Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Tình chòm xóm

Tình chòm xóm

- Lữ — published 16/01/2009 11:04, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19
Truyện ngắn


Tình chòm xóm


Lữ



I.


Bà cảm thấy bực bội. Lâu nay, chú Năm chưa từng nói chuyện với bà bằng ngôn ngữ ấy. Chú luôn luôn lễ độ, tận tâm. Công việc gì bà giao cho chú là không cần dặn dò đến lần thứ hai. Lâu ngày, chú biết ý bà. Chỉ cần một cái nhìn của bà là chú đã hiểu.

Vậy mà gần đây, cách chú nói chuyện, tiếp xử với bà lại khiến cho bà có cảm giác là mình bị bỏ rơi. Sao lạ vậy? Bà là chủ kia mà. Chú là người giúp việc, và cái cảm giác bị chú quên lãng xuất hiện một cách vô cớ. Bà thắc mắc, khó chịu, rồi suy nghĩ nhiều về tình cảm của bà đối với chú. Bà có thân mật, ngọt ngào với chú quá mức không? Hoặc ngược lại chú có đòi hỏi tình cảm gì khác lạ nơi bà không? Bà có cảm tưởng mình đang rơi vào một thế giới khó hiểu. Nó bắt đầu từ đâu, bà không biết.

Rồi trưa nay, chú lớn tiếng với bà. Đến đây thì bà có quyền kết luận rằng có một cái gì đó đã xảy ra giữa bà với chú. Chú Năm nói:

– Bà chủ muốn tôi làm việc gì thì cứ nói. Tôi đâu bao giờ làm trái ý bà.

Vâng, một câu nói bình thường. Người ngoài nghe thì sẽ cho là chú Năm hết sức rõ ràng, vậy thôi. Nhưng trong tai bà thì khác. Bà biết chú. Chú đã nói với rất nhiều đau khổ trong lòng. Có một ít giận hờn trong câu nói không? Có. Bà tin vậy. Chú giận bà chuyện gì mà bà không biết. Ngược lại, bà giận chú việc gì? Chú làm mọi việc chu đáo. Chỉ có thái độ của chú là làm cho bà bất an, bồn chồn.

Có thể, câu chuyện đã bắt đầu từ chuyến về thăm quê của chú Năm.


II.


– Thưa bà chủ, tôi muốn về thăm quê một chuyến.

– Ủa, chớ quê chú ở đâu mà lâu nay tôi không thấy chú về thăm viếng?

– Dạ, quê tôi ở miền Tây. Lâu quá tôi không về. Mấy hôm nay, tình cờ tôi gặp mấy người quen lên đây chơi. Nói chuyện, hỏi thăm một hồi, tự nhiên tôi muốn về thăm quê một chuyến.

– Ừ, thì chú Năm cứ về. Vậy chú tính đi bao nhiêu lâu? Quê chú có gì đẹp không?

– Dạ, chỉ toàn nước là nước. Tôi lớn lên ở đó, không biết quê mình có đẹp không nữa. Bao nhiêu năm qua, lên tỉnh làm việc, chuyện này kéo theo chuyện kia, tôi chưa có dịp về thăm quê, mà cũng không thấy nhớ nhung gì cả.

– Không nhớ thì đừng về.

– Dạ, bà chủ thương tình cho tôi về một chuyến.

– Tôi nói đùa với chú cho vui thôi. Để tôi sắp xếp cho chú về quê một chuyến. Tôi cho chú thêm một tháng lương đặc biệt. Lương thăm quê, được không?

Bà vừa nói vừa cười, vui vẻ. Chú Năm cũng cười. Chú mời:

– Bà chủ về thăm quê tôi một chuyến.

Nói xong, chú thấy mình lỡ lời. Chú đi với bà về quê thì hơi bất tiện. Chú đi một mình hay hơn. Bà hiểu ý chú, nên cười:

– Tôi đi thì ở đây ai chăm sóc công chuyện làm ăn của tôi. Chú đi rồi sớm về nha.

Vâng, chú đã về. Chú về như một con người khác. Chú hay trầm tư, suy nghĩ. Bà có để ý hỏi thăm, coi thử gia đình chú có chuyện gì cần bà giúp đỡ hay không, thì chú nói:

– Quê tôi nghèo quá đi, bà chủ. Cái đó thì tôi cũng biết từ lâu rồi, không có gì ngạc nhiên cả. Nhưng mà họ vui. Họ sống với nhau vui quá, làm cho tôi hơi buồn.

– Chú này nói lạ chưa. Họ vui thì chú cũng vui lây chứ, tại sao chú lại buồn. Chú buồn vì thấy họ nghèo khổ hả?

– Cũng có. Nhưng tôi buồn đây là buồn cho tôi. Buồn cho hoàn cảnh sống của mình ở thành phố. Ở đây, mạnh ai nấy sống. Hình như mình thiếu cái tình chòm xóm.

– Cái tình chòm xóm nó ra sao hở chú?

Chú Năm gãi gãi cái đầu. Chú phải giải thích làm sao cho bà chủ hiểu đây. Chú nói:

– Dạ, mình ngồi nói chuyện chơi với nhau.

– Thì ở đây người ta cũng nói chuyện chơi với nhau cả ngày đó chớ.

– Không giống đâu bà chủ. Ở quê, họ có thời giờ để nói chuyện, nói chuyện khơi khơi, không đâu vào đâu cả. Rồi chèo ghe đi hái bông súng, họ hát. Tôi không giải thích cho bà chủ hiểu được. Tôi không ngờ quê mình đẹp như vậy. Không khí ở quê tôi tốt lành quá. Hít vào mát cả buồng phổi.


III.


Rồi dần dần chú đâm ra bực bội với bà. Chú không còn là chú Năm dễ thương nữa. Bà cũng đánh mất sự thoải mái của bà. Thì bà cũng nhờ chú làm chuyện này, chuyện nọ, nhưng giọng nói của bà, dần dà có vẻ khắt khe hơn, có cái hơi hám của một mệnh lệnh. Tại sao thì bà cũng không biết.

Bà thương chú lắm. Điều này chú phải biết chứ. Từ ngày chồng bà mất đi, chú Năm trở thành điểm tựa cho bà. Chú quán xuyến công việc cho bà. Ngược lại, bà đối đãi với chú không khác gì một người em. Về tiền bạc, bà rộng rãi với chú. Và tuy không nói ra, bà biết ơn chú Năm rất nhiều. Chưa bao giờ bà lấy uy quyền của một bà chủ để đối xử với chú Năm.

– Bà chủ muốn tôi làm việc gì thì cứ nói. Tôi đâu bao giờ làm trái ý bà.

Câu nói đó đã rõ ràng lắm rồi. Bà đã nhích lại gần với vị trí của một bà chủ hơn. Và đương nhiên là chú nghiêng về phía của người giúp việc. Đó là điều bà không muốn. Bà thấy buồn, và đau xót ở trong lòng. Lỗi nơi bà? Có thể lắm. Bà muốn nói chuyện với chú Năm.

Tối hôm đó, bà mở đầu:

– Chú Năm.

– Dạ, bà chủ gọi.

– Đừng có kêu tôi bà chủ hoài được không?

– Dạ, tôi quen.

– Chú có nói đến cái tình chòm xóm. Cái lối nói chuyện không đâu vào đâu của quê chú. Chú kể thêm cho tôi nghe được không?

Chú Năm im lặng. Chú im lặng lâu lắm như có một cảm xúc đang gây sự dao động trong lòng chú. Một hồi lâu, chú mới nói nhỏ:

– Vậy là cuối cùng bà chủ cũng thấy ra.

– Thấy cái gì vậy chú Năm?

– Thấy ra là tôi nhớ quê.

– Chú nhớ quê? Chú mới về thăm quê đây mà.

Nhưng rồi bà hiểu ngay lập tức. Bà hiểu ra nguồn gốc của khổ đau mà hai người chịu đựng lâu nay. Từ khi về quê, chú Năm nhận diện ra cái hạnh phúc mà bấy lâu chú thiếu thốn. Một thứ hạnh phúc mà không phải có tiền mà mua được. Tình chòm xóm, tình gia đình đã đánh thức một cái gì sâu xa, lâu nay nằm yên trong lòng chú; mà chú đã lầm tưởng là mình không cần đến. Cái đó, bà không cho chú Năm được. Bà nói:

– Nè chú Năm.

– Dạ.

– Tôi cần chú lắm.

– Dạ, tôi biết.

– Chú biết?

– Tôi biết chớ. Bà chủ tốt với tôi lắm. Tôi đâu phải gỗ đá đâu mà không hiểu. Mấy hôm nay tôi bực bội trong lòng, làm bà cũng khó chịu theo. Đó là vì bà thương tôi.

– Chú thấy hết hả?

– Tôi thấy hết, mà không biết làm sao cho mình bớt nhớ quê, để mình có thể sống vui ở đây hơn. Chắc là thời gian sẽ làm cho mọi nhớ nhung phai mờ đi.

Vâng, thời gian. Thời gian sẽ trả về lại cho bà một chú Năm hạnh phúc. Rồi bà lại băn khoăn, không hiểu bà cũng có một quê hương, một cái tình chòm xóm nằm sâu trong đáy lòng, mà bà ngỡ rằng nó không có mặt hay không?

 
Pháp, 12-11-2008


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss