Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Tuổi thơ tôi không thể bỏ lại phía sau

Tuổi thơ tôi không thể bỏ lại phía sau

- Hân Nhiên (Nguyễn Ngọc Giao dịch) — published 30/05/2023 22:05, cập nhật lần cuối 31/05/2023 17:04


Tuổi thơ tôi không thể bỏ lại phía sau


Hân Nhiên


LTS. Hân Nhiên là bút hiệu của bà Tuyết Hân Nhiên (薛欣然 Xue Xinran). Sinh năm 1958 ở Bắc Kinh, là nhà báo và nhà văn, từ năm 1997 sống ở London. Trước đó, bà làm việc hơn mười năm ở Đài phát thanh Nam Kinh, phụ trách một chương trình phát thanh (Lời nói trong gió đêm) trong đó những người phụ nữ Trung Quốc kể lại cuộc đời của mình. Từ những chứng từ ấy, Hân Nhiên đã tập hợp thành một cuốn sách, Phụ nữ Trung Quốc (The Good Women of China, Hidden Voices, Anchor Books, 2003).


Diễn Đàn xin giới thiệu một chương của cuốn sách. Kỳ sau, là chương tiếp theo.


Tôi đã bắt đầu tìm tòi những câu chuyện phụ nữ Trung Quốc với tất cả nhiệt tình của tuổi trẻ, nhưng chẳng biết mấy tí. Bây giờ tôi biết nhiều hơn, sự hiểu biết chín chắn hơn – nên cũng cảm thấy đau khổ hơn. Đôi khi những khổ đau mà tôi trải qua khiến tôi cảm thấy tê dại toàn thân, khắp người như mọc ra những vết chai lỳ. Rồi tôi lại nghe kể những câu chuyện khác và cảm xúc lại trào dâng.

Cuộc sống cá nhân của tôi nhiều nỗi truân chuyên, nhưng sự nghiệp truyền thông thì ngày một thành công. Tôi được cử làm Giám đốc Phát triển và Kế hoạch, nghĩa là phụ trách việc phát triển kế hoạch tương lai của toàn bộ Đài phát thanh. Tên tuổi và ảnh hưởng của tôi lan tỏa, nên tôi có cơ hội gặp những người phụ nữ mà bình thường tôi không bao giờ có dịp : phu nhân của những cán bộ lãnh đạo Đảng, những nhân vật phụ nữ trong quân đội, trong các cơ sở tôn giáo, hay trong tù. Cuộc gặp trong tù nguyên ủy là do chuyện trò trong một buổi lễ gắn huy chương của Sở Công An (SCA). Trước đó tôi có tham gia tổ chức hoạt động tập huấn công chúng cho SCA nên được tặng huy chương “ Bông hoa của Lực lượng Công an ”.  Huy chương này cũng chẳng có mấy ý nghĩa, nhưng tôi là phụ nữ duy nhất của tỉnh được vinh danh như vậy và điều này cũng rất thuận lợi đối với tôi trong nỗ lực tìm gặp thêm những phụ nữ khác.

Người Trung Hoa thường nắm bắt mọi cơ hội để tiệc tùng : chúng tôi sống theo phương châm ‘thức ăn là thiên đường’, chúng tôi ăn nhậu xả láng. Tuy chỉ có bốn người nhận huy chương, nhưng số người tham dự buổi tiệc lên tới hơn bốn trăm. Trong giới công an, rất ít phụ nữ được vinh danh hay được trao giải thưởng, người ngoài giới công an lại càng hiếm hơn nữa. Vì thế mà tối hôm ấy, tôi trở thành chủ đề của các cuộc chuyện trò. Tôi chúa ghét những lời tán tỉnh và những câu hỏi bất tận, nên tôi đánh bài chuồn bằng cách lẩn vào hành lang dành cho nhân viên phục vụ. Khi trông thấy tôi, họ la lên, “ Tránh ra, tránh ra, đừng có cản đường !”

Tôi vội đứng nép vào tường. Dẫu sao ở đây còn dễ chịu hơn là đứng chịu trận cho quan khách soi mói. Một lúc sau, ông Mỹ, cảnh sát trưởng, vào bếp cảm ơn nhân viên phục vụ. Thấy tôi, ông ngạc nhiên, hỏi tôi định làm trò gì vậy.

Tôi quen biết ông từ trước, thấy ông là người đáng tin cậy, nên tôi nói thẳng. Ông ta cả cười và bảo tôi : « Nếu thế thi cô cần gì phải lẩn trốn ở cái xó xỉnh ghê tởm này. Cô đi theo tôi, tới một nơi đàng hoàng hơn ». Và ông Mỹ dẫn tôi đi.

Đại sảnh, nơi tổ chức tiệc liên hoan, cả thành phố đều biết tiếng, bên cạnh còn có những phòng tiếp tân và phòng họp mà tôi không ngờ tới. Ông đưa tôi vào một căn phòng, nói hội trường được thiết kế theo kiểu Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, để tiếp đón các vị lãnh đạo chính quyền trung ương mỗi lần về đây kinh lý. Tôi cảm thấy choáng ngợp được đặt chân vào chốn thâm cung, và cũng ngại người ta sẽ dị nghị về chuyện chỉ có hai chúng tôi vào đây.

Thấy tôi ngần ngại, ông Mỹ nói : « Đừng có sợ những lời đồn đại. Bên ngoài có lính gác đấy. Chà, tôi mệt quá… ». Ông ta ngáp dài rồi ngả người xuống xô-pha.

Người lính gác gõ cửa hỏi « Thủ trưởng có cần gì không ạ ? ».

« Không cần », ông ta trả lời cụt lủn, giọng lạnh nhạt. Đó là cách ứng xử của những quan chức cao cấp ở Trung Quốc đối với cấp dưới, tôi cho rằng cung cách này đã tạo ra thái độ tự tôn và tự ti giữa người Trung Hoa với nhau.

Ông cảnh sát trưởng nằm dài trên xô-pha, hai tay xoa bóp mặt và đầu. « Cô Hân Nhiên ạ, tôi vừa đi Hồ Nam về, thăm một số trại tù. Nghe nói tới một nữ tù nhân, ả này có thể là đề tài lý thú cho cô đấy. Ả ta vào tù ra khám năm sáu lần vì tội hủ hóa tình dục và chung chạ bất hợp pháp. Nếu cô muốn phỏng vấn, tôi có thể sắp xếp giấy phép và xe cộ cho cô ».

Tôi gật đầu cảm ơn. Ông Mỹ mệt mỏi lắc đầu, nói « Đàn bà Trung Quốc thực sự là đang sống một thời buổi khó khăn. Tôi có nghe chương trình của cô mấy lần rồi, thật là buồn và xúc động. Đời một người phụ nữ mấy chục năm qua, hỏi có chút gì là hạnh phúc ? Bà xã tôi thường nói phụ nữ tươi cười với mọi người, còn những cơn nhức đầu thì giữ cho mình. Bà ấy rất thích nghe chương trình của cô nhưng tôi phải hạn chế. Bà ấy rất dễ xúc động, nghe xong một câu chuyện là có thể mất ăn mất ngủ mấy ngày », ông ta ngừng một lát rồi tiếp « Tôi không muốn bà ấy đi trước tôi. Tôi không thể kham nổi ».

Thủ trưởng Mỹ là một người to lớn, cứng rắn, quê ở Sơn Đông.  Tôi quen biết ông nhiều năm rồi, nhưng không ngờ ông mẫn cảm như thế. Các bậc mày râu Trung Quốc được giáo dục từ nhỏ để được người khác kính nể, và nhiều người không muốn người khác thấy được khía cạnh mềm yếu cuả họ. Đây là lần đầu tiên chúng tôi không trao đổi về công tác, mà về đàn ông, đàn bà, về quan hệ nam nữ.

Hai tuần sau, chiếc xe jeep của SCA chở tôi đến một nhà tù nữ phạm nhân vùng núi phía tây Hồ Nam. Khu nhà tù cũng giống như mọi khám đường khác : hàng rào dây điện, lính canh, đèn pha gắn trên những bức tường xám xịt, tạo ra bầu không khí căng thẳng, ghê rợn. Cổng chính – dành riêng cho ô tô của quan chức – đóng kín. Chúng tôi đi vào bằng cửa bên.

Nhìn tòa nhà to lớn, căn cứ vào kích thước và hình dạng những khung cửa sổ, tôi đoán ra đằng sau cửa sổ là những ai. Bên kia những tấm kính to lớn và vỡ nẻ, những khuôn mặt tái xạm di chuyển trong tiếng máy ồn ào. Trong thời gian bị giam cầm, tù nhân phải lao động : sửa ô tô, xe tải, công cụ máy móc, hay chạy máy dệt. Có người phải làm những công việc nặng nhọc như khuân đá, hay ở dưới hầm mỏ. Qua những khung cửa kính cỡ trung bình, có thể trông thấy những bộ đồng phục, thiết bị và những mảng màu ; đó là những văn phòng hoặc phòng học tập chính trị. Trên cao là những cửa sổ nhỏ, phòng ngủ và căn-tin của tù nhân.

Tòa nhà chính được xây theo hình móng ngựa, bao quanh một tòa nhà nhỏ hơn, dành cho chỗ ở của sĩ quan và các phòng kiểm tra. Hai điều khác biệt giữa nhà tù Tây Hồ Nam và các nhà tù khác mà tôi nhận thấy là : những bức tường ở đây đầy địa y và rêu màu xanh đậm vì khí hậu ẩm ướt của tỉnh Hồ Nam ; hai là tiếng la hét của nữ giám thị mắng mỏ nữ phạm nhân. Đời sống, tâm tình và buồn vui của những người đàn bà mặc trang phục công an chắc cũng chẳng mấy khác những người đàn bà trong đồng phục tù nhân.

Thư giới thiệu của thủ trưởng Mỹ có sức nặng của sắc lệnh hoàng đế ; đọc xong thư, ông giám đốc trại tù ra lệnh dành riêng cho tôi một phòng thẩm vấn để tôi gặp Hoa Nhi, người nữ tù mà thủ trưởng Mỹ đã nói tới.

Hoa Nhi vóc người dong dỏng, trang tuổi tôi. Trong bộ quần áo tù, cô ta không ngừng cựa quậy, như muốn đấu tranh với tất cả sự bất lực của mình. Mái tóc bị cắt tỉa bởi một bàn tay vụng về, trông lởm chởm nhưng làm tôi nghĩ tới vài kiểu tóc mốt mới. Hoa Nhi đẹp, nhưng gương mặt cứng rắn, khép kín của cô ta giống như khuyết tật trên bình sứ đẹp dẽ.

Tôi không hỏi cụ thể về án tù, hay tại sao cô vi phạm pháp luật về những vụ chung chạ không hợp pháp. Ngược lại, tôi ướm hỏi cô có thể nói chuyện gia cảnh như thế nào không.

« Bà là ai ? », cô ta hỏi. « Tôi là gì mà tôi phải kể cho bà nghe ? »

Tôi nhìn thẳng vào cô, chậm rãi trả lời : « Bởi vì cô cũng như tôi, chúng ta đều phụ nữ, sống cùng một thời với nhau ».

Hoa Nhi im lặng một lúc, không nói gì.

Rồi cô ta hỏi tôi với giọng mỉa mai : « Như thế, bà tưởng tôi sẽ kể cho bà câu chuyện của tôi, câu chuyện mà bà sẽ không chịu đựng nổi ? »

Đến phiên tôi bị á họng. Câu hỏi của cô đánh trúng tim : tôi có chịu đựng được, thật không ? Khi mà chính tôi vẫn còn đang vật lộn không dứt ra được những hồi ức về quá khứ của chính mình ?

Hoa Nhi cảm thấy đã bắn trúng đích. Cô ta mãn nguyện gọi người gác mở cửa để cô ta trở về phòng giam. Người gác nhìn tôi dò hỏi, tôi gật đầu như người vô hồn. Trở lại khu nhà lãnh đạo nơi tôi sẽ tạm trú, tôi đắm mình trong quá vãng. Dù cố gắng đến đâu, tôi vẫn chưa bao giờ thoát khỏi cơn ác mộng tuổi thơ.


Tôi sinh năm 1958 tại Bắc Kinh, vào thời mà Trung Quốc nghèo khổ nhất, khẩu phần mỗi ngày chỉ có một chút đậu tương. Trong khi mà trẻ con cùng lứa tuổi sống trong cảnh bần hàn nghèo đói, thì tôi thả cửa ăn sô cô la nhập cảng ở nhà bà tôi, ngôi nhà trồng đầy hoa ngoài sân và líu lo chim hót. Nhưng cũng là lúc mà Trung Quốc sắp sửa san bằng sự khác biệt giữa kẻ giàu và người nghèo bằng một đường lối chính trị độc nhất vô nhị.  Những đứa trẻ phải vật lộn với nghèo khó sẽ miệt thị và xúc phạm tôi ; chẳng mấy lúc  sự giàu sang về vật chất mà tôi từng hưởng thụ không thể nào bù trừ được sự thiếu thốn về tinh thần. Từ ấy, tôi hiểu ra rằng trên đời có nhiều thứ quan trọng hơn cả sô cô la.

Khi tôi còn nhỏ, mỗi ngày bà tôi đều chải và kết tóc cho tôi trước khi thắt nơ chỉn chu ở đuôi tóc. Tôi rất tự hào với hai cái bím và khi đi bộ hay chơi đùa, tôi thường kiêu hãnh lắc lư cái đầu để hai cái bím tung bay. Đến tối, tôi không chịu để cho bà gỡ bím mà cẩn thận đặt bím xuống hai bên gối trước khi ngủ. Đôi khi, thức dậy buổi sáng, thấy bím tóc bị gỡ ra là tôi hờn dỗi hỏi ai đã chọc phá.

Cha mẹ tôi đồn trú tại một căn cứ quân sự gần Vạn lý trường thành. Khi tôi lên bảy, lần đầu tiên trong đời, tôi lên ở với cha mẹ. Chưa đầy nửa tháng sau, nhà chúng tôi bị Hồng Vệ Binh đến khám xét. Họ nghi cha tôi là « phần tử kỹ thuật phản động » vì ông là chuyên gia cơ điện, thành viên Hội kỹ sư cơ khí cao cấp Trung Quốc. Ông còn bị tình nghi là « chó săn của đế quốc Anh » vì ông nội đã làm việc cho công ti Anh GEC trong ba mươi lăm năm. Thêm nữa, nhà tôi đầy những hiện vật văn hóa, nên cha tôi bị kết thêm tội « đại diện của phong kiến, tư bản và xét lại ».

Tôi còn nhớ Hồng Vệ Binh vào đầy nhà và đốt lửa ngoài sân, quẳng vào đó sách vở của cha tôi, những cổ vật quý báu của ông bà, và đồ chơi của tôi. Cha tôi bị chúng bắt và điệu đi. Vừa buồn vừa sợ, tôi choáng váng nhìn ngọn lửa thiêu đốt, như nghe thấy tiếng kêu cứu từ trong đó phát ra. Ngọn lửa thiêu hủy tất cả : cái nhà mà tôi mới bắt đầu gọi là nhà mình, tuổi thơ cho đến lúc đó là tuổi thơ hạnh phúc, những hy vọng cá nhân và niềm tự hào của gia đình về của cải và học vấn. Nó đốt cháy cả những nuối tiếc sẽ mãi trong tôi cho đến ngày tôi chết.

Trong ánh lửa hồng, một đứa con gái đeo băng đỏ tiến lại gần tôi, tay cầm một cái kéo to bự. Nó giật bím tóc tôi rồi nói, « Đây là kiểu tóc tiểu tư sản ».

Tôi chưa kịp hiểu thì nó đã cắt xoẹt bím tóc và ném vào lửa. Tôi trố mắt, đứng thộn ra nhìn bím tóc và hai cái nơ xin đẹp biến thành than. Khi đoàn Hồng Vệ Binh đi rồi, đứa con gái vừa cắt tóc tôi còn bảo : « Từ nay cấm mày tết bím và đeo nơ. Đó là kiểu tóc đế quốc ! »

Cha tôi ở tù, mẹ tôi rất ít thời giờ chăm sóc tôi. Hôm nào mẹ cũng về muộn, mà về đến nhà thì ngồi viết, viết gì tôi chẳng biết. Chị em tôi chỉ còn cách ra căng tin cơ quan của cha để mua thức ăn, toàn là củ cải hay bắp cải luộc. Hồi đó rất hiếm có dầu ăn.

Có một lần, mẹ mang về một miếng thịt ba chỉ và kho suốt đêm cho chúng tôi. Sáng hôm sau, chuẩn bị đi làm, mẹ dặn tôi « Đi học về, con cời than cho nó bùng lửa lên rồi hâm nồi thịt kho mà ăn. Đừng để phần cho mẹ, các con cần phải bồi dưỡng ».

Buổi trưa, đi học về, tôi ghé nhà hàng xóm đón em trai mà mẹ tôi nhờ họ giữ. Khi tôi nói sẽ được ăn gì, nó sướng quá, ngoan ngoãn ngồi vào bàn, đợi tôi hâm nồi thịt.

Cái lò bếp nhà tôi xây bằng gạch, rất cao, theo kiểu bếp của người Trung Quốc miền Bắc, tôi với không tới. Để có thể cời than bằng cái que sắt, tôi phải kê cái ghế đẩu mà đứng trên đó. Đây là lần đầu tiên tôi phải làm việc này. Không ngờ cái que sắt cắm trong lò than nóng đỏ nhanh như vậy và khi dùng tay phải để cời than không được, tôi thò tay trái vào nắm chặt que. Lòng bàn tay tôi bị phỏng dộp, da bong ra, tôi thét lên đau đớn.

Nghe tiếng thét, bà hàng xóm vội chạy sang. Bà gọi bác sĩ. Ông ở gần đó, nhưng ông nói không dám vì phải có giấy phép đặc biệt thì ông mới có thể tới cấp cứu tại một nhà đang bị điều tra.

Một cụ hàng xóm, giáo sư, chạy sang. Nghe đâu phải chữa bỏng da bằng xì dầu, cụ đổ cả chai xì dầu lên tay tôi ; nó làm căng da tay dữ dội đến mức tôi đau quá, ngã lăn ra rồi bất tỉnh.

Tỉnh dậy, tôi thấy mình nằm trên giường, mẹ ngồi kế bên, hai tay cầm lấy bàn tay trái băng bó của tôi. Mẹ cứ ân hận đã dặn tôi một mình vào bếp.

Cho đến ngày nay, tôi vẫn không hiểu nổi làm sao mà ông bác sĩ  nọ không chịu cứu chữa tôi chỉ vì gia đình tôi có vấn đề chính trị.


Ít lâu sau, mẹ tôi cũng bị giam giữ để điều tra, không được về nhà, vì mẹ là « con nhà tư sản ». Chị em tôi phải vào khu nhà trẻ em có cha mẹ ở tù.

Ở trường, tôi không được tham gia các buổi ca múa với bạn gái để tránh « ô nhiễm » hội trường cách mạng. Tôi cận thị, phải nhìn gần, nhưng không được phép ngồi hàng ghế đầu trong lớp là những hàng ghế dành riêng cho con cháu nông, công, binh, được coi là « hạt giống đỏ ». Giờ tập thể dục, tôi cũng phải đứng hàng chót, mặc dầu tôi nhỏ người, vì hàng đầu dành cho « thế hệ kế tục của cách mạng ».

Chị em tôi cùng với mười hai bạn, từ hai đến mười bốn tuổi, phải đi học tập chính trị sau giờ học ở trường, chứ không được tham gia những sinh hoạt sau giờ học của các bạn cùng tuổi. Chúng tôi không được đi xem phim, kể cả những phim hừng hực khí thế cách mạng, bởi vì chúng tôi phải « quán triệt sâu sắc » bản chất phản động của gia đình chúng tôi. Ở căng tin, chúng tôi phải ăn sau mọi người vì ông bà chúng tôi khi xưa đã tiếp tay « đế quốc Mỹ-Anh cướp cơm giật áo người Trung Quốc ».

Hàng ngày chúng tôi răm rắp theo lệnh của hai Hồng Vệ Binh, họ hét to :

« Dậy, ra khỏi giường ! »

« Đi học ! »

« Đi căng tin ! »

« Học Trích lục Mao Chủ tịch ! »

« Đi ngủ ! »

Vắng cha mẹ, chúng tôi sống ngày qua ngày như những cái máy, không tiếng cười, không nô đùa như những trẻ thơ. Việc nhà, chúng tôi phải tự lo, những anh chị lớn giúp các em nhỏ giặt quần áo, rửa mặt rửa chân mỗi ngày ; mỗi tuần chúng tôi được tắm một lần. Ban đêm, trai cũng như gái, chúng tôi ôm nhau mà ngủ trên nệm rơm.

Cái thú nhỏ nhoi duy nhất của chúng tôi là đi ăn căng tin. Ăn trong im lặng, không cười nói, nhưng đôi khi có người lớn tốt bụng kín đáo dúi cho tôi một chút đồ ăn.

Một hôm, tôi dắt em trai, lúc đó chưa đầy ba tuổi, đến đứng ở cuối một hàng dài đợi căng tin. Hôm đó chắc là ngày lễ, lần đầu tiên thấy có bán gà quay, mùi gà thơm phức không khí. Chúng tôi thèm rỏ dãi ; chúng tôi chỉ được ăn đồ thừa, nhưng cũng biết sẽ chẳng được miếng gà nào.

Em trai tôi bỗng khóc òa, đòi ăn gà quay. Sợ Hồng Vệ Bịnh nghe thấy sẽ đuổi đi không cho chúng tôi ăn gì, tôi vội dỗ em nín. Nhưng em vẫn cứ khóc ; tôi sợ, suýt bật góc theo.

Đúng lúc ấy, có một bà đi qua. Bà vặt một miếng gà quay đưa cho em tôi rồi đi tiếp, không nói một lời. Em nín ngay, sắp sửa đưa miếng gà lên miệng thì một Hồng Vệ Binh chạy tới, giật phắt miếng thịt, ném xuống đất, rồi dí giầy lên cho nát bét.

« Bọn chó con đế quốc chúng mày mà cũng đòi ăn thịt gà à ? », hắn hét lớn.

Em tôi đứng sững, hôm đó không ăn gì cả – những ngày sau, không dám khóc lần nào, không dám đòi ăn thịt gà hay của ngon vật là gì khác. Mấy năm sau, tôi hỏi em còn nhớ chuyện này không, mừng là em nói không nhớ. Nhưng tôi thì không thể quên.


Hai chị em tôi sống ở nhà này gần năm năm. Cũng còn may so với những đứa khác, có đứa ở đây gần mười năm.

Trong nhà, mọi người tin cậy và giúp đỡ lẫn nhau. Chúng tôi rất bình đẳng. Nhưng không có chỗ đứng ở thế giới bên ngoài. Nhóm chúng tôi đi đến đâu cũng bị người ta xa lánh như hủi. Người lớn có thể bày tỏ thiện cảm bằng cách im lặng, nhưng bọn trẻ con thì nhục mạ, chửi rủa. Quần áo chúng tôi bị nhổ đầy nước bọt và đờm, chúng tôi không biết làm sao tự vệ, không nói chi tới đánh lại. Thay vào đó, trong lòng chúng tôi lại thấy tự ghê tởm.

Người đầu tiên khạc nhổ vào tôi là con bạn thân nhất. Nó nói, « Mẹ tao bảo ông của mày làm tay sai cho tụi Anh ăn gan uống máu người Trung Quốc. Ông mày là kẻ cực kỳ xấu xa. Mày là cháu, làm sao mà tốt được ». Nó nhổ vào tôi rồi bỏ đi, từ đó không bao giờ nói gì với tôi nữa.

Một hôm, tôi ngồi co ro ở cuối lớp, khóc nức nở sau khi bị bọn « hồng thiếu nhi » đánh đập. Tưởng chỉ có một mình ngồi trong lớp, tôi bỗng giật mình vì có thầy giáo đến sau lưng tôi, xoa nhẹ đôi vai. Mắt nhòa lệ, tôi không thấy rõ nét mặt thầy trong ánh đèn mờ, nhưng thấy thầy ra dấu cho tôi đi theo. Tôi tin ở thầy vì biết ở ngoài đường, thầy hay giúp đỡ người nghèo.

Thầy đưa tôi đến ngôi nhà tranh bên cạnh sân chơi mà nhà trường dùng để chứa rác. Thầy mở khóa nhanh lẹ và đẩy tôi vào trong. Cửa sổ được bịt kín bằng giấy báo, nên  trong nhà tối om. Căn phòng chất đống đồ lặt vặt lộn xộn, bốc mùi ẩm mốc và mục nát. Tôi cứng người lại vì gớm ghiếc, nhưng thầy luồn lách qua đống rác một cách dễ dàng như đã quen đường. Tôi gồng mình đi theo gót.

Bước vào gian phòng trong, tôi ngạc nhiên khám phá ra một thư viện sạch sẽ, ngăn nắp. Hàng trăm cuốn sách được xếp trên những tấm ván gãy. Lần đầu tiên tôi ngộ ra ý nghĩa câu thơ nổi tiếng : “Trong bóng tối đen rặng liễu, ngỡ ngàng rực rỡ những bông hoa”.

Thầy bảo tủ sách này là món quà bí mật mà thầy muốn tặng cho những thế hệ tương lai.

Bất luận thế nào thì nhân dân cách mạng cũng không thể sống mà không đọc sách, thầy nói. Không có sách thì chúng ta không hiểu được thế giới, chúng ta không thể phát triển ; không có sách, thiên nhiên không thể phục vụ nhân loại. Thầy càng nói càng hăng, và tôi càng thấy sợ. Tôi biết đây là những cuốn sách mà Cách mạng văn hóa đang ra sức phá hủy. Thầy trao cho tôi một cái chìa khóa, bảo tôi có thể ấn náu vào đây đọc sách bất cứ lúc nào.

Căn nhà tranh nằm đằng sau nhà vệ sinh của trường học, tôi có thể đến đó dễ dàng mà không ai để ý, trong những giờ sinh hoạt của học sinh mà tôi không được phép tham dự.

Mấy lần đầu tới đây, tôi thấy sặc mùi và tối om ngột ngạt, tôi chọc một cái lỗ nhỏ như hạt đậu trên tờ giấy báo bít cửa sổ, ngó nhìn bọn trẻ chơi đùa, mơ tới một ngày cũng được hòa chung vào cuộc chơi. Đến lúc cảnh nhộn nhịp ngoài sân khiến tôi quá buồn thì tôi lấy sách ra đọc. Trong tủ sách không có nhiều cuốn sơ cấp, nên tôi gặp nhiều khó khăn về những từ ngữ tối nghĩa. Khi thầy tới xem tôi đọc ra sao, lúc đầu tôi hỏi thì thầy giảng nghĩa, nhưng sau thầy mang tới cho tôi một cuốn từ điển, và tôi vội vàng tra cứu, nhưng cũng chỉ hiểu nửa chừng.

Tôi say mê đọc sách lịch sử Trung Quốc và các nước. Chúng dạy tôi về những lối sống đa dạng : không chỉ những thảm kịch mà mọi người đều biết, mà cả những con người bình thường làm nên lịch sử trong cuộc sống thường ngày của họ. Cũng nhờ sách mà tôi hiểu rằng có nhiều câu hỏi đặt ra mà không có câu trả lời.

Tôi học rất nhiều trrong từ điển bách khoa, nhờ đó mà sau này tôi tránh được nhiều rối rắm và tiêu pha trong cuộc sống vì tôi có thể tự tay sửa đủ mọi thứ, từ xe đạp cho đến máy điện nhỏ. Tôi đã từng mơ ước trở thành nhà ngoại giao, luật sư, nhà báo, nhà văn. Đến khi tôi có cơ hội chọn lựa một cái nghề, thì tôi đã bỏ công việc làm văn phòng trong quân đội mười hai năm trời để trở thành nhà báo. Những hiểu biết thụ động mà tôi đã tích lũy trong tuổi thơ, một lần nữa, đã giúp tôi.

Giấc mơ được chơi đùa với đám bạn trẻ con của tôi chưa bao giờ trở thành hiện thực, nhưng tôi đã tìm niềm an ủi trong những trang sách về giao tranh đổ máu ở căn nhà thư viện bí mật. Sử ký chiến tranh làm cho tôi cảm thấy may mắn được sống trong hòa bình và giúp tôi quên đi những lời chế nhạo đợi tôi ở bên ngoài căn nhà tranh.


Người đầu tiên đã chỉ cho tôi nhìn thấy hạnh phúc và vẻ đẹp của cuộc sống bằng cách quan sát người và vật chung quanh, người đó là Ân Đại.

Ân Đại mồ côi, hình như không biết mình mồ côi trong hoàn cảnh như thế nào, chỉ biết đã lớn lên nhờ sự nuôi nấng của bà con xóm giềng, trong một căn lều dài 1,5m, rộng 1,2m, vừa vặn kê một cái giường, ăn cơm trăm nhà, mặc áo trăm họ, gặp người lớn nào cũng gọi là Bố, là Mẹ.

Tôi nhớ Ân Đại chỉ có một bộ quần áo. Mùa đông, anh mặc thêm cái áo trấn thủ dầy, đệm bông, lên bộ quần áo mùa hè. Dân làng nghèo xơ nghèo xác, có được một cái áo bông mùa đông như vậy là tốt rồi.

Ân Đại hơn tôi năm sáu tuổi nhưng chúng tôi học cùng một lớp trong trường của quân đội. Thời Cách mạng văn hóa, trên nguyên tắc các trường học đều đóng cửa; chỉ coa các trường tiểu học và trung học của quân đội được phép đào tạo tuổi trẻ về các bộ môn quốc phòng. Để biểu thị sự ủng hộ nông dân và công nhân thị xã mà căn cứ quân sự tọa lạc, trường tôi tiếp nhận cả trẻ con địa phương vào học chung với con cái quân nhân. Nhiều học sinh địa phương mười bốn mười lăm tuổi vẫn vào trường tiểu học.

Khi tôi bị bọn trẻ con nhà “đỏ” đánh đập, phỉ nhổ hay chửi bới, nếu Ân Đại có mặt ở gần đó, bao giờ anh cũng bênh vực tôi. Đôi khi, thấy tôi đứng khóc lóc ở đâu đó, anh nói với Hồng Vệ Binh là dẫn tôi đi tìm hiểu nông dân và anh đưa tôi đi một vòng thị xã. Anh chỉ cho tôi xem nhà của những người cực nghèo, giảng cho tôi biết cái gì làm cho họ sung sướng, dù mỗi năm họ kiếm không nổi một trăm nhân dân tệ.

Giờ chơi, Ân Đại thường dẫn tôi lên ngọn đồi đằng sau trường ngắm cây cỏ thảo mộc, hóa lá. Trên thế giới, có nhiều loại cây giống như vậy, anh nói, nhưng không bao giờ có hai cái lá giống y hệt nhau. Anh bảo sự sống rất quý và mang lại sự sống bằng cách tự hiến mình.

Anh hỏi tôi thấy thích cái gì ở thị xã, nơi có căn cứ quân sự. Tôi nói tôi không biết, chẳng có gì để mà thích, thị xã gì mà bé tí, tồi tàn, xám ngoét, nhìn đâu cũng chỉ thấy khói bếp, người ta thì ăn mặc rách rưới. Ân Đại dạy cho tôi biết nhìn, nhìn kỹ và suy nghĩ về mỗi cái nhà, kể cả những cái được dựng lên bằng phế liệu. Ai sống trong đó ? Họ đang làm gì trong nhà ? ra ngoài thì họ làm gì ? Tại sao cái cánh cửa này lại khép hờ ? Gia đình này đang đợi ai, hay chỉ vì họ quên đóng cửa ? Hậu quả chuyện này sẽ như thế nào ?

Tôi nghe theo lời khuyên của Ân Đại, tìm kiếm những điều lý thú ở chung quanh, và không còn quá buồn phiền khi bị phỉ nhổ, nhạo báng. Tôi bị lôi cuốn theo những ý nghĩ, tưởng tượng ra cuộc sống của mỗi gia đình trong căn nhà của họ. Sự tương phản giữa thế giới tưởng tượng và thế giới hiện thực, đối với tôi, vừa là nguồn an ủi, vừa là nguồn đau buồn.

Vào cuối thập niên 1960, quan hệ giữa Liên Xô và Trung Quốc hoàn toàn đổ vỡ, và một cuộc xung đột vũ trang đã xảy ra ở Trân Bảo, biên giới phía bắc Trung Quốc. Thành phố và thị xã nào cùng phải đào địa đạo và hầm trú ẩn, ở vài đô thị lớn, hầm trú ẩn có thể chưá toàn bộ dân chúng. Địa đạo được trang bị và tích trữ lương thực đủ dùng cho vài ngày. Mọi người, trẻ già trai gái đều đào hầm, trẻ con bảy tám tuổi cũng thế.

Ở trường tôi, bọn trẻ phải đào địa đạo bên cạnh ngọn đồi đằng sau trường. Chúng tôi được chia làm hai nhóm, một nhóm trong địa đạo, một nhóm bên ngoài. Tôi ở trong nhóm trong, nhưng được phân công làm việc ở cửa vào địa đạo vì tôi là con gái, lại yếu.

Một hôm, chúng tôi làm việc được khoảng nửa giờ thì nghe thấy một tiếng rầm : địa đạo bị sập. Bốn con trai bị chôn vùi trong hầm, trong đó có Ân Đại, là người đào sâu nhất. Bốn ngày sau tai nạn, người ta khai quật ra bốn thi thể, người ta chỉ nhận diện bằng quần áo.

Trẻ con và thân nhân các gia đình “đen” không được phép nhìn mặt người chết được phong anh hùng. Đứng nhìn từ xa tôi chỉ trong thấy cánh tay bất động của Ân Đại thả xuống bên cáng.


Ân Đại có lần dạy tôi bài hát trong cuốn phim Người khách đến từ núi băng. Nhạc điệu rất hay, ca từ tưởng nhớ người bạn đã mất. Nhiều năm sau, khi Trung Quốc mở cửa và cải tổ, phim này được chiếu trở lại. Tôi lại càng nhớ Ân Đại.

Ngôi nhà xinh xắn của tôi nằm dưới chân núi Thiên Đường,

Tôi ra đi, như quả dưa bị bứt khỏi chùm dây

Người con gái tôi yêu đứng dưới hàng cây dương trắng

Như cây đàn tì bà treo trên tường

Dứt khỏi chùm dây, quả dưa vẫn ngọt

Cây đàn tì bà, khi nhạc sĩ trở về, lại vang lên tiếng nhạc

Khi tôi chia tay với bạn

Bạn như ngọn núi tuyết – mãi mãi ra đi

trong một trận tuyết lở

Ôi, người bạn thân yêu

Sẽ không bao giờ tôi thấy lại thân hình vạm vỡ, khuôn mặt hiền từ

Ôi, bạn thân yêu,

Sẽ chẳng bao giờ anh nghe tôi đàn, tôi hát cho anh.

Tôi không biết khi Ân Đại hát cho tôi nghe bài ca bi thương ấy, anh có linh cảm tới số phận của mình không, nhưng anh đã để lại cho tôi làn điệu mà qua đó tôi có thể tưởng nhớ anh.

Hân Nhiên


Nguyễn Ngọc Giao dịch từ tiếng Anh

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss