Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Tím cả chiều hoang

Tím cả chiều hoang

- Nguyễn Đặng Mừng — published 23/07/2008 13:51, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19
Truyện ngắn


Tím Cả Chiều Hoang

 

Nguyễn Đặng Mừng

 

Tôi dân thành thị, về làng cũ cùng gia đình làm ruộng hợp tác xã. Cha mạ tôi vốn gốc nông dân, tôi lại chưa quen nghề nông, làm việc gì cũng vụng về, khó nhọc. Ba mạ thương con nhưng biết làm sao, có ta có mình con à, đừng buồn, vài năm ổn định con lại đi học. Mạ tôi hay khuyên con mà môi mạ giật giật, muốn khóc. Có lúc tôi buồn, nhớ bạn bỏ vô Huế chơi mấy ngày. Những đứa bạn cùng lớp tôi ở thành thị cũng chẳng hơn gì, tụi nó cũng đi thủy lợi, thanh niên xung phong đâu hết. Những Socrates , Sartre, Heidegger, những thuyết hiện sinh, nhân vị… ở phân khoa triết chúng tôi nào có ích gì với cuộc sống mới cuồn cuộn, đói rách nhưng hồ hởi này. Ai cũng giải thích với tôi là “cực chừ sướng sau…”, tôi thì nhiều khi chán nản, không tin cái sướng sau là mấy. May mà có anh Nợ.

Anh Nợ là tù binh được tha, được sung vào đoàn vận tải trong chiến dịch mùa xuân năm bảy lăm, anh về làng với bộ đồ bộ đội, nón cối hẳn hoi. Lần đầu cùng anh đi gặt lúa tôi có thiện cảm với anh ngay. Anh chân tình chỉ bảo, không khe khắt như những lão nông cùng đội, họ luôn coi tôi là thứ ăn bám, trí thức nửa mùa. Mấy mùa rồi tôi cố gắng lắm cũng chỉ được năm điểm, có nghĩa là ngày công của tôi chỉ bằng nửa những lão nông, mà suốt buổi họ chỉ đi lòng vòng hoặc giả vờ đi tiểu. Buổi chiều trên đường gánh lúa về anh Nợ dặn: “Chú mua một gói thuốc Tam Đảo, mời mấy cụ mỗi người một điếu. Tui nói chi kệ tui, thế nào chú cũng được nâng điểm”. Thế mà tôi được nâng bảy điểm, nhờ cách đề nghị khôn ngoan có tình có lý của anh. Bài học đầu tiên về lao động tập thể là thế, tôi xem anh Nợ như sư phụ của tôi. Anh lại quý tôi như đứa em có học mà ngây ngô, tội nghiệp. Có lần tôi bảo: “thèm xôi quá” khi ngang qua một thửa ruộng nếp đang chín, anh Nợ nói tỉnh bơ, “mai qua nhà tau ăn xôi nếp mới”. Chạng vạng tối, anh ra dấu tôi theo anh, đến bờ ruộng nếp, anh bảo tôi đứng canh, có ai ngang qua cứ đằng hắng. Loáng một cái anh đã có một bao nếp chẹn. Hôm sau tôi đến nhà đã nghe nồi xôi thơm phức. Anh dạy tôi, tập thể là rứa đó, mấy năm ở tù anh học được nhiều điều hay lắm. Anh bảo, “chú mày bỏ cái thói trí thức sĩ diện đi, hạt cơm rất vô tình, chỉ vào chén những người khôn khéo”. Uy tín với bà con nhờ vào tính bộc trực tháo vát bên ngoài của anh Nợ, trong sâu xa bà con lại trọng anh vì một lẽ khác: Cái chi anh cũng biết, kể cả những bài chính trị mấy cô cán bộ phổ biến. Có lần anh chỉnh cán bộ vì phổ biến chính sách đường lối không chuẩn. Anh bảo bảy năm cải tạo ngày nào không học chính trị, anh thuộc còn hơn ông Lại hò quẻ.




Anh Nợ, mạ anh đặt tên chơ có ai khác, thiệt ra anh có nợ ai đâu, chỉ nợ một tấm lòng, một người, vợ anh, chị Nần.

Chị Nần người đâu trên vùng Cam Lộ, vùng đất cực tây của Quảng trị. Nghe nói hồi vua Hàm Nghi chạy ra Tân Sở, sau khi bị Pháp bắt, cung phi mỹ nữ chạy tán loạn, có người lấy chồng rồi sinh con đẻ cháu. Bà nội bà cố là cung phi chắc phải đẹp nên vùng Cam Lộ con gái đẹp nổi tiếng!?

Anh Nợ hai mươi tuổi đăng lính bộ binh (chế độ cũ). Đáng lẽ là con một, cha mẹ trên sáu mươi tuổi được hõan dịch vì lý do gia cảnh, nhưng nhà nghèo, chiến tranh loạn lạc, ở vùng nông thôn thanh niên không theo bên này cũng phải theo bên kia. Trong một lần đóng quân ở vùng Cam Lộ anh gặp chị Nần. Cô nông dân đem lòng yêu thương chàng lính gốc nông dân. Họ cưới nhau rồi chị theo anh về quê chồng, thay anh phụng dưỡng cha mạ. Ăn ở với nhau chưa bén hơi, anh Nợ trở lại chiến trường, trong trận Khe Sanh anh bị bắt làm tù binh, thời đó gọi là mất tích.




Chị Nần góa chồng, được ăn lương quả phụ. Mười chín tuổi, da thịt trắng ngần, mang khăn tang đi làm sổ tử tuất, bao con mắt hau háu chọc ghẹo, bao lời ngon ngọt dụ dỗ, chị vẫn sắt son ở vậy, chăm sóc gia nương, chờ chồng. Nhưng số phận oan nghiệt, cuộc đời không tha cho, xóm làng đồn chị có ý tình với lão Lại hò quẻ.

Lão Lại làm nghề thầy bói, mỗi quẻ được đặt tiền, lão cầm đồng tiền vân vê rồi hò:

“ Như ri tui cũng đã biết rồi, chồng o xuống suối lên đồi tội chưa”.

Giọng hò của lão Lại trầm, ấm, tha thiết lắm, ai nghe cũng mủi lòng. Vậy là quá phụ khóc tức tưởi. Lão lại cầu cho hồn người chồng nhập vào xác …chính lão. Thế rồi quẻ vận vào trong lời hò, vong xưng anh anh em em ngọt xớt. Lão lại hò:

“ Hơ.. hơ…, âm dương cách trở, đêm ở ngày đi / Thiếp với chàng gần gụi như ri mà răng không chộ / hơ… hơ không chộ nên dạ cứ bổi hổi bồi hồi / hay là thiếp lạc lòng xiêu dạ theo ai rồi cũng nên…”

Những bà quá phụ sụp xuống lạy, khóc lóc minh oan. Lão Lại vờ như tha lỗi, vừa hò vừa sờ sẩm âu yếm các bà quá phụ. Các bà tưởng vong linh của chồng về, mắt lim dim tận hưởng hơi chồng qua bàn tay lão Lại. Có bà ở lại với lão vì theo quẻ, theo lời yêu cầu của vong linh chồng nhập vào trong lão đòi hỏi như thế. Chị Nần thương chồng có ở lại với lão mấy đêm cho …thỏa tình những ngày âm dương cách trở. Chị có mang với …vong linh chồng, chị hằng tin tưởng điều ấy. Bà con làng xóm lại cho chị là đàn bà hoang dâm, chồng chưa biết sống chết thế nào mà chửa hoang. Buồn tình chị về quê mẹ sinh đẻ nuôi con thờ chồng. Người ta đồn rằng có người chồng chết ngủ với lão Lại, đẻ con ra giống chồng như đúc. Lại có người bảo, có cô lấy chồng còn nhớ người yêu cũ, do đêm ngày mơ tưởng rồi đẻ con giống hệt người tình xưa, bị chồng ghen tương hất hủi, oan ức tự tử.

Hằng tháng chị Nần vẫn bồng con về thăm ông bà nội (chị luôn nghĩ thế). Thằng bé càng lớn càng giống anh Nợ. Năm bảy hai chị lại bồng con về thăm, trong bom đạn chị dắt díu cả nhà sơ tán ra Vĩnh Linh, ông bà cụ trúng bom chết.

Từ ngày về làng chưa bao giờ nghe anh Nợ nhắc đến chị Nần, ai nói tới là anh trừng mắt bảo “có rảnh không đó” rồi nhìn đi chổ khác, mắt buồn và dữ. Có người ra Đông Hà về bảo chị Nần làm công nhân lâm trường, có gặp chị dắt con đi chợ, mặt thằng bé giống anh Nợ như đúc. Anh nghiêm mặt hỏi, “giống thiệt không, không giống thì đừng có trách”. Anh cầm cây rựa nhứ nhứ, “từ nay tôi nói với bà con lần chót, ai nhắc đến chuyện của tui là đừng có trách”.

Mỗi ngày không gặp anh Nợ tôi thấy như thiếu cái gì đó. Tôi và anh hay nhận đạp nước đêm, trong tiếng lá xe cuộn nước lào xào nghe anh kể chuyện. Chuyện đời anh đã trải qua, chuyện lính tráng, chiến tranh, chuyện ở tù ngoài Bắc, chuyện lần đầu anh ngủ đò với gái... Anh kể mạch lạc, hấp dẫn. Ấn tượng nhất là chuyện tù binh đi củi rình con gái nông trường tắm. Anh nói con c... là kỳ diệu nhất, đói khát thế mà đứa nào thấy phụ nữ trần truồng cũng ngóc đầu lên hết. Nói xong anh sờ tôi, cười ha hả, “thằng nhỏ mày cũng nhạy dữ”. Có hôm trong mạch chuyện kể về vùng Cam Lộ, anh hứng chí kể luôn chuyện tình anh với chị Nần. Anh bảo con gái đứa mô cũng mê nhạc và lãng mạn. Thấy chị Nần đẹp quá không biết làm sao quen, một hôm đi ngang đồi sim anh bèn bẻ một cành hoa, gói trong bản nhạc màu tím hoa sim(1) đem tặng. Chị Nần thích lắm, mắt long lanh nhận quà. Hôm sau anh đến, mượn theo cái đàn ghita của tay đại đội phó. Anh không biết đàn cũng quẹt lung tung, đàn một đường hát một nẻo, mắt cứ mơ màng như người chồng hát về mối tình tang thương với cô vợ trẻ. Chị Nần cứ tròn xoe mắt ra nghe anh hát, rồi mê anh. Từ yêu đến chuyện đó mau lắm, anh gật gừ bảo thế. Con gái nhà quê nhút nhát nhưng khi đã thương ai rồi còn bạo hơn dân thành thị. Anh thở dài rồi phán một câu “đàn bà nó hứng lên rồi thì ai cũng không chừa”. Anh buồn rầu bảo “nghỉ, đi uống rượu’. Đêm đó anh say, đi liêu xiêu dưới trăng hát lè nhè “ Áo anh sứt chỉ đường tà, vợ anh chết sớm mẹ già chưa khâu”.(2)

Mùa gặt xong. Đội họp phân công người đi tranh. Anh Nợ lên kế hoạch rồi xung phong dẫn xã viên đi cắt tranh trên Trấm. Người đầu tiên anh chọn là tôi và ba người nữa, đặc biệt có Hoài. Hoài mới về làng mấy tháng chưa quen việc đồng áng, khi nào đội đi làm xa thường cử Hoài đi theo nấu ăn. Hoài ít nói, đôi mắt khi nào cũng buồn buồn ươn ướt. Hoài cũng sinh viên văn khoa năm thứ nhất, được chuyển qua học cao đẳng sư phạm được mấy tháng, theo bạn bè vượt biên bị bắt rồi bị đuổi học. Tôi có biết Hoài nhưng chưa quen. Anh Nợ nói nhỏ với tôi, “con Hoài đẹp dữ, chú tán đại đi”, tôi cười mơ ước.

Mỗi người chuẩn bị bảy ngày ăn, mang theo liềm và đòn xóc. Ngày thứ tám toàn đội lên Trấm gánh tranh về. Anh nợ phổ biến nhanh gọn kiểu quân đội.

Chúng tôi khởi hành từ bốn giờ sáng, tờ mờ đã đã vượt qua quốc lộ một. Lần đầu tôi đi về hướng tây xa như thế, dù quê tôi từ rừng xuống biển có nơi chưa đầy hai mươi cây số. Tuổi thơ tôi nhìn về trường sơn lờ mờ mây khói, ở đó đôi khi vọng về những trận bom rền như sấm đất.

Dưới nắng trưa, gió nam Lào thổi hừng hực qua những đồi trọc lưa thưa lau lách. Tôi chỉ xuống thung lũng hỏi anh Nợ có phải cây cỏ tranh không, anh cười bảo “công tử ơi đi một đoạn nữa, cây tranh không thích những nơi đất trũng, tù túng. Nó bần hàn mà cao sang. Chỗ triền giốc tranh mới sạch, mới săn. Đời cũng rứa chú à. Như chú thì đàn bà sẽ đè đầu cưỡi cổ”. Vượt giốc lần thứ ba anh chỉ lên đồi, “Đó, tranh đó, tranh và sim thường mọc với nhau, từ lưng chừng đồi trở lên. Dưới thung lũng cũng có cây sim nhưng không có hoa trái, chỉ chặt về làm củi. Sim sinh ra để đơm hoa kết trái, không để làm củi. Những nơi ẩm thấp cũng có đôi bụi tranh mọc không thành vạt, cây tốt nhưng không dùng được, mối mọt ăn liền”. Anh giải thích “Đi cắt tranh đói bụng khát nước thì hái sim ăn, cho nên có câu: “Đói lòng ăn nửa trái sim…”. Hoài cãi “nhưng mà đi tìm người thương chơ có phải đi cắt tranh đâu”. Anh Nợ nói vu vơ: “Ai có người thương thì đi tìm, ai không có thì... lo mà cắt tranh”. Tôi và Hoài nhìn nhau nháy mắt, lần đầu tôi thấy Hoài cười.

Những đồi sim chạy theo con đường ngoằn ngoèo ký ức tuổi thơ và câu hát, màu tím hoa sim tím cả chiều hoang biền biệt . Những đồi tranh phơ phất bông trắng lẫn vào những bụi sim tím ngắt lòng. Anh Nợ ti tỉ hát “áo anh sứt chỉ đường tà, vợ anh chết sớm…”. Từ làng đến nơi cắt tranh đi hết non một ngày đường, ngang qua bao đồi hoang, những hố bom nở toác miệng đỏ bầm bên màu trắng bông tranh, bên màu tím hoa sim còn tươi rói màu đất.

Chúng tôi dừng nghỉ chân trong một lán trại của ai đó bên bờ suối, trước sân có mấy bụi chuối xanh tốt. Ở đây có những vạt sắn của các đội sản xuất hoặc của lâm trường, lán trại được họ dựng sẵn tạm đủ tiện nghi. Bên kia suối, chếch phía thượng nguồn có tiếng người í ới, léo éo. Anh Nợ bảo chỗ nào nghe toàn giọng đàn bà con gái là nông hoặc lâm trường, rồi anh nhìn tôi đùa “đẹp trai như chú thì đừng có léng phéng qua bên nớ, coi chừng bị bắt cóc”. Hoài cười cười “biết đâu anh Thương thích bắt cóc cũng nên”. Lần đầu Hoài gọi tên mình, tôi quay mặt đi, sướng rơn!

Ăn trưa bằng những gói cơm độn khoai mang theo. Xong anh Nợ bảo: “Chiều ni đi tìm tranh, mai sáng bắt đầu làm việc. Chú Sa với tui đi một hướng, chú Thương với bác Lễ đi một hướng. O Hoài ở nhà lo cơm tối”. Hoài dẫy nẫy lên: “ Em không ở nhà mô, sợ lắm”. Anh Nợ ỡm ờ “rứa thì o đi với chú Thương, bác Lễ ở nhà. Nhớ tìm ra vạt tranh tốt, không thì tôi trừ điểm cả hai”.

Tôi và Hoài đi theo hướng Nam, băng qua một ngọn đồi toàn lau lách, lội xuống một thung lũng đủ loại cây dại cao quá đầu cũng chẳng thấy tranh đâu.

Má rớm máu vì lau lách cắt, mắt Hoài tròn, vòng tròn đen thẳm nhìn lên nói như reo: “ Hoa sim tề, tranh tề…” Chúng tôi níu tay nhau chạy lên đồi tranh. Vạt tranh lào xào gió, gợn những đợt sóng lao xao ôm quấn quýt thân Hoài. Những bụi sim lúp xúp, hoa tím ngắt lung lay, trái chín đen mọng dưới tàn lá.

Chúng tôi ngồi xuống trên đỉnh đồi, bên một bụi sim rậm trĩu quả. Chiều xế đi trên dãy trường sơn. Dãy núi lờ mờ phía tây, u hoài sương khói. Trên cao, nhìn về hướng đông, nơi có xóm làng quê cha đất tổ, mồ mả mênh mang bao đời cát trắng. Ngoài xa, biển Đông, lơ mơ một chân trời. Cha ông mình không sợ biển, sao con cháu sợ biển thế. Tôi hỏi Hoài có sợ biển không, Hoài bảo không sợ gì hết, chỉ sợ tình người ly tán.

Hoài hái đầy nón lá những trái sim mọng nước, miệng hai đứa tím ngắt màu sim. Chúng tôi theo đường cũ về lán, trời nhá nhem tối.

Sáng hôm sau Hoài vẫn không chịu ở nhà nấu ăn, đòi theo cắt tranh. Chúng tôi chọn vạt tranh tôi và Hoài tìm ra hôm qua. Nắng tháng năm buổi sáng đã nóng hầm hập, ngồi xuống cắt tranh bốn bề khuất gió, mồ hôi như tắm. Mặt hoài đỏ lơ đỏ lớn, anh Nợ bảo, “chưa ăn thua đâu, gần trưa rồi biết mặt”. Hoài cười khúc khích: “Không sợ, chỉ lo công tử thôi”. Chúng tôi dàn hàng ngang từ dưới đồi cắt lên. Anh Nợ bảo “tranh sạch và săn, chú thím vậy mà được việc”. Sa và anh Nợ cắt nhanh, còn xếp ngay hàng thẳng lối. Tranh vướng vào mặt xót rát rất khó chịu, tôi và Hoài chưa quen cắt chậm rì, dùng dằng như gà mắc tóc. Hoài ngừng cắt, chăm chú nhìn kỹ những động tác anh Nợ, nói nhỏ, “anh Thương này, nhìn tề, anh không cắt sát gốc như mình, cắt cao lên một chút. Mà nữa, anh để ý đi, anh cắt đầy tay thường là bảy đến mười lát mới quay đằng sau rải xuống. Được chưa, chừ thì coi ai nhanh hơn nghe”. Chúng tôi cắt từ chậm đến nhanh, nói cười ríu rít, đến trưa vẫn hăng hái thi đua. Nhìn áo Hoài đẫm mồ hôi, đóng váng một đường viền bạc trắng như bản đồ châu Úc sau lưng, tôi chạnh lòng: “Mệt lắm không Hoài”. “Mệt mà vui, muốn ngon thì ăn cỗ, muốn khổ thì đi tranh mà”. Tôi đùa “Muốn khổ thì yêu…”. Cả hai cười buồn.

Anh Nợ ngạc nhiên nhìn nhũng hàng tranh chúng tôi rải ngay ngắn, cười: “Có đôi có cặp làm việc chi cũng nên”. Trưa ăn qua loa mấy cái bánh sắn. Chúng tôi làm việc đến chiều, nhìn lui một khoảng trống rộng lởm chởm gốc tranh, trên đó là những vạt tranh phơi đều thẳng tắp. Anh Nợ bảo năng suất vậy là tốt, công lớn thuộc về chú thím.

Đến ngày thứ tư số lượng tranh cắt được theo tính toán của anh Nợ là vừa đủ hai mươi gánh. Chú Lễ và Sa về trước để ba ngày sau tranh khô dẫn đội viên lên gánh về.

Buổi tối. Trăng thượng tuần sáng lắm. Tôi và Hoài ngồi trước sân ngắm trăng nói chuyện. Anh Nợ đem chai rượu đế ra nhâm nhi. Anh mời tôi một ly, Hoài bảo “chỉ uống một ly thôi, tối nay anh Thương phải ngâm thơ cho Hoài nghe. Hồi ở trong trường văn khoa Hoài đã nghe anh ngâm thơ rồi’. Anh Nợ thở dài, ực một ly rượu “thơ với nhạc chỉ dụ dỗ được phụ nữ nhưng không cầm chân họ được. Thơ ca hò vè dễ làm cho con đàn bà ngoại tình lắm. Nghe hò nghe hát có ngày mang họa như chơi. Chú Thương có nhớ cái bài chi đó có câu “Vô tình để gió hôn lên má…”(3), gió hôn mà cũng bẽn lẽn huống chi người. Tâm địa đàn bà…” anh ngưng đột ngột, ực thêm một ly.Yên lặng. Hoài ư ư trong cổ một làn điệu thơ nào đó không rõ như đệm nhạc. Tôi ngâm theo:

Trăng nằm sóng soải trên cành liễu
Đợi gió đông về để lả lơi
Hoa lá ngây tình không muốn động
Lòng em hồi hộp chị Hằng ơi
……..

 Vô tình để gió hôn lên má
Bẽn lẽn làm sao lúc nửa đêm
Em sợ lang quân em biết được
Nghi ngờ đến cái tiết trinh em…

Gió xao nhẹ tàu lá chuối dưới trăng rách bươm như…cành liễu.

“Thấy chưa, thấy chưa, ha ha “ Anh Nợ cười ha hả đúng lên, đi theo đường mòn lên đồi. Tôi và Hoài ngồi nhìn theo cái bóng xiêu vẹo khuất dần. Trong xạc xào gió cơ hồ vẳng lại tiếng hát nghẹn ngào: “à ời, à ơi áo anh sứt chỉ đường tà…”, tiếng hát anh Nợ nhỏ dần, lẫn vào gió trăng.




Nghỉ trưa xong anh Nợ rủ tôi xuống suối tát cá. Hoài ở nhà đọc Thép Đã Tôi Thế Đấy.(4) Tôi nhìn Hoài nheo mắt, “ chào nữ Paven. Hoài cừ thiệt, định luyện đến bao giờ mới thành thép, nhớ chừa lại trái tim nghe’. Hoài ư ư, gấp sách nhìn tôi bảo; “Đi mau về nghe, Hoài ở một mình sợ lắm”.

Con suối bắt nguồn từ những đồi phía tây, chảy ngoằn ngoèo qua các thung lũng đồi tranh đổ ra sông Thạch Hãn. Mùa khô, những đìa nước lẫn dưới lau lách lạnh tanh. Anh Nợ be bờ bằng cỏ lác và đất bùn. Tôi và anh tát bằng cái gàu tre, đổi nhau người tát người canh bờ, chỗ nào có lỗ mội thì bịt lại. Khoảng hai tiếng, nước cạn dần. những con cá giếc cá mại bắt đầu nổi lên. Anh Nợ bắt cá thành thạo, cầm con cá giếc to tràn cả bàn tay la lên: “Chú có lần nào bụm cá giếc chưa, sướng vô cùng tận. Nhớ bụm con Hoài một cái cho nó sướng, sướng cả hai, hà hà”. Tôi bắt con nào cũng sẩy, anh Nợ bảo: “Bắt cá tràu mới khó mà tụi đàn bà con gái còn bắt được, chú mày không xong”.

Được vài cân cá. Anh Nợ bảo lên bến lâm trường tắm. Anh cười hì hì, “giờ này tụi lâm trường xuống tắm, mình đi tắt lối này tụi nó không để ý. Hôm qua tau xem địa thế rồi, có cây mưng rậm trên bờ, mình leo lên ngồi chờ, hướng quan sát tốt, đi” Tôi theo anh như cái đuôi. Anh rẽ lau lách đi băng băng, tôi xách oi cá chạy theo hụt hơi. Đến gần gốc cây mưng anh nhẹ nhàng như mèo leo lên, cầm tay tôi kéo theo, ngồi khuất trong nhánh lá, ở chạc ba cây mưng.

Bến nước trong vắt, vắng hoe. Mặt trời sắp lặn mà chưa thấy ai xuống tắm. Tôi nghĩ đến Hoài. Hoài mà biết tôi thế này chắc khinh ghét lắm, lòng cứ mong là đừng có ai xuống tắm. Tôi thờ thẩn nhìn về hướng lán trại, có Hoài trong đó, chắc giờ này cũng… tắm. Anh Nợ nói nhỏ, “lạ thiệt, không nghe tụi nó la réo như mọi ngày, à chết rồi, hôm nay chủ nhật chắc tụi nó về nhà hết rồi. Thôi về”. Chúng tôi chuẩn bị tụt xuống thì nghe tiếng hát từ sau đám lách, tiếng hát lớn dần theo đường mòn: “ Tím cả chiều hoang đây tím cả chiều hoang…Vào chuyện ngày xưa nàng yêu hoa sim tím khi còn tóc búi vai…”. Mặt anh Nợ căng lên, cằm bạnh ra nhìn về hướng tiếng hát. Có tiếng trẻ con, “ mạ ơi, chiều ni bến vắng, mạ con mình tắm thích hỷ’. Anh Nợ cầm tay tôi dằn lại cứng ngắt, căng mắt về hướng tiếng hát: Thiếu phụ dắt tay đứa bé trạc bốn tuổi xuống bến. Tôi nói nhỏ vào tai anh Nợ: “Chị Nần tề, thằng nhỏ sao giống anh quá, hay là…” Anh càng siết mạnh tay tôi đau điếng, thì thào “chú về đi, nhẹ thôi, theo lối này’ Anh chỉ tay về hướng có Hoài.

Tôi xách oi cá lủi nhanh qua lau lách, ngược về hướng cũ. Hoang mang nghĩ ngợi nên đi lạc, sẩm tối mới về đến lán. Cửa lán sập kín. Có tiếng dội nước lách tách. Tôi cầm oi cá tha thủi trước sân nhìn lên trời.

Những tàu lá chuối cong lên, ưỡn mình dật dờ.

Bẽn lẽn dưới trăng.
 

Nguyễn Đặng Mừng

Sài Gòn. 28.06.2008.

  

(1). Thơ Hữu Loan, nhạc Dũng Chinh

(2). Thơ Hữu Loan, nhạc Phạm Duy.

(3) Thơ Hàn Mặc Tử.

(4) Tiểu thuyết của Nikolai Alexeevich Ostrovsky, nhà văn Xô Viết.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us