Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Vài Bài Học Tiếp Theo

Vài Bài Học Tiếp Theo

- Lê Học Lãnh Vân — published 29/03/2021 20:32, cập nhật lần cuối 29/03/2021 20:32

Vài Bài Học Tiếp Theo


 Lê Học Lãnh Vân



Sau năm tháng tới Pháp, Vương trình bày đề cương nghiên cứu chi tiết cho luận án, được André và Roland đồng ý. Hai ông đề nghị mời thêm một giáo sư ngành Ngư Học (Ichthyologie), ông Roland Billard, và một giáo sư ngành Cổ Sinh Vật Học (Paleontologie), ông Philippe Janvier, cùng tham gia nghiên cứu. Hai vị này đều thuộc Viện Bảo Tàng Lịch Sử Tự Nhiên Paris (Museum National d’Histoire Naturelle de Paris), về sau cũng là thành viên trong hội đồng đánh giá luận án của Vương.

Với các kết quả thí nghiệm được tiến hành từ lúc vừa đặt chân tới Pháp, mười tháng sau, Vương thu được một số lượng các kết quả thí nghiệm đáng ngạc nhiên. Khoảng bốn mươi loài từ các sinh vật đơn giản nhất cho tới phức tạp nhất của ngành Có Xương Sống được trích ly phân tử RNA ribosome, các phân tử này được xác định trình tự một đoạn dài khoảng năm trăm nucleotides. Thời đó, khi việc xác định trình tự được tiến hành bằng các phương pháp sinh hóa thủ công, các kết quả của Vương đi từ một khối lượng công việc lớn. André nói số lượng đó đã quá đủ cho luận án của Vương, và sau này, khi tổng quan tài liệu, thảo luận, nếu thiếu gì chỉ cần làm thêm một số thí nghiệm bổ sung cho kín các ngóc ngách. Các kết quả về trình tự nucleotide phân tử di truyền của bốn mươi Động vật Có Xương Sống được André và Roland đưa đi giới thiệu với những Labo có liên quan. Các nơi mời Vương tới trình bày kết quả…

Roland Billard, vị giáo sư giám đốc phòng thí nghiệm Ngư Học tham gia đề tài, nhận thấy cần bổ sung vào nghiên cứu phả hệ phát sinh các phương pháp so sánh phân tử di truyền trong phòng thí nghiệm của ông. Ông mời Vương tới trình bày kết quả tại Viện Bảo Tàng Lịch Sử Tự Nhiên Paris…

Phòng họp khoảng trên một trăm ghế chật kín người. Số người tham dự không chỉ trong ngành Ngư Học mà còn từ các ngành Cổ Sinh Vật Học, Thực Vật Học… Vương quan sát thấy những vị mặc áo veste đường bệ ngồi chen chúc cùng các vị ăn mặc bụi hơn. Trong số những người lắng nghe ghi chép chăm chú có hai ông Philippe Janvier và Roland Billard. Cũng có mặt một vị khách rất đặc biệt gây cho anh nhiều xúc động: giáo sư Phạm Hoàng Hộ, người thầy tại trường đại học Khoa Học Sài Gòn mà anh kính trọng, đã từng dạy anh và giúp những kinh nghiệm đầu tiên khi anh bắt đầu đời cán bộ giảng dạy tại trường đại học Khoa Học thành phố Hồ Chí Minh.

Bài nói chuyện suôn sẻ vì Vương chuẩn bị rất kỹ và chỉ nói về các khía cạnh kỹ thuật. Trong khuôn khổ kiến thức này, Vương nắm khá vững, anh trả lời các câu hỏi một cách tự tin. Vài vị đặt những câu hỏi cho thấy họ chưa hiểu nhiều về sinh học phân tử, một ngành học còn rất mới thời đó. Các vị khiêm tốn, lịch sự, trao danh thiếp và qua đó Vương biết rằng một số vị đang có vai trò giám đốc nghiên cứu hay giáo sư tại những cơ sở khoa học nổi tiếng.

Vương phạm một sai lầm lớn mà sau này mỗi lần nhớ lại anh còn thấy xấu hổ lẫn buồn cười vì sự thiếu kinh nghiệm và thiếu kiến văn tới mức ngô nghê của mình. Ấy là sau buổi thuyết trình đó anh đã có lần suy nghĩ rằng các vị giáo sư nổi tiếng kia sao mà kiến thức cũng thường thường vậy!

Trong ba năm tiếp theo của luận án, khi làm việc sâu hơn về đề tài cần những kiến thức căn bản hơn của ngành, các vị ấy giúp đỡ Vương nhiều.

Ông Roland Billard giúp Vương tìm hiểu những chi tiết tiến hóa của bộ máy tuần hoàn từ các sinh vật rất đơn giản cho tới rất phức tạp như con chó, con người. Bộ máy tuần hoàn gồm vật chứa, chính là các mạch máu, và chất lỏng chứa trong đó, chính là máu. Đầu tiên là sinh vật một tế bào sống trong nước. Tiến hóa lên nhiều tế bào, nó tạo nên cơ thể với một hốc bên trong chứa nước. Đó là bộ máy tuần hoàn nguyên thủy, từ đó mà tiến hóa lên bộ máy tuần hoàn với chất lỏng bên trong phân cách nhiều hơn với bên ngoài, rồi lần lần có tim, có mạch hở, rồi mạch kín, rồi tĩnh mạch và động mạch chứa máu bên trong.

Không cần công cụ như slides, máy chiếu, ông cầm viên phấn vạch lên bảng xanh, trước mắt Vương hiện lên lịch sử phát triển, tiến hóa của bộ máy tuần hoàn từ Lớp Cá Không Hàm (cá miệng tròn) sang Cá Sụn (cá mập…), Cá Xương (cá chép…) qua Lưỡng Thê (ếch, nhái), Bò Sát (cá sấu, thằn lằn…), Chim, Thú… Không còn là bộ máy tuần hoàn của từng Lớp sinh vật riêng biệt, chỉ còn là những diễn biến thích nghi, tiến hóa của toàn thể các sinh vật.

Phóng tầm mắt ra, cũng không chỉ sự tiến hóa của bộ máy tuần hoàn, mà là sự tiến hóa của toàn bộ thế giới các sinh vật. Rộng hơn nữa, sự tiến hóa của toàn bộ vật chất trên trái đất, trong vũ trụ…

Đề tài nghiên cứu của chúng ta sẽ dùng kỹ thuật sinh học phân tử như đồng hồ tiến hóa tìm hiểu một khía cạnh tiến hóa của một nhánh sinh vật rất quan trọng. Chúng ta cùng chờ kết quả về đồng hồ tiến hóa đo bằng tốc độ biến thiên của các phân tử di truyền! 

Những buổi thảo luận khoa học với Roland thường được kết bằng một câu tương tự như câu nói trên. Những buổi thảo luận phong phú đó góp phần giúp Vương tìm được vị trí cán bộ nghiên cứu liên kết (chercheur associé) tại Labo Ngư học. Điều này giúp ích anh cả tiền bạc lẫn kiến thức và sự tự tin. Giúp anh quả quyết hơn trên con đường đi tới…

Ông Philippe Janvier thì dành cho Vương tư cách cộng tác viên của Labo Cổ Sinh Vật Học có thể lui tới thư viện và phòng thí nghiệm bất cứ lúc nào. Làm sao quên được những buổi ông hướng dẫn Vương so sánh từng bộ xương khủng long, giải thích các chi tiết khác nhau về giải phẫu học phản ánh sự khác nhau về phương cách sống của chúng trải qua hàng trăm triệu năm và trong những môi trường khác nhau. Không còn phân biệt các ngành sinh vật, cũng không còn ranh giới thời gian kim cổ, tất cả chỉ còn sự chuyển biến, thích nghi, tiến hóa của giới sinh vật, thế giới vật chất.

Chắc có anh chị đã từng thăm phòng trưng bày về Tiến hóa (Galery of Evolution, Galerie de l’Evolution) tại các thủ đô khoa học trên thế giới như Paris, NewYork, London… nơi hóa thạch của các sinh vật cổ xưa, từ tôm tép tới khủng long được trưng bày. Thực ra chúng chỉ là phục chế. Khách viếng thăm phòng trưng bày trầm trồ, ngẩn ngơ nhìn những quái thú cổ xưa khổng lồ mà bắp chân của nó cao suýt soát một con người. Đứng bên trong phòng trưng bày Cổ Sinh Vật Học Paris nhìn ra, Philippe nói với Vương…

Bạn coi kìa, những người khách kia sau khi thăm phòng trưng bày tưởng mình đã biết rất nhiều, nhưng chúng ta biết kiến thức trưng bày chỉ là bề mặt, là rất ít. Họ tưởng chúng ta biết nhiều hơn, nhưng chúng ta biết những gì chúng ta biết là rất ít .

Tiếp xúc với những nhà khoa học uyên bác và trung thực đó, một cách tự nhiên Vương cảm nhận mức độ bé nhỏ, khiêm tốn về kiến thức của một người cho dù trên đường nghiên cứu khoa học người đó đạt thành quả được vinh danh tới đâu đi nữa! Và cũng bé nhỏ, khiêm tốn biết bao kiến thức của loài người, giữa sa mạc kiến thức mênh mông, loài người đang lần từng hạt cát!

Những gì Roland và Philippe tẩn mẩn nói cho Vương nghe là những kiến thức hai ông đã rất nhiều lần đọc, nghiền ngẫm, viết ra thành bài giảng, thành sách… giờ đây các ông lại tình nguyện kiên nhẫn giảng giải cho Vương. Vương nhớ lại những buổi anh hướng dẫn thực tập phương pháp xác định trình tự vật chất di truyền, khi học viên tới trễ giờ hay chậm hiểu, anh bực bội tỏ thái độ không vui. Vương cũng nhớ, do khác biệt về văn hóa, không ít lần anh vi phạm những qui tắc ứng xử phương Tây, các bạn Pháp không giận mà thông cảm, vui vẻ giải thích một cách hóm hỉnh và tế nhị cho anh hiểu. Sao mà người ta rộng rãi quá còn mình nhỏ nhen quá, người ta bao dung quá còn mình cố chấp quá!

Những gì Roland và Philippe tẩn mẩn nói cho Vương nghe là những kiến thức được thụ đắc sau vài chục năm học hỏi, nghiên cứu rất sâu trong chuyên môn. Vương nhớ lại lần anh thuyết trình về xác định trình tự các phân tử di truyền trong năm đầu tiên tới Pháp, anh đã có nhận xét hết sức lầm lẫn về trình độ hiểu biết của những người như Roland, Philippe. Như con chuột non lần đầu lú khỏi hang, thấy chút trời bao la tưởng mình biết hơn thiên hạ. Thay vì chỉ chú tâm vào chuyên môn của mình và rộng mở hợp tác với người, anh lại đánh giá và so sánh, chỉ để mà có thành kiến chứ chẳng ích lợi chi!

Biển học mênh mông. Càng về sau, khi dấn bước xa hơn trên con đường nghiên cứu học hỏi, Vương cảm niềm vui bát ngát. Và tới lúc nào đó, anh không còn thấy mình giỏi hơn ai, dở hơn ai, chỉ còn say mê học hỏi, cộng tác, khám phá. Cuộc đời vui và khỏe biết bao!

Bài học rất hữu ích này theo Vương lâu dài, cho dù bây giờ anh đã rời lãnh vực nghiên cứu khoa học hơn hai mươi năm. Nó giúp anh trên mọi lãnh vực hoạt động…

L.H.L.V.


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
Guimet Exposition: Marc Riboud 05/03/2025 - 12/05/2025 — Musée Guimet - Iéna, 6, place d'Iéna - 75116 Paris
Journée d'études du Réseau MAF 26/04/2025 - 26/05/2025
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Sujets et séjournants. Une nouvelle histoire des indochinois en France 15/05/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
Tiếng Tơ Đồng - GALA 25 ans 31/05/2025 15:00 - 19:00 — Théâtre l'Agoreine - 63B Bld du Maréchal Joffre - 92340 Bourg-la-Reine
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Transferts du modèle français à la description de la grammaire vietnamienne 05/06/2025 16:30 - 20:00 — BnF site François-Mitterrand | Salle 70 ou via ZOOM
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us