rồi hả? Sáng nay tới, mi đang ngủ.

– Nó dầm mưa tối qua, bữa nay đau rồi. Mẹ Hiển nói và bước ra ngoài. Bà nhóm lửa hâm lại cháo. Hiển vào phòng tắm làm vệ sinh cá nhân. Thằng bạn lục lọi trong phòng. Hắn kêu to:

– Bản nhạc mi viết hôm qua đâu? Tao đã mượn được cây piano, nói mãi mới được đó. Nhà mẹ con Liên, bà ấy làm ở Nhà Văn hóa.

Hiển cố gắng nuốt trôi những muỗng cháo, cháo ngon là thế nhưng miệng anh đắng ngét.

– Bà ấy cho phép chơi một giờ, với cây violon con Liên mượn giúp.

Hắn ngưng lại trước một Hiển đăm chiêu và xa vời. Da mặt anh tái nhợt.

– Sao? Thôi để tao hòa đàn với con Liên thử.

Hắn tìm mãi không ra, gọi các em Hiển vang nhà. Hôm nay chủ nhật. Cuối cùng, thằng em lên lớp một chạy vào.

– Phải tờ giấy này không? Nó đưa ra chiếc thuyền?

– Đồ quỷ! Ai cho mi lấy gấp thuyền?

– Em đâu biết? Anh Hiển nằm ngủ, em thấy nó bay ra ngoài cửa. Mà, anh Hiển đền tờ khác cho em!

– Thôi ra chơi đi.

Thằng bạn trải tờ giấy nhăn nhúm ra bàn, hắn lấy cây đàn gảy thử.

– Hay thật, được lắm. Mình phải tìm cách gặp giáo sư Trần Thanh. Ông phải nâng đỡ tài năng trẻ chứ?

– Thế mà tao nhớ đã hòa đàn với cô bé.

– Hồi nào?

– Đêm qua, chỉ là một giấc mơ.

Hắn cười rộ, suy nghĩ, rồi nhét tờ giấy vào cặp:

– Tao phải đến gặp ông Thanh. Năng nổ nhiệt tình thôi chưa đủ. Phải làm quen nữa.


*


Hiển rụt rè đưa tay gõ cữa. Anh biết chắc đêm nay cô bé có nhà. Đúng như dự đoán, cô bé ra mở cửa. Hiển ngượng ngùng:

– Tôi muốn gặp giáo sư Trần Thanh.

– Mời vào.

Một tuần sau thằng bạn đi biệt, hắn bảo đã đưa cho giáo sư và hôm nay anh tự cảm thấy mình đã khỏe, Hiển tới tìm cô bé. Bản nhạc được viết cho vĩ cầm và anh phải tới tìm cô.

– LiLan, con vào lấy cây violon lẹ đi.

– Cha à, có khách.

Giáo sư quay lại. Khuôn mặt gã thanh niên trông quen thuộc quá, cả bản nhạc nữa. Ông đã chơi thử dương cầm và ngạc nhiên trước tài nghệ của tác giả. Ông nhớ đã nghe đâu đó một lần, trong giấc mơ chăng?

– Cậu muốn hỏi gì?

– Thưa thầy, Hiển cúi đầu chào. Ông đang ngồi trong ghế salon với bản nhạc của anh trong tay.

– Dạ em muốn... muốn xin thầy bản nhạc đó.

Anh chỉ tay vào giáo sư. Ông nhìn anh, à lên một tiếng.

– Cậu biết chơi piano chứ?

– Dạ biết. Nhưng...

– Đàn đi. Ông quay lại LiLan – Còn đợi gì nào? Nào ta bắt đầu.

Thằng bạn trầy trật, chạy muốn hụt hơi mới mang được cây violon về nhà. Hắn đang đợi ở nhà. Ở nhà là bản nhạc trên tờ giấy xếp thuyền, còn bản này hắn tự tay sao lại cho lịch sự. Thây kệ hắn vậy, đâu phải cơ hội cứ đến hoài?

Hiển bấm tay lên những phím đàn, LiLan chờ Hiển xong khúc dạo đầu mới đàn theo.

LiLan đành phải đợi ra Tết mới có thể mang bản độc tấu violon ra trình diễn, chương trình biểu diễn dành riêng cho Đêm ca nhạc từ thiện mùa xuân đã lên lịch rồi. Tết năm ấy LiLan đến thăm Hiển. Trong ngõ hẹp được quét dọn sạch sẽ, quang đãng, tiếng còi xe của cô bé vang lên như một khúc nhạc vui. Đôi bạn ngồi đối diện nhau bên bình trà và đĩa mứt dâu mẹ Hiển làm cho cô bé.

– Sao anh không nói gì cả vậy? – LiLan chợt hỏi.

– Nói gì? LiLan muốn tôi nói rằng, tiếng vĩ cầm của Lan hâm nóng lại những gì đang nguội lạnh trong tôi, đốt cháy lên niềm hy vọng?

Cô bé mỉm cười. Nụ cười tỏa rạng cả gian nhà chật hẹp nhưng không kém niềm say mê. Niềm say mê âm nhạc không bao giờ chết trong Hiển.

Hoa Liên

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Galerie BAQ: Lêna Bùi 12/09/2024 - 02/11/2024 — 15 Rue Beautreillis, 75004 Paris
Exposition des oeuvreus artistiques et des produits en laque du Vietnam 15/09/2024 - 20/09/2024 — 19-19 bis rue Albert 75013 Paris
Thiên Thiên - Sân Khấu Hồng Hạc 17/09/2024 19:30 - 21:00 — Café La Rotonde - 185B Trần Hưng Đạo, Quận 1, Tp. HCM
YDA: Viet and Nam 22/09/2024 13:00 - 16:00 — MK2 Bibliothèque - 128 avenue de France, 75013 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us