Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Tình Xuân

Tình Xuân

- Hoa Liên — published 23/04/2008 15:32, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19
Truyện ngắn


TÌNH XUÂN


Hoa Liên


Tokyo.

"Lễ Giáng sinh năm nay anh nhớ về nghe. Nhà làm xong 80%, nền nhà cao ngang bức tường thành cũ, sang trọng đẹp đẽ lắm. Bản vẽ của kiến trúc sư dựa theo kiểu nhà Pháp cách tân. Thúy Miên bảo nhà mình trông giống Sở Học chánh, anh nghĩ thế nào?"

Hân đút lá thư vào hộc bàn. Xa quê mười bảy năm mới trở về, rồi trở lại hai năm sau đó và mỗi năm về một lần, cho đến ngày ba mẹ mất. Chuyện lấy vợ coi như cổ tích rồi. Tuyết Nhung giới thiệu cho anh ít nhất mười mối, đa số thuộc diện cán bộ nhà nước, lương tiền gần một triệu, nhà cửa khá giả, có xe riêng đi làm. Ngoại hình dễ nhìn. Người nào cũng trên ba mươi tuổi. So với Hân vẫn còn quá trẻ. Ông không có cảm giác gì khi gặp họ. Phụ nữ nào cũng giống nhau: son phấn, quần áo, nữ trang.

Điều đó không quan trọng gì. Đàn bà đẹp cho bản thân họ và đẹp vì đàn ông. Ở Nhật ba mươi năm, đi gần hai mươi năm mới trở về sau lá thư của Tuyết Nhung. Mẹ đang bình thường khoẻ mạnh bỗng mắc chứng trầm cảm nặng, lần lần gần như bệnh tâm thần. Tuyết Nhung bảo mẹ nhớ anh, buồn. Nhung đi cả ngày, chồng ở ngoài Quảng Trị làm nghề dạy học. Năm sau cha cũng rơi vào trường hợp tương tự. Rồi đến đứa cháu gái con Tuyết Nhung. Con bé mới mười sáu tuổi đã có những tính cách trầm mặc, không ưa tiếp xúc, thích ở nhà phụ mẹ may vá, thêu thùa. Hân bàn với em chuyện đổi chỗ ở. Anh nhắm ngôi nhà ở góc đường phượng bay. Đó là ngôi nhà được bán sau giải phóng, bây giờ nó lại sắp bán. "Cố mua được ngôi nhà ấy, ở đó có đủ ánh sáng mặt trời và không khí trong lành. Nhà giáp hai mặt đường”. Tuy không hi vọng bệnh tình của cha mẹ sẽ thuyên giảm nhưng còn đứa cháu gái. Ngày còn học Quốc Học, Hân mê ngôi nhà với hàng rào chè tàu vây quanh. Phía trong, một bể sen trước nhà, sát cánh nó là cây mai vàng nở hoa đúng Tết. Hai bên cổng vào là hai cây hoa mộc lan. Vào mùa thu đi ngang ngõ nhà thơm ngát mùi hoa mộc, hoa tường vi. Ngôi nhà in sâu trong kí ức cả khi ông sang Nhật. Khi rảnh ông cũng đọc sách. Tình cờ trong một cuốn sách nói về cây kiểng nhiệt đới, có bài nói về hoa mộc. Mộc lan là hoa xuân. Bốn, năm chục năm mới ra hoa. Nó là một loại cây khó trồng, đã sống thì bền bỉ.

Chủ ngôi nhà ấy là mẹ của Thúy Miên. Nó đổi chủ hai lần. Người chủ đầu là dì ruột Thúy Miên. Mười năm sau dì bán cho Tuyết Nhung. Tuyết mua với tiền Hân. "Nhờ bạn bè giúp một phần, bà dì khó tánh lắm", Tuyết nói với anh. Hân bảo em gái sửa lại ngôi nhà cho đẹp và tiện nghi hơn. Họ sửa nhà vào mùa hè. Đoàn làm lại nhà ngang thành chỗ hát karaoke, phía trên ở mặt vườn phía bắc làm chỗ chơi bi da. Hai cây hoa mộc khô cằn, thiếu người chăm nó vẫn sống. Đoàn chặt phăng hai cây hoa mộc. Trồng thêm tùng, bách. Chỉ giữ lại cây mai và vườn hồng. Vài năm sau khi ra nhà mới, cha mẹ lần lượt nối nhau qua đời. Cơn lũ khủng khiếp năm 99, nước lụt tràn vô nhà. Ông lại gởi tiền cho Tuyết Nhung nâng cấp ngôi nhà. Toàn bộ ngôi nhà cũ bị giật xuống lần nữa. Lần này số tiền xây cất lên đến tỉ đồng. Tuyết quá sợ chuyện lụt bão, cô là mẫu người ưa thay đổi. Hai bàn bi da đã bán, phòng hát karoke để con cái học hành. Cô cháu gái nay đã tốt nghiệp ngành du lịch và đi làm khá xa. Cùng với tiền bạc, thế lực, hai vợ chồng giã từ những ngày hàn vi bước vào cuộc sống mới. Nhà cũ của cha mẹ trước kia Hân gởi tiền cho em nâng cấp cho thuê. Ông nói với em gái: "Bây giờ nếu có người phụ nữ ở cạnh anh cũng thấy phiền phức". Hân là chuyên gia của một công ty lớn, là người không thể thay thế được. Giữa đam mê công việc kiếm tiền, và đam mê tình ái, phần sau gần như là số không. Hồi mới đi làm ông có quen một thiếu nữ Nhật, cuộc tình chỉ kéo dài một mùa hè. Có lẽ công việc chỉ là một đam mê có ích. Số tiền gởi về nuôi cha mẹ và, cho em, mua nhà, tiền gửi nhà băng ngày càng tăng. Nhưng ông biết không phải như vậy. Việc mẹ bị bệnh, một chứng bệnh của người già, do thương nhớ dài ngày, nỗi cô đơn, mặc cảm bị con cháu quên lãng – khiến Hân cảm thấy mình có trách nhiệm. Mặc cảm tội lỗi làm ông đau đớn. Ông sẽ lấy vợ. Rồi sau đó? Những người đàn ông đàn bà tưởng có thể an ủi nhau suốt đời ư? Họ cùng đi làm nuôi con, chỉ gặp nhau hai bữa ăn chính, có khi buổi trưa không ai về nhà. Nhịp sống công nghiệp lạnh lùng. Những món đồ phải sắm. Những tiện nghi vật chất. Chẳng phải cha ông đã không chịu nổi điều đó hay sao? Đoàn ở ngoài Quảng Trị, mỗi tuần lễ anh ta vào một lần thăm vợ con. Tuyết dạy trường huyện. Ở nhà hai người già vào ra trong ngôi nhà trống trải, im lặng, cho đến khi người đàn bà nằm xuống. Áp lực đè nặng lên người đàn ông không còn việc làm, cảm thấy mình không có ích. Khu vườn âm u. Và sau cùng đến lượt ông ta lãng trí, ông ta không còn điều khiển nổi mình nữa. Tất cả điều đó đập vào trái tim còn nhạy cảm của Hân, tuy nhiên ông không nói với em gái điều đó. Ông chỉ biện bác rằng mình đã đủ đầy với cuộc sống độc thân rồi. Tự đi chợ nấu ăn, giặt áo, làm phòng...

Sau chiến tranh thế giới thứ hai, nước Nhật mau chóng ngoi lên hàng cường quốc, nhịp sống lao nhanh. Ông cũng bị cuốn vào dòng chảy vô tận đó. Bà mẹ thường tỉnh táo khi có ông về nhà. Bà hỏi: ''Anh lấy vợ chưa?" Ông đáp chưa. "Sao lâu quá vậy con? Lấy vợ cho mẹ có cháu bồng". Khi ông đi rồi bà khóc. Cái tỉnh táo lúc ở với con gái nhanh chóng chìm vào mê muội. Đó là sự lười nhác của bộ não sa sút, của kí ức lãng quên. Với con trai, kì diệu thay, bà có những giây phút sáng suốt. Để rồi sau đó lại rơi vào khoảng không.

Sống lâu năm ở nước ngoài, ông nhiễm đậm tập quán, cách cư xử của người Nhật. Nơi mà sự sạch sẽ tinh khiết, sự sùng kính đối với phong tục cổ truyền theo nghi thức trà đạo. Lòng ái quốc là một điều căn bản. Tinh thần đạo học Đông phương Nhật đứng kề Trung Hoa. Một lần Hân theo hai người bạn đến thăm một ngôi chùa cổ. Tại đây, họ bàn luận về đạo Phật. Vị đại sư đã đọc cho ông nghe một bài thơ Haiku:

Gì đó?
Mặt trăng
Kêu chăng?
Không phải vậy đâu
Chim cu.

Người bạn trẻ đọc một bài thơ của Lý Bạch để trêu đại sư:

Các bạn trẻ ở Kim Ngũ Lăng
Vội đi đâu mà dẫm lên hoa rụng
Thưa rằng đến quán rượu giai nhân

Làm thơ là cửa ngõ vào tâm linh. Đại sư nói, cái gì cũng tuỳ duyên. Cái duyên của anh là gặp ta đấy. Ông đọc bài thơ về hoa mộc chợt nảy ra trong trí:

Bình minh
Một loài hoa ngát hương
Nồng
Trái tim tôi.

Luôn luôn có hai hình ảnh trái ngược nhau: Đêm và ngày, ánh sáng và bóng tối. Những thành tựu của khoa học kĩ thuật là con dao hai lưỡi. Hoặc người ta làm chủ nó hoặc con người làm nô lệ cho văn minh vật chất. Hai quả bom nguyên tử rơi xuống hai thành phố đã minh chứng. Tương tự con quái vật khổng lồ, không chịu nổi sự cô đơn, bị loài người thù ghét đã quay lại bóp chết vị chủ nhân của mình.

– Nhưng thưa lão sư, nếu không có sáng tạo và phát minh, cuộc sống còn có gì vui, nước Nhật đâu có như ngày nay?

– Điều đó hoàn toàn đúng. Người ta luôn đẩy tham muốn đến vô cùng, trong khi cuộc đời vốn hữu hạn

– Làm thế nào để kềm chế điều đó được?

– Làm thế nào ư? Anh lại hỏi ta sao?

Ông đã coi câu hỏi như một công án Thiền.

Từ ngày ấy ông ít có dịp trở lại thiền viện, tuy thế hàng năm vào mùa hoa anh đào nở, ông và vị đại sư lại gặp nhau. Vị sư hỏi Hân về thời thơ ấu, về cuộc sống hiện tại. Nói chung ông bằng lòng với chính mình.

– Có thật không đấy? Hay anh chỉ tìm mọi cách để lãng quên? Người ta lao đầu vào việc kiếm tiền như con thiêu thân vậy.

Luôn luôn là những câu hỏi và ông thường im lặng không trả lời. Từ ngày ấy ông khám phá ra, bài thơ nảy ra trong trí chính là hoa mộc lan thuở thiếu thời. Ông luôn luôn nhớ mùi hương ấy. Cho đến khi cô em gái nhờ tiền bạc, nhờ bạn bè mua được căn nhà. Ông lại quên không hỏi thăm hai cây hoa mộc lan. Đoàn đã chặt nó đi vì không biết hai cái cây khô cằn kia là hai cây hoa rất khó trồng. Ông im lặng không nói gì. Dẫu sao thì, vị trí của ngôi nhà, ước mơ đã thỏa rồi. Hân còn mơ ước chi hơn.

Ngôi nhà mới có đến mười phòng. Đúng như lời vị đại sư nói: "Mọi sự đều tuỳ duyên, thay đổi vô thường". Người chủ nhà cũ ra đi. Người chủ khác đến yêu tùng bách hơn hoa sen và hoa hồng. Ông chỉ không có duyên với tình.

Họ tận dụng tối đa gỗ của căn nhà cũ, tính ra nếu trang trí nội thất nữa thì ngôi biệt thự kiểu mới hình lục giác, năm móc này lên đến bạc tỉ. Từ ngày dời đến chỗ ở mới, hai vợ chồng làm ra nhiều tiền. Đoàn vui với công trình này lắm. Tường thành xây lại, rào sắt kiểu mới. Không hẹn mà xây cất giống như một cái dịch, lan từ Bắc chí Nam. Ai cũng xây nhà. Thậm chí có những ngôi biệt thự cổ của người Pháp làm từ thế kỉ trước, chỉ cần sửa chữa là được, người ta cũng đập ra xây lại. Đó là một căn bệnh thế kỷ: bệnh sùng kính văn minh vật chất và sự hào nhoáng bề ngoài. Ngôi nhà cổ thật ra không hư. Vì họ đã tu sửa toàn bộ một lần rồi. Tuyết nói có lẽ để lấy lòng Thúy Miên:

– Bờ lô cũ tốt lắm mi ạ, nhà không có lẻ sắt nào. Thế mà bão 85 đứng vững. Thúy Miên đáp:

– Bây giờ người ta làm dối để mau xây lại chứ sao.

Nỗi buồn bán nhà mười năm rồi cũng hết, người ta cần quên để sống. Chiều hôm đó Thúy Miên đến thăm họ. Cô đi ngang khu vườn cũ, nay chỉ còn cây mai và cây hồng sen. Đồ đạc ngổn ngang. Nhà làm coi như xong.

– Lần ni anh mi về cưới vợ chứ?

– Giới thiệu mãi mà có mối nào anh ưng. Ngân hàng, bưu điện, du lịch... anh tau chưa ưng ai cả. Noel ni anh tau về.

– Tau có một mối, anh mi có chịu không?

– Nói chơi hay thiệt đó?

– Nói thiệt. Tau đâu có ưng làm bà mai.

Chuyện hôn nhân với con người này coi như một thất bại rồi. Tuy vậy cô cũng nói:

– Ừ, để đó cho tao.

Thúy Miên thật tình khen ngôi nhà lộng lẫy sang trọng quá. Phòng tiền sảnh có đủ chỗ chứa hơn trăm thực khách. Dãy phòng phía đông mát rượi ngó ra vườn sau. Ánh nắng và khí trời, là điều Hân dặn em gái. Khác xa hẳn ngôi nhà cũ và ngôi vườn âm u.
 

*

 
Hạnh Hoa thôn.

Đó là tên gọi một làng nhỏ chuyên sống với nghề trồng hoa. Hạnh Hoa thôn cách thành phố khoảng tám cây số, có khoảng trăm nóc nhà, cách nhau bởi những vườn rau và hàng rào chè tàu. Cuộc cách mạng công thương nghiệp làm thay đổi bộ mặt thành thị đến nông thôn, ít ra là ở bên ngoài, nhưng không đổi thay nếp sinh hoạt và tập quán lâu đời. Từ ngày "mở cửa", thôn Vĩ Dạ đổi hẳn bộ mặt. Những vườn cau thơ mộng được thay thế bởi những toà nhà cao tầng làm khách sạn. Chỉ duy Hạnh Hoa thôn còn giữ nếp sống cũ. Làng mấy đời làm quan cáo về dạy học và trồng hoa.

Hội hoa xuân hàng năm tổ chức ở Thương Bạc, năm ấy đông hơn mọi năm vì giải thưởng lớn hơn. Thúy Miên đã mấy ngày len lỏi trong rừng hoa muôn màu muôn sắc để săn tìm ảnh người đẹp. Ảnh người đẹp thật ra không khó kiếm. Cái cô tìm là khuôn mặt một giai nhân. Một vẻ đẹp tiêu biểu cho tinh thần. Nó khác và nó phải khác. Đêm nào cô cũng ngồi thừ trước những bức ảnh do mình chụp đem về tráng rửa. Chồng cô nói:

– Đã bảy đêm rồi mà em chưa chọn được bức ảnh nào sao?

– Anh chọn giùm tí.

Thành chọn gần như hầu hết. Thúy Miên cười:

– Đó là những người mẫu thời trang, những khuôn mặt của báo bìa, những diễn viên điện ảnh.

– Thế em còn đòi chi hơn nữa?

– Khuôn mặt của một người biểu lộ mọi vẻ đẹp bên trong. Một nhan sắc. Khó nói quá.

– Thúy Kiều, Bao Tự, Dương Quý Phi chăng?

Thúy Miên lắc đầu.

Ngày hôm đó, tuy mệt nhoài vì đi từ sớm, Thúy Miên len lỏi qua những đám đông người, qua những hàng chậu cảnh... bấm vài kiểu. Cô dừng lại trước hai chậu hoa rất quen thuộc. Hoa của mẹ cô trồng ngày xưa. Từ rễ lên trên, hai chậu cây phải trồng hơn hai mươi năm. Mùi thơm đặc biệt này, không gắt, không hắt vào khứu giác người mà vẫn tồn tại rất lâu. Bên cạnh hai chậu hoa này là hai chậu mai tứ quý đang nở bung những bông hoa vàng rực. Cô như mê đi trước bốn chậu kiểng. Những cái hoa nhỏ xíu, trắng xóa báo hiệu mùa thu. Thế nhưng với toà biệt thự kia thì cái mới, cái hào nhoáng xa lạ có ngăn bước chân mùa thu không...

– Xin tránh ra, tránh ra cho!

Giật mình, Thúy Miên bước lùi, lùi mãi ra xa, cô lọt vào đám đông đang nhón chân nhìn vào. Thì ra cô đang đứng trong vòng khán đài. Lễ trao giải sắp tiến hành. Thuý Miên đọc được cái tên của hai chậu cây: "Khô mộc lan". Cô nhìn lên cố tìm một khuôn mặt quen.

Lễ phát giải bắt đầu, khá đơn giản sau nghi thức thông thường.

– Ông Nguyễn Văn Thiết, xin mời ông Nguyễn Văn Thiết lên nhận giải.

– Cô Nguyễn Thị Mộc Lan, xin mời lên nhận giải nhất hai chậu hoa mộc. Xin lỗi, Khô Mộc Lan.

Loa phóng thanh nhắc lại ba lần, ông Nguyễn Văn Thiết ngượng ngùng bước lên:

– Xin lỗi ban tổ chức, con gái tôi có lẽ bận, tôi nhận thay được không ạ?

Ông Thiết trình bày lý do và được nhận thay. Trong đám đông có người nói:

– Cha nhận thay không được tiêu hết nghe cha.

– Hừ, lỡ dịp may nhìn mặt người đẹp rồi.

Săn ảnh giai nhân không thành, Thúy Miên tìm cách phỏng vấn ông Thiết:

– Xin ông vui lòng cho biết, quá trình ươm nhánh, chiết cành và ra hoa của loại cây này?

– Cô muốn nói cây kiểng?

– Cả bốn chậu ông mới nhận giải.

Ông Nguyễn Văn Thiết, một người đàn ông thấp, đậm người, nét mặt vuông chữ điền phúc hậu với đôi mắt đen chân thật trông giống một nhà nông hơn một nghệ nhân. Sau khi cho xem thẻ nhà báo, ông Thiết trả lời:

– Quá trình hình thành một cây hoa chậu không đơn giản nhưng cũng không khó. Cái khó là lòng thành kìa. Chúng tôi chiết cành ươm trong chậu, thời gian ươm khá lâu cho rễ chính và rễ phụ mọc. Có thể đến nửa năm, tỉa cành, uốn, thay đất mới. Cho vào ít phân và không cần tưới nhiều. Hai chậu mai này của ông cụ nhà tôi, đã bốn mươi năm rồi.

Đôi mắt Thúy Miên tròn xoe. Nhận giải nhất cũng xứng.

– Hai chậu này sao gọi là Khô mộc?

– Vì những nhánh của nó. Nhánh của chúng đâm khá nhiều, như cô thấy. Cây này do tôi chỉ con gái tôi trồng. Ban đầu tưởng nó trồng chơi. Sau mới biết nó thích trồng cây từ bé. Nó học tôi cách chiết cành, ươm nhánh, giam hoa.

– Con gái ông sao?

– Phải. Hơn hai mươi năm đấy! Có dịp mời cô về Hạnh Hoa thôn chơi.

Ông Thiết khá vất vả khi chở bốn chậu cây về, mọi người đi theo ông mặc cả mua hai chậu Khô mộc lan. Ông từ chối, bảo con gái ông không bán.

– Đây là tôi mang dự thi, không phải ý của cháu. Nói câu này, ông Thiết đượm buồn.

– Sao ông gọi trồng hoa cốt ở lòng thành? Lòng thành mà không có cây, không có giống có phân thì làm sao thành được?

Thúy Miên hỏi đùa, không ngờ ông Thiết trả lời:

– Cái không cái có đều tự nơi mình. Tôi cũng từ số không mà nên, cô ạ.

Bây giờ, Thúy Miên lại thấy ông Thiết giống quân tử miệt vườn hơn lão nông. Ông ta chinh phục cảm tình của cô rồi. Cô giúp ông chở hai chậu cây về Hạnh Hoa thôn.

Đường về xa hoá gần vì câu chuyện tương đắc. Ông có ba cô con gái, người thứ nhất là Mộc Lan đi dạy. Người thứ hai Dã Hạc làm ở Viện Bảo tàng thành phố. Dã Lan là con gái út. Tất cả đều chưa chồng. Chẳng mấy chốc đã đến chỗ rẽ vào thôn Hạnh Hoa. Nằm gần nhánh sông nhỏ. Hạnh Hoa thôn hiền hoà mát mắt với những vườn rau xanh um, những vườn vạn thọ vàng rực xen lẫn cúc vàng, lay ơn, thược dược.

– Chà đẹp, nên thơ quá! Thúy Miên suýt xoa.

Nhà ông Thiết là một nếp nhà lợp tranh mây ba gian hai chái khá rộng. Trong khi ông Thiết dựng xe bỏ chậu xuống, Thúy Miên lặng lẽ quan sát. Bên phải là vườn rau, bên trái khoảng đất rộng trồng các loại hoa như cô đã thấy ở vườn khác. Từ ngõ ngoài đi sâu vào trong là hai hàng mai vàng độ mười cây nở rộ dưới nắng xuân. Nhô lên phía sau nếp nhà tranh là một gian lầu xinh xắn với hàng lan trước mái hiên. Ông Thiết vén bức mành trúc trước cửa đưa Thúy Miên vào nhà. Bên trong sáng sủa với cửa sổ mở về hướng tây nam, gian giữa thờ, gian trên kê bộ tràng kỉ kiểu cổ tiếp khách. Gian dưới một chiếc giường gõ cổ có lẽ để ông Thiết nằm. Một kệ toàn sách Đông y kê sau bộ tràng kỉ. Ngôi nhà lợp tranh mây mát rượi.

– Tui ưng ở nhà tranh – ông Thiết mộc mạc nói. Sau lụt 99 mấy đứa con và tui chung tiền làm cái lầu đó. Là nhờ tiền trúng giải và bán cây nữa.

– Tại sao hoa mộc lại nở vào mùa xuân?

– Hình như cô có duyên chi với hoa mộc? Ông Thiết loay hoay pha trà – hoa nở mùa thu theo điều kiện tự nhiên, nhưng mình vẫn có thể cho nó nở vào dịp mùa xuân.

– Tôi chưa bao giờ nghe điều này, chắc ông có kĩ thuật cao cấp.

Ông Thiết lắc đầu:

– Cao cấp gì, mình tự nghĩ ra thôi. Giam hoa cũng dễ thôi. Mời cô uống trà. Trà sói do tôi ướp lấy. Làng này có nghề ướp hoa trà nữa. Như cúc kim, sói, sen.

– Họ cũng trồng sen nữa sao?

– Tất nhiên, hoa sen nhưng mà giống sen biển, không ngon bằng sen Tịnh Tâm. Về đây mọi lo toan cơm áo, mọi nỗi ưu phiền trên thế gian trôi tuột đi mất. Thúy Miên nói điều đó với chủ nhà, ông Thiết cười đôn hậu:

– Ai cũng thích về đây chơi. Đêm trăng còn đẹp nữa. Cả làng ngát mùi hoa hồng. Bây giờ người ta chạy theo văn minh nhiều lắm, thôn Vĩ Dạ đó. Hàn Mặc tử nói: "Ở đây sương khói mờ nhân ảnh". Bây giờ không có khói, chỉ có sự thật trụi trần.

Thúy Miên giật mình:

– Có lẽ em đã nhầm, bác đi dạy sao?

– Phải, tui mới về hưu mấy năm nay. Tui là giáo viên cấp một. Cô về đây thử một ngày, đi khắp, thanh bình trong thôn khác với thành phố lắm.

Ông Thiết đưa Thúy Miên ra xem vườn lan. Có vài chục loại lan với đủ màu: vàng, tím, đỏ, trắng... Không có tiền làm nhà kính, ông Thiết lợp nilon phía trên. Trên lan can lầu, giò nghênh xuân trắng đong đưa trong gió. Một bụi tràm hoa đỏ trèo qua lan can, rủ những chùm hoa đỏ. Mùi hoa lan thơm nhẹ nhàng. Mùi hương trà, mùi hoa sói, mùi cây cỏ... lan toả trong không gian im ắng.

Nơi đây có một không khí khác thường. Khác những khu vườn mà cô từng đến.

– Huế mình có vô số nhà vườn đẹp. Hạnh Hoa thôn này ăn thua chi.

Ông Thiết như đọc được ý nghĩ của cô.

– Không! Thúy Miên phản đối – Mỗi nơi mỗi hương vị khác.

– Xung quanh này còn nhiều vườn hoa đẹp, nếu cô cần chụp làm bìa báo tôi đưa đi.

Người đàn ông này khá thông minh, Thúy Miên nghĩ thầm. Đi một vòng quanh thôn, cô hít sâu làn không khí tươi mát ấm áp của mùa xuân. Cái nắng vàng cốm này làm cô vui. Đầu xuân khi những chồi non lộc biếc vừa nhú, những cơn mưa xưân đã rải bụi lên vườn nhà. Cái lạnh se thắt làm hương vị trà thơm ngon và lát gừng cay đầu mũi có ý vị đậm đà. Sau khi chớp vài kiểu ảnh ông Thiết bỗng đề nghị:

– Này, bây giờ mà về nhà cô thì trưa, ra quán bún bà Tâm ăn cũng mệt. Chi bằng mời cô ở lại dùng cơm, sẵn dịp tôi giới thiệu các con tui.

Thúy Miên bằng lòng ngay. Gọi là mời, cô cũng xắn tay áo vào bếp giúp ông Thiết nổi lửa làm gà. Không quen nấu củi, khói cay xè, càng phùng má thổi nước mắt nước mũi càng chảy. Ông Thiết đến bên nói:

– Để tui thổi cho, cô coi nấu giùm nồi cơm.

– Sao ông không nấu xôi với nước luộc gà?

– Như thế cũng được.

Trong lúc nấu nướng, ông Thiết nói:

– Cô có nghiên cứu Kinh Dịch bao giờ chưa?

– Tôi có nghe.Thì giờ mô ông, đi cả ngày.

– Vậy đó. Chơi hoa kiểng là nghiền ngẫm cái đẹp hữu hạn. Giá trị nghệ thuật thì vĩnh cữu mà đời người có hạn.

Một giờ nấu nướng, các món đã xong, thực đơn do Thúy Miên nghĩ ra. Xôi gà, thịt gà xé phay bóp rau răm hái ngoài vườn, canh chân gà nấu với nấm và vài sợi miến, nấm cũng hái ngoài vườn. Người về đầu tiên là Mộc Lan. Cao, thon người, cổ cao, da trắng, tóc dài xoã ngang lưng, hai gò má mơn mởn như cánh hoa đào. Màu trắng của chiếc áo dài cô đang mặc trên người, mùi hương từ mái tóc gội chùm kết lá dứa, màu đen đặc biệt của đôi mắt – đặc biệt nhất là đôi mắt, tạo nên một sự hoà hợp tuyệt vời. Đôi mắt chiếu tướng ngay chỗ cô ngồi bên bếp lò, đang phùng má thổi lửa nấu nước. Cái nhìn ngạc nhiên nhưng lãnh đạm.

– Con gái tôi, Mộc Lan đấy, ông Thiết tươi cười giới thiệu.

– Xin chào, Thúy Miên đứng lên nói. Cô tiếc đã không có máy ảnh để chụp Mộc Lan ngay từ khi ngoài cửa bước vào.

– Dạ, chào cô. Mộc Lan khẽ cúi người.

Người bước vào thứ hai là Dã Lan. Ánh sáng rực rỡ phủ khắp căn bếp, nụ cười tươi phô hàm răng trắng đều. Với mái tóc cắt demi garçon, đôi chân thon dài trong chiếc quần jean túm, Dã Lan nhảy chân sáo vào bếp, bá cổ ông Thiết:

– Cha, con đã về.

– Chào cô đây, cô nhà báo.

– Cha, cô làm món ăn với ba cháu đấy à? Thơm quá!

Dã Hạc về sau cùng. Ngọn lửa trong căn bếp chợt cháy bùng lên, ánh sáng tụ lại nơi vẻ đẹp của một đài hoa vừa nở, làm phai đi mọi thứ chung quanh. Nét rực rỡ linh động của Dã Lan, nét kiều diễm của Dã Hạc là tình yêu và sức sống của tuổi thanh xuân. Thúy Miên lên nhà lấy máy ảnh, nhân lúc ba chị em còn mặc đồ đẹp chụp vài kiểu ảnh. Mộc Lan đã đi đâu mất.

– Chị Mộc Lan không chụp ảnh, chị khó lắm. Dã Lan láu táu.

Bữa cơm trưa dọn ra khá thịnh soạn. Khi mọi người ngồi vào bàn, Khô Mộc mới xuống. Cô thay bộ đồ lụa màu ngọc bích mặc ở nhà, mái tóc dài được vấn lên cao để lộ cần cổ trắng...

Ngồi cạnh cha, cô có vẻ chìm đi bên vẻ rực rỡ và sang trọng của Dã Hạc. Thúy Miên lặng lẽ quan sát. Đôi mắt đen ẩn một nỗi buồn khó tả, nét mặt lạnh lùng. Nhưng cô đúng là một giai nhân: "Mai cốt cách, tuyết tinh thần".

– Chúng ta cầm đũa nào, không mấy khi nhà mình có khách, ông Thiết hắng giọng.

Trong bữa ăn Thúy Miên hỏi ông Thiết:

– Bác có biết, loài hoa nói với con người thứ ngôn ngữ riêng của chúng? Ngược lại, con người cũng mượn cây cảnh nói giùm những nỗi niềm riêng? vì sao không gọi là Hải đường mà gọi là Thu Hải đường? Mỗi cái tên có một ý nghĩa nào không?

– Con vật cũng có tiếng nói riêng, như con gà cục tác, con chó sủa, con mèo gừ gừ. Cây cũng có tâm hồn, như cây cam cây quýt, cây sapotier trồng gần nhà thì trái tươi tốt hơn. Con người truyền ngôn ngữ cho hoa và cho cây. Những tên gọi đều mang ý nghĩa nào đó thôi. Mùi hương, vẻ đẹp, theo bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Hoa nói với con người: mai nở là trời nắng, hoa ban nở là mưa và lụt, hoa cúc nở báo mùa thu, vạn thọ báo mùa xuân.

– Chỉ là chiếc đồng hồ thôi, cha. Khô Mộc Lan chợt lên tiếng, giọng cô rất nhẹ.

Ánh long lanh trong đôi mắt xoá đi vẻ ảm đạm trên khuôn mặt. Tích tắc vẻ lạnh lùng trở lại.

– Theo con, vậy thì bằng cách nào, người ta cảm nhận được thứ ngôn ngữ đó? Dựa vào các mùa, và tâm linh. Sự giao thoa giữa các mùa ảnh hưởng đến con người cũng như các loài hoa. Các nhà văn mượn cảnh tả tình đều dựa vào chiếc đồng hồ đó.

Thúy Miên thầm kinh ngạc. Mộc Lan không đáp. Sau bữa ăn, Dã Lan, Dã Hạc dọn chén bát. Mộc Lan biến đi đâu mất.

Thúy Miên tự mình pha trà. Cô bắt đầu thích món trà ướp hoa sói của ông Thiết. Dã Lan ngồi cạnh châm trà.

– Cái gì rồi cũng qua mà ba. Chị ấy sắp hết hạn rồi.

– Vừa nãy tôi nói quấy quá cho vui, cô đừng chấp.

– Bác nói quấy quá mà rất sâu. Tụi tui suốt ngày lao vào công việc, không nghĩ được cái gì sâu xa cả.

– Trong ba năm liên tiếp, con Mộc chịu ba cái tang. Người thứ nhất mà nó có cảm tình, tính cầu hôn với nó và tui cũng bằng lòng, thì chết sau một tai nạn xe. Hai người tiếp theo thì nó không thích nhưng tui thấy cũng được, đang định ngỏ lời với nó thì chết bất đắc kì tử. Từ đó nó bị mang tiếng là khắc tinh của đàn ông. Bọn con trai xấu bụng gọi nó là Khô Mộc. Nó dạy trường gần đây nè, cũng có ông giáo dạy cấp ba muốn cầu hôn. Lòng nó khép lại rồi, nó nói ba à, trái tim con làm bằng cây. Tôi khổ tâm lắm mà không biết làm sao.

– Đó đâu phải lỗi cô ấy. Nếu mình yêu một ai đó, cuộc đời khác đi.

– Ba cậu ấy đều có địa vị, học cao. Thiệt tình con Mộc cũng hơi khó tánh, nó chưa yêu ai cả. Chỉ có cái cậu đầu tiên, là bác sĩ nó chỉ hơi cảm mến thôi.

Hai giờ chiều, Thúy Miên cáo từ ra về. Nghỉ trưa một chút, cô ngồi vào phòng kín, tráng rửa phim. Ba tấm ảnh của ba chị em. Tấm đẹp nhất vẫn là ảnh Khô Mộc. Còn thiếu một thứ gì đó mà Thúy Miên chưa nghĩ ra. Dã Hạc làm ở viện bảo tàng. Nếu mình là đàn ông, mình sẽ chọn ai?
 

*

 
Đêm giáng sinh. Thúy Miên ghé qua từ chiều. Cô lăng xăng giúp bạn làm bánh và mấy món ăn nhẹ, tiệc chính sẽ diễn ra lúc 11h đêm, vì họ không phải là người công giáo. Hơn nữa, Tuyết Nhung chỉ muốn làm vui lòng ông anh. Thúy Miên đưa bạn xem mấy tấm ảnh của Dã Hạc và Dã Lan, Tuyết Nhung băn khoăn:

– Có trẻ lắm không mi? Tao giới thiệu toàn người trên ba mươi tuổi.

– Tuổi tác có nghĩa lí gì. Đừng sợ ông anh sẽ trút hết gia sản. Vấn đề là... Thúy Miên ngập ngừng. Vả lại, còn nói gì thêm nữa khi nhân duyên là chuyện không thể nói trước? Cái chết của ba người đàn ông khiến Mộc Lan có mặc cảm tội lỗi. Người chủ ngôi nhà này cũng có mặc cảm về cái chết của ba mẹ mình chứ. Tuyết Nhung không hề nói với bạn điều đó.

Thúy Miên cáo từ. Khách mời chừng sáu mươi người. Hân không bình phẩm gì về sự lộng lẫy sang trọng của toà nhà. Ông chỉ bày tỏ lòng biết ơn. Nhờ hai em, ông đã có được mảnh đất mình mơ ước. Tuyết Nhung rủa thầm:

– Khỉ thật, con Thúy Miên làm gì mà chưa đến.

Mãi chín giờ tối, Thúy Miên mới cùng hai chị em đến. Cô mặc quần âu áo chemise đen trông giống một nữ hiệp. Người mặc váy ngắn chemise dài tay màu trắng là Dã Lan. Người đi sau mặc áo đầm màu trắng là Dã Hạc.

– Anh à, đối tượng của anh tới rồi, anh ra đón đi. Tuyết Nhung lôi tay anh. Thuý Miên giới thiệu với Hân:

– Đây là Dã Lan, còn đây, Dã Hạc làm ở Bảo tàng.

Hai chị em lộng lẫy như tiên sa, môi hồng, mắt long lanh ngời ánh sáng mùa xuân. Hân cúi đầu thật thấp chào theo nghi lễ nước Nhật. Hai chị em khép nép chào lại. Đó là một cơn choáng với mọi người. Dã Lan là trên đỉnh xuân thì, Dã Hạc là mùa xuân vừa tới. Họ sở hữu mọi ưu thế về sắc đẹp và tuổi xuân.

Bữa tiệc kéo dài đến quá nửa đêm, Dã Hạc giục em về. Cô vốn là người thực tế, sợ chị mình thức đợi ở nhà. Bao giờ người thức đợi hai chị em cũng là Khô Mộc Lan. Thúy Miên nhờ ông Hân đưa hai chị em về. Đó là một ngoại lệ, trước đây Hân chẳng hề đưa đón người phụ nữ nào.

Ở nhà, Mộc Lan còn thức. Cô pha một bình trà ngon, làm cái bánh ngọt. Lâu lắm hai cha con mới ngồi nói chuyện với nhau. Đến khuya, ông Thiết đi ngủ, còn lại mình cô. Mộc Lan suy nghĩ lời cha nói, thật ra cô không thể vui lên được. Nửa khuya, Chúa hài đồng ra đời rồi, hai chị em vẫn chưa về. Mộc Lan lấy tờ giấy ra viết nghệch ngoạc mấy chữ:

Đêm
Cây ngủ ngoài bờ dậu
Lá thở dài
Tội lỗi.

Và chính vào cái lúc gà gật đó, bức rèm trúc trước cửa được vén lên bởi bàn tay Dã Lan, đôi bông tai reo lên tiếng nhạc lanh canh, khuôn mặt là sự thoả nguyện sau đêm vũ hội quay cuồng với tình yêu và khát vọng: Mời ông vào đây đã nào.

Người đàn ông mặt mũi như quỷ sứ vào theo trong bộ veston đen đắt tiền làm Mộc Lan giật nảy vì chính ngay lúc viết xong từ "tội lỗi", cô ném bút và liệng tờ giấy ra xa, rơi trúng mũi giày anh ta. Mộc Lan ngồi như phỗng đá, thầm rủa cái người quá nửa đêm còn bước vào nhà cô. Cùng lúc, như chớp giật ngang trời cả hai người nhìn nhau.

Hân cúi xuống nhặt tờ giấy lịch sự đặt lên bàn. Dã Lan tươi cười vào sau:

– Chị chờ chúng em lâu không? Ông đây đưa chúng em về. Ông ngồi chơi uống chén trà nóng!

Mộc Lan đứng dậy ra nhà sau.

Hân không từ chối chén trà nóng trước khi ra về.
 

*

 
– Anh thấy hai cô gái ấy thế nào? Cô nào cũng xinh, Dã Hạc đẹp quá. Lần này thôi anh đừng từ chối nữa.

Bị bạn nói trúng tim đen, cô thành thực mong anh mình có hạnh phúc.

Hân thích vẻ tự nhiên của Dã Lan, hầu như ở đâu cũng có những cô gái như vậy. Thông minh, năng động. Vẻ kiều diễm của Dã Hạc, cô này quả giống một con hạc, da trắng trẻo, nét mặt tươi. Vẻ đẹp của Hạc đang độ chín, ông thú thật là hơi rung động. Lần đầu tiên Hân thấy mình trẻ lại. Cái đẹp phảng phất nét dân dã của hai cô gái làm phai đi những nét xa hoa lộng lẫy của căn phòng và những người phụ nữ khác. Lần đầu tiên một điều gì rất lạ len vào trái tim. Ông nói:

– Anh không ăn sáng đâu.

Ông ra ngoài gọi một chiếc tắc-xi.

Trời tạnh ráo, khô và lạnh, lạnh nhưng đáng yêu. Những gì đã vùi sâu trong kí ức sống lại như chiếc lá trước khi lìa cành. Sau đêm qua, vụt ném trở lại đời sống những xôn xao rực rỡ, niềm vui thuở mới lớn. Ông nhớ lại bài Haiku mình viết thuở xa xưa.

– Thưa ông đi đâu?

– Về Hạnh Hoa thôn.

Sáng hôm đó Mộc Lan dậy muộn. Tiên cảm một điều gì sẽ đến. Điều này có từ ngày hai mươi bốn kéo đến sáng hôm sau. Cô thực hành bài thể dục thường lệ nhưng không tưới lan như mọi bữa. Chúng chỉ là những cái cây thôi. Mộc Lan thở dài và ngạc nhiên về mình. Một lát, Dã Lan bước lên ban công:

– Chị Mộc à.

– Để cho chị yên, Mộc Lan đáp rồi quay vào nhà.

– Có khách muốn gặp chị. Chị tiếp nhé? Chủ nhật mà!

Từ nhỏ tới lớn cô sống trong bầu không khí đồng quê, cô thở hơi của hoa, của lá, làm bạn với con sâu, cọng cỏ. Sắc đẹp của cô là một tội lỗi. Cô định bụng sẽ lên chùa tu sau khi ông Thiết qua đời.

Tiếng chân người bước lên cầu thang, ông Thiết ăn mặc như sắp đi đâu:

– Mộc Lan à, có người muốn gặp con đấy. Nếu con định trốn tránh, thì trốn cho đến bao giờ?

Mộc Lan ngẫm nghĩ một lát rồi đi xuống lầu. Không muốn tiếp khách, cô mặc bộ quần áo vải thô vẫn mặc ở nhà khi cần làm vườn. Màu nâu non làm tăng nước da trắng. Tóc kẹp lên cao.

Chính là người đàn ông tối qua. Sao bây giờ anh ta lại lịch sự và đẹp trai thế kia, khác hẳn con quỷ đã xông vào nhà cô. Tờ giấy ghi thơ vẫn còn trên bàn, đủ thì giờ để hắn ta đọc bài ấy sao? Cô vội vã lấy tờ giấy lại.

– Chào ông.

– Tôi đến...xin lỗi hôm qua đã làm cô giật mình.

Hai cô gái đã nài nỉ Hân vào thăm nhà họ, họ nói đêm Giáng sinh người ta đi chơi suốt đêm và Hân đành nhận lời. Ông biết tới nhà phụ nữ đêm khuya như thế là bất nhã. Cho đến lúc tờ thơ đập vào mắt ông.

Uống cạn chén trà nóng, đọc bài thơ trong chớp mắt, ông đã không ngủ

''Lá thở dài
Tội lỗi".

Vì sao lại là cô ta? Ông tưởng chỉ mình ông có ám ảnh ấy trong vô thức. Mộc Lan cảm thấy lời nói không thuộc về cô nữa:

– Sao lại là ông?

– Đêm qua tôi không ngủ được vì những gì cô ghi trên tờ thơ đó.

– Tôi quên rồi, vả lại tôi đã... định...

Thì cô đã ném nó đi rồi còn gì. Mối nhân duyên nào xui khiến gã này bước vào và hứng trọn tờ thơ ấy.

Cô im lặng không đáp. Cảm thức tội lỗi ngay cả chiếc lá sao? Cha đã từng nói, hoa thọ nở mùa xuân, hoa lan nở mùa thu, hoa hạ là khô mộc... ta đã cầm nó lại cho đến xuân phân. Thế thì chính ta đang thay đổi. Cho dù ta phản đối cái đồng hồ. Cái đồng hồ báo thức cho con người biết, khi nào hạ chí, lúc nào lập xuân. Bằng cách đó loài hoa nói lên thứ ngôn ngữ của mình. Sao mình cứ khư khư ràng buộc trong vòng tử sinh. Ai còn ai mất, ai đi ai ở lại, có phải là lỗi tại ta đâu.

– Nếu không có gì khác, tôi xin... cáo từ. Ngày mốt, cô đồng ý tôi sẽ về chơi.

Mộc Lan như người sực tỉnh.

– Dạ. Trước khi cô kịp nhận ra mình không còn là mình nữa rồi.

Ngày hai mươi lăm tháng chạp Hân mới trở về. Trong bữa ăn cơm gia đình, Đoàn và Tuyết Nhung thay nhau hỏi khiến Hân không kịp trả lời. Trở về Nhật ông không thư từ gì cả.

– Hai cô ấy quả là đẹp thật, mà có lẽ lấy cô lớn, có vẻ chín chắn hơn. Đoàn nói:

– Lần này mà anh chê thì em chịu, không còn mối nào hơn nữa.

– Lấy vợ chỉ lấy cái đẹp sao?

Đoàn mỉm cười chia sẻ.

– Nhưng đó là cái gây sức ép đầu tiên đấy.

Hân nhớ lại đêm Noel. Ông đã thấy gì? Hai cô gái mơn mởn đào tơ như hai cánh hoa đào. Ai cũng mong nhảy với họ, họ vô tình hay hữu ý, cặp với ông từ đầu cho tới cuối. Thật là một cặp xứng đôi.

Rồi sau đó, ông đã thấy gì? Một khuôn mặt đầy đặn, một sóng mũi cao, một đôi mắt đen thật đen, thoáng thấy bàn tay liệng tờ thơ ra xa. Có lẽ cô ta bực mình vì phải chờ cửa quá lâu. Đôi mắt rực lửa nhìn lên, ánh sáng chỉ sáng trong phút chốc rồi cô ta biến mất.

Cái nhìn còn làm bàng hoàng tâm trí và quấy rối giấc ngủ của ông. Lần đầu tiên ông hiểu điều mà người khác gọi là sét đánh.

Nhưng khi về Nhật ông hiểu không phải như vậy. Còn một điều gì nữa mà ông chưa nghĩ ra, ông không phải là người hay suy nghĩ. Cuộc sống công nghiệp, tiền bạc, những mối giao tiếp trên trương trường. Tất cả phủ vùi lên đời sống tâm linh. Và cô ta. Cái gì nhỉ? Chính tờ thơ đó sao?

Nếu không thì vì cái gì? Hân luôn luôn nằm mộng thấy đôi mắt đó, và nói thẳng ra là ông đã yêu, ông đã nhớ. Bình thường, ông chỉ vùi nó đi khi lao vào công việc kinh doanh.

Cái gì đó bên trong cô ta hút ông rất mạnh, ngọn lửa đang bùng cháy lên sẽ thiêu đốt mọi ám ảnh quá khứ và những tro tàn dĩ vãng.

– Anh không chọn hai cô ấy.

Hân nói ra cái điều làm vợ chồng Đoàn ngỡ ngàng. Họ nhìn nhau một lúc và cũng hiểu ra anh mình nói thật. Lần đầu tiên con người cao ngạo ấy yêu một người. Chắc chắn cô ta phải ghê gớm lắm mới cột chân được con người như anh ấy.

– Cô ta là ai vậy? Đoàn hỏi.

– Đó là một vẻ đẹp kết tinh mọi tinh hoa của trời đất – Hân nhắc lại lời Thúy Miên. Nhưng lấy vợ không vì vẻ đẹp. Đẹp chỉ là hình tướng. Sự tình cờ nào đó. Ở đây... Hân bước tới cửa sổ nhìn ra hướng đông – Cô ta là cái anh cố vùi sâu trong quên lãng. Chúng ta muốn yêu, thèm khát được yêu nhưng lại không chịu mất đi cho ai một cái gì. Chính vì điều đó mà anh không lấy vợ.

Hai anh em đều ngầm hiểu rằng cái chết của ba mẹ là ám ảnh về chứng bệnh của gia đình. Bây giờ ông đã gặp lại cái mà từ thời thiếu niên ông ưa thích: hương hoa mộc, không gắt mà thơm mãi. Ông đã được ở trên mảnh đất này, và ông không sợ mất đi cái mình yêu dấu.
 

Hoa Liên

Huế, 12/11/2001.

 

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
Guimet Exposition: Marc Riboud 05/03/2025 - 12/05/2025 — Musée Guimet - Iéna, 6, place d'Iéna - 75116 Paris
Journée d'études du Réseau MAF 26/04/2025 - 26/05/2025
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Sujets et séjournants. Une nouvelle histoire des indochinois en France 15/05/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
Tiếng Tơ Đồng - GALA 25 ans 31/05/2025 15:00 - 19:00 — Théâtre l'Agoreine - 63B Bld du Maréchal Joffre - 92340 Bourg-la-Reine
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Transferts du modèle français à la description de la grammaire vietnamienne 05/06/2025 16:30 - 20:00 — BnF site François-Mitterrand | Salle 70 ou via ZOOM
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us