Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Trường ca Hồi ức về những con đường... / Hồi ức về những con đường đất tôi đã đi qua (35-37)

Hồi ức về những con đường đất tôi đã đi qua (35-37)

- Nguyễn Thanh Hiện — published 23/11/2013 00:00, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:20

Nguyễn Thanh Hiện


TRƯỜNG CA


HỒI ỨC VỀ NHỮNG CON ĐƯỜNG ĐẤT

TÔI ĐÃ ĐI QUA




Ba Mươi Lăm,


Thời Của Trí Tuệ Lưu Đày,



từ tình yêu của em tôi đã nhìn thấy dòng chảy
bất tận của cuộc trường tồn
và đằng sau nó luôn
hiện ra gương mặt của cả văn minh lẫn man rợ,



và trước đó khá lâu thì tôi đã viết về một loài hoa, người ta nhìn thấy sự nhạy bén trong tiếp xúc của chúng, đã gán cho chúng vẻ e thẹn của một người con gái, người ta gọi hoa là hoa mắc cỡ, thậm chí còn nói là vẻ e thẹn của một người con gái tiết trinh, hoa trinh nữ là cái tên mang màu sắc thi ca người ta đã gán cho một loài hoa dại, và tôi đã bỏ em một mình trong cuộc hành trình đi tìm cái có thể để lên rừng ăn nằm với người trinh nữ của rừng xanh, đêm, tôi khẽ chạm vào hoa, quả tình là trinh nữ của núi đồi, những chiếc lá nhỏ nhắn, hay là xiêm y của trinh nữ, vội khép vào thân hình nhỏ nhắn, cứ nghĩ đấy là chuyện trong đêm, đợi đến lúc mặt trời soi rõ núi rừng, tôi lại thử khẽ chạm vào người trinh nữ của rừng xanh một lần nữa, giữa ánh bình minh tôi nhìn thấy rõ niềm e ấp của hoa, cho đến hôm, ở khu rừng ấy, máu những cây gỗ quí của trời đang thấm ướt đất đai, và khoai lúa ai đó gieo trồng đang bị đè bẹp ở bên dưới sức vươn dậy có vẻ tàn bạo của đám hoa trinh nữ, hết thảy lúa khoai đang lên là đang nằm bên dưới một thứ vòm trời xanh rậm làm bằng hoa lá của loài cây trinh nữ, người ta chỉ nhìn thấy đám cây trinh nữ ở một cách thế tồn tại khác, nhưng tôi thì đã nhìn chúng ở một cách thế tồn tại khác nữa, một loài cây trời đã nhìn thấy được qui luật lịch sử của con người, khi con người ngu ngốc phá bỏ rừng cây quý như vàng để thay vào đó thứ lúa khoai ọp ẹp trên đất rừng, thì chúng, loài hoa tưởng là trinh trắng ấy, lập tức đến lấn chiếm chỗ của lúa khoai, tôi đã nhìn thấy đằng sau cái dáng vẻ thi ca ấy là những mưu toan đen tối, nếu không nói là tàn bạo,


những nhà thông thái đương đại thời ấy là gồm những người được gọi là thi sĩ chuyên viết những câu thơ sao cho giống với hình thù những câu chữ trong cuốn cổ thư được chép tự những thế kỷ trước, là gồm những người được gọi là nhà sử học tuy chưa có trước tác lịch sử nào nhưng khi nói về lịch sử loài người theo cái cách nói trong cuốn cổ thư được chép tự những thế kỷ trước thì đến hằng vạn năm sau ngày đêm đốt đuốc tìm vẫn chẳng tìm thấy những người như thế, những nhà thông thái đương đại thời ấy là bao gồm những người được gọi là những nhà văn hóa kiệt xuất, những nhà lý luận kiệt xuất, tôi vẫn nhớ thế, hết thảy những nhà thông thái lúc bấy giờ là đều kiệt xuất,


bài thơ tôi viết tặng hoa trinh nữ đã đến tay các nhà thông thái đương đại

ban đầu bọn họ chỉ nói theo cách nói của những người thưởng thức thơ

(thơ viết lạ nên khó gây ấn tượng )

bấy giờ là tiết chuyển mùa

đang vào mùa hè

hay là cái nóng nung của đất trời khiến các nhà thông thái đương đại nổi cơn thịnh nộ khi đọc lại thơ tôi viết tặng cho hoa,


người ta đã nhìn thấy con rắn vườn địa đàng thuở ấy bò vào xứ sở của tôi

và phun ra thứ nọc độc đương đại

người ta chưa gọi tôi là rắn

cũng chưa nói tôi phun nọc độc

chỉ bảo thơ tôi là nọc độc của thời đại,

 

những chiều buồn cùng em lang thang trong cuộc hành trình đi tìm cái có thể

tôi vẫn mang thứ tâm trạng bi thiết như đang bị lưu đày trên chính mảnh đất mình được sinh ra,






Ba Mươi Sáu,


Khúc Hoan Ca,



ai la hét ở đầu kia mặt đất
hay những kẻ ngông cuồng của thế kỷ lại đang gây gổ
một thoáng trần gian nặng trĩu trăm năm,


và thứ tâm trạng bi thiết ấy vẫn cứ đeo đuổi tôi cho đến khi chỉ còn mỗi mình tôi trong cuộc hành trình đi tìm cái có thể

tôi nhớ đến em

nhớ đến những ngày tôi và em lang thang trong thứ tâm trạng lưu đày

để chống lại buồn nhớ

tôi viết khúc hoan ca Rốt Cuộc Thì Cũng Trả Được Mối Thù,


ta nhớ lúc bấy giờ là lão ta nhìn ta cười, vừa mới bước ra khỏi cuốn cổ thư lão đã nhìn ta cười ngạo mạn, chúng khạc nhổ ra trên giấy rồi bẹo môi léo lưỡi bảo là tinh hoa trí não, đồ lừa lọc nhân gian, là lão chửi kẻ làm ra sách, tất nhiên là ta phải lên tiếng, sách là do lớp người đi trước làm ra, nhưng là đang nằm trên giá sách nhà ta, nên sách là của ta, phỉ nhổ sách hay đốt sách không phải là việc làm hay ho, ta nói theo cách nói của thế gian, đây không phỉ nhổ, không đốt, chỉ xé toạc vô minh, lão tà giáo xốc áo đứng lên, ta lật đến trang cổ thư ấy thì lão ta từ những dòng chữ ấy bước ra như một kẻ vô danh, tà giáo là cái tên ta đã gán cho lão lúc lão đã đi khỏi, còn lúc lão xốc áo đứng lên nói thì căn phòng như dãn ra trước thứ ngôn ngữ phong nhiêu của lão,


nghìn năm triệu năm bóng trăng đáy nước, vồ lấy cái đẹp nơi dòng sông, huyễn hoặc vút tận trời, hồn chết, kẻ ở người đi, từ ngày làm ra chữ viết con người đã biết cách chơi lấy hồn ra lấy hồn vào, biết cách lấy chữ nặn ra ngọn gió thổi mây, nhưng ngươi có biết không, đấy là cách chơi của kẻ ngồi nơi đỉnh núi chơ vơ, nhưng chơ vơ là núi nào, đừng tưởng là đông vui cõi thế, xưa có kẻ khóc cạn nước mắt thì bỏ lên ngồi ở đỉnh núi chơ vơ, hóa ra lũ muông thú trên rừng cũng đang ăn nhau, bèn lấy chữ nặn ra niềm cô độc, nhưng đấy chỉ là chuyện nhỏ,


còn chuyện lớn là sao, ta cố lần dò tông tích của lão,


sủa là cách diễn đạt những nghĩ ngợi của chó, may ra, có trục trặc nào trong tiến hóa, nhưng chưa chắc là không còn sủa, sở dĩ diễn đạt bằng sủa là do lũ chó không có chữ viết, con người nghĩ ra được chữ viết quả là chuyện lớn, đã có chữ viết mấy trăm nghìn năm nay, nhưng có kẻ vẫn cứ muốn diễn đạt theo cách của chó, chúng nó vừa sủa, vừa khạc nhổ ra trên giấy, chứ sử sách gì,


ta đang đọc là sử của làng, nhưng lão tà giáo bảo chẳng phải sử sách chi cả, cũng có sông núi, ruộng đồng, chim chóc, cũng có những đàn ông đàn bà hỉ nộ ai lạc dưới bầu trời trăng sao, cũng có phân biệt giữa chánh với tà, giữa thiện với ác, bắt đầu là sao, kết thúc là sao, thì sao không là sử sách, cứ tưởng là lão sẽ nổi giận vì cách chất vấn của ta, nhưng không, ta lại sợ ngươi bị chìm vào cõi tăm tối, lão lại răn bảo ta,


xưa có người ngủ dưới gốc minh linh suốt mấy mươi năm để nghĩ ra cách làm cho cây minh linh trổ hoa suốt bốn mùa, chuyện ấy có chép trong sách ấy không, những nghìn năm qua, đám dân của làng vẫn âm thầm sống với mảnh đất sỏi đá, không nửa lời oán trách, vì đất trời đã ban cho đất đai để sống thì sao còn oán trách, chuyện ấy có chép trong sách không, những nghìn năm qua đám dân của làng vẫn cứ chửa đẻ không ngừng để cho nước có dân, để cho đám vua chúa các triều đại có lính tráng canh giữ bờ cõi, canh giữ ngai vàng, chuyện ấy có chép trong sách không,


sách chép là chép công lao trị nước của các triều đại, dân sống được là do cái phép cày vua ban, chứ không phải là do cái cách cày của dân, sách chép là chép cái sức giàu của nước, rừng vàng, biển bạc, kho lẫm luôn đầy, sách chép là chép cái sức mạnh của một nòi giống, người đông, đánh chiếm giỏi, lừng lẫy bốn bể mười phương, là chúng nó sủa phải không,


lão lại tiếp tục tấn công ta, nhưng còn khạc nhổ, ta lại vặn lão,


ca ngợi bọn vua chúa kê giường trên đầu dân để ngủ với đám mỹ nữ thì không khạc nhổ là gì,


lão tà giáo nói, và giật lấy cuốn cổ thư trong tay ta, xé toạc một trang, là phép màu ư, từ nơi trang sách nhàu nát lại bước ra một người con gái, ta thích mà sợ, cô gái choàng lên người lão tà giáo chiếc nhung y, để có sức mà xé toạc vô minh, cô gái nói, một cuộc hát thơ,


em đi giữa khuôn trời lạnh ngắt trăng sao, tiếng chào hàng của những kẻ cố giữ lấy giọng nói như đang nghẹt giữa kẽ nứt của đêm, gió treo ngược buổi sáng có mặt trời đã khuyết mất bình minh, em lao vào cuộc chờ chực chia phần, tiếng chào hàng như cứ tiếp tục vang lên từ kẽ nứt của đêm, chen nhau nhận lấy nhân phẩm từ những kẻ chào hàng em như gần hụt hơi giữa những buổi sáng có ánh mặt trời đã khuyết mất bình minh, các cuộc ban phát như cứ nới rộng ra, cứ nới rộng ra, mặt đất đầy dẫy những cuộc chờ chực chia phần, nhân phẩm trở thành thứ vật liệu thông dụng luôn được nói ra từ cửa miệng của những kẻ chào hàng, cho đến hôm người ta bảo em là kẻ biết chào hàng, em đã lập tức được đứng vào chỗ những kẻ chào hàng không phải để ban phát mà để nhận lấy nhân phẩm được ban phát từ những kẻ chào hàng đang cố giữ giọng nói, em như gần hụt hơi vào những sáng những trưa những xế những chiều những đêm để nhận lấy nhân phẩm từ những kẻ chào hàng đang cố giữ lấy giọng nói,


lão tà giáo không giải mã thì ta cũng chẳng hiểu cô gái đã nói những gì,


từ làng này ra đi nên ta biết tỏng lũ người xu thế, đầm đìa giọt sương, ta đi giữa những gào thét của lũ người thuyết lý, kể từ lúc nhận ra ngọn lửa trí tuệ trong người là con người đã quen thói thuyết lý, hương thơm của những miền không có đâu, ánh sáng của những năng lực huyền bí, trực giác và vô ngôn, thuyết lý như những giọt cam lồ rưới lên nỗi khổ đau của con người, và con người thì chẳng hay biết tự lúc nào thuyết lý đã trở nên thứ phương sách hai mặt, để xích lại nhau hơn, và cũng để thù hận nhau hơn, nàng đã lạc vào giữa cuộc hận thù của thế giới, đứng vào chỗ những kẻ chào hàng để có cơm ăn áo mặc, cho đến lúc nàng chẳng còn đủ hơi sức để chào hàng thì lũ người thuyết lý đã đem ném nàng vào thứ lò dưỡng sinh đương đại, ta chuộc nàng từ tay cai ngục để kết nghĩa phu thê, lập tức lũ chúng, cái lũ người nhân danh chánh giáo hô hoán lên rằng ta là kẻ trụy nát, ta lặng lẽ cam chịu làm kẻ trụy nát để cho tròn nghĩa phu thê, nhưng cho đến lúc lũ người thuyết lý lập đàn tế trời, kêu gọi lương dân đem sức ra phá rừng trồng kê, ta không im tiếng được, bảo rừng là trời sinh để thở dưỡng chất cho con người, phá rừng là làm cho con người không còn thở nổi, lập tức lũ chúng bảo ta là phản trắc, ta nói thà làm kẻ phản trắc chứ không thể để cho kẻ ngu làm cho lương dân thoi thóp, lập tức chúng đuổi ta ra khỏi làng, và ghi vào sử sách rằng ta là kẻ theo tà giáo, mấy trăm năm qua phu thê ta đã đi khắp thế gian để nói cho mọi người hay những thuyết lý xưa nay đám vua chúa đem ra để trị nước chẳng qua là những nước bọt đã cô đặc thành chữ nghĩa, nhưng ta lại đang lo cho số phận của ngươi,


lão tà giáo vò nát trang cổ thư ném xuống chân, bảo, rồi dắt cô gái bước về phía vô hạn đang mở ra ở phía trước,






Ba Mươi Bảy,


Và Bây Giờ,



tôi vẫn buồn bã ngồi giữa đất trời đương đại
để chờ em,


và tôi cũng không biết là người ta có đọc những gì tôi viết hay không

nhưng vẫn cứ thấy vui sướng trong lòng

vì đã làm được công việc quan trọng

là để cho thi ca lịch sử và triết học hòa quyện nhau

trong những nghĩ ngợi của mình,


và bây giờ thì em là thơ tôi đang chảy ở trong tôi

kẻ đang biết mình đang mỗi mình bước giữa thế kỷ u buồn,



NguyễnThanh Hiện


Giã,

tháng 6/ 2013
tháng 9/2013



Xem toàn bộ trường ca tại đây



Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss