Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Từ điển nói khéo

Từ điển nói khéo

- An Bàng — published 27/10/2006 15:30, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19
Trong bài này, An Bàng (báo Người đại biểu nhân dân) không bàn về vụ bê bối nhà đất của ông Hoàng Văn Nghiên, cựu chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Hà Nội, mà chỉ bàn về nghệ thuật dùng chữ của các quan chức thủ đô...


Từ điển nói khéo

An Bàng


Việc cựu chủ tịch thành phố Hà Nội – ông Hoàng Văn Nghiên – xin mua căn biệt thự mà ông đang thuê của nhà nước với giá rẻ, đến nay, nếu xét về việc “mua được hay không” thì có lẽ cũng đã rõ, nhưng những gì lãnh đạo trả lời với báo chí có lẽ đã khiến rất nhiều người đọc hoang mang.

Không hoang mang sao được khi trong bộ từ vựng của một người lãnh đạo thành phố như ông Lê Quý Đôn (1) có quá nhiều từ thuộc dạng “không thể và có thể”.

Khi được hỏi nếu báo chí không đưa ra công luận thì vụ này có diễn ra một cách yên ổn không, ông bảo, “Báo chí không nhắc tới thì cũng không có chuyện đó, rất ít khi có khả năng đó xảy ra.” (2)

“Rất ít khi” là sao, thưa ông? Nghĩa là vẫn còn cơ hội, dù nhỏ nhoi? Người dân bầu lãnh đạo lên là để nói thẳng chứ không phải để nói khéo. Vì sao ông không thể trả lời “đúng, sai” rõ ràng như Thứ trưởng Bộ TN&MT Đặng Hùng Võ, rằng việc bán nhà này là không đúng Luật, chưa kể còn thiếu ý thức đạo đức cách mạng (3).

Trước câu hỏi vì sao UBND không có văn bản chính thức trả lời Sở TN-MT là không bán nhà cho ông Nghiên, ông bảo: “Muốn trả lời chính thức thành phố phải bàn... Đây là vấn đề nhạy cảm, liên quan đến lãnh đạo” (4). Lạ thật, nếu đã có Luật thì anh cứ việc chiếu theo mà xử thôi, việc gì phải bàn nữa, trừ khi anh tìm cách “lách”? Chúng ta đã lãng phí bao nhiêu thời giờ của dân và cán bộ vào cái chữ bàn ấy cho những việc không-đáng-được-bàn? Và cái chữ nhạy cảm ở đây có ý nghĩa gì? Sao lại có một vùng cấm mang cái tên mỹ miều như thế dành riêng cho lãnh đạo? Và ở cái vùng này luật pháp hẳn cũng có thể du di?

Nhưng có lẽ đáng sợ nhất là chữ “chưa” trong bộ từ vựng của ông Lê Quý Đôn.

  • Thành phố chưa có chủ trương bán nhà cho các đồng chí này”
  • Lãnh đạo TP chưa bàn về việc này nên chưa biết được rõ ràng” (về việc có bán hay không bán biệt thự công cho ông Nghiên)
  • Lãnh đạo thành phố chưa có ý kiến gì” (trước công văn xin bán nhà cho ông Nghiên mà Sở TN-MT trình lên
  • Thành phố vẫn chưa có chủ trương gì.” (Khi được hỏi ông Nghiên nghỉ công tác rồi có phải trả lại biệt thự công không)

Trong khi dư luận sôi sùng sục, thì TP những ngày qua vẫn như một cô tiểu thư con nhà, quyết dùng chữ “chưa” một cách chừng mực và khéo léo.

Cứ tưởng cái chữ “chưa” đó lâu nay đã bị nhận diện là “công cụ hành dân”, và cải cách thủ tục hành chính cốt là để triệt tiêu dần cái chữ “chưa” lơ lửng đó. Có ngờ đâu ở cấp cao hơn, chữ “chưa” đó vẫn còn được dùng như một chiến thuật, một cách để hoãn binh mà chẳng mất lòng một cấp nào. Núp sau chữ “chưa” đó sẽ là lãng phí biết bao nhiêu thời gian họp bàn, là đùn đẩy nhau để ai đó phải phun ra chữ “không” hay chữ “có” trước.

Nhưng xét cho cùng, hình như cái chiến thuật tù mù đó được áp dụng ở khắp nơi, mà ông Lê Quý Đôn chỉ là một mắt xích. Chẳng hạn, nội dung công thư của văn phòng UBND khi trả lời công văn xin phép bán nhà cho ông Nghiên của Sở TN-MT, đã viết: “... đề nghị Sở căn cứ chính sách hiện hành xem xét việc bán nhà ở theo Nghị định 61/CP tại địa chỉ nói trên, đảm bảo chặt chẽ và ổn được tình hình.” Đến anh phóng viên cũng còn thắc mắc, thế cái này có phải là đồng ý không. Và nếu tôi là Sở TN-MT, nhận được công thư trên, có lẽ sau một hồi vò đầu bứt tai, tôi sẽ phải có thêm một công văn đề nghị giải thích cụm từ “đảm bảo chặt chẽ và ổn được tình hình” rất khéo léo kia của nhân viên soạn thảo văn bản tài ba nào đó của ủy ban.

Bác Hồ - bậc thầy về việc hành văn trong sáng – nếu đọc qua một loạt các văn bản của nhà nước hiện nay, hẳn sẽ buồn biết bao khi thấy cái kho từ vựng mập mờ đó lộng hành. Buồn không phải vì người dùng chữ không biết dùng, mà vì họ “quyết” dùng. Cũng may, đây đang là thời bình, công chức nhà nước mới có nhiều thì giờ vừa uống trà vừa “luận” văn bản để tìm ra ẩn ý; phải vào thời chiến, chắc vì hiểu lầm mà tốn khối máu xương.

An Bàng



(1) Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội
(2) Vietnamnet, ngày 28. 9. 06
(3) Vietnamnet, ngày 3. 10. 06
(4) Tiền Phong, ngày 29. 9. 06

Nguồn : báo Người đại biểu nhân dân, số 278, ngày 5.10.2006

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss