Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Trên những chuyến xe

Trên những chuyến xe

- Mai Ninh — published 30/03/2007 11:04, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19
Chính con người là phong cảnh, là diễn viên chính. Nếu không nghe được tiếng nói của họ cất lên giữa phố chợ nghẹt xe cộ và thú vật, cất lên từ ánh mắt, từ cử chỉ, từ những kẻ nằm người ngồi la liệt trước thềm nhà, cửa quán, đi hay chạy bấn loạn trên đường, thì kẻ lạ đến đây kia sẽ tự khoanh tròn trong cái bình đậy nút mang nhãn hiệu là Sự cô đơn, món quà tặng khởi đầu của thượng đế.
 
 

Trên những chuyến xe


Mai Ninh


Ngồi trong một chiếc xe ca và nhắm mắt. Nhắm mắt nhưng không thể xua đuổi ý tưởng cùng hình ảnh bạo liệt, đen tối chập chùng trong tác phẩm “Cuộc đời mới”* của Orhan Pamuk, giải Nobel văn chương 2006. Một thanh niên ở tuổi đầy hứa hẹn chợt thấy tất cả đời mình thay đổi hẳn từ lúc đọc một cuốn sách huyền bí. Nội dung cuốn sách này thực sự ra sao? Cho đến kết cuộc Orhan Pamuk hay chính nhân vật kể chuyện của ông vẫn không tiết lộ rõ ràng. Độc giả chỉ hiểu rằng những trang sách ấy phát ra thứ ánh sáng chói loá vừa mê hoặc vừa làm khiếp sợ, và chàng sinh viên trong truyện sau khi đọc đã từ bỏ tất cả những gì an toàn và thân thuộc đang có: bà mẹ, căn nhà, giảng đường để đi tìm cái đời sống đẹp đẽ mà cuốn sách hứa hẹn – và cũng qua đó gặp lại cô gái mình yêu. Đi tìm một xứ sở mới, nhưng nó ở đâu? Anh ta hoàn toàn không biết. Chỉ linh cảm là nhất định phải lên một chiếc xe đò, rồi bước xuống ở một tỉnh nhỏ nào đó để lại leo lên một chiếc khác, bất kỳ cũ hay mới, đảm bảo hay không, bất kỳ điểm đến phương hướng, bất kỳ ngày hay đêm. Nhưng chẳng mấy chốc anh ta nhận ra cứ dấn thân vào trong tăm tối như thế cũng chưa đủ để tới được miền đất hứa. Điều kiện cần thiết cho sự gặp gỡ thế giới ấy là phải xảy ra tai nạn trên đường. Tai nạn càng thảm khốc, chàng ta mới có cơ hội lọt vào cuộc đời bí mật mông lung quyến rũ ấy, và biết được nó là gì. Vì chỉ ở cái giây phút vừa thoát chết, bên cạnh những xác xe bốc khói, cạnh các tử thi đẫm máu, người ta mới thấy được tất cả phần đời trước - trước khi xảy ra tai nạn - là bỏ đi, vô nghĩa, là không đáng kể. Trong khoảnh khắc hoá kiếp đó, đời sống anh ta đang ao ước khám phá mới có thể hiển lộ - dù chỉ một góc vô cùng nhỏ, rất mơ hồ như một bóng thiên thần hay một tia sáng huyền hoặc - nó được vén lên để khuyến dụ con người tiếp tục... đi tìm.

Con đường xe băng từ tỉnh này sang thành phố nọ của chàng thanh niên là con đường dẫn vào đất Thổ sâu xa, không liên hệ gì với con đường xứ Ấn tôi đang ngồi xe rong ruổi. Thế mà vẫn liên tưởng. Có phải ngoài những dằn xóc, giựt ngược cả thân người do các cú thắng gấp rút, các vòng quay ngoắt một trăm tám chục độ của tay lái để tránh chướng ngại vào giây phút chót trên đường, tiếng bánh cao-su nghiến trên mặt nhựa rít buốt tận óc, hay chính cái cảm giác thường xuyên là tai nạn sẽ xảy ra trong khoảnh khắc đã khiến tôi không thể thoát khỏi cái không gian bít bùng của tác phẩm Orhan Pamuk ?



Ngồi trong một chiếc xe ca và nhắm mắt. Gió lọt qua cửa kính hé mở, đẩy vào mùi nắng đầu xuân bốc trên mặt cát khô rang của dãy sa mạc Thar vùng tây bắc Ấn Độ. Lẫn trong đó mùi phân mùi thú. Tôi tự nhủ, mười mấy ngày qua đây chỉ có thể là cuộc du lịch bề ngoài. Một lướt qua như phong cảnh bên đường đang đuổi nhau trước mắt. Hề hấn gì lại để mình bị giam giữa những miếng kính, những mảnh tôn kêu sòng sọc, trong tiếng máy xe lúc rì rầm lúc khọt khẹt, tiếng còi inh tai tiếng phanh ren rét, và nỗi thấp thỏm một tai nạn sẽ xảy ra làm nổ tan không gian bưng kín này. Vì sao lại thế, khi mình không manh nha đi tìm một đổi đời - mà đời quanh đây chưa chắc gì muốn đổi. Thân thể kẹt trong xe bao nhiêu giờ đồng hồ đã đành, tại sao đầu óc lại không bay bổng ra ngoài? Để lướt đi trên nắng vàng kia, trên đất cát và cỏ dại phất phơ dưới tà sari đỏ rực xuất hiện ở chân trời. Để tâm hồn gục gặc với đầu cổ ngỏng ngảnh của chú lạc đà vẫn lững thững bước dù lưng đang nặng nề rơm cói và chặng đường còn xa. Để tâm hồn sóng sánh cùng các thố nước đặt trên đầu các cô gái mắt sâu, huyền hơn cả đêm trừ tịch. Chính cảm giác bít bùng làm mình ngỡ rằng đang nhắm mắt hay chăng?

Chiều xuống nhanh. Lũ chim đen to hơn quạ hối hả bay từ đông sang tây, phóng một loạt những chấm đen thẫm lên màn trời xanh trong thoắt ngả sang hoàng thổ. Thành quách đền đài hùng tráng mỹ lệ bỗng chốc nhập trùng hoá khối rồi lụn xuống, nhoà đi. Trên mặt đất mênh mông chỉ còn những bóng người thấp thoáng. Bao nhiêu chạm trổ tinh vi, sức sống vĩnh hằng của nghệ thuật, màu sắc rực rỡ của áo quần phong tục đã làm sáng thắm cõi thiên nhiên này vốn đơn điệu một màu đất ủ, tất cả các thứ ấy phút chốc lẩn tan vào bóng tối. Cũng có thể phong cảnh dễ dàng biến mất khi sự hiện diện của con người quá khủng khiếp, nó chụp xuống, phủ trùm mọi nhận thức. Nhưng đâu phải bất cứ nơi nào trên nước Ấn con người cũng đông lúc nhúc, ở miền quê hoang vắng này tôi đã được chiêm ngưỡng chỉ một bóng áo ai bay, lơ lửng thênh thang giữa đồng như một điều không thực. Vậy mà hình ảnh đám đông hỗn độn từng thấy ở các thành phố tỉnh lị đi qua vẫn trấn áp các cảm nhận khác. Ai đó đã bảo: nếu không yêu con người, đừng đến Ấn Độ. Và dù nhắm hay mở mắt, tôi đã ý thức được rằng mình chẳng thể viếng thăm đất nước này bằng cách thu người trong một chiếc xe dành cho khách du lịch, để chỉ đi ngắm đền đài, thánh tích hay công trình nghệ thuật văn hoá. Chính con người là phong cảnh, là diễn viên chính. Nếu không nghe được tiếng nói của họ cất lên giữa phố chợ nghẹt xe cộ và thú vật, cất lên từ ánh mắt, từ cử chỉ, từ những kẻ nằm người ngồi la liệt trước thềm nhà, cửa quán, đi hay chạy bấn loạn trên đường, thì kẻ lạ đến đây kia sẽ tự khoanh tròn trong cái bình đậy nút mang nhãn hiệu là Sự cô đơn, món quà tặng khởi đầu của thượng đế.


Thực ra, không một du khách nào đã có ý đến thăm một xứ sở lại muốn nhốt mình trong không gian một chiếc xe, một toa tàu. Nhưng chắc khó ngờ ý muốn tiếp cận với con người có thể bị chặn đứng bởi hình ảnh không tưởng tượng được của các khối đông vô cùng tạp lục đến kỳ dị đang hiện ra trước mặt, đang trực nuốt chửng lấy mình. Bỗng chốc tôi chợt nghĩ : có lẽ cũng phần nào vì thế, mà trong văn chương Ấn mình đã đọc, tôi thường bắt gặp những tâm hồn lưu lạc, bị cô đơn và ý sống tách biệt lôi cuốn.

Trong ‘‘Thành phố ma’’, những ngôi nhà các thương gia giàu có cách đây hai, ba thế kỷ với kiến trúc và hình vẽ trên tường nói lên tất cả một nền văn hoá sâu sắc, nay đa số bị bỏ hoang, đổ nát. Bước chân khách đi qua dội lên tiếng động nhỏ nhoi, gạch đá tháp đền nơi đó ơ hờ như từ chối tiếp cận, từ chối sự quan tâm mà lâu rồi chúng không còn được hưởng đúng với giá trị. Chợt vài đứa trẻ vụt xuất hiện giữa những bức tường, tất cả xí xố cùng một câu: ‘‘I own the set of foreign money, give me some coins to complete it... one euro please !’’** .Khi cuộc trao đổi coin và các câu hỏi tên hỏi tuổi, hỏi có trường trong làng cho chúng đi học hay không đã xong, thì chúng lại đồng loạt biến đi, nhanh như chớp vào các tường gạch. Chỉ còn lại một ngôi làng cô đơn và mấy khách lữ hành hụt hẫng.

Lại lên xe, điểm đến ngày hôm ấy là một thị trấn có nhiều di tích lịch sử. Hai bên đường nhộn nhịp hơn với kẻ buôn người bán. Càng đến gần trung tâm phố thị thì gương mặt đời sống muôn vẻ mà tôi từng thấy ở Delhi lại trở về, tôi bị cuốn hút vào sự náo nhiệt cùng bụi mù đến nghẹt thở. Đành thế thôi, không thể đến Ấn để không ở đâu cả, phải chấp nhận đám đông, tiếp cận và hoà trộn với nó, phải là con kiến trong đàn kiến. Một trận mưa trái mùa bất chợt đổ xuống, thế là giữa không gian chen chúc ồn ào như chợ vỡ càng bùng lên những va chạm, la hét, thúc hối tựa một ổ kiến bị dội nước loi nhoi cuống quít.

Đứng bên lề đường, mở mắt to để nhìn hai đứa bé chừng hai, ba tuổi đang cách mình vài bước. Thoáng thấy ánh mắt tôi, chúng không kịp nở nụ cười đã vội ôm chầm lấy nhau trước tôi ngạc nhiên không hiểu chúng định làm gì. Hoá ra hai đứa nhỏ bé như búp bê ấy muốn diễn một màn nhào lộn như trong gánh xiếc cho tôi xem. Chúng lăn trên mặt đất còn ướt nước, lồng vào nhau xấp ngửa, quay tròn như hai con lắc. Một người đàn bà nấp sau thân cây giơ bàn tay khua theo từng vòng lăn ấy. Rồi tôi chưa kịp bước đi, chúng đã dúi vào tay bà ta mấy đồng rúp tôi để lại. Chẳng ngờ một lúc sau, cũng hai đứa trẻ nhỏ như hạt tiêu đó bì bõm tưới nước lên nhau trong cái hồ thiêng đầy rong rêu, bùn đất và cá chết phênh bụng giữa một ngôi đền. Cách chúng vài thước, ba thiếu phụ đài các y phục sang trọng đang quỳ lạy thành kính. Tôi không có thời giờ để đứng lại xem họ sẽ vuốt nước hồ ấy lên người để rửa tội như ở bờ Bénarès sông Hằng hay chăng ? Tôi không có can đảm giơ máy ảnh lên để chụp hai đứa nhỏ lúc chúng làm xiếc hay tắm táp ao thiêng, nhưng lòng mắt đen lánh trong veo của chúng đi theo tôi tận mấy ngày.


Những con người chỉ qua đây không thể nào chạm nổi, dù chỉ vào bề mặt của đời sống. Có nung nấu ý muốn khám phá những gì ẩn khuất sau hình tượng âm thanh màu sắc của nó hẳn là thất bại. Đi đến đây với sẵn một thông tin đại loại như Ấn Độ đang là nước đứng thứ tư trên thế giới về kỹ thuật, phát triển của nó đang làm dao động các cường quốc, sẽ ngỡ đấy là chuyện nói chơi bên trời Tây, hay của một xa vời viễn tưởng. Làm thế nào tin ? Hơn ba mươi năm trước tôi nghe nói về những con bò nghênh ngang giữa thành phố, về các bãi phân của chúng chèm nhẹp trên đường qua lại, người ta chỉ bước tránh chứ không ai động đến hốt đi, dù ở nơi thị tứ. Bao nhiêu năm sau đến đây, nhìn tận mắt, cũng vẫn thế. Những chiếc xe chở khách du lịch, cam nhông nặng nề hàng hoá, những chuyến xe đò nêm chật dân quê… chúng hăng hái chèn ép nhau, thi tài vượt nhau trên quốc lộ chẳng kể tử sinh – đợi khi xe đối diện cách chừng dăm bảy thước mới chịu dẹp vào phiá mình – chúng cũng không phanh hay chỉ giảm tí tốc độ trước một bộ hành băng qua đường, ngay cả đấy là đứa trẻ con. Vậy mà tài xế rất nể nang kiên nhẫn thắng lại, chờ đợi hay nhẹ nhàng vòng qua bên một con bò đang thản nhiên đứng giữa lòng đường. Mắt bò lơ ngơ nhìn mặt nhựa hay lãng đãng ngó về chân trời nào, vẻ ngẫm nghĩ như một nhà hiền triết, và đằng sau đuôi thanh thản thả xuống chất đời đặc quện trần tục.

Một người bạn đi cùng than thở : Ở cái xứ này, đụng tới đâu cũng là sacré, cây này là cây linh, cỏ này là cỏ thiêng, bò là bò thần... chỉ có con người, con người còn xa thượng đế quá. Một người khác bảo : Đừng khổ công tìm hiểu và giải thích những gì đã thấy bằng lối suy luận của chúng ta. Tôi cũng nghĩ, nếu đem tất cả các dữ liệu từng nghe nói, từng đọc trên thống kê và báo chí về nước Ấn để phân tích theo các quy luật, mô hình thì chắc sẽ mau chóng lắc đầu vì không hiểu nổi tại sao các ước lượng không đi với thực tế. Các quy luật phương Tây không thể nào áp dụng vào một xứ sở vốn có thể được xem là một lục địa, chẳng những qua diện tích và nhân số lớn lao, còn qua con số nhiều về ngôn ngữ, tín ngưỡng, đẳng cấp xã hội và phong tục của nó. Ở đấy, quá khứ luôn luôn có mặt trong hiện tại, các điều thực tế đến từ tưởng tượng, các hành động thần linh đi đôi với phát triển kỹ thuật hiện đại.

Sự thay đổi ý thức một xã hội, sự xâm nhập của văn hoá phương Tây vào Thổ Nhĩ Kỳ đã là vấn đề Orhan Pamuk đề cập trong ‘‘Cuộc Đời Mới’’. Độc giả tuy không biết tường tận nội dung cuốn sách vốn là nguyên nhân thúc hối chàng sinh viên nhân vật chính kia lên đường đi tìm thế giới mới, nhưng lại được biết lập trường, luận cứ của một tổ chức cực đoan chủ trương phản kháng ý tưởng và diệt trừ mọi ảnh hưởng của cuốn truyện bí mật ấy. Sự chống đối kịch liệt đến mức tổ chức này đã ám sát tác giả cùng những ai từng đọc và truyền bá nó. Theo họ, người viết cuốn sách là một kẻ muốn đem vào xã hội thứ bệnh dịch có khả năng tẩy xoá hết linh hồn, quá khứ và bộ nhớ con người, để thổi thay vào đó luồng gió của xã hội vật chất. Tổ chức này phát động một cuộc chiến để ngăn ngừa sự xâm nhập của văn hoá ngoại lai, của các vật dụng máy móc họ cho là vô hồn đến từ Âu Mỹ, nhất là từ Hoa Kỳ, để đánh bật các mưu đồ Tây phương hoá đang tràn vào Thổ Nhĩ Kỳ và huỷ hoại các giá trị cổ truyền. Từ đó đến nay, chiến tranh ấy vẫn tiếp diễn. Cuộc đời mới hoá ra không có gì bí mật, và cuối cùng chàng thanh niên sau khi trở thành kẻ sát nhân, sau khi đã đi đến tận biên giới của thực tế – khi thực tế biến thành giả tưởng - đã nghiệm ra rằng hạnh phúc không gì khác hơn là được sống một trạng thái yên ổn, hoà bình với chính mình trong cuộc đời vốn nó là.

Hết Thổ rồi lại Ấn, ngồi trong chiếc xe ca tôi cứ quay vòng với những ý nghĩ. Không thể chối cãi Ấn Độ là nước có hiến pháp dân chủ, tự do báo chí ngôn luận, là một quốc gia vững mạnh mở mang. Nhưng người ta vẫn cảm thấy nó bất di bất dịch, cơ cấu xã hội, nền tảng suy luận không có một thay đổi cụ thể, dù bao nhiêu xáo trộn: bùng nổ chính trị, xâm lấn, đô hộ, đói khát và bệnh dịch... đã xảy ra trên xứ sở này. Ở các thành phố chính như Delhi, chắc chắn những tiến bộ kỹ thuật, các phát triển kinh tế đã đem đến một số chuyển biến trong xã hội, sự hiện đại hoá đi tới không ngừng, nhưng các đổi thay về cách sống, về lối suy nghĩ vẫn đòi hỏi thời gian. Nhưng bao lâu ? Làm động đậy chuyển dịch một con bò giữa đường cái không phải là chuyện dễ nơi đây. Ai muốn nhân danh bảo vệ sức khoẻ, tôn trọng môi trường để yêu cầu dẹp đi bầy chuột thiêng, được thờ như hiện thân của các đứa trẻ con, tự do lúc nhúc sinh sôi nẩy nở trong đền Karniji Mata từ bao nhiêu năm tháng, hẳn sẽ đụng rầm vào một bức tường xây bằng đá tảng. Tôn giáo thượng đế thần thánh vẫn giữ một vai trò, ảnh hưởng quá lớn vào cơ cấu xã hội, vào mọi khía cạnh của đời sống.


Thế nhưng, khi tôi không còn ngồi trong chiếc xe rong ruổi trên con đường đất Ấn mà đã buông người dật dờ trong một góc lặng yên, trên chiếc ghế nệm của phi trường Delhi để đợi giờ lên máy bay, thì nhắm mắt lại, bấy giờ chỉ còn bay bay thật dịu dàng mảnh khăn màu phượng đỏ tươi của cô gái đầu đội nước, bước đi trên mặt cát vàng xám. Tôi chỉ thấy ánh mắt láy qua láy lại đáng yêu của hai đứa nhỏ nhào lộn thật tinh nghịch, mà không còn hình ảnh mấy con cá chết phưỡn bụng nổi lềnh bềnh quanh chúng trong hồ đền thiêng. Bao nhiêu tĩnh từ để tả cho hết một đất nước đầy tương phản, kỳ lạ rắc rối nhưng chẳng thiếu hồn nhiên. Để rồi chưa thật sự rời khỏi, tôi đã âm mưu một lần trở lại. Nơi ấy còn rất nhiều điều khuyến dụ tôi khám phá đã đành, mà hơn nữa, vì nó là duy nhất, đã mê hoặc tôi như bao màu áo sari bừng thắm dưới nắng xuân.
 

Mai Ninh

(Cuối tháng 3, 2007.)


* Tiểu thuyết ‘‘La Vie Nouvelle’’ của Orhan Pamuk, Munevver Andac chuyển sang Pháp ngữ, nxb Gallimard, Paris, 1999.

** “Tôi sưu tập tiền nước ngoài, cho xin vài đồng thêm vào đó đi... cho một euro đi”.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss