Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư

Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư

- Nguyễn Ngọc Tư — published 16/02/2007 18:25, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19


Vết chim trời…


Nguyễn Ngọc Tư

   
Buổi trưa tháng mười đó, rất bình thường, như bình thường, chúng tôi trốn ngủ. Thằng Vĩnh vắt vẻo trên nhánh me trước sân nhà, cầm trái xoài sống nhai vừa nhai rau ráu, vừa thả vỏ xuống đầu tôi, nước miếng chèm nhẹp. Tôi hơi quạu, nhưng chỉ cười, tôi mà ném trả thì sập bẫy của Vĩnh, sẽ cuốn ngay vào trò chơi nó bày sẵn. Mọi người sẽ phát hiện ra đám trẻ đang ở ngoài sân thay vì trên giường, sẽ la om sòm lên. Thấy tôi nín thinh, biết không ăn thua, thằng Vĩnh đâm chán, nó thôi khiêu khích. Hai đứa tôi im ỉm, như bị vây bủa, bị đóng băng bởi cái thinh lặng ban trưa của con đường thưa vắng người. Nắng trên cao lợt nhách, xuyên qua tàn cây xuống đến sân thì tệ hơn, chỉ là những chùm bông nắng mờ mờ. Lâu lâu, vài ngọn gió mồ côi leo heo chạy lệt phệt qua, những cái lá me lững thững rơi xuống, đám lông chó lại lờ đờ bay ngược lên, để lại nền sân vài bông nắng thưa, tái ngắt.

Lúc đó, tôi đã đi qua mười bốn cái tháng mười, đi qua không biết bao nhiêu buổi trưa lạt lạt, phai phai như vậy. Những buổi trưa không làm đám con nít buồn ngủ, nhưng cũng không làm tụi nó hứng chí chạy nhảy chơi đùa. Những buổi trưa lừ đừ, lười nhác. Và nếu bà nội không khóc, buổi trưa nọ đã trôi tuột khỏi đời tôi, không một vết tích, không làm tôi đau khi đôi khi gặp lại cơn nắng nào, đã cũ.

Nhưng mà bà nội đã khóc, và buổi trưa kia đã vĩnh viễn bị tiếng khóc đóng đinh vào. Lúc đó bà vẫn còn nằm trên giường, chắc vừa choàng thức dậy sau giấc ngủ trưa. Mới đầu, nghe những tiếng hức nhẹ, tôi nghĩ là thằng Vĩnh nên ngó lên cây. Mới hay, Vĩnh cũng đang trố con mắt dò xét ngược xuống. Tiếng nấc bỗng ồ ồ dồn đuổi nhau qua cửa sổ. Bà nội. Bà nội khóc. Bà nội khóc kìa, ba ơi. Ba, bà nội khóc.

Cả nhà bị dựng ngược, lăng xăng quây lấy một bà già đang khóc. Trời ơi, sao má khóc vậy? Ủa, nội ơi, nội bị làm sao? Má ơi, má đau chỗ nào? Bà nội lắc đầu, vẫn khóc, nước mắt vừa lau xong nước mắt lại tràm trụa. Dỗ hoài bà không nín, cả nhà bất lực ngó nhau, ngờ vực, ai trong chúng ta đã làm bà nội khóc? Vừa lúc ấy thì bà nội nín, bà nắm lấy tay cha, hụp hửi:

- Sao bây lại bắn Út Hơn của má?

   

Sau này, long đong với bao biến cố cuộc đời, chen lấn, tranh giành, bị tạt vào mặt những câu từ khó nghe, phũ phàng nhất, nhưng tôi thề rằng chẳng câu nói nào đau đớn và nghiệt ngã như lời thốt ra từ cái miệng mếu máo của bà nội. Trời đất lặng phắt. Một mũi tên nào đó xé gió đâm thẳng vào tim cha. Ông chới với:

- Má!

- Bây bắn Út Hơn của má chết rồi, con ơi.

 

Bà nội bệu bạo nhắc lại, đẩy mũi tên vào trong cha sâu hơn. Và tôi khóc hức lên vì cảm giác cha vừa vào chết. Má tôi không biết gì hết, má túi bụi với sạp bán thuốc gò ngoài chợ. Chiều về, má ngạc nhiên thấy bà nội không chịu ngồi chung mâm, bà bưng chén cơm day lưng lại, trệu trạo nuốt từng miếng rời, chỉ chịu ăn những gì Vĩnh gắp cho. Người già giận hờn cũng ngoe nguẩy như trẻ con. Má hiểu là đã xảy ra chuyện gì nhưng má không hỏi, việc kiếm miếng ăn cho cả nhà khiến má rã rời.

Cha buông đũa sớm, có vẻ cha không cầm được máu mình đang rơi, ông nhìn vào cái lưng lạnh ngắt của bà nội cố hiểu chuyện gì đó. Bà thấy hình ảnh nào trong chiêm bao? Hay chỉ là một hành động trong chuỗi hành động ngớ ngẩn của căn bệnh lẫn thẫn đang tàn phá bà nội mấy năm qua? Như bà nội đã từng xách thùng tưới cải trong tủ lạnh, nhổ cỏ trồng vô hồ nước mưa. Như cái ngày bà nội ngơ ngác nhìn chúng tôi, hỏi, ủa, ai đây? ai mà kêu tui bằng bà nội vậy cà. Còn chú Hai này, muốn gì mà kêu tui bằng má, tui không có của cải gì đâu, đừng tưởng ngon mà nhào vô nhận bừa, nghen.

Tôi và những miếng cơm khô rốc, bỗng nghĩ, bây giờ bà nội có trèo lên cây ca hát hay đốt áo nướng trứng thằn lằn tôi cũng không ôm bụng cười ngắc nghéo nữa, những chuyện đó đã là bình thường. Chỉ bất thường là tiếng khóc ban trưa, khóc cho một câu chuyện về một trận chiến xa xôi trong một cuộc chiến đã xa xôi, đã khép lại rồi, đã lành những sẹo, ít ra thì đám con nít chúng tôi tưởng vậy. Bằng chứng là những vụ bắn nhau bằng súng nước giữa tôi và thằng Vĩnh luôn làm bà nội cười lăn, cười chảy nước mắt. Cho đến một buổi trưa tháng Mười đờ đẫn, tôi ngờ ngợ, hay cái cười đó là dành cho chúng tôi, nhưng nước mắt khóc cho cuộc chiến xa xôi kia, nơi cha tôi và chú Út Hơn, cha thằng Vĩnh buộc phải đứng ở hai bờ chiến tuyến?

Tôi không biết. Bà nội rất khó hiểu, bởi sáng bữa sau bà ráo hoảnh như chẳng có chuyện gì xảy ra. Bà nội dậy sớm, đi te te lại bàn ăn, trầm trồ tô mì gói má vừa nấu sẵn trước khi ra chợ dọn hàng. Thấy cha phờ phạc, liêu xiêu, bà nội hỏi bệnh gì sao? “Ngủ không được sao? Mắc gì mà mặt mày buồn hiu? Sao ngó tui trân trân vậy?” Cha chỉ cười, không nói. Bà nội đã thật quên chuyện hôm qua hay bà nội chôn nỗi đau đó tận đáy lòng?

Hay tiếng khóc trưa tháng mười chỉ là một cơn mê sảng bâng quơ? Giống như ông chồng nào đó thốt lên trong cơn say “Diễm em ơi !”, mà cô Diễm này nhiều khả năng không có thật ngoài đời, chỉ là một nhân vật trong phim, trong tiểu thuyết. Nhưng bà vợ thì ám ảnh cái tên đó suốt, bà uất hận, giận dữ, bà cảm thấy bị mất mát, lừa dối. Giống như thằng Vĩnh vẫn thường chỉ tay lên trời, “Chim kìa!” nhưng bầu trời tạnh vắng, và tôi biết thằng Vĩnh nói gạt mình, nhưng vẫn nghĩ, nếu thật là có con chim nào đó bay qua, thì sao? Và sự bâng quơ của bà nội cũng nghiệt ngã, cũng hoang đường, rõ ràng cha chỉ quanh quẩn ở Sài Gòn và chú Út thì ngã xuống ở con đường rừng nào đó, xa xôi. Không tin nhưng cha tôi buộc phải lục lọi từng cái ngách ký ức, nín thở, đau nhói, hãi hùng khi phát hiện ra một khả năng, một xác suất dù rất nhỏ nhoi, rằng đứa em trai có thể đã từng đối mặt với mình giữa lúc cuộc chiến sắp tàn.

Nên cha không chịu sống lại dù đã sang tháng thứ hai, dù mọi việc đã trở lại bình thường, nhất là với bà nội. Bà ngồi may áo, hỏi áo này tính cho ai, bà cười, cho cháu nội, thằng Hiền, thằng Vĩnh. Cái áo chỉ bằng gang tay. Trước bà, thời gian mềm nhũn, bời rời như cọng bún mắc mưa, vô nghĩa. Nó không ngăn cản được chuyện bà nội trở bàn tay sấp ngửa giữa thực tại và mười năm, hay hai mươi năm trước. Sau một giấc ngủ, bỗng bà nội hai mươi tuổi, không chừng. Tôi tiếc là mình chưa già, để bệnh lẫn có thể chiếm đoạt mình, để tôi buông xuôi, đồng tình với nó. Để có thể trở về trước cái buổi trưa tháng mười ấy.

Khi đó, cha tôi vẫn còn cười, âu yếm và nhẹ nhõm mỗi khi thằng Vĩnh nhảy chồm chồm, chờn vờn trước mặt tôi như một võ sĩ boxing trên sàn đấu. Khi đó, mỗi sớm cha gọi hai đứa trẻ thức dậy, chạy bộ ra công viên, và chúng tôi cùng nhau đá cầu. Nhưng rồi bà nội cất tiếng khóc sau một giấc ngủ dài, mà, lòng người là thứ dễ thương tổn, dòng sông cũng có thể cắt nát, sau đó thì ánh mắt, tiếng nói, nước mắt…

Thằng Vĩnh đổi tánh, nó bỗng ít nói, lầm lì, cục cằn. Nó không còn nhìn thẳng vào tôi. Cả lúc ngủ, Vĩnh cũng day lưng lại, điều đó làm tôi day dứt, nằm cạnh nó mà nhớ nó tơi bời.

Vĩnh về với nhà tôi khi má nó lấy chồng. Cha đặt nó cạnh tôi, nói, đây là em con. Nó nhoẻn cười, bôi nước mũi xanh dờn của nó vào miệng tôi, thay cho lời chào. Vĩnh đẹt ngắt, nhưng gạt tôi ra rìa trong cuộc chiến giành măng vú bà nội. Được ít lâu, Vĩnh cũng phải từ giã đôi vú thõng dài mát lạnh đó lủi thủi lên gác, măng cùi chỏ tôi, ngủ khò. Từ nhỏ, nó phá như quỷ sứ, quậy vô phương. Bó tay chân Vĩnh lại, cái đầu nó sẽ lúc lắc, nếu vịn cả cái đầu, con mắt vẫn dáo dác và nếu ta bịt mắt nó lại, ta vẫn cảm giác nó đang chạy nhảy lung linh. Hành động của Vĩnh luôn nằm ngoài những thứ mà cả nhà tưởng tượng được, bản năng, hoang dã và hồn nhiên. Như cởi cái quần ướt đẫm nước tiểu quăng vào nồi cháo vịt, lấy gậy để bật cầu dao điện, bắt mèo bú chuột, khoái đái vô… tủ lạnh cho mát… cu. Nó thích trèo cây, ngủ ngoẻo trên cây mà không rơi xuống.

Vậy mà cả nhà đều thương Vĩnh, thương đến mức nhiều khi tôi muốn khóc vì ghen tỵ. Với bà nội, với cha, Vĩnh là hiện thân của chú Út Hơn, cũng từng hoang dã, nghịch ngợm, cũng làm cả nhà hoảng hồn khi cầm cây củi đang cháy rượt người lớn chạy ngời ngời, lén múc nước làm gà đổ vào ấm trà của ông cố… Lớn lên, chú cũng làm mọi người chới với khi bỏ học, lấy vợ, rồi bỏ người vợ mới cưới vào bưng, “để coi làm sao họ sống thiếu thốn, khó khăn vậy mà lại bắn tưng bừng”. Vĩnh giống cha, khó đoán trước, đầy ngẫu hứng. Riêng má tôi không thương Vĩnh vì bóng hình nào đã cũ, mà việc dạy dỗ Vĩnh là sự thách thức thú vị so với người chồng mờ nhạt, ẩn mình như cái bóng và đứa con trai luôn uỷ mị, ngoan ngoãn, vẽ cái vòng tròn bắt ngồi đấy là te te vào ngồi, suốt ngày sạch sẽ, chẳng cần thay bộ đồ nào cũng tinh tươm, như con gái.
 
Chơi cùng nhau, thằng Vĩnh luôn là người bày đầu, và luôn luôn thắng cuộc. Tôi luôn bị đau và luôn mếu máo cười hơ hơ. Một khoảnh khắc nào đó, khi má tôi ôm siết Vĩnh vào lòng, tôi thấy ánh mắt nó lạc đi, chơ vơ, nó đã ý thức vòng tay ấy có thể chặt, có thể ấm áp nhưng không phải của-mình. Tôi thương Vĩnh suốt, thương những lần đám giỗ chú Út Hơn, thằng Vĩnh cầm nắm nhang ngoái ra sau, hỏi: “Bác Hai, nói làm sao?”. “Cái thằng, dạy không biết bao nhiêu lần rồi, nói vầy nè, bữa nay rằm tháng hai, nhà mình làm bữa cơm, con mời cha về ăn”. Thằng Vĩnh lóng ngóng nói tiếng trầy tiếng trật, và khi nó cắm nhang vào lư hương, tôi bỗng đọc trên gương mặt nó thất vọng não nề, nó gọi cha ơi nhưng tuyệt nhiên không có tiếng vọng nào dội lại. Cho đi và mất hút. Cho đi và biệt tăm.

Những dịp đó thì má thằng Vĩnh có về thăm, đôi lúc nhầm, Vĩnh gọi má nó bằng thím Út, như tôi. Nó chạy chơi suốt, và khi má nó đi, nó chỉ đứng chống nạnh trông theo. Nhìn từ phía sau lưng, tôi bỗng nghĩ, không có hai cánh tay chỏi vào hông, thằng Vĩnh sẽ gãy ngang, đổ gục xuống. Hỏi làm sao tôi không thương Vĩnh cho được. Hơn nữa, hành động đó làm cha tôi rất hài lòng. Cha và chú Hơn chỉ bên nhau ngót hai mươi ba năm, đầy hụt hẫng, tiếc nuối, và tình anh em đó chúng tôi tiếp nối. Chúng tôi tô màu mới lên bức tranh cũ, một đứa khờ khạo, chậm rãi lại yêu chiều đứa lanh lợi, ngang tàng. Đôi lúc, tôi lỡ tay đánh Vĩnh, nó khoái trá cười vì cuối cùng cũng khích được tôi, nhưng ánh mắt của cha buồn rượi.

Cha khá nghiêm khắc, và tôi phải giấu mình, theo ý cha. Tôi không được phép sai phạm lỗi lầm, dù là nhỏ nhất. Có cảm giác cha đang cố gắng dạy tôi điều gì đó, xa vời hơn việc không thuộc bài, hay tham gia đánh nhau cùng thằng Vĩnh. Nhưng ông muốn dạy tôi điều gì? Tôi buộc phải suy nghĩ nhiều, rất nhiều, nghĩ những chuyện mà ở tuổi tôi không nên nghĩ. Vĩnh ngán ngẩm, gọi tôi là ông ngoại và nó rất bực cái sự ông ngoại của tôi. Bởi nhiều khi đang chơi cùng nhau, tôi bỗng đờ ra, nghĩ, cha muốn dạy tôi điều gì, sao lại dẫn tôi đi họp tổ dân phố? Vừa ăn sáng ông vừa hối, như thể đã trễ rồi. Nhưng chúng tôi có mặt sớm nhất, ngồi sù sụ, nhẫn nại chờ mọi người đủ mặt. Cha có vẻ nghiêm túc, ông cầu thị lắng nghe suốt buổi họp, mặc kệ người ta chộn rộn nói tục, càu nhàu. Và cha về cuối cùng, sau khi xếp ghế, tắt hết đèn trong phòng họp. Cha tôi muốn nói gì với tôi khi mỗi Quốc khánh, lễ lạt, ông tự giác treo cờ, phường khóm phát động phong trào nào, nhà tôi luôn gương mẫu đi đầu. Cả ông già chằng gây bên xóm sáng nào ra ban công súc miệng cũng phun nước qua mái hiên nhà bên này, nước dãi cứ chảy tuôn tuôn, cha cũng nín nhịn. Tôi tức mình, thất vọng, tôi không biết tránh va chạm là tránh xây xước, tránh khui miệng một vết thương. Cũng là một cách che chở tôi khỏi những thương tổn. Chỉ đến dịp trường xét học sinh ưu tú để nhận bằng khen cấp thành phố, tôi không được chọn chỉ vì lý lịch của cha có chút vết đen, hiểu ra chút ít, tôi thoải mái hơn. Có tám chục cái giấy khen thì cũng không đổi được sự nhẹ nhàng này. Nhưng cha vẫn rầu rầu…

Bởi cha biết đôi khi ta phải trả giá lớn dù chỉ mang một lỗi lầm nhỏ. Trong ông luôn có dự cảm chia lìa, nếu không vì buổi trưa lạt nhách lạt nhiểu kia thì một ngày nào đó, trong một va chạm nào đó của tôi với cuộc đời, cha cũng lịm chết vì tự trách mình. Vì người ta vẫn có thể bị trừng phạt dù không phạm lỗi lầm nào, ví dụ như tôi bị thằng Vĩnh day ngang, không đếm xỉa gì nữa vì một cuộc chiến tranh không mắc mớ tới tôi, tới nó. Có lần, tôi mơn trớn, ngoáy mãi cái đuôi rùa sau gáy Vĩnh, tôi muốn nó quay lại, dù là sừng sộ, nạt nộ (nhưng tôi sẽ được nhìn vào mắt nó), “thôi nghen ông ngoại, tui dộng vô mặt ông bây giờ đó”. Nhưng thằng Vĩnh không nói, nó hộc lên và đè nghiến lấy tôi. Tôi nghẹn thở, tôi thấy mình vùng vẫy một cách tuyệt vọng trong ánh nhìn tối, đen ngầu, vằn lên những tia máu li ti của Vĩnh. Tôi cố cười, méo xệch, “Ê Vĩnh, đừng chơi vậy chớ, tụi mình là anh em mà”. 

“Anh em…”, Vĩnh nhại lại, cười khan, nó buông tôi ra, càu cạu bỏ ra ngoài, tôi vẫn còn nghẹn thở. Tôi lăn lộn, tôi đau nhói. Tôi xuống nhà, lặng lẽ ngồi nhìn bà nội ngủ say, không biết bà đã đau, đã day dứt đến mức nào khi hai đứa con trai của bà lại đứng ở hai bờ chiến sự, đến nỗi trong cơn quên nhớ lẫn lộn, lại để tiếng khóc rơi ra. Để cha tôi, thằng Vĩnh loay hoay hoài một trưa tháng mười xưa.

- Thằng Út Hơn của má quơ tay nhảy cà tưng kêu em nè anh Hai, em nè, Út Hơn nè nhưng bây vẫn bắn. Má thấy rõ ràng…

   
Những buổi trưa tháng mười mờ, lợt lại quay về trên khu phố nhà tôi. Má không có cơ hội nào để nhìn hoa nắng nhạt rụng trên sân, ở khu chợ thưa người, nóng la mày mặt, má ứ hự xếp lại mấy cây thuốc gò dẻo nhẹo. Cha cũng chẳng ngó ngàng gì hoa nắng, lặng lẽ ngồi đánh máy một cái đơn tranh chấp đất đai của khách hàng, gương mặt quắt quay, bàn tay như những vụn xương khô, cứng quèo bởi ý nghĩ, có thật mình đã bắn đứa em ruột thịt của mình? Bà nội ngủ trưa, mặt nhiều khi cau lại, nhiều khi rên khẽ, dường như những cơn chiêm bao đang tàn phá sự sống của bà. Hai đứa trẻ trốn ngủ, ra sân, tôi trèo lên cây thả những khúc cành khô xuống đầu Vĩnh với hy vọng Vĩnh sẽ quăng trả, sẽ sập bẫy, cuốn vào trò chơi của tôi. Sẽ ném vào nhau rát những nụ cười.

Và tôi cứ chờ đợi mãi…
     

Nguyễn Ngọc Tư

 
Nguồn :  http://viet-studies.org/NNTu/NNTu_VetChimTroi.htm

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Xuân Đinh Hợi
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss