Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Trang giấy

Trang giấy

- Cao Huy Thuần — published 01/04/2017 22:50, cập nhật lần cuối 01/04/2017 22:49


TRANG GIẤY


Cao Huy Thuần


   

Thưa ông, ông nghĩ thế nào : tương lai là trang giấy trắng hay là trang giấy đã viết sẵn ? Nếu đã viết sẵn thì ai viết ? Nếu là trắng thì tôi viết lên đó được chăng ? Từ trong bụng dạ, tôi muốn tôi viết, tôi là tác giả. Nhưng chắc gì tôi có hoàn toàn tự do để viết cái gì tôi muốn ? Ai mà chẳng biết tương lai bất trắc ? Ai thấy trước được tương lai ? Tôi nói rằng "tôi muốn", nhưng người ta chỉ có thể muốn cái mà mình muốn, không ai muốn cái mà mình không muốn. Mà tương lai thì... ai cấm nó đem lại cái mà mình không muốn ? Mình đang muốn viết lên trang giấy cái mà mình muốn, tương lai cắc cớ đem lại cái mà mình chẳng muốn tí  nào, cái mà mình ghê, cái mà mình sợ. Nó viết, chứ mình có viết đâu ! Trước tương lai vô định, phải chăng tự do là ảo tưởng ? Tự do càng là ảo tưởng, càng là giả danh, khi trang giấy đã được viết sẵn từ trước ?

Trong cả hai trường hợp, thưa ông, tôi đều là nô lệ ? Hoặc là nô lệ cùa Số Mệnh. Hoặc là nô lệ của Ngẫu Nhiên, Tình Cờ. Mất tự do, tự chủ, trong cả hai trường hợp tôi đều bất an. Bao nhiêu người xin xăm, bao nhiêu người đi coi thầy bói, bao nhiêu người cúng sao giải hạn, và ở phương Tây, qua bao nhiêu thế kỷ, bao nhiêu người tin rằng Thượng Đế đã an bài tất cả, nhất cử nhất động đều do một tác giả duy nhất là Thượng Đế định sẵn. Chẳng phải ai cũng sống trong tâm trạng bất an đó sao ? Ai biết Thượng Đế định gì ?

Vậy thì có khi tôi cũng chột dạ như ai. Không phải chột dạ vì Thượng Đế, mà chột dạ vì Tình Cờ. Với Thượng Đế, tôi kính nhi viễn chi, không dám động đến. Nhưng tôi rất ghét hai câu thơ trong Cung oán ngâm khúc học từ lúc nhỏ :

Cái quay búng sẵn trên trời
Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm

Con người sao mà nhỏ nhoi đến thế ! Hình ảnh sao mà bi đát, tội nghiệp ! Dù tác giả của cái quay là ông Trời hay Định Mệnh, chẳng lẽ chúng ta bị dẫn dắt đi như một lũ mù, dắt đâu đi đấy ? Ta có còn là người nữa chăng ?

Học lên lớp cao hơn một chút, tôi cũng không thích thần thoại Oedipe của cổ Hy Lạp. Con người trong đó còn bi đát hơn nữa, vì dù đọc được cái quay, dù muốn cưỡng lại nó, cũng vô ích. Tôi xin kể lại chuyện, tuy biết là thừa, để nhấn mạnh cái bi đát:

Œdipe là con của Laios, vua xứ Thèbes, và bà hoàng Jocaste. Khi đứa bé sinh ra, thầy số tiên tri nói rằng đứa con sẽ giết cha và lấy mẹ. Để tránh số, Laios cột hai chân của đứa bé, đem bỏ trên núi cho thú dữ ăn thịt. Mục đồng nhặt được, mang đứa bé đến trao cho vua xứ Corinthe. Vua này nuôi Œdipe như con ruột. Trưởng thành, có người mắng Œdipe là con rơi. Để biết sự thật, chàng đến Delphes để hỏi các thần của đền thiêng. Giữa đường, chàng gây lộn với một ông già, rút gươm chém chết. Đó là Laios, cha chàng. Gần đến Thèbes, Œdipe gặp một con quái vật cản đường, đố khách bộ hành một câu hỏi hóc búa, ai không trả lời được, lập tức bị nó ăn thịt. Œdipe trả lời được, giải phóng cho dân cái nạn ác thú. Dân tạ ơn, đem ngai vàng đang trống dâng cho Œdipe và đem hoàng hậu quả phụ Jocaste dâng cho chàng. Đó là mẹ chàng. Về sau, khi biết chuyện, Jocaste tự vẫn, Oedipe đâm thủng hai mắt.

Bi đát ! Nhưng tôi không để cho đệ tử của cái đạo Định Mệnh hù dọa. Tôi thích cái cười  của La Fontaine khi ông đem Định Mệnh vào thơ ngụ ngôn.

Ông kể hai chuyện khá tếu. Chuyện thứ nhất cũng có một ông vua sinh con. Thầy số nói với ông : cậu hoàng con này sẽ bị chết vì sư tử. Vua lo lắm, không cho cậu con ra khỏi kinh thành. Đến tuổi hai mươi, cậu được sổ lồng, phóng ngựa ra khỏi cấm cung, chẳng đi vào rừng đâu, chỉ dừng chân trong một cái nhà gì đấy, bình thường. Hô hô, thơ viết :

Lắm khi ta hội ngộ với định mệnh của ta
Bằng những con đường để tránh nó

Vào nhà bình thường thì làm sao gặp sư tử được ! Trong nhà chỉ có một bức trướng vẽ sư tử treo trên vách thôi. Thấy sư tử, cậu hoàng nổi giận :

À ra mày, đồ quỷ sứ
Đã giam ta trong bóng tối, gông cùm

Hét lên như thế, cậu đấm vào sư tử giấy một quả đấm thôi sơn. Hô hô, sau bức trướng là một cây đinh nhọn hoắt, cây đinh đâm vào tay, cậu đau thấu từng sợi gân, đau tận linh hồn bất diệt. Đúng là cậu trút linh hồn vì con sư tử.

Chuyện thứ hai kể về nhà viết kịch thơ danh tiếng Eschyle thời cổ Hy Lạp. Thầy bói bốc quẻ, cho biết nhà thơ sẽ chết vì mái nhà sập trên đầu. Nhà thơ lo quá, từ giã thành phố, khiêng giường chiếu ra nằm giữa đồng không mông quạnh. An ninh tuyệt đối ! Một hôm, giữa trời đất mênh mông, một con diều hâu tha một con rùa bay ngang. Rùa chui vào vỏ, cứng quá, diều hâu không ăn được, phải làm cho bể.

Bay ngang đó, thấy người và cái đầu trọc lóc
Tưởng là đá, diều thả cái mồi

Hô hô, rùa vỡ mu, nhưng cái đầu của nhà thơ cũng theo rùa về chín suối.

Dân gian kể nhiều chuyện như thế, người thì để tin, người thì để sợ. La Fontaine kể để cười. Ông cũng cười khi trích câu tục ngữ: "Kẻ nào mà số kiếp là chết trôi, không thể chết vì bị treo cổ". Ai đọc câu này cũng có thể bày đặt ra lắm chuyện để tếu. Chẳng hạn: một anh tội nhân bị chở ra pháp trường để treo cổ, nhưng khi xe đi qua sông thì cầu sập. Cầu ngày nay mới xây cũng sập được cơ mà.

Thế là trang giấy đã viết sẵn. Tôi không chột dạ vì trang giấy ấy, vì tôi không tin thầy bói và các đồng minh của thầy, trên trời hay dưới đất. Nhưng tình cờ thì khác. Nó đáng sợ hơn vì có thể xảy ra bất cứ lúc nào, chẳng biết ai là tác giả. Tôi đang đi ngoài đường một hôm gió khá mạnh, bỗng một viên ngói rơi trên đầu từ một nóc nhà. Người ngoan đạo Định Mệnh nói rằng số kiếp tôi nó thế. Chẳng lẽ bao nhiêu may rủi xảy ra hàng ngày đều do số cả ? Ví thử lúc đó tôi chậm bước lại một chút để nhìn một bóng hồng bên kia đường thì viên ngói đã chẳng rơi đúng cái đầu của tôi. Vậy là cái số tôi vì mê gái mà tránh được tai nạn ? Đâu có thể tán rộng ra như vậy được ! Vậy thì tình cờ. Thần thoại La Mã thần hóa Tình Cờ dưới cái tên Fortuna. Con gái của Jupiter, thần Fortuna tay cầm một chiếc sừng chứa đầy của cải để ban phúc, nhưng mắt thì bịt kín khăn, ban phúc lộc một cách tình cờ, chẳng định gì trước. Tình cờ, ngẫu nhiên là như vậy : sự việc xảy ra hầu như hoàn toàn vô lý, lý luận đầu hàng trước chữ "tại vì".

Thế nhưng, ông biết rõ hơn ai hết, vì ông là con nhà Phật, ông từng giảng giải, và giảng giải rất hợp với khoa học, rằng : không có sự việc gì xảy ra mà không do một nguyên nhân trước. Ấy là luật nhân quả mà chính khoa học cũng chấp nhận là căn bản để suy luận. Ngay cả phân tâm học ngày nay cũng vậy : ông Freud đem vô thức ra như nguyên nhân để cắt nghĩa một hành động, một thái độ, một chứng bệnh nào đó của bệnh nhân. Lý nhân duyên của nhà Phật giải thích rất rõ mối tương quan giữa mọi sự mọi vật : "Cái này có thì cái kia có, cái này diệt thì cái kia diệt". Thế nhưng tôi vẫn có chút thắc mắc khi tình cờ xen vào. Lấy ví dụ viên ngói rơi khi nãy. Tôi có thể đem luật nhân quả ra để cắt nghĩa tại sao ngói rơi. Tại vì một trận gió mạnh thổi tới. Tại vì mái nhà rung rinh. Tại vì ông thợ lợp nhà vô ý làm bay viên ngói. Tôi cũng có thể lấy luật nhân quả để cắt nghĩa tại sao tôi đi trên đường ấy. Tại vì tôi đi ăn sáng ở tiệm phở cuối đường. Tại vì đường ấy có nhiều bóng mát. Tại vì trên đường có nhà bưu điện và tôi cần gửi một cái thư. Nhưng tại sao tôi đến đúng chỗ ấy, lúc ấy, và viên ngói rơi đúng vào lúc ấy, chỗ ấy ? Một nhà toán học kiêm triết học ở thế kỷ 19, ông Cournot, giải thích thế này : chuyện tôi đi trên đường ấy là do một chuỗi nhân quả tiếp nối ; chuyện viên ngói rơi cũng là do một chuỗi nhân quả tiếp nối, nhưng chuyện viên ngói rơi vào chỗ ấy, lúc ấy, trên đầu tôi là tình cờ. Tình cờ, ông định nghĩa, là sự gặp gỡ giữa hai chuỗi nhân quả độc lập.

Lý luận này làm tôi nhớ lại một chuyện khác đã đọc đâu đó từ lâu có liên quan đến khoa học. Tôi thả một mảnh giấy từ cửa sổ phòng tôi ở tầng thứ ba. Theo định luật Newton thì nó phải rơi xuống đất. Nhưng lúc ấy một trận gió lớn thổi đến làm mảnh giấy bay lên. Nếu đó là một bức thư tình thì nguy quá : tình thư có thể bay vào hiên cửa sổ một nàng tiên khác, không phải là người tôi muốn tán tỉnh ở ngay tầng dưới. Cả một cuổn tiểu thuyết hấp dẫn có thể bắt đầu với cái chuyện tình cờ này, cũng như bao nhiêu chuyện tình cờ khác đã xe duyên đôi lứa. Tôi có thể giải thích theo luật nhân quả tại sao mảnh giấy bay lên : tại vì gió. Tại sao gió thổi như vậy ? Tại vì cách gió vận hành lúc đó tùy thuộc vào vị trí của các đám mây. Tại sao có đám mây ấy ? Tại vì có mưa sắp tới. Và mưa là tại vì nhiệt độ, tại vì thủy thổ... tại vì... tại vì..., tôi có thể "tại vì" như vậy, như một khoa học gia chính hiệu, đến tận ảnh hưởng của các tia tử ngoại, đến các chùm âm điện tử phát xuất từ những đốm đen trên mặt trời. Nhà thiên văn học Trịnh Xuân Thuận nói rất hay : Chúng ta là con cháu của các ngôi sao. Nghĩa là gì ? Là chuỗi nhân quả kéo dài cho đến vô tận, điều mà nhà Phật gọi là "trùng trùng duyên khởi". Đứng về mặt lý luận, nhà Phật hoàn toàn có lý khi kéo dài nhân quả cho đến kiếp trước, nhiều kiếp trước. Chỉ có cách ấy mới giải thích được rốt ráo, chặn đứng cách kết luận lười biếng của tình cờ. Nhưng chẳng lẽ phải đem tất cả vũ trụ ra để cắt nghĩa một mảnh giấy bay lên ? Vả chăng, tại sao nó không bay lạc vào cửa sổ nhà ai khác mà lại bay đúng chóc vào cửa sổ nhà cô láng giềng đang phải lòng tôi ? Để rồi cô cột chặt sợi dây tơ hồng vào cổ tôi ? Tôi có thể bắt chước ông Cournot, giải thích rằng đó là sự tao phùng của hai chuỗi nhân quả độc lập nhau ? Mọi chuyện xảy ra trong đời sống thường ngày đều là những mảnh giấy như vậy cả ông ạ. Như vậy, nếu nhân quả là tất yếu, phải chăng tình cờ cũng dự phần vào kết luận ? Phải chăng tình cờ là bổ túc ?

Tôi dốt khoa học nên không dám bước qua lĩnh vực này. Nhưng tôi biết quyển sách danh tiếng của nhà sinh vật học Jacques Monod, giải Nobel 1965, nhan đề là Tình cờ và tất yếu(1), xuất bản năm 1970. Ngay đầu sách, ông đề câu danh ngôn của Démocrite, viết từ thời cổ Hy Lạp : "Tất cả những gì hiện hữu trong vũ trụ đều là kết quả của tình cờ và tất yếu". Cuốn sách muốn chứng minh thuyết ấy. Tác giả nói : khởi thủy của đời sống trên trái đất và quá trình tiến hóa không ngừng của các loài đều chẳng nhắm một mục đích, một ý định tối hậu gì cả, chỉ là tình cờ. "Tình cờ là nguồn gốc của mọi cái mới, mọi sáng tạo trong bầu khí quyển".

Dù cho lý thuyết của ông đã bị khoa học ngày nay bỏ lại đàng sau, ai học khoa học đều thấy lập trường ấy trái ngược với xác quyết của Laplace ở thế kỷ trước, theo đó "ta phải nhìn tình trạng hiện tại của vũ trụ như là hậu quả của tình trạng trước đó và như là nguyên nhân của tình trạng tiếp theo". Một luật tất yếu tuyệt đối đến nỗi Laplace xác quyết thêm rằng luật ấy "áp dụng cho các vật thể lớn nhất của vũ trụ cũng như các vật thể nguyên tử nhẹ nhất: không có cái gì là bất trắc đối với nó, tương lai cũng như quá khứ đều hiện hữu trước mắt nó".

Laplace cũng bị vật lý học ngày nay vượt đi quá xa, tuy xác quyết của ông đã từng là tiền đề của khoa học. Tôi chẳng biết gì về vật lý học lượng tử, chỉ lờ mờ nghe rằng vật lý học của thế kỷ 20 đã đi từ một vũ trụ được giải thích hoàn toàn bằng luật tất yếu đến một thực tế thiếu rõ ràng của vật lý học lượng tử, trong đó cái gì cũng thành mờ ảo, càng mờ ảo khi người khảo sát càng đi xa cảm nhận tức thì. Nghĩa là người khảo sát chợt nhận thấy tình cờ hiện ra.

*

Thưa ông, dốt khoa học, tôi không dám lạm bàn, chỉ xin được góp chuyện thêm với ông về những tình cờ tầm phào xảy ra trong đời sống hàng ngày, trước mắt. Tình cờ càng vô lý khi nó càng tầm phào, mà, đáng sợ thay, hầu hết tình cờ đều là tầm phào. Tầm phào, mà có khi hậu quả lại vô cùng khốc liệt. Những chuyện như vậy nhiều lắm, nhưng xin mượn văn chương để kể tượng trưng. Ông cho phép tôi dài dòng kể chuyện nhé. Văn chương giúp tôi đi sâu vào vấn đề hơn.

Trước hết, xin mượn văn hào danh tiếng mà thế hệ Việt Nam trước đây đã từng yêu thích : André Gide. Cuốn tiểu thuyết Các hầm trong Vatican (Les caves du Vatican) ít được biết ở Việt Nam, nhưng đã gây tranh luận sôi nổi trên văn đàn ở Pháp. Tôi không kể cả cuốn truyện, chỉ kể một chi tiết trong đó thôi, nhưng đó là chi tiết làm nòng cốt cho cuốn truyện và làm dư luận xôn xao.

Đó là chi tiết trực tiếp đã đưa nhân vật chính Lafcadio đến hành động giết người, giết người một cách vô cớ, chẳng có nguyên do gì cả, tiếng Pháp gọi là acte gratuit. Luận thuyết mà Gide đưa ra là : chính các hành động không duyên cớ mới là những hành động tự do. Nếu tôi làm cái gì cũng là do tất yếu cả, đều có thể giải thích được cả, hoặc là vì cái gien của tôi nên tôi nóng nảy, hoặc là vì tôi nghèo đói nên mới trộm cắp... thì đâu là tự do của tôi, đâu là trách nhiệm ? Chỉ khi tôi làm cái gì không do tất yếu, không có lý do, hoàn toàn vô cớ, khi ấy hành động của tôi mới được tách ra khỏi tôi, không phụ thuộc gì vào tôi nữa cả, khi ấy hành động của tôi mới được gọi là tự do. Tôi kể :

Trong chuyến xe lửa khởi hành từ Roma, Fleurissoire ngồi trong cùng một toa với Lafcadio, ngay trước mặt. Hai người không biết nhau. Lafcadio từ nhỏ không biết cha, lớn lên ở với các nhân tình kế tiếp của mẹ, cuộc đời khá ly kỳ dạy cho anh ta một cái tính cũng khá ly kỳ : "trên hết phải tự do làm chủ mình", hành động không tính hậu quả. Mỗi khi anh ta chợt thấy mình vi phạm phương châm sống đó, anh chích kim vào đùi để tự nhắc nhở. Lại thêm một tính kỳ khôi nữa : trong túi anh ta bao giờ cũng có một con súc sắc như một linh vật để nhắc nhở anh ta sự ghê tởm khi thiếu quả quyết. Cách sống "trên hết là tự do" ấy chạy suốt quyển truyện, dẫn đến hành động giết người vô cớ trong toa xe lửa. Trong toa, Lafcadio giả vờ ngủ. Người ngồi trước mặt, Fleurissoire, tắt bớt ánh sáng. Thế là tốt bụng chứ còn gì nữa ! Nhưng ông hành khách này đâu biết đang làm Lafcadio trước mặt bực mình.

"Bỗng nhiên đèn trên trần bật lên, ánh sáng chói chang trong buổi chiều tà êm dịu. Sợ làm phiền giấc ngủ của người đối diện, Fleurissoire vặn cái nút để tắt đèn, nhưng đèn không tắt mà chuyển ánh sáng từ trên trần xuống cái đèn cá nhân với một màu xanh còn chói hơn. Fleurissoire vặn cái nút thêm một nấc nữa, đèn cá nhân tắt, nhưng hai cây đèn trong tường bật sáng lên, khó chịu hơn cả đèn trên trần. Lại vặn nút thêm một nấc nữa, đèn cá nhân lại sáng. Lão này, bao giờ thì hết chơi với đèn vậy?"

Lafcadio bực mình. Người kia đứng dậy để cởi áo ngoài, điều chỉnh mãi không xong cái cổ áo. Lafcadio nghĩ: "Tên này coi bộ không hạnh phúc. Chắc bị ung nhọt gì đấy, hoặc bộ phận nào đó trong cơ thể bị nhiễm trùng. Hay là ta giúp hắn ? Một mình hắn không làm được".

Fleurissoire đi ra cửa, soi vào ánh sáng phản chiếu trong đó để thắt lại cà vạt. Ý nghĩ thanh toán lão già lẩm cẩm này vọt đến trong đầu Lafcadio.

"Ai thấy? Cái chốt cửa nằm ngay sát bên tay ta, dưới tay ta, vặn xuống một cái dễ dàng, tức khắc cửa mở, xô hắn tới trước, đẩy nhẹ một cái là xong, hắn rơi trong đêm, như một vật gì đấy, chẳng ai nghe, dù một tiếng kêu... Rồi ngày mai, ta đi ra đảo ! Ai biết?"

Thắt cà vạt xong, Fleurissoire cài nút tay áo.

"Một tội phạm không có duyên cớ, cảnh sát tha hồ bối rối... Không phải cái biến cố này làm ta bận tâm bằng chính ta. Có đứa tưởng có thể làm gì cũng được, vậy mà trước hành động lại thối lui... Từ tưởng tượng đến hành động, còn xa... Mà nhỡ thất bại thì sao? Chậc! đứa nào tính toán trước mọi nguy hiểm, trò chơi của hắn còn thú vị gì nữa".

Fleurissoire ngắm nghía lại cà vạt lần cuối, vô tình nghiêng người về phía cánh cửa.

"Cái chốt nằm ngay dưới tay ta, trong lúc hắn lơ đãng nhìn xa phía trước – chơi đi, thằng tôi ! Còn dễ hơn cả tưởng tượng. Nếu ta đếm đến 12, chẳng cần vội vã, mà một ánh đèn hiện ra trong đồng vắng, thế là xong. Bắt đầu nhé. Một, hai, ba, bốn (chậm chậm một chút, chậm chậm một chút) năm, sáu, bảy, tám, chín... Mười, ánh đèn..."

Fleurissoire bị đẩy ra ngoài cửa.

Đoạn kể ấy trong cuốn truyện gây tranh luận náo nhiệt. Người thì nói : có khác gì đâu về đạo đức giữa một hành động vô cớ như vậy với hành động giết người vì ghen tuông, vì tiền bạc đầy dẫy trong tiểu thuyết ? Người thì nói : chấp nhận một hành động vô cớ như vậy là chấp nhận vô luân thường, vô đạo đức, vô giá trị, vô trật tự mà xã hội không thể quan niệm được. Nếu bất cứ cái gì cũng có thể xảy ra, không có tiêu chuẩn để lường trước, thì xã hội làm sao tồn tại ? Nhân danh tự do, ấy là giết tự do, tế tự do cho hành động tùy tiện.

Tôi không đi vào tranh luận, chỉ giới hạn ở khía cạnh tình cờ. Ngay cả trong một hành động vô cớ như vậy, tình cờ cũng không vắng mặt. Anh chàng Lafcadio cũng liên hệ tình cờ với hành động của anh ta đấy chứ ! Tình cờ ấy là ánh đèn trong đồng vắng ban đêm. Mà ánh đèn phải hiện ra trước khi anh ta đếm đến 12. Đếm đến ba, bốn, anh ta đếm chậm lại, chắc để kéo dài thời gian. Ví thử đếm đến 12 mà ánh đèn không hiện ra thì sao ? Thì nạn nhân vẫn còn sống ? Mạng sống của Fleurissoire tùy thuộc vào một con số, một ánh đèn ? Nghe có vẻ rùng rợn, nhưng cuộc đời đầy rẫy những tình cờ tầm phào như thế. Trang giấy trước mắt chúng ta chỉ có Tình Cờ là tác giả ?

Tôi muốn nói thêm một quyển truyện nữa trong đó cũng có một hành động giết người được giới văn chương so sánh với hành động vô cớ trong truyện của Gide. Quyển truyện này thì quá danh tiếng, và tác giả cũng quá danh tiếng ở Việt Nam, được quý trọng đến nỗi văn nhân ở miền Bắc trước đây gọi tên bằng tiếng Việt thân yêu : Cụ Đốt. Vâng, cụ là Dostoievski, và tác phẩm là Tội ác và trừng phạt.

Nhân vật chính trong truyện, Raskolnikov, sinh viên, mẫu chàng trai lãng mạn lý tưởng, giết bà già chủ tiệm cầm đồ ác ôn, với ý tưởng biến trái đất này thành một quê hương đẹp hơn. Như vậy có phải là tội ác không ? Đâu phải ! Napoléon đã chẳng phạm bao nhiêu tội ác để thực hiện giấc mộng lớn của mình đó sao ? 

"Một người đặc biệt có quyền... nghĩa là không phải quyền chính thức, nhưng có quyền cho phép lương tâm vượt qua bất kể... vài cản trở, duy nhất trong những trường hợp cần phải vi phạm để thực hiện ý tưởng của mình (ý tưởng ấy, có lẽ, có thể cứu cả nhân loại)."

Thế nhưng, trớ trêu thay, sự việc xảy ra ngoài dự tính của chàng trai lý tưởng khiến chàng giết thêm một cô gái vô tội, em khác cha của bà già, tình cờ mà đến, không định mà giết. Đầy rẫy những sự việc tình cờ trong truyện, đầy rẫy những gặp gỡ tình cờ giữa các nhân vật, ngay cả trước khi giết người, Raskolnikov cũng đã tình cờ nghe kể chuyện về bà già mà chàng định giết. Sáu tuần trước đó, chàng đã đến tiệm cầm đồ để cầm hai món, một đồng hồ cũ bằng bạc của cha và một chiếc nhẫn nạm đá quý do em gái tặng làm quà. Vừa thấy bà chủ tiệm, chàng đã căm ghét không ngăn được tuy chẳng biết gì về bà này. Cầm được hai rúp, chàng bước vào một quán rượu tồi tàn, trên đường về nhà. Chàng gọi trà nóng rồi suy nghĩ miên man. Bàn bên cạnh, một chú sinh viên ngồi uống trà với một anh công chức. Tình cờ, chàng nghe hai người nói  chuyện về bà chủ tiệm cầm đồ. Tình cờ !

"Điều này quả là lạ lùng đối với Raskolnikov ; chàng vừa rời khỏi tiệm và bây giờ tức thì nghe nói đến tên mụ chủ. Dĩ nhiên đây chỉ là chuyện may thôi, nhưng chàng không thể trút bỏ một cảm giác rất lạ kỳ".

Chú sinh viên kể từng chi tiết về cách đối xử tàn ác của mụ. Rồi kể: Mụ có một người em gái, Lizaveta, rất dễ thương, bị mụ bóc lột tàn nhẫn. Hai người đối thoại :

"– Tôi có thể giết con mụ già khốn nạn ấy rồi chuồn đi với tiền của mụ chẳng chút nhức nhối lương tâm, tôi cam đoan với anh như vậy.

"– Anh nói tướng thế thôi, nhưng này, tôi hỏi, anh có thể tự tay giết bà già không ?

"– Dĩ nhiên không ! Tôi chỉ biện luận về công lý... Tôi đâu có làm chuyện đó được.

"– Tôi thì nghĩ rằng nếu anh không tự anh làm chuyện đó, chằng có công lý gì nữa."

Raskolnikov xúc động dữ dội... Nhưng tại sao bỗng dưng chàng chợt nghe được một tranh luận và những ý tưởng như vậy vào chính thời điểm mà óc não chàng đang suy nghĩ về chính những ý tưởng ấy ? Và tại sao vào chính thời điểm mà chàng vừa thai nghén ý định, từ lúc ra khỏi tiệm cầm đồ, chàng lại tình cờ chộp được một mẩu đối thoại về mụ già ? Sự trùng hợp ấy luôn luôn lạ lùng đối với chàng. Mẩu đối thoại tầm phào ấy trong quán rượu gây một ảnh hưởng vô cùng lớn trên chàng về hành động sau đó, như tuồng thực sự đã có một cái gì sắp đặt trước, một ngụ ý gì dẫn dắt".

Và đây là hành động sau đó. Raskolnikov bước vào tiệm cầm đồ. Ngay khi cánh cửa mở với một tiếng cắc, Raskolnikov xông vào tiệm. Mụ chủ hoảng sợ. Chàng đưa món hàng gói rất kỹ, nói rằng đó là một cái hôp thuốc lá bằng bạc. Trong khi mụ kỹ lưỡng bóc giấy ra, chàng rút rìu giấu trong áo, và khi mụ vừa quay lưng, chàng chém xuống một nhát phía lưỡi bén. Rồi chàng chém lần nữa, lần nữa, phía lưỡi cùn. Hết sức cẩn thận, chàng đặt rìu xuống cạnh thi thể và bắt đầu lục túi mụ tìm chìa khóa. Với chìa khóa, chàng đi tìm phòng cất tiền thì nghe tiếng chân ai bước vào. Đó là Lizaveta.

"Nàng đăm đăm nhìn thi thể chị, kinh hãi, mặt tái như miếng giẻ, không còn đủ sức để la lên một tiếng. Thấy chàng chạy ra khỏi phòng ngủ, nàng run toàn thân, như chiếc lá, một hơi lạnh chảy dài xuống mặt ; nàng đưa tay lên, miệng mở ra, nhưng vẫn không la lên được. Nàng chậm chậm bước lui vào góc, mắt nhìn chặt vào chàng, nhưng vẫn không thốt ra được tiếng nào, như tuồng không còn cả hơi thở để mà la. Chàng nhào đến với cây rìu ; miệng nàng ríu lại một cách tội nghiệp, như miệng trẻ con khi sợ, đăm đăm nhìn cái gì làm nó sợ và sắp sửa hét lên. Nhưng nàng Lizaveta khốn khổ đơn sơ ấy bị cái sợ chà đạp đến nỗi không nâng được một bàn tay lên để che mặt, tuy rằng đó là cử chỉ cần thiết và tự nhiên nhất lúc đó, bởi vì cái rìu đã vung lên trước mặt nàng. Nàng chỉ nhấc bàn tay trái trống trơn lên, nhưng không phải ngang mặt, mà chỉ từ từ đưa ra trước như tuồng muốn ra dấu cho chàng đừng đến. Cây rìu chém xuống phía cái lưỡi bén trúng ngay sọ, chỉ một nhát bữa đỉnh đầu ra làm hai. Nàng nặng nề ngã quỵ xuống tức thì, Raskolnikov chẳng còn đầu óc gì nữa, cúi xuống nhặt cái hộp lên, rồi thả xuống lại, chạy ra phía ngoài".

Có thể xem việc giết người thứ hai này, giết không định trước, như một hành động vô cớ, tương tự như hành động trong truyện của Gide ? Có người nói như vậy. Họ biện minh : hai việc giết người tiếp theo nhau trong truyện của Dostoievski diễn tả hai khía cạnh khác nhau trong con người của chàng trai. Việc giết người thứ nhất có tính toán chi ly, bắt nguồn từ lý tưởng của chàng. Việc giết người thứ hai hoàn toàn do ngẫu nhiên. Vì thế, họ nói, hiếm khi Raskolnikov nghĩ đến việc giết cô gái mà cứ bị ám ảnh hoài về việc giết bà chủ tiệm. Chuyện kia là ngẫu nhiên, có gì mà thắc mắc ? Chuyện này là cả một hành động nặng tính ý thức hệ, phản ánh những giao động chính trị, xã hội của nước Nga trước Cách Mạng. Tôi không đi vào tranh luận này, chỉ nhấn mạnh vai trò của tình cờ.

Tình cờ ! Phân tích hành động của kẻ sát nhân qua những nhận xét lượm lặt được, một nhân vật trong truyện gián tiếp phân tích con người của Raskolnikov và sự tình cờ đã giúp chàng trốn thoát, để kết luận : "thành công trong tội ác hoàn toàn do tình cờ".

"Các cậu hãy tưởng tượng một người không có kinh nghiệm gì cả và thừa nhận rằng  chỉ tình cờ giúp anh ta thoát được. Có gì mà tình cờ làm chẳng được ? Anh ta cũng không lường trước được chướng ngại... Ngay cả ăn cắp tiền của mụ chủ, anh ta cũng không làm được. Tất cả những gì mà anh ta có thể làm là giết ! Bước đầu tiên, nghe tôi nói đây, bước đầu tiên : anh ta hoảng kinh ! Và không phải vì khéo léo, chỉ vì tình cờ thôi, mà anh ta thoát được".


*

Thưa ông, ông nghĩ thế nào : nói "thành công là tình cờ", phải chăng công nhận rằng chỉ có hoàn cảnh là tình cờ còn động cơ giết người là có nguyên nhân ? Nếu vậy, trong cả hai cuốn truyện, đâu có hành động nào là vô cớ ? Dù động cơ chỉ là tâm lý, thì cũng là nguyên nhân ! Anh chàng Lafcadio đẩy người xuống đường sắt xe lửa, vì sao ? Vì chàng ta ghét nhất là tính do dự nơi mình, thậm chí phải nhờ con súc sắc để vượt qua do dự. Chiến thắng được do dự, chàng ta ca khúc khải hoàn, thấy mình đã thành "người hùng". Cũng vậy, chàng Raskolnikov, từ trong sâu thẳm của con người, không hẳn hành động chỉ vì lý tưởng, mà còn vì cái tâm lý phải vượt qua khỏi mình. Như chàng đã tự phân tích và thú nhận với người yêu, Sonia, đúng là chàng có cái tính "thiếu tự chủ trong hành động" :

"Sonia, anh biết, người nào có ý chí và tinh thần mạnh mẽ, người ấy chẳng có gì khó để làm chủ người khác. Người nào dám làm lớn, người ấy thắng. Người nào thách thức và khinh miệt người khác, người ấy làm họ kính nể... Sonia, anh đã tự thuyết phục được mình rằng quyền lực chỉ thuộc về ai dám cúi xuống để lấy. Tất cả đều có sẵn đấy, chỉ cần dám hay không mà thôi... Sonia, anh chỉ muốn có can đảm và anh đã giết... anh chỉ muốn có can đảm mà thôi, chỉ vậy thôi, Sonia, tất cả duyên cớ là vậy!... Sonia, anh chỉ muốn giết mà chẳng chút giáo điều lương tâm gì cả, giết vì anh, chỉ vì độc một mình anh! Điều này, anh không muốn tự dối lòng! Không phải giết vì muốn có tiền giúp mẹ - không! Không phải giết để có phương tiện, quyền hành, để trở thành ân nhân của nhân loại. Không, không! Đơn giản, anh chỉ giết; anh giết vì anh, vì độc một mình anh... Anh muốn biết, và biết gấp, anh có thể vượt qua chướng ngại, anh có dám cúi xuống để nhặt cái sức mạnh ấy không. Anh muốn biết anh là thằng người run rẩy hay anh có quyền...

– Quyền giết ? Sonia kinh hãi la lên. Quyền giết ?"

Cả hai nhân vật chính trong tiểu thuyết, và qua đó, cả hai tác giả, đều chịu ảnh hưởng của Nietzsche và lý thuyết "surhomme" của triết gia này. Biết dịch chữ gì, ông nhỉ? Đâu phải "siêu nhân". "Thượng đẳng nhân" vậy, tuy nghe buồn cười. Cả hai nhân vật đều muốn vượt lên cái khuyết điểm của mình để thành "bậc cao hơn người".

Và như vậy, tôi trở về lại với câu hỏi đặt ra ở trước : phải chăng nguyên nhân là chủ chốt, tình cờ là bổ túc ? Nhận định này giúp tôi sống với lạc quan của đạo Phật : ai cũng có thể cải lại nguyên nhân để sửa lại cái quả. Nguyễn Du cũng đặt vào miệng của chàng Kim một câu đầy tính lạc quan ấy với  nàng Kiều :

Sinh rằng: "Giải cấu là duyên
Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều"

    Trong một bối cảnh khác, gần ta hơn, Xuân Diệu, nhẹ triết lý nhưng hào hùng ngất trời, vực nàng kỹ nữ dậy, tuyên bố với cả nhân loại:

Em về điểm phấn tô son lại
Ngạo với nhân gian một nụ cười

Thế nhưng, nói gì thì nói, cái bất trắc của tương lai vẫn đặt câu hỏi cho triết lý về tự do và cho con người về thái độ sống : dù chỉ là "bổ túc" đi nữa, ai biết được tình cờ sẽ mang lại gì ? Trang giấy trước mặt, thưa ông, tôi viết, nó viết, hay là đồng tác giả ?

Cao Huy Thuần

Trích trong Bếp lửa (sẽ xuất bản)


(1) Dưới nhan đề Ngẫu nhiên và Tất yếu, bản dịch tiếng Việt của cuốn sách (dịch giả : Hà Dương Tuấn và Đặng Xuân Thảo) vừa được NXB Tri Thức, Hà Nội, phát hành vào tháng 2.2017 (chú thích của Diễn Đàn)

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss