Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Truyện Đặng Thị Huệ

Truyện Đặng Thị Huệ

- Đoan Hùng — published 20/11/2006 09:18, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19
Tòa soạn vừa nhận đươc một tài liệu, xuất xứ không rõ ràng. Người gởi tự nhận là đã phát hiện một mộ cổ trong dịp khai quật hoàng thành Thăng Long. Mộ xây bằng hợp chất rất cứng rắn. Trong quan ngoài quách. Trong quách có một chiếc tráp, chứa một quyển “Hoàng Lê Nhất Thống Chí”...

     
Hoàng Lê Nhất Thống Chí,
Truyện Đặng Thị Huệ.

     
Đoan Hùng

Dịch và chú giải

       
Tòa soạn vừa nhận đươc một tài liệu, xuất xứ không rõ ràng. Người gởi tự nhận là đã phát hiện một mộ cổ trong dịp khai quật hoàng thành Thăng Long. Mộ xây bằng hợp chất rất cứng rắn. Trong quan ngoài quách. Trong quách có một chiếc tráp, chứa một quyển “Hoàng Lê Nhất Thống Chí”. Niên đại rất sớm. Bìa phết cậy. Trang đầu có hàng chữ “Cảnh ... Nguyên Niên”. Tuy mất một chữ song có thể đoán là “Cảnh Thịnh”, tức đời Tây Sơn. Ngoài ra xét về mặt tị huý học thì các chữ húy thời Nguyễn như “Ánh”, “Chủng”... không bị viết kiểu “Kính khuyết nhất bút” như lệ huý thời Nguyễn. Điều này làm cho niên đại Tây Sơn có vẻ đáng tin.

So với các bản HLNTC được lưu trữ như bàn VH789, HN832... thì bản này có đôi chút khác biệt.

Ban Biên Tập ZIDOL rất phân vân, nhiều người không tin là thật, cũng có người khuyên nên công bố để “tồn nghi”. Phần khảo đính, chú giải là do cộng tác viên ZIDOL Đoan Hùng phụ trách.

……

Một hôm, tiệp dư Trần Thị Vịnh sai nữ tỳ Đặng Thị Huệ bưng một khay hoa đến trước nơi chúa ngồi. Ả họ Đặng này, quê ở làng Phù Đổng, mắt phượng mày ngài, vẻ người mười phần xinh đẹp. Chúa nom thấy rất bằng lòng, bèn tư thông với ả.

Từ đó, Thị Huệ càng ngày càng được nhà chúa yêu quý, ả nói gì chúa cũng nghe và hễ có việc gì là chúa cũng bàn với ả. Rồi ả được ở chung một nơi với chúa, y như một cặp vợ chồng nhà thường dân. Xe kiệu, quần áo của ả cũng đều được sắm sửa hệt như đồ dùng của chúa.

Thị Huệ từ lúc được nhà chúa chiều chuộng, hơi có vẻ lộng hành. Hễ có chuyện gì không vừa ý, là ả xây xẩm mặt mày, rồi kêu khóc thảm thiết để làm rối lòng chúa.

Chúa có một viên ngọc dạ quang, lấy được trong khi đánh dẹp phương Nam, vẫn xâu ở trên đầu khăn làm đồ trang sức. Một hôm Thị Huệ lấy tay mân mê viên ngọc. Chúa nói :

- Nhè nhẹ tay chứ, đừng làm ngọc sây sát !

Thị Huệ bèn ném viên ngọc xuống đất mà khóc rằng :

- Làm gì cái hạt ngọc này ! Chẳng qua vào Quảng Nam kiếm trả chúa hạt khác là cùng. Sao chúa nỡ trọng của khinh người như vậy ?

Rồi ả tự ý bỏ ra ở cung khác, từ chối không gặp chúa nữa. Chúa phải dùng nhiều cách dỗ dành cho ả vui lòng, lúc ấy ả mới chịu làm lành với chúa.

Kịp đến khi Thị Huệ có mang, chúa liền sai người đi lễ khắp trăm thần để cầu sinh con thánh. Đến kỳ, ả sinh được một trai, vào năm Đinh Dậu, niên hiệu Cảnh hưng 38 (1777).

Chúa hết sức yêu mến đứa bé, lúc đầy trăm ngày, chúa lấy tên của mình lúc nhỏ là Cán mà đặt cho nó, để tỏ ra nó cũng giống mình.

Một hôm Thị Huệ ngồi trang điểm bỗng mặt hoa sa sầm, giọt lệ rơi lã chã.

Trịnh Sâm hốt hoảng hỏi cớ sao nàng mặt ủ mày châu.

Ả không nói không rằng, bỏ qua cung khác. Chúa lẽo đẽo chạy theo gặng hỏi, ả vùng vằng chẳng đáp.

Nhà Chúa bèn sai quân ra phố Hàng Đào mua hết tơ lụa về phủ, bảo cung nhân xé cho ả làm vui.

Thị Huệ chẳng hề hé nụ cười, lại còn bảo.

- Làm gì mấy thứ lụa nội hoá này. Nhà chúa sống bao lâu với thiếp mà chẳng hiểu gì cả ! Rõ thật vô tích sự ! Nhà Chúa chẳng nghe họ đổ tiếng ác cho thần thiếp là Bao Tự, Đắc Kỷ hay sao ?

Nói rồi lại vùng vằng bước đi, khóc lóc thảm thiết.

Trịnh Sâm toát mồ hôi hột, quay lại hỏi tả hữu. Có cung nhân là Lê Thị Ngọc Giao khấu đầu thưa :

- Khải Chúa ! Hôm qua Vương Phi trong lúc trang điểm bỗng thấy một sợi tóc bạc bèn khóc lóc thảm thiết.

Nhà Chúa gắt ầm lên :

- Sao lại thế được, ta đã dặn Quận Việp lúc Nam chinh phải nhớ mua tất cả cho Vương Phi rồi mà.

Tưởng cũng nên nhắc lại là ở xứ Đàng Trong có đất Quảng Nam [1] là nơi đô hội, chúa Nguyễn mở Intershop cho thương nhân đến buôn bán. Sản vật phong phú, kem dưỡng da Shiseido đến từ Nhật bản, thuốc nhuộm tóc làm bằng Hà Thủ Ô ngàn năm đến từ Tứ Xuyên, yếm nịt ngực [2] đến từ thành Pha Rí, Pháp Lan Tây, cũng có... Thật là chốn Tô, Hàng ở phương Nam.

Nhà Chúa quay sang hỏi Quận Huy, quận Huy tóat mồ hôi trán, dập đầu thưa :

- Thần nghe dạo này bọn nguỵ Nhạc dấy loạn, thuyền Quảng Nam chẳng thể về. Thêm nữa bọn nhà buôn đi tị nạn cả!

Trịnh Sâm chẳng biết làm sao, quay vào cung, lẳng lặng vuốt mái tóc huyền của Thị Huệ, mà chẳng nói một câu.

Thị Huệ gục đầu vào vai nhà Chúa nức nở.

- Tiện thiếp biết phận mình phù du, hoa kia sớm nở tối tàn, ngày nay nhờ lượng nhà Chúa thương yêu, mai kia hoa tàn nhuỵ héo, mẹ con thiếp biết thân phận ra sao. Thế Tử Cán lại ốm yếu gầy còm. Uống bao nhiêu thuốc của Hải Thượng Lãn Ông cũng không đỡ. Thái Phi Ngọc Hoan thì ngày ngày dèm pha tiện thiếp với nhà Chúa. Thiếp chỉ muốn chết đi cho xong.

Nói rồi lại vật vã khóc lóc thảm thiết.

Nhà chúa bối rối chẳng biết làm sao, bèn cho vời Tả Tư Giản Nguyễn Khản vào vấn kế.

Khản là bậc phong lưu chốn kinh thành, ngày ngày nhà Khản không bao giờ ngớt tiếng đàn, tiếng hát. Chúa rất yêu, có lần Khản thiếu trà, viết nguệch ngoạc vài chữ “thần Khản khất trà nhất lạng”, bảo tiểu đồng sang phủ chúa xin, thế mà nhà chúa cũng chẳng bắt tội khi quân.

Khản khuyên nhà Chúa nên sai hoạ sĩ vẽ tranh Vương Phi để lưu truyền nhan sắc nàng mãi mãi muôn đời. Chúa cả mừng về kể lại cho Thị Huệ, Ả ngả vào lòng nhà Chúa mà âu yếm.

Nhà Chúa sai quân ra phố Hàng Trống, Hàng Mã... mang tất cả những hoạ sĩ tài danh của đất Kinh Sư về ra mắt Thị Huệ.

Đất Thăng Long có nhiều trường phái hội hoạ. Lấy cảm hứng từ tranh “lợn gà”, có hoạ sĩ thuộc phái Đông Hồ đề nghị vẽ vương phi ôm con gà, kẻ bảo nên vẽ vương phi chăn lợn, tượng trưng phú quý vinh hoa. Lại có kẻ vẽ vương phi “hái dừa”, kẻ lấy cảm hứng từ tranh “đánh ghen”, phái siêu thực lại dùng bút pháp tranh “đám cưới chuột”... Thật là những tác phẩm đậm đà bản sắc dân tộc.

Thị Huệ sai tống ngục cả bọn, tranh thì xé tan nát cả, lại nũng nịu bảo Trịnh Sâm :

- Sao nhà Chúa không hỏi Quý Đôn, lúc Đôn đi sứ về có mang nhiều tranh tươi mát lắm mà.

Chúa mừng rỡ kêu Lê Quý Đôn vào hỏi.

Nguyên Quý Đôn là người lịch sự, từng trải, chúa rất yêu. Quý Đôn đi sứ về mang đủ thứ nước Nam không có. Xướng họa thơ văn với sứ thần Triều Tiên Hồng Khải Hy. Đôn vừa viết "Quần Thư Khảo Biện", nhờ Hy viết tựa. Hy mến mộ tài Đôn, tặng Đôn quạt Triều Tiên và chai rượu nhân sâm “nhất dạ”. Quý Đôn dâng ngay Trịnh Sâm. Nhà Chúa dùng ngay, kiến hiệu như thần.

Đôn cũng là bạn thân với Khản, sang Bắc Kinh Đôn tìm mua ngay Kim Vân Kiều mang về tặng cho Khản. Khản rất thích, bảo :

- Tươi mát thật, chỉ hơi phiền là đệ không giấu kỹ để thằng Du nó đọc lén. Đệ đánh cho nó một trận ! Chả là cứ thấy nó cứ ngâm nga “vành ngoài bẩy chữ, vành trong tám nghề” ... [3] Thế có chết hay không chứ !

Đôn bảo :

- Khổ thân thằng bé ! Huynh không biết chứ đệ phải dấm dúi cho bọn hải quan dăm gói thuốc Tam Ngũ Số mới mang về được đấy.

Khản cười, bảo:

- Cái nước mình nó thế! [4]

Trở lại chuyện nhà chúa hỏi, Đôn tâu :

- Khải Chúa ! Thần nghe rằng ở Tô Châu có nhiều hoạ sĩ. Lại có tua du lịch Hồng Kông, Tô Châu, Hàng Châu. Nhà Chúa chỉ cần cho Vương Phi, trước là sang Hồng Kông, nơi có nhiều Hoa Đà, Biển Thước mà tân trang, sau sang Tô Châu vẽ tranh. Giá cũng ... mềm !

Chúa cả mừng sai Đôn tổ chức.

Không bao lâu Trịnh Sâm nhận được sớ can gián, gởi bằng I meo[5], của Vũ Quang Hầu, Tả Cố Vấn, Cơ Mật Đại Thần kiêm Hữu Ngự Sử. Sớ rằng :

Thần nghe, Quốc dĩ dân vi bản, dân dĩ thực vi tiên. Lại nghe tua du lịch Hồng Kông giá đến cửu thập vạn ức quan. Tính ra là gấp đôi GDP của nước Đại Việt ta. Nay giặc Nhạc dấy loạn, thần trộm lo cho xã tắc”.

Nhà Chúa toát mồ hôi trán gọi Quý Đôn vào bàn bạc lại.

Quý Đôn vốn tinh thông dịch số, âm dương, bấm đốt ngón tay tính toán và tâu :

- Khải Chúa ! Vương Phi chẳng cần đi đâu hết ! Ở đất Kinh sư trong tương lai, sẽ có rất nhiều tiệm chụp ảnh. Nhà Chúa chỉ cần bỏ ra năm mươi quan là có một bộ ảnh đủ kiểu đủ dáng.

Trịnh Sâm cả mừng bảo Thị Huệ. Thị Huệ lấy làm hứng thú hỏi Đôn chừng nào có tiệm ảnh.

Đôn bấm đốt ngón tay tính toán rồi quả quyết :

- Chỉ hơn chừng hai trăm năm nữa thôi.

Thị Huệ oà lên khóc nức nở, bảo :

- Thế tóc ta bạc trắng hết còn gì !

Đôn bảo :

- Vương Phi chớ lo! Tây Dương kỹ xảo, cơ trí. Có máy Photoshop, có thể hoà hợp âm dương bát quái. Bit 0 biến thành 1 , bit 1 biến thành 0 [6]. Vương Phi trẻ lại... mấy hồi !

         

Đoan Hùng

Dịch và chú giải

       

       
[1] Hội An ngày nay.

[2] Nguyên văn “Xử Tiên”, không rõ nghĩa là gì, người dịch đoán là có lẽ phiên âm từ tiếng Pháp.

[3] Du là em cùng cha khác mẹ của Khản.Các nhà nghiên cứu kẻ thì bảo Nguyễn Du sáng tác truyện Kiều thời Gia Long, người nói thời Tây Sơn. Nếu tư liệu này xác thực thì đây là bằng chứng là Truyện Kiều có thể ra đời từ thời Trịnh Sâm.

[4] Câu này nghe quá mới, tưởng như lời một nhà phê bình văn học đương đại. Thế nhưng xét lại nguyên văn “Ngã quốc chi phong, thị giã!” thì có vẻ người dịch sát nghĩa. Có thể là từ thời Lê-Trịnh đến nay một số bản sắc dân tộc không thay đổi chăng.

[5] Nguyên văn : “điện tấu”, dịch thành i-Meo, e rằng có sự lầm lẫn về thời gian. Từ Điện Tấu tra trong “Từ Hải”, “Từ Nguyên” đều không có. Có lẽ chỉ có nghĩa là Tấu nhanh như chớp mà thôi.

[6] Nguyên văn : “Hữu Phù Tô Xúc chi cơ, khả dĩ hoà hợp âm dương, bát quái nhi hoá chi, hữu thành vô, vô thành hữu, nhi biến chi”. Tham khảo các chuyên gia điện toán, đều bảo dịch thế có thể thích hợp. Nước Nam vốn nổi tiếng về sấm Trạng Trình. Quý Đôn thấy trước 200 năm không phải là chuyện lạ.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss