Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Tiếng Việt của con

Tiếng Việt của con

- Bích Ngọc — published 14/01/2013 18:05, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:20
"Cám ơn cô( chú) hiếu thảo đến xem Văn nghệ "

Tiếng Việt của con


Bích Ngọc


Với tay tắt ti vi, nhìn đồng hồ gần 6 giờ chiều, tôi uể oải bước vào bếp sửa soạn cơm chiều . Thấy hai đứa con gái đang bày một đống giấy trên bàn, keo dán, viết tô màu. Su và bé An đang chăm chỉ cắt bông hoa đủ màu.

Bước lại gần tôi hỏi:

– Hai đứa đang làm gì vậy?

Bé An nhanh nhẩu trả lời:

– Mình làm thiệp gởi Bà quại. Mình muốn gởi cho Bác Phi, Phượng, Vân, cậu Sơn, Hải, Hà, nhân dịp năm mới.

Trời đất mấy đứa nhỏ để ý ghê, tôi thấy mắc cỡ mà không dám nói ra. Thời buổi này, con người ta sống lệ thuộc vào máy tính nhiều quá. Chia vui, chia buồn, chúc sinh nhật, mừng thượng thọ, lên chức gì tất tần tật. Mọi thứ đều ngồi vào máy tính, viết vài dòng, nhấn chuột gởi đi, chỉ vài phút, chẳng tốn công, tiết kiệm thì giờ, khỏi phải chạy xuống phố lựa thiệp hay ra Bưu điện đứng xếp hàng gởi thơ đi.

Mấy bữa trước, tiện việc tôi đã gởi email điện tử chung cho tất cả chị em trong gia đình, bạn bè " Chúc mừng năm mới ", cứ nghĩ xong bổn phận.

Vậy mà hai đứa con gái của tôi, giờ này cuối tuần thay vì chơi game, nói chuyện với bạn bè trên computer hay chí ít giống Má nó dán mắt lên Ti vi xem đoạn phim yêu thích. Tụi nhỏ dành thì giờ ngồi với nhau cắt, dán, làm những tấm thiệp bằng tay, gởi cho ông bà Ngoại, bác, cô, cậu.
Đang miên man suy nghĩ, nghe bé An hỏi với:

– Mẹ ơi, năm nay là năm con gì?

Lại thêm ngạc nhiên, tụi nhỏ sinh ra, lớn lên ở xứ Đức này, sao mà cũng nhớ tục lệ của người Việt mình. Chu kỳ mười hai con giáp, mỗi con thay phiên, tuần tự tượng trưng cho mỗi năm.
Đang cố lục lội trong trí óc ngày càng xuống dốc của mình, xem năm ngoái là năm con gì, tôi ỡm ờ trả lời:

– Ừ, để mẹ tính nhé, để xem, năm ngoái là năm con..., à con rồng, vậy năm nay, chờ chút nhé, dơ tay tôi lẩm bẩm tính Tí, Sửu, Dần, Mẹo, ....


Áng chừng Mẹ tính hơi lâu, con gái kế út gõ vào Google tìm

– Ồ ra rồi bé An, năm nay là năm con rắn.

Hai chị em hí hoáy vẽ thêm hình con rắn vào tấm thiệp đầy màu sắc rực rỡ, xen kẽ những bông hoa xinh xinh, be bé được tô màu cẩn thận, viền quanh chữ số 2013.

Lay hoay thái thịt, xào rau, bé An bước đến gần, ôm vai mẹ, vui mừng khoe:

– Mẹ ơi, sáng mai mua giùm con bao thư,để mấy tấm thiệp này vào, gởi bưu điện cho Quại nhen.

Đón mấy tấm thiệp từ tay Su, giọng bé An nôn nóng :

– Mẹ một tấm thiệp té xuống kìa.

– Bé An, chữ té dùng cho người, còn đồ vật thì ta nói nó rớt xuống.

Miệng thì sửa đúng từ cho bé An, còn mắt tôi thì dán chặt vào tấm thiệp với hàng chữ ghi nắn nót bằng tiếng Việt của con:

– Xin chào bà, bà Ngoại khẻo không, con thoung bà lam, ngoại dẹp, ngoại coi trẽ hơn bé An, chuc ngoại sóng lau nhe, chúc mung nam mói.

Bật cười vì con nhỏ viết sai lỗi chính tả, mà còn biết nịnh bà ghê nơi, khen bà đẹp, trẻ hơn bé An, còn cụm từ nào so sánh thi vị hơn!

Bà Ngoại đọc được mấy lời này sẽ tủm tỉm cười vì hạnh phúc, rồi sẽ rươm rướm nước mắt xúc động vì con cháu ở xa, vẫn nghĩ đến cội nguồn, hiểu được rằng ông bà vui biết chừng nào khi nghe cháu trò chuyện bằng chính tiếng Việt hẳn hoi.

Xuân này nữa, là bao nhiêu mùa Xuân trôi qua? Mẹ tôi, gần 80t, phải đón Tết ở một nơi không phải quê hương của mình, thiếu mất cái thiêng liêng vào đêm Giao thừa. Mẹ  bày mâm trái cây cúng trời đất trước sân nhà, giữa làn hương khói bay phảng phất, mẹ xì xụp khấn vái mong đất nước, gia đạo an bình. Tiếng pháo nổ vang rền chào đón năm mới, mẹ bận áo dài đi bộ ra đền Đức thánh Trần đầu ngõ, đốt nhang, xin lộc, nhớ quá phải không mẹ?

Vậy thì năm nay, mong những tấm thiệp mà các cháu tự làm, ghi lời chúc bằng tiếng Việt, gởi gấm cả tình cảm thật thà, thương yêu trong đó, sẽ đem lại niềm vui nho nhỏ, ý nghĩa cho ông bà ngoại, dẫu mùa Xuân thiếu mai vàng, thiếu nắng Xuân, câu đối đỏ và cả đền Đức thánh Trần thiêng liêng đã xa mù khơi, chỉ còn trong nỗi nhớ.

***********

 
Để tiễn đưa năm cũ, đón năm mới về, tôi rủ rê vài gia đình bạn bè thân đến nhà, ăn uống, tán dóc, đợi đúng 12 giờ kéo nhau ra trước sân đốt pháo cho vui.

Trời vừa sụp tối, khách khứa lục đục kéo đến. Gia đình Hợp, Linh, Đức Vi là người đến sớm nhất, bấm chuông. Bận chiên cánh gà trong bếp, nên con trai của tôi, Vinh chạy ra đón khách giùm mẹ. Để chảo dầu sôi nhỏ lửa lại, tôi bước ra phòng khách,thấy cô Linh đang tặng cho Vinh hộp sô cô la, Vinh nhoẻn miệng cười, nhận hộp kẹo và nhanh miệng nói:

– Cám ơn cô Linh, cô hiếu thảo với Vinh lắm .

Nghe Vinh nói tiếng Việt, Hợp Linh cười vang. Chữa thẹn, tôi phải đính chánh với bạn rằng, mỗi tối Vinh hay làm trà cho mẹ, được mẹ khen:

– Vinh hiếu thảo với mẹ lắm!

Nên cu cậu cứ tưởng là khi ai làm điều gì tốt, thì khen họ " hiếu thảo" với mình. Đang cười rủ ra với bạn vì cách con cái dùng chữ tiếng Viêt chưa đúng, tiếng của Vinh vang lên từ phòng bếp:

– Mẹ ơi, nó phun kìa, nó phun kìa.

Chạy vội vào bếp, nhìn theo hướng tay Vinh chỉ, tôi mới hiểu ra, Vinh đang nói chảo dầu tôi bỏ quên trên bếp, nóng quá, dầu văng ra tứ phía.

Dẫu biết tôi còn phải giúp con nói và dùng từ tiếng Việt cho đúng, mất nhiều công sức và thời gian. Phần sống xa cha mẹ, chị em, lại một thân một mình ở xứ người, nên quê hương của tôi ,hạnh phúc của tôi là hằng ngày được trò chuyện với con cái, dạy dỗ các con bằng thứ tiếng mẹ đẻ của mình. Tôi lấy làm hãnh diện, vui thích với công việc này, nhất là những sợi mầm mình vun trồng bao năm qua, đang gặt hái được nhiều điều tốt đẹp. Con gái lớn của tôi, trong khi chờ  một chỗ học ở trường Đại học, cháu xin vào làm việc ở nhà thương, gặp bệnh nhân người Việt, cháu biết lại thăm hỏi.

Cô bệnh nhân này đang lạc lõng, cô đơn giữa bao nhiêu người Đức, chỉ nói tiếng bản xứ. Nên khi nghe con gái tôi lại chào bằng tiếng Việt, cô vui lẫn mủi lòng, long lanh nước mắt, gặp người nói cùng tiếng  Việt với mình.

Tháng 11 rồi, trong đêm Văn nghệ Quê hương tình người, do cô bạn thân Hải Lý đứng ra tổ chức, kết hợp với hội VNED bên Pháp, gây quỹ giúp trẻ em nghèo Việt Nam .

Tôi bận bịu trên sân khấu, đàn hát. Các con của tôi nhờ vào vốn tiếng Việt, học ở nhà với mẹ bao năm qua, đã đến góp công sức, chào đón khán giả, đứng bán hàng, chào mời khách bắng tiếng Việt hẳn hoi.

Không biết đêm Văn nghệ hôm đó, Vinh có nói với khán giả Việt nam nào:

– "Cám ơn cô( chú) hiếu thảo đến xem Văn nghệ " không ta?


Bích Ngọc

Frankfurt

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss