Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Truyện ngắn của Châu Diên

Truyện ngắn của Châu Diên

- C.D. — published 16/02/2007 18:00, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19

Ba nốt ruồi đen trên lưng

CHÂU DIÊN


Cậu trai đi xin việc dùng cả hai tay đưa tập hồ sơ cho Loan. Hai mắt cậu ta đang nhìn thẳng vào mắt Loan chợt chớp chớp, rồi cậu ta rút một tay ra khỏi tập hồ sơ để vén cho gọn bộ tóc mềm và hơi xoăn vừa xoã xuống mắt, cử chỉ càng làm cho Loan chú ý hơn đến đôi mắt ấy. Lâu lắm mới lại bắt gặp trong lớp người trẻ này một đôi mắt để Loan phải chú ý và để còn có thể nhớ lại. Một đôi mắt ngay thẳng mà lại hơi e thẹn. Một đôi mắt điềm đạm song lại có chiều bối rối. Không nịnh bợ hoặc chưa biết nịnh bợ, chỉ vì nhút nhát hoặc vì chưa biết khắc phục tật nhút nhát.

Loan lật lật phần lý lịch cá nhân, chẳng cần chú ý đó là con nhà ai, nhưng đọc đến phần đặc điểm nhân dạng, thì cũng chỉ vì đôi mắt ấy mà cô khẽ nhướn người ra để nhìn cho kỹ cái nốt ruồi nhỏ ở cuối con mắt bên trái của đương sự.

Một giọng nói đùa của người cùng đi nộp đơn xen vào:

  • Nó nhiều nốt ruồi lắm đấy cô ạ.

  • Sao cậu biết?

  • Thì nó với cháu cùng một trường, cùng một khoa, cùng một nhà trọ, mùa hè thì ngày nào chẳng trần trùng trục với nhau…

  • Tôi chỉ thấy cậu ấy có nhõn một nốt ruồi ở đuôi mắt trái…

  • Nó còn có ba cái nốt ruồi ở lưng xếp thành một tam giác đều…

Người Loan như nảy lên một cái.

Ba cái nốt ruồi ở lưng. Và ba cái nốt ruồi ở lưng xếp thành hình tam giác.

Có thể có sự trùng lặp như vậy được không nhỉ?

Cậu trai bị “tố cáo” có ba nốt ruồi xếp thành một tam giác đều khẽ đưa mắt nhìn bạn, không cáu giận, không e thẹn, và Loan lại chợt thấy đôi mắt tròn của cậu ta chớp chớp. Loan bỗng khẽ thở dài. Và chị cũng chưa biết thật rõ vì sao lúc này mình lại thở dài.

*

Thằng bạn bảo cậu trai cùng đi nộp đơn:

  • Thì mày cũng cứ thử vận may xem sao, Nhuận à…

  • Tao thấy sợ…

  • Sợ cái gì?

  • Chỉ biết là tao thấy sợ…

  • Vớ vẩn. Có khi kỳ này mày trúng tuyển đấy. Mụ ấy có vẻ thích mày. Những mụ sồn sồn kiểu ấy thích săn những thằng thanh niên khoẻ mạnh như mày lắm.

  • Tao làm sao khoẻ bằng mày được? Sao bà ấy không săn mày?

  • Nhưng có thể mày có ưu thế gì đó hơn tao mà chỉ mụ xồn xồn ấy nhận ra.

  • Vớ vẩn! Tốt nhất là chuẩn bị cho cuộc đấu thầu đi thì vừa.

  • Chuẩn bị gì nữa? Tuần sau, cứ việc vác xác đến cái Viện phải gió ấy. Được thì được, không được thì lại vác đơn đi Viện khác. Đời còn dài, mất gì của bọ...

  • Không mất gì của bọ, nhưng đời thất nghiệp thì dài thật đấy.

  • Mày cứ như ông cụ non!

Tuy nói vậy, nhưng Nhuận – cậu trai đó tên là Nhuận – cũng vẫn cứ nhìn lại mảnh giấy viết tay được cô chuyên viên nhận hồ sơ nhét vào trong tờ giấy hẹn phỏng vấn và cẩn thận giúi vào tay cậu.

Em đến nhà tôi. Nhớ gọi điện trước theo số máy này… Tôi sẽ chỉ dẫn địa chỉ…

Má Nhuận nóng bừng lên. Lời lẽ từng trải của thằng bạn kích thích trí tò mò của cậu. Nhuận muốn hỏi nó một điều gì đó, nhưng nó gạt tay một cái, ra ý nó còn đang bận gọi di động cho ai đó. Nhuận nán chờ. Xong cuộc gọi, thằng bạn hất hàm hỏi Nhuận:

  • Sao? Bập vào mồi rồi hả?

  • Nhưng mà…

  • Lại còn nhưng mà gì nữa…

  • Tao nghĩ…

  • Tao thì chẳng cần nghĩ, tao cứ gọi điện rồi đến thẳng chỗ hẹn hò đó… Máy của tao đây, chiêu đãi mày một cú. Sau này nhớ trả lãi tao đấy.

  • Thôi, tao chẳng …

  • Sao lại thế?

  • Vì kiểu đó hoàn toàn khác với …

  • Với cái con khỉ!

*

Thế rồi, Nhuận lại vẫn cứ gọi điện cho cô chuyên viên tên là Loan kia, ấy mới là chuyện lạ!

Tay Nhuận run run như nhặt lấy từng lời cô Loan gửi đến tai cậu qua ống nghe của chiếc điện thoại công cộng màu đen.

Thì ra nơi Nhuận phải đến không phải là nhà cô, mà là một quán cà phê.

Khi Nhuận tới, cô Loan đã có mặt ở đó rồi. Cô đứng bên trong quán cà phê vẫy tay cho Nhuận nhận thấy cô.

Thằng bé giữ xe bảo không cần khoá, nhưng Nhuận vẫn cẩn thận khoá xe đạp bên ngoài quán cà phê, rồi cậu chui vào cái vùng ánh sáng mờ mờ có những chùm đèn xanh đỏ tím vàng bên trong.

Cô Loan đứng dậy dắt tay Nhuận vào một chiếc bàn bên trong cùng.

Cô gọi Nhuận bằng “em” và xưng “chị”, và có một hơi ấm lạ kỳ khiến Nhuận thấy mình có thể đặt niềm tin vào người đàn bà ấy, song vẫn ngỡ ngàng không tự lý giải nổi vì sao lại có sự ân cần đặc biệt này với anh:

  • Em uống gì nào? Chị gọi cho em một cốc sinh tố nhé? Hay là đã quen miệng cà phê rồi?

  • Cho em cà phê sữa, nhiều sữa vào.

  • Nghiện cà phê rồi à?

  • Vâng… Nghiện rồi.

  • Mỗi ngày mấy ly?

  • Hai ly.

  • Những hai ly?

  • Vâng. Hôm thi đại học một ly, hôm nay một ly… Em mà có điều kiện thì cũng dám mỗi ngày hai ly lắm!

Loan ngả người ra tựa vào lưng ghế. Cô muốn nói một điều gì đó, nhưng kịp nán lại. Rồi cô hít một hơi thở dài trước khi đặt câu hỏi. Loan nói:

  • Bây giờ thực tập phỏng vấn nhé… Bố mẹ em làm gì?

  • Bố mẹ nuôi của em làm ruộng.

  • Thế bố mẹ đẻ?

  • Em không biết.

  • Sao em biết đó là bố mẹ nuôi?

  • Đó là bí mật của trẻ con. Trẻ con xung quanh cái gì chúng cũng biết. Chúng biết thì mình cũng biết.

  • Bố mẹ nuôi đối với em ra sao?

  • Còn ra sao nữa? Đến độ em chẳng cần biết bố mẹ đẻ của mình là ai nữa. Cả nhà bốn chị gái và hai bố mẹ già lụi cụi nhặt nhạnh từng đồng cho em ăn học. Đến như thế, còn ra sao nữa?

  • Mỗi tháng bố mẹ nuôi cho em bao nhiêu tiền đi học?

  • Cứ cuối tháng em đạp xe về thăm nhà, khi đi bố đưa cho em ba trăm, mẹ lại đuổi theo giúi cho một trăm nữa.

Nhuận trả lời những câu hỏi của Loan và tưởng chừng như đang thật sự dự cuộc phỏng vấn xin việc mà lũ bạn vẫn gọi với nhau là đi đấu thầu. Mắt Nhuận nhìn vào người đang hỏi, nhưng thực ra cậu chẳng nhìn thấy gì trên nét mặt đối phương. Chỉ khi người của nhà hàng đem đồ uống tới, coi là xong một khúc phỏng vấn, bấy giờ Nhuận mới để ý thấy có nước mắt loang loáng ánh đén trên hai gò má Loan.

Nhuận khẽ đẩy cốc nước hoa quả dịch về phía Loan thêm một chút, cốt như để đánh thức Loan dậy.

Loan khẽ lấy lưng bàn tay quệt một cái cho khô hai gò má.

  • Chị uống đi.

  • Em uống đi. Uống xong cà phê thì uống hộ phần nước hoa quả của chị… Hay là trộn cả hai mà uống. Em có uống như vậy khi nào chưa?

Nhuận không nói gì, ngoan ngoãn uống như theo lệnh của Loan. Nhuận uống cốc nước hoa quả trước. Cậu lấy cà phê sữa pha vào cốc nước hoa quả uống dần, cứ vơi tới đâu lại đổ thêm cà phê vào cho đầy. Khi cốc nước hoa quả trộn cà phê sữa còn lại chừng nửa cốc thì Loan đặt một tờ giấy bạc trước mặt Nhuận, rồi đứng dây:

  • Chị phải về cơm nước. Đây để em trả tiền đồ uống. Ngày mai nhớ gọi điện cho chị. Cũng vào giờ này.

  • Em muốn hỏi chị một điều…

  • Chị biết em định hỏi gì rồi. Thôi, đừng hỏi …

  • Cho em hỏi một câu thôi…

  • Một câu, chứ nhiều câu cũng chẳng giải đáp nổi đâu. Em cứ tin chị.

*

Nhuận tin. Nhuận bắt đầu tin.

Buổi gọi điện tiếp theo được Nhuận thực hiện trong một tâm thế thoải mái hơn nhiều. Có một chút gì đó ở người đàn bà kia khiến Nhuận tin cậy tuy cậu vẫn không thể hiểu nổi vì sao.

Song Nhuận thấy yên lòng hơn khi tới nơi hẹn lần này, yên lòng hơn hẳn lần đến quán cà phê. Nhuận nhấn vào cái nút chuông màu đỏ ở cạnh chiếc cổng sắt, rồi cậu khẽ lùi ra một chút để ngắm ngôi nhà nằm trên con đường mới mở ra phía ngày xưa là ngoại thành Hà Nội.

Loan từ trong nhà ra mở cổng. Chị mặc bộ đồ ở nhà bằng lụa đen, hai cánh tay áo rộng nhưng ngắn, để hở đôi cánh tay trần thật trắng, nổi bật hẳn nhờ nền lụa đen.

  • Cảm ơn em đến đúng hẹn. Chị đang thấy nóng ruột nghĩ ngộ nhỡ em không đến.

  • Em đã được chị mời, em phải đến chứ?

  • Lên nhà đi.

  • Nhà chị rộng quá!

  • Rộng. Bốn buồng, quá rộng cho hai người. Kể cả khi người kia ở nhà thì cũng vẫn rộng.

  • Em mới nghe nói, chị là … phu nhân của … ông ấy?

Loan khẽ bật cười, lấy mấy ngón tay xoe xoe cái vành tai mềm mềm của Nhuận, nhại lại cách diễn đạt vụng về của cậu con trai:

  • Ừ, chị là phu nhân của ông ấy đấy.

Nhuận khẽ đẩy tay Loan ra khỏi vành tai mình, và cầm lấy mấy ngón tay ấy:

  • Tay chị khác hẳn tay mẹ nuôi em ở bên quê.

  • Hôm nào cho chị qua thăm bố mẹ nuôi của em được không?

  • Có khó gì chuyện ấy? Mười lăm cây số, đi xe máy thì xoẹt một cái là tới. Em cọc cạch đạp xe cũng thấy nhẩn nha như đi chơi… Nhưng nhà bố mẹ em xấu xí, không sang trọng như nhà chị đâu.

  • Vì bố mẹ em không nhận hối lộ.

Nhuận mở to mắt nhìn Loan, dò xét.

Loan nói luôn, không muốn để Nhuận phải đợi chờ:

  • Em hãy nhớ là những cuộc gọi bằng phỏng vấn và đích thân ông ấy thực hiện lẽ nào lại không sinh ra tiền?

  • Vậy là em và bạn em sẽ thua?

  • Cả nhiều người khác nữa như em cũng sẽ thua.

  • Nhưng các câu hỏi đấu thầu đều công khai minh bạch kia mà?

  • Đến kỳ phỏng vấn, những đứa bé mồ côi như em có thể trả lời nổi câu hỏi uyên bác như đánh đố này không: “Bản thể luận của văn học?”

  • Vậy thì ai thắng?

  • Những ai biết cách gửi gắm.

  • Thật ư?

Từ nãy giờ, hai người ngồi cạnh nhau trên chiếc sofa, và trong khi đổi trao những bí mật đầu tiên của cuộc sống mới, Loan như đã vô tình ngồi sát dần Nhuận, và một cánh tay Loan đã ôm quàng lấy vai bên kia của cậu trai. Chỉ tới khi Nhuận tròn mắt hỏi “Thật ư?” Loan mới nhích xa ra. Hai người nhìn thẳng vào mắt nhau như thể cùng muốn nói: những gì chúng ta đang nói là có thật. Những gì không có thật nằm ở chỗ khác.

Nhuận đột ngột hỏi:

  • Em chưa biết mặt … ông ấy…

  • Em đến nộp hồ sơ, em có nhận thấy ở sân có cái xe Vét-pa vàng không?

  • Ai mà để ý chuyện ấy làm gì!

  • Ờ, xe đó là của ông ấy đấy…

  • Nét mặt, dáng đi, tính nết… ?

  • Nét mặt à? Một cái mặt muốn tát cho một cái. Dáng đi à? Một dáng đi tập làm quan, chỉ muốn đá cho một phát. Tính nết à…? Cứ ngồi trả lời phỏng vấn đi, rồi em sẽ biết!

Loan ngừng lại, tự hỏi: liệu có nên nói với cậu con trai kia rằng mọi chuyện “phỏng vấn”, “đấu thầu”, “sát hạch” này nọ, chẳng qua chỉ là trò hề bề ngoài để qua mắt thiên hạ. Còn ai trúng tuyển thì đã định trước hết rồi. Nếu không làm sao có ngôi nhà to thế này đứng tên ông ấy? Ôi, đứa con trai mồ côi. Ôi, cái đám con mồ côi. Mồ côi mà chưa hy vọng tìm được bố mẹ nuôi, để mỗi tháng bố cho ba trăm nghìn mẹ lại đuổi theo giúi thêm cho một trăm nữa.

  • Em bắt đầu hiểu… Bạn em nó bảo em là, chị muốn “lộ đề thi” cho em rồi em sẽ thông tin lại cho nó…

  • Em chưa hiểu gỉ cả… Nước đời khó lắm, Nhuận ạ… Chị có thể hiểu, vì chị có hẳn một mối thù…

Loan kịp dừng lại không nói hết.

Nhuận quay mặt sang phía Loan:

  • Chị nói cho em nghe đi. Thù ai? Chị nói đi.

  • Thù quân ta.

  • Thù chuyện gì?

  • Thù cái chuyện quân ta gây ra cho quân ta. Nói rồi đó. Em hiểu chưa?

  • Em không hiểu.

  • Một khi mọi người hiểu hết mọi chuyện… thì sẽ như chuyện đời xưa… người ta sẽ tự chọc mù mắt mình… Em cho chị xem những nốt ruồi ở lưng em được không?

Nhuận không nói gì. Loan quàng tay qua lưng Nhuận, khẽ vén áo cậu ta lên. Hơi thở gấp gáp của cậu trai có lẽ lần đầu được kề sát cái hơi nồng nàn của người đàn bà khiến Loan muốn làm chậm lại cái công việc xem mấy nốt ruồi trên lưng Nhuận. Loan ôm lấy Nhuận chặt trong đôi tay mình.

Rồi Loan từ từ kéo vạt áo Nhuận ra khỏi thắt lưng cậu, và bàn tay mềm mại của Loan lần tìm ba cái nốt ruồi ở lưng Nhuận.

Hai người đã đứng sát chặt vào nhau.

Một tình yêu sẽ thay thế cho một mối thù.

Một tình yêu sẽ cứu vãn cho hằn thù.

Loan ghé môi hôn chặt vào cặp môi Nhuận.

Hôn như một người tình.

Hôn như một người chi gái hôn em trai.

Hôn như một người mẹ nhìn thấu cuộc đời rồi có lúc sẽ chọc mù cả mắt mình lẫn mắt con.

*

Xa quá, xa lắm rồi

Chắc là đã hơn hai chục năm …

Tại sao những ngày xảy ra điều bi thảm cho con người lại thường hay diễn ra vào những ngày rét đậm kia chứ?

Năm đó, sao mà rét!

Loan ở Khu Bốn được đơn vị cho về nhà.

Mẹ đẻ đuổi không cho ở nhà.

Cô bạn có chồng ra trận cho ở đậu.

Thế rồi, hôm đó sao mà rét!

Loan nằm thiếp đi trong góc nhà.

Có tiếng cô bạn reo lên: “thằng cu có những ba cái nốt ruồi…”

Rồi lại có tiếng cô bạn nài nỉ: “bác cứ để chúng cháu nuôi …”

Tiếng mẹ dứt khoát; “nó làm xấu gia phong …”

Đứa nhỏ bị giằng đi, trao ngay cho ai đó chờ sẵn.

Ra khỏi cơn đau thân xác của người vượt cạn, Loan tiếp tục sống một cơn đau khác

27-28 tháng 1-2007

Châu Diên





Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Xuân Đinh Hợi
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss