Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Trường ca Hồi ức về những con đường... / Hồi ức về những con đường đất tôi đã đi qua (14-20)

Hồi ức về những con đường đất tôi đã đi qua (14-20)

- Nguyễn Thanh Hiện — published 11/10/2013 17:00, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:20

Nguyễn Thanh Hiện


TRƯỜNG CA


HỒI ỨC VỀ NHỮNG CON ĐƯỜNG ĐẤT

TÔI ĐÃ ĐI QUA




Mười Bốn,


Tình Yêu Của Tôi Và Em Không Thể
Khiến Cho Một Mùa Thu Ẩm Ướt
Không Còn Ẩm Ướt,



tháng giêng
ai còn nhớ một cành lá đơn sơ
giữa ngàn cánh lộc,


liệu có ai đó đã nói ở trong tôi

thi ca là thứ khi người ta không thể giữ mãi trong lòng mà phải nói ra

nhưng ở đây chẳng phải thi ca

mà những ký ức về em

những biến cố nơi mặt đất có làm chúng trở nên lẫn lộn trước sau

nhưng hết thảy đó là những chuyện thật có hình thù một câu chuyện cổ tích ai đó đã viết ra trong trí nhớ tôi giờ tôi chỉ cần nhớ lại

tôi thấy trong trí nhớ tôi một tháng tám ẩm ướt

một mùa thu ẩm ướt

ẩm ướt cả những hòn sỏi dẫm dưới chân trên con đường vào làng

hay người ta đã khóc quá nhiều nước mắt ngấm cả vào đất trời

trong quá khứ người làng ấy đã khóc vì chuyện con người với con người đánh nhau chí tử

giờ lại khóc vì chuyện cơm áo

cuộc chiến với cơm áo lại cũng là cuộc tử chiến

vừa khóc chuyện cơm áo lại vừa phải ngợi ca sự oanh liệt của những người đã chết trong quá khứ

tôi biết tình yêu của tôi và em là chẳng thể khiến cho một mùa thu ẩm ướt không còn ẩm ướt,






Mười Lăm,


Nhưng Có Phải Đấy
Là Cách Thức Để Tồn Tại,



em thấy không
cát biển phủ kín dấu chân những kẻ
vừa bước vào cay đắng,


cũng phải nói thêm rằng tôi và em cũng đã hiểu ra vì sao người ta phải ca ngợi quá khứ

hóa ra ngợi ca quá khứ ở cái ngôi làng còn đói cơm ấy cũng chính là ngợi ca người nữ trưởng làng từng có mặt trong cuộc chiến giữa con người với con người trong quá khứ,


người ta đã nói quá nhiều về những cuộc chiến nơi xứ sở của tôi và em

tôi chẳng thể nói thêm được điều gì

chỉ có chút nghĩ ngợi về những nghĩ ngợi của người khác về những cuộc chiến ấy

ở ngôi làng tôi và em ngang qua lần ấy là người ta có cách nghĩ ngợi của riêng mình,


mùa thu

những con đường vào làng như đang muốn dấu diếm điều chi với những kẻ đang đi tìm cái có thể

em nói,


tôi nói đấy chẳng qua là những cảm nghĩ mơ hồ của khách đường xa,


nhưng em nói là em nghe được cả cách trở mình nhẹ nhàng nhưng đầy ẩn ý của những hòn sỏi đang dẫm dưới chân,


tự dưng tôi cũng cảm thấy có phần u ám về một mùa thu đang phủ xuống ngôi làng

ngay tự lúc mới bước vào làng tôi và em đã nhìn thấy những biểu tượng về niềm tự hào quá khứ (nụ cười chẳng chút gắng gượng nơi gương mặt bà lão khi nhắc về những đứa con của mình đã chết và những câu hát ru nghe vẳng lại từ những ngôi nhà vách lá như những bản hùng ca một thời có những kẻ ra đi giữa sắc nắng mùa xuân…),


thì ra cuộc chiến cơm áo ở ngôi làng ấy cũng chẳng kém phần oanh liệt

con người thì chẳng tiếc cả hơi thở và máu

nhưng tự nhiên vẫn không hề tỏ mỗi chút trắc ẩn

vẫn cứ cằn cỗi như đã cằn cỗi tự thuở ban đầu

và vẫn cứ không một dòng sông như tự buổi con người lập đất

tồn tại vẫn là sự kết hợp nghìn đời của đất và nước

nhưng ở ngôi làng có niềm tự hào về quá khứ ấy thì đất và nước vẫn ngàn năm riêng mỗi góc trời

tự nhiên nơi ấy đã không cho con người đến nửa dòng sông

và cũng không cho con người tạo ra nửa dòng sông

không có lúa thời con gái mơn mởn giữa đồng nước đồng làng

thì người ta phải xoay qua hát về quá khứ,

 

tôi và em đã nhìn thấy một thứ ảo ảnh có hình thù của oanh liệt hiện ra giữa một mùa thu ẩm ướt

có thể đấy là cách thức để tồn tại

hay cũng có thể là bị bắt buộc phải tin vào ảo ảnh để tồn tại,


có thể là người ta không muốn để cho tôi và em nhìn thấy quá khứ oanh liệt ở nơi người nữ trưởng làng

đến lúc rời khỏi ngôi làng

tôi và em vẫn chưa được gặp mặt người nữ trưởng làng ấy,


tôi có thể cùng em cùng với người làng ngợi ca một quá khứ thần thoại như một cách thức để tồn tại

nhưng là tôi chẳng thể ca ngợi em bỡi em là thuộc về tôi cũng như tôi là thuộc về em,


dường như người ta chỉ có thể ca ngợi những gì còn ở phía thật xa,






Mười Sáu,


Và Em Nói Với Tôi Là Em Đã
Thử Trở Lại Khu Vườn Cũ Ấy,



tôi như vừa bước ra từ khu rừng hoang tiền sử
gặp em
và yêu em,


sau này em đã kể lại cho tôi nghe là em đã thử trở lại khu vườn ca đoàn rao giảng văn minh, hãy đi nơi khác đi đồ nguy hiểm, bác giữ vườn nói xong thì khóa chặt cửa vườn, và lặng lẽ bỏ đi, em nói là lần đầu tiên em nhìn thấy ông ta nổi giận, người đàn ông mà theo em là hết mực trung thành với những dẫn dắt chí tình trong cuốn cổ thư được làm ra tự những thế kỷ trước, con người ấy cứ cúi gằm xuống mảnh đất mà trước đấy không lâu em vẫn ra công chăm bón, ông ta cứ cúi gằm xuống con đường dưới chân, lặng lẽ bước đi, làm như thể đang vô cùng lo lắng về một thứ tai họa nào đó vô cùng nguy hiểm sắp giáng xuống cuộc đời mình, em nói, vào phút giây ấy, em cũng bỗng thấy giật mình về mình, thì ra, trong cái giây phút đầy bi tráng ấy, em cảm thấy hoang mang mờ mịt về mình, tôi là ai, và đương ở chốn nào, em nói, bấy giờ thì em cứ muốn hét lên cho cả thế giới biết là em đang hoang mang mờ mịt về chính mình, bỗng dưng người đàn ông quen thân bấy lâu bỗng tỏ ra căm ghét và vô cùng lo sợ khi gặp lại em, em nói như có một cái gì đó, thật kỳ bí, của lịch sử, đang chen vào giữa dòng chảy của cuộc trần thế, nhưng tôi biết là người ta vẫn lo sợ về em, người con gái biết lắng nghe tiếng trở mình của những cánh hoa giữa tiết chuyển mùa, và phân biệt được ý đồ của lũ ong hút mật, mùa thu năm ấy em đã thử trở lại mảnh vườn em từng thiết tha gắn bó, và lặng lẽ ra đi như một thử thách nghiệt ngã, và không lâu sau đấy, trong cuốn sổ hộ tịch của tôi được ghi thêm tên người tạm trú đầu tiên và cuối cùng trong cuộc đời tôi, là em,






Mười Bảy,


Lại Nghĩ Về Câu Chuyện Cổ Tích,



cay đắng của tôi và em là một
niềm vui của tôi và em là một
tình yêu ấy cứ như ngọn lửa
cháy hoài trong ký ức tôi,


em, mấy mươi năm vẫn còn nguyên hình ảnh những tháng năm mới bắt đầu câu chuyện cổ tích, người con gái bước ra từ một ca đoàn lừng lẫy với tâm trạng hoang mang, phải từ bỏ một chỗ đứng trong cuộc sống chính nàng chọn lựa là do người ta phát hiện rằng nàng đang mang trong người dòng máu của một dòng họ chẳng phù hợp với kẻ làm công việc rao giảng văn minh, vào một ngày đầu mùa xuân, những nhà thông thái cai quản ca đoàn hô hoán rằng nàng đang mang lại sự hiểm nguy cho xứ sở, có nghĩa nàng đã bắt đầu cuộc đời luân lạc của mình vào lúc cây lá trên rừng đang đâm chồi nảy lộc, chẳng ai dám nói tiếng nào, trừ chàng trai vốn đọc sách và cày ruộng dưới chân ngọn núi ấy đứng ra làm kẻ hiệp sĩ thời nay cùng người con gái bước vào thế kỷ u buồn, em, mấy mươi năm vẫn còn nguyên trong trí nhớ, tôi và em như hai con người nhỏ bé bỗng hiện ra giữa một thế giới rộng lớn có tiếng cười sảng khoái của những kẻ đang mang trong người niềm tin bất tận về những thứ lý lẽ tuy đã cũ nhưng vẫn còn thu hút sự chú ý của thế giới,






Mười Tám,


Và Sự Êm Ả
Trong Nghĩ Ngợi Về Tình Yêu,



và sau đó cả nghìn năm
không gặp lại
tôi vẫn chẳng thể quên dáng hình em
tôi vẫn mệt lả trong những tháng ngày
tìm kiếm
vẫn cứ muốn trần truồng bước
giữa những lời hò hét
mặc ngai vàng
mặc lũ vua quan
con cuốc gọi
xé lòng kẻ ở,


tôi và em sống được là cũng nhờ có niềm tin bất tận vào những lý lẽ của tình yêu

vẫn thấp thoáng phía trước một khung trời

sáng sủa và bình yên

buổi sớm mai nhìn mây bay giữa những cánh chim phóng túng


sự ra đời của những vì sao trẻ mang lại những âm hưởng mới mẻ

bên dưới bầu trời bình yên là một mặt đất bình yên

chẳng còn nghe thấy tiếng cãi vã nhau của những kẻ lấn đất

chẳng còn nghe thấy những lời giả dối phỉnh nịnh nhau của các vị chủ tể của đất

những ngôn ngữ về hận thù về áp bức thống khổ trở nên xa lạ đối với con người nơi mặt đất bình yên

sự êm ả trong nghĩ ngợi về tình yêu tựa bản giao hưởng vĩ đại do bàn tay tài hoa của đất trời tạo dựng,

 

và tôi với em sống được là cũng nhờ có những giấc mơ như những lý lẽ trần thế vẫn diễn ra hằng ngày trong ý nghĩ ,




Phụ Lục,


Nhật Ký Những Giấc Mơ,



là con người thì ngươi có quyền tiếp tục
những giấc mơ của mình

LỜI CỦA CÁC VỊ THẦN TRÊN NÚI CÔ QUẠNH,


Ngày… tháng,

là đang giữa thu, núi cô quạnh có lắm hoa dại đang tàn, sao vẫn nghe tiếng chim tiếng suối, có đủ cả sắc màu của cỏ cây, mà vẫn thấy cô quạnh trong lòng, em nói, tôi nói thì núi là núi cô quạnh thì sao chẳng thấy cô quạnh trong lòng, hay là cứ thử ngồi lại chốc lát bên cuộc trò chuyện của chim, tôi chợt nảy ra cái cách nhằm để cho em vui, trên lùm cây sâm thương bên bờ suối ở gần đấy lũ chim áo xanh đang bàn luận chuyện đi trốn thu, tôi nhìn thấy nơi ánh mắt em như đang ẩn dấu một nỗi niềm, còn lời lẽ lũ chim thì cũng chẳng lấy gì làm vui, mà ai lại đem đặt nơi đây niềm cô quạnh để cho ngày nào anh cũng phải mang thơ lên núi, em nói, tôi nói là cõng, chứ chẳng phải là mang, đem thơ lên núi là để cho trần gian bớt niềm cô quạnh, còn tôi và em thì cũng vơi đi những rối rắm trong lòng, tôi nói,


Ngày…tháng,

tôi lại cõng thơ và đưa em lên núi, qua suối ràng, em vấp chân, ngã, không còn bước được nữa, trên đường lên đỉnh núi, lúc bấy giờ trên lưng tôi có cả thơ và em, là tôi đang cõng cả một bầu trời trong sáng, tôi nói, thấy em lặng thinh, tôi hơi ngại ngùng, bảo rằng khi yêu nhau thì kẻ ta yêu là còn hơn cả một bầu trời trong sáng, nơi đỉnh núi em trở nên tươi tỉnh hơn là lúc vấp ngã ở nơi bờ suối, sao lại bảo thế này là cô quạnh, em nói, gần như kêu lên, và bảo tôi là hãy cùng em cùng thâu tóm cho hết cái thế giới muôn màu đang ôm ấp lấy núi sông, nhìn lên bầu trời xanh trong ở trên đầu, tôi chợt cảm thấy thân thiện biết bao, cái vật thể rộng lớn vào những lúc khác chỉ là một bầu trời bao la nhưng vào lúc ấy thì như tặng vật trời đất tặng riêng tôi và em, ai đem đặt giữa cuộc trần thế âm vang của lặng thinh lả tả giọt nước mắt của gió cuốn theo những đợi chờ, trời đất ơi, em thuộc thơ tôi tự bao giờ, em đọc thơ tôi mà cứ tưởng của ai.


Ngày…tháng,

tôi lại cõng thơ và đưa em lên núi, ở nơi chân núi, tôi và em đã gặp ông lão chăn trâu ấy, sao kỳ này các vị đi chơi núi trễ vậy, thì ra ông lão đã nhìn thấy tôi và em những lần chơi núi trước, sở dĩ ông hỏi thế vì lần này tôi và em đi núi cô quạnh vào lúc người ta sắp mãn buổi cày sáng, mà sao núi lại là núi cô quạnh, thưa ông, cứ nghĩ em hỏi là để đáp lễ việc chào hỏi của ông lão, nhưng không phải, thì cũng tại con người đấy thôi, ông lão nói, cái cách nói của ông lão đã lập tức khiến tôi và em muốn nán lại nơi chân núi, tôi thì tò mò muốn biết cái cách kiến giải của ông lão có giống với người làng tôi hay không, còn em, tất nhiên là em còn muốn biết nhiều thứ hơn tôi, đứng nơi chân núi mà nhìn, núi cô quạnh tựa kẻ to lớn nghiêm trang đứng nhìn thế gian nhỏ bé đang vây bọc quanh mình, cũng tại con người đấy thôi, vào thời nào con người cũng gian dối, nên núi mới thấy cô quạnh, ông lão nói, và đi lùa trâu, em nói là em cảm thấy buồn, tôi nói hay là lần này chỉ dạo chơi ở chân núi rồi về, nhưng em nói em cứ thấy như là em đang có lỗi với núi, em buột nói lời ấy khi tôi và em đứng trước cái gọp đá to lớn có vẻ giống như bầy voi to lớn đang nằm, buổi trưa, nghỉ ở cái gọp đá voi nằm, em cứ nhắc đi nhắc lại là em có cảm tưởng là đang có lỗi với núi, tôi nói là tôi cũng cảm thấy có lỗi với núi, nhưng là em đã nhìn thấy được nơi trú ngụ của trái tim mình, đang nói về núi, em chợt nói ra lời ấy, và cứ đăm mắt nhìn tôi, và tôi thì cũng chỉ biết lặng lẽ nhìn em, tôi thấy như từ nơi ánh mắt em đang tỏa ra những nỗi niềm cô quạnh,






Mười Chín,


Và Bây Giờ Thì Trên Nẻo Đường Đến
Đồng Làng Vang Tiếng Ếch Nhái,



tôi vẫn mong sao những kẻ có lỗi hay không có lỗi
với cuộc sống đều cảm thấy vui khi đọc những
dòng hồi ức của tôi,


trong những tháng năm phiêu bạt

tiếng ếch nhái kêu như dáng vẻ đơn sơ của đất luôn nhắc nhở tôi và em,


phiêu bạt

và những lời nhắc nhở của đất

chỉ chờ cho con người chịu đổ mồ hôi ra thì đất chẳng tiếc,


mỗi lần nghe ếch nhái kêu tôi lại nghĩ đến thuở hoang sơ

hoang sơ trong tiếng gió gào buổi tàn đông

hoang sơ trong tiếng chim thức giấc giữa trưa nắng chói

và cả trong những nghĩ ngợi chân thành và cháy bỏng của con người

một cuộc thử sức vô tình nhưng tàn khốc của đất

ai đứng lên

và ai ngã xuống giữa những năm tháng hoang sơ

cuộc thử sức tàn khốc của đất kéo dài cho tới hôm người ta nghe thấy có tiếng ếch nhái trên đồng làng,


em

mấy mươi năm vẫn còn nguyên trong trí nhớ tôi hình ảnh người con gái đội nón lá đi chân đất đến đồng làng

trong tâm tưởng tôi tiếng ếch nhái như lời chân tình của đất gửi tới người con gái đội nón lá đến đồng làng để tìm cái có thể

chẳng ai ngờ trong những người con gái đội nón lá đi chân đất đến đồng làng thuở ấy

lại có em,


tiếng ếch nhái kêu như đang lẫn vào những lời ngợi ca xứ sở đang vang lên khắp nẻo đường làng

nghe tiếng ếch nhái kêu tôi và em cứ thấy hồ nghi

(những hồ nghi vẫn dấu sau sắc nắng mùa xuân

bao nhiêu kẻ ra đi giữa sắc nắng mùa xuân vẫn chẳng thấy về )

mà tiếng ếch nhái nơi đây sao chẳng giống với tiếng ếch nhái vẫn thường nghe thấy trên những đồng làng

nghe tiếng ếch nhái kêu đang lẫn vào những lời ngợi ca xứ sở tôi và em cứ thấy hồ nghi trong lòng,


đâu phải ếch nhái kêu

mà là những kẻ ngông cuồng của thế kỷ đến từ phía mặt trời lặn vẫn giấu mặt trong buổi chiều hôm giả dạng tiếng ếch nhái để lung lạc lòng người,


nhưng lung lạc thế nào,


quyến rũ những kẻ ngông cuồng trong làng thay đổi cách cấy cày thay đổi cách nghĩ ngợi về những ân huệ của các vị thần vẫn nhìn ngó từng miếng cơm manh áo người làng

bao nhiêu năm qua những kẻ ngông cuồng đến từ phía mặt trời lặn luôn câu kết với những kẻ ngông cuồng trong làng làm khổ người làng,


tôi và em trò chuyện với người làng

mà như thể trò chuyện với những người cõi khác

chẳng phải cõi người,






Hai Mươi,


Và Sự Bí Hiểm Của Lịch Sử,



cuộc đời vẫn trao gửi cho
tôi và em
những tặng vật
chưa hề trao gửi cho ai,


thời ấy là em cũng hát những bài hát người ta nói là bài ca thời đại

những bài ngợi ca đất nước

ngợi ca tự do

thì bấy giờ

em cũng khóc

cũng cười

như cái cách khóc cách cười của mọi người

trên thứ đất đai màu vàng sẫm lúc nào cũng nghe thấy tiếng khóc lẫn tiếng cười em vẫn hát những bài ca có tên bài ca thời đại

vậy thì lúc nào dòng máu em trở nên nguy hiểm đối với xứ sở


em

mấy mươi năm trong trí nhớ tôi vẫn còn nguyên niềm hoang mang về sự bí hiểm của lịch sử [*],



_______


[*] Nói Thêm Về Sự Bí Hiểm Của Lịch Sử,


mùa hè đó em đã tìm thấy thứ lời nói bị thất lạc đã bị kẹt giữa một triều đại đã mất cũng chẳng ai biết là đã bị kẹt cách làm sao mà những lời ấy đã hóa thành chuyện kể những lời nói lại được truyền đi từ những lời nói,


để làm mới lại cuộc đời người ta phải ăn hết những gì được truyền lại tự những nghìn năm trước,


trời đất sẽ trả công cho bọn ngươi khi cuộc đời đã được làm mới trở lại

người trông coi công việc làm mới cuộc đời

nói,


và người ta bắt đầu ăn những thửa ruộng vốn được gieo trồng tự thời con người biết đem hạt giống vùi xuống bên dưới mặt đất

những ngọn lúa vừa mới lên đòng là được nhai ngấu nghiến để đưa vào bụng những người đương làm công việc làm mới cuộc đời,


có thể là đói khát khi chẳng còn những ngọn lúa lên đòng

trong khi nhai ngấu nghiến những ngọn lúa vừa mới lên đòng để đưa vào bụng

có người nghĩ,

 

trước khi làm công việc làm mới cuộc đời lũ ngươi hãy hôn lên vầng trán mặt trời

người trông coi công việc làm mới cuộc đời

nói,


và những người đang ăn những cánh đồng lúa của mình hôn lên vầng trán mặt trời

dưới ánh mặt trời đang chiếu rọi trên đầu

những người làm công việc làm mới cuộc đời đã ăn hết lớp đất đai nuôi cây lúa những nghìn năm qua

và bắt đầu ăn lấn sang thứ đất đai màu đen xỉn có chứa những hình thù kỳ dị trông tựa hồ như những ai đó đã nằm ở đó tự hồi nảo hồi nào để còn để lại những dấu vết ở đó,


là hóa thạch người đó

lũ ngươi cứ tiếp tục công việc của mình đi

người trông coi công việc làm mới cuộc đời

nói,


dường như kẻ ấy biết rất rõ về những dữ liệu gọi là hóa thạch người

và những người làm công việc làm mới cuộc đời như có vẻ hơi do dự khi nhìn thấy những hình thù có vẻ rất giống mình,

 

trời đất sẽ trả công cho bọn ngươi khi cuộc đời đã được làm mới trở lại

người trông coi công việc làm mới cuộc đời

nói,


và những người làm công việc làm mới cuộc đời bắt đầu ăn ngấu nghiến những hình thù đã quá cũ kỹ của con người,


nhà thông thái cai quản ca đoàn rao giảng văn minh nói ông nhìn thấy rất rõ dòng máu em đang mang trong người sau khi đọc xong những lời nói bị thất lạc em đã tìm thấy

và em đã bị tống cổ khỏi ca đoàn ngay sau cái nụ cười tủm tỉm ngu muội của mình,




(còn tiếp)


Xem các bài đã xuất bản tại đây



Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss