Tự tin là vương quốc của bình an
Tự tin là vương quốc của bình an
Cao Huy Thuần
(Trò chuyện với Áo Lam, VHPGVN)
- Thưa bác, cháu xin phép được gọi "bác" thay vì "ông" tuy rằng "ông" thì đúng hơn và "bác" thì hơi già, chắc bác không thích, bác còn quá trẻ mà! Nhưng "ông" thì xa lạ quá, mà bác với cháu thì quá thân nhau, trò chuyện mà làm bộ xa lạ thì lạc vần lạc điệu. Vậy xin bác xem đây là chuyện trò thân mật giữa một người già và một người trẻ về một đề tài có liên quan đến sự thành công trong cuộc đời, nhất là đối với giới trẻ: lòng tự tin. Đề tài quá rộng, cháu xin hạn chế trong vòng khái niệm, bởi vì ngay từ khái niệm, "tự tin" đã gợi ra biết bao nhiêu chuyện để nói. Nhưng, trước hết, thưa bác, có phải tự tin là chìa khóa của thành công trong cuộc đời?
- Thế nào là "thành công trong cuộc đời"? Chẳng ai dám nhận mình "thành công trong cuộc đời". Tôi có thể thành công trong nghề nghiệp mà thất bại trong tình ái. Ngất ngưỡng trên đồng tiền nhưng ban đêm chiêm bao toát mồ hôi toàn chuyện gạt nhau. Vậy, gạt qua cụm từ "thành công trong cuộc đời", chỉ nói đến những thành công cụ thể trong việc này việc nọ, nghĩa là những thành công mà bất cứ ai cũng đều có thể đạt được, tự tin là yếu tố quan trọng, quan trọng lắm. Bởi vì không tự tin là ngờ vực, mà ngờ vực là đầu mối của mọi thất bại, trong mọi lĩnh vực. Tự tin là đứng trên hai chân. Ngờ vực là cụt đi một chân.
- Thưa bác, thế nào là đứng trên hai chân? Trong kinh nghiệm của bác, bác hiểu tự tin như thế nào?
- Mình có hai chân như một chuyện tự nhiên cho nên chẳng bao giờ nghĩ đến chức năng thăng bằng của hai chân. Mà thăng bằng là đức tính tối quan trọng trong mọi lĩnh vực, từ đạo đức đến chính trị. Trong chuyện tự tin, thăng bằng là phải biết tự đánh giá mình cho đúng. Đánh giá cao quá thì đưa đến tự tôn. Đánh giá thấp quá thì đưa đến tự ty. Tự tôn thì kiêu ngạo. Tự ty thì sợ hãi, chưa bắt đầu một việc đã thấy hỏng trước. Đánh giá đúng thì khiêm tốn. Khiêm tốn chân thành chứ không phải vờ vịt. Mà khiêm tốn thì thành công.
Trong kinh nghiệm bản thân của tôi, trước hết tôi tự nghĩ: nếu tôi có một cái gì đáng giá thì cái đó không hoàn toàn do hẳn từ tôi. Mẹ tôi cho tôi thông minh. Cha tôi cho tôi kiên nhẫn. Sách giáo khoa thuở bé cho tôi căn bản đạo đức. Tôi được ăn học đàng hoàng do mồ hôi của cả gia đình. Tôi đánh giá thêm điều này nữa mà tôi luôn luôn thầm nghĩ trong đầu: những thành công lớn trong đời của tôi một phần là nhờ may. Mà may mắn thì không do từ tôi. Là Phật tử, tôi nghĩ: may mắn là do phúc đức của cha mẹ để lại, hoặc do phúc đức từ kiếp trước của tôi. Nghĩ như vậy, tôi học được đức tính mà tôi đã nói ở trên: khiêm tốn. May mắn là một yếu tố đến từ bên ngoài, tôi không đặt lên bàn cân để tự đánh giá tôi.
Tự đánh giá mình, tôi chỉ dựa trên một yếu tố thôi: sự cố gắng, ý chí luôn luôn cố gắng, chủ động cố gắng. Descartes gọi đó là libre arbitre, ý muốn. Chỉ có cái đó là do từ tôi. Chỉ có tôi muốn. Không ai muốn thế cho tôi. Và khi ý muốn của mình vững chắc đến độ "ai lay chẳng chuyển ai rung chẳng dời" thì mình tự tin.
- Và thành công?
- Không hẳn! Có khi vẫn thất bại như thường. Nhưng dù thất bại vẫn không mất tự tin. Thành công thì mình tự tin ở mình hơn nữa. Nhưng thất bại thì mình được học thêm nữa một tính tốt: rộng lượng. Rộng lượng với chính mình thì không đánh giá mình thấp vì thất bại, không mặc cảm. Ai biết nói: "thất bại là mẹ thành công", người đó biết thế nào là tự tin. Vì đó là câu nói chứa đựng tất cả ý chí, ý muốn. Tôi nói thêm: ai biết rộng lượng với chính mình thì cũng biết rộng lượng với người khác. Mình tự biết mình có lúc dở thì người khác cũng có lúc dở. Đánh giá người khác qua cái dở của người đó vào một lúc nào đó, nhiều khi bất công. Do đó, tự tin càng giúp cho mình đánh giá người khác đúng hơn.
- Bác nói vậy là bác nhìn người khác qua bác. Nhưng đồng thời người khác cũng nhìn bác, và bác cũng chịu ảnh hưởng về cái nhìn của họ. Cái nhìn của người khác có ảnh hưởng gì trên lòng tự tin của bác?
- Có ảnh hưởng chứ, và ảnh hưởng nhiều lắm. Mỗi người trong chúng ta là con người xã hội, vì không ai sống riêng lẻ một mình. Từ nhỏ, đứa bé đã dần dần phát triển nhân cách của nó, dần dần biết tự nhận định về nó qua tiếp xúc với người khác, trước hết là với cha mẹ, rồi với bạn bè, với nhà trường. Khen, chê, thưởng, phạt, một câu nói, một cử chỉ của người lớn có thể đè đứa bé xuống, có thể nhấc bổng nó lên, có thể làm tăng trưởng lòng tự tin ở nó, có thể làm lung lay. Trưởng thành, nó tiếp tục chịu ảnh hưởng của môi trường chung quanh: ta là gì, ta là ai, một phần không nhỏ là do cái nhìn của người khác. Thậm chí, thi hào Rimbaud của Pháp đã thốt ra một câu bất hủ: "Tôi" là một người khác ("Je" est un autre). Cái mà tôi gọi là "tôi" không phải là tôi đâu, là người khác đấy.
"Tôi là một người khác"
Rimbaud (người ngồi chống tay
vào
cằm) và Verlaine (người ngồi đầu, bên trái)
(tranh của Henri Fantin-Latour, 1872, musée d'Orsay)
Nói như vậy để nhắc nhở các bậc cha mẹ phải coi chừng. Có nhiều vị khen con mình quá cỡ với người khác trước mặt con. Con tôi học giỏi, con tôi đầu lớp, này bằng khen, này giải thưởng… Y như các bà mối ngày xưa ca tụng ứng viên của mình. Làm như vậy, đứa bé có thể có một hình ảnh về nó cao quá mức thực có. Ngược lại, có nhiều bậc cha mẹ cứ chê đè con trước mặt người khác. Con nhà tôi nhác học, ham chơi, hôm kia ngáp trong lớp bị cô giáo phạt, hôm qua ném kẹo vào bàn con gái bị cô đuổi ra sân. Giá như cha mẹ chịu hiểu con một chút, cô giáo giảng bài văn kiểu đó, làm sao nó không ngáp? Còn ném kẹo… có sao đâu, con trai mà không nghịch chút chút còn đáng lo hơn. Trong trường học cũng vậy, thầy cô đừng chê "sao mà dốt thế" như các ông thầy toán của tôi ngày xưa chê bọn dốt toán chúng tôi. Cứ bị chê dốt hoài, tưởng mình dốt thiệt. Mình đâu có dốt! Chỉ dốt toán thôi. Có sao đâu!
Tôi cũng muốn góp ý đôi chút về việc đặt tên con. Các bậc cha mẹ thường hay gửi gắm chí nguyện của mình vào đứa con qua việc đặt tên cho nó. Tốt thôi. Nhưng đôi lúc, thực tế đâm ra phũ phàng. Một bà mẹ có nước da bánh ít nhiều đường đặt tên con là Bạch Tuyết. Lớn lên, đứa con vẫn không ít đường, cái tên trở thành đề tài chế diễu của bạn bè, khiến nó ôm hận thiên thu. Tôi có anh bạn đặt tên con trai là Hào Kiệt. Nguyễn Văn Hào Kiệt. Trớ trêu thay, cậu quý tử nhát gái đến nỗi nói chuyện với bạn gái mà mặt cũng đỏ bừng, miệng lắp bắp. Không phải là chuyện đùa đâu: diễu cợt của bạn bè có thể làm đứa bé mang hổ thẹn thầm kín trong người, ảnh hưởng tai hại trên tâm lý của trẻ lúc nó mới bước vào giai đoạn tự định nghĩa về mình.
- Bác có bị bạn bè làm khổ như vậy không? Làm sao tự tin được nếu mình không thoát ra khỏi cái nhìn của người khác?
- Tôi hay ngắm cây cau trong vườn tôi. Cao vút. Ốm cà tong cà teo. Đón gió tứ phương. Vật vã khi gió bão. Vậy mà không bão nào quật nó ngã. Không ai không có chút khuyết điểm về thân thể, về dung nhan, để khỏi bị bạn bè đùa cợt, tôi không phải là ngoại lệ. Không ai không bị ảnh hưởng, từ trẻ đến già, của môi trường chung quanh. Nhưng riêng tôi, tôi cứ học từ cây cau…
- Nhưng, thưa bác, đâu có dễ gì tự mình biết mình. Để có thể tự khẳng định rằng "ta là ta", ta phải có thể có ý thức về ta. Làm sao ta có ý thức về ta được? Vấn đề tự tin, do đó, đưa đến vấn đề khó hơn: ta có thể ý thức được về ta?
- Đúng là cả một vấn đề triết lý. Tôi biết sự vật ở bên ngoài tôi, cái bàn, ngòi bút, cây mai ra hoa, con chim rỉa cánh. Còn ý thức, nó ở đâu đó trong tôi, khi tôi nhìn nó thì tức là tôi nhìn tôi, tôi vừa là chủ thể vừa là khách thể, vừa là người nhìn vừa là vật bị nhìn. Làm sao nhìn, làm sao biết được? Mà không ý thức được về tôi, làm sao tôi biết tôi là gì, là ai? Ông Sartre giải quyết câu hỏi này một cách triệt để. Ông nói: ta chỉ có thể hiểu biết thực sự về đồ vật mà thôi. Bởi vậy, muốn ý thức về mình phải dùng một cái mẹo: hãy nghĩ rằng mình là người bị nhìn, bị người khác nhìn mình. Dưới cái nhìn của người khác, mình trở thành đồ vật, mình thấy mình nơi con mắt của người khác. Do đó, "người khác nhìn tôi vậy là tôi hiện hữu". Quan điểm này, như đã nói ở trên, có một phần sự thực. Từ nhỏ, ta đã thường hay nghĩ rằng cái mà ta gọi là ta chính là cái mà ta phô ra dưới cái nhìn của người khác, cái mà ta không thể tự mình thấy được. Ta cần có người khác để ta biết ta, bởi vì chỉ có người khác mới vén màn lên cho ta thấy ta như là ta. Thậm chí Tarzan cũng phải cần có cô Jane xuất hiện để biết rằng mình cũng có trái tim biết thổn thức như ai, không giống tim cọp, tim heo rừng. Lúc nhỏ - mà lớn cũng vậy - tôi thích ngắm trộm người lớn tô son, vẽ mày. Giống như một danh họa chăm chút bức tranh. Tôi rất thích ngắm trộm các cô xối nước rửa chân bên giếng, hình ảnh thơ mộng Việt Nam không đâu có mà cũng chẳng đâu còn. Ngắm trộm có một cái thú lạ lùng, như ăn một trái ngọt có chút chua. Có trộm mới thú, chứ biểu tôi dương mắt trước cảnh thanh thiên bạch nhật thì tôi chẳng thèm đâu. Tôi không thấy đó là tội lỗi, không thấy xấu. Nhưng ví thử tôi đang nhìn trộm mà bị ai bắt chợt thình lình thì ôi thôi, vốn liếng đạo đức của tôi đi đời nhà ma, vết nhơ nghìn đời không rửa sạch. Nghĩa là gì? Là, bỗng vụt một cái, tôi thấy tôi khác hẳn, tôi hiện nguyên hình một thằng đốn mạt. Người khác bỗng thành ra trung gian giữa tôi và tôi để thắp sáng lên hình ảnh của ta chìm khuất trong tối tăm của ý thức về ta. Ông Sartre cho rằng ta chỉ biết về ta một cách gián tiếp như vậy.
- Cháu xin phép mở một ngoặc đơn để nói cho rõ thêm về quan điểm của Sartre. Ai cũng biết câu nói nổi tiếng của ông: "Địa ngục là người khác". Tại sao? Tại sao người khác là địa ngục?
- Ông Sartre đã từng than phiền về câu nói đó. Vì quá nổi tiếng nên nó bị hiểu lầm tai hại. Ông cắt nghĩa rõ: câu đó không có nghĩa rằng tương quan giữa ta và người khác luôn luôn bị trúng độc, luôn luôn là tương quan địa ngục. Nếu tương quan giữa ta và người khác trở thành vặn vẹo, biến chất, thì đúng người khác là địa ngục. Tại sao? Tại vì, như đã nói, người khác là quan trọng cho ta, để ta biết ta. Khi ta nghĩ về ta, khi ta thử tìm hiểu về ta, thật sự là ta dùng những hiểu biết mà người khác đã có về ta, ta tự phán đoán về mình bằng những phương tiện mà người khác đã cho ta có để phán đoán. Dù ta nói gì về ta, dù ta cảm thấy gì về ta, phán đoán của người khác vẫn dự phần vào. Như vậy có nghĩa là: nếu tương quan giữa ta với người khác xấu, tức là ta tự đặt ta vào trong tình trạng hoàn toàn lệ thuộc vào người khác, và như vậy thì đúng là ta ở trong địa ngục. Và quả thật là bao nhiêu người đang ở trong địa ngục vì hoàn toàn lệ thuộc vào phán đoán của người khác.
- Có một ý chưa rõ trong lời giải thích, xin bác nói rõ hơn: "nếu tương quan giữa ta với người khác xấu…" Điều đó có nghĩa là có thể có tương quan tốt?
- Tất nhiên! Cô đang đi bỗng thấy có ai nhìn mình, một cái nhìn tình cờ, không hàm ý gì xấu. Phản ứng tự nhiên của cô là trả lời bằng một nụ cười nhẹ, dù rất nghiêm trang. Đâu có phải tương quan nào cũng xấu. Câu nói của Sartre nhấn mạnh trên sự quan trọng của người khác đối với mình. Nếu mình lệ thuộc hoàn toàn vào phán đoán của người khác, và nếu phán đoán đó không đúng vì tương quan xấu, thì có khác gì mình soi mình vào một cái gương bể? Mặt mày trong gương là mặt mày quỷ sứ. Lệ thuộc hoàn toàn vào phán đoán của người khác trong tình trạng đó đưa đến bao nhiêu phiền não, hệ lụy. Cho nên phải hiểu cái ý thứ hai hàm chứa trong câu nói của Sartre. Cái ý thứ hai đó không có gì trái ngược với lòng tự tin mà ta đang nói chuyện.
- Quả là absurde, vô lý. Nhưng hình như triết lý của Sartre là absurde.
- Ừ thì absurde, nhưng rất… có lý. Câu nói của Sartre không đi đến kết luận là địa ngục. Trái lại, kết luận của nó là tự do. Câu nói ấy nằm trong vở kịch "Huis clos". Ba nhân vật trong vở kịch ấy là ba người chết. Nói "chết" là không đúng hẳn. Phải nói là "không sống". Họ sống cũng như chết, vì hoàn toàn bất động, chẳng làm gì để thoát ra khỏi lệ thuộc. Cả ba đều là nạn nhân của những thói quen, thành kiến, phong tục, nghĩa là những phán đoán làm họ khổ sở mà họ không muốn thay đổi. Làm sao nói rằng họ sống được khi họ không còn cả ý muốn đập vỡ cái khung trong đó họ bị nhốt với những lo lắng, phiền muộn, những quan tâm, lề thói, những phán đoán thường xuyên mà họ là nạn nhân? Ta khác họ, vì họ chết còn ta thì sống. Ta sống, cho nên ta có tự do để thay đổi, để làm hành động này thay vì hành động kia. Ta có tự do để thay đổi hình ảnh của ta nơi mắt người khác. Dù cái khung địa ngục có kín đến bao nhiêu đi nữa, ta vẫn có tự do để phá vỡ nó. Và nếu ta không phá vỡ thì tức là ta cũng có cái tự do lựa chọn ở mãi trong khung. Tự do để hưởng mùi của địa ngục, làm bạn với quỷ sứ, nghe thanh sắt nóng cháy xèo xèo trên da.
- Như vậy, thưa bác, ta có thể rút ra hai kết luận. Một là về vấn đề ý thức: dù biết gián tiếp hay trực tiếp, ta vẫn có ít nhất cái cảm tưởng rằng có một cái gì đó trong ta khiến ta có ý nghĩ rằng ta là ta. Hai là về tự do: nếu con người vẫn có tự do để thay đổi thì vấn đề tự tin mới đặt ra, bởi vì nếu ta chỉ là ta qua cái nhìn của người khác, không có cái gì của riêng ta cả, thì làm sao thay đổi được, thay đổi cái gì? Có phải vì vậy chăng mà khẩu hiệu thời thượng của "mốt" ăn mặc ở Âu Mỹ hiện nay là "Be yourself"? "Hãy là ta!" Khẩu hiệu này đánh đúng tâm lý của giới trẻ muốn xác nhận mình là con người trưởng thành, tự lực, tự cường, bất cần cái nhìn của thiên hạ. Be yourself! Hãy là ta! Hãy là bạn! Hãy là mày! Có phải đó là ngọn cờ của tự tin?
- Khẩu hiệu đó phảng phất hơi hướng của câu nói danh tiếng của Nietzsche: "Hãy trở thành người mà mày đang là" ("Deviens ce que tu es"). Mày đang là mày đấy, mày đang có cái riêng của mày đấy, cái ấy là tuyệt vời, mày phải phát triển nó lên. Cái hay - và cái khác một trời một vực - của Nietzsche nằm ở chữ "Deviens". Mày chưa được là mày, mày phải trở thành mày. Nhưng cái giống với khẩu hiệu kia là ở chỗ thúc đẩy lòng tự tin như một mệnh lệnh. Khẩu hiệu đó tốt lắm chứ, nếu nó được hiểu như một khuyến khích chống lại mọi khuynh hướng bắt chước, lệ thuộc. Trong lĩnh vực văn chương, nghệ thuật, nó lại còn cần thiết để làm nảy nở cái riêng tư, cái độc đáo của sáng tạo cá nhân. Tuy nhiên, phải coi chừng! Phải coi chừng tài ba điệu nghệ của quảng cáo, tiếp thị ngày nay! Tôi nghe nói có thương hiệu y phục nổi tiếng mang tên là "Be". Nghe nói ở Bombay, bên Ấn Độ, giới trẻ có tiền cũng đua nhau ăn mặc hiệu đó như ở Âu Mỹ. "Be", tức là "Be yourself". Thông điệp mà thương hiệu đó đưa ra là: "Đừng bắt chước; hãy sáng tạo". "I am what I am", "tôi là tôi". Hay quá! Hào hùng quá! Nhưng sự thực là gì? Là họ đã tạo ra thị hiếu. Mà thị hiếu là bắt chước. Ở trường học, các cô các cậu ăn mặc theo thị hiếu rất nhanh, rất đồng loạt, dường như làm khác bạn bè thì mình không phải là mình. Đánh đúng phóc cái tâm lý đó, quảng cáo ra khẩu hiệu: "Để ta là ta, trước hết phải giống người khác". Và các cô các cậu thực hiện y chang. Từ một khẩu hiệu thúc đẩy tự tin, "Be yourself" đưa đến một kết quả ngược lại, nhưng vẫn làm cho các con thiêu thân trong thế giới tiêu thụ hân hoan nghĩ rằng mình đang thắp sáng tự tin.
- Thưa bác, như vậy "Be yourself" không hợp với Phật giáo? Nó đánh lừa? Nó lấy giả làm chân? Nó đẹp, nó long lanh, nhưng nó là giọt sương, không phải hạt ngọc?
- Có hai điều phải nói trước khi trả lời câu hỏi hóc búa này. Thứ nhất, "Be yourself" phản ánh văn hóa tôn sùng cá nhân của Tây phương, đặt cá nhân lên cao nhất. Tôi có quyền sống và suy nghĩ như tôi muốn, mặc áp lực của xã hội. Cá nhân chiến thắng hay cá nhân bị xã hội vùi dập là đề tài bất tận trong văn chương, tiểu thuyết. Ở ta, Tự Lực Văn Đoàn đã bắn phát súng đầu tiên cách đây ba phần tư thế kỷ. Thế hệ của tôi đã từng uất ức, phẫn nộ, với những cô Loan và những Đoạn Tuyệt, lòng dạ bồn chồn, chỉ chực đứng lên với đàn anh phất cờ giải phóng cá nhân khỏi tù ngục của Khổng giáo. Trong văn học Mỹ, Henry David Thoreau, mà ảnh hưởng vô cùng lớn trên nếp suy nghĩ của người Mỹ, đề cao cái ta đến mức chủ trương rằng cá nhân do tự mình mà hiện hữu, không do ở bất kỳ đâu khác. Ông so sánh con người với cây cối: "Nếu một cây không được sống theo bản chất tự nhiên của nó, nó sẽ chết. Con người cũng vậy". Ông nói thêm: "Khi một hạt sồi và một hạt dẻ rơi xuống đất, hạt này bên cạnh hạt kia, hạt nào cũng không ở trong tình trạng bất động, hạt nào cũng không chịu thua hạt nào, cả hai đều tuân theo luật riêng của chúng, chồi lên mặt đất, lớn lên và trổ hoa với tất cả sức sống của chúng". Nghĩa là mỗi cái ta phát triển độc lập với những cái ta khác, mạnh được yếu thua. "Cả hai, ông nói tiếp, lớn lên cho đến khi nào xảy ra chuyện một trong hai cây chế ngự và tiêu diệt cây kia".
- Cháu xin phép cắt ngang để "ồ" một tiếng. Ghê quá, không có công bằng, công lý gì nữa. Chỉ có cạnh tranh. Nhưng con người đâu có phải giống như cây cối, bác nhỉ. Con người đâu có thể phát triển một mình, chẳng cần đến ai, đâu có sống ngoài xã hội được? Có cái ta nào mà không liên đới với những cái ta khác? Cá nhân đâu có phải tự nó hiện hữu, bác nhỉ.
- Bởi vậy, có thể nói: cái ta chung có trước khi cái ta riêng hiện hữu. Mình sinh ra thì đã có môi trường chung quanh. Có người cho bú, có người thay tả, có hơi ấm, có tiếng ru. Bởi vậy, và đây là điều thứ hai tôi muốn nói, liên đới là luật sống của con người trong xã hội, là đạo đức của mọi cá nhân. Trong Phật giáo, không có cái gì tự nó mà hiện hữu, cái này có thì cái kia có, mọi sự mọi vật đều là liên đới với nhau mà có. Ta là ta, và đồng thời ta cũng là người khác. Sống hòa hợp với người khác cũng là sống hòa hợp với ta. Tự tin, chính là để sống hòa hợp với người khác. Càng tự tin ở mình, càng vững chắc nghĩ rằng mình đánh giá mình đúng, thì lại càng ung dung, tự tại, càng dễ sống thoải mái với người khác.
Trong Phật giáo, chữ "tự" quan trọng lắm. Tận cùng của mỗi buổi lễ ở chùa, ta đọc "tam quy", và mỗi tam quy đều bắt đầu bằng chữ "tự": "Tự quy y Phật, xin nguyện…" "Tự quy y Pháp, xin nguyện…" "Tự quy y Tăng, xin nguyện…" Không ai bắt ta phải quy y; tự ta quy y. Chữ "tự" nói lên tất cả lòng tin tưởng nơi ta, nói rằng ta là dõng mãnh, con người là dõng mãnh. Ta là dõng mãnh, vì tự nơi ta, ta có đủ khả năng để giác ngộ, Phật dạy ta vậy. Ta có đủ khả năng đó thì người khác cũng có đủ khả năng đó. Nghĩ như vậy, thấy như vậy, thì quan hệ giữa ta và người khác là quan hệ kính trọng nhau. Tự tin trong Phật giáo là tự tin nơi tính Phật, tính Phật trong ta và tính Phật trong mọi người. Như vậy, tự tin đi đôi với đạo đức liên đới. Nhân tiện, cũng cần nên nhắc: câu nói của Nietzsche ở trên cũng không phải là tuyên ngôn của cá nhân. Đó là tuyên ngôn của con Người trước thượng đế đã mất ngôi.
- Nói tóm lại, thưa bác, điều mà bác muốn nhắn nhủ là phải hiểu chữ tự tin một cách đúng đắn, và phải hiểu tự tin là để sống đẹp với người khác. Để hiểu rõ hai điều đó hơn nữa, xin hỏi bác thêm một khái niệm cuối cùng: tự yêu. Hay dịch cho đúng hơn, tự say đắm. Cháu muốn nói đến chữ narcissism. Tự say mê mình thì chẳng biết đến ai ngoài mình. Giữa tự tin và tự yêu, hai khái niệm hoàn toàn xa nhau hay có gì gần nhau?
- Trong thần thoại Hy Lạp, anh chàng Narcisse yêu mình đến độ say mê ngắm bóng mình trong nước. Ngắm gần, gần nữa, mặt kề mặt, anh chàng lộn cổ xuống ao. Tôi không nói đùa đâu: anh chàng muốn hôn bóng mình trong nước. Đó là một hiện tượng đồng tính luyến ái mà Freud đã phân tích. Muốn tìm nguồn gốc của narcissism, phải tìm tình trạng của con người lúc còn bào thai. Bào thai hạnh phúc vô cùng, hoàn toàn hạnh phúc: một mình trong thế giới của mình, không có ai khác, không tranh chấp với ai, muốn gì có ngay, không có khái niệm về thời gian, bất sinh bất tử. Đó là narcissism nguyên thủy. Trong bào thai, ta là toàn quyền toàn năng. Đến khi bào thai lọt lòng mẹ, cả cái thế giới ấy biến mất, đứa bé khám phá ra mình cần người khác, cái gì cũng cần, cái gì cũng lệ thuộc. Ủa, hóa ra có một người khác cho mình bú. Ủa, hóa ra thế giới này còn có người nào đó không phải là mình. Mình muốn gì, phải đòi, phải khóc mới có. Lắm khi, muốn cái này lại cho cái kia, không trúng ý. Hóa ra mình đã mất giá trị rồi, mất cả an ninh, thậm chí bị bỏ rơi. Freud gọi đó là vết thương đầu tiên của lòng tự yêu, của narcissism. Vô ý thức, vết thương đó đưa đến bực bội, hung hăng, tức giận ngấm ngầm khi đứa bé lớn lên. Ngấm ngầm, vì giáo dục, vì xã hội cấm đoán, những tình cảm bị ức chế đó tự biến đổi để biểu lộ ra bên ngoài dưới dạng những phán đoán, chỉ trích, sinh sự, hoặc biểu lộ ra bên trong dưới dạng căng thẳng, lo lắng, mặc cảm tội lỗi, hổ thẹn, nói chung là tự mình hủy hoại mình, tự mình trừng phạt mình. Từ đó, đứa bé tự mình đánh giá mình thấp xuống, tự mình từ chối mình, đưa đến cảm giác rất khổ sở là thiếu tình yêu. Bởi vậy, khi bào thai lọt lòng, chỉ bà mẹ, với tình thương con, là có thể đem lại bù trừ, lấp đầy sự mất tin tưởng của sơ nhi. Tình thương vô điều kiện đó là cơ sở không thể thiếu được để tạo sự quân bình tâm lý về sau cho đứa bé. Không có tình thương đó, đứa bé sẽ vẫn cứ thiếu trưởng thành hoài, thường xuyên khao khát tình yêu, thường xuyên cần được an tâm để chống lại cảm giác bất an ninh luôn luôn đe dọa.
Do đó, các bậc cha mẹ cần để ý khi dạy và thương con. Có hai cách thương khác nhau: hoặc thương con như đứa con mình có; hoặc thương con như tự thương mình, như thử đứa con là tiếp nối của chính mình, hình ảnh mà mình muốn phô ra cho người khác thấy, nghĩa là tình thương narcissist. Nếu thương như kiểu thứ hai, chỉ cần đứa con có khiếm khuyết gì đó, bất toàn gì đó, là người mẹ thất vọng, có khi ghét bỏ, thầm kín thôi, nhưng càng giấu, càng dồn nén, lại càng hủy hoại tâm lý. Trong trường hợp đó, đố người mẹ có thể nhìn con với con mắt khen ngợi, tán thưởng, thán phục mà đứa con cần vô cùng để tự xây dựng tâm lý tự tin của nó. Đứa con lớn lên sẽ rất khó dạy, vì nó cứ mang hoài trong tâm lý cảm giác rằng người khác đang còn nợ nó một món gì đó chưa trả mà nó phải đòi. Nó sẽ thành một đứa trẻ hay đòi hỏi, để bù trừ một thiếu thốn làm nó khắc khoải. Tâm lý khổ sở đó lại còn dày vò hơn nếu cha mẹ tỏ vẽ thương một đứa con khác, anh chị hay em nó.
- Và như vậy là từ tự yêu nguyên thủy, không khéo đứa bé có thể rơi vào cực đối nghịch là tự ghét, tự thù mình, và không chừng thù luôn cả xã hội.
- Chính vì vậy mà tự tin là để tránh cho ta đừng đi từ cực này qua cực kia. Trong tự tin, có tự yêu chứ. Nếu ta không yêu ta, không trọng ta, thì làm sao ta tự tin ta được? Nhưng ta phải biết yêu ta một cách lành mạnh và yêu ta như ta là, như ta có, với những cái hay, cái dở, cái xấu, cái tốt, chứ không phải yêu ta như cái ta dự phóng, quá cao, quá lý tưởng, quá xa rời thực tế. Ta phải có tự tin để làm điểm tựa, như người leo núi đóng một cái móc sắt vào đá để từ đó mà leo lên. Người leo núi đóng móc sắt vào núi, ta đóng móc sắt vào thực tế, leo lên không ngừng, không tự tôn, không tự ty, không ganh ghét mà cũng không khiêm tốn vờ vịt. Lòng tự tin làm ta vui, hạnh phúc, bình yên, thương mình để thương người. Tôi thấy có nhiều văn hóa trong đó con người phải tự hành hạ mình, quất roi, ép xác, để hiến mình cho một đấng cao xa hoặc để vươn đến một cái gì đẹp mà họ tin tưởng. Tôi thì tin tưởng ở con người, con người là vương quốc của con người, tự tin là vương quốc của bình an.
- Nghĩa là bác ghét mê tín…
- Đó là địa ngục. Không gì bất bình an bằng mê tín. Bất bình an đưa đến mê tín. Mê tín tạo thêm bất bình an. Cái này tạo ra cái kia. Chỉ vì không biết tự tin. Chỉ vì không biết trong ta có Phật.
- Cháu cám ơn lời nhắn nhủ của bác. Cháu cám ơn bác.
Cao Huy Thuần
Nguồn:
Bản tác giả gửi cho Diễn Đàn, cũng đã đăng Văn hoá
Phật giáo Việt Nam (báo giấy) số Tết Nhâm Thìn.
Các thao tác trên Tài liệu