Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Tro của hoa hồng

Tro của hoa hồng

- Hoa Liên — published 06/08/2008 18:39, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19
Truyện ngắn


TRO CỦA HOA HỒNG


Hoa Liên


Ở Cảnh Dương lên đã 4 giờ.

Lam bâng khuâng nhớ bãi biển vắng người, không gian tĩnh lặng, lô xô đá dựng, sóng vỗ rào rào vào triền cát. Biển cạn và sóng êm. Cảnh đẹp đến sững sờ. Thấy Lam say mê ngắm cảnh. Thắng chụp trộm mấy bô ảnh. Bích la chói lói: Lam, Lam.

Kệ, Lam nhủ thầm, mình là người Huế, lớn lên ở Sài Gòn, thành ra lai. Lai rất nhiều, chỉ trừ dáng dấp là Huế chay. Lam đứng trên một ghềnh đá, gió thổi tung mái tóc Lam, sóng vỗ tràn qua ghềnh. Cảnh đến bên, ghếch một chân, chống tay lên hông. Lúc Lam chợt ý thức điều gì xảy ra, bỏ chạy, bô ảnh đã chụp xong rồi. Thắng cầm đôi giày trắng mang tới Lam :

– Đừng lo ảnh này không lên bìa báo đâu.

Lam tiếc không thể ở lại Cảnh Dương lâu hơn. Cảnh giục về kẻo trễ bữa dạ hội tối nay. Đoàn người cười nói ồn ào lên xe. Tài xế cùng họ lên sớm. Huy hát : " Đường vào tình yêu có trăm lần vui, có vạn lần buồn. Đôi khi lầm lỡ, nhớ lúc ân tình cũ ". Thắng quát lên : " Thôi nhạc cũ rích mà cũng hát. Đề nghị người khác ". – Giám đốc Cảnh đi. Bích vừa nói vừa cười. Huy trao cây guitare cho Cảnh. Cảnh hát hay. Giọng anh truyền cảm. Lớn lên trong cảnh giầu sang, Cảnh kiêu kì một chút, tự tôn một chút, độc đoán, bù lại là một người có khả năng với hai tấm bằng đại học. Một ở Việt Nam, một bên trời Tây. Trời gì thì Cảnh vẫn chỉ là con người như bao người khác. Cảnh chỉ hát khi có Lam Hồng, giọng hát có khi cao vút như chim hồng hạc. " Trời cao thêm xinh muôn ánh lung linh trên ngàn hoa. Đường xa thêm vui chim hót một bài ca không lời. Đường ta đi đang toả sáng ánh bình minh ". Có người nói, Cảnh hợp với nhạc chiến đấu hơn nhạc nhẹ. Huy hợp với nhạc tình ca.

Các thiếu nữ đẹp có, trung bình khá có, theo Cảnh như cái đuôi. Huy vẫn cô đơn. Lam ngồi tựa đầu vào cửa xe, biết rõ Cảnh đang hát cho mình. Cảnh hát tiếp luôn bản thứ hai. " Gió ơi gió, rằng anh yêu em. Gió ơi gió, rằng anh yêu em ! ". Cả xe cười sặc lên như chợ vỡ. Lam cũng cười. Mỗi lần hát nhạc tình ca, Cảnh thường bị cười la chế nhạo. Điều này làm Cảnh càng ưa hát. Thật vớ vẩn. Hình như mỗi người đàn ông đều mang trong mình một đứa con nít. Cảnh không còn trẻ – anh đã ba mươi – giàu sụ, tình nhân xô ra không hết. Anh vẫn chưa lấy ai. Anh yêu Lam Hồng. Yêu như sông như biển, đó là lời anh nói. Lam Hồng không tỏ thái độ gì. Sau tràng cười như chợ vỡ, mọi người lắng nghe giọng Huy : '' Gió ơi gió, rằng anh yêu em. Gió ơi gió, rằng tôi yêu em ! ". Sự lặng im rơi xuống. Khi nghe nhạc tình cảm người ta chỉ hâm mộ Huy. Lam rùng mình. Chiều đang xuống. Sương mù giăng khắp dãy Trường Sơn. Không ai cười nữa. Tất cả có lẽ đã đói bụng sau một ngày du ngoạn. Lam biết mình vừa bất công với Cảnh. Anh hát hai bản nhạc cô ưa thích. Chỉ cần một vài câu đủ làm cho bài hát bất tử. Biết Lam không yêu anh, Cảnh vẫn chờ. Có bà mẹ nào từ chối một đám ngon như thế. Chưa yêu không có nghĩa là không. Cảnh tin tưởng một cách tuyệt đối. Lam sống với mẹ trong ngôi nhà nhỏ ở Phú Nhuận. Hai mẹ con cùng đi cả ngày, mẹ Lam là giáo viên. Tài sản của họ là cây đàn piano cha Lam bỏ lại, ông ta tuyên bố mình đã nhầm lẫn khi lấy người đàn bà ấy và ra đi một mình. Ông ta lấy vợ khi sang tới đảo, người nghệ sĩ nào cũng như thế sao. Mẹ Lam không tái hôn. Cũng không buồn ghen. Bà chỉ mong con gái tối về đàn cho mình nghe. Từng giọt dương cầm, nói về một mối tình đã mất. Khi yêu người đàn ông tự tôn và ích kỷ. Người đàn bà nhẹ dạ và cả tin. Mẹ Lam nói, người nào mà không hèn nhát – sự dũng cảm bên ngoài chỉ là mặt trái thôi.

Xe lên tới Huế trời dịu hẳn. Về đến khách sạn Lam nói nhỏ với Bích :

– Mầy vào trước, tao đi đây một lát. Mua ít đồ kỉ niệm.

– Nhớ đường về chứ ? Bích nhìn bạn. Đã quen với tánh Lam, Bích vẫn lạ lùng.

Đẹp nhất ở Công ty, cô gái này rất ít khi cười. Khi người ta vui nó im lặng. Khi người khác nói nó cũng im lặng.

Đồng hồ chỉ 6 giờ vào một ngày nóng bức ở Huế chỉ mới hoàng hôn. Mẹ Lam có lần nói, hạnh phúc là cái chi vừa, đừng dư và cũng đừng quá thiếu. Bây giờ bà cảm thấy hạnh phúc vì không mong chờ ai và cũng không hờn oán ai. Nhưng cũng cần có một chút mơ, chút khao khát ở tuổi con, sau đó là thực tế chứ. Mẹ Lam cười – đúng vậy. Con lấy Cảnh không đến nỗi nào đâu. Lam không cãi lại mẹ. Giá như Cảnh ít thực dụng hơn.

Lam đi dưới hai vòm cây giao nhau trên đầu. Cảm giác nhẹ nhàng như mình đang ở chốn Thiên Thai. Ở thành phố có lúc nào yên tĩnh như nơi này, Huế là xứ sở của người lãng du dừng bước. Thật bất ngờ, người đàn ông đứng một mình giữa con đường vắng với chiếc máy ảnh trên tay. Anh đèn flash chiếu sáng trước khi Lam chợt nhận biết và lùi lại. Người đàn ông trong bóng chiều ăn mặc lịch sự, nét mặt ưa nhìn trông đã đứng tuổi. Mái tóc còn rất đen và đôi mắt thật sâu. Người đàn ông ngập ngừng một lát rồi tiến đến gần, cả hai mặt đối mặt nhìn nhau.

Ánh sáng loé lên trong tia nhìn thật sắc rồi tắt đi rất nhanh. Lam quay mặt đi.

– Xin lỗi tôi chỉ định chụp con đường. Giọng Huế ấm và truyền cảm.

Như vậy là ông ta đã. Người đàn ông chỉ gật đầu thay câu trả lời.

– Cô đến Huế lần đầu sao?

– Dạ.

Một trang tuyệt sắc. Tại sao cô ta ở đây, giữa chiều tà như thế này ? Làn da trắng, chiếc cổ thon, mái tóc xoã trên bờ vai. Cô ta trông giống một thiên sứ. Người đàn ông gỡ bức ảnh chụp lấy liền ra khỏi máy ảnh đưa qua. Lam kinh ngạc và bối rối. Dường như lần này về Huế, cái gì cũng mới mẻ, gần gũi và xa cách. Trìu mến và lãng quên. Lam không biết nên nói gì. Lời cám ơn thì thừa.

Người ta đang sửa sang Đại Nội, tái hiện một cung điện vàng son cũ. Con đường lát đá và trồng cỏ kia mới làm. Có lẽ cô cũng ở khách sạn Thành nội ? Nếu không xa chỗ trọ, tôi có thể đi với cô một vòng chứ ?

Nghĩa là họ cùng ở chung một chỗ. Lam gật đầu. Chiều xuống nhọ mặt người. Con đường trở nên âm u. Lần đầu Lam tận mắt nhìn cảnh mặt trời lặn. Và cũng lần đầu, Lam không dừng được chính mình. Âm vang bản Sérénade mẹ cô thỉnh thoảng đàn khi chiều xuống ( thật ra lâu rồi bà không đụng đến cây đàn ) vang lên từng nốt với muôn ngàn tiếng chuông rung.

Lam nhìn lên, bắt gặp đôi mắt đen nâu đang nhìn mình chăm chú.

Cả hai về đến khách sạn, Cảnh và Thắng đang nhốn nháo đi tìm. Người đàn ông rút lui. Cảnh nhăn nhó :

– Em đi đâu thế ? 7 giờ rồi, đoàn đang đợi em về ăn tối.

– Em chỉ đi dạo thôi.

Cảnh đưa hai tay lên trời. Anh chỉ chiều chuộng Lam Hồng, dù cô không đòi hỏi nhiều ở anh:

– Tối nay có dạ vũ, Giám đốc khách sạn thông báo hôm qua. Em quên rồi sao ?

Lam gật đầu mơ hồ. Cả người rã rời, cô lại không thích nhảy nhót. Bích, Thuý Loan, Ngọc, Thắng, đi đâu cũng mang nhạc nhảy đi theo. Ra đây thì khác. Cảnh luôn luôn tỏ ra độc đoán, làm như cô là của riêng của anh vậy.

Tối hôm đó họ là một cặp đẹp đôi nhất trong phòng. Người đàn ông có tham dự nhưng không nhảy. Ông ta chỉ ngồi nhìn. 11 giờ Lam cáo mệt bỏ về phòng mình. Bây giờ cô mới nhận ra sự có mặt của người đàn ông.

Đêm sâu như đôi mắt người đàn ông khiến Lam không ngủ. Gần sáng mới chợp mắt được một tí. Bích dậy từ bao giờ đang tập thể dục trên giường. Thấy Lam vẫn ngủ Bích nhảy xuống giật tung chiếc mền:

– Dậy, dậy đi Huyền Không. Giám đốc bảo đi sớm kẻo nắng, xe hơi không lên núi được. 6 giờ rồi đấy.

Lam uể oải dụi mắt ngồi dậy. Trong phòng bây giờ là cảnh hỗn loạn mặc dù chỉ có một mình Bích.

– Ê tao mượn cái chemise xanh da trời. Cái áo tao đỏ quá, đi chùa không tiện.

Trong va li ấy. Lam đáp rồi đi vào buồng tắm. Cũng may cô kịp nhớ treo áo dài lên mắc. Mẹ bảo đem áo dài theo, lỡ có đi chùa. Cảnh đã tuyên bố ra Huế đi chùa Huyền Không, xem lan và muốn biết mặt sư ông trụ trì, một người nổi tiếng tài hoa.

Bích lục tung cả lên, tiếng Bích léo nhéo tìm chuỗi hạt trai. Nó bảo tối nay đeo với chiếc áo đầm màu xanh, chiếc áo Bích chiếm dụng của Lam. Mỗi lần thấy bạn mặc áo dài – thật ra hiếm khi lắm – Bích trề môi : " Nữ tu sĩ ". Mà mình trông có vẻ nữ tu thật. Cứ như con Bích, mặc cái gì cũng hoa hoét, theo mốt như Thuý Loan, hoà vào cái chung, không ai để ý. Lam chải tóc. Một hai sợi rụng xuống bồn sứ. Sợi này cho Huy, sợi cho Cảnh. Sợi dài nhất cho đôi mắt đen. Lam gỡ sợi tóc dài ra khỏi lược đưa lên môi. Tiếng Cảnh ở ngoài :

– Rồi chưa các cô ? 6g20 rồi đấy. Mười phút nữa ăn sáng. 7g lên đường.

" Quỷ tha ma bắt những chiếc đồng hồ điện tử ". Lam nghĩ thầm. Sang năm chắc không đi kiểu tập thể này nữa, tuy đỡ tiền nhưng mất tự do. Mẹ khuyên Lam nên đi, còn con gái còn bay nhảy, lỡ sau này lấy chồng. Lấy chồng, làm như là một nhục hình nào đấy !

Đôi mắt Cảnh mở to khi Lam Hồng bước vào phòng ăn lớn của khách sạn. Người đàn ông cũng có mặt.

– Đẹp quá, cái áo may khi nào vậy?

Thật ra đó là chiếc áo Cảnh mua tặng Lam khi anh ở Úc sang Mỹ trước khi về nước mà anh đã quên. Chiếc áo màu hồng tro thật hợp với nước da trắng của cô. Bích bô bô: Con Hồng mặc áo dài hồng, lên chùa bỏ bùa cho...

Thuý Loan bợp tai bạn. Bích nhăn mặt không nói nữa. Cảnh nói :

– Lên chùa, các cô vào chùa, tụi này leo núi. Đi Huyền Không mà không leo núi cũng uổng.

– Cho em leo với, Thuý, Ngọc và Bích đồng thanh.

– Không được, các cô leo cho gãy cổ sao. Cảnh gạt phắt.

Bích mặc quần Jean túm, áo xanh da trời của Lam, mang giầy adidas. Lam ăn cho xong bữa sáng. Thuý Loan khều tay Bích :

– Ơ kìa, cha kia coi có đẹp trai không ? Hấp dẫn hả ?

Linh tính mơ hồ khiến Lam quay lại. Người đàn ông ngồi bàn bên kia khẽ mỉm cười gật đầu chào. Giữa ban ngày trông ông ta đứng đắn và cuốn hút. Bích quay nhìn rồi phán :

– Khó gì, mình "cưa" hắn mấy hồi.

Lam cảm thấy hạnh phúc.

Họ thuê xe gắn máy của khách sạn. Người đàn ông đi Dream. Cảnh chở Lam Hồng. Bích đeo Thắng, trợ lí Giám đốc. Người mà cô quyết tâm chinh phục. Đường đi khá xa. Quá chùa Thiên Mụ, qua Văn miếu đường càng gập ghềnh. Cảnh nói :

– Đi tu cũng không dễ, phải lên chốn non cao. Sau này, nữ tu sĩ, mình đính hôn đi. Chờ em lâu quá mòn mỏi mất.

– Nói bậy em nhảy xuống đó.

Đã một lần cô giận anh bỏ về. Cảnh mím môi. Người gì mà như cục đá. Chùa Huyền Không I mới làm lại, trông có vẻ hoa hoè. Lại tiếp tục đi. Đến chỗ rẽ, Cảnh dừng xe lại. Huyền Không ở chỗ nào ? Ngôi chùa trên triền núi không phải. Ai nấy nhìn bảng chỉ đường : " Huyền Không sơn thượng 4,2km ". Tất cả đều chưng hửng. Cảnh vòng xe lại hỏi người chủ quán.

– Huyền Không II ở trên kia. Đi vòng con đường ấy lên núi. – Người chủ quán la to – theo ông nớ, ông nớ lên chùa.

Người đàn ông đi xe Dream vượt lên trước. Cả đoàn rú xe theo sau. Đường lên núi bằng phẳng ở khúc đầu. Giữa đường họ dừng lại. Người đàn ông hì hục khiêng tấm gỗ to bên mé cầu để lót đường đẩy xe qua. Bắt đầu lên núi đường khó đi. Một bên vách núi dựng đứng, dưới kia là vực thẳm. Gió rít ù ù bên tai. Lam nép sát người vào Cảnh, anh cay cú vì câu trả lời thẳng, lầm lì không nói. Chiếc xe lên dốc chậm rì. Lên cao lạnh. Gió muốn nhức đầu. Cuối cùng khi đến trước tấm bảng đề : " Huyền Không II, 700 mét ", họ thở phào. Đường vô chùa có phiến đá dựng đề thơ, thủ bút có lẽ của sư ông. Qua rừng bạch đàn và thông reo, là lên tới đỉnh. Bao nhiêu cái nắng hè gay gắt trôi tuột dưới khe. Họ vào chùa. Chùa được dựng đơn sơ trên một vuông đất bằng, được chia theo một bố cục chặt chẽ giữa đất chùa và trồng lan, chỗ ươm cây kiểng. Bên thảo am ở hiên chùa sư đang giảng bài cho một đám phật tử. Con trai leo núi. Mây lưng chừng núi, cảnh như tranh vẽ. Con gái tản bộ. Tuy đang có hiện tượng Elnino, hoa trong chùa vẫn nở và cây cối xanh tươi. Hai bụi hoàng hậu nở hoa vàng, mỗi bụi hai bông. Hai bụi hoa khác nở hoa tím, và chỉ có vài bông. Lam và Bích đi vào vườn ươm cây. Bích luôn miệng hỏi : – Cây chi đây chú ? – Cây tùng tán. Còn cây kia, phải cây đa không? – Không, cây si. Những chậu kia là chậu gì? Đó là mai, ươm mai bán Tết. Có phải là cây sứ không? – Đúng, cây sứ. Những chú tiểu, người gánh nước người cho đất vô chậu, người tỉa cành, họ làm việc chăm chỉ, mê mải và vẫn tươi cười. Nắng vàng tươi. Đi vài bước, đôi mắt Lam dừng lại trước một chậu lớn nở hoa. Những cánh hoa nhỏ, màu tím biếc. Cành hoa nổi trên mặt nước đẹp thanh lạ lùng. Người đàn ông đâu đó ở gần. Chú tiểu nói :

– Đó là hoa súng Thái.

Mỗi chậu chỉ có một bông. Kỳ thật, màu hoa tím biếc nổi lên dưới ánh nắng chói chang. Những ưu tư đời thường trôi xuống đáy vực lúc họ vô vườn lan. Một màu xanh ngút mắt. Không thể nhớ hết những cái tên: Mãn đình hồng, nhất điểm hồng, tiểu hồ điệp, phượng vĩ, bạch hạc. Chợt con Bích la : Trời ơi, giò này đẹp hết biết. Nó chỉ một giò lan lá to, ngắn, mạnh. Chú tiểu đang tưói cây mỉm cười : – Đó là lan Đại hồ điệp, lan mạnh nhất ở đây.

Đoàn leo núi vừa về. Bích vội vã ra ngoài. Lam đi thẳng ra trước chùa đến khu rừng bạt ngàn thấp thoáng hoa dại. Một tấm bảng đề : " Rừng đầu đà, xin dừng bước ". Nhìn lên, mây trắng la đà, nhìn xuống, rừng ngút mắt với muôn ngàn hoa dại. Sực nhớ đến bông hoa tím biếc, Lam quay lui đụng phải người đàn ông. Trên vai lủng lẳng chiếc máy ảnh.

– Cô chụp một pô nhé ?

Quen biết tự kiếp nào ? Lời nói bung ra trước khi cô kịp nghĩ.

– Ông định chụp cái gì nơi đây ?

– Rừng xanh và mây trắng.

Những gì đang ẩn náu trong trái tim ta ? Lam có cảm giác đang trên chiếc tàu say. Con tàu định mệnh đưa cô lên đến đỉnh đèo, để cô tự do với núi cao và mây trắng. Người đàn ông chụp hình, Lam đi về phía thảo am. Sư đã giảng bài xong. Vòng ra phía sau, cô dừng lại trước một bông hoa tím biếc, nổi lên giữa giòng nước trong vắt với tấm bảng đề : " Khe rửa bút ". Họ vào thảo am. Lam chắp tay cúi chào sư. Sư đang mời tất cả vào.

– Các vị dùng chi ? trà hay nước sôi ?

– Dạ thôi nước sôi nguội cũng được.

Sư cười đôn hậu : – Chùa có giếng rồi, không thiếu nước mô.

Con Bích hỏi ngay :

– Thưa sư, nhà chùa đã lên ẩn chốn non cao, còn viết bảng chỉ đường làm gì ?

– Người ta vẫn lên đấy thôi, mà cửa từ bi thì không hẹp.

– Thế còn sự yên tĩnh ? Lâu lâu con Bích hỏi một câu nghe được.

– Yên tĩnh ở nơi chính mình.

Lời đồn về sư, một con người tài hoa : trước mặt họ, người đàn ông gầy gò, ánh mắt sáng tinh nhanh, giản dị, chân thật đến độ không ngờ. Thảo am đầy tranh và hoa. Cảnh yên lặng uống trà trong khi người đàn ông và Bích hỏi chuyện sư. Sư nói về cuốn sách đang xin giấy phép xuất bản, về những tập thơ đã in. Còn một cuốn " Chèo vỡ sông trăng " bụi bặm sư đề tặng con Bích. Bích là đứa thích đọc thơ. Trưa hôm ấy, đoàn ăn trưa trong rừng. Bữa ăn ngon miệng với bánh mì jambon, phó mát, thịt nướng và bia lon. Lam ăn nhỏ nhẹ. Cô ngồi đó, đầu óc để đâu đâu. Cảnh thỉnh thoảng lại nhìn Loan. Người đàn ông lặng lẽ ăn ở bên kia. Thúy Loan không ngừng nhìn ông ta. Những người khác cười nói ồn ào.

– Ông chụp cho chúng tôi vài pô nào, ông ơi ? Thắng đề nghị.

Người đàn ông bỏ chai nước khoáng xuống, đứng lên, ông ta bấm vài kiểu. Huy hết nhìn Cảnh lại nhìn người đàn ông và Lam. Chỉ còn chiều nay nữa. Trưa mai họ sẽ lên đường. Chuyến bay sớm. Lam ơi Lam, Lam đã phải lòng ai ?

Buổi tối Cảnh mời Lam đi ăn quán Âm phủ. Cô lấy cớ nhức đầu, từ chối. Lam không đi. Cảnh đi vơí Thúy Loan. Thắng chở Bích. Lam đi lang thang trên đường. Có ngày nào, Cảnh sẽ bớt tự tôn ? Cho dù như thế nữa cô sẽ không bao giờ bốc cháy cùng anh. Người ta hay nhắc đến ngày tận thế. Cô không tin lửa trời sẽ thiêu rụi hết. Vẫn còn một cái gì đấy không bị huỷ diệt. Có thể một ngày kia, non cao sẽ hạ thấp cùng với vực sâu, bên khe suối bông hoa tím tàn lụi. Cho dù như thế, thì lửa vẫn cháy trong trái tim. Tối nay có trăng, Lam vòng hai tay trước ngực, chợt cảm thấy mình đang rất lạnh, nhưng lại đủ đầy, bởi kí ức đang xôn xao. Chợt muốn nhấn tay lên những phím ngà. Hồi chuông rung ròn rã gọi kêu. Anh lửa lập loè trong đêm, dường như cái thú của người đàn ông là đứng một mình giữa đường vắng. Đôi mắt ông ta nhìn sâu thẳm.

– Xin lỗi đã làm cô giật mình. Ngày mai cô bay sớm, phải không ?

Lam lùi lại, cô biết trước thế nào cũng gặp, người đàn ông sẽ không mất hút mục tiêu. Ông ta không mất gì cả. Cô tiếc đã không mang theo chuyến bay giò hoa súng tím. Sư cho Cảnh một giò, với lời nói đùa :

– Đây là đặc biệt, những lần trước ai lên chùa, bán một giò năm chục. Bích la : trời ơi, nhà chùa mà cũng bán hả ?

Sư cười : Không bán, thì lấy chi đổi các thứ khác, như thực phẩm?

Nếu có con Bích, có lẽ nó sẽ hét lên rằng tôi đã yêu. Rằng tôi ghét biết bao những cuộc gặp gỡ như thế này. Tôi chưa muốn rời bỏ Huế vì tôi yêu Huế. Tiếng hét mãi mãi tồn đọng trong đáy tim, người đàn ông nói :

– Cho tôi giữ cái tên Lam của cô.

Không ai nói câu gì. Bản hoà khúc tưởng lên tới đỉnh cao chợt lặng chìm vào hư không. Bởi những nhịp đập dồn dập trong trái tim Lam, cô không còn nghe thấy gì. Chuyến bay cất cánh lúc 12 giờ. Cảnh theo sát Lam, săn sóc cô từng li từng tí. Huy ngồi sau họ. Máy bay chạy trên phi đạo. Lam không nhìn ra cửa. Người đàn ông trả phòng từ sáng sớm. Ta đang lên cao, lên cao cùng với mây. Ông định chụp cái gì nơi đây – rừng xanh và mây trắng. Ai đó nhắc Lam nhớ lời của sư : " Ra đi và trở về không khác gì, đỉnh non cao và mây trắng vẫn còn bay ".

Còn bây giờ – Lam nhắm mắt lại, ngả đầu vào ghế – tôi biết tìm đâu dưới nắng hè gay gắt giò đại hồ điệp vẫn vươn lên mạnh mẽ và bên khe suối hát, bông hoa tím biếc vẫn đâm chồi ? Trong gói nhỏ ông ta nhờ Bích đưa lại là tấm ảnh Lam đứng trước rừng đầu đà. Và tấm danh thiếp vỏn vẹn một hàng chữ : Sư huynh Trần xuân Minh.


Hoa Liên


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us