Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Vài kỷ niệm “ đón năm mới ” của tôi

Vài kỷ niệm “ đón năm mới ” của tôi

- Bùi Trọng Liễu — published 05/01/2009 22:46, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19



Vài kỷ niệm “ đón năm mới ” của tôi


Bùi Trọng Liễu


Tôi viết « đầu năm », nhưng cũng nghĩ tới Tết năm nay sẽ rơi vào cuối tháng này.

Tôi rời nước nhà từ thuở còn niên thiếu ; rồi sau 5 chuyến thăm ngắn ngủi vào mùa hè, đã 28 năm tôi không trở về. Những dịp ăn Tết ở Việt Nam đối với tôi quả là ít ỏi và xa xăm. Chỉ còn loáng thoáng vài kỷ niệm mờ nhạt về những:

Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ.
Nêu cao, pháo nổ, bánh chưng xanh,

lúc còn thơ ấu, cũng như ba cái Tết ở quê trong thời Kháng chiến chống Pháp, trong đạm bạc.

Nhưng cũng có vài kỷ niệm gây ấn tượng về Tết, ở Việt Nam hay là ở Pháp.


Đầu năm 1946, tôi học vài tháng ở trường tiểu học tư thục Văn Lang ở xã Thịnh Hào, lúc đó còn là ngoại ô ở Hà Nội, học lớp Nhất (tương đương với lớp 5 ngày nay). Thày giáo P. dạy một bài thơ, bảo học thuộc lòng, nay tôi còn nhớ 4 câu đầu, nhưng chẳng biết là của tác giả nào, mà sau này cũng chẳng thấy chép trong sách nào cả :

Xuân đã về đây giữa tiếng chào,
Với màu cờ đỏ ánh vàng sao.
Lần đầu có kẻ sung sướng quá,
Mà tưởng trời xuân của nước nào…

Tôi ghi rõ là « của » nước nào, chứ không ghi là « ở » nước nào.

Ngó trong lịch, thì Tết Bính Tuất năm 1946 là ngày 2/2/1946. Tuyên ngôn độc lập đã được đúng 5 tháng. Không khí đang tưng bừng ở mọi tầng lớp, thoát ách nước ngoài thống trị. Tuy quân Tàu Tưởng còn đang đóng ở trên vĩ tuyến 16 nước ta, và quân Pháp đã gây hấn ở phía Nam, nhưng không khí ở Hà Nội còn đang hồ hởi. Bầu cử Quốc hội non 1 tháng trước đó (6/1/1946), tuy có khiếm khuyết (1) nhưng nói chung được coi là cuộc bàu cử dân chủ đầu tiên ở nước ta. Những thảm hoạ lịch sử sau này, ở thời điểm đó cũng chưa xảy ra. Về mặt tương trợ lẫn nhau, chênh lệch giàu nghèo chưa quá đáng. Chưa bao giờ trong lịch sử Việt Nam, người phụ nữ lại được coi trọng như vậy : nam nữ bình quyền, phụ nữ được khuyến khích học hành, được quyền bàu cử, bỏ nạn tảo hôn, chưa có chuyện bán mình nuôi thân. Nhưng nhất là các giá trị đạo đức trên nguyên tắc còn nguyên vẹn, và đang được khuyến khích. Về mặt học hành, thuở ấy, với phong trào Truyền bá quốc ngữ chuyển sang Bình dân học vụ, người biết chữ dạy người không biết chữ, người biết nhiều dạy người biết ít, đều là sự tự nguyện, chưa có chuyện coi giáo dục là hàng hoá mua bán kiếm lời, chưa có những bức xúc, nghịch lý gay gắt, vv. (2). Niềm tin ở tương lai còn nguyên vẹn, có lẽ vì thế mà mấy câu thơ trên đã ghi sâu vào tâm khảm tôi đến tận nay.

aire

Hình 1 : Tranh trang trí Tết 1954
(Dưỡng đường Aire-sur-l’Adour)

Tôi xuất ngoại du học từ 1950. Đã 58 năm nay, tôi không có dịp ăn Tết ở nước nhà. Do cuộc sống ở Pháp thuở đó rất khó khăn, gia đình tôi đã khánh kiệt, gia cảnh không đáp ứng được (3), tôi bị bệnh lao, phải nằm chữa bệnh trong nhiều dưỡng đường gần 7 năm trời (trừ một năm cách quãng). Từ bằng tú tài phần 1 cho đến hết cử nhân, đều phải tự học, chỉ được về đi thi, và tôi chỉ thực sự trở lại với môi trường đại học khi làm nghiên cứu soạn luận án tiến sĩ. Trong những năm ấy, tôi không có khả năng ăn Tết trong gia đình. Nhưng thỉnh thoảng cũng có lần anh em bệnh nhân Việt Nam trong dưỡng đường hội họp ăn Tết với nhau. Cái Tết mà tôi nhớ nhất là Tết Giáp Ngọ (3/2/1954) tại một dưỡng đường Aire-sur-l’Adour, miền Tây Nam nước Pháp. Anh em bệnh nhân Việt Nam khoảng mười lăm người, mượn một cái phòng – (tôi còn giữ được tấm tranh giấy mà anh LHL vẽ con ngựa trắng để trang trí ; anh gốc miền Nam nên nền bức tranh vẽ hoa mai vàng, chứ không vẽ hoa đào (Hình 1)) – có chút kẹo bánh, chén trà, ly rượu, mời ông bác sĩ trưởng và nhân viên tới dự chốc lát, có anh nhạc sĩ nghiệp dư đàn vài bản ca Việt Nam, có lời đọc diễn văn để cảm ơn sự chăm sóc của nhân viên dưỡng đường. Rồi anh em nhâm nhi tán gẫu với nhau. Đấy cũng là chuyện đặc sắc, vì trừ anh em Việt Nam, không có bệnh nhân người nước ngoài nào tổ chức chung đón năm mới của họ như thế. Nhưng không phải ở đưỡng đường nào cũng có thể ănTết (4) (Hình 2).

sht

Hình 2 : Dưỡng đường Saint-Hilaire
-du-Touvet (xuân 1955).

Vào những năm khó khăn ấy, cũng tôi giữ một kỷ niêm rất xấu vào dịp Tết năm 1957 (Đinh Dậu), khi tôi đang ở dưỡng đường ở Sceaux, ngoại ô Paris. Tòa đại sứ của chính quyền ông Ngô Đình Diệm, (không biết họ tìm thấy tên tôi ở đâu), gửi cho tôi một gói « quà », chẳng hề có thư báo. Khi tôi được gọi xuống lãnh món quà, thì thấy người phát thư và nhân viên dưỡng đường đang hú hí cười chỉ cho tôi gói hàng, giấy bọc đã rách, còn chút dây gai chằng bên ngoài, để lộ ra hai ba chiếc khăn bông, vài miếng xà phòng (cục xà bông). Tôi không nhận gói hàng, nói với người phát thư là tôi yêu cầu sở bưu điện trả lại cái gói hàng đó cho người gửi. Tuy đang là kẻ « cùng đinh », tôi cũng cảm thấy là mình bị hạ nhục bởi hành động vô văn hoá của cái Toà đại sứ kia. Vì thế mà tôi nhớ đến tận nay.

Rồi do thời cuộc đẩy đưa, khi tôi đã lập gia đình, và mời được bố mẹ tôi tới chung sống với vợ chồng tôi, thì bố mẹ tôi có làm lễ cúng tổ tiên ngày Tết. Thuở ấy ở Paris chưa có những hàng quán bán thực phầm châu Á như ngày nay. Mẹ tôi gói bánh chưng và giò thủ bằng giấy bóng vì không có lá dong lá chuối. Giò nạc thì chỉ có một hiệu thịt của Pháp – ở gần chợ Halles, Paris, lúc ấy chưa chuyển ra ngoại ô – không biết do ai chỉ dẫn cho họ, họ làm một thứ giò na ná, theo kiểu gói xúc xích mortadelle (5) : nhồi thịt lợn nạc xay vào boyau (ruột mỏng súc vật) khổ rộng, buộc chặt hai đầu lại, rồi luộc (chính là kiểu gói giò ngày nay, tất nhiên với nguyên liệu cải tiến, bán ở các hiệu thực phẩm châu Á ở Pháp). Gần Tết, vợ tôi đi mua thứ giò « tây » này ở đó mang về làm cỗ Tết. Được 4 năm thì bố tôi mất. Tôi vốn là con út, do tình cờ của thời cuộc mà ở chung với bố mẹ ; vợ tôi lại là người Pháp. Mẹ tôi thường tâm sự dặn dò vợ tôi là lúc nào mẹ tôi còn sống thì lo mua sắm các thức để mẹ tôi cúng giỗ, còn khi nào mẹ tôi mất rồi thì thôi. Vợ tôi theo đúng lời mẹ chồng dặn, nên từ 22 năm nay, tiểu gia đình tôi thôi cúng giỗ, và cũng ngưng Tết gia đình. Vào dịp Tết năm 2004, tôi vừa nghỉ hưu được vài tháng, vợ tôi e rằng tôi nhớ Tết quê nhà, muốn tôi khuây khỏa, nên khuyến khích tôi vẽ một bức tranh để đánh dấu một quãng đời tôi lập nghiệp ở nơi định cư. Vì thế nên tôi đã cố vẽ một bức tranh gỗ tự hoạ trong lễ phục giáo sư đại học Pháp, đánh dấu 40 năm lăn lộn với nền giáo dục đại học nước ngoài ; tôi vẽ tranh mà lòng ngổn ngang chút luyến tiếc là với chút kinh nghiệm của mình, tuy đã cố gắng mấy chục năm, tôi đã không đủ tài thuyết phục nổi quê nhà trong việc chấn hưng giáo dục đại học.

tet

Hình 3 : Ban hợp xướng phong trào Việt kiều tại Pháp (Tết 1967). Ảnh tư liệu của PNT.

Nhưng ngoài Tết gia đình, còn có Tết hội đoàn. Nhất là trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ và ngay sau đó, phong trào Việt kiều tổ chức hội Tết ở Hội trường Mutualité ở Paris (thuở ấy có thể chứa được đến khoảng hơn 3 ngàn người). Đó cũng là dịp để làm công tác chính trị ngoại giao. Trong số khách được mời dự, có các quan chức chính quyền Việt Nam và chính quyền sở tại, đại diện các chính đảng, đoàn thể, các nhân sĩ Pháp, nước ngoài, và Việt kiều, (để tranh thủ sự đoàn kết ủng hộ cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc của Việt Nam, đòi hoà bình, kêu gọi tăng cường hữu nghị vv.), và tất nhiên là rất đông đảo bà con mọi giới. Có các tiết mục văn nghệ như hợp xướng, múa, ca kịch, vv. do Ban văn nghệ « nghiệp dư » của phong trào Việt kiều trình diễn – thuở ấy chưa nhập loại nhạc « phòng trà » ủy mị vào các buổi hội này, mà còn là thời của các bài ca hùng tráng, trang nghiêm, và được phần đông đánh giá là trình độ nghệ thuật cao (Hình 3). Nhưng đầu buổi bao giờ cũng có diễn văn chào mừng, bằng hai thứ tiếng : Pháp và Việt. Một lần, tôi không nhớ là năm nào, tôi được anh chị em phụ trách phong trào chỉ định đọc bài diễn văn bằng tiếng Pháp. Thoạt đầu tôi từ chối, viện lý do là tôi phát âm tiếng Pháp không chuẩn – thật vậy, tuy vốn tiếng Pháp của tôi tương đối hoàn chỉnh, và tuy vợ tôi là người Pháp, nhưng do hoàn cảnh thuở niên thiếu như kể trên, tôi đã buộc phải tự học để đi thi ; không được học ở trường, thì không ai sửa cho cách phát âm, nên sau đó dù cố gắng tôi vẫn không sao triệt được cái giọng (accent) Việt Nam của tôi khi phát âm. Nhưng có một anh hỏi vặn tôi là khi tôi lên lớp ở giảng đường đại học cho sinh viên Pháp thì sao không nêu lý do này ; trong trường hợp này, hỏi vặn cũng là một cách khuyến khích ; do đó tôi đành phải nhận, nhất là được cho phép được thảo bài diễn văn dài ngắn tuỳ khả năng miễn là đủ ý. Tôi vốn rất ghét những phát biểu tràng giang đại hải, lê thê nên tôi chỉ nói tất cả có 8 câu. Một đại điện một đảng chính trị lớn của Pháp bảo vợ tôi : chồng bà chỉ nói ngắn vậy mà đủ ý. Chắc ông ta cũng hàm ý nói là diễn văn các lần trước quá dài (6) . Tôi coi đó là một lời khen, nên nhớ đến tận nay.

Lại nhớ đến một câu chuyện lạ xảy ra vào Tết Canh Tuất 1970, thời Hội nghị Paris. Hồ Chủ tịch mất vài tháng trước đó. Vào dịp Tết, tôi nhận được một tấm thiếp chúc Tết, gửi qua bưu điện, về địa chỉ nhà riêng của tôi. Đó là một tấm thiếp màu hồng, in chữ vàng, có mấy lời chúc Tết. Có hai điều lạ : mấy câu chúc Tết, tuy viết bằng tiếng Việt, nhưng mang mấy lỗi chính tả ; tấm thiếp ký tên ông Trường Chinh, Chủ tịch Quốc hội. Thoạt đầu, tôi cũng không chú ý lắm, chỉ nghĩ rằng có một cán bộ nào đó « cẩu thả », không kiểm tra lỗi chính tả khi đưa in. Nhưng hôm sau, tôi lại nhận được một tấm thiếp chúc Tết khác, cũng màu hồng nhưng đậm hơn, cũng in chữ vàng nhưng không có lỗi chính tả (tôi nhớ hình như đề mấy dòng chúc mừng : « Cố gắng mới, Tiến bộ mới, Thắng lợi mới », gì đó), ký tên cụ Tôn Đức Thắng – (lúc ấy Cụ Tôn thay thế cụ Hồ ở cương vị Chủ tịch Nước). Lần này thì tôi thực sự ngạc nhiên. Tôi đem 2 tấm thiếp đó đi hỏi nơi có thẩm quyền; ít lâu sau thì có nguồn giải thích rằng : đó là một đòn tâm lý chiến của cơ quan tình báo Mỹ CIA ; tấm thiếp thứ nhất là một tấm thiếp giả, in ở Lào, gửi cho một số « nhân sĩ » để gây hoang mang, rằng nội bộ chính quyền miền Bắc đang có chuyện tranh giành, sau khi Hồ Chủ tịch mất, (tôi không hiểu tại sao « họ » biết địa chỉ riêng của tôi). Thực hay hư, tôi không có phương tiện kiểm chứng, vả lại từ ngày mang đi hỏi, tôi không còn trong tay 2 tấm thiếp ấy nữa để làm bằng chứng. Về chuyện này, còn có những câu hỏi bên lề mà tôi không biết câu trả lời. Nay tôi kể lại như một câu chuyện lạ đã xảy ra trong một dịp Tết, ai tin cũng được, ai không tin cũng chẳng sao.

Nhắc lại vài kỷ niệm trên, tôi mong đã góp phần mô tả một khía cạnh của cảnh Tết ở nước ngoài.

Năm mới, chúc quê nhà chóng chấn hưng, để cho những người ở xa, như tôi, giữ được chút niềm tin và hy vọng – dù là le lói – ở tương lai.

Bùi Trọng Liễu


(1) Bầu cử Quốc hội non 1 tháng trước đó (6/1/1946), chủ yếu là ở Bắc Bộ và ở Trung Bộ. Còn Nam Bộ bắt đầu Kháng chiến, không tổ chức bầu cử được, nhưng được dành 18 ghế. Hai đảng đối lập không chịu tham gia tuyển cử, được dành 50 ghế (cho Việt Nam Quốc Dân đảng) và 20 ghế (cho Việt Nam Cách mệnh Đồng minh hội) – nhưng nói chung được coi là cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên ở nước ta.

(2) Những thảm hoạ lịch sử lúc đó cũng chưa xảy ra, như chiến tranh lâu dài, một phần người Việt Nam theo ngoại bang, càn quét, chém giết ; lúc ấy cũng chưa có áp dụng ý thức hệ nặng nề, chỉnh huấn, đấu tố trong cải cách ruộng đất ; chưa có chia cắt đất nước ; chưa có thuyền nhân, vv. Lúc ấy Ngân quỹ Nhà nước trống rỗng. Theo lời kể của ông Nguyễn Mạnh Hà, bộ trưởng Kinh tế Chính phủ Lâm thời, lúc đó bộ trưởng không có lương, cơm nhà việc nước, cần tiền cho công việc thì hỏi bộ Tài chính. Ngày 8/9/1945, Chính phủ lâm thời quyết định tổ chức Tuần lễ Vàng, mọi tầng lớp cả nước hiến vàng để góp vào quỹ Quốc phòng. Nhiều gia đình tư sản đã tự nguyện đóng góp những khoản lớn. Các gia đình ở thành phố đều đem tặng tư trang. Nghe nói ở thôn quê nghèo, có những cô thôn nữ dành dụm được chiếc khuyên vàng cho ngày cưới sau này, cũng đem đóng góp. Ở Huế, bà Nam Phương (vợ ông Bảo Đại lúc đó đã thoái vị), cũng đem tư trang của mình đóng góp vào đó. Nạn đói xảy ra trước đó chưa khắc phục được. Tuy không có sử liệu nào ghi chép, nhưng tôi còn nhớ là thuở đó có lời Hồ Chủ tịch kêu gọi mọi gia đình mỗi tuần nhịn một bữa cơm để góp gạo cứu đói. Không biết có gia đình nào thực sự nhịn ăn một bữa không, nhưng mỗi tuần góp gạo cứu đói thì quả là có (như trường hợp gia đình tôi). Cũng có câu chuyện vui là ở mấy phố buôn bán ở Hà Nội, mấy ông bà chủ hiệu, nhịn cơm để đi… ăn phở. Dù sao sự góp gạo là có thật, ít ra cũng có ở Hà Nội hồi đó, trong mấy tuần. Thuở ấy cũng chưa thương mại hoá giáo dục một cách đại trà, chưa dùng chuyện học để kiếm lời, chưa có chuyện học giả bằng thật, vv. Về mặt tương trợ lẫn nhau, chênh lệch giàu nghèo chưa quá đáng ; chưa có cảnh người giàu ăn thừa mứa, nhập đồ ngoại chơi sang, mà không góp chút đỉnh cho người nghèo. Cho nên niềm tin và hy vọng ở một tương lai xán lạn còn đang tràn trề.

(3) Xem thêm chú thích (11) bài Cố nhân về chuyện đổi tiền.

(4) Nhưng không phải ở dưỡng đường nào cũng có thể ăn Tết. Thí dụ như Đông-Xuân 1955, tôi nằm chữa bệnh ở Sanatorium ở Saint-Hilaire-du-Touvet ở gần Grenoble (xem hình 2 : nhìn bề ngoài là một thiên đường, nhưng cuộc sống bên trong là một « địa ngục » đối với tôi). Thuở đó quan niệm chữa bệnh lao còn thô sơ, cộng thêm với sự diễn giải phương pháp chữa của ông bệnh viện trưởng già và độc đoán, càng thêm kỳ dị. Trong 6 tháng ở đó, cũng như các bệnh nhân « nặng » khác, tôi bị nhốt ngày đêm trong phòng (hai bệnh nhân một phòng), không được đi dạo ngay cả ngoài hàng lang dù là chốc lát. Bị thuốc tiêm nhỏ giọt, thuốc uống, bị buộc nằm liệt trên giường dù là ăn uống, nên lục phủ ngũ tạng đều hư hỏng, hậu quả cho đến nay. Tuy vậy, tôi cũng phải cố gượng học qua sách – tuy không biết chính xác chương trình giảng dạy ở giảng đường đại học Paris là gì (thời đó, chưa có những phương tiện sao chụp hay in giáo án như sau này) – mà nếu tôi không gượng học để về đi thi lấy bằng, thì sau đó không biết kiếm nguồn ở đâu để mà sinh sống. Tối bị tắt đèn sớm, tôi phải làm cái « chụp đèn » kiểu thời chiến để lén học khuya. Sau 6 tháng, tôi mới xin được chuyển về một dưỡng đường khác (Bouffémont) ở vùng bắc Paris. Trong khung cảnh đó, làm gì mà có hơi sức để mà nghĩ đến ăn Tết, một thứ xa xỉ không thể với tới !

Nhân dịp này, cũng xin kể dài dòng một chút về khả năng kiếm thêm chút tiền trong thời kỳ sống trong dưỡng đường. Không phải ở nói nào cũng có khả năng này : chỉ khi nào tình hình sức khoẻ đã kha khá, được về dưỡng bệnh ở các dưỡng đường « postcure » vùng Paris – đặc biệt là 2 dưỡng đường « postcure » ở phố Quatrefages ngay trong Paris, và ở Sceaux ngoại ô Paris, thì mới có may mắn này. Vốn là thuở ấy, có một bệnh nhân cũ, tên là Ch., cựu giáo viên một trường trung học, nảy ra một sáng kiến : anh ta sáng lập ra một cái « trường » dạy học bằng thư từ, mang tên là « Ecole universitaire par correspondance ». Cái tên cũng lạ, nhưng có lý do của nó : thuở đó, có một cái « trường tư thục » mang tên là Ecole Universelle, dạy qua thư từ (qua bưu điện : gửi bài giảng, gửi bài tập, học sinh trả tiền ghi tên học cũng gửi bài làm qua thư từ, bài chấm xong cũng được gửi lại bằng bưu điện ; dạy linh tinh đủ thứ ; nhưng trường này được nhiều người biết ; đến nay còn tồn tại, được 101 năm rồi !). Cho nên Ch. mới « mượn gió bẻ măng » đặt tên trường là « Ecole universitaire par correspondance ». Thuở ấy, các kỳ thi tú tài Pháp (phần 1 cũng như phần 2) đều có khoá thi trước hè và khoá thi sau hè. Các gia đình có con thi trượt khoá trước hè, cố gắng bỏ tiền ghi tên cho con học trong mùa hè, để sửa soạn cho khoá thi sau hè. Trường của Ch. gửi bài học ôn và bài tập cho đám học sinh này, và tuyển trong dưỡng đường những bệnh nhân nào có bằng cử nhân hay xấp xỉ, để chấm bài, trước khi gửi bài đã chấm lại cho học sinh. Những người chấm bài, tuỳ theo khả năng và can đảm, nhận mỗi ngày một số bài để chấm, dăm chục hay cả trăm. Trong những giờ phải nằm nghỉ, cứ nằm trên giường mà chữa bài. Rồi theo số bài chữa mà được trả tiền. Nhờ vậy mà những người như tôi, hay Nguyễn Đình Ngọc, mỗi vụ hè, cũng kiếm thêm được chút tiền. (Ai muốn biết thêm về nhà tình báo, giáo sư, thiếu tướng công an Nguyễn Đình Ngọc, xin mời mở đọc bài  Cố nhân, trong Chương 6 của cuốn sách của tôi Học một sàng khôn, nxb Tri thức 2007, cũng có trên trang mạng buitronglieu). Sau này, khi bệnh lao được diệt ở Pháp, nhiều dưỡng đường chuyển hướng, trường của Ch. này cũng thôi, không tồn tại nữa.

Thời đó, nhiều khó khăn chồng chất, nhất là vật chất, bất đắc dĩ phải kiếm tiền. Có một lần tôi phải nhận đi làm « vai đám đông » (figurant) trong một cái phim hạng bét (phim La rivière des 3 jonques 1956 với đào Dominique Wilms và kép Jean Gaven), trong cảnh trong một hộp đêm, tôi phải quay lưng lại để ống quay không thấy mặt. Cái thời cực quá.

Ngày nay, đã về hưu, tôi có thì giờ ngẫm nghĩ lại quá khứ, và tôi nhận xét thấy rằng dù ở xã hội Việt Nam hay ở xã hội Pháp – ở các xã hội khác (như Mỹ ?) thì tôi không biết – trong giới đại học, « một số người» ngoài mồm thì hô hào bình đẳng, nhưng bên trong ngấm ngầm kỳ thị gốc gác, không ưa những kẻ từ cảnh bần cùng mà vượt ngoi lên một địa vị kha khá nào đó ; nếu không phải là con ông cháu cha đang tại chức, hay là không xuất thân từ cùng những nôi  « gà nòi » như họ, thì họ ganh tị … Làm quân cho họ thì có thể được họ che chở, muốn làm đồng nghiệp của họ thì họ gây sức cản rất lớn, do đố kị hạng người self-made men/women. Thuở trẻ, tôi u mê không nhận ra, cứ băn khoăn tại sao đời mình cứ mười chuyện thất bại mới có được một chuyện thành công. Đó có lẽ tại là thời nhỏ, tôi đã bị ảnh hưởng quá nặng của một thứ luân lý Khổng Mạnh nào đó, ngây ngô tin tưởng tuyệt đối ở một thứ « méritocratie » lý tưởng (ưu tiên sử dụng những hạng người xứng đáng), tôi đã bị ảnh hưởng của những chuyện như :

Chuyện ông Bùi Xương Trạch, trong Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú : thuở trẻ nhà nghèo, theo việc cày cấy, nhưng chăm học, vừa bừa vừa học. Năm 28 tuổi đỗ đồng tiến sĩ năm 1478 đời vua Lê Thánh tông. Tương truyền hôm treo bảng ông còn cày ở ruộng. Sau làm quan đến chức thượng thư, tước Quảng quận công.

Rồi tôi cũng tỉnh ngộ. Té ra thời nào cũng có lý lịch nấy… Tôi viết mấy dòng này, không hề trong ý than vãn chua chát, mà coi đây như một lời chứng của một thời đã qua.

(5) Mortadelle thực ra là một món ăn gốc Ý (Mortadella) đặc sản của vùng Bologna. Đó là một thứ xúc xích khổ rộng, đường kính rất rộng, (có thể rộng hơn đường kính của chiếc giò ta nhiều), nhồi thịt trong khúc ruột mỏng, có thể là thịt lợn hay thịt khác, thí dụ như thịt cừu non.

(6) Tôi không phải là người viết tiểu thuyết ; tôi chỉ là người kể chuyện. Nay tôi đã nghỉ hưu và đã thôi công tác hội đoàn từ lâu. Đã mấy chục năm trôi qua, đủ « thời hiệu » (prescription) để kể ra mà không làm phiền cho ai, nên tôi xin kể vài chuyện như những lời chứng. Hồi làm công tác hội đoàn, vì lợi ích chung của tập thể, của đất nước Việt Nam, tôi đã nhiều lần phải nín nhịn, dù là « đối với ta », hay « đối với bạn ». Tôi xin kể hai chuyện vặt :

a/ Chuyện « đối với ta » : Điển hình nhất của sự lê thê phát biểu là một buổi mít tinh thời đầu Mỹ bỏ bom miền Bắc, tôi không nhớ năm nào (có lẽ cuối 1965 ?), do cơ quan Tổng Đại diện của ta ở Pháp tổ chức – (lúc đó chưa nâng lên hàng Sứ quán) – tại một phòng mượn của Sứ quán xã hội chủ nghĩa Bun-ga-ri. Một cán bộ phát biểu trong 2 tiếng đồng hồ, diễn văn ứng khẩu, không có dàn bài, ý tưởng tù mù không thứ tự, lắp đi lắp lại, dường như ông thích nói mà lại không biết nói gì. Sau đó cử tọa lại bị quất thêm cho một « chiêu » : được xem phim-vở múa Hồng sắc nương tử quân 紅色娘子軍 (Đội hồng quân phụ nữ) của Trung quốc, hình như tiếng Pháp gọi là film-ballet « le Détachement féminin rouge », một trong những tác phẩm sân khấu được coi là nổi bật của thời Đại Cách mạng văn hóa (tuy đề tài là một đội nữ hồng quân ở đảo Hải Nam thời kháng Nhật). Tất nhiên, hồi đó tôi im lặng không nói gì. Nhưng nay nhớ tới, tôi còn choáng váng. (Cám ơn anh K.V. đã cho tôi chi tiết về xuất xứ của phim-vở múa « Hồng sắc nương tử quân »).

b/ Chuyện « đối với bạn » : Tôi có một bà đồng nghiệp Pháp vong niên, người phái tả chính cống. Bà là con gái một nhà khoa học danh vọng lớn, bà cũng là vợ của một nhà khoa học nổi danh, phía bên chồng cũng như gia đình bà đều là những vọng tộc, lại có họ hàng thân trong giới cầm quyền. Hồi chiến tranh Việt-Mỹ, lúc Mỹ bắt đầu bỏ bom miền Bắc, bà cũng giới thiệu với tôi một vài nhà khoa học Pháp, để tôi tranh thủ họ ủng hộ Việt Nam. Nhưng tôi cũng « ngớ người » khi bà bảo tôi : « Mấy người Việt Nam sống ở Pháp, sao không về Việt Nam để đấu tranh bảo vệ nước mình ? ». Rồi bà bĩu môi bảo tôi : « Họ là những người thận trọng cho bản thân họ ». Tôi đang cần tranh thủ sự ủng hộ, nên tôi nín lặng không trả lời, nhưng tôi nghĩ thầm : « Chắc vì gia đình đôi bên của bà, nên bà tự cho mình là ngoại lệ. Bà gốc Do Thái, luôn luôn đề cao Do Thái ; nước Israel lâm nguy từ bao năm, sao bà không về đó để bảo vệ, mà lại ở Pháp dạy khôn người khác!». Cũng may là chồng bà ta là người đàng hoàng hơn. Dù sao – vẫn do ảnh hưởng của luân lý cổ xưa, dạy rằng chớ nên là người « ơn lớn thì chóng quên, thù nhỏ thì nhớ mãi » – trong công tác chung, tôi là người « thù lớn thì bỏ sang một bên, ơn nhỏ thì cũng phải trả» ; nên sau này, khi hòa bình đã lập lại, tôi đã cố thu xếp để bà được mời sang thăm Việt Nam một chuyến và bà đã được tiếp đãi long trọng.

Kể vậy để nói rằng thuở còn gian nan công tác hội đoàn, cũng phải chịu những thiệt thòi sứt mẻ cá nhân, chứ không phải như có người tưởng rằng những loại người như tôi là loại « ăn cỗ thì đi trước, lội nước thì đi sau ». Kể lại để tạm coi như là chuyện « giải trí» ngày đầu năm.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss