Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Tiếng gọi của tự do

Tiếng gọi của tự do

- Nguyên Ngọc — published 09/02/2016 15:31, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:20


Tiếng gọi của tự do



Nguyên Ngọc



Hôm nay tôi ngồi viết lại những điều này là từ khoảng cách hơn nửa thế kỷ nhìn lại, hẳn do thôi thúc của xuống cấp xã hội cần cố lần ra đầu mối, để mong tìm một lời giải. Chứ còn những ngày ấy, tôi, chúng tôi nào có biết, chúng tôi thả mình theo dòng chảy của cuộc sống, được và bị nó cuốn đi, chúng tôi sống trong veo, mơ hồ, hăng hái, dại dột, tất cả trộn lẫn. Nếu thảng hoặc có đôi chút bâng khuâng trước những gì trông chừng hơi lạ lẫm đang diễn ra thì cũng hời hợt và dễ dãi bỏ qua, chẳng phải bận lòng lâu và sâu...


Việt Bắc bấy giờ xa cách Khu 5 ba tháng lội bộ vượt Trường Sơn. Năm 1950 mở biên giới phía bắc nối với Trung Quốc và Liên Xô, hai năm sau, hơi hướng của ngọn gió lạ (về sau hóa ra là cả một cơn bão dữ) từ Việt Bắc mới vượt Trường Sơn phả vào tới Khu 5. Chỉnh huấn, chỉnh quân, giáo dục quan điểm đấu tranh giai cấp...

Năm 1953 Khu 5 dè dặt bắt đầu giảm tô và thí điểm cải cách ruộng đất... Về sau tôi sẽ biết chỉ mới một chút dè dặt đó đã để lại biết bao nhiêu hậu quả bi thương. Còn lúc bấy giờ tôi là cậu học trò hăng say và lãng mạn mới vào bộ đội, với giấc mơ tráng sĩ học được trong sách. Và còn mối tình đầu của tôi nữa...

Tôi vào bộ đội, được đưa lên trường lục quân Khu 5 bấy giờ đóng ở Đồng Ké, Quảng Ngãi, cũng lăn lê bò toài, nhưng chỉ ít lâu không biết do ai giới thiệu, được lệnh rút về báo Vệ quốc quân Liên khu 5, đóng ở Xuân Phổ, Nghĩa Kỳ, bên bờ sông Trà. Chiến tranh, nhưng ở đây vẫn rất thanh bình, Nghĩa Kỳ có nghề làm mía nấu đường, chúng tôi sống trong nhà dân, sáng nào cũng được bà con cho uống nước “chè hai” tức nước đường vừa chín tới chưa kịp cô đặc, và ăn khoai lang nhúng trong nước chè hai nóng hổi ngon tuyệt.

Cùng về báo với tôi còn có Ngọc Anh, tác giả Bóng cây Kơnia sau này. Cả Lê Công Thành nữa, mấy mươi năm sau sẽ trở thành một nhà điêu khắc hàng đầu của nước ta. Bên cạnh tòa soạn báo, có bộ phận văn nghệ, ở đấy có anh Dương Minh Ninh, anh Lê Trọng Nguyễn, anh Lưu Nghi Hội An ngày trước của tôi, có Phạm Thế Mỹ người sẽ trở thành một nhạc sĩ nổi tiếng ở miền Nam thời chính quyền Sài Gòn...

Những người tài hoa một thời, khi chưa có gì bộc lộ rõ rệt cả, khi tất cả đều còn tiềm tàng, tiềm ẩn, tương lai còn vô số khả năng, cuộc đời rồi sẽ đưa chúng tôi đi theo những con đường không thể ngờ, mỗi người sẽ có một số phận vậy mà hóa ra hết sức khác nhau, dắt dẫn bởi vô số căn nguyên không ai biết trước, thấy trước được dẫu hẳn ngay ngày đó đã âm thầm tích lũy mà nào có ai trong chúng tôi ngờ được. Anh chàng Trương Qua nhạt phèo chúng tôi thường gọi là “họa sĩ sạch sẽ”, bức tranh nào của anh cũng sạch bong như vừa được lau chùi, là tác giả có đến giải thưởng Hồ Chí Minh, anh Dương Minh Ninh tài hoa nhất của chúng tôi thì mãi mãi vô danh trong một thị trấn vô danh bên con đường lên Đà Lạt, lầm lũi đi dạy nhạc cho những đứa trẻ ở đấy để kiếm miếng ăn qua ngày...


nn

Còn tôi ngày ấy là ai? Là ai cái cậu bé mới rời ghế nhà trường, say sưa hát “Xếp bút nghiên”, hăm hở đi vào chiến tranh như đi vào ngày hội, trong đầu vẫn âm âm tiếng hát “Mưa rơi trên sân, mái nhà nghiêng dần...” của người con gái đứng trước tấm màn xanh một màu xanh kỳ lạ, xanh đến vĩnh cữu, màu xanh của tình yêu, của tình đầu. Trong đầu cậu con trai ấy lời hát “Xếp bút nghiên lên đường tranh đấu, xếp bút nghiên coi thường công danh...” với “mái nhà nghiêng dần, ôi buồn trời mưa...” hoàn toàn hòa làm một, chẳng hề đối chọi nhau, chẳng chút lấn cấn nào cả.

Chắc cũng như Quang Dũng, “Tây tiến đoàn binh không mọc tóc” với “Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm” hoàn toàn là một. Chúng tôi ngày ấy là vậy đó, giấc mơ tráng sĩ và tâm hồn học trò, trong mỗi chúng tôi là cả hai. Để tôi nói luôn điều này: một trong những trận đánh đầu tiên của tôi là trận đánh đồn Kỳ Lam bên bờ sông Thu Bồn. Đêm ấy tôi đi với bộ phận đánh khu hành chính đóng ở ga Kỳ Lam. Đánh suốt ba tiếng đồng hồ, diệt gần hết các mục tiêu rồi, nhưng còn một khẩu đại liên địch bắn bao nhiêu phát DKZ vẫn không sao bắt nó câm họng được.

Tôi nằm ở hàng đầu, cạnh một người lính trong đêm không sao trông rõ mặt. Đạn đại liên bắn rát, đến sém cả tóc. Tôi nằm úp mặt xuống đất mà chịu đựng. Bỗng người lính nằm bên cạnh tôi nắm cả đầu tóc tôi kéo ngược lên và mắng: “Có chết cũng ngẩng đầu lên mà chết, sao lại cúi gầm mặt xuống đất thế!”. Tôi không nhìn rõ mặt người lính ấy, mãi mãi không biết tên anh, cũng không biết là anh còn hay mất. Nhưng đấy là bài học chiến đấu, và bài học làm người đầu tiên của tôi. Suốt đời tôi sẽ nghe vọng mãi lời mắng: “Ngẩng đầu lên! Có chết cũng ngẩng đầu lên mà chết!”...

Tôi đi vào đời như vậy đó, lãng mạn và hiện thực, mềm yếu và rắn rỏi, những vô tư còn chưa tan và những suy tư nghiêm khắc đầu tiên cuộc chiến dạy cho.

Tôi về tòa soạn báo Vệ quốc quân Khu 5, viết những mẩu tin đầu tiên cho báo, thỉnh thoảng tập tò viết đôi cái chẳng ra tường thuật cũng chẳng ra bút ký. Đi tham gia một số chiến dịch, ở Sơn Hà miền tây Quảng Ngãi, ở Điện Bàn - Quảng Nam. Thư ký tòa soạn (đúng ra là chủ nhiệm báo) là anh Trương Khả Liệu (về sau do hoàn cảnh gia đình anh ra khỏi bộ đội, và không đi tập kết. Anh ở lại Sài Gòn, trở thành một nhà thơ ít nhiều có tên tuổi) hỏi tôi muốn làm gì nữa. Tôi trả lời ngay: Xin đi xuống đơn vị chiến đấu, làm phóng viên cũng được, nhưng phải ở đơn vị chiến đấu. Và lên chiến trường Tây Nguyên. Ngọc Anh cũng vậy, hai đứa nằng nặc đòi đi. Và được chấp nhận ngay.

Tại sao lại là Tây Nguyên, nhất thiết Tây Nguyên?

Trong tủ sách gia đình của ba tôi ngày trước ở Hội An, không có Lan Khai. Tác giả này bị ba tôi liệt vào loại sản xuất hàng chợ. Nhưng tôi có lén đọc được ở nhà anh Châu Tường Anh. Hình như có một số tiểu thuyết tình ái gì đó, nhưng tôi chỉ nhớ những cuốn gọi là “truyện đường rừng” của ông. Ông viết về những người Mèo trên vùng cao Hà Giang. Hóa ra sau này đấy sẽ là một vùng đất rất quen thuộc, cả thân thiết nữa của tôi, những Đồng Văn, Mèo Vặc, Lũng Cú, Xà Phình, Lũng Phìn, Quản Bạ, Yên Minh. Thậm chí ở đó tôi đã biết một người con gái không thể quên, một người đàn bà Mèo có số phận lạ lùng, mà tôi cũng có phần gắn bó trong số phận và sự lạ lùng đó. Lên vùng cao Hà Giang, tôi biết Lan Khai, bấy giờ sống ở Tuyên Quang, có lên xa lắm cũng chỉ đến thị xã Hà Giang.

Truyện đường rừng của ông viết về người Mèo vùng cao biên giới là do ông nghe ai đó nói lại, người nói lại ấy thì nghe một người khác nói lại... cứ thế chắc qua hàng chục trung gian, cũng có nghĩa là qua hàng chục lần tưởng tượng, hư cấu, sáng tạo. Và ông nhà văn ngồi ở Tuyên Quang, là vùng đất của người Tày, lại dùng cái đầu óc càng giàu tưởng tượng của ông mà thêu dệt thêm ra và viết cho khách Hà Nội, cho cả lũ độc giả vừa lớn lên chúng tôi vồ vập ngốn ngấu. Mà người Mèo là một loại người rất đặc biệt, có gì đó gần với người di gan ở châu Âu, chỉ riêng hình ảnh của họ qua vài lần thoáng nhìn thấy thôi, cũng đủ để cho một người bình thường tha hồ hình dung ra bao nhiêu “truyền thuyết” ly kỳ, huống nữa là nhà văn.

Sau này tôi có đọc được một cuốn sách của một linh mục tên là Savina, cuốn Lịch sử người Miêu. Lần theo những con đường của ngôn ngữ học, Savina cho rằng người Miêu, tức người Mèo hay người Mông, vốn có quê gốc lâu đời ở miền đất nằm giữa Lưỡng hà và biển Aral, có tiếng nói gần với tiếng... Phần Lan. Về sau các dân tộc ly tán, người Miêu có một cuộc di cư dài và kỳ lạ, lên tận vòng tròn Bắc cực. Chính vì thế mà trong các truyền thuyết của người Mèo có chuyện đêm dài sáu tháng, ngày dài sáu tháng. Từ Bắc cực họ lại đi dần xuống vùng sông Dương Tử, chiếm miền Trung Nguyên của lục địa Trung Hoa trước khi người Hán đến. Sau đó bị người Hán tràn phía tây sang đánh đuổi, phải chạy dần về phương nam. Khi người Miêu đi về nam, thì các tộc người khác đã chiếm hết các đồng bằng trên lục địa rộng lớn này, nên con đường di cư của họ toàn phải đi trên các đỉnh núi chót vót.

Có lẽ đấy là một cuộc đi kỳ lạ nhất trong lịch sử loài người, chuyển từ đỉnh núi này sang đỉnh núi khác, phiêu bạt suốt mấy nghìn năm trên hàng vạn hay hàng triệu cây số, biến họ thành một tộc người chuyên sống trên độ cao chót vót, chỉ có thể sống trên cao chót vót, quen với áp lực của không khí loãng, với những ngọn núi tai mèo lởm chởm cực kỳ cằn cỗi mà họ khai thác tài tình không ai bằng, và chính họ đã tìm ra và là chuyên gia hạng nhất của loại cây sinh lợi nhiều nhất, quyến rũ nhất trên đời: cây thuốc phiện. Savina đã viết những trang say mê hết lời ca ngợi người Mèo.

Mấy nghìn năm trôi dạt giữa hàng chục, hàng trăm dân tộc khác biệt và thù địch, không tổ quốc, không quê hương cố định, vậy mà ý thức gắn bó dân tộc, ý thức về một quốc gia, một quốc gia thường xuyên lưu động lại hết sức sâu đạm, giữ nguyên được ngôn ngữ và bản sắc độc đáo của mình, hầu như không hề suy suyển, pha tạp. Trên đường đi về nam, họ vào Việt Nam ở đỉnh Lũng Cú, chiếm vùng cao nguyên đá kỳ dị Đồng Văn, Mèo Vặc, tràn tiếp sang Lào Cai, Sơn La, Lai Châu, rồi bắc Lào, Thái Lan, Miến Điện...

Người Mèo mạnh mẽ, đằm thắm, trữ tình, mê đắm, mà cũng có thể hung dữ; đàn ông Mèo với khẩu súng kíp tự chế dài ngoẳng là những người chiến binh hầu như không thể đánh bại; đàn bà Mèo cần cù, khéo léo, chịu thương chịu khó, mà cũng lãng mạn, tự do, quyến rũ nhất thế gian... Savina viết: “... sự tồn tại của dân tộc có quá khứ năm nghìn năm này là thật sự một sự kiện lịch sử; việc họ giữ nguyên được ngôn ngữ của mình, không cần có trợ giúp của bất cứ thứ chữ viết nào, bên cạnh những sự ngôn ngữ khác, nhất là ngôn ngữ Trung Hoa có từ năm mươi thế kỷ là một hiện tượng ngôn ngữ học có thể duy nhất trên thế giới...

Dân tộc kỳ lạ chưa hề bao giờ biết đến một tổ quốc cố định này, cũng chưa hề biết đến nô lệ. Độc lập là dấu hiệu khác biệt của người Mèo mọi thời... Một người Mèo già nói: “Chúng tôi biết danh tiếng người ta gán cho chúng tôi. Chúng tôi bị coi là một dân tộc hiếu chiến, tàn ác, là kẻ thù của mọi người. Nếu anh muốn biết sự thật về dân tộc chúng tôi, hãy đi mà hỏi con gấu bị thương vì sao nó chống cự, con chó bị người ta đánh vì sao nó gào thét, con nai bị săn đuổi vì sao nó chạy từ núi này sang núi khác... Dân tộc này, độc lập một cách hung dữ, thà chết và lưu vong chứ không chịu làm nô lệ...”.

Giá ngày ấy Lan Khai đọc được đôi chút Savina thì tiểu thuyết đường rừng về người Mèo của ông còn có thể huyền hoặc hơn nhiều. Nhưng những truyện bịa khá ngờ nghệch của ông ngày nay đọc lại cũng đủ để đánh thức trong tôi một “ẩn ức” tiềm thức: khao khát tự do, không hiểu sao lại đồng nghĩa với núi rừng mơ hồ và xa xôi, với những “rẻo cao”, những bí ẩn rừng rú vừa đáng sợ vừa đẹp, đẹp chính vì đáng sợ, như là tiếng gọi của tự do ấy...

Nguyên Ngọc



NGUỒN : Giai phẩm Xuân Người Đô Thị 2016


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us