Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Trái ớt

Trái ớt

- Ninh Kiều — published 01/09/2007 23:18, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19
truyện ngắn

Trái ớt

truyện ngắn

 Ninh Kiều

 

Trước mỗi bữa cơm, chị tôi lúc nào cũng có vẻ lo lắng  “ Em coi còn thiếu cái gì không em ”.

Thường thì người khám phá ra thiếu cái gì vẫn là chị.

Bếp của chị, sờ vào đâu cũng không thấy nhờn, chất nhờn do dầu xào nấu bốc hơi dính vào.

Mọi thứ trong bếp đều có chỗ nhất định của nó, hỏi đâu có đó.

Tủ lạnh của chị trắng tinh, như mới mua.

Chén dĩa nồi chảo dơ cái nào chị rửa liền cái đó cho nên làm bếp xong không hề thấy bếp bề bộn.

Tôi thích vào bếp phụ chị để được chị sai bảo bằng cái giọng mắng yêu :

– Trời ơi, cắt mỏng hơn nữa, cô nương, cắt kiểu nầy làm sao lấy chồng, em.

Nhà bếp rộng còn đủ chỗ đặt cái bàn ăn, tròn, ngồi bình đẳng được bốn người. Anh tôi ngồi ghế dựa tường, nhìn thẳng ra chỗ bồn rửa chén và bị thằng lớn kèm bên trái, con nhỏ kèm bên phải không ra vô gì được. Chị tôi ngồi quay lưng ra cái giàn bếp làm bình phong, tự do đi lại, đứng lên ngồi xuống không biết bao nhiêu lần trong mỗi bữa ăn. Có tôi, chị tôi nhích qua một bên, để thêm cái ghế đẩu, dễ giấu dưới gầm bàn.

Hôm nay nhà vắng vẻ chỉ có ba người.

Khi con chim đồng hồ báo hiệu đứng trưa, tôi ra mời anh tôi vào dùng cơm mà cái giọng lo lắng của chị tôi còn theo tôi ra tận phòng khách “ Còn thiếu gì không em ? ”.

Anh tôi để cuốn sách xuống đứng lên tươi cười vươn vai rồi bước vào nhà bếp ngồi lên chiếc ghế cố hữu.

Bữa ăn đã dọn lên bàn, tươm tất. Tô canh chua tôm to tướng nghi ngút khói. Dĩa cá rô phi chiên vàng tươm mỡ. Dĩa rau sống đủ loại rau thơm. Dĩa dưa chuột gọt sọc trắng sọc xanh được bàn tay khéo léo khoanh tròn theo vành. Một dĩa không để đựng xương. Trước mặt mỗi người một chén nhỏ nước mắm pha.

Không hiểu tại sao mỗi khi có mặt anh tôi, chị tôi hay mất tự nhiên. Thức ăn đã dọn sẵn trên bàn, thay vì ngồi vào thì chị tôi cứ cầm cái khăn lau đi lau lại cái bàn làm bếp để anh tôi phải gắt lên  “ Em còn làm gì nữa vậy ”. Nhưng khi chị tôi rửa tay ngồi vào bàn thì anh tôi vẫn chưa xong việc sắp đặt lại các thức ăn đã bày trên đó. Anh nhích cái tô canh qua bên phải rồi bên trái, nhích cái dĩa cá chiên qua bên trái rồi bên trái nữa. Anh ngắm nghía toàn bộ bàn ăn như ngắm một bức tranh tuy đẹp nhưng chưa thật vừa ý và chấm dứt sự hoàn chỉnh bằng cách đẩy chén nước mắm trước mặt anh cho nó nằm xa chén cơm chưa bới một chút. Xong tôi nghe anh nói “ Em cho anh xin trái ớt ”. Chị tôi như cái lò xo bật lên hốt hoảng “ Trời đất ”. Trong khi chị tôi mở tủ lạnh lấy gói ớt tươi thì anh tôi nói tiếp “ Lấy cho anh con dao ”. Chị tôi vừa mới cầm con dao định vói tay lấy tấm thớt treo trước mặt thì anh tôi ngăn lại  “ Cho anh thêm cái dĩa cạn ”.

Sau khi đặt cái dĩa trắng nhỏ có mấy trái ớt đỏ trước mặt chồng, chị tôi ngoan ngoãn trở về lại chỗ ngồi, hai tay thu trước bụng, tiu nghỉu. Trông chị thường ngày người đã nhỏ, hôm nay còn có chút xíu, cái lưng ghế chị dựa như phình to ra. Trong hoàn cảnh nầy thì dù thương chị thiệt là thương, người chị dâu nhân hậu của tôi, tôi cũng không thể cứu bồ chị như những lần trước.

Như cái hôm anh tôi tìm thấy cái đầu nút nhựa của chai nước mắm rớt trong chén tương ngọt của mình, tôi đã dũng cảm đứng ra thừa nhận “ Lỗi em ” khiến anh tôi phì cười “Thiệt tình, em gái tôi …”. Lạ quá, chị tôi dễ thương là vậy mà hay gặp chuyện xui xẻo như cái bữa chị tôi lấy dao phạt cái đầu nhựa chai nước mắm để thông lỗ, lại bị nó văng đi đâu mất tiêu, tìm hoài không thấy. Văng đâu không văng, nó lại văng trúng vào vùng cấm địa. Hay có một lần khác, cái chén cơm có miếng cơm nguội trốn dưới đáy lại ngồi ngay ngắn trước mặt anh tôi, người chủ trương nấu cơm vừa đủ, không được dư.

Nhưng lần này thì tôi thừ người ra, nghĩ không ra mưu, suy không ra kế, lúng ta lúng túng, ngồi chờ sét đánh… chị tôi.

Hầu như bữa ăn nào chị tôi cũng bầm cho anh tôi vài trái ớt tươi, bỏ hột. Ăn bữa nào, bầm ớt bữa đó, không được bầm trước, mất màu, mất mùi. Một công việc chỉ cần một chút chú ý, một chút ý thức tổ chức, một chút tinh thần trách nhiệm như anh tôi thường nói mỗi khi không bằng lòng việc gì xảy ra trong nhà.

Với một chút những thứ mà tôi vừa kể trên, thì sự vắng mặt của chén ớt tươi bầm bỏ hột trên cái bàn ăn với món canh chua cá chiên này, vào một buổi ăn trưa chúa nhật trời se lạnh này, là một sự kiện mà chị tôi chắc đang âm thầm nguyền rủa mình đã vô ý để cho nó xảy ra. Vì tôi thấy chị nhiều lần lấy tay vỗ vỗ trán mình, bồn chồn như người ngồi trên chiếc ghế lòi đinh.

Đến nước nầy thì qua hai tháng đầy kinh nghiệm sống với anh chị tôi, tôi thầm hiểu rằng trong ba mươi sáu chước, ngoại trừ chước độn thổ lý tưởng thì không chước nào hay hơn chước làm thinh, yên lặng, ngậm miệng và hạn chế mọi cử động, ngay đến hơi thở.

Anh tôi lấy mũi dao hất qua hất lại mấy trái ớt, xem xét rồi lựa chọn một, hất mấy trái còn lại xuống bàn.

Trái ớt màu đỏ thắm nằm sóng soài trên nền dĩa trắng.

Nó là loại ớt không quá nhỏ và không quá cay như ớt hiểm, mà chỉ vừa đủ cay để tăng vị mặn mà của thức ăn trong miệng.

Dường như cảm nhận rõ là mọi người đang phải chịu trận mình, mặt anh tôi hơi dịu lại :

– Anh khó quá phải không ?

Im lặng.

Bỗng nhiên tôi thấy trái ớt đỏ còn dính cuốn nằm trên nền dĩa trắng có dáng người đàn bà lưng trần nằm nghiêng. Cánh tay trái của người đàn bà thon thả duỗi thẳng qua khỏi đầu. Đầu người đàn bà tựa trên bả vai. Tóc người đàn bà xoã dài trên lưng. Tay phải của người đàn bà đặt xui theo thân mình, hai đùi khép kín lại và hai bàn chân duỗi theo thân. Gợi cảm.

Anh tôi trầm ngâm nhìn trái ớt rất lâu, có vẻ suy nghĩ cái gì đó rất quan trọng rồi lấy ngón tay trỏ vuốt nhẹ lên làn da óng mượt của nó. Đó là một ngón tay trỏ thon, dài, thường thấy nơi những trí thức suốt đời lao tâm lao lực trăn trở việc thế sự.

Với bàn tay trái, anh tôi dùng ngón cái và ngón trỏ chận đầu trái ớt và dùng tay phải cầm dao chĩa mũi nhọn vào làn da óng ả của nó nhấn mạnh, tài tình và dứt khoát.

Trái ớt nằm sóng soài, bị một vạch dao rọc từ đầu xuống đến chân.

Anh tôi bắt đầu dùng mũi dao nhọn tỉ mỉ khượi hột. Một hột bị bắn ra ngoài. Chị tôi vừa thò đầu kiếm dưới gầm bàn vừa đưa ý kiến muôn thuở rụt rè “ Dường như em thấy nó văng xuống đất ”. Anh tôi tìm kiếm trên bàn, theo hướng đông-nam với giọng khẳng định “ Nó rơi theo hướng nầy ”. Còn tôi thì tìm kiếm trong cả hai hướng, trên bàn và dưới đất.

Người không hề được hướng dẫn bởi một logic nào về đường đi của vật thể chịu tác động của một lực, người đã quên mất khái niệm vectơ lại là người tìm ra được cái hột ớt bị mũi dao của anh tôi tác động theo hướng đông-nam : chị tôi. Tiếng reo hồn nhiên của chị làm không khí nhẹ hẳn ra nhưng lại làm cho anh tôi chau mày. Anh tôi hay bực mình vì dường như dưới mắt anh, chị tôi thường vui không đúng chỗ, thường nói không đúng tông.

Anh tôi vẫn tiếp tục khượi hột vì còn vài hột thúi ẩn sâu trong đầu trái ớt, dưới cuốn xanh. Phải cuối đầu thật sát trên trái ớt banh ruột, anh tôi mới lôi ra được cái hột ớt thúi cuối cùng.

Bây giờ thì chỉ còn lại trái ớt sạch ruột trên nền dĩa trắng.

Anh tôi xoa hai tay vào nhau có vẻ hài lòng.

Kế đó anh tôi bổ dọc trái ớt khiến cho tôi tưởng tượng ra được người đàn bà mặc áo tơi, loại áo che mưa ở vùng quê thuở xa xưa, làm bằng lá dừa.

Người đàn bà trong chiếc áo mưa tơi tả đang được anh tôi cắt ra thành từng miếng vuông vức, gần bằng nhau. Miếng nào hơi to, anh tôi cắt đi cắt lại cho tất cả miếng ớt đều vuông và đồng diện tích. Trong khi anh tôi còn đang phân vân trước một miếng ớt hình bình hành thì cả nhà không ai bảo ai quay nhìn giờ khi con chim từ trong đồng hồ treo tường mở cửa chạy ra hót thánh thót như báo hiệu sau cơn mưa trời lại sáng. Đây là lần thứ hai nó hót, từ khi anh tôi khám phá ra trái ớt nguyên chưa bầm.

Gom ớt vào chính giữa dĩa, anh tôi để cây dao xuống bàn, ngẩng lên nhìn chị tôi rồi nhìn tôi và nói :

– Thôi mình ăn đi chớ, còn chờ cái gì nữa.

Chị tôi đứng lên hâm lại tô canh, chiên lại cá và ý tứ để tô canh và dĩa cá chiên lại đúng chỗ cũ của chúng. Nhưng khi chị tôi vói tay lấy cái chén trước mặt chồng để bới cơm thì anh tôi nhanh tay cầm lấy nó và đứng dậy đi về phía nồi cơm đặt cạnh bếp ga.

– Cám ơn em, để anh tự lo.

Chị tôi hơi nghiêng người như né một gáo nước lạnh.

Ăn xong, dọn dẹp rồi hai chị em ngồi nán lại trong nhà bếp, nhìn nhau.

Trời đầu mùa thu quang đãng nhưng đã bắt đầu lạnh, lại có gió.

Đang yên tĩnh bỗng có con ruồi bay vù vù, hết bay sà xuống sàn lại bay bổng lên trần nhà rồi đâm đầu vào cửa kính. Nó hốt hoảng vùng vẫy kêu vù vù một cách tuyệt vọng vì trời xanh bao la trong trẻo thấy đó mà không bay ra được. Trong lúc tôi đi kiếm tờ báo để đập nó chết dí vào cửa kính thì nó thoát khỏi mặt kính. Rồi nó lại bay vù vù khắp trong nhà bếp, rồi lại lao đầu vào cửa kính. Lăm le tờ báo trong tay, tôi càng tiến lại gần nó, nó càng đập cánh bay hốt hoảng trên mặt kính, càng kêu vù vù to hơn, như có đôi mắt nằm trên lưng nhìn thấy được hiểm nguy đang đe doạ nó.

– Thôi đừng giết nó, mở cửa sổ cho nó bay ra đi em.

Tôi mở một cánh cửa sổ đủ rộng cho con ruồi nó thấy. Nó chỉ có mỗi một việc là bay thẳng trước mặt thì sẽ thoát chết, sẽ tự do muốn bay đi đâu thì đi. Nhưng nó không bay thẳng mà lại bay ngược vào trong kêu vù vù, lại hốt hoảng bay tán loạn mỗi khi cảm nhận tôi đến gần nó với tờ báo dày cộm trong tay.

Chị tôi đứng lên mở rộng hai cánh cửa sổ. Hơi gió lạnh mùa thu Paris nhân đó lùa vào. Con ruồi bị luồng gió đẩy vào bên trong nhưng tôi kịp lấy tờ báo hất nó ra bên ngoài và đóng hai cửa sổ lại.

Hai chị em đứng sau cửa sổ chăm chú nhìn ra ngoài trời, hy vọng thấy con ruồi bay, tự do.

– Sao nó dại quá hả chị, biết ở lại thì chết mà cũng cứ ráng ở lại.

– Không phải nó dại đâu em nhưng bay ra ngoài nó sợ lạnh, em à.


Ninh Kiều


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss