Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Tôi viết trường ca Đêm Trên cát

Tôi viết trường ca Đêm Trên cát

- Thanh Thảo — published 04/10/2008 15:26, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19
Nhà thơ Thanh Thảo kể lại vài kỉ niệm trước, trong và sau khi viết bài trường ca nổi tiếng này

kỷ niệm 200 năm ngày sinh Cao Bá Quát


TÔI VIẾT TRƯỜNG CA
ĐÊM TRÊN CÁT



thanh thảo


Có những tác phẩm được viết ra ngỡ như hết sức tình cờ. Có thể trước cái đêm tôi được hầu rượu nhà thơ Tế Hanh ở nhà anh Nguyễn Trung Hiếu thị xã Quảng Ngãi hình như vào năm 1981, tôi chưa hề nghĩ mình sẽ viết một bài thơ - chứ chưa nói một trường ca - về Cao Bá Quát. Dù tôi là người ngưỡng mộ nồng nhiệt Cao Chu Thần. Nhưng từ ngưỡng mộ tới viết được cái gì đó về thần tượng của mình, con đường ấy xa lắm.

Nhớ cái ngày tôi và Ngô Thế Oanh đưa nhà thơ Tế Hanh từ Qui Nhơn ra Quảng Ngãi chơi, thì địa chỉ đầu tiên mà chúng tôi hướng tới ở Quảng Ngãi là nhà bác sĩ San, tục gọi là ông “San mập”- một người bạn vừa văn chương vừa đời thường vừa tiếu lâm, đúng là “ 3 trong 1”. Nhà anh San là một trung tâm tụ tập bạn bè, nhất là bạn văn nghệ, ở cái thị xã Quảng Ngãi nhỏ bé hồi đó. Tấp vào nhà bác San là lập tức được hưởng lộc của một bậc Mạnh thường quân hồ hởi và quí khách. Rượu tây, mồi nhậu “hàng hiệu”- hồi ấy là thịt gà hay cá chình gì đó - được gia chủ mang ra thết đãi. Nhà thơ Tế Hanh và chúng tôi ăn nhậu rất nhiệt tình, rất “buồn ngủ gặp chiếu manh”. Những ai đã sống thời bao cấp đói kém hẳn chia sẻ được cái ngọn lửa nhiệt tình ăn uống này. Nó thật thà hơn cả văn chương của chúng ta hồi ấy nữa cơ! Vì không phải lúc nào, tháng nào hay quí nào cũng được đánh chén cật lực toàn món “xịn” như thế.

Sau khi hàn huyên ở nhà bác sĩ San, buổi chiều hôm ấy chúng tôi đưa nhà thơ Tế Hanh sang nhà bác Nguyễn Trung Hiếu, lúc bấy giờ đang làm “sếp” đài truyền thanh thị xã, gọi là “thăm chơi”. Bác Hiếu rất hiểu “ý nghĩa” của cuộc “thăm chơi” này, nên đã huy động bạn bè, kẻ góp rượu, người góp mồi nhậu. Và chúng tôi lại “lê thị liên hoan”. Đã quen thân với nhà thơ Tế Hanh từ trước đó, nhưng tôi không nghĩ ông lại dễ tính và hoà đồng như thế với các bạn văn nghệ tuổi em cháu mình. Thực ra, Tế Hanh rất thật thà và dễ thương. Ông không phải “đệ tử lưu linh”, nhưng buổi tối hôm ấy ở nhà anh Hiếu, tôi đã chứng kiến một Tế Hanh đầy hứng khởi và uống… rất được. Mặc dù rượu ở đó chỉ là rượu mật mía, có ngâm cái gì đen đen gọi là… rượu thuốc, nhưng chúng tôi đã uống rất hào sảng, và cảm thấy ngon như lúc uống rượu tây ở nhà bác sĩ San. Rượu vào, lời ra, trăng đã trên đỉnh đầu chúng tôi từ lúc nào (cuộc rượu vầy ngoài vườn nhà bác Hiếu), và lúc ấy… Tự dưng, hình như là Ngô Thế Oanh nhắc tới bài thơ Trà giang thu nguyệt ca của Cao Bá Quát. Tế Hanh đang hào hứng ca ngợi bài thơ này hết lời, thì bất chợt tôi chen ngang: “ Em sẽ viết một trường ca về Cao Bá Quát, chỉ dồn nén trong một đêm của nhà thơ. Sau một đêm thức trắng, mái tóc bạc của Cao Chu Thần bỗng…xanh lại.” Thực lòng, tôi không thể hiểu vì sao lúc đó mình nói như thế, cứ như cái trường ca ấy đã nằm trong đầu mình lâu lắm rồi. Và cả mái tóc bạc chuyển thành… xanh của Cao Chu Thần chỉ sau một đêm suy nghĩ, cứ như tôi đã nghiền ngẫm hình ảnh ấy từ lâu lắm. Thực ra, đó chỉ là câu nói buột thốt, nhưng hình như nhà thơ Tế Hanh - một người rất nhạy cảm - hiểu câu nói ấy như một lời hứa. Ông động viên tôi: “ Em phải viết đi. Cái tứ ấy hay lắm!” 

Nếu đó chỉ là một câu đại ngôn khuếch khoác, thì khi rượu tan, mồi tàn, hẳn tôi đã quên ngay rồi. Vậy mà, cái khoảnh khắc như ai nói hộ mình ấy, với tôi đã thành một ám ảnh, một thôi thúc đâu đó từ bên trong. Sau lần đi Quảng Ngãi, về Qui Nhơn tôi đã lao vào tìm đọc tất cả những gì có được lúc ấy liên quan tới Cao Bá Quát. Nhất là thơ Cao Chu Thần, tôi đọc đi đọc lại tuyển tập thơ chữ Hán của Ông không biết bao nhiêu lần. Đọc cho ngấm, cho ngấu, cho đau, cho uất. Trong thơ Cao Bá Quát có đủ cả hỉ nộ ái ố ai lạc, nhưng vượt lên trên tất cả, là vẻ cương nghị thầm lặng, là cái tình sâu đậm, sự sẻ chia trong hoạn nạn, trong khốn khó của nhà thơ với nhân dân mình, với một người dân, một con người cụ thể, và với quê hương, với cái làng Phú Thị nhỏ bé có cây gạo đầu làng mà người lưu lạc mỗi khi trở lại quê nhà đều nhìn thấy từ rất xa. Đó là thơ của một nội tâm dữ dội, của sự dồn nén ghê gớm, và của sự bùng nổ giữa các dòng chữ. Hình như, tôi bắt đầu bắt sóng được với khối thơ-thuốc nổ ấy.

Dù không thể hình dung mình sẽ viết cái trường ca ấy như thế nào, nhưng tựa đề Đêm trên cát với lời đề từ “một đêm của nhà thơ Cao Bá Quát” thì tôi đã nghĩ ra từ trước khi viết dòng thơ đầu tiên. Nó như một tiêu điểm mà bài thơ mình hướng tới. Ngay cả cấu trúc bên trong của bài thơ, tôi cũng mong muốn nó sẽ mang hình thức cấu trúc của một sonata với sự chặt chẽ, đối chọi, dồn nén cao độ và những cao trào bùng nổ. Tôi không học nhạc lý nhưng rất mê nhạc cổ điển, và hồi đó dẫu vất vả nhưng tôi vẫn tìm được cách để thường xuyên nghe nhạc cổ điển. Sau mấy tháng “tích điện Cao Bá Quát”, tôi đã viết được những dòng thơ đầu tiên. Tôi chỉ có thể viết từng đoạn, từng đoạn, nhiều khi bị ngắt quãng chút ít vì phải di chuyển từ Qui Nhơn ra quê Mộ Đức-Quảng Ngãi và ngược lại, nhưng tôi cảm thấy, chưa có trường ca nào tôi lại viết được liền mạch như thế. Những câu thơ nặng nề, uất ức cứ tuôn ra một cách như dễ dàng, như nhẹ nhàng. Tôi viết từng đoạn trong một cuốn sổ tay, rồi viết lại trong máy chữ. Có những đêm ngồi ở nhà thầy má tôi tại quê, nhà không có điện, tôi thắp ngọn đèn dầu hiu hắt và… viết. Những lúc ấy, giữa bóng đêm và bóng đèn nhập nhoạng, cứ như Cao Chu Thần hiện về trước trang giấy, lặng lẽ chuyện trò cùng tôi. Đó là những phút giây thật sự hạnh phúc.

Trong cuộc đời không dài nhưng đầy giông bão của mình, Cao Bá Quát đã có lần tới Quảng Ngãi. Ông đã đi thuyền trên sông Trà, đã kịp đánh bạn với một hàn nho - một người rất yêu ông và yêu thơ ông - quê ở bên bờ sông Trà (có lẽ thuộc huyện Sơn Tịnh bây giờ), và đã viết một bài thơ đứng vào hàng kiệt tác trong thơ Việt, bài Trà giang thu nguyệt ca. Sau này, khi Đêm trên cát đã được đón nhận và được tái bản nhiều lần, tôi có nói với bạn bè, là người Quảng Ngãi, tôi tự hào vì là đồng hương với người bạn vô danh (chưa tìm hiểu được tên thật) của Cao Chu Thần. Người Quảng Ngãi yêu thơ và trọng nhà thơ lắm. Và người Quảng Ngãi cũng yêu những tay giang hồ lỗi lạc, đầy hùng tâm tráng khí nhưng lâm nghịch cảnh như Cao Bá Quát. Một sự “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” khi hai người bạn ấy gặp nhau, cùng nhau đi thuyền trên sông Trà một đêm trăng thu. Nếu không có người bạn quê bên bờ sông Trà ấy, làm sao Cao Chu Thần viết được Trà giang thu nguyệt ca ? Vào năm 1985, trong một buổi tiệc tỉnh Nghĩa Bình đãi khách mừng 10 năm giải phóng, tôi tình cờ lạc vào một bàn tiệc và ngồi bên giáo sư Vũ Khiêu. Tôi đã lễ phép thưa với giáo sư, là tôi nghĩ, có khi sự nghiệp của ông sau này chỉ còn lại bài dịch Trà giang thu nguyệt ca - giáo sư Vũ Khiêu đã dịch rất tuyệt bài thơ đó - liệu giáo sư đã thấy bấy nhiêu là đủ cho mình ? Tôi không nhớ giáo sư Khiêu đã trả lời thế nào, nhưng bài thơ ông dịch kiệt tác Trà giang thu nguyệt ca thì tôi nhớ.

Thơ Cao Bá Quát là thơ mà mỗi thế hệ lại có thể khám phá những điều mới lạ tùy điểm nhìn của mình. Từ thế kỷ 19, thơ Cao Chu Thần đã mang đậm bản sắc cá nhân, đã mạnh mẽ khẳng định cá tính sáng tạo của mình, bất chấp những ràng buộc khắc nghiệt của thể chế phong kiến. Nhà thơ Cao Bá Quát trong khi vẫn là nhà nho thì đã có những suy nghĩ, những sáng tạo vượt quá khuôn khổ một nhà thơ-nho học. Ở một phía khác với Nguyễn Công Trứ, nhưng giống như Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát là nhà thơ đầy cá tính, và quyết liệt giữ cá tính, giữ cách suy nghĩ đi trước thời đại của mình. Ông đã không thể thích hợp với thời mình sống, và đã có cái nhìn xa hơn nhiều nhà thơ cùng thời với mình. Vua Tự Đức đã không thể hiểu, và không thể chịu được Cao Bá Quát từ “độ chênh” tư duy và thẩm mỹ đó, chứ không chỉ vì những “lỗi” ngông ngạo hay thương người của Cao Chu Thần. Tôi muốn hình dung một Cao Bá Quát “của riêng mình” trong Đêm trên cát từ điểm nhìn ấy. Và, chưa bao giờ tôi viết một bài thơ dài hơn 600 câu thơ mà luôn trong trạng thái gần như “đang cơn” như thế. Linh hồn Cao Chu Thần đã phù hộ tôi, dắt dẫn tôi trong từng đoạn thơ, hay chính tôi trong trạng thái bất thường như thế đã “bắt sóng” được với thơ Cao Chu Thần - nghĩa là đã bắt sóng được với phần tâm huyết, sâu kín của nhà thơ. Nếu đọc kỹ thơ Cao Bá Quát, ta sẽ không ngạc nhiên về bước đường tư tưởng và hành động của ông, kể cả quyết định dấn thân cuối cùng là trở thành lãnh tụ khởi nghĩa nông dân. Tôi muốn cô đặc cả hành trình dài đầy phức tạp ấy của Cao Bá Quát vào một đêm thức trắng của ông. Một đêm cho cả một đời. Ở Đêm trên cát thì khi viết đoạn kết trường ca, hình ảnh “mái tóc bạc của Cao Bá Quát bỗng xanh cả lại” đã không xuất hiện như hình ảnh chợt đến với tôi ban đầu. Thay vào đó, là hình ảnh một quả cây:  khi quả cây chín được trên cành/ nó không lo bao giờ rụng xuống/ - một quyết định nhận đường bình thản. Sự thay đổi đã lặn vào bên trong, không hiện rõ như hình ảnh “tóc bạc-tóc xanh”, nhưng cách khẳng quyết về một khả năng sống lại thì đã rõ.

cỏ bồng bềnh câu thơ hoang dại
cánh đu tiên mùa xuân
ta đã bay quá lằn mức đời mình
trên cả dao động và yên tĩnh
( Đêm trên cát)

Thơ Cao Bá Quát, tôi nghĩ, luôn “bay quá” một cái gì. Và cho tới bây giờ, sau hơn 150 năm( Cao Bá Quát mất năm 1855) thơ ông vẫn tiếp tục “đánh đu” trên cả dao động và yên tĩnh.


Ghi chú: Tôi viết xong Đêm trên cát vào tháng 4 năm 1982, cứ nghĩ để đó thôi. Nhưng đầu năm 1983, nhân dịp Tết, tôi đưa gia đình về quê ngoại các cháu, có tới thăm tạp chí SÔNG HƯƠNG lúc ấy chuẩn bị ra số đầu tiên. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm - bấy giờ là Tổng biên tập - hỏi tôi có sáng tác gì mới gửi đăng tạp chí, tôi đã đưa Đêm trên cát, nhưng cũng không dám hy vọng nhiều. Tạp chí SÔNG HƯƠNG số 1 ra, và Đêm trên cát được trích in tới gần 1/3, khoảng 180 câu thơ. Đến năm 1985 thì  Đêm trên cát được in trọn vẹn trong tập thơ Khối vuông ru-bich của tôi tại nhà xuất bản Tác phẩm mới - Hội nhà văn. Năm ngoái, nhân một chuyến về Quảng Ngãi, nhà văn Xuân Cang có tới thăm tôi và xin một bản Đêm trên cát. Anh kể, quê anh ở làng Phú Thị( thuộc Gia Lâm - Hà Nội), chính là làng quê Cao Bá Quát. Nhà cha mẹ anh ở rất gần nhà thờ Cao Bá Quát. Anh còn kể một số chuyện linh thiêng lạ lùng về nhà thờ Cao Chu Thần. Làng Phú Thị giờ đã “phố hoá”, cây gạo đầu làng cũng không còn nữa.


Quảng Ngãi tiết mạnh thu Mậu Tí

thanh thảo

Nguồn : Bài đã đăng trên Tuổi Trẻ ngày 2.10.2008 (xem trong mục Thấy Trên Mạng trên mặt báo này), nhưng bị cắt khá nhiều. Đây là bản tác giả gửi cho Diễn Đàn.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us