Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / truyện ngắn : CÁI QUẦN NGỒI

truyện ngắn : CÁI QUẦN NGỒI

- Ninh Kiều — published 21/12/2008 00:00, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19


Cái quần ngồi

Ninh Kiều


Từ hồi ba bốn tuổi cho tới lớn, tôi không thấy Ba tôi ở nhà và nghe người lớn nói với nhau là Ba tôi vô bưng, ở tù, và cuối cùng theo… vợ bé.

Vậy mà Má tôi cũng đẻ được năm đứa. Những ngày tháng sống chung với nhau “Chắc không đầy nửa năm” như Má tôi thường chép miệng than.
Lần nào Ba tôi ghé thăm nhà cũng nắm tay Má tôi nói dịu dàng “Em ơi, đừng giận anh. Bà thầy bói đã bảo nếu hai đứa mình sống chung với nhau thì có một đứa chết”.

Biền biệt mà không ngờ có ngày Ba tôi trở về với Má tôi trong chiếc xe lăn. Chung sống trở lại với nhau được hai năm thì Má tôi mất. Lời bà thầy bói nói vậy mà linh. Bốn tháng sau thì Ba tôi cũng đi theo Má tôi để tôi ở lại với “cái quần ngồi”.

Tới giờ ngủ thì «cái quần ngồi» đứng dậy, nhảy lên giường để sáng thức giấc quay qua ôm vợ hỏi một câu vô duyên “Ủa em vô giường hồi nào anh không hay ?”. Rồi nhảy khỏi giường, tuột cái quần cho nó ngồi xuống tại chỗ, nhào vô buồng tắm, mở nước ào ào. Mấy phút sau thấy cái khăn ướt nhẹp nằm trên giường mà tóc còn nhỏ nước ròng ròng xuống cổ rồi thò tay rút cái sơ mi nằm bìa trong tủ đứng và quơ đại hai chiếc vớ trong hộc tủ, cũng may chiếc nào cũng giống chiếc nào.

Rồi cái quần, ngồi yên tại chỗ suốt ngày, không nhúc nhích để tới giờ ngủ lại có hai ống chân đến đặt hai bàn chân đúng vào chính giữa hai cái lỗ ống quần, kéo cái quần đứng dậy rồi cả hai nhảy lên giường. Bữa nào mưa bão thì hai ống quần dài ra do vợ bắt buộc, không thì quanh năm là cái quần xà lỏn.

Tôi than phiền về cái quần ngồi nhiều đến nỗi mà Má tôi đâm ra tự hào “Tao với Ba mầy chớ hề cãi cọ, nặng tiếng với nhau, còn tụi bây như chó với mèo !”.

Cũng may anh Hai tôi gần đây cứ mỗi năm từ Paris mỗi về làm việc vài tuần với các trường Đại học nên tôi có được chút an ủi.
Hồi nhỏ anh tôi học xuất sắc, được học bổng đi Tây, nghe nói đậu kỹ sư trường lớn, lấy vợ người Đà Lạt, đẻ con bên ấy và nghiễm nhiên trở thành tấm gương sáng chói cho bầy em lẹt đẹt noi theo. Dường như bao nhiêu tinh hoa của Ba Má tôi lúc còn hương phấn đã trao hết cho anh tôi rồi hay sao mà bốn đứa em của Anh đều tầm thường, có đứa lên được đại học, có đứa không. Nhưng cũng may là đứa nào cũng lập gia đình, bươi quào sống được, không đến nỗi phải nhờ vả. Chỉ từ khi Ba Má tôi sum họp trong đau ốm, chỉ còn thăm hỏi nhau bằng mắt, đến nước tôi phải nghỉ làm thì mới phải cầu viện anh tôi.

Lúc nào anh tôi về cũng chói lọi – trong mắt tôi – từ giây phút Anh bước ra khỏi ải hải quan. Chói lọi không phải vì Anh ăn mặc sang trọng mà vì Anh đơn giản. Thật vậy, nếu không thấy Anh từ trong sân bay Tân Sơn Nhất bước ra, dám có người nhìn không kỹ tưởng lầm Anh từ trong đồng mới ra đón người nhà ở nước ngoài về. Trong khi thiên hạ thùng thùng hai người khiêng thì anh tôi chỉ có cái túi đeo nhỏ và một cái va li quen thuộc một người kéo.

Hồi Ba Má tôi chưa bịnh liệt giường, trong mấy ngày anh tôi ghé về, nhà tôi rần rần khách khứa. Tôi lo chợ búa nấu ăn. Má tôi nói câu nào cũng có “…anh Hai mầy… ” trong khi «cái quần ngồi» thì chạy bận, làm tài xế cho anh tôi và hay hỏi “…còn làm gì nữa… ”, nghe bực cả mình.

Tuy bận rộn dưới bếp song thỉnh thoảng tôi cũng chạy lên nhà trên hé màn nhìn ra phòng khách, vảnh lỗ tai nghe anh tôi nói, như người đi trên cánh đồng khô nứt nẻ mà gặp mạch nước.

Phong thái ung dung, vấn đề gì Anh cũng nắm được, giọng Anh ôn tồn, nói mấy tiếng đồng hồ mà vẫn có người lắng nghe dẫu rằng sau đó không thấy ai thắc mắc.

Anh tôi lại tiết kiệm. Quần áo mặc đẫm mồ hôi cả ngày mà Anh nhất định không cho bỏ giặt mà bảo “Mới mặc có một ngày, chưa dơ, ở bển anh mặc cái quần cả tháng ”.

Tuy ở nhà có mấy ngày song anh tôi cũng có đủ thời giờ nhìn thấy công săn sóc Cha Mẹ của tôi. Vì vậy mà nhân khi tôi chưa kiếm được việc làm sau khi Cha Mẹ mất hết, anh tôi thưởng tôi một chuyến du lịch khứ hồi Sài Gòn – Paris.

Trước khi đi Paris, nửa đêm tôi dựng đầu « cái quần ngồi » thức dậy để trút hết mọi phức tâm trong lòng, làm như xổ ra hết thì giải quyết mọi vấn đề. Tôi dựt hai cái gối để ra sau lưng đặng dựa tường khiến « cái quần ngồi » phải nằm co ro, gối đầu trên bắp vế của tôi, thế là tiện tay tôi vò đầu hắn mỗi khi gằn giọng và lay thức hắn khi nghe tiếng thở đều. Đêm ấy tôi nói thiếu điều trôi nhà trôi cửa và còn hăm “Đi luôn” khiến hắn phải rên “Thôi mà, tội nghiệp anh mà !”.

Vẫn chưa đã nư, tôi đem qua Paris kể hết cho chị tôi nghe và còn dõng dạc tuyên bố “…chuyến nầy trở về Sài gòn em xin ly dị, em chịu hết nổi «cái quần ngồi» rồi ”. Tôi còn muốn nói nữa nhưng chị tôi nói một câu mà tôi chỉ thấm thía về tận sau nầy “Hai anh em giống hệt nhau, ít quan tâm đến sức khoẻ người nghe”, rồi thêm :

- Chỉ còn một tuần nữa em đi rồi, em muốn gì, chị chiều...

Thật bất ngờ đến dễ chịu vì từ ba tuần nay, tôi sống nhiều với Anh hơn với Chị vì Chị chưa nghỉ hưu như Anh. Song càng sống gần Anh, tôi càng nhận thấy anh tôi có một điểm giống cái ống loa Trụ sở phường tôi ở : cái gì nói cũng suông đuột. Thật vậy, tuy tôi ở khu đô thị mới mà vẫn còn có cái loa, phát thanh thiệt lớn cùng giờ với bà bán bánh mì đẩy cái xe đạp đèo hai cái giỏ thiệt to có trang bị ống loa hiện đại không thua Trụ sở nhưng phát biểu ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu và đáp ứng nhu cầu người nghe buổi sáng “ bánh mì bơ sữa, một ngàn một ổ ”.

– Chị à, em nói thật chị đừng buồn nghen, em thấy anh Hai đôi khi vất vả quá, lúc nào cũng lái xe đưa đón hết người nầy đến người kia.

Chị tôi mau mắn :

– Lâu lắm rồi chị không cầm lái khi có anh bên cạnh nhưng thôi để ngày mốt thứ sáu chị xin nghỉ, làm tài xế cho hai anh em, chịu không ?

Thật tôi không thể ngờ, dù giây lát, sự cố sắp đến với mình vào ngày mốt sẽ đóng một vai trò quyết định trong tư duy đang ở tình trạng khủng hoảng trầm trọng về niềm tin yêu nơi «cái quần ngồi» của mình.

Và khi ngày mốt đến, sự cố bắt đầu ngay từ giây phút Anh trao chìa khoá xe cho Chị.

– Em nhớ đừng rồ ga lâu.

– ...

– Sao đạp ga lớn vậy, bớt lại, đó tắt máy rồi. Vặn chìa khóa đi, buông.

Chiếc xe vừa trườn ra đường thì tôi nghe anh tôi la lớn :

– Quẹo trái.

– Mình vô thẳng Paris mà ?

– Ừ, thì vô Paris nhưng quẹo trái đi.

Xe lui lại quẹo trái và từ từ tăng tốc về phía ngã tư cùng với tiếng anh tôi tăng cường độ :

– Đèn sắp vàng rồi, chạy mau lên, vàng rồi, không ngừng, vọt, qua rồi, bớt lại, từ từ, trước có xe.

Chạy được một quãng anh tôi lại nói :

– Cái xe phía trước chạy chàng ràng, anh dám cá với em là một bà lái. Qua mặt đi.

Trong khi chị tôi tăng tốc với đôi mắt trong kính chiếu hậu có vẻ căng thẳng thì anh tôi nhắc :

- Nhanh hơn một chút coi.

Rồi nhìn qua xe bên cạnh lúc hai xe chạy song song để thở ra :

- Đúng là một bà, không sai.

Bao nhiêu lần tôi ngồi bên Chị lái xe trên đường phố Paris cũng như Chị ngồi chàng hảng sau con ngựa sắt của tôi trên đường phố Sài gòn, có thấy gì đâu, sao sáng nay lại khó khăn dữ vậy kìa. Chị bị tắt máy mấy lần, ngần ngừ nửa vọt nửa dừng, nửa nhường nửa lấn, có vẻ chần chờ đến nổi anh tôi phải bực mình :

– Cái gì cũng đợi anh quyết định, anh chết rồi ai quyết định. Phải sống độc lập chớ. Trước mặt đường trống trơn sao em không chạy mau lên.

– Ra đa.

– Ra đa thì chạy theo ra đa.

Làm thế nào mọi quyết định của chị tôi phù hợp, ăn khớm với quyết định của anh tôi ? Giống y như giải một hệ phương trình thay đổi ẩn số liền liền mà phải theo thời gian thực. Ấy vậy mà chị tôi có lúc giải được đến nổi anh tôi phải khen, tuy cụt ngủn :

– Lâu lâu mới thấy lái coi được một chút...

Vừa đúng lúc tôi chúi mũi vì có xe mô tô lách vào trước đầu xe khiến anh tôi hốt hoảng :

– Lái vầy chết rồi...

– Xin lỗi.
– Để chuyện xảy ra rồi mới xin lỗi, em phải...

Trong khi anh tôi cứ “em phải” thì chị tôi dường như vừa nuốt xong cái gì chận cổ họng rồi mới nói với tôi :

– Nè, mình sắp đi ngang qua ngục Bastille, em chú ý nhìn nghen.

– Không để chân trên âm bờ ray da.

– Em đâu có đạp.

– Không đạp cũng không được để chân, hư âm bờ ray da.

Tôi không thấy cái ngục Bastille đâu cả mà không dám hỏi, lại lo ra vì nhớ bữa anh tôi lái xe từ sân bay về, chị tôi chỉ nhắc “Anh để đèn chóp lâu quá rồi, tắt đi...” vậy mà anh tôi nổi giận “Người ta đang lái xe tốc độ cao không thấy sao mà ngồi bên nói lải nhải”. Lần đầu tiên tôi thấy anh tôi giận, chứ hồi bên Sài gòn đâu có.

Trong lúc anh tôi tận tuỵ kiểm tra cái chân của chị tôi trên cái âm bờ ray da thì chị tôi làm hướng dẫn viên du lịch :

– Mình đang đi dọc sông Seine, bên mặt là nhà thờ Đức Bà, tới chút nữa là khu La tinh. Chú ý bên mặt có cái tháp tròn tròn, là chỗ Hoàng hậu Marie Antoinette bị giam trước khi bị xử chém. À, có một chi tiết tức cười là khi dân chúng phá ngục Bastille thì sự thật lúc ấy chỉ có bảy, tám người tù đa số dân tư sản phạm pháp với tám mươi tên gác ngục...

– Nhanh lên một chút, sắp đèn vàng rồi...thắng...thắng...

Tôi lại chúi mũi vì chị tôi thắng gấp để tránh đụng đít xe phía trước làm tôi nhớ cách anh tôi vỗ về, khuyên bảo tôi trước những cơn thịnh nộ thường xuyên của tôi trên đường phố Sài gòn. Tôi luồn, tôi lách, tôi nguýt, tôi háy, tôi nặng lời... khiến anh tôi ngồi sau lưng siết nhẹ hai bàn tay ấm lên hai vai của tôi như nhắc nhở “Thôi mà em, nhường nhịn chút có sao đâu”.

Rồi trong khi anh tôi cứ “...em phải...” thì tôi cảm thấy chị tôi dần dần thay đổi thái độ để hoá thành người đang lái xe một mình, cố tình quên... chàng lơ xe đò. Chị lái theo ý Chị, lúc đầu còn hơi chút lựng khựng nhưng dần dần tự tin hơn. Như người đang nhảy múa, tuy vẫn theo bài bản nhưng dáng vóc tự do, mà khi tự do con người đâm ra đẹp hơn, cả đến cử chỉ cầm cái tay lái chẳng hạn, cũng khác đi... Xe từ từ lao trên đường phố, uyển chuyển, tuân phục người lái xe và không còn ăn khớm với lời hướng dẫn của lơ xe, lúc đầu còn hăm doạ sau yếu dần để nhường chỗ cho im lặng, tiếp theo là tiếng ngáy đều đều phát ra từ cái đầu ngoẹo một bên, tóc còn đen mun. Bây giờ thì người cầm vận mạng chiếc xe là Chị, lèo lái nó là Chị, quyết định mọi tình huống là Chị và xe chạy bon bon. Tôi để ý thấy chị tôi tăng giảm tốc độ nhẹ nhàng để anh tôi ngủ trong xe mà như ngủ trong nhà, thỉnh thoảng còn quay sang nhìn chồng như thể canh giấc.

Khi xe dừng lại bên đường thì tôi nhận ra là mình đang ở chân tháp Eiffel và anh tôi cũng thức giấc. Chị tôi chờ cho anh tôi tỉnh ngủ một chút mới vừa vói tay lấy cái sắc tay để sau lưng ghế vừa nói :

– Bây giờ anh lái nha. Hẹn nhau dưới chân tháp.

Rồi mở cửa lôi tuột tôi ra khỏi xe :

– Để anh đi kiếm chỗ đậu, hai chị em mình đi xem trước...

Phút chốc hai chị em đứng giữa bốn chân cái tháp, nhìn cái chân tháp, vĩ đại, rồi ngẩng đầu nhìn lên ngọn tháp, vĩ đại mà thanh thoát, toàn bằng sắt mà dáng uyển chuyển mảnh mai.

Tôi thốt lên chiêm ngưỡng :

Đẹp quá !

– Vậy mà hồi thời đó, có người chê xấu đòi phá huỷ đó em.

– Ai mà khùng vậy chị ?

– Những kẻ chê bai không phải người thường, toàn văn nghệ sĩ có tiếng như Guy de Maupassant chẳng hạn.

– Ông viết truyện ngắn hay lắm đó phải không chị ?

– Ừ, chính hắn...

Chị tôi nói đùa mà như khuyến khích khiến tôi sung sướng mạnh dạn hỏi tiếp :

– Xây xong hồi nào vậy chị ?

Đúng một trăm năm sau cách mạng Pháp...

Một ngàn bảy trăm tám chín...

Chính hắn...

Hai chị em phá lên cười, thế là một lô câu hỏi không biết có từ hồi nào trong đầu tôi tự nhiên tuôn ra “Ai vẽ tháp Eiffel ?”, “Ủa không phải ông Eiffel vẽ sao. Vậy tại sao lấy tên ổng ?”, “Cao bao nhiêu thước ?”, “Phải mấy tấn sắt ?”, “Bao nhiêu thợ. Xây trong bao lâu ?”. Trước mấy câu hỏi tầm phào của tôi, chị tôi trịnh trọng mở cuốn sách nhỏ, tìm kiếm rồi dịch tóm tắt để trả lời từng câu. Lúc đầu tôi hơi ngạc nhiên thấy Chị không mấy gì rành vì tôi nghĩ rằng chị tôi đã biết hết cả rồi với ngần ấy năm sống ở đây. Hoá ra Chị cũng phải mò. Mà chắc cũng nhờ vậy mà tôi mạnh dạn hỏi tiếp mà quên phức cái máy ảnh mà về tận sau nầy tôi mới nhận ra lần ấy đi với Chị, mình mới thật sự ngắm cái tháp Eiffel.

Sau nầy trong những đêm thao thức nằm bên «cái quần ngồi» hồn nhiên, tôi mới nhận thấy anh chị tôi có hai phong cách hoàn toàn khác hẳn nhau. Anh tôi trả lời những câu tôi không biết để hỏi, không kịp thắc mắc, và cả đến không có dịp quan tâm, do vậy nghe hay mà không nhớ. Giống như cái ống loa Trụ sở phường tôi, loa mấy năm trời mà tôi không hề nhớ nó nói gì tuy cũng thấy có ích lợi là nó báo giờ, nhắc nhở thằng nhỏ của tôi đi học nhất là khi bà bánh mì nghỉ bán bất tử.

Trong lúc tôi hăng hái thắc mắc thì điện thoại di động reo, chị tôi nói nhiều lần oui, oui rồi tắt máy :

– Anh bảo không tìm ra chỗ đậu xe nên ngồi trong xe đợi chị em mình, khi nào xong thì kêu.

Thế là sắp hàng mua vé vào cửa và nửa giờ sau hai Chị em lên được tầng hai tháp Eiffel nhìn xuống Paris, trong nắng vàng mùa thu của một ngày rất đẹp. Chị tôi chỉ về phía chân trời xa xa :

– Nhà mình ở phía đó.

Rồi Chị im lặng ngó mông để tôi tự do chiêm ngưỡng Paris dưới chân mình. Xứ người sao mà đâu ra đó, dường như người sau tôn trọng chuyện làm của người đi trước, xúm nhau giữ gìn. Nhìn bao nhiêu con đường cụm đầu vào Khải Hoàn môn mà thấm thía...

– Anh Hai em là một con người xã hội tốt. Nhưng «cái quần ngồi» của em được cả hai mặt, hiếm có.

Không hiểu sao chị tôi lại nói câu nầy ở đỉnh tháp Eiffel, khiến tôi nhớ và ngẫm nghĩ mãi cho tới bây giờ.

Khi hai chị em đi tìm chỗ anh tôi đậu xe thì thấy mặt Anh trẩm lơ vì đói và lạnh do ngồi chờ cả buổi. Đây không phải là lần đầu tiên anh tôi làm nhiệm vụ lái xe đưa người nầy người kia đi chơi, mấy lần trước anh tôi cũng phải chờ đợi trong xe, lãnh phần việc vất vả nhất vì lúc nào Anh cũng lên các chương trình mà chỉ có Anh mới thực hiện được. Thấy tôi áy náy, chị tôi thở ra “Có người thích mưu cầu hạnh phúc cho người khác theo ý mình em ạ”.

Lại thêm một câu nói mà tôi mới hơi hiểu hiểu về tận sau nầy.

Bận về anh tôi im lặng lái xe trong khi chị tôi để tôi ngồi phía trước với anh tôi để dễ nhìn phong cảnh. Nghe lời chị, tôi không hao háo đòi chụp ảnh nữa mà ngắm nhìn các lâu đài chạy bên bờ sông. Những di tích lịch sử diễn hành trước mắt tôi lúc nhanh lúc chậm tuỳ theo vận tốc xe chứ không tuỳ thuộc lời thuyết minh không mấy gì suôn sẻ của Chị. Có lúc Chị hồ hởi “Em chờ xem nha, mình sắp đi ngang qua...” nhưng anh tôi quẹo không đi thẳng nữa khiến chị tôi cụt hứng một chút song vẫn tiếp tục gây hào hứng cho chuyến cỡi ngựa xem hoa nghìn năm một thuở nầy của tôi “...tại sao hả ? Con nhỏ nầy coi vậy mà thông minh, hỏi không biết đường đâu trả lời...”. Tuy bận trò chuyện với chị tôi nhưng tôi cũng để ý cách anh tôi lái xe, thật là không có gì thừa không có gì thiếu. Anh như có bốn con mắt nhìn bốn phía, cảm nhận được ý đồ của từng chiếc xe chạy cạnh mình. Anh vừa tăng tốc thì chiếc xe trước mặt cũng tăng tốc cách nhau vài giây như thể anh tôi biết trước là nó sẽ tăng tốc vì đường trống trước mặt nó. Anh lái xe với tất cả tâm hồn và trách nhiệm, không để lỡ một cơ hội nào như đang dự một cuộc đua để đạt chức lái xe hoàn hảo. Nhưng xe đang ngon trớn bỗng tôi nghe chị tôi la thiệt to :

– Đèn đỏ...

Tôi chúi mũi trong khi chị tôi thò tay phụ níu tôi lại. Xe rít thắng khựng lại, vượt qua khỏi lối đi dành cho người đi bộ. Anh tôi sừng sộ :

– La thất thanh làm người ta hết hồn, em có biết là rất nguy hiểm cho người lái xe không ?

– Đèn đỏ tưởng anh thấy mà anh cứ rấn tới, phát hoảng làm sao bình tỉnh...

– Phải biết kềm chế chớ, coi chừng em bị tâm thần đó.

Tôi nghe lạnh mình nhưng không thấy chị tôi phản ứng trong khi anh tôi tiếp tục để cho cái cục tự ái phát biểu :

– Anh đi một mình, không bao giờ có vấn đề đốt đèn đỏ.

– Dĩ nhiên rồi...

Chị tôi trả lời mỉa mai nhưng còn hiền quá chứ gặp tôi thì đã tanh bành từ lúc đưa chìa khoá lận. Sau đó không ai nói gì nữa cho tới lúc về đến nhà.

Trong hai ngày cuối, không hiểu sao tôi cứ lẩn quẩn bên chị tôi, lấy cớ làm va li khiến chị tôi ghẹo :

– Nhớ quýnh rồi hả...

Chị tôi nói có phần đúng, tôi nhớ quýnh thật, nhớ cái loa Trụ sở, nhớ “bánh mì bơ sữa, một ngàn một ổ ”. Và nhất là nhớ «cái quần ngồi» đến nỗi khi về Sài gòn mới bước vô nhà là kiếm cớ vô phòng ngủ để thất vọng thấy cái quần không còn ngồi ở chân giường nữa khiến tôi quay lại để thấy «cái quần ngồi» của tôi đứng ở ngưỡng cửa cười bẽn lẽn...

Coi vậy mà Sài gòn thay đổi nhanh hơn tôi tưởng, cái ống loa Trụ sở đã biến mất, không kèn không trống, khiến những người phải nghe nó có thêm một lý do để hạnh phúc. Chỉ có cái quần hết ngồi thì tôi hơi buồn song chẳng lẽ thú nhận mình nhớ nó, nhớ cái dáng chò hỏ, gợi cảm ở chân giường.

Ai cũng bảo tôi thay đổi và chính tôi cũng thấy mình thay đổi. Anh tôi vẫn là tấm gương cho tôi, song khi soi vào ở Paris, tôi thấy tôi. Nhưng không thể thố lộ với ai được. Thôi thì cứ đổ thừa hết cho Paris là êm.

Giờ thì đã thấy tháp Eiffel, thơm xương, đủ thỏa mãn để tôi trở về cõi ta bà, hằng ngày cỡi con ngựa sắt giữa dòng xe cộ xuôi ngược, bon chen, lộn xộn mà lòng bớt bực bội, cảm thấy so với ai đó thì mình... tự do. Khi đi hai mình, tôi hay nhìn vào kính chiếu hậu để mỉm cười với «cái quần ngồi» và nhớ đến đôi mắt của chị tôi trong kính chiếu hậu xe hơi. Đường Paris rộng, nắng Paris đẹp, xe cộ Paris chạy có luật lệ, người đi bộ không lấn xe lấn đường, vậy mà tôi chưa thấy ai lái xe khó nhọc như chị tôi bữa hôm ấy. Ngẫm nghĩ thấy có cái gì đó ngang trái.

Đã có lúc tôi thật sự có ý định trốn lại Paris, đi ở đợ cho anh chị tôi hay cho đám con cháu bên ấy để được thở cái không khí tự do của cách mạng một ngàn bảy trăm tám chín, để bỏ phức «cái quần ngồi» mà tôi không thấy có cái gì vừa ý.

Vậy mà cái ý nghĩ điên rồ nầy tự dưng biến mất từ cái ngày hôm ấy, cái ngày tôi ngồi sau nhìn đôi mắt chị tôi trong kính chiếu hậu xe hơi.

Chắc là đôi mắt đó đã tự vấn, dò dẫm, trăn trở nhiều năm trên đất lạ quê người, xoay qua xoay lại không có ai để hỏi. Người mang đôi mắt đó, chắc đã phải hằng ngày xào nấu bốn nghìn Văn Hiến với gia vị Carmen, Nana, Anna Karénine, Scarlett thêm pha chế Georges Sand, Simone de Beauvoir... mà chắc phải thường mở cửa sổ để gió ùa vào, tự do. “Âu châu giương ngọn cờ dân chủ, tự do mà vẫn đánh nhau mấy trăm trận trong hai thế kỷ đó em ”, chị tôi có tật gợi ý mà không bao giờ giải thích cặn kẽ.

Càng nhớ Chị, tôi càng thấy Chị như một bí ẩn, khó hiểu. Gần xịt mà sao không mở cửa bước ra chớ có phải nghìn dặm xa xôi như tôi đâu. Tôi mà là Chị thì chắc không mở cửa sổ để thở mà đạp cửa lớn đi ra, đi không ngoảnh mặt lại dù chỉ một lần thôi. Tôi ân hận là khi ở kế bên Chị, tôi chỉ thấy có tôi bởi tôi chỉ thấy tôi là bất hạnh vì đã sinh lầm đất, lấy lầm chồng như tôi thường hô hoán mà chẳng đếm xỉa đến sức khoẻ người nghe.

Mấy lời chị tôi nói, tuy không nhiều mà tôi cứ nhớ như in, thấm từ từ, trong khi anh tôi hết lòng khai mở cho tôi mà kết quả không hơn gì cái ống loa Trụ sở : không nhớ gì hết. Anh tôi về nước, vui vẻ, nhiệt tình, phóng khoáng, toát ra cái dáng dấp tự do, hiểu biết kiểu phương Tây mà sao khi tôi gặp anh tôi ở Paris, như gặp một con người khác, lúc nào cũng thấy Anh bức rức...

Tôi bỗng nhớ cái dáng chị tôi cầm tay lái xe hơi, lái trong điều kiện khó gấp bao nhiêu lần tôi lái con ngựa sắt để thoáng một ý nghĩ qua đầu như ánh chớp “Tự do hay con người tự do có trước ? ” và nhìn vào kính chiếu hậu để nhận thấy kính chiếu hậu trống trơn, không trả lại cho tôi nụ cười hồn nhiên, dễ thương và thương dễ. «Cái quần ngồi» đâu rồi ? Chiếc xe nhẹ tênh từ bao giờ ? Trời đất ! Tôi tức tốc quành đầu xe bất chấp luật lệ, quay về đường cũ lo lắng tìm kiếm dáo dác. Đi ngang qua cầu Bông, tôi ngong ngóng xem có đám chộn rộn nào đang vớt người té xuống sông không ? Mùa nầy nước rút còn lại toàn sình, Nhà Nước ra sức vét mà chưa kịp.

Nhưng may quá, vừa qua khỏi cầu quẹo mặt thì thấy «cái quân ngồi» của tôi tươi cười đứng bên đường đưa tay chận xe rồi nhảy phóc lên yên sau “Tưởng em bỏ anh luôn rồi chớ, mới đứng xuống sửa bộ, em đã vọt....”. Tôi rồ máy, tăng tốc như điên và sung sướng gào lên trong gió “Mình đi ăn bánh bèo” để được nghe tiếng đáp lại muôn thuở hồn nhiên “Ủa, vậy hả ?”.

Paris ngày 12 tháng 12 năm 2008

NINH KIỀU

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss